Một Thời Để Nhớ
Hình ảnh về quê hương trong trí nhớ của Mai là Phú Vinh, một làng nhỏ nằm dọc quốc lộ số 1, cách thị xã Nha Trang chừng năm cây số. Năm cây số bây giờ đối với Mai chẳng bao xa, nhưng thời ấy Mai nghe chuyện dưới Nha Trang sao quan trọng như một chuyến đi dài. Có lẽ khoảng cách không nằm trên con đường, nhưng nơi đời sống cách biệt nhau xa, khiến Mai mỗi lần theo mẹ lên xe ngựa để đi Nha Trang lại cảm thấy mình thật là một người từ quê lên tỉnh. Mai không chôn nhau cắt rốn ở đây, nhưng Nha Trang đã cưu mang gia đình Mai từ ngày di cư và ấp ủ tuổi thơ của Mai trong những năm tháng thanh bình nhất, nên Mai yêu Phú Vinh như yêu nguồn cội mình.
Mai nhớ chuyện trường, chuyện lớp, chuyện thầy cô, bạn học thì ít, mà nhớ lũ bạn hàng xóm cùng chơi đùa và những người dân mộc mạc trong làng thì nhiều. Mai gọi bà nội của Na, Mùi cũng bằng bà nội, gọi ba má tụi nó bằng cậu Sáu, mợ Sáu, gọi ba má chị Chút bằng cô Ba, dượng Ba, y hệt như mọi đứa trẻ khác. Nhà nào ở gần làm bà con gần, nhà nào ở xa làm họ hàng xa. Mai chạy từ nhà này sang nhà khác như nhà của mình. Nhà ở đây liền sân, không có hàng rào, nhiều khi cách nhau chỉ một ngạch cửa. Mai đi luồng tuông, nhiều khi từ nhà trên xuống nhà dưới không thấy ai. Ở đây cửa chỉ đóng vào buổi tối, mở hết khi trời rạng sáng. Trẻ con nhà này có thể nằm đưa võng ở nhà kia rồi ngủ quên, hết một giấc trưa là thường. Chiều tối cơm nước xong, Mai thường qua nhà Na, cùng với đám trẻ con xúm lại lột vỏ khoai mì cho mợ Sáu hôm sau luộc sớm bán buổi sáng, rồi Mai mới về nhà tập viết dưới ngọn đèn dầu. Mai đi ngủ với tiếng dế rích và tiếng ễnh ương ì ọp vọng từ ngoài ruộng, rồi thức dậy với tiếng gà đập cánh gáy chuyền từ sân này qua sân khác.
Ngày hè vui nhất, vì đó là lúc trẻ con có thể bày ra các trò chơi lý thú hay ăn ké vào những sinh hoạt ngày mùa. Mẹ Mai làm công chức cho quận, trụ sở ngay trước mặt nhà, nên Mai không phải phụ giúp việc đồng áng như trẻ con hàng xóm. Thế là Mai tha hồ chạy rong và từ đó siêng việc chú bác, nhác việc nhà. Mai đi kéo bể lò rèn cho cậu Sáu, phụ cô Ba xay bột làm bánh tráng, hay đem cỏ cho chuồng ngựa nhà dượng Tám, mãi đến khi mặt trời đứng bóng mới chạy về nhà, cũng kịp bên quận tiếng kẻng đánh lên, mẹ về ăn cơm trưa.
