Ca Dao Tục Ngữ Và Đồng DaoQua bài khảo luận của Trần Xuân Toàn đã nhấn mạnh nhiều đến đồng dao với nhiều chi tiết rất là lý thú.
Nhưng để tìm hiểu thêm tương quan giữa Ca Dao và Đồng Dao, xin trích phần giải thích toàn bộ văn chương bình dân của 2 tác giả: Nhà nghiên cứu Lê Gia và cụ Trần Ngọc Ngải và một trích đoạn của bài Ca Dao Nhi Đồng Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ
Theo Ông Lê Gia trong bộ sưu tập "Tâm Hồn Mẹ Việt Nam" (NXB Văn Nghệ, 1994) đưa ra những nhận định khá khác biệt với những Sưu tầm ca dao trước đây. (Trang 13 - 30 Quyển Một) a. Tục Ngữ: Câu nói dựa theo phong tục ăn sâu vào tư tưởng mọi người, được mọi người chấp nhập và truyền tụng. (trang 13)
Có người hiểu theo nghĩa thứ 2 (Tầm thường thấp kém, tục tằn (t.13) mà cho rằng Tục ngữ là câu nói thô tục, quê mùa không văn vẻ (Bất thành văn) thuộc đám bình dận. (t. 14)
a1. Thành ngữ: là một phần câu, do một số tiếng góp nên, nhưng lại là phần quan trọng. (t. 18)
Thí dụ: Trong câu tục ngữ
Nói phải như gãi chỗ ngứa (Tục Ngữ)
Cũng như trong câu phong giao:
Một ngày hai bữa cơm đèn
Còn gì má phấn răng đen hỡi chàng
Thì "Gãi chỗ ngứa" và "Má phấn răng đen" là hai thành ngữ.
Nhưng gãi trúng chỗ ngứa lại là một câu tục ngữ vì nó có ngụ ý (nghĩa bóng) và thay cho một câu trọn nghĩa: Làm đúng việc, làm có lơi...
a2. Ngạn Ngữ: Câu nói có từ lâu đời, được lưu truyền trong một nước, một vùng. Có nhiều người dùng "Ngạn ngữ" thay cho "Tục ngữ" (t.22)
a3. Sấm Ngữ: Nghiệm đúng sự việc sẽ xảy ra ... như "Mặt rỗ, tổ ghen"
"Chớp Đông hay nháy, gà gáy thì mưa" (Sấm Trạng)(t.22)
a4. Mê Ngữ (Câu đố): Mơ hồ, không rõ... Mê ngữ là các câu đố, có ẩn nghĩa như: Đầu bằng con ruồi đuôi bằng cái đĩa (t.23)
a5. Phương ngôn: 1. Tiếng nói hoặc một câu văn hay của một vùng nào đó như: "Trai Cầu Vồng yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim" 2. Câu nói hay, chỉ phương hướng cho ta theo là phương pháp cho ta dùng, như: Bầu ơi thương lấy bí cùng , Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. (t.23)
a6. Cách Ngôn: Lề lối, phép tắc (t.24)
a7. Châm Ngôn: Có nghĩa là răn đời, lời nói dùng làm kim chỉ đường cho cuộc sống (t.24)
a8. Ngụ ngôn: Lời nói có ý nghĩa bên trong (t.24)
a9. Túy ngôn: Theo Hán tự Túy là: Của cải, gia sản, tức cái hay cái quý cái đẹp. (t.25)
Phân tách cho kỹ, ta thấy: Phương ngôn, cách ngôn, châm ngôn, túy ngôn... là lọai tục ngữ nói về cách cư xử, còn sấm ngữ, mê ngữ nói về việc làm ăn chơi bời. Tất cả đều gọi chung là Tục Ngữ(t.25)
b. Phong Dao: - Hát ngắn, bài hát câu hát không thành chương khúc, ít giọng điệu, chỉ dùng thanh nhạc, không có nhạc khi phụ họa, dùng hát hát ngâm chơi tùy hứng, không trình diễn với sân trường và bối cạnh
- Lời đồn đại, lời nói vô bằng cớ, không biết xuất xứ (Dao ngôn, Dao tục)
