Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

7 Pages«<567
Dạy con từ thuở còn thơ...
Binh Nguyen
#121 Posted : Wednesday, September 1, 2010 12:39:38 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
Em biết chị sẽ chẳng bao giờ vào đây để đọc những dòng chữ này vì chị quá bận rộn với công ăn việc làm, chị đang say kiếm tiền để lo cho gia đình, lo cho cha mẹ, lo cho em út và còn bao nhiêu thứ để lo. Sau đó lại phải lo dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng, lo cho đứa con nhỏ, lo cho đứa con lớn, thì còn thì giờ đâu để vào đây đọc những dòng chữ vô can này chứ? Em nói hay khuyên điều gì thì chị bảo em nói nhiều quá, những điều em nói chị biết hết rồi, không cần phải nghe nói nữa chỉ làm chị nhức đầu. Nặng nề hơn, chị bảo em chanh chua, em trả lời chị, ngày xưa bà nội có dạy em "giáo đa thành oán" em chẳng muốn dạy ai hết lại càng không dám thất lễ để dạy chị nhưng thấy chị dạy bảo những đứa con của chị một cách vô lý quá và bây giờ đứa nào cũng hư làm chị buồn, cho nên em viết ra đây, hy vọng một ngày nào đó, chị sẽ có dịp đọc những dòng chữ này và thay đổi cách dạy con của chị.

Anh chị hay cãi nhau trước mặt con, điều đó sẽ làm gương xấu cho các cháu, vì lúc cãi nhau ai cũng nóng giận và hay thốt ra những lời hỗn hào, nghịch nhĩ. Người lớn mà còn không kiểm soát được lời ăn, tiếng nói của mình, thoát ra những lời nhục mạ một cách vô tội vạ như vậy cho hả cơn tức của mình, thì chị thử nghĩ xem đứa trẻ 13, 14 tuổi làm sao kiểm soát được lời ăn tiếng nói của nó? Chị bảo nó lớn rồi, 13, 14 tuổi rồi phải biết suy nghĩ chứ, chị nghĩ xem bây giờ mình 30, 40 hết rồi mà khi em nói, anh chị còn không chịu nghe, không chịu suy nghĩ, thì làm sao anh chị lại bắt buộc một đứa nhỏ phải biết suy nghĩ? Anh chị hay la con, chửi con, hét lớn bắt nó phải làm cái này, buộc nó phải làm thế kia, không phải chỉ để kêu tụi nó làm những việc đó mà theo em thấy anh chị chỉ muốn chứng tỏ cho những người chung quanh thấy là anh chị biết dạy con, anh chị nói chúng nó phải nghe, anh chị muốn thị oai với mọi người thì đúng hơn là dạy dỗ nó. Em thấy anh bảo thằng bé đi cắt cỏ, nó đi cắt cỏ. Em thấy chị bảo con bé đi rửa chén, nó đi rửa chén. Anh chị có vẻ tự hào "mày thấy chưa, con tao nó biết nghe lời như vậy đó, chứ đâu phải như con mày, cái gì cũng kêu không biết làm rồi chẳng chịu làm gì cả." Như vậy là những đứa trẻ con anh chị nó đâu có hư, nó biết nghe lời đó chứ và nó cũng biết làm những công việc mà anh chị sai bảo đó chứ, vậy thì tại sao anh chị còn la mắng nó, nói chuyện với tụi nó cứ phải dùng những lời trái tai, hoặc những đòn roi làm cho chúng nó đau đớn khi chúng nó phạm phải bất cứ một lỗi lầm gì? Trong thế giới này, con người nào cũng có lúc lầm lỗi, la mắng, quát tháo không có giải quyết được vấn đề mà chỉ làm thêm một tấm gương xấu để tụi nó soi vào và làm lại y chang như vậy. Bây giờ thì chị biết tại sao con chị hỗn hào rồi chưa?

