Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 3,437 Points: 1,167 Thanks: 85 times Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
|
Một lần khép nép – chào biệt mẹ cha – phận con là gái – như hạt mưa sa Một lần e lệ – bước lên xe hoa – khép trang nhật ký – thôi giòng viễn mơ Thôi chăn gối lẻ – gửi lại giường xưa – ủ giùm cho nhé – hương đào ngây thơ Thôi bàn học cũ – sách vở từng năm – nhớ người tóc xoã – ôn bài dưới trăng Gửi khu vườn nhỏ – ngày tháng nô đùa – chân chim khuyên nhẩy – dưới tàng lá thưa Gửi khu vườn nhỏ – những dáng thường qua – dấu chân lưu luyến – giòng mắt mong chờ Gửi khu vườn nhỏ – những thoáng say mơ – của mùa e ấp – sen ngó đào tơ Long lanh ngấn lệ – điểm má xuân thì – hương trinh rờn rợn – tà áo vu quy Một lần khép nép – chào biệt mẹ cha – một lần e lệ – bước lên xe hoa – là thôi là tắt – tiếng hát ngây thơ – từ lòng sen ngó – từ nụ đào tơ Gót hài hôn lễ – đưa bước xa nhà -theo câu phận gái – như hạt mưa sa…
Bài Thơ Vu Quy của thi sĩ Tuệ Mai trong tập thơ Bay Nghiêng Dòng Đời được xuất bản năm 1971, tập thơ này được các cô nữ sinh trong đó có tôi nâng niu truyền đọc, nắn nót chép xuống vở cho dù đã có bản in, đôi khi viết bằng bút chì đôi câu trên mặt bàn học trong những khi thầy giảng toán trên bảng, trò mộng ngoài cửa lớp nghĩ đến ngày khép trang nhật ký. Cái thuở xa xưa ấy, “áo mặc không qua khỏi đầu” “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nghĩ lại sao thấy “rờn rợn tà áo vu quy” thật. Nghe Julie Quang hát lại càng thêm sợ cho dù khi ấy thập niên 70 mình hát đàn líu lo, để bị bà nội mắng là “con gái hư”, chỉ hát thế thôi đã là con gái hư lạ thật! Hôm nay, nghĩ đến chuyện xưa nhìn lại chuyện tuần vừa qua ngày thứ bảy – 15 tháng 7 năm 2017, ngày cô Út vu quy lòng vẫn còn bồi hồi, toàn bộ đám cưới của con chỉ có cái bảng “Vu Quy” và ba chiếc áo dài là còn chút quê nhà, toàn lễ cưới theo ý của con không còn việc đón nhà trai – bưng mâm quả vào trình gia tiên – lễ xuất giá vân vân và vân vân nữa. Con rể cũng chiều ý mình tìm cho ra bảng “Vu Quy” rồi hỏi “What does it mean?”
mình bảo chữ đầu có nghĩa là “go” chữ sau có nghĩa là “to your house”. Anh chàng cười hỏi lại “Really!” Thật hay không thật chính mình cũng không rõ, bây giờ cụ Gu Gồ cho câu trả lời thế này:
Hai chữ “vu qui” có trong “thi kinh” 桃之夭夭 灼灼其花 之子于归 冝其室家 (đào chi yêu yêu chước chước kỳ hoa chi tử vu qui nghi kỳ thất gia)
Quyển “thi kinh dịch chú” mà tôi có, nói là chữ “vu” có nghĩa 去 hay 往 và giải thích rằng hai chữ “vu qui” có ý 往归夫家(vãng qui phu gia=đi về nhà chồng). Hình như xưa chữ “qui” dùng một mình cũng có nghĩa là “về nhà chồng”( cho những ai may mắn… có chồng xưa :-)) nên có người lại nói chữ “vu” chỉ là trợ từ mà không có nghĩa gì rõ ràng.
chỉ biết là ngày xưa nhà nào có treo bảng là nhà đó gả con gái sang nhà người khác, sau đó trong xóm sẽ vắng một cô, hay là sau đó có thêm một anh chàng vào nhà đó ở. Thuở ấy nhà không có treo bảng “Vu Quy” báo cho làng xóm biết con gái đi lấy chồng, mà sau đó cô nàng ẵm con về nhà mẹ là thế nào cũng bị dè bị bỉu: “Con gái hư, không chồng có con!”