Vậy phong dao có nghĩa là những câu , những bài hát ngắn chưa thành chương khúc, ít giọng điệu, dựa theo phong tục tập quán và được truyền tụng lâu đời, không rõ tác giả và xuất xứ, đôi khi có tính cách đồ đại một sự việc gì. (t.26)
b1. Đồng dao: Những câu hát ngắn, không rõ xuất xứ, của trẻ con hát chơi hay đồn đại một sự việc gì như:
"Ông tiển ông tiên
Ông có đồn tiền ...." (t.27)
b2. Lý ca hay Lý ngữ: ...là câu hát nơi đồng quê, được hát một cách thản nhiên, một cách nhàn nhã như:
"Trời mưa lâm râm
Cây trâm có trái... (t.28)
Vè của ta vừa là Thi vừa là Dao....(t.29)
c. Dân Ca: Hát lên, tiếng hát, bài hát có giọng điệu, tiết tấu, chương khúc (có bài bản) (t.29)
d. Ca Dao: Như trên ta đã thấy, hai chữ "Ca" và "Dao" có hai nghĩa khác nhau cũng như hai chữ "Thi" và "Phú" vậy.
Sách "cổ dao ngạn" (Phong dao, ngạn ngữ) xưa có viết: Ca va Dao khác nhau ở chỗ là Dao có thể dùng làm lời Của Ca.
Sách Mao Truyện (Truyện hay chọn lọc) nói: "Khúc hợp nhạc viết Ca, đồ ca viết Dao" có nghĩa là khúc hát có đệm nhạc là Ca, hát trơn là Dao.
Vậy một bài hát không thể vừa Ca vừa Dao nên cũng không thể có bài hát nào được gọi là bài Ca Dao cả (t.30)
Để rộng tầm nhìn chúng xin đưa thêm trích đoạn giải thích của Cụ Trần Ngọc Ngải (Chicago, USA)Theo định nghĩa trong Tập "Tục Ngữ, Thành Ngữ Ca Dao và Dân Ca Việt Nam" của cụ Trần Ngọc Ngải, Chicago, Illinois, USA 1997:
Ca Dao (petit chanson populaire) = Câu hát ngắn thành khúc điệu được phổ thông trong dân gian
Cách Ngôn (Précepte, Maxime) = Lời nói làm khuôn phép (cách kiểu mẫu, khuôn mẫu)
Châm Ngôn ((Précepte, conseil) Lời văn có vần điệu để khuyên đời
Dân Ca (Chanson populaire) Bài ca có tính cách dân tộc, dễ hiểu và hợp với tâm tình đơn giản của nhân dân
Ngạn Ngữ (Proverbe, dicton populaire) Câu nói ngắn gọn của dân gian với mục đích răn dạy
Phong Dao (Chanson populaire) = Lời ca câu hát của dân gian tại các địa phương mà có thể hiểu được phong tục tập quán của một dân tộc trong lịch sử
Phương Ngôn (Proverbe) = Lời nói thông dụng của từng địa phương có ý nghĩa như câu tục ngữ
Tục Ngữ (Proverbe) = Câu nói có tính cách răn dạy hay châm biếm chuyện đời
Thành Ngữ = Là những câu nói ngắn gọn dân gian thường dùng trong khi nói hay viết cho có vẻ mầu mè. (Trang 3)
Mời đọc thêm:
http://e-cadao.com/tieul...dao/cadaomiennam-lvd.htmTrong Ca Dao Nhi Đồng Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ cho ta thấy những điểm tác động tâm lý và tinh thần trẻ con qua Ca Dao và Đồng Dao: I. TÁC DỤNG CỦA CA DAO NHI ĐỒNG Bàn về tác dụng của ca dao nhi đồng, nữ giáo sinh Lý Đức Mỹ lớp Đệ Nhất - 5, niên khoá 1968-69, trường Sư Phạm Sài Gòn có ghi :
“ Khi đọc những ca dao nhi đồng, bao giờ chúng ta cũng cảm thấy mình như trẻ lại, và những ảnh tượng xa xưa của thời thơ ấu tự nhiên xuất hiện, nó dàn cảnh trước mắt ta, gây cho ta một cảm giác lâng lâng yêu đời, và để lại trong lòng ta một nuối tiếc về thời vàng son của tuổi trẻ mà chẳng bao giờ ta còn trở lại được nữa.
