Rời khỏi nhà của ba bà cháu bé An, Q, Sally và các chị đến tiếp gia đình của em Huỳnh Bùi Anh Tú. Q, Sally cùng các chị lại phải vòng vèo quanh các ngõ hẻm nhỏ, len lỏi giữa những dãy nhà trọ chật hẹp, đông đúc để đến với gia đình của cô Bùi Kim Điệp – 47 tuổi, là mẹ của bé Tú.
Cô Điệp có 2 đứa con, một là bé Tú – 10 tuổi, năm nay lên lớp 4 và chị của Tú – Huỳnh Bùi Phương Uyên năm nay 12 tuổi. Ba của Tú đi làm phụ hồ, nhưng cách đây 4 năm, vì một tai nạn trong lúc làm việc, ba của Tú đã qua đời, bỏ lại cho cô Điệp 2 đứa con nhỏ và một nỗi đau vô hạn.
Trước kia, khi ba còn sống, mỗi ngày, ba đều dạy học cho chị em Tú. Bé Phương Uyên học rất khá. Mỗi ngày đi làm, ba đều đưa Uyên đến trường, chiều đi làm về thì đón Uyên về cùng. Nhưng bỗng nhiên có một ngày, Uyên đợi mãi mà không thấy ba đến đón, đó cũng chính là ngày Uyên không bao giờ còn gặp mặt ba nữa, không còn ngày ngày được ba đưa đi học nữa. Không vượt qua được sự mất mát quá lớn đó, bé Phương Uyên học hành ngày càng sa sút và đã nghỉ học năm em lên lớp 5. Hiện nay, Uyên ở nhà đan giỏ để kiếm tiền phụ mẹ lo cho em. Mỗi ngày, với bàn tay nhỏ bé thoăn thoắt, bé Uyên khó khăn lắm mới đan xong 10 cái giỏ kiếm được 6.000đồng để phụ giúp mẹ.
Cô Điệp thì bị bệnh gai cột sống. Cô tâm sự, trước đây, cô phụ buôn bán với người ta cũng đủ cho 3 mẹ con sống qua ngày. Nhưng vì căn bệnh của cô khiến cô không thể đứng lâu và đi lại nhiều, nên cô đành nghỉ việc để đi bán vé số, khi nào mệt hoặc lưng quá đau, cô còn có thể ngồi nghỉ, chừng nào đỡ đau, cô lại đi bán tiếp. Như vậy, cô Điệp kiếm được khoảng 25.000đồng/ngày. Nhưng những lúc lưng trở nặng, cô phải nghỉ bán. Với số tiền ít ỏi đó, cô Điệp và bé Uyên phải trang trải chi phí mướn nhà với giá 300.000đồng/tháng tại số 450/23 Dương Bá Trạc P.1 Q.8 (chưa tiền điện nước) + lo cho bé Tú còn đi học và cuộc sống hằng ngày của 3 mẹ con.
Về phần bé Tú, cô Điệp phải đóng khoảng 200.000đồng/học kì I + 100.000đồng/học kì II để bé được đi học. Cô cũng phải mua SGK, tập vở và các thứ linh tinh khác. Quần áo đồng phục của bé thì có thể xin từ các anh chị học lớp trên cho lại.
Không phụ lòng mong mỏi của mẹ, của chị và của cả người ba đã quá cố của Tú, Tú rất ngoan và học rất chăm, cuối năm học lớp 3, em đạt được danh hiệu học sinh xuất sắc. Mặc dù là bé trai, nhưng Tú rất mắc cỡ khi Q và các chị hỏi chuyện. Cuối cùng Tú mới thỏ thẻ rằng "mai này khi em lớn lên, em ước mơ trở thành bác sĩ, em sẽ chữa bệnh cho mọi người, em sẽ có thể đi làm nuôi mẹ, nuôi chị; mẹ và chị sẽ không phải cực khổ để kiếm tiền nữa".
Chia tay cô Điệp, bé Uyên và bé Tú, Q thật xúc động trước tấm lòng của bé Tú và cũng mong ước rằng ước mơ của em sẽ thành hiện thực.