‘Illegal immigrant’ và cuộc chiến chữ nghĩa Thursday, April 11, 2013 5:12:05 PM
Hà Giang/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Tin hãng thông tấn AP thôi dùng cụm từ “illegal immigrant”, được công bố hôm 2 tháng Tư vừa qua, làm xôn xao giới truyền thông Hoa Kỳ.
Bé Meshelle Fernandez, 7 tuổi, ở tỉnh Chester, Virginia, cha mẹ đến từ Mexico, bím mái tóc dài lúc chụp chân dung trong phần cuối của cuộc tuần hành "Trở thành người Mỹ”, để ủng hộ cải tổ di trú trước Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 10 tháng Tư, 2013. (Hình: Jacquelyn Martin/AP Photo)
Giải thích lý do, Phó giám đốc kiêm tổng giám đốc hội đồng chủ biên của AP, bà Kathleen Carroll, nói:
“AP từ nay không dùng cụm từ “người nhập cư bất hợp pháp", hoặc sử dụng những chữ "bất hợp pháp" để mô tả con người nữa. Thay vào đó, chữ "bất hợp pháp" chỉ nên dùng để mô tả một hành động, chẳng hạn như hành động sống trong một quốc gia bất hợp pháp hay hoặc việc di cư đến một quốc gia bất hợp pháp.”
Một ngày sau khi AP đưa tin, tờ LA Times loan báo là “sẽ xét lại” cụm từ này trong những bài viết trên báo mình.
Ông Henry Fuhrmann, phó Tổng Thư Ký của LA Times, cho biết từ năm 1979 đến 1995, LA Times vẫn dùng từ "illegal alien" nhưng sau năm 1995, đổi Stylebook và khuyên nhân viên nên dùng "illegal immigrants" thay vì "illegal aliens" hoặc "illegals."
Chữ và nghĩa
Theo lời ông Fuhrmann, hội đồng chủ biên của LA Times đã cân nhắc chữ nghĩa liên quan đến di trú “từ mùa Thu năm ngoái”, dự trù sẽ sớm đưa ra đề nghị cho khối biên tập viên, nhưng cũng tiết lộ rằng thật ra, một số phóng viên của LA Times dạo sau này đã tránh không dùng 'illegal immigrant' nữa.
“Chúng tôi hiểu rất rõ rằng ngôn ngữ, giống như văn hóa, tiến hóa theo thời gian, cả độc giả của chúng tôi cũng thay đổi nữa, và chúng tôi phải lắng nghe ý kiến của họ.”
Thông báo của AP được đưa ra giữa lúc cả nước Mỹ đang chú ý đến việc cải tổ luật di trú, sẽ ảnh hưởng không ít đến cộng đồng người Mỹ gốc La tinh, một cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử 2012, và nhóm nghị sĩ được gọi là “Gang of Eight” có vẻ sắp đạt được thỏa thuận chung về dự luật di trú mới.
AP không phải là tổ chức duy nhất cập nhật hóa cách dùng chữ để phản ánh những thay đổi có tính cách văn hóa lẫn chính trị tại Hoa Kỳ.
Nhiều cơ quan truyền thông khác, như MSNBC, cũng bắt đầu thay 'illegal immigrant' (người di dân bất hợp pháp) bằng “undocumented immigrant” (người di dân không có giấy tờ).
Điều đáng chú ý là chỉ cách đây 6 tháng, khi cân nhắc giữa “illegal immigrant” và “undocumented immigrant”, AP đã bác bỏ “undocumented” để chọn “illegal”, lập luận rằng chữ “undocumented” không chính xác: Người nhập cư lậu có thể vẫn có đầy đủ giấy tờ từ quốc gia họ, chỉ không có giấy tờ ở nơi đang sinh sống.
Trả lời phỏng vấn báo chí về việc đảo ngược quyết định của mình chỉ trong vòng 6 tháng, bà Kathleen Carroll cho biết lý do then chốt là “không nên dán nhãn cho một con người.”
“Chẳng hạn khi nói về bệnh nhân bệnh tâm thần phân liệt, thay vì gọi họ “người tâm thần phân liệt” nên nói là người bị chẩn bệnh “tâm thần phân liệt”. Bà Carroll dẫn giải.
Mạnh mẽ hơn, ông Michael Oreskes, tổng thư ký tòa soạn của AP phát biểu:
“Mô tả một người bất hợp pháp không chính xác, ngay cả khi người đó có hành vi phạm pháp. Như vậy nói "nhập cư bất hợp pháp" thì được trong khi nói "người nhập cư bất hợp pháp" thì không được.”
Ông Oreskes kết luận: “Dán nhãn người ta là lười biếng. Miêu tả họ mới là việc làm đúng.”
Sự cân nhắc và thay đi đổi lại này cho thấy chữ nghĩa là một vấn đề không đơn giản.
Giờ đây, ngay cả khi đã quyết định thôi không dùng “illegal immigrant”, AP cũng không tìm được chữ thay thế, chỉ đề nghị phóng viên “nên miêu tả đầy đủ tình trạng di trú' của người di dân, chẳng hạn nhập cư không giấy phép, hay ở lại sau khi hết hạn Visa...
Kẻ bênh người chống
Quyết định của AP gây một tác động đáng kể. AP cung cấp tin cho hơn 1,400 tờ báo và hàng trăm đài truyền hình và các websites. Cẩm nang AP được nhiều cơ quan dùng làm tiêu chuẩn cho việc huấn luyện và truyền đạt.