Tuy thời gian mang đi mất tuổi thơ ngây hồn nhiên, nhưng cũng chính thời gian làm cho sự hiểu biết trưởng thành và nhờ đó ta hiểu được và tìm về tuổi thơ với tất cả chân tình trìu mến. Và nhất là vào những lúc nhàn hạ, bỗng dưng tự đáy lòng ta dường như thoát ra tiếng hát trong trẻo ngây thơ đáng yêu vô cùng. Tiếng hát ấy mang hồn ta ra khỏi cái thực tại đầy ưu tư mệt nhọc đang bám sát người ta. Thế là ta hòa mình với trẻ và cùng nô đùa với chúng. Trong giây phút tươi trẻ lại này, ta không còn là chính ta nữa, mà là một đứa bé như muôn ngàn đứa bé đang cười rỡn trên khắp vùng quê hương; ta cũng bày trò, cũng hành động như chúng thôi; và chính ta cũng không hiểu tại sao ta lại có thể làm được như thế khi mà thực tế dằng dặc ưu tư luôn luôn níu kéo ta lại với nó.
Xét cho kỹ, ta được tận hưởng những giây phút có thể nói là thần tiên ấy là do trí khôn ngoan của ta đã biết tích trữ những tinh hoa : tinh hoa đó chính là những bài hát thơ ngây sống mãi muôn đời, vì chỉ những gì người ta thích, cái đó mới gây được hạnh phúc mà thôi”.
Nữ giáo sinh Nguyễn thị Vãng lớp đệ nhị-I cũng ghi như sau:
“Tự ngàn xưa trên mảnh đất hiền hoà này, những bà mẹ, những người chị thường vẫn cất cao giọng ngọt ngào ru ngủ con thơ, em thơ bằng những câu hát êm đềm có ngụ ý về luân lý, phong tục trẻ trung, hồn nhiên, đôi khi có tính cách trữ tình lãng mạn. Những bài hát câu hò đó thấm vào giấc ngủ của trẻ Việt như mưa xuân tưới thấm đất mầu và kho tàng thi ca của ta như hoa lá mùa xuân kia phồn thịnh biết chừng nào. Há chẳng đã có người cho rằng mỗi người Việt là một thi nhân và tình yêu gia đình, tổ quốc, dân tộc và nhất là tình mẫu tử thiêng liêng thể hiện trong văn chương Việt Nam thật đã dạt dào và sâu đậm hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới.
Khi lớn lên ai mà chẳng thấy lòng xúc động khi nghe những câu đồng dao ngộ nghĩnh, những bài hát trò chơi của trẻ em! Trong dịp đó tâm hồn ta tìm về thời thơ ấu trọn vẹn, đó là thuở vàng son đầy nắng ấm và hoa hồng, nụ cười điểm trên môi ta lúc bấy giờ nhuộm trọn màu thánh thiện vô tư.
Ôi! Tuổi ngọc thực đã xa vời, nhưng tiếng hát mẹ hiền ngày nào vẫn còn vang mãi. Những kỷ niệm thời thơ dại đã sống lại bởi dư âm của bài đồng dao êm đềm trong ký ức. Âm thanh sâu thẳm đó tháp cho ta đôi cánh thiên thần bay ra khỏi vùng ưu tư thực tại để đến một cõi nào có toàn trăng sao, hoa bướm, với một lũ trẻ áo màu rực rỡ, ngày tháng tung tăng”.