Hãy bình tâm đọc tiếp những dòng kế tiếp của em đây vì chuyện dạy con, không thể chỉ một vài hàng là người đọc có thể lãnh ngộ được, nhất là những người nóng tính như anh chị. Cái cơ hội để anh chị vào đây đọc còn không có, huống hồ gì cái cơ hội để suy ngẫm, để thực hành và để hiểu? Anh chị sau khi la mắng, quát tháo, thì bắt đầu đưa ra những hình phạt, mày không làm cái này thì không được ăn, không làm cái kia thì không được đi chơi, không làm cái nọ thì không được mua một cái gì đó mà nó đang thích. Những hình phạt đó với người lớn thì nó chẳng có gì nhưng với những đứa con nít là cả một bầu trời, tại sao anh chị lại nỡ kéo sập cả bầu trời của nó, rồi sau đó dương dương tự đắc là gia đình mình có quy củ, có thưởng phạt phân minh rõ ràng? Thôi để nói một cách cụ thể và dễ hiểu hơn, anh chị cấm không cho tụi nó lên internet, chát chít với bạn bè nó vì sợ nó gặp bạn xấu, kẻ xấu có thể dụ dỗ tụi nó làm việc bậy. Điều đó có chứ không phải không có nên mình vẫn cho nó chơi nhưng lâu lâu vẫn phải để mắt đến nó, đừng coi lén, cứ hỏi thẳng và xin coi thẳng, nếu nó từ chối không cho mình coi thì giải thích cho nó nghe là mình lo sợ cái gì, phải tâm sự với nó như người bạn để nó sẵn lòng thố lộ những gì mà nó đang nghĩ đang làm thì may ra có thể kiểm soát được chút xíu. Em chỉ nói một chút xíu ở đây thôi, chứ không thể kiểm soát hết vì những chuyện mấy đứa nhỏ nói với nhau có trăm hình, nghìn thức nhiều khi mình qua cái tuổi đó rồi mình đã không còn cập nhật để hiểu chúng nó nói cái gì nữa. Nếu anh chị có khám phá ra cái gì ghê gớm đối với anh chị thì cứ từ từ, đâu đã là tận cùng của thế giới, từ từ tìm hiểu hướng giải quyết, đâu cần phải hoảng loạn đến độ phải cắt đứt internet, la lối om xòm rồi phạt không cho tụi nó chơi internet nữa? Anh chị quên mất một điều bây giờ hiện đại lắm rồi, chúng nó có thể lên internet ở bất cứ nơi nào, anh chị đuổi nó ra đường là anh chị đang tiếp tay với kẻ xấu ngoài xã hội và anh chị lại càng không kiểm soát được hành động, tâm tư của con anh chị.
Binh Nguyen
#122 Posted : Thursday, September 9, 2010 1:05:58 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
Anh chị đẩy chúng nó ra đường, nó chơi ở đâu, anh chị không biết, nó sống ở đâu, anh chị không hay. Hỏi tới, thì anh chị nói, nó hỗn hào anh chị đuổi nó đi rồi, để nó qua cậu, cô, dì, chú hay bác gì đó của nó để họ dạy nó. Lạ nhỉ? Con của anh chị sinh ra lại đẩy tụi nó qua cho những người khác dạy bảo, cho ăn uống, lo lắng là sao? Trách nhiệm của cha mẹ là phải lo lắng cho tụi nó, anh chị không lo lại bảo đưa qua cho người khác dạy. Hiểu và gần gũi với tụi nó như anh chị còn chưa dạy được làm sao người khác có thể dạy được? Rồi anh chị bảo người này nghiêm khắc nó nghe, người kia dữ dằn nó sợ, khuyên bảo anh chị cách dạy tụi nó thì anh chị không nghe, anh chị còn phán một câu như nguyền rủa: "Con mày đến tuổi đó thì nó cũng vậy thôi, lúc đó mày cũng làm như tao!!!" Em nghe vậy nhưng em không chỉ trích, không cãi lại anh chị làm gì, cái chuyện xấu nhất đó có thể xảy ra cho em hay bất cứ người nào, em nói với anh chị rồi, đó không phải là tận cùng của thế giới, phải đi tìm hiểu nguyên do tại sao nó sinh ra như vậy, "trách mình trước rồi hãy trách người sau", thì con cái của mình cũng vậy, nó làm như thế nào đều phải có nguyên do của nó.

Sau đó, chị kể, cậu nó đánh nó đến chảy máu mũi, phải đi bác sĩ, bây giờ nó biết sợ và nó biết nghe lời rồi. Có thật là nó đã biết nghe lời rồi không hay là nó giữ sự bực tức ở trong lòng để một ngày nào đó nó sẽ bộc phát ra nói nôm na là trả thù? Em nghe chuyện mà bực mình nhưng cũng không dám cãi lại chị, em chỉ kể chị nghe chuyện của em, chuyện của người hàng xóm, chuyện của bạn bè để chị thấy em dạy con như thế nào mà tụi nó xuýt soát tuổi của con anh chị mà chưa thấy nó biểu lộ những hành động, lời lẽ như chị đã võ đoán.

