Gdt đọc được bài viết này của PV Vương Hằng Sa, đăng trên báo Tuổi trẻ, xin mang vào đây cho các AC cùng xem
Những đứa trẻ làng gạch
“Ba bữa cơm là tốt lắm rồi!”
Hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp trên đường vào làng gạch là những đứa trẻ gầy còm, bé xíu nhưng lại đang oằn mình bê từng lốc gạch từ trong lò lên xe tải. Mai Quốc Ứng Nhân năm nay 15t mà trông em giống như một đứa trẻ, đôi mắt đen tròn ẩn dưới hàng lông mi cong vút lúc nào cũng có vẻ buồn u uất. Em vừa bê từng lốc gạch lên xe vừa quệt mồ hôi nói: “Em làm ở lò gạch này cũng đã được vài tháng rồi. Công việc chính của em là bốc gạch khô từ trong lò lên xe tải. Còn lúc không bốc gạch khô thì em canh gạch ướt. Tức là bê gạch từ chỗ cắt gạch ướt ra phơi nắng để chuẩn bị cho vào lò nung, canh trời mưa thì lấy nilông đậy gạch lại”. Câu chuyện giữa chúng tôi thỉnh thỏang lại bị gián đọan bởi em liên tục chạy ra chạy vào kéo tấm nilông che mưa cho những hàng gạch “ thôi bà chủ la chết!”. Một ngày của em cũng như đa số các em nhỏ làm thuê ở đây bắt đầu từ 5 – 17g, nhưng cũng tùy lúc, hôm nào xe vào lò “ăn” gạch khuya thì em cũng phải thức dậy tham gia như mọi người. Tiền lương ư? “Mỗi tháng được bao cơm ăn ngày ba bữa là tốt lắm rồi, lương thêm được 250.000đ đem về cho cha mẹ” Nhân nói thật thà.
Còn Lâm Sơn Lạc, 15t, cũng làm chung với Nhân lại có “thâm niên ba năm” làm gạch. Lạc cho biết: “Cả gia đình em đều là công nhân lò gạch này, nhà em cũng ở luôn trong này mà” Nói rồi Lạc chỉ cho tôi “căn nhà của em” nằm khuất sau lò nung. Nói là nhà cho oai nhưng thật ra chỉ là cái chòi nhỏ được dựng lên từ những viên gạch sứt mẻ, bao ximăng được tận dụng chắp vá khắp nơi. Mái tôn thấp tè khiến “cái nhà của Lạc” nóng hầm hập, diện tích chưa đầy 10m2 nhưng lại là nơi trú thân của gia đình năm người. Trên các khớp ngón tay của Lạc, cũng như bao đứa trẻ chúng tôi gặp trong các lò gạch, đều nổi u từng cục thịt, lâu ngày các u thịt đó chai lại. “Làm riết chai tay đó chị ơi. Mấy ngày đầu mới vô nghề đau đến ăn cơm không được. bàn tay phồng rộp, mình mẩy đau nhức nhưng riết lâu ngày thành quen”
Niềm vui mong manh
Đa số những “lao động trẻ con” trong làng gạch đều là những đứa trẻ theo gia đình tứ xứ đến đây làm mướn. Như gia đình của anh Võ Ngọc Hoàng, 41t, quê Sóc Trăng, lên đây làm gạch đã hơn hai năm. Võ Ngọc Quốc, Võ Ngọc Ân, Võ Thị Thúy Liễu, con của anh Hoàng, trước đây đều là học sinh khá giỏi nhưng vì mưu sinh nên phải bỏ học theo gia đình lên TP. HCM làm gạch. “Tội nghiệp lắm, mấy đứa nhỏ đứa nào cũng chăm học nhưng vì nghèo quá. Lúc ba đứa nhỏ theo tụi tui lên đây kiếm sống, đứa nào cũng khóc như cha chết vì phải bỏ học” anh Hòang rưng rưng nước mắt kể. Võ Ngọc Quốc từng liên tục sáu năm là học sinh giỏi nay phải theo cha xa xứ mưu sinh, em nói nghẹn ngào: “Trước đây con cũng mơ ước sau này lớn lên sẽ đi làm thầy giáo nhưng bây giờ thì khó quá, con chỉ muốn được đi làm gạch với mấy bạn thôi”. Còn Tuấn, người Khơme ở Sóc Trăng, theo cha lên làm gạch. Dù năm nay đã 13t nhưng em chưa một ngày được cắp sách đến trường, em không biết tiếng Kinh, thậm chí đến họ của mình em cũng không biết, suốt ngày chỉ biết lầm lũi đẩy xe, bê gạch.
Ở làng gạch phường Long Bình có khỏang 100 lò lớn nhỏ đang họat động trải dài từ đường Nguyễn Văn Tăng (phường Long Thạnh Mỹ, Q9. TP.HCM) đến ngã ba Tân Vạn (tỉnh Bình Dương). Lò nào cũng có vài ba em lao động kiếm sống. Theo một cán bộ ở Úy ban Dân số - gia đình & trẻ em Q9: “Vừa rồi chúng tôi cũng có kết hợp với Phòng Lao động – thương binh & xã hội Q9 đi điều tra để có kế hoạch đào tạo nghề hay vận động các em nhỏ trong làng gạch ra trường lớp học phổ cập nhưng không đạt kết quả. Chúng tôi cũng vào tận nơi phát loa kêu gọi các cháu ra vui chơi, khai mạc hè, nhưng vì công việc nên chưa có em nào chịu ra cả, chúng tôi đành bó tay” (?)
Lúc chúng tôi chia tay làng gạch, chú bé Lý Anh Minh đi đâu đó dưới suối về giơ xâu cá vừa câu được khoe: “Trưa nay con có cá để ăn cơm rồi”.
Vương Hằng Sa