quote:
Gởi bởi tonka
Hôm qua nghĩ tới vấn đề này nhưng không viết xuống ngay nên chữ nghĩa và ý tưởng nó rong chơi đâu mất rồi chị B ơi
Vì thương yêu mà dạy bảo, không nên để việc "mặt mũi" làm kỳ đà cản mũi
Từ từ nha, tui nhớ tới đâu thì sẽ nói tới đó
Bởi vậy, nghĩ gì phải viết xuống ngay, kẻo quên, chị Tonka ơi. Đây nè:
ĐÁNH CONNăm đó tôi chưa có đứa nào, về thăm chị tôi, chị cho con bé khoảng 7 tháng ăn một tô cháo to chàm vàm. Nó không ăn, chị đánh nó, tôi can: "Nó có biết gì đâu mà chị đánh nó? Sao lại đánh con đau quá vậy. Em nghĩ dạy con, không nên đánh con." Chị tôi phang ngay một câu mà tôi biết tôi sẽ nhớ mãi: "Mày có con đi rồi mày biết". Sau này, tôi có con, nghĩ lại, chị tôi nói đúng, nhiều khi không đánh, không được, nó làm mình bực mình quá đi, nói nó không nghe, thì chỉ còn cách đánh mà thôi. Nhưng tôi tuyệt nhiên, cố gắng hết sức, không bao giờ đánh con vì ép nó ăn không được.
Ngày xưa, lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi, bác tôi, cứ muốn cho chúng tôi ăn, cứ dụ khị, "ăn đi con, ăn đi cháu, ngon lắm!" Cái chữ "ngon lắm" hết bị bác tôi chế nhạo, rồi đến bố tôi chế nhạo, tôi thấy thường thường là nó phản tác dụng, nhất là ở xứ sở "dư bơ, nhiều mỡ" này, mà cái vấn đề là tại nó không ngon, thì nó mới còn đó thôi, chứ thử ngon coi, khỏi cần phải mời, chúng vẫn tranh nhau ăn hết, người ta bảo "của không ngon, nhà đông con cũng hết" mà lị. Tôi chơi chiêu khác, ngon hay không ngon gì, tôi cũng ra vẻ ơ hờ, ăn đi con, không ngon lắm đâu, nhưng không ăn bây giờ, chút nữa đói, mẹ không nấu cái gì cho ăn đâu, không ăn bây giờ chút nữa hết ráng chịu. Cái chiến lược nấu ăn của tôi khác với nhiều người, nấu cái gì tôi cũng nấu in ít, chưa kịp phát giác ra đồ ăn dở thì chúng cũng hết rồi, khỏi lo sợ ế, rồi phải mời, mệt!
Tôi vẫn không đồng ý với chị tôi về việc đánh con để bắt chúng ăn. Té ra, ăn uống mà bị tra tấn như vậy thì ai mà dám ăn nữa? Muốn chúng ăn đồ ăn nào mà mình cho là tốt thì nên nấu theo khẩu vị của bọn chúng, đừng nấu theo khẩu vị của mình, rồi ngồi đó năn nỉ. Lắm lúc, tôi phát cáu, tôi bảo những người mẹ đó, chị hay cô thử ăn một miếng coi, tôi nhìn mà còn thấy ngán thì huống gì là bọn con nít, đừng coi thường tụi nó như vậy chứ.
Đánh con vì những lỗi nhỏ nhặt cũng không nên. Cái bóng đèn bị bể vì quả banh tung lên, cái chén bị bể vì tay trơn, tay chân bị trầy vì bị té, là những điều không thể tránh khỏi đối với con nít, thì đánh chúng nó để làm gì? Tuy nhiên, nếu mình nhìn thấy nó có thể bể, có thể trầy, mình nói với chúng một lần, hai lần rồi, mà chúng vẫn làm, thì lúc đó tôi sẽ đánh, và đánh thật mạnh tay. Có người đánh con xong, thấy chúng đau, lại thấy thương hại, rồi xin lỗi chúng. Tôi thì không làm như vậy, đánh xong, bắt chúng khoanh tay lại xin lỗi tôi, cho dù con có đau, con cũng phải xin lỗi mẹ, vì đánh con đau, mẹ còn đau hơn, con làm cho mẹ đau, con phải xin lỗi mẹ, đơn giản là như vậy.
Có người cho tôi là típ người lạnh lùng, cứng rắn đối với con cái. Xin thưa, dạy con thì phải cứng rắn, chứ thật lòng, bà mẹ nào cũng rất mềm yếu. Có một lần, một người bạn đến nhờ tôi giữ giùm con chị. Tôi hỏi tại sao không nhờ người em của chị ấy vẫn thường giữ con chị trước kia, chị nói, người em đó đánh con chị, trước mặt chị, mặc dù cái lỗi đó không phải của nó. Tôi không được nhìn thấy cảnh đó, nhưng tưởng tượng một con bé 3 tuổi, ốm yếu, bị tát đến đỏ cả mặt, ngay trước mặt mẹ nó, tôi ứa nước mắt, khóc ngon lành, mặc dù chỉ là con chị bạn, chứ không phải con mình. Như vậy, tôi cũng đâu phải là típ người cứng rắn lắm đâu phải không? Và nếu đứa bé đó là con tôi thì tôi sẽ còn xót xa đến thế nào nữa?
Bình Nguyên
Tháng giêng, 2007.