- Trời ơi, sao cậu nó lại đối xử với cháu tàn nhẫn vậy? Em có một chị bạn ở đây, chị gởi con chị cho cô ruột nó, rồi chẳng biết mấy đứa nhỏ cãi nhau thế nào, chú (dượng) nó tát nó đỏ cả hai má lên ngay trước mặt chị. Hành động đó là hành động "vuốt mặt mà không nể cái mũi", thế mà chị đó ngồi yên không dám phản ứng gì, rồi chĩ đem con qua gởi em, chứ không dám gởi cô ruột nó nữa. Chĩ kể cho em nghe, em tưởng tượng con bé hai tuổi bị tát đỏ má, chuyện của con người ta mà em cũng bật khóc ngon lành. Con người ta mà mình còn xót như vậy, huống hồ là con mình? Mà cho dù gì đi chăng nữa, thì con người ta vẫn là con người ta, mình không có quyền đánh được. Con mình thì còn OK, mình có đánh cũng được nhưng cũng nên đánh nhẹ tay thôi và chỉ nên đánh khi nó làm sai, chứ không phải hở cái gì cũng đánh, cũng đánh. Có lần, kế bên nhà em có bà hàng xóm, bả giữ con người ta lấy tiền đó nghen. Bả giữ cùng lúc hai đứa anh em với nhau, bả nỡ lòng nào bả đuổi thằng lớn ra ngoài, biểu nó đi đâu thì đi, còn bả vẫn giữ cái đứa em gái nhỏ của nó trong nhà. Em nhớ, lúc đó là tháng mười hai hay tháng một gì đó, hôm đó may mà trời không lạnh lắm, thằng nhỏ mặc áo lạnh, đeo túi xách tò tò qua nhà em, gõ cửa, xin ở nhờ. Em hỏi nó bà babysitter có biết mày ở đây không, nó nói nó không biết. Em cho nó vô nhà, lấy cơm cho nó ăn, để cho nó coi ti vi với con em, rồi em đi qua nhà bà hàng xóm. Em hỏi bà ta, bà có biết thằng nhỏ bà phải giữ, nó ở bên tôi không? Bả nói bả không biết và cũng không cần biết, vì nó ngang bướng, không chịu nghe lời giống con em của nó nên bả đuổi nó đi rồi, muốn đi đâu đó thì đi. Trời đất, em nhủ thầm trong bụng, cái bà nội này coi con người ta mà sao vô trách nhiệm như vầy hở trời? Thằng nhỏ mới có 6 tuổi, đang học lớp Một với con em nên em nhớ, cho dù nó có nghịch ngợm, ngang bướng cách mấy nó cũng chỉ là đứa trẻ 6 tuổi, đẩy nó ra đường như vậy, không cần nói chuyện đi lạc, chỉ cần trời lạnh, nó chết cóng ngoài đường không ai biết thì bả sẽ phải làm sao trời? Vẫn là chuyện con người ta, mà em sợ đến run người! Dĩ nhiên, em không dám giáo huấn gì bà hàng xóm, vì người ta vẫn thường "bán họ hàng xa, mua láng giềng gần", mình dạy họ họ chỉ ghét thêm mình, mà hàng xóm ghét nhau thì không tốt cho mình thôi, ai mà dại vậy? Em trở về nhà, hỏi thằng bé số điện thoại của mẹ nó, gọi cho bà ta để báo cho bà ta biết là thằng bé đang ở nhà này để biết đường đi đón nó thôi. Còn giải quyết thế nào đó là chuyện của cha mẹ nó không phải chuyện của mình.

