Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Biển Hoàng Hoa Cải Cay trên đất Pháp
( riêng tặng chị BH cho chuyến viễn du Âu Châu 2008 )
"Thế thì gửi em đọc bài này. ... tạp bút "Vườn Xưa Hoa Cải" BH
Không biết là tiếp theo thư nào đó của tôi hôm qua, mà chị viết như vậy. Nhưng tôi biết là chị nhớ Paris nên "bắt mắt" hoa cải vàng (?) hay hoa cải vàng làm chị tương tư về Paris (?).
Bài "Vàng xưa hoa cải" đã làm tôi gợi nhớ ý niệm về mùa hoa cải của đất Bắc Việt Nam, chứ trong Nam trời nóng quanh năm rồi ? Nhưng hình ảnh "nhìn từ xa chỉ thấy rợn ngợp một sắc vàng mênh mông như những đám mây trời sà xuống mặt đất", thì chỉ khi tới Pháp tôi mới chiêm ngưỡng phong cảnh ngoạn mục đúng như vậy.
Ở Việt Nam, khi xưa tôi chỉ thấy những vườn rau cải quanh nhà ông bà, cô, dì, chú, bác. Hay xa hơn chút nữa là hàng xóm láng giềng cùng trong làng. Mà ngoài Bắc, vườn cũng nhỏ, đồng ruộng cũng không phải là thẳng cánh cò bay. Thuở tôi còn nhỏ, là thời miền Bắc bị thể chế hợp tác xã nữa, nên việc gì cũng như việc chùa, người ta làm đại khái cho có công điểm. Nên hầu như một năm chỉ có hai vụ lúa chiêm và lúa mùa là chính. Ít nơi nào có thêm vụ hoa màu nơi đất của hợp tác xã. Vườn quanh nhà thì trồng trọt linh tinh đủ thứ, nào chuối, nào cam quýt mít dừa...chỉ còn chừa mảnh nhỏ dành cho rau dưa. Bởi thế, tuy là rất nhớ hoa cải vàng, nhưng không đủ để thành một đám mây vàng như người viết đoạn "tạp bút" kia. Người viết nhắc đến bãi bồi phù sa nào đó, chắc là đúng với ký ức của mình, vì đất Bắc rất nhiều sông và luôn có mùa nước lũ, nên phù sa bên bến bồi rất là màu mỡ. Tôi cũng thường nghe kể, có những miền quê mùa nước xuống thì tha hồ trồng đậu, hay khoai, ngô, mía, lạc và rau dưa các loại. Còn quê nội của tôi là nơi đồng chiêm trũng, đất rất ít, chỉ có ao là nhiều. Vì mỗi nhà cất lên là phải đào đất đắp nền cho cao, nên cạnh nhà luôn có một cái ao, hay hai cái ao khá to là vậy. Đất thì là đất sét, nên trồng hoa màu rất khó khăn. Khi bé tôi không thích mấy ăn rau cải, vì thấy nó đắng. Có thể vì thế mà màu vàng hoa cải thêm phần lợt lạt trong trí nhớ của tôi.
Khi đã thành kiếp tha hương nơi xứ người, ở đất Pháp tôi mới thực sự bị thức tỉnh với màu vàng rất riêng của hoa cải. Giống hoa cải chỉ để lấy hạt làm mù tạc cay, nổi tiếng như "moutarde de Dijon". Mùa hoa cải của Pháp là vào khoảng cuối tháng Tư, đầu tháng Năm ( hãy còn đang là giữa mùa Xuân của Âu Châu ). Phải nói đó là những cánh đồng mênh mông, bát ngát, nên hoa cải làm cho mắt người đi qua, nếu là người yêu thiên nhiên, bắt buộc phải sáng bừng! Rồi ngỡ ngàng và thảng thốt kêu lên: chao ơi là tuyệt tác, tuyệt mỹ và ngoạn mục hết tầm cỡ...!!