Khu vườn con mướn để tổ chức đám cưới đẹp quá, hoa ơi là hoa, góc này hoa cúc góc kia hoa chi lạ chẳng biết tên mà kêu, hương thơm ngào ngạt ai cũng lang thang đi chụp hình sau buổi lễ đơn giản có sự chứng kiến của hai bên cha mẹ, họ hàng ruột thịt và bạn bè cũng phải thật thân mới “được” dự, cái bảng treo lên xong chụp vội cái hình, muốn tìm họ hàng để chụp chung một tấm cũng không được nên mình treo lên rồi mình lại leo lên tháo xuống, nào áo đầm dài phủ gót, nào đôi guốc cao cao, đúng là “không bình thường.” Ngày xưa còn sợ bị chê là nhà có con gái hư, bây giờ có ai biết ai vào ai cơ chứ, mà con gái nó lớn hơn ba mươi tuổi, có sự nghiệp rồi muốn gì tự mua tự sắm, đâu có như xưa mới “tuổi trăng rằm” chưa xong trung học đã “bị” gả cho khuất mắt, để trong nhà như có hũ mắm không biết . . . Ôi! làm thân con gái hương đào ngây thơ có biết chi đâu đã vội thành thiếu phụ khổ ghê chưa! Cô Út nhà này tự cô vẽ thiệp cưới, tự cắm hoa tự . . . cùng ba cô bạn gái thân từ thời tiểu học hí hoáy đủ chuyện cho cái ngày tự cô nàng chấp nhận đi lấy chồng đúng nghĩa “I do!”
Thế mẹ của cô dâu phải làm gì nhỉ, bắt đầu cách đây đúng 15 năm là đám cưới của cô lớn, đầy đủ lễ nghi đám hỏi trước, đến rước dâu – xuất giá về nhà chồng, đến nhà thờ cử hành hôn lễ, chiều tối đến nhà hàng đãi đúng 12 món, cô Út nói: “Đám cưới của con không làm như vầy mệt quá lại không vui!” Mẹ ừ ngay vì quả là quá mệt. Hai chị em không hẹn mà ngày cưới trùng nhau, chỉ khác là đám cưới khác hẳn, không có 12 món không có mâm đỏ heo quay, xôi gấc gà luộc, không có rót trà mời ông bà cha mẹ, chỉ có không gian chim hót, đàn hạc rải nhẹ nhàng. Trước đó vài ngày, mẹ của cô dâu nấu nướng liên tục vì khách xa về dự đám cưới, nhà đầy khách vui ơi là vui, một ngày trước nhà đầy hoa,
tối trước ngày cưới hoa kết xong, sau đó là . . . phần của mẹ, làm sao mang hết tất cả mọi thứ đến địa điểm con đã chọn và cái bánh cưới trong ngày nóng như thiêu.
Tạ ơn Chúa mọi việc hoàn tất trang trọng, thanh thoát tiếng đàn nhẹ nhàng trong khu vườn đầy hoa lá, chim hót líu lo, ngay lúc cô dâu bước ra mấy chú quạ ghen tị ngoáp miệng kêu to ơi là to. Điều đặc biệt là cô Út cám ơn bằng tiếng Việt, bõ công ba mẹ chở đi học tiếng Việt bao nhiêu năm. Chúa chúc phúc cho hai con, cho dù con gái bây giờ không giống cô gái ngày xưa phải nức nở khóc xuất giá, không biết tương lai về đâu phải lệ thuộc vào nhà chồng từ miếng ăn cái mặc, ngược lại bây giờ các chú rể hay khóc khi nói lời thề hứa cùng cô dâu, chắc chắn vì quá mừng rỡ khi nắm chặt được tay nàng, không sợ nàng bay đi mất.
|