Phim Bạch Tuyết và Thợ săn : Khi nữ quyền lên ngôi 
Chuyện Bạch Tuyết được xuất bản lần đầu tiên cách đây 200 năm (DR)
Tuấn Thảo - RFI - THỨ BẢY 30 THÁNG SÁU 2012
Chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, mà lại có hai bộ phim Mỹ khai thác chuyện cổ tích của nàng Bạch Tuyết. Sự kiện quay nhiều phim trên cùng một chủ đề không phải là hiếm, nhưng có một điều mà ít ai để ý đến : sở dĩ Hollywood quay cùng lúc hai phiên bản Snow White khác nhau, là vì năm 2012 đánh dấu 200 năm ngày chuyện cổ tích của Grimm ra đời.
Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1812, chuyện cổ tích Bạch Tuyết (trong tiếng Đức là Schneewittchen, tiếng Pháp là Blanche Neige, tiếng Anh là Snow White) là của hai anh em tác giả nhà họ Grimm, dựa vào một truyền thuyết dân gian nổi tiếng ở châu Âu, có từ thế kỷ thứ 16 (nhân vật Bạch Tuyết được xây dựng theo một nhân vật có thật tên là Margeretha, con ruột của bá tước Waldeck), chết vào năm 21 tuổi do bị đầu độc bằng thạch tín.
Nguyên tác phát hành vào năm 1812 có một yếu tố đáng ghi nhận. Đó là nàng Bạch Tuyết bị hoàng hậu bạc đãi, nhưng bà hoàng ở đây lại là mẹ ruột của cô chứ không phải là dì ghẻ. Mãi đến nhiều năm sau, yếu tố này được hai anh em Jacob et Wilhelm Grimm chỉnh sửa, hoàng hậu không còn là bà mẹ ruột của Bạch Tuyết, nhưng cũng vì thế mà câu chuyện trở nên phải đạo hơn : quan hệ xung khắc giữa mẹ ghẻ và con chồng là chuyện muôn thuở, quá thường tình chẳng có gì đáng nói. Nhưng chuyện một bà mẹ chẳng những không thương yêu mà còn đi hành hạ bạc đãi con ruột, mới đáng để cho các nhà phân tâm học đem ra phân tích luận bàn.
Vào năm 1916, chuyện Bạch Tuyết và 7 Chú lùn lần đầu tiên được quay thành phim. Từ đó trở đi, câu chuyện cổ tích này đã được chuyển thể cả trăm lần, dưới dạng phim hoạt họa, phim truyện, phim truyền hình, kịch nói, múa ballet hay ca nhạc kịch. Hầu hết các phiên bản chuyển thể đều gần giống với nguyên tác (ngoại trừ yếu tố mẹ ruột – dì ghẻ). Hai phiên bản gần đây nhất phát hành vào năm nay cũng là một cách tái tạo nhân vật Bạch Tuyết trên màn ảnh lớn.
Đầu tiên hết là bộ phim Snow White của đạo diễn người gốc Ấn Độ Tarsem Singh, và tiếp theo đó là Snow White and the Huntsman của nhà làm phim người Anh Rupert Sanders. Cả hai đều xuất thân từ ngành làm phim quảng cáo và video clip, cả hai cũng dựa vào cốt truyện cổ tích của Grimm nhưng mỗi bộ phim lại có cách thể hiện khác nhau, từ lối dàn dựng cho đến cách xây dựng nhân vật.
Bộ phim Snow White của đạo diễn gốc Ấn với thần tượng Julia Roberts trong vai chính, dễ hiểu hơn nhờ bám sát vào tuyến truyện, khai thác các tình huống khôi hài, pha trò dí dỏm. Ngoài trang phục với màu sắc cực kỳ rực rỡ, phim còn cài thêm nhiều hoạt cảnh ca nhạc sinh động, nhảy múa vui nhộn, cho nên có ý kiến cho rằng chuyện Bạch Tuyết được diễn giải theo cách nhìn của một người ghiền xem phim Bollywood của Ấn Độ.