Đó là những tấm thảm màu vàng anh khổng lồ, không có đường viền, không bị bất cứ một màu sắc nào làm vết lên đó. Hoa cải rất mảnh mai, nên chỉ cần cơn gió nhẹ cũng đủ làm rung lay như sóng biển chạy đều, rồi trải ra và ra xa mãi mãi...Nên ví như mây vàng từ trên trời sà xuống mặt đất cũng đúng? Mà gọi thành tên như sóng biển Hoàng trôi chảy trên bước chân người nhân gian cũng không sai? Khi hoa cải nở rộ là cả không gian nơi ấy nhuốm ánh vàng đến là kỳ ảo. Những con côn trùng nhỏ tí xíu cũng màu vàng. Những cơn gió đến đi cũng màu vàng. Nắng đã hẳn vàng hơn. Mà nếu có mưa, thì dù là mưa bụi hay mưa vừa, hay mưa rào đầu mùa...cũng là những cơn mưa màu vàng. Màu biển Hoàng cải cay trên đất Pháp, chỉ có thể được làm nên bởi bàn tay thần kỳ của Thượng Đế ban tặng cho loài người trên trái đất này, chứ không thể nào loài người có thể chế ra một gam màu chính xác như thế mà tặng lại cho Thượng Đế và tự tặng mình ? Tôi đã từng làm trong labo của một phòng thí nghiệm công nghiệp nhuộm vải vóc rất tên tuổi tại Paris, nên tôi biết mọi gam màu sắc nhân tạo đều chỉ là rất tương đối. Cảm giác khi đối diện với bao la sóng biển đại dương màu hoàng-anh hoàn toàn tự nhiên kia, thật không thể diễn tả bằng chữ nghĩa, mà chỉ có thể cảm nhận từ sâu thẳm tâm hồn mình: rất nhẹ và rất thơ!!
Tôi nhớ một lần kia, đi xe hơi qua vùng hoa cải, kỳ nghỉ lễ mùa Xuân của mấy đứa con tôi vào nửa cuối tháng Tư cách đây chừng năm hay sáu năm gì đó, chao ơi: cả cái kính xe đằng trước, chỉ chừng vài phút đồng hồ là đã thành màu vàng i hệt màu vàng hoa cải. Bởi xe chạy trên đường cao tốc, và những con côn trùng nhỏ tí ti bay loạn xạ dày đặc trong không gian ở vùng đó, kết quả là tỉ tỉ con côn trùng này bị đập vào kính xe và tử trận rất vô lý (?). Chắc bụng những chú/cô côn trùng này vừa mới no nê nhụy vàng hoa cải, chúng cũng đâu có ngờ...!? Tôi xót xa và nhắc nhở liên miệng ba của mấy nhỏ: cho xe chạy chậm lại chút được không, tội nghiệp những con côn trùng quá! Con bé con ngồi cạnh mẹ hưởng ứng liền và nó nhắc còn liên miệng hơn cả mẹ nó.
Sau lần ấy, tôi tránh đi lại qua vùng hoa cải mùa trổ bông vàng kia. Nhưng gần nhà tôi, có những năm họ cũng trồng thứ cải này, tuy cánh đồng không vĩ đại như hình ảnh tôi đã từng ghi nhận kia, nhưng cũng đủ diệu vời, nếu là tôi lội bộ đi dạo chơi và ngắm nghía cho được hiền hòa. Nhưng bù lại, ở gần nhà thì mùa đó cũng là mùa hoa Tulip. Bên Pháp mùa nào họ trồng hoa thứ đó ở những nơi công cộng. Như thành phố của tôi, dọc hai bên đường đi nếu mà có chút đất là họ trồng đầy hoa, các bùng binh thì khỏi nói, chỉ để trưng những mâm đại đế là hoa tiêu biểu cho từng mùa. Và không hiểu vô tình hay hữu ý, mà nơi con đường gần những cánh đồng họ trồng nhiều lắm hoa Tulip đủ các gam màu: màu đỏ nhiều hơn cả, rồi màu hồng, màu vàng, màu tím, màu trắng... Nên khi bạn còn chưa ra khỏi cảm giác nhung nhớ biển Hoàng hoa cải rất mềm mại, bạn đã bị hút mắt bởi màu sắc rất dễ thương và hình dáng kiều diễm của Tulip.
