Chào các bạn,
SL mời các bạn đọc bài Tư' Đại Danh Sơn ở Trung Quốc và hy vọng một ngày nào đó chúng ta có duyên lành đến viếng nơi đây.
SL chưa tìm được hình ảnh tứ đại danh sơn này.
Các bạn nào có hình ảnh về các nơi kể trên xin post vào đây để SL và các bạn khác được cùng xem.
SL xin cám ơn trước.
SL
TỨ ĐẠI DANH SƠN”và việc phát triển du lịch văn hóa Phật giáo
tại Trung QuốcTâm Hiếu dịch
Phổ Đà sơn “Hải Thiên Phật Quốc” ở Triết Giang, Ngũ Đài sơn “Thanh Lương Thế Giới” ở Sơn Tây, Nga Mi sơn “Tây Nam Phật Quốc” ở Tứ Xuyên, Cửu Hoa sơn “Liên Hoa Phật Quốc” ở An Huy được mệnh danh là Tứ đại danh sơn của Phật giáo Trung Quốc.
Du lãm văn hóa Phật giáo là du lịch đến những danh lam thắng cảnh văn hóa Phật giáo với mục đích lễ bái, cầu pháp, tham học, nghiên cứu... Hoạt động du lịch thường có liên quan mật thiết với tôn giáo. Lịch sử phát triển của ngành du lịch đã chứng minh rằng, chiêm bái thánh tích tôn giáo là một trong những nguyên nhân thu hút du khách. Trên thế giới hiện có một số thánh địa Phật giáo nổi tiếng như nơi Đản sanh, thành Đạo của Đức Phật Thích Ca ở Ấn Độ, những ngôi danh lam ở Tây Tạng - Trung Quốc, Thái Lan... đều là những điểm du lịch có tiếng.
Tứ đại danh sơn của Phật giáo Trung Quốc từ xưa đến nay luôn là nơi chiêm bái của tín chúng; thiện nam tín nữ, du khách từ nhiều nơi. Ngành du lịch hiện đại phát triển, du lịch văn hóa Phật giáo trong khu vực Tứ đại danh sơn cũng phát triển theo. Như tại Phổ Đà sơn mấy năm gần đây, lượng khách du lịch hàng năm ước tính hơn trăm vạn, đẩy mạnh nền kinh tế thành phố Chu-San. Du lịch văn hóa Nga Mi sơn đã trở thành sức mạnh chủ yếu phát triển kinh tế của thành phố Nga Mi Sơn, với phương châm “Y sơn hưng thị, tựa sơn đằng phi”. Cửu Hoa sơn vị trí địa lý ưu việt, giao thông thuận lợi nên càng hưng thạnh. Ngũ Đài sơn có nền văn hóa được liệt vào “Di sản văn hóa thế giới”. Trong thời gian “Hương hội”, “Pháp hội”, khách du lịch khoảng 1 đến 2 vạn người. Chính quyền địa phương hết lòng ủng hộ trong việc phát triển du lãm văn hóa Phật giáo. Tứ đại danh sơn đối với sự phát triển du lịch văn hóa Phật giáo trong thời kỳ hiện đại, mang lại không ít những điều lợi ích.
Nguyên nhân làm cho Tứ đại danh sơn hưng thạnh chủ yếu là do bốn ngọn núi này được tương truyền là nơi ứng hiện của ngài Quan Thế Âm Bồ tát, ngài Văn Thù Bồ tát, ngài Phổ Hiền Bồ tát và ngài Địa Tạng Bồ tát. Tứ đại danh sơn có thể xem là đại biểu cho tinh thần Đại thừa Phật giáo. Tinh thần vĩ đại này làm xúc cảm vô số trái tim của thiện nam tín nữ, và họ đến lễ bái thánh địa.
Hơn ai hết, mỗi con người thường tự nhận thấy cuộc sống huyễn hóa vô thường, cô đơn trước bao nỗi thống khổ, tiện nghi vật chất không thể giải quyết được nỗi khổ của họ. Với nhịp điệu của cuộc sống hiện đại náo nhiệt, họ khát khao có được đời sống an nhàn, tìm một phút giây dù chỉ là chốc lát trong khung cảnh của chốn thiền môn. Ở đây, ngài Quan Thế Âm đại diện cho tinh thần Đại từ Đại bi độ tất cả chúng sanh thoát ly biển khổ, chỉ cần nghe tên Ngài, niệm danh hiệu Ngài, thấy hình tượng Ngài cũng đều được an lạc. Ngài Văn Thù Bồ tát đại diện cho trí tuệ Bát Nhã. Ngài Phổ Hiền Bồ tát tiêu biểu cho “Thập đại nguyện vương”. Ngài Địa Tạng Bồ tát “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề”. Chính bởi tinh thần vô úy cao cả này của những vị Bồ tát tại những Thánh tích này đã thu hút hàng vạn người về đảnh lễ, chiêm bái danh sơn.