Ngược lại, cuộn phim Snow White and the Huntsman (Bạch Tuyết và chàng thợ săn) của đạo diễn Anh Rupert Sanders, thì lại mở ra một thế giới tăm tối và dữ dội hơn. Kristen Stewart (thần tượng của giới trẻ sau loạt phim Twilight) trong vai Bạch Tuyết, không còn là một cô gái nhu mì yếu đuối, mà lại có cá tính và bản lĩnh, thân mặc áo giáp tay cầm gươm đao sẵn sàng chiến đấu. Hoàng hậu Ravenna do Charlize Theron thủ diễn, là nhân vật có tâm lý phức tạp hơn cả, độc ác tàn bạo nhưng không hẳn là một vai phản diện một chiều. Do có nhiều tầng lớp chồng lên nhau, cho nên Bạch Tuyết và chàng thợ săn chưa chắc gì đã hợp với khán giả nhỏ tuổi.
Tuy cũng gợi hứng câu chuyện cổ tích của Grimm, nhưng phiên bản thứ hai này có phần vượt trội hơn vì nó mở ra nhiều cách đọc khác nhau. Bộ phim giữ lại các tình tiết quan trọng nhất y như trong chuyện cổ tích. Đó là câu chuyện của một cô công chúa, mồ côi mẹ từ khi còn bé. Vua cha đi thêm một bước khi lấy vợ nhì. Đến khi ông vua băng hà, hoàng hậu Ravenna soán ngôi lên nắm quyền.
Hoàng hậu có phép phù thủy, dùng ma thuật để ‘‘hớp hồn’’, hút lấy toàn bộ sinh khí của những cô gái trẻ đẹp. Hầu hết các trinh nữ trong vương quốc đều tự mình làm xấu xí dung nhan, để tránh bị đem vào hoàng cung nộp cho mụ phù thủy. Hoàng hậu này còn nhốt con chồng là Bạch Tuyết vào trong ngục tối, chờ đến khi nàng đến tuổi trưởng thành, sẽ giết đi để móc tim mà ăn, vì chỉ có như vậy, bà hoàng mới trẻ mãi không già, phù thủy mới trường sinh bất tử.
Trong ngục tối, nàng Bạch Tuyết không chờ chết mà lại dùng mưu kế để trốn thoát. Hoàng hậu Ravenna ra lệnh cho một chàng thợ săn lên đường truy lùng Bạch Tuyết, đem về cho bà trái tim trinh nữ. Nhưng rốt cuộc thì chàng thợ săn không giết mà lại đi cứu giúp cô công chúa. Cùng với 8 chú lùn (thay vì 7 chú) trong vùng thánh địa Sanctuary, họ sẽ sát cánh kề vai đối đầu với thách thức, vượt qua những hiểm nguy đang rình rập, và sẽ huy động một đội binh để giành lại ngai vàng mà hoàng hậu Ravenna đã tước đoạt lấy.
Gợi hứng ban đầu từ chuyện của Grimm, đạo diễn người Anh Rupert Sanders đã chuyển thể lên màn ảnh lớn thành một bộ phim thần thoại phiêu lưu, một dạng anh hùng ca theo kiểu Chúa tể các chiếc nhẫn (Lord of the Rings). So với nguyên tác, kịch bản phim đã sửa đổi khá nhiều chi tiết để phục vụ cốt truyện : trong phim cũng có một vị hoàng tử, nhưng vai diễn này rất mờ nhạt so với hai nhân vật chính là nàng Bạch Tuyết và chàng thợ săn.
Trong phim, nhân vật Bạch Tuyết được thể hiện một cách hiện đại, giống như nhiều phụ nữ trẻ tuổi thời nay : không ngồi đấy mà trông chờ một vị hoàng tử, mà lại phấn đấu cho số phận của mình. Cũng cần nhắc lại là chuyện cổ tích Bạch Tuyết được xuất bản vào đầu thế kỷ thứ XIX, phản ánh vị trí và vai trò của phụ nữ trong xã hội thời bấy giờ. Chính cũng vì thế mà giới bảo vệ nữ quyền đã chỉ trích mạnh mẽ nội dung câu chuyện cổ tích : Bạch Tuyết là hình tượng của phụ nữ bị đặt dưới quyền hay lệ thuộc vào phái nam : Bạch Tuyết khi còn sống trong hoàng cung thì phải tôn thờ vua cha, đến khi gặp các chú lùn thì lại trở thành một bà nội trợ lo toan mọi công việc nhà.