Tôi khi nhỏ là đứa trẻ chỉ mải mê với việc học chữ. Tuổi mười lăm, mười bẩy xuân thì đến đi như thế nào, theo ý lãng mạn người đời vẫn nhắc (?) tôi cũng không có mấy hay. Nên tôi hoàn toàn không có cuộc tình hoa cải, và hoa cải cũng không được làm nhân chứng cho một tình yêu duyên thắm nào đó riêng tôi? Chỉ đến khi tôi đã đi làm việc, rồi lại xa nhà và sống giữa thành phố hoa và sương mù quanh năm là Dalat, đó mới là quãng thời gian tôi như trở lại tìm tuổi thơ. Ở đó tôi si mê màu vàng của Mimoza hơn cả. Giữa mùa của Mimoza màu vàng cũng thật tươi mới và dịu dàng, nhất là lá loài Mimoza này ánh như bạc. Nên nhìn cây Mimoza giữa cảnh núi đồi trùng điệp và không khí se lạnh, cũng gây ấn tượng như mây vàng đứng im giữa khoảng đất trời tinh khôi, bồng bềnh cùng sương trắng cứ lửng lơ ngang trời...dễ chịu lắm.
Giờ này, ngồi gõ bàn phím vi tính, kể chuyện màu vàng hoa cải cay của xứ Pháp, đặt cái tên cho cánh đồng cải ngút ngàn một lần tôi đi qua là "Biển Hoàng"...Tôi thấy nhớ chị Bích Huyền nhiều thật nhiều. Cũng có lẽ hai chị em suốt mười ngày chị ở Pháp đã không rời nhau nửa bước. Tôi gọi chị là "bà hoàng lãng du" chuyến đi Âu Châu này. Vì chị chả cần phải nghĩ ngợi gì những điều làm mệt thêm như: đi đâu, làm gì, ăn uống gì... Chị chưa từng cầm một cái vé tàu điện ngầm trên tay, mặc dù mỗi ngày đi tới đi lui trong lòng đất những ngang dọc đường tàu điện ngầm các loại metro bình thường hay loại chạy nhanh là RER của Paris. Chị chỉ cần nhớ những tên ga tàu, hay địa danh ngày xưa in trong bài học cũ ( như ga Lyon đèn vàng, ngục Basti thời công xã Pháp, nhà thờ Đức Bà với thằng Gù nổi tiếng, vườn Luxembourg có lá vàng phủ trên vai pho tượng trắng... Và, ở Monaco thì nhất quyết phải là nơi có để tấm hình, in trên đá như thật, bà hoàng hậu Grace Kelly, mà một thời chị và chị Dung của chị cùng si mê qua duy nhất một bộ phim tài tử này đóng vai chính...). Còn xe bus, xe lửa tốc hành _TGV, xe lửa thường, tàu điện ngầm, tàu thủy đi dạo mát trên sông Seine... tôi dắt đi đâu, đổi ở đoạn nào, lên xuống trạm nào...chị cũng mặc, khỏi thắc mắc chi cả. Thậm chí tôi có lãng linh mà đi nhầm tàu một vài bến, hay rất nhiều bến rồi mới phát hiện ra, phải tìm đường trở lại...chị cũng chẳng phàn nàn, lúc nào trên gương mặt chị cũng là nụ cười làm rạng ngời lây sang những người xung quanh và cảnh vật. Hôm nào cũng đi khỏi nhà khá sớm sủa và trở về rất trễ, có hôm mãi sau nửa đêm... và trong các món ăn rất đạm bạc của tôi "nuôi" chị luôn có đĩa rau cải mới chỉ độ 3-4 lá trần trong nước luộc gà rồi chấm với maggi "Arome Saveur_depuis 1889" , hay ăn lẩu đồ biển mà rau nhúng chỉ có cải non của vườn nhà là chính. Chị về Cali thì nói : chị nhớ đồ ăn HP nấu, chứ không hẳn đã nhớ người nấu...(?). Sáng hôm trở về Cali, chị mới diện bộ đồ màu cốm mà chị rất thích, rồi chị đứng trước vườn cải nhà tôi ở phía sân trước và tôi chụp hình cho chị. Đó có lẽ là mấy tầm hình duy nhất chị chụp ở nhà tôi ( ah, còn một photo không biết chị chụp hôm nào, đó là cái giường tôi làm cho chị ngủ, mà cũng vô tình tôi để dra, chăn, gối gì cũng gam màu cốm ! Khi chị bước vô phòng đó hôm đầu tiên chị đã khẽ kêu lên: ôi màu cốm của chị đây !! Tôi khi đó có nói với chị : để hôm nào bắt chị diện bộ pijama cũng màu cốm nữa, rồi ngồi nửa vời trên cái giường đó và HP chụp hình cho nhớ nha !! Nhưng rồi cả chị và cả em đều không còn giờ để nhớ chuyện này ?!)