Một trong những yếu tố làm cho Tứ đại danh sơn hưng thạnh, đó là ngoài việc tu bổ điện đường, những ngôi chùa tại những nơi này đã thực hiện đúng tinh thần từ bi của Phật giáo, tạo phúc an dân. Thể hiện qua một số công việc như: ấn tặng kinh sách, tượng Phật, đồ pháp khí... quảng kết thiện duyên. Ngoài ra, trên phương diện từ thiện xã hội, các tổ chức Phật giáo tại Tứ đại danh sơn luôn sẵn lòng cứu tế những người nghèo khó, giúp đỡ học sinh nghèo ham học, phóng sanh hộ vật, trồng cây gây rừng... xác lập được hình tượng Từ bi trong xã hội, xóa bỏ hiểu lầm của người đời đối với Phật giáo. Bên cạnh công việc từ thiện xã hội, trong chùa còn tổ chức bệnh viện Phật giáo, dưỡng sanh Phật giáo, biểu diễn nghệ thuật Phật giáo... Những hoạt động này đem đến nhiều lợi lạc cả thân tâm nên đã có nhiều người tìm đến Phật giáo.
Một điều nữa, Tứ đại danh sơn ngoài nguyên nhân phát đạt do du lịch ra, còn mang sắc thái văn hóa Phật giáo. Vì những ngôi danh lam nơi đây đều có lịch sử văn hóa lâu đời, được nhiều triều đại xưng tụng, ngợi ca. Ngày nay, trong một số ngôi chùa tại những nơi này còn lưu lại những tượng Phật cổ, bia cổ ghi chép đầy đuọ công hạnh tu trì của các bậc cao tăng. Mỗi khi khách hành hương lên núi còn thấy những bài thơ, bức họa tuyệt mỹ. Bên trong Tứ đại danh sơn là một khối liên hợp những tòa kiến trúc Phật giáo cổ kính trang nghiêm, những pho tượng Phật sống động như thật, những bức họa đặc sắc, những bài thơ với bút tích thư pháp ý vị, hòa cùng phong cảnh tự nhiên làm du khách bàng hoàng khó quên.
Còn một điểm nữa luôn được chú trọng tại Tứ đại danh sơn, đó là vai trò của Tăng sĩ với giới luật thanh tịnh, thật tu thật học. Có thể thấy rõ điều này ở đạo tràng “Hán tạng Phật giáo”, nơi đây giới luật tinh nghiêm, chú trọng tu trì, giảng kinh thuyết pháp, người tham học và du khách nghe tiếng nên tìm đến, dần dần phát triển thành nơi du lãm văn hóa Phật giáo. Cũng như “Học viện Luật” của Ni chúng chùa Phổ Thọ Ngũ Đài sơn, khắp trong và ngoài nước đến tham cầu học hỏi, lễ bái đông vô kể. Có thể thấy rằng sức cảm hóa của cao tăng Phật giáo rất lớn. Theo lịch sử phát triển Tứ đại danh sơn, mỗi lần xuất hiện một vị cao tăng giới đức cao dày, hạnh giải tương ưng... thì có nhiều Tăng Ni, Phật tử, văn nhân nho sĩ đều tìm đến cầu pháp. Hơn nữa, đã có một số vị cao tăng sau khi viên tịch, nhục thân không tan rã, hoặc có vị lưu lại xá lợi... đây cũng chính là những đối tượng để mọi người tìm đến xưng tán lễ bái. Như ngài Kim Địa Tạng - Tổ sư khai sơn Cửu Hoa sơn - viên tịch đã lâu mà nhục thân không tan rã. Tháp thờ nhục thân của ngài đến nay vẫn còn. Pháp sư Vô Hạ đời Minh được hoàng đế Sùng Trinh tôn xưng “Bồ tát Ứng thân”, ngài viên tịch đã gần 400 năm nhưng nhục thân vẫn còn nguyên vẹn trong tư thế kiết già, phụng thờ ở Bách Tuế cung. Cửu Hoa sơn được xem là đạo tràng của ngài Địa Tạng Bồ Tát, có hơn 14 vị cao tăng nhục thân bất hoại. Trong thời gian chiến tranh bạo loạn, một số nhục thân bị hư hoại, hiện tại chỉ còn 5 vị, và đó còn là nét đặc thù văn hóa Phật giáo của Cửu Hoa sơn. Từ những nhục thân bất hoại của các bậc cao tăng và đức hạnh tu trì của quí ngài lúc sanh tiền, mỗi năm đã cảm hóa biết bao người. Nên biết rằng, phát triển du lịch văn hóa Phật giáo, không nên chỉ chú trọng về mặt kinh tế, mà cần phải phát huy và bảo trì văn hóa Phật giáo chính thống, bồi dưỡng Tăng tài, như vậy sự nghiệp du lịch Phật giáo mới phát triển được lâu dài.
