Freud Museum Ra khỏi trạm xe lửa Finchley Road thì thấy có bảng chỉ dẫn bảo tàng Freud. Lần theo hướng đó đi theo. Nhớ lần đầu đi lạc phải bỏ cuộc. Lần sau thì in bản đồ vị trí mang theo cho chắc ăn. Đi ngang qua một nhà sách thấy quảng cáo toàn là sách về tâm bệnh học, tâm lý học, tôi có ghé vào ngó sơ qua. Mỗi lần vô nhà sách hay thư viện là tôi lại thấy như thân quen. Tôi còn nhớ ước mơ hồi nhỏ của tôi là mở một tiệm sách nhỏ hay làm thủ thư một thư viện. Bây giờ thì chỉ còn vương vấn mở một tiệm sách. Gọi là vương vấn vì tôi vẫn thích sách tiếng Việt, nhưng mà không lẽ bây giờ về VN mở hiệu sách? Trong phim You've Got Mail, Meg Ryan thủ vai cô gái phải dẹp tiệm sách nhỏ của mình trước sự cạnh tranh của tay tư bản do Tom Hank đóng. Và mới đây trước lọai hình bán sách qua mạng thì một nhà sách cỡ lớn của Mỹ cũng phải dẹp tiệm. Nhưng ở London tôi vẫn còn thấy nhiều nhà sách nho nhỏ. Không biết cho tới bao giờ thì các tiệm sách mới biến mất trước sự ra đời của internet?

Nếu có thì giờ và phương tiện để mà tìm hiểu xem chủ nhà sách Karnac có ăn nhậu gì với bảo tàng Freud không chắc cũng là điều thú vị. Ai đi viếng bảo tàng từ xe lửa tới mà lại không đi ngang qua tiệm sách này?
Tới sát ngân hàng Nat West thì gặp một ngõ nhỏ lên dốc, Trinity Walk. Rẽ vào đó đi thêm vài phút nữa thì trổ ra đầu đường Marefield Gardens. Freud Museum nằm ở con số nhà 20. Đường vắng vẻ, ít người qua lại.

Tới nơi thấy cửa đóng nhưng ở ngòai có manh giấy nhỏ cho biết là bảo tàng mở cửa. Đẩy cửa bước vào thì thấy hai cô gái đang ngồi tán gẫu ở cái bàn tiếp khách. Một cô bảo vào mua vé ở phòng bán đồ lưu niệm ở phía sau. Cô kia đi trước tới gift shop để bán vé. Giá 6 anh kim. Cô đưa cho một tờ giới thiệu sơ sơ. Nếu muốn nghe audioguide thì trả thêm 2 anh kim nữa. Tôi lắc đầu. Cô cho biết là không được chụp hình. Điều này làm tôi thất vọng hết sức. Chắc họ sợ nếu chụp hình quảng bá tùm lum ra thì rồi ai mà còn đi tới đây coi làm gì chăng?
Căn nhà này là địa chỉ cuối cùng của Sigmund Freud ở trên trái đất này. Tuy vậy ông chỉ ở đây có một năm rồi từ trần vì bệnh ung thư. Trước đó ông hành nghề tại Vienna, Áo quốc. Và ông di cư qua London để lánh nạn thời Đức quốc xã vì ông là một người Do thái. Sau khi ông từ trần thì vợ ông Martha, em (hay chị?) dâu ông Minna Bernays, cô con gái út của ông Anna Freud và người giúp việc Paula Fitchl tiếp tục ở đây. Sau này lại có thêm bạn của Anna là Dorothy Burlingham dọn vào ở chung. Theo ý muốn của Anna thì sau khi cô mất, nhà này sẽ được biến thành viện bảo tàng. Và bà đã qua đời vào năm 1982, và bảo tàng mở cửa cho công chúng vào tháng 7 năm 1986, nghĩa là rất mới mẻ.
Cái nơi dành cho người tiếp tân vốn là nơi khách bước vào nhà để chuẩn bị vào tiền sảnh. Tiền sảnh này rộng, trần cao, có cầu thang đưa lên tầng trên. Từ tiền sảnh đi vào phòng ăn, và sau đó là phòng gift shop. Một cánh cửa mở ra khu vườn sau nhà. Nghe cô tiếp khách bảo là trên lầu đang chiếu phim về Freud, tôi bèn nhanh nhẩu chạy lên cầu thang. Chui tọt vào phòng chiếu phim để coi các đoạn phim về Sigmund Freud. Trong phòng đang có một người ngồi coi. Năm 1933, sách vở của Freud bị phát xít Đức thiêu hủy. Có lẽ vì ông là Do thái nên sách ông bị vậy chớ không phải tại nội dung "phản động" hay "đồi trụy"? Năm sau thì các thành viên trong cộng đồng phân tâm học gia Do Thái ở Đức và Áo phải di cư. Nhưng Freud từ chối ra đi. Cho tới khi Áo bị Đức thôn tính vào năm 1938 và đứng trước nguy cơ toàn gia sẽ bị hành hạ, ông đành ra đi khỏi căn nhà mà ông đã định cư suốt 47 năm, tại Berggass 19, Vienna. Ngày 6 tháng 6 họ tới London và mướn căn nhà tại số 39 Elsworthy Road. Ngày 27 tháng 9 năm 1938 gia đình dọn tới địa chỉ hiện tại. Nơi đây con trai ông Earst và bà quản gia Paula Fichtl sắp đặt lại cho ông khung cảnh giống như tại nhà ông ở Vienna.
Thực ra ông đã bị ung thư vòm miệng suốt 16 năm qua, nhưng ông vẫn không ngừng làm việc. Ở Anh ông hoàn tất quyển Moses and Monotheism và bắt tay vào quyển cuối cùng: Outline of Psychoanalysis. Ngòai ra ông vẫn tiếp tục chẩn bệnh và có được một số bệnh nhân khách hàng tại Maresfield Gardens.
(sẽ gõ thêm vào nếu có.... duyên

)
Ra khỏi nhà bảo tàng thấy còn sớm, tới đường Finchley Rd tôi đứng thơ thẩn trên đường, thấy có chiếc xe bus ghi điểm đến là Golders Green, chợt nhớ nơi đây có nghĩa địa nơi Freud an giấc ngàn thu, tôi bèn phóng lên. Tới nơi, tôi còn phải dò bản đồ có sẵn gắn trên tường để xem nghĩa địa ở đâu. Thì ra đó là nghĩa địa dành cho người Do Thái. Rị mọ thêm một chút để dò xem tuyến xe bus nào đi ngang đó, tôi leo lên bus số H2. Lọai xe bus này nhỏ, chỉ đành để đi vào khu chật và ngắn và sẽ trở lại đúng nơi nó khởi hành, chớ không phải điểm đi và đến khác nhau như các tuyến xe bus bình thường. Chắc vùng này đông người Do thái cho nên mới có riêng một nghĩa địa cho đạo này. Thì ra đạo Do Thái không thờ thánh giá vì tôi thấy mồ mả không cái nào có thánh giá cả. Nghĩa địa vắng vẻ và trời mây âm u, tôi bỏ ý định đi vào tìm mộ ông Freud. Nghĩa địa mênh mông, biết ông nằm ở đâu? Chỉ chụp lại một tấm hình kỷ niệm. Ông từng là một tác giả mà tôi phải học ngày còn mài miệt trên ghế nhà trường.