Các trò chơi thường bắt đầu khi đám sân nhỏ giữa nhà cô Ba và dượng Tám ngả bóng mát được một nửa. Sân này đất thịt, từ ngày bọn trẻ choán làm chỗ chơi, cỏ không dám mọc Hai ba đám hội bày ra. Bọn con gái thì búng dây thun, còn bọn con trai thì đánh bi, đánh đáo, đánh trỏng, đánh khăng. Tranh đua một chặp, thế nào cũng có vài đứa cãi nhau như một đám chọi gà. Ít có khi nào cô Tám khỏi thức dậy giữa giấc, vừa vấn tóc vừa bước ra rầy nhẹ: “Tui bay ồn ào quá, con nít không để người lớn nghỉ trưa.” Nhưng nhờ vậy cô Tám khỏi cần đồng hồ, cứ thế cầm cái nón tời, đi ra ngõ lò gạch, đóng gạch tiếp. Bọn Mai lại tiếp tục búng dây thun. Xế chiều đói bụng, đứa nào có tiền thì chạy lên quán nhà thằng Phết, thằng Lợt, mua bánh tráng về nhúng, chấm nước mắm ớt, ăn xuýt xoa với nhau. Những cái bánh tráng nướng nổi phồng lên, cong lại, thơm dòn, nhúng vào nước, quấn kèm với bánh tráng dày không nướng, ngon làm sao! Nhưng chắc chẳng bữa nào bánh tráng đủ thấm dạ dày, nên bữa nào cũng giấc chiều bọn Mai lại đi hái trái dại. Sau vườn nhà Mai có cây diệp và cây tầm ruột, nhưng không phải lúc nào trái cũng kịp già. Bọn Mai thích hái giủ giẻ ngoài đồng, hoặc đi lượm trái xi măng rụng trên mặt đường lộ. Trái dại, hột lớn, cơm ít, bọn Mai chỉ cần nhấm nháp rồi nhả ra, đủ cho vị ngọt của trái chín thấm vào đầu lưỡi là thấy thỏa thuê, ngon lành lắm rồi. No là khi cây nhàu đằng sau chi Công An có trái, hái chấm muối ớt, hay lò ấp vịt con của cô Thương có trứng không nở, cô gọi cho ăn thả cửa, khỏi trả tiền. Những tấm quà ngày ấy đạm bạc, nhưng nhắc lại Mai vẫn còn nuốt nước miếng và thương nhớ những đứa bạn nhỏ ở quê nghèo.
Tìm đâu những buổi tối hò reo trước sân chi Y Tế. Đêm không trăng, bọn Mai chơi đạp lon, đó là trò chơi đi trốn đi tìm của Phú Vinh, lấy một cái vỏ lon sữa bò làm chuẩn. Trời có trăng, một lũ hai chục đứa rủ nhau chơi u mọi, chơi rồng rắn, hay chơi ma da bắt ta lên bờ. Buổi tối chẳng bao giờ tàn nếu mẹ Mai không bắt đầu lên tiếng gọi mấy chi em Mai về ngủ, mợ Sáu gọi Na, Mùi, ai về nhà nấy. Làng thôn bỗng im lìm trong bóng đêm, đến tiếng chó sủa cũng không nghe thấy, bởi có ai là lạ ở đây đâu.
Mùa gặt còn vui hơn nữa. Mai bắt chước trẻ con, cũng đi mót lúa ngoài ruộng, đem những nhánh lúa sót về, cũng đạp lúa, cũng phơi, rồi dê lúa trước cơn gió chiều để chia thóc chắc thóc lép riêng ra, xong xay nhờ cái cối mây nhà cô Ba, lấy ít gạo nấu cơm trong những cái trách nung bằng đất, chơi bán đồ hàng. Rơm rạ người ta thường gánh về phơi khô, đắp lại thành đụn sau vườn mỗi nhà, làm chỗ tốt cho bọn trẻ núp trốn trong những trò chơi năm mười. Những đụn rơm rồi sẽ vơi dần, cho nghé lớn theo trâu, bê lớn theo bò, và để thưởng công cày xới cho cả đàn. Thửa ruộng khô nứt sau mùa gặt sẽ biến thành bãi trống để đám trẻ con bọn Mai sáng đi đào dế, chiều đi thả diều.