Em nói với chị như vậy để muốn rút ra kết luận là chỉ có cha mẹ mới có quyền dạy bảo con cái mình, không có người nào khác phải nhận lãnh hoặc có thể làm công việc đó cả. Chị lại kể thêm là cậu nó đã biết lỗi và xin lỗi cháu, còn dẫn nó đi bác sĩ. Chị thấy chưa, con mình, mà mình còn không có kinh nghiệm dạy bảo nó, thì làm sao cậu nó, đặc biệt còn độc thân, mà có kinh nghiệm để dạy nó cho được? Chị có thể đưa cho những cô, cậu, dì, chú, bác đã có gia đình rồi để dạy nó cũng được vì họ đã có kinh nghiệm. Nhưng chị thử nghĩ coi, gia đình họ, họ còn phải lo toan đến vất vả rồi làm sao còn lo cho gia đình anh chị nữa? Chỉ có mình tự lo cho mình, tự dạy con mình thôi. Đánh con khi nào nó làm lỗi mà mình đã nhắc nhở dạy bảo nhiều lần mà nó không nghe. Đánh phải biết chắc là không gây nguy hiểm cho nó, chứ không phải bạ đâu đánh đó. Thường thì những người yếu đuối như em vừa đánh con, vừa khóc, đánh nó mà mình đau. Đánh xong, em thường bắt tụi nó xin lỗi em vì tụi nó đã mắc cái lỗi làm cho em đau lòng. Khi đã đánh nó là nhất định là tại tụi nó sai cái gì đó và nó phải xin lỗi mình, chứ không thể nào đánh nó trong lúc nóng giận được, đánh quá tay để sau đó lại đi xin lỗi nó, thì hoàn toàn phản tác dụng, không dạy bảo gì được tụi nó nữa.

BN.
HongHai
#123 Posted : Wednesday, September 15, 2010 8:51:46 PM(UTC)
HongHai

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 572
Points: 114

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Approve chị Bình.
Binh Nguyen
#124 Posted : Sunday, December 4, 2011 11:21:46 PM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
Hôm qua đọc báo, thấy bài viết về sự tự tử của những đứa trẻ tuổi Teen trong thời gian gần đây, của những người cũng ở gần đây, trong Canada, mà thấy giật mình và lo lắng suy nghĩ. Cha mẹ của thằng con trai 16 tuổi, đã tự động hủy đi mạng sống của nó, có cảnh báo rằng, nếu nó có thể xảy ra cho họ thì nó có thể xảy ra cho bất cứ người nào. Nhìn hình chụp trên báo, thấy thằng bé cười rất tươi, và có vẻ vui vẻ, yêu đời, khỏe mạnh, thật tình không ai có thể nghĩ ra là nó bị trầm cảm, depression. Đến lúc nó tự tử rồi, người ta mới lục tìm và kiếm ra những bài thơ mà nó đã sáng tác mang tâm tưởng nặng nề, tối tăm, u uất, người ta mới biết là nó mang một tâm sự buồn nào đó, không có lối thoát, lại không biết tỏ cùng ai, nên cuối cùng nó chọn con đường dại dột nhất!

Theo bài báo, thì hình như nó cảm thấy lo sợ là lên đến lớp cuối cùng của trung học rồi, nó có nhiều áp lực và không còn nhiều thời gian để làm những việc nó thích và muốn làm trong thời gian sắp tới, điểm học của nó sụt, nó sợ là nó không kham nổi trong thời gian sắp tới, cho nên nó muốn kết thúc hết tất cả?! Cha mẹ nó và chị nó, đang tính làm một cuộc viễn du bằng du thuyền trong lễ Tạ Ơn, cả nhà sẽ đi xa, thế nhưng quyết định của nó đã làm ý định của họ đảo lộn hết, và họ đồng ý trả lời phỏng vấn để người viết đăng báo, đánh lên tiếng chuông báo động cho những bậc phụ huynh khác.

Chị của thằng bé cũng đã có vấn đề về trầm cảm trước đó, nhưng cô bé đã biết nói cho thầy cô biết để nhận sự giúp đỡ về tâm lý. Chính chuyện này đã làm cho cha mẹ của cô ta suy nghĩ và lo lắng rất nhiều, nó trở thành một vấn đề nan giải cho gia đình. Thằng bé đã có nói với mẹ nó rằng, nó sẽ không bao giờ để chuyện lo lắng như vậy xảy ra cho mẹ nó. Có phải vì lời nói đó mà nó không muốn báo cho cha mẹ nó biết là nó cũng bị trầm cảm, nó cố ý giấu tất cả mọi người, và đến một lúc chịu không nổi, nó tìm một giải pháp dại dột mà theo nó có thể nó cho là sáng suốt? Vì thế cho nên, những bậc cha mẹ nên theo sát con cái, tìm hiểu xem chúng nó đang suy nghĩ gì và nhất là đừng vô tình tạo nhiều áp lực cho tụi nó quá, nó có thể bị sinh bệnh rồi không cứu vãn nổi.