Chính vì trẻ Việt đã sớm được hưởng trọn vẹn tác dụng nhiệm màu của ca dao ngay từ thuở trứng nước, giữa bầu không khí đùm bọc của gia đình như vậy, nên vấn đề chỉ còn đặt lên là chúng ta sẽ sử dụng những bài đồng dao ra sao đây ở nhà trường. Vấn đề sẽ được đề cập tới kỹ càng hơn ở cuối bài này.
Sau đây là vài bài thí dụ về Đồng dao hay là Trò chơi Trẻ con (Trích từ : Ca Dao Nhi Đồng của Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ)
II.
NHỮNG BÀI HÁT VUI
21. CHÈ LA, CHÈ LÍT
Chè la, chè lít,
Bà cho ăn quýt,
Bà đánh đau tay,
Chắp tay lạy bà.
22. KÉO CƯA LỪA XẺ
Kéo cưa lừa xẻ,
Thợ khoẻ cơm vua,
Thợ thua cơm làng,
Thợ nào dẻo dang,
Về nhà bú tí.
……………………
27. CHIỀU CHIỀU CON QUẠ LỢP NHÀ
Chiều chiều con quạ lợp nhà,
Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh *
Chèo-bẻo nấu cơm nấu canh,
Chìa vôi đi chợ mua hành về nêm
(*) Đưa tranh đây tức là đưa gianh (cỏ) lên để lợp nhà
28. CÁI BỐNG LÀ CÁI BỐNG BANG (I)
Cái bống là cái bống bang.
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ.
Ngày sau bống đỗ ông đồ,
Đi võng lá sắn, đi dù lá khoai.
29. CÁI BỐNG LÀ CÁI BỐNG BANG (II)
Cái bống là cái bống bang,
Cơm ăn bằng sàn, bốc muối bằng vung.
Mẹ giận mẹ giẩy xuống sông,
Con ra đường biển lấy chồng lái buôn.
Khát nước thì uống nước nguồn,
Lạc đường thì bảo lái buôn đưa về.
30. CÁI BỐNG LÀ CÁI BỐNG BÌNH
Cái bống là cái bống bình,
Thổi cơm nấu, nướng một mình mồ hôi.
Sáng ngày có khách đến chơi,
Cơm ăn, rượu uống cho vui lòng chồng.
Rạng ngày ăn uống vừa xong,
Tay nhắc mâm đồng, tay giải chiếu hoa.
Nhịn miệng đãi khách đằng xa,
Aáy là của gửi chồng ta ăn đàng *
(*) Ý nói nhịn miệng đãi khách như vậy cũng như chuẩn bị gửi của cho chồng đi xa vào những dịp sau này. Ý nghĩ thật thực tế!
………………………..
36. TÌNH TÍNH TANG TANG TÌNH TANG
Tình tính tang, tang tình tang,
Súng vác vai, hoả mai tọng nạp,
Gươm tuốt trần, giáo cắp, mộc mang.
Tang tình tang.
Giương cung mà bắn con cò,
Con cốc nó lội con cò nó bay.
Tính tình tang, tang tình tang.
37. CON GÀ CỤC TÁC LÁ CHANH
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi.
Con chó khóc đứng khóc ngồi,
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng.
38. CON KIẾN MÀY KIỆN CỦ KHOAI
Con kiến mày kiện củ khoai,
Mày chê tao khó lấy ai cho giầu.
Nhà tao chín đụn mười trâu,
Lại thêm ao cá bắt cầu rửa chân.
…………………………………….
43. THẰNG CUỘI NGỒI GỐC CÂY ĐA
Thằng cuội ngồi gốc cây đa,
Để trâu ăn lúa gọi cha lời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng.
44. THẰNG BỜM CÓ CÁI QUẠT MO
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy trâu!
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mè !
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy lim!
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mồi !
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
…………………..
49. THÌA LA THÌA LẢY
Thìa-la thìa lảy!