Mai thích nhất là được coi tát đìa. Người ta tát nước bằng gàu sòng hay gàu dai, chờ ao cạn tới bùn, để bắt cá. Hôm trời cho cũng có thể bắt bỏ giỏ đủ thứ, cá trầu, cá trê, cá rô, cua đồng, lươn và ốc. Trong lúc bọn trẻ khác lội xuống bắt tha hồ, đánh bùn vào mặt vào đầu nhau, chí choé dành chụp, Mai chỉ được đứng nhìn thèm thuồng ở trên bờ, vì mẹ Mai sợ con gặp rắn. Nỗi buồn duy nhất của Mai thuở ấy có lẽ chỉ là không bao giờ được sống tận cùng cuộc đời của những gia đình làm nông. Mai không được lội sông, tắm giếng, chăn bò. Chiều chiều bọn trẻ lùa đàn về chuồng, dí dọ gọi tên từng con bò, con trâu, Mai nghe sao muốn bắt chước quá. Thỉnh thoảng Mai bạo gan, lén mẹ theo bọn trẻ đánh đu theo xe bò trống, leo ngồi chật xe, lên tận Cây Số Năm, leo xuống, rồi thả bộ trở về. Những người đánh xe bò chẳng bao giờ buồn ngó lại phía sau, coi đó là món quà dành cho bọn nhỏ quen thuộc. Hôm nào may, trên đường về bọn Mai gặp xe ngựa trống của dượng Tám từ trên Thành trở về chuyến chót, lại leo lên, theo tiếng móng ngựa lóc cóc trên đường, càng về gần đến nhà càng chậm chậm cho bọn nhỏ lần lượt nhảy xuống.
Những ngày vui thơ ấu ấy tưởng chừng như vô tận. Chợt đến một sớm mai, ai nấy hốt hoảng bàn nhau về xác chết một người Việt Cộng bị dân vệ bắn còn nằm ở trụ sở xã Vĩnh Thông, cách Phú Vinh chừng hai cây số đường chim bay. Đó là lần đầu tiên Mai nghe biết đến chiến tranh. Rồi tin Việt Cộng hôm nay về Đồng Bò, hôm khác về Đồng Trăng, những ngày sau đó Mai mới để ý. Lúc này chiều chiều trên quốc lộ không những chỉ có xe lam bắc loa quảng cáo và rải chương trình các gánh cải lương mới về, hoặc phim Ấn Độ, cho mấy rạp hát dưới Nha Trang, mà còn có xe lam thông tin của quận, vừa chạy vừa phát thanh bài “Vài hàng gửi anh trìu mến, vừa rồi làng mới truyền tin, nói rằng nước non đang mong, đi quân dịch là thương nòi giống…” Mai bắt đầu lắng nghe tiếng kẻng tập họp dân vệ ở bên quận mỗi chiều. Có một cái gì đã khác, đầy đe dọa, mà trí khôn bé nhỏ của Mai chưa thể hiểu hết.
Nhưng Mai không thể quên một ngày hè, khi mẹ đột ngột thu xếp cửa nhà để theo quận dời trụ sở về Đồng Đế, Nha Trang. Mai không kịp từ giã bạn học, chỉ kịp chia tay đám bạn hàng xóm, lên xe cam nhông xuôi về Nha Trang. Con đường quốc lộ tráng nhựa bóng lên trong ánh nắng mùa hè, hai bên là những cây muồng, hoa vàng, trái khô, đưa Mai rời xa miền quê thơ ấu. Mai quay lại nhìn những nếp nhà gạch nhỏ xa dần sau làn nước mắt. Nhà nào cũng có một lu nước trong và một chiếc gáo dừa trước ngõ để đãi khách lạ đi đường. Xe chạy qua lò gạch, trường Vĩnh Châu của Mai, chợ Cây Dừa, cầu Dứa bằng gỗ, qua Ngọc Hội, đường xe lửa, chợ Vĩnh Điềm, Mã Vòng, rồi vào thị xã Nha Trang. Chuyến xe đó dừng lại ở Đồng Đế tám năm. Chuyến xe cuộc đời sau này còn đưa Mai đi xa hơn, xa hơn nữa, xa tới tận bên kia một đại dương. Mai đã đi qua nhiều miền đất lạ, với cảnh tú người thanh, nhưng Phú Vinh vẫn mãi mãi là nơi lòng Mai ở lại.
Hoài Hương