BN.
Binh Nguyen
#125 Posted : Saturday, January 7, 2012 2:14:34 PM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
Tôi đi thăm cô bạn nhỏ, vừa mới hạ sinh một bé gái, cháu bé nhỏ xíu nhìn đúng thật là "ngơ ngác cõi người"! Nó ngủ, thức dậy, đói bụng, đòi ăn, khóc, dễ thương... Tôi nựng cháu bé, tính tôi vẫn thế, thấy "ngơ ngác cõi người" là thương, là nựng, bị mấy chị bạn cứ chọc hoài, "có ba đứa rồi bộ hông thấy ngán sao bà?" A, con người ta, mình không phải nuôi, không phải chăm sóc, dạy dỗ, không phải thức hôm, thức khuya, đâu có gì đâu mà phải "thấy ngán?" Thấy tôi nựng cháu, nói chuyện với cháu (đừng tưởng chúng nó không nghe nha, nghe hết đó, nhưng hiểu được hay không thì... hạ hồi phân giải. Big Smile) cô bạn nhỏ cũng bắt chước nói chuyện với nó.

Con bé mới mấy ngày tuổi mà mẹ nó nói nựng nó như vầy: "Mày hư là đánh chết cha mày nghe chưa." Tôi nhăn mặt, ủa sao lại nói với nó như vậy, cho dù nó còn nhỏ cũng không nên nói với nó như vậy. Không biết vì thấy mình không đúng hay là không thích cái kiểu dạy đời của tôi, mà tôi lại thấy cô nhăn mặt. Tôi chột dạ, có lẽ tôi không nên nói với cô điều đó, cô không phải con, chẳng phải cháu, họ hàng cũng không nốt, chỉ có gọi mỗi ông trời bằng "ông" chung, dạy dỗ cho cô, bà nội tôi đã dạy tôi từ xưa "Giáo đa thành oán", không biết cô có sửa đổi không mà không chừng lại quay ra ghét tôi nữa. Tôi nhớ lại hôm nọ gặp một người quen cả tôi lẫn cô, chị nắm áo tôi nói huyên thuyên chuyện cô bạn nhỏ này, rằng chưa gặp con nhỏ nào hỗn bằng cái con này, cũng chưa thấy con nào hỗn với má chồng nó bằng với con này, rồi chị đưa ra bao nhiêu là cái ví dụ về sự hỗn hào của cô bạn nhỏ. Những chuyện chị kể tôi đều đã nghe từ chính miệng của đương sự, và tôi cũng đã khuyên răn cô nhiều lần, nhưng hình như cô chẳng hiểu tôi nói gì hết (hay không muốn hiểu?) Cô vẫn luôn miệng nói xấu người mẹ chồng cô trước mặt tôi, cô cũng không buồn biết xem tôi có phải loại người hay thọc mạch để có thể kể lại chuyện đó cho mẹ chồng cô nghe và có thể gây bất lợi cho cô hay không? Tôi chột dạ, bởi lẽ mẹ chồng cô mà cô còn nói xấu đến như vậy thì tôi có là cái thá gì, lên mặt dạy đời cô, cô sẽ nói xấu tôi với bao nhiêu người khác?

Thấy cô hơi nhăn mặt, tôi im lặng rút lui, có thể cơ thể cô còn mệt mỏi sau khi sanh, chưa có hoàn hồn, thì tinh thần đâu để nghĩ tới những việc khác? Không nên răn dạy cô thêm bất cứ điều gì vào lúc này, chỉ có "giáo đa thành oán!" Đứa bé trong bụng còn biết nghe nhạc, nghe nói chuyện, thì đứa bé ra đời lại càng biết nghe hơn nữa, những lời lẽ bạn nói với con nhỏ trong giai đoạn này và trong vòng mười mấy năm sắp tới rất là quan trọng. Mình nói chuyện dịu dàng, dễ nghe thì nó cũng sẽ dễ nghe, dịu dàng, mình dễ nóng giận, nói bậy bạ, thì nó cũng sẽ dễ bậy bạ nóng giận. Thỉnh thoảng, tôi có hơi lớn tiếng với con tôi, khi la rầy gì đó, anh nhà tôi nghe được nhắc chừng ngay, em đừng nói to như thế, con cái nó cũng sẽ nói to như thế đó, không tốt đâu! Thế là tôi nhỏ tiếng lại, quên mất là mình đang là tấm gương, nói chuyện với con, cho dù chúng nó nhỏ hơn mình, mình cũng phải giữ kẽ. Không phải mình sợ chúng đâu mà mình đang dạy cho chúng phải biết kềm chế giống như mình đó, điều đó có lợi cho chúng sau này, mà có lợi cho chúng là có lợi cho mình, cũng vì cái lợi của mình mà làm chứ không vô nghĩa tí nào cả.

Tôi cáo từ cô bạn nhỏ ra về, đành phải để mặc cho số phận của mẹ con cô, cô chỉ là người dưng, không phải con, chẳng phải cháu, lại không có thành ý thích nghe "dạy đời" những lời dạy của những người đã qua đoạn đường cô đang đi, thì không có lý gì tôi lại phải chường mặt ra cho người ta ghét? Tôi đi về mà lòng thơ thới, ít nhất mình đã biết dừng lại đúng lúc, cô ta mang ơn tôi mà chẳng có một lời cám ơn khách sáo tới lui vài ba lần, đi về là thượng sách!

BN.
Binh Nguyen
#126 Posted : Tuesday, May 8, 2012 12:08:31 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
Tới nhà người bạn ăn tiệc, không có cái muỗng để múc, tôi tự động đi kiếm, mở hết ngăn kéo này đến ngăn kéo khác ra, vẫn không thấy, rồi đến một ngăn kéo tôi thấy toàn... cứt chuột, phản ứng tự nhiên, tôi buột miệng, "sao mà dơ thế này?", và có ý nghĩ chắc là phải rút cái ngăn kéo đó ra để đổ nó đi. Vừa lúc đó anh nhà tôi nhăn mặt "ơ hay, sao tới nhà người ta mà chê tùm lum vậy?" Tôi mới chợt nhớ ra là mình vô duyên, quên hẳn cái phép lịch sự mà nhà tôi đã dặn bao nhiêu lần là tới nhà người ta đừng có chê cái gì hết, quên cả một lần một người khách chê nhà tôi dơ đã làm tôi bất mãn, quê quá, tôi quên luôn cả một câu chọc cười để khỏa lấp cái thiếu tế nhị của mình. Tưởng tôi không nghe, anh lầm bầm giảng "moral" tiếp, tôi đỏ mặt xấu hổ, gằn giọng với anh "I am sorry, OK?" Thế là anh im, còn tôi thì sượng trân, vì thấy anh chị chủ nhà nhìn mình ngạc nhiên.

Thành ra, nói nhiều rất dễ hớ và thật thà quá nhiều khi cũng không tốt, có thể làm người khác buồn mặc dù mình không cố ý. Giống như mấy đứa nhỏ của một anh bạn đạo Công giáo đã thôi vợ, tôi hỏi tụi nó có hay đi nhà thờ không, anh bảo hồi nhỏ tụi nó hay đi nhưng sau này không đi nữa. Tôi hỏi tại sao, anh bảo, trong nhà thờ cũng có bè, có phái, cũng có giàu sang, nghèo hèn, họ thấy mình không giàu giống họ, họ coi thường mình, cho nên đến một ngày mấy đứa con anh bảo không muốn đi nhà thờ nữa vì tụi nó cảm thấy tụi nó không giống mấy đứa trẻ khác trong nhà thờ, rồi tụi nó tự động đòi đi nhà thờ Tin Lành, vì hợp với mấy đứa bạn ở đó hơn. Tôi bảo, thế cũng được, miễn là có một chỗ để tụi nó sinh hoạt, không làm những chuyện bậy bạ, đạo nào cũng dạy người ta làm những điều tốt thôi mà? Anh bảo, rồi cũng đâu có yên đâu, chỉ được một thời gian, tụi nó lại thôi, tôi hỏi tại sao, anh nói, có người nào đó trong nhà thờ Tin Lành hỏi tụi nó "có phải mẹ mày bỏ bố mày không?" Tụi nó bất mãn, thế là không đi nữa. Tôi nói, tụi nó nhạy cảm quá, con nít với nhau nói chuyện không ý tứ gì hết là chuyện bình thường, đâu cần phải câu nệ dữ vậy? Anh bảo đâu phải con nít nói đâu, người lớn nói đó chứ, thế mới có chuyện để mà nói, họ vô tình gợi lại nỗi đau trong lòng mấy đứa nhỏ nên tụi nó tìm cách tránh xa. Anh bảo, mới đầu tụi nó đâu có kể, gặng hỏi mãi, tụi nó mới nói, hỏi tụi nó nghĩ sao thì tụi nó họ nói không đúng, nên tụi nó không thích tới đó nữa.

Muốn con nít tham gia những hoạt động lành mạnh, người lớn phải tạo ra những môi trường lành mạnh. Đừng nghĩ tụi nó là con nít rồi muốn nói gì thì nói, vô tình, sẽ đẩy bọn chúng ra xa. Con trai tôi tham gia những ban văn nghệ của trường và của cộng đồng đến nỗi không có thời gian để làm bài tập, nhà tôi có cằn nhằn là có quá đáng không, có cần phải bắt nó bỏ bớt đi không, chứ văn nghệ, văn gừng thì đâu có quan trọng, tại sao lại làm ảnh hưởng đến việc học như vậy? Tôi bảo, nó thích làm cái gì mà mình cảm thấy việc làm đó tốt thì nên để cho nó làm, mình ngăn cản nó bây giờ, nó để những thời giờ rảnh để đi lại với đám bạn bè rượu chè, hút sách nào đó thì còn chết hơn. Những lời mình nói ra phải cần cân nhắc thiệt là kỹ trước khi nói, vì nếu không câu nói của mình sẽ đẩy bọn trẻ vào những môi trường xấu không lường trước được.

BN.
Binh Nguyen
#127 Posted : Saturday, May 19, 2012 2:07:16 AM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
Những người lớn trong cộng đồng cãi nhau, chỉ vì tranh giành quyền lực (mà công việc vác ngà voi thường là chẳng có quyền lực gì), tăm tiếng (hay tai tiếng?), nên anh nhà tôi bảo không cho mấy đứa nhỏ tham gia những công việc trong ban nhạc của cộng đồng nữa. Anh này mới lạ! Cứ làm như con anh là "cái rốn của vũ trụ" không bằng, không có chúng nó người ta sẽ chẳng làm được cái gì hết chắc? Anh còn thêm, đã vậy chúng nó cũng bắt đầu làm biếng không muốn đi nữa, tiện dịp mấy ông trong cộng đồng lộn xộn, mình cho nó nghỉ luôn, không cần giúp mấy ông ấy nữa!

Tôi nói, nó còn chịu đi với mình, làm những việc mình yêu cầu thì cứ để cho nó làm. Cái việc làm văn nghệ là tự động tụi nó muốn làm, chẳng ai bắt buộc được, đâu có ai bắt buộc chúng nó làm những việc đó đâu, sao bây giờ lại kêu chúng nghỉ? Một ngày nào đó, chúng nó tự động đòi nghỉ vì bận rộn, vì không thích, hay vì bất cứ lý do nào, mình cũng không thể bắt chúng làm tiếp được. Vậy thì, bây giờ tụi nó còn chịu làm, tại sao lại kêu chúng nó nghỉ? Mình đã từng làm, từng cho không hết, sao bây giờ lại ra điều kiện là các ông phải "hoàn hảo" như thế này, như thế nọ, chúng tôi mới làm? Nên nhớ, "không mợ thì chợ vẫn đông", vẫn còn bao nhiêu người khác làm những công việc đó, chẳng phải chỉ có con mình. Đừng nghĩ rằng tụi nó là hay nhất, giỏi nhất, tụi nó sẽ trở thành kiêu ngạo.

Tôi nói một hơi, anh không phản đối nữa, anh để tôi tiếp tục dẫn mấy đứa nhỏ đi tập cái này, cái kia. Tôi an ủi anh, ối, mấy ông ở cộng đồng lúc nào cũng vậy, bao nhiêu năm nay rồi, có gì lạ đâu mà phải thắc mắc, phải khó chịu? Cứ để một thời gian thì lại sóng yên gió lặng ngay đấy mà? Đừng để mấy việc đó ảnh hưởng đến con trẻ, mình đang là những cái gương cho chúng nó đó, bảo ban, làm cái gì cũng phải cẩn thận!

BN.
Binh Nguyen
#128 Posted : Saturday, August 16, 2014 4:57:23 PM(UTC)
Binh Nguyen

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,945
Points: 1,581
Location: Đông Bắc Gia Trang

Thanks: 1 times
Was thanked: 36 time(s) in 35 post(s)
Tính để chị ở chơi cho biết thành phố này trước rồi mới về thủ đô nhưng bố tôi bảo sao để lâu quá. Tôi đùa bố nhớ con gái cưng hả? Chị cười không dám cưng đâu mày! Chúng tôi chở chị về, đến nỗi mới mua mấy trái táo để cho chị ăn thử để biết sự khác nhau giữa táo ở đây và táo VN cũng chưa kịp ăn. Ngồi trên xe chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Chị hỏi tôi còn nhớ bài học lễ phép mà ông nội đã dạy cho chúng tôi lúc còn nhỏ không? Ông đặt bài học thành bài thơ để cho dễ nhớ, chị đã kể cho bạn chị nghe và chị nói chị rất khâm phục ông tôi, vì ông đã làm bài thơ để dạy con cháu rất là dễ nhớ. Tôi đọc luôn:

Mỗi khi có khách
Bất cứ ai vào
Con phải vái chào
Dù người quen, lạ
Khách gọi, con dạ
Khách bảo, con vâng
Khách cho quà ăn
Cảm ơn sẽ lấy
Xong con để đấy
Chờ hỏi mẹ cha
Chớ đem nhau ra
Tranh nhau làm rộn
Khách đương nói chuyện
Con đừng nói leo
Dù khách có yêu
Con vẫn giữ lễ
Nếu con tử tế
Thì ai cũng thương.

Bây giờ thì tôi mới biết là bài của ông tôi. A, vậy ra bố tôi cũng có gien di truyền đó chớ và... tôi cũng vậy. Smile Bài học lễ phép đầu đời qua bao nhiêu năm chúng tôi vẫn nhớ. Chị em tôi xa cách bao nhiêu năm, chỉ cần nói ra điều chính đáng là tự động bật chung một tần số, phải công nhận là ông chúng tôi quá hay! Ông đã mất bao nhiêu năm nay mà bài thơ của ông vẫn được các cháu của ông nhớ nằm lòng và đó là mớ hành trang đầu tiên của chúng tôi. Tôi nghĩ tôi nên quảng bá lại để có thể đời con, đời cháu chúng tôi cũng được học hỏi bài học lễ phép đầu tiên ấy.

BN.
Phượng Các
#129 Posted : Tuesday, May 28, 2019 9:14:42 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Bé 4 tháng cố hát theo mẹ :

https://www.youtube.com/watch?v=bEeizaWjdXw
viethoaiphuong
#130 Posted : Wednesday, July 3, 2019 12:04:55 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Pháp thông qua luật cấm trừng phạt bạo lực đối với trẻ em

Thanh Phương - RFI - ngày 03-07-2019
Việt Nam ta thường nói “thương thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho bùi”, tức là muốn cho chúng nên người, thì phải đánh đòn mỗi khi con cái, học trò phạm lỗi, lỗi càng nặng thì đánh càng đau. Ở Pháp, trong một thời gian dài người ta cũng quan niệm như người Việt Nam chúng ta. Theo Tổ chức vì Trẻ em ( Fondation pour l’ Enfance ), có đến 85% bậc cha mẹ tại Pháp đã từng dùng roi vọt để răn dạy con cái.

Nhưng kể từ nay làm như thế sẽ bị coi là trái pháp luật, vì Quốc Hội Pháp vừa thông qua một luật cấm tiệt mọi trận đòn vào mông hay những hình thức bạo lực khác nhằm mục đích giáo dục trẻ em. Luật này đã được Hạ Viện thông qua từ cuối tháng 11 năm ngoái, và đến hôm qua, 02/07/2019, được Thượng Viện biểu quyết thông qua vĩnh viễn.

Cụ thể, Luật dân sự sẽ thêm một câu vào điều luật vẫn được đọc tại các tòa thị chính khi tiến hành nghi thức kết kết hôn. Câu này là “ các bậc cha mẹ không được có những hành vi bạo lực về thể xác và tinh thần đối với con cái”. Luật mới thật ra phần lớn mang tính biểu tượng vì nó không dự trù những hình phạt mới về mặt hình sự, những hình phạt này đã có sẳn rồi.

Như vậy Pháp là quốc gia thứ 56 trên thế giới ra luật cấm trừng phạt về bạo lực đối với trẻ em, theo thống kê của “Sáng kiến để chấm dứt mọi trừng phạt trên cơ thể trẻ em”, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Luân Đôn. Quốc gia đầu tiên thông qua luật này chính là Thụy Điển cách đây 40 năm. Thật ra thì Pháp buộc phải thông qua luật cấm trừng phạt về bạo lực đối với trẻ em để được xem là tuân thủ nghiêm chỉnh các công ước quốc tế mà Pháp tham gia.

Nhưng Quốc Hội đã mất rất nhiều thời gian mới thông qua được luật chống đánh đòn trẻ em, vì tại Pháp đây là một vấn đề nhạy cảm và đã gây rất nhiều tranh cãi trong chính giới: một số dân biểu cánh hữu và cực hữu xem dự luật nói trên là một sự can thiệp vào cuộc sống riêng của các gia đình.

Users browsing this topic
Guest (7)
7 Pages«<567
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.