Arundel CastleTừ trạm London Bridge tới Arundel mất khoảng hơn một tiếng rưỡi. Tôi thích hệ thống chuyên chở công cộng của Anh biết mấy. Ở Calif từ San Francisco muốn đi tới Sonoma tôi phải chọn phương tiện xe hơi, ngoài ra không có cách nào khác. Nhưng ở Anh hệ thống xe lửa và xe bus giúp ta tới nhiều địa điểm xa xôi nhất. Ngồi trên xe lửa mà ngắm cảnh hai bên đường tôi vẫn thích hơn là cứ chăm chăm ngồi sau tay lái một chiếc xe hơi (trừ phi có ai lái xe cho mình ngồi khỏe ru bên cạnh!).
Hai bên đường khung cảnh đáng yêu quá. Xanh là màu chủ đạo. Xứ nhiều mưa có khác (khác với Calif hay Úc khô khan thiếu nước). Nhìn nhà cửa thấy đời sống dân chúng sung túc chớ không phải càng ra khỏi thành phố thì thấy dân cư có vẻ nghèo như ở .... VN ta! Kiểu nhà cũng đặc biệt Anh, chỉ một ít nơi là xây dựng theo lối mình thấy ở Mỹ - những căn nhà góc cạnh khô khan. Tuy chưa đi thăm nhiều miền Đông Bắc Hoa Kỳ nhưng tôi cũng thấy nhà cửa ở Mỹ mé đó chịu nhiều ảnh huởng nhà cửa kiểu Anh hay Âu châu nói chung. Nghĩa là cứ hễ nhóm dân nào tới Mỹ thì khi xây nhà họ cũng muốn xây theo kiểu nhà của nuớc họ nếu được. Vì vậy ở Calif ta thấy nhiều nhà kiểu Anh, kiểu Tây Ban Nha, vườn nho ở Napa rất ư là giống với Tuscany ở Ý....
Arundel là một thị trấn xinh xắn, mang nhiều nét cổ xưa. Người Anh cố gắng giữ lại càng nhiều càng tốt những nét cổ kính trong kiến trúc. Chắc họ cũng biết các nét này đã hấp dẫn du khách biết bao nhiêu. Ai lại muốn đi thăm viếng một nơi mà nhà cửa kiến trúc của nó giống y như nơi mình ở bao giờ. Nhiều lúc tôi thấy ngán tới tận cổ khi nhìn thấy mấy cái resort ở miền biển Việt Nam giống y chang như các resort hiện đại . Nghĩa là cũng cái quầy ba bán nuớc giải khát, bên cạnh là cái hồ bơi, cũng mấy cái dù hình cái nấm với một hàng ghế bố ở dưới. Đặc điểm của Việt nằm ở đâu ?
Tôi chưa đếm thử xem đây là cái lâu đài thứ mấy mà tôi đã đi xem, nhưng vừa nghe quảng cáo là phim sắp ra mắt khán giả The Young Victoria đã có dùng lâu đài này làm nơi bấm máy. Vé vào cửa là 15 anh kim, và nó không làm tôi thất vọng như cái lâu đài Tower of London có kể trên. Chủ nhân là Duke of Norfolk. Tước vị này đuợc thừa kế cha truyền con nối. Vị quận công từ trần vào năm 2003, hiện bà vợ của ông vẫn còn sống và bức họa vẽ bà cũng được đưa lên chưng bày trên tường. Nguời kế thừa do còn sống nên chưa có hình đưa lên. Nhưng hình ảnh chưng trên một cái bàn kế bên khiến khách vẫn đưọc xem cho biết mặt gia đình dòng họ này. Thấy họ có năm đứa con. Lâu đài được cho du khách vào xem chỉ là một phần vì gia đình vẫn còn cư ngụ ở một phần bên kia.
Gia tài của họ (phần chưng cho khách coi) thấy cũng phát ngợp. Trước tiên du khách tôi đi lên phía cột cờ coi phần phòng thủ của lâu đài. Đó là cái tháp tròn cao nhất mà các lâu đài hay có. Nơi lính canh vẫn gác trông chừng coi có gì lạ ở chung quanh. Ở giữa pháo đài có một cái hầm dùng để lưu trữ các thức cần, và cũng là nơi nhốt các tù nhân đặc biệt. Cầu thang đi lên pháo đài cũng hẹp chỉ vừa một người đi, cho nên nó phải là đường một chiều. Lúc trở xuống tôi thấy một chị dắt con xuống, thay vì chị đi xuống trước và đứa bé theo sau để đỡ sợ cho nó hơn, thì chị lại để nó xuống trước, làm đứa bé sợ quá, cứ hỏi thăm bao giờ thì ra khỏi nơi đây. Đứa bé ở vào độ tuổi không nhỏ quá để vòi mẹ ẳm, mà cũng không lớn quá để có thể đi một mình (như anh của nó đã lon ton xuống trước đứng dưới chờ). Nhìn cầu thang uốn éo tôi thấy cũng khó mà một người ẳm con có thể đi xuống được . Đứa bé đang ở độ tuổi học hỏi để có thể lớn lên với cuộc đời. Tôi nhìn thấy nỗ lực thể hiện trong thái độ của nó.
Phần hai đi thăm cơ ngơi của cải của dòng họ Duke of Norfolk này mới là cần phải trình vé ra. Du khách được dẫn đi qua mấy chục phòng chưng bày đủ thứ trong tài sản của họ. Từ các bộ binh khí gươm dáo chĩa với các bộ áo chiến bằng sắt mà ta hay thấy trong các phim thời trung cổ (tòa lâu đài này xây vào đầu thiên niên kỷ thứ hai) cho tới các khẩu súng kiểu mút cờ tông mà trong các phim đánh nhau giữa quân Anh và Mỹ ta hay thấy. Có những thanh kiếm dựng đứng cao hơn một nguời lớn (tới 9 feet). Chắc là đồ nghề của đao thủ phủ chăng.
Cũng phải thêm là tuy số luợng nguời đi coi không đông đảo mấy (so với các điểm tham quan ở ngay London) nhưng nếu dừng lại để đọc tỉ mỉ từng chú thích thì người đi sau phải chờ khá lâu, cho nên tôi