Nhân vì Tứ đại danh sơn là thánh địa ứng hóa của Tứ Đại Bồ tát, nên nó có địa vị rất cao trong con mắt tín chúng Phật giáo nước ngoài. Mỗi năm có hàng vạn tín chúng và du khách nước ngoài đến chiêm bái, Phật tử Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao thường tổ chức thành đoàn leo núi, 3 bước lạy 1 lạy rất thành khẩn. Việc làm này, một mặt xúc tiến tình hữu nghị quốc tế, tăng cường tình đoàn kết dân tộc quốc gia, mặt khác thúc đẩy phát triển ngành du lịch văn hóa Phật giáo.
Du lịch quốc tế đang được ưa chuộng hiện nay là du lịch văn hóa sinh thái. Đây là loại hình du lịch có ích trong việc phát triển ý thức bảo vệ tự nhiên nên được gọi là “Du lịch màu xanh”. Ở điểm này, du lịch văn hóa Phật giáo chiếm ưu thế. Như một bài thơ cổ đã viết “Tiếc rằng sông núi trong thiên hạ, phong cảnh tuyệt trần thuộc về nhà sư”, vì các ngôi cổ tự đa phần tọa lạc tại những nơi có phong cảnh tự nhiên tuyệt đẹp. Phật giáo không sát sanh, từ bi thương xót mọi loài, không chặt cây phá rừng, tự giác bảo hộ truyền thống cân bằng sinh thái, xung quanh chùa trên núi còn trồng rất nhiều cây. Thiền sư Biệt Truyền - cao tăng Nga Mi sơn - đời Minh tụng kinh Pháp Hoa, tuông 1 chữ trồng 1 cây, lạy 1 lạy, theo số chữ trong kinh văn thì ngài trồng cả thảy là 69.770 cây tùng, bách, sam, nam mộc ở xung quanh núi và đống Bạch Long, nay gọi là “Cổ Đúc lâm”, tiều phu không một ai dám kinh động. Trong tự viện còn trồng hoa, trong bài thơ Đường có câu: “Điêu thanh sơn lộ tịnh, Hoa ảnh tự môn thâm”, “Khúc kinh thâm u xứ, Thiền phòng hoa mộc thâm”. Một số tự viện còn có suối nước ao xanh, hương sen ngày hạ, cá đùa tung tăng, tiếng chim thanh thoát, ý đẹp tình thơ khiến cho con người như lạc vào tiên cảnh. Khung cảnh sinh thái thanh nhàn ở chốn thiền môn, cộng thêm tinh thần “từ bi bình đẳng, phổ độ chúng sanh” thu hút khách hành hương mọi tầng lớp xã hội đến chùa lễ bái khấn nguyện, tham thiền học đạo, ngâm thơ họa cảnh, thưởng thức phong cảnh...
Đứng trước cảnh non xanh nước biếc, cảnh sắc u nhã của Phạm Cung Phật tự, tiếng chuông ngân vang, pha lẫn với lời kinh tiếng kệ, khiến cho du khách cảm thấy lòng thơ thới. Những câu đối ở Nga Mi sơn, Phổ Đà sơn... hàm ẩn triết lý Phật giáo sâu sắc, khi đọc đến khiến con người tịnh hóa thân tâm, cảm nhận được tính Từ bi - Trí huệ - Thanh tịnh của đạo Phật, từ đó từng bước cảm nhận ra những giá trị vĩnh hằng của đời sống tâm linh.