Huệ chào làm quen với chị gdt. Nói về tiếng
mình ên thì đa số những người miền Nam, mà Huệ đã từng nghe họ dùng chữ này, phát âm là
mình ơn, trài trại giữa âm ê và âm ơ. Tiếng
mình ên nghe dễ thương làm sao và nếu nó không có nghĩa tục thì mình cũng hy vọng là nó còn hoài với thời gian, trong ngôn ngữ của dân tộc. Không phải vì nó dễ thương, nhưng nó là bản sắc của địa phương, rất quý. Đôi khi nghe được những chữ không nghe thường ngày, mừng thiệt mừng, ví dụ nghe chữ
ù thì biết người nói là dân Phú Vinh, hoặc lớn lên ở Phú Vinh, Nha Trang. Người Phú Vinh dùng chữ
ù thay cho chữ
mập đó.
Rồi bàn về phép lịch sự khi ăn uống nhen.
Dù món ngon hay dở cũng ăn như nhau, chớ không có món ngon thì ăn nhiều còn món dở thì không đụng đũa. Phép lịch sự này rất có ý nghĩa, vừa có ân, vừa có lễ. Nhưng còn phép lịch sự ăn phải chừa lại thì Huệ không hiểu ý nghĩa của nó. Dân giàu hay dân nghèo cũng vậy, thức ăn là công lao khó nhọc của biết bao nhiêu người, qua bao giai đoạn, nhất là có cái tình của người nấu ở trỏng, không hiểu sao mình lại nên chừa...cặn? Hồi xưa, ông Dr. Drott, người Đức, dạy Huệ ở Trung Tâm Văn Hóa Đức, có giảng rằng có
hai cái không ở trên bàn ăn của người Đức: không có nước lạnh trên bàn ăn
(họ dọn các thứ nước uống khác) và không có thức ăn còn dư trên dĩa của mình trên bàn ăn
. Muốn ăn bao nhiêu, người Đức múc bấy nhiêu thức ăn vào dĩa của mình, mà đã múc vào dĩa rồi là họ ăn cho hết sạch để tỏ lòng cảm tạ (trời) là họ đã có bữa ăn. Thấy điều này hay, Huệ cũng học theo lời thầy Drott giảng dạy
(chỉ điều này thôi, còn Huệ vẫn dọn nước lạnh trên bàn ăn như thường lệ).
Gõ xong đọc lại thì thấy hay là vầy. Phải chăng khi ăn những món nước mình nên chừa chút lại để khỏi có cái cảnh húp hay lấy cái muỗng cạo đáy tô kêu quẹt quẹt? Ai có ý kiến thêm thì vô đây bàn giùm nhen (bàn ở đâu cũng vậy thôi
, bàn đây tui cám ơn). Nói bên lề chuyện húp. Khi nào nấu bún bò (chỉ đặc biệt bún bò mà thôi), Huệ để dành lại một tô nhỏ cho đầu bếp. Chờ khi nào không có ai ở nhà, đầu bếp làm một tô bún bò nóng hổi, hành ngò tiêu ớt xun xoe, tô tay trái (tô leo khỏi bàn ăn
), đũa tay phải, đầu bếp thoải mái ăn một mình tô bún bò nhỏ này bằng đũa, nô muỗng
. Chèn, ăn vầy mới là tô đặc biệt mà đầu bếp cũng thực hành được lời thầy Drott giảng dạy một cách tối đa
. Ai không hiểu tại sao thì thử bún bò húp một lần là biết.