Tôi hứa sẽ tặng chị Bích Huyền một khoảng không gian và thời gian đẹp nhất có vương đầy kỷ niệm Paris. Có một lần kia chị và tôi nói về Paris :
Tháng 5 "chị." sang Pháp hy vọng được gặp em ( xưng hô như vậy có được không, chị chắc VHP còn trẻ tươi lắm...)
Nếu tháng 5 này mà chị BH qua Paris, HP sẽ "kỷ niệm" cho chị BH một "Mùa Hạ Trắng & Paris Diễm Lệ" không bao giờ quên!! HP mê Paris lắm, dù đã ở đây hơn 20 năm, nhưng mỗi lần đi giữa Paris là luôn có cảm giác như trong một giấc mơ không có thực bao giờ!!
Nghe em nói em mê Paris mà chị lại náo nức ngày đi. Chị đọc một bài của nhà văn Phạm Xuân Đài (?), anh ấy viết đi giữa Paris mà tưởng như đi giữa Saigon- vì lối kiến trúc giống nhau.
Chị BH đã lấy vé đi Paris chưa vậy ? chị sẽ ở Paris bao lâu? sau Paris chị BH có tính đi chu du đâu đó ở Tây Âu này không? nếu chị BH muốn thì HP sẽ sắp xếp thời gian để làm guide cho chị BH, bất kể nơi nào chị BH muốn đi. Nhưng phải báo trước từ bây giờ, để HP tiện bề lo trước nha, Tây Âu này đến tháng 5 là người du lịch đã đông nghẹt! Như ở Pháp, thường hàng năm có tới gần 70 triệu khách du lịch qua lại, trong khi họ chỉ có khoảng 65 triệu dân số ! Nếu chị háo hức đi Paris, thì HP cũng háo hức ngày được gặp chị BH vậy. Bởi nghe giọng đã thấy quen tự thuở nào!! Trong mọi nét vẻ nơi con người, thì HP hình như "bắt" nhất là giọng nói của người ta thôi, và những đồng điệu về tâm-hồn, còn lại không để ý gì mấy những điều khác. Nếu Phạm Xuân Đài từng viết: "đi giữa Paris mà tưởng như đi giữa SaiGon", thì cũng hẳn có nhiều lý do lắm đó, mà những giống nhau về kiến trúc thì chỉ là một nguyên do. Khi nào chị BH đi giữa Paris mà cảm giác thấy như thế nào thì mới là chính xác nhất, đúng không?? Khi mà HP đi bất kể nơi đâu trên thế giới, lúc mà tâm tư yên tĩnh nhất, thì HP đều cảm thấy như mình đang ở Paris vậy. Thế thì tại sao chị BH biết không ?? Ah, chưa chi nó đã "phá" mình rồi đây? - BH
Với riêng tôi, Mimoza Dalat cũng có thể được coi như là chứng nhân cho một tình yêu nơi ý niệm quãng đời người trần gian bình thường, mà tôi may mắn được lọt vào cái nôi đồng loại một lần.