Đến tuổi lập gia đình thì Bạch Tuyết cũng không tự định đoạt lấy : ở trong truyện Ngày xửa ngày xưa, Bạch Tuyết có lấy chồng là sau khi được hoàng tử cứu nguy, vì ăn trái táo tẩm độc mà hôn mê bất tỉnh, và nếu không có nụ hôn thì nàng chẳng bao giờ mà hồi sinh. Tựu chung, nhân vật Bạch Tuyết hoàn toàn ở trong thế thụ động, may mắn lắm thì lấy được một tấm chồng tốt, có phúc thì sinh con đầy đàn để rồi an phận nội trợ đảm đang.
Cách nhìn của hai anh em tác giả nhà họ Grimm không còn thích hợp với thời nay, khi mà vai trò của người đàn bà (nhất là ở Âu Mỹ) vào thế kỷ XXI ít bị hạn chế, không còn bị trói buộc bởi trật tự gia đình hay khuôn phép xã hội. Trong phim của đạo diễn Rupert Sanders, Bạch Tuyết là một cô gái có bản lĩnh, đầy cá tính. Nhân vật này không thụ động, chờ bị giết chết hay đợi tình yêu đến, mà lại nhất quyết phấn đấu để vươn lên.
Nhưng đáng chú ý hơn nữa là cách diễn giải quan hệ giữa hoàng hậu Ravenna và nàng công chúa Bạch Tuyết. Đó không chỉ đơn thuần là quan hệ mẹ ghẻ - con chồng mà còn là sự đối chọi giữa hai quan niệm khác nhau về nữ quyền : một bên ôn hòa, bên kia cực đoan. Hoàng hậu Ravenna muốn trẻ hoài đẹp mãi vì sắc đẹp ở đây gắn liền với quyền lực.
Trong phim, nhân vật bà hoàng muốn nắm trong tay quyền lực tuyệt đối, kiểm soát thế giới xung quanh, áp đặt sự thống trị của mình lên tất cả những người khác, đặc biệt là phái nam. Còn nàng Bạch Tuyết thể hiện cho quan niệm ôn hòa hơn về nữ quyền. Nếu có đấu tranh thì không phải là để trả thù đàn ông, mà chủ yếu là để làm chủ bản thân, để giành lấy cái quyền tự quyết định chứ không để cho người khác suy nghĩ thay cho mình.
Tác phẩm của đạo diễn Rupert Sanders có thể được xem như một bộ phim giải trí, nhưng nhờ cài thêm nhiều ngụ ý, nên nổi trội hơn các phiên bản trước. Để được làm chủ bản thân và tự do định đoạt, Bạch Tuyết phải trải qua một chuyến phiêu lưu đầy rủi ro, có thể được xem như một hành trình cam go (parcours initiatique), để phát hiện chính mình. Tính chất phiêu lưu kỳ thú được thể hiện rất rõ trên màn ảnh, nhân vật chính phải băng qua cánh rừng sâu hun hút, tối tăm u ám, ẩn chứa đầy nguy hiểm và quái vật đáng gờm, để rồi tìm thấy vùng đất trong lành, bình yên rực rỡ, mầu sắc thần tiên.
Nhờ trí tưởng tượng, nên cách dựng phim của Rupert Sanders có nhiều chi tiết táo bạo, ý tưởng độc đáo : cảnh hoàng hậu tắm trong bồn sữa, cải lão hoàn đồng, lột xác trẻ măng, tựa như một cái nháy mắt về thời đại của thuốc botox và kem chống nhăn. Tuy nhiên, kịch bản bộ phim có nhiều chỗ không được gói ghém chặt chẽ, một số chi tiết đâm ra hơi thừa. Nhưng ít ra, phim Bạch Tuyết và Thợ Săn đã tìm cách làm mới một câu chuyện lỗi thời, không cần kem dưỡng da mà vẫn làm trẻ lại một nhân vật già hai trăm tuổi.