Sau khi lập gia đình, cô Sonam dọn nhà xa hơn chỗ cũ, cưỡi ngựa đường trường thì cũng phải mất chín tiếng đồng hồ mới tới. Mỗi năm cô được cha đến xin phép nhà chồng cô cho cô về thăm cha mẹ một lần. Cũng như nhiều nàng dâu khác, mùa về thăm cha mẹ thường là vào tháng tư, khi việc gieo mạ và cấy lúa đã xong. Mỗi lần về thăm, cô Sonam luôn được mẹ may cho quần áo mới đủ mặc cả năm, những bộ áo màu tươi, thời trang của phụ nữ khá giả. Mẹ cô cũng may thêm y phục để làm quà cho chồng và cha mẹ chồng cô, gọi là để tình thông gia thêm có sự thông cảm với nhau cho con gái được nhờ.
Cô Sonam làm dâu là gánh hết khó nhọc cho nhà chồng. Ngoài cha chồng mỗi ngày đều hai chuyến ra đồng làm lụng, là lao động thật sự, mẹ chồng chỉ trông nom thợ cấy và chồng cô thì càng ít lo việc làm ăn hơn. Bà mẹ chồng sạch sẽ, tinh tươm lắm, nhà quét không ra một cái rác. Bà dùng bữa trên cái kang, con dâu thì ăn dưới bếp và phải đứng mà ăn chứ không có ghế ngồi. Tuy vậy, bà cũng tử tế, rộng rãi và công bằng với con dâu.
Chồng cô tánh thật thà, thẳng thắn, nhưng độc đoán và nóng nảy. Khi mới cưới, chú rể còn quá trẻ, mới mười bảy tuổi, thích phi ngựa, thích vui chơi, mê những cuộc đỏ đen, ít khi ở nhà, ruộng mạ giao hết cho vợ, không cần biết mùa màng ra sao cả. Những người em trai và em gái chồng thì khá hơn, luôn luôn phụ giúp một tay khi có dịp.
Mỗi ngày, từ một giờ sáng cô đã thúc dậy, ra giếng xách nước cho cả nhà và nhân công dùng. Giếng nước giờ đó thế mà cũng đã đông người sắp hàng chờ lượt. Múc nước thì phái cẩn thận thả gầu cho nhẹ để khỏi khuấy động đáy bùn, người khác khỏi phải phiền hà. Thường thường cô gánh độ năm sáu gánh, hôm nào cần nhiều thì mười gánh. Mùa đông gánh nước rất cực, nước lạnh cóng, cô phải thoa mỡ cừu vào hai bàn tay cho bớt lạnh. Gánh nước xong, bảy giờ sáng cha mẹ chồng thức giấc là cô lo mời trà. Pha trà mời cha mẹ chồng xong, cô lo quét tước trong ngoài, lo nhóm bếp, rồi lại lo pha thêm một tuần trà nữa cho thợ. Tám giờ rưỡi sáng, mọi người ra đồng thì cô ở nhà vắt sữa trâu, sữa dê, rồi cho gia súc ăn. Năm sáu ngày một lần, cô quét dọn cái kang rồi thêm phân khô để đốt bếp cho đầy đủ. Đến trưa, cô đem cơm ra đồng cho thợ. Cơm trưa xong, cô hòa vào đám thợ, buông tay nọ, bắt tay kia, làm lụng với họ cho đến tận năm sáu giờ chiều. Năm sáu giờ chiều thợ từ đồng trở về, vừa đi vừa ca hát. Còn Sonam thì bương bả chạy về nhà. Làm sao thì làm, cơm tối phải nấu cho xong đúng bữa cô mới khỏi bị mẹ chồng rầy.
Mỗi ngày là như vậy, Sonam chỉ có ba bốn tiếng đồng hồ để ngủ (những ngày phải xay bột, thường là từ tám đến mười ngày, còn vất vả hơn, gọi là khỏi ngủ). Nhiều khi lợi dụng lúc đi lặt phân trâu, cô ngồi xuống bên đường, dựa gốc cây mà thiếp đi một lúc. Có khi khổ thân quá, cô kiếm chỗ váng ngồi khóc một mình. Nhưng tuyệt nhiên cô chẳng hề hé răng to nhỏ một lời than vãn với ai, kể cả với chồng.
Sonam làm miết, cho tới khi mẹ chồng mất. Cô túm chùm chìa khóa, thay bà cai quản đám thợ, lo việc mua bán nông phẩm, lo quán xuyến tiền bạc của gia đình. Cô không phải ra đồng nữa.