Con gái bảy nghề *
Ngồi lê là một,
Dựa cột là hai,
Theo trai là ba,
Ăn quà là bốn,
Trốn việc là năm,
Hay nằm là sáu,
Láu táu là bảy.
* Bảy nghề : đây tức là bảy tật xấu.
50. XẤU HỔ
Xấu hổ,
Lấy rổ mà che
Lấy nong mà đè,
Lấy đấu mà đong,
Lấy chầy đâm bong.
CHÚ THÍCH : Bài hát riễu em hay xấu hổ này thường được nghe thấy ở các vùng Hà-đông và Bắc-ninh.
51. GIÓ ĐẬP CÀNH ĐA
Gió đập cành đa,
Gió đánh cành đa,
Thầy nghĩ là ma,
Thầy ù thầy chạy.
Ba thằng ba gậy,
Đi đón thầy về.
CHÚ THÍCH : Bài nầy hát riễu thầy phù-thủy nhát ma. Cũng như hai bài tiếp đây riễu thầy bói dốt.
52. SỐ CÔ CHẲNG GIÀU THÌ NGHÈO
Số cô chẳng giàu thì nghèo,
Ba mươi tết có thịt treo trong nhà.
Số cô có mẹ có cha,
Mẹ cô đàn bà, bố cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.
53. NHẤT HÀO NHỊ HÀO TAM HÀO
Nhất hào, nhị hào, tam hào …
Chó chạy bờ ao.
Chuột chạy bờ rào.
Quẻ này có động.
Nhà này có quái trong nhà,
Có con chó đực cắn ra đằng mồm.
…………………
57. CON CÔNG HAY MÚA
Con công hay múa,
Nó múa làm sao?
Nó rụt cổ vào.
Nó xòe cánh ra.
Nó đậu cành đa,
Nó kêu ríu-rít.
Nó đậu cành mít,
Nó kêu vịt chè.
Nó đậu cành tre,
Nó kêu bè muống.
Nó đáp xuống ruộng,
Nó kêu tầm vông.
Con công hay múa …
………………………..
64. CÁI NGỦ MÀY NGỦ CHO LÂU
Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về.
Bắt được mười tám mười chín con trê,
Cầm cổ lối về cho cái ngủ ăn.
Cái ngủ ăn chẳng hết
Để dành đến tết mùng ba.
Mèo già ăn trộm,
Mèo ốm phải đòn,
Mèo con phải vạ,
Con quạ đứt đuôi,
Con ruồi đứt cánh,
Đòn gánh có mấu,
Củ ấu có sừng,
Bánh chưng có lá,
Con cá có vây,
Ông thầy có sách,
Thợ ngạch có dao,
Thợ rào có búa,
Sảy lúa có sàng,
Việc làng có mõ,
Cắt cỏ có liềm,
Câu liêm có lưỡi,
Cây bưởi có hoa,
Cây cà có trái,
Con gái có chồng,
Đàn ông có vợ,
Kẻ chợ có vua,
Trên chùa có bụt,
Cái bút có ngòi,
Con voi có quản.
CHÚ THÍCH : bài này và một số bài kế tiếp thuộc loại vô nghĩa, chỉ cần có vần có điệu, tương đương với
……………………………….
70. BẮT ĐƯỢC CON CÔNG
Chú bé bắt được con công,
Đem về biếu ông,
Ông cho con gà,
Đem về biếu bà,
Bà cho quả thị.
Đem về biếu chị,
Chị cho quả chanh.
Đem về biếu anh,
Anh cho tu-hú.
Đem về biếu chú,
Chú cho buồng cau,
Chú thím đánh nhau,
Buồng cau trả chú,
Tu hú trả anh,
Quả chanh trả chị,
Quả thị trả bà,
Con gà trả ông,
Con công phần tôi.
Doãn Quốc Sỹ
Sưu tập
Mời xem thêm :
http://www.e-cadao.com/t...pvanchuongnhidong-1b.htm