Và vì cũng vì tác động lớn này, nên quyết định của AP tạo nhiều phản ứng khác nhau.
Hoan nghênh quyết định, chủ biên của trang mạng
http://immigration.about.com, hôm 8 tháng Tư, cho biết từ đây cũng sẽ không dùng "illegal immigration" trên trang web của mình nữa.
Bình luận gia Andres Oppenheimer của tờ The Miami Herald viết:
“Quyết định của AP là một chiến thắng lớn cho sự công bằng trong ngành báo chí. Còn nhiều cụm từ có tính cách kỳ thị như vậy, và AP không nên dừng ở đây.”
Theo chân AP, tờ USA Today, hôm 10 tháng Tư công bố sẽ không dùng hai chữ "illegal immigrant" trừ khi viết trong ngoặc kép, để nhắc lại lời người khác.
Nhưng không phải ai cũng đồng ý với sự thay đổi này.
Châm biếm quyết định của AP, ông William Gheen, giám đốc của The Americans for Legal Immigration PAC, một tổ chức ủng hộ việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, đưa ra một thuật ngữ mới: “illegal invaders” (kẻ xâm nhập bất hợp pháp) và gọi quyết định của AP là điều “kỳ cục.”
Bà Janet Napolitano, bộ trưởng Bộ Nội An nhẩy vào cuộc, nói rằng “tránh không muốn tham dự vào cuộc chiến chữ nghĩa”, nhưng phát biểu:
“Họ là những người nhập cư vào Mỹ bất hợp pháp, vậy thì gọi là người di dân bất hợp pháp. Còn những người nhập cư không có giấy tờ thì gọi là người di dân không giấy tờ.”
Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa, Arizona) khẳng định sẽ tiếp tục dùng cụm từ “illegal immigrant,” nói:
“Một người vượt biên giới bất hợp pháp thì ở đây bất hợp pháp. Tôi sẽ tiếp tục gọi họ là bất hợp pháp.”
Nhẹ nhàng hơn, ông Jon Feere, thuộc tổ chức Center for Immigration Studies cho rằng quyết định của AP là “chiến thắng lớn cho những ai muốn làm lu mờ ranh giới giữa hợp pháp và bất hợp pháp.”
Được hỏi ý kiến về sự kiện này, Thẩm phán Phan Quang Tuệ, hiện là thẩm phán tòa di trú Liên Bang ở San Francisco phát biểu:
“Cần phân biệt danh từ sử dụng trong giới truyền thông và danh từ sử dụng trong đạo luật Immigration & Nationality Act. Luật sử dụng danh từ nào thì đó là danh từ chính thức. Danh từ trong luật là "illegal alien" hay là "undocumented alien".
Phản ứng giới truyền thông tiếng Việt
Ông Phạm Phú Thiện Giao, chủ bút nhật báo Người Việt, nhận xét rằng tất cả các tờ báo lớn đều có sổ tay về cách dùng chữ cho phóng viên. Mỗi một chữ dùng đều bao hàm một định nghĩa; tức là nói đến chữ đó thì độc giả hình dung ngay về ý nghĩa đi kèm. Theo thời gian, mỗi tính từ dùng cho một đối tượng nào đó sẽ “dán nhãn” lên đối tượng; và trong một số trường hợp cực đoan, các ý nghĩa tạo nên một thứ thành kiến. Do đó, “sự chính xác của chữ” là rất quan trọng. Ông nói:
“Tôi cho rằng việc loại bỏ chữ “illegal immigrant” là vì chữ “illegal,” là chữ có thể tạo nhiều thành kiến đối với di dân.”
Được hỏi có theo chân AP không, ông Giao trả lời:
“Cộng đồng Việt Nam có một số cách nói liên quan đến nhóm di dân này. Họ gọi là “di dân bất hợp pháp” hoặc là “di dân lậu.” Tại Người Việt, chúng tôi không sử dụng trường hợp thứ nhì. Còn về cụm từ “di dân bất hợp pháp,” tôi nghĩ rằng chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng vì cụm từ này được hiểu đúng với ý nghĩa của nó, tức là không tạo nên thành kiến.”
Ông Nguyễn Giang, trưởng ban Á Châu của đài BBC, nói rằng BBC tiếng Anh cũng như tiếng Việt luôn chú ý đến nguyên cớ của vấn đề để đưa tin công bằng và chính xác về các trường hợp đa dạng về người nhập cư không hợp pháp, nhập cảnh hợp pháp nhưng lưu trú quá hạn visa, nạn nhân của các vụ buôn người có tổ chức kiểu băng đảng, người di dân từ các quốc gia EU vào Anh theo luật nhưng khi cư trú đã phạm luật.
Tuy nhiên, ông Giang cho biết “BBC không hoặc chưa có quan điểm không sử dụng khái niệm 'người di dân bất hợp pháp'.
Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, ông Nguyễn Văn Khanh, trưởng ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do than:
“Đúng là chữ và nghĩa! Họ đến Mỹ không có giấy tờ hợp lệ, như vậy là undocumented. Họ cố tình vi phạm luật lệ khi ở lại Mỹ, như vậy là illegal. Từng có một tập thể được gọi là người da đen, bây giờ, được gọi là African-American, báo chí dùng chữ khác, họ sẽ phản đối ngay. Chữ nghĩa thay đổi theo tình hình xã hội, chính trị. Gọi thế nào dùng thế nào cho đúng.”
Và ông kết luận:
“Những người ủng hộ cải tổ di trú sẽ gọi họ là “undocumented,” những người không đồng ý sẽ gọi họ là 'illegal.'