Còn Biển Hoàng hoa cải cay trên đất Pháp, được coi là chứng nhân cho một Tình Yêu trong ý niệm Tái Sinh. Đó là khi tôi đang sống chỉ còn nửa đời như trần gian, còn nửa đời đã là thuộc về Thiên Chúa. Mà trong đó mọi tình cảm của tôi với con người, với nghệ thuật đều đã được soi rọi theo những chuẩn mực của Chúa tôi. Mỗi khi tôi được tương giao với Ngài, niềm tin nơi tôi về công bình của Thượng Đế càng thêm được vững chắc. Tôi ước mình sẽ được làm một con thuyền chở nặng tình nhân gian lướt trên sóng nước Biển Hoàng kỳ diệu của thiên nhiên toàn bích và toàn vẹn. Và trong giai điệu của một bài ca đẹp nhất về tình yêu của Thượng Đế với Loài Người muôn thuở không hư hao !
Sáng nay 21 tháng Sáu, Paris đã là ngày đầu tiên của mùa Hạ năm 2008, chị Bích Huyền gởi cho tôi một thư :
"Thế thì gửi em đọc bài này. Chị rất nhớ vườn cải nhỏ của nhà em."
Tạp bút: Vàng xưa hoa cải Tháng giêng, tiết trời vẫn còn se se lạnh, sương mù giăng giăng kín cả đồi bãi là bắt đầu mùa cải ra hoa. Trên các bãi đất phù sa ven sông, cải từng luống trổ ngồng thẳng vút, có khi cao đến tận thắt lưng người lớn. Nông dân trồng cải để lấy rau, còn cho cải trổ ngồng là để lấy giống. Khó có thể nói hết vẻ đẹp thật thà của hoa cải mùa giêng hai. Nhìn từ xa chỉ thấy rợn ngợp một sắc vàng mênh mông như những đám mây trời sà xuống mặt đất. Cái đẹp của hoa cải là cái đẹp của bầy đàn. Tách từng chiếc hoa thấy rất bình thường, nhưng khi cầm trên tay một chùm hoa mới thấy hết cái đẹp của nó.
Nhìn màu hoa cứ thấy lòng lâng lâng một niềm hạnh phúc khó tả. Bất chợt gặp trong màu hoa một tuổi thơ thôn dã, những năm tháng hồn nhiên đi qua giữa ruộng đồng. Tuổi thơ tôi ngập tràn những mùa hoa cải ven sông. Hoa cải vàng trời, vàng đất, vàng đến tận những giấc mơ lảnh lót tiếng sáo diều.
Đi giữa mùa hoa cải, nghe lòng ngây ngất một mùi hương. Hương thơm như nước giếng làng thấm vào lòng vào dạ, thấm vào tận từng tế bào một nỗi nhớ bất trị. Đi qua luống hoa thấy quần áo lấm tấm những hạt bụi vàng, và cơ thể thơm nức như vừa cử hành một lễ hội tắm hoa. Cắt hoa cải chơi trò nấu ăn, buôn bán đồ hàng. Cắt hoa cải cắm vào chiếc bình sứ đã mẻ miệng, rồi đặt lên một gốc cây, suốt đời tôi chưa từng thấy một lọ hoa nào đẹp quyến rũ như vậy: tôi đã ngắm hoa qua lăng kính vạn hoa của tâm hồn mình.
Mùa cải nở hoa cũng là mùa trai gái thôn quê bắt đầu những cuộc hẹn hò, khởi đầu cho những mối tình duyên sâu nặng, thành vợ thành chồng. Hoa cải thành chứng nhân cho bao mối tình thơm thảo cỏ nội hương đồng.
Và nếu có dang dở thì mùa hoa lại khiến những lứa đôi không thành kia suốt đời không thể nào quên. Một lọ hoa cải ngày giêng hai đặt trên chiếc bàn nhỏ, sắc vàng tươi ròng như ánh nắng mặt trời còn đọng lại trong đêm tối, đọng lại trong tâm thức một niềm cỏ dại hương đồng...
Paris, 21/6/2009 ThyThy_Hoàng Thy Mai Thảo
|