Một chuyện của nghìn lẻ...
Trước năm 1979, A Phú Hãn có dân số vào khoảng hơn 15 triệu rưỡi người. Cuối năm 1979, Liên Xô ùn ùn kéo xe tăng vào và đổ xuống100,000 quân, rồi thêm 100,000 quân nữa, để chiếm đóng và thiết lập một chế độ xã hội chủ nghĩa tại A Phú Hãn. Dĩ nhiên là người A Phú Hãn chống lại, như châu chấu đá voi. Cuộc xâm lăng của Liên Xô những năm ấy đã giết hại hơn 600,000 người A Phú Hãn (con số không chính thức còn ghi gần 2 triệu người). Đoàn quân Liên Xô này đã làm kinh động và làm bắn tung tóe hơn 4 triệu rưỡi người văng qua các xứ lân cận. Hai triệu người chạy tán loạn về phía tây, sang biên giới Iran. Hai triệu rưỡi chạy tán loạn về phía đông, sang biên giới Pakistan. Số người chạy ra khỏi nước đi tị nạn như vậy chiếm hơn 1/4 dân số. Họ sống ở lều, thiếu, đói, lạnh và bệnh tật. Họ bị Pakistan xua đuổi. Họ bị Iran xua đuổi. Và để xua đuổi, cả Pakistan và Iran đều tìm cách gây khó khăn cho sự tiếp trợ từ bên ngoài, để những người tị nạn khốn khổ phải nản lòng mà bỏ đi xứ khác, hay phải quay về cố hương. Một số rất nhỏ trong hàng bốn năm triệu người tị nạn từ A Phú Hãn tìm được quê hương thứ hai tại châu Âu, Đức, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Na Uy...nhưng hàng bốn năm triệu còn lại không biết làm sao thoát khỏi những tấm lều tị nạn của mình, trong lúc luật lệ mới của Pakistan và Iran càng ngày càng thắt chặt.
Năm 1989, dưới áp lực của dư luận quốc tế, Liên Xô rút quân về. A Phú Hãn đã mất những nhân tài, những người trí thức của họ vào đoàn người tị nạn và vào các nước thứ ba, đất nước A Phú Hãn thế là từ từ lọt vào tay nhóm người Taliban một cách dễ dàng. Đến năm 1992, Taliban trở thành vững mạnh. Taliban là tên gọi nhóm người theo đạo Hồi quá khích của A Phú Hãn, trị dân và đặt luật lệ cầm quyền bằng tín lý Hồi giáo, có khi còn bảo hoàng hơn vua. Điển hình nhất của luật lệ Taliban là triệt để cấm giáo dục nữ giới, phụ nữ không được làm việc ngoài nhà, không được ra đường một mình mà không có sự che chở của cha, anh, chồng, mà hễ ra đường là phải trùm từ đầu tới chân bằng bộ áo burqa.
Vì thế, những người tị nạn đành mắc kẹt, chiến tranh đã chấm dứt cũng không có đường về. Họ lại tiếp tục làm người tị nạn. Thêm vào đó, đám khủng bố Al-Qaeda lại dùng đất A Phú Hãn để làm sào huyệt và làm trường huấn luyện. Khi A Phú Hãn không thể bắt giao Bin Laden sau cuộc khủng bố 11 tháng 9 tại New York, một cuộc chiến tranh mới lại xảy ra trên đất A Phú Hãn. Đoàn người tị nạn lại càng không tìm được lối quy cố hương.
Và ở biên giới những xứ tạm dung này, nơi chỉ có hai mùa nắng cực nóng và lạnh cực lạnh, khi mùa đông về, những tấm lều phần phật trong cơn gió, buốt lạnh quá, trẻ con chỉ còn có một cách là run.
Và vì vậy, những người biết đan đã hè nhau lại, đan tặng cho trẻ em tị nạn A Phú Hãn những đôi tất sơ sinh, những đôi tất trẻ con đang lớn, những chiếc mũ trùm đầu, những tấm mền nho nhỏ.
Tình hình A Phú Hãn không thấy khá hơn mà chỉ thấy càng ngày càng bi thảm. Huệ đã có duyên phước được gặp những người tị nạn A Phú Hãn vào cuối tháng 7 năm 1984. Trên giấy tờ, Huệ không phải là người tị nạn, mà sang Hoa Kỳ trong chương trình Ra Đi Trong Vòng Trật Tự và với tư cách di dân. Huệ đi trong đoàn người "di dân" từ Việt Nam, khi đổi máy bay, gặp một đoàn ba mươi bảy người "di dân" từ biên giới A Phú Hãn sang. Trên giấy tờ không phải là người tị nạn, nhưng Huệ thực sự là một người tị nạn. Những người A Phú Hãn kia cũng vậy. Nên lòng vẫn nhớ, vẫn thấy chính mình trong những con người ngơ ngác kia, và vẫn thấy hình như trong chính bản thân mình cũng có đâu đó hình bóng họ. Nên Huệ thường hay để ý đến A Phú Hãn. Chẳng biết làm gì, Huệ bắt đầu đan tất cho trẻ con A Phú Hãn.