quote:
Gởi bởi xv05
quote:
Gởi bởi Huệ
Trở lại chuyện bà Dương Nguyệt Ánh, thuở nhỏ mơ làm nhà văn mà sau vâng lời thân phụ theo học ngành thực tế. Còn chị, ngày chị còn thơ, ba chị mơ ước con gái ông lớn lên theo nghiệp văn chương. Khi chị mới năm sáu tuổi, ông kể chị nghe về Anne Frank như một tấm gương. Thế mà chị lớn lên lại theo học và sinh sống bằng những nghề thực tế nhất thế giới.
Em nhớ có đọc ở đâu, lâu quá em quên rồi, có ông gì nổi tiếng lắm, viết về những cái "kém" của người Việt là nặng về văn chương chữ nghĩa và thích theo các ngành này hơn là các ngành khoa học kỹ thuật sáng tạo nên (là một trong nhg~ lý do khiến) nước mình chậm tiến (!!!)
Cô bé XV mới bốn năm tuổi mà thuộc thơ Nguyễn Bính và Đi Chùa Hương thì thuộc vào hạng thần đồng rồi. Ngày xưa bên mình không có những chương trình cho trẻ em "gifted and talented" thật là đáng tiếc. Bây giờ cô lớn lên cô viết tập "Viết Cho V." chị rất ái mộ và đã in ra để dành (sợ cô xóa bất thình lình). Đối với một độc giả như chị, đây là một tác phẩm văn chương xuất thần, qua đó tác giả đã gửi gấm tâm tình của một người mẹ rất tuyệt vời. Tuyệt vời ở chỗ những cảm xúc rất thật, rất đẹp, rất positive (chị không diễn tả điều này bắng tiếng Việt được, xin lỗi XV), và rất original (cũng không biết diễn tả bằng tiếng Việt). Tuyệt vời là tác giả có một ngòi bút rất linh diệu, chuyển được đến người đọc những cảm xúc của một người mẹ qua nhiều kỷ niệm khác nhau (chị nói cảm xúc, không chỉ những sự kiện), và chuyên chở được những điều sâu kín nhất của tâm tư mà vẫn giữ cho mình được những điều trong cuộc sống rất riêng. Lâu nay chị không nói ra, nhưng vẫn phục.
Theo chị nghĩ, nặng về văn chương, chữ nghĩa là điều quý, không kém gì các ngành khoa học, kỹ thuật, sáng tạo, miễn là đừng từ chương thì không sao. Chị còn nhớ, khi mới sang Mỹ, chị đi học lại (1985), có được đọc một bài viết về sự cần thiết của những môn văn chương, triết lý, và nhân văn để có được một chương trình giáo dục hoàn chỉnh. Bài này viết bởi ông William Bennett, bộ trưởng bộ Giáo Dục đương thời (thời tổng thống Ronald Reagan). William Bennett viết bài này để khuyến khích sinh viên nuôi dưỡng trái tim của mình, chứ đừng chỉ coi trọng khối óc. Ông quan niệm rằng chính những môn nhân văn này mới giúp cho sinh viên hiểu biết, khôn ngoan, trưởng thành và thành công (có lẽ tương tự như PC viết về nhà văn Lỗ Tấn ở trên) khi ứng dụng những môn khoa học, kỹ thuật, sáng tạo vào công việc làm ăn, và cống hiến tài năng của mình cho cuộc đời. Vì quan niệm và chương trình này của William Bennett mà chị tôn ông làm thần tượng, chị cứ chờ ông ra ứng cử tổng thống để chị bỏ phiếu. Chị có mua quyển sách The Book of Virtues của William Bennett để đọc say mê.
Nói như vậy không có nghĩa là nhân văn quan trọng hơn khoa học, hay khoa học quan trọng hơn nhân văn. Chị nghĩ nước Việt mình chậm tiến vì cách suy nghĩ và cách sống của đa số. Nước Việt, theo chị, chậm tiến vì đa số người dân có khuynh hướng đi trên những lối mòn năm cũ, sống rập khuôn, ngán ngại đổi mới, không dám thử lửa (risk taking), cầu an, hay chê (hơn là nâng đỡ và khích lệ) người thất bại, không biết quý thì giờ, phán xét về lợi hay hại nhiều hơn về đúng hay sai đối với công tâm, thích làm bạn với những người giống mình, hay chê những người khác mình (thì làm sao mà cầu tiến và học hỏi được từ người khác), vân vân. Những người làm việc về khoa học thời trước (không biết thời này sao nên không dám bàn) cũng không thấy sáng chế, phát minh hay cải tiến kỹ thuật là bao nhiêu. Nói chuyện nhỏ thôi, nhìn thấy đồ nghề làm bếp của phụ nữ Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn là biết, một là các bà phụ nữ các xứ ấy có đầu óc sáng chế, hai là các ông chồng, các ông con biết nghĩ ra cách giúp vợ, giúp mẹ, làm cho việc bếp núc nhẹ nhàng và vui thú. Còn đồ nghề làm bếp của phụ nữ Việt Nam không có bao nhiêu cái vừa tiện lợi, vừa đỡ tốn thì giờ, vừa vui mắt. Nhìn cái nạo dừa, cái dao bào, cái xắt sợi thu đủ, cà rốt, thậm chí cái quẹt dầu tráng chảo cắt từ bẹ chuối ra, là biết mặc dầu chúng ta có nhiều tài quán quyến và tháo vát, nhưng thường chỉ ngừng tại đó. Nhiều khi phụ nữ chúng ta nặng về việc tiết kiệm mà không nghĩ đến chuyện nhu cầu (demand) tạo ra sản xuất (supply), tạo ra công ăn, việc làm cho người khác, vô hình chung đưa đến việc lợi tức không được tái phân phát (re-distributed), nên người nghèo không biết làm sao để được thuê mướn vào quy trình sản xuất mà mưu sinh.
Trở lại chuyện văn chương, đó là một môn rất cao, để sáng tác và để thưởng thức. Chị nhớ, thời xưa khi chị còn nhỏ, thầy cô dạy văn chương rất được trọng vọng, thầy cô dạy mình sáng tác và thưởng thức. Thầy cô dạy từ môn ngữ vựng ở lớp hai, lớp ba, cho đến đệ thất, để lục, rồi dạy văn phạm, rồi dạy đọc văn thơ, bình văn thơ. Ở Việt nam thời đó mà quen được các nhà văn, nhà thơ, các phóng viên, ký giả, nhà báo là một điều hãnh diện. Những người làm văn học và viết lách này thời đó thường "tải đạo", không cần phải là "đạo luân lý" nhưng ít nhất họ cũng có một chủ đích, một thông điệp (message) trong khi viết. Chị thì thích ý nhiều hơn lời, nên không chú ý lắm về sự bóng bẩy của hình thức, sự lai láng của lượng tác phẩm, nhưng rất thích thú khi đọc văn thơ mà nhận được những thông điệp của các nhà văn, nhà thơ, dù chữ thì không bao nhiêu, mà lời thì rất đỗi quê mùa. Những người cầm bút là những nhà tư tưởng, họ nhìn thấy được muôn vẻ của cuộc đời, đằng sau muôn vẻ của cuộc đời và viết để truyền trao lại cho người đọc những tinh hoa mà họ khám phá được, thật là đáng trân trọng.
Vì vậy, cầm bút để trở thành nhà văn, nhà thơ, phóng viên, nhà báo không phải là chuyện ai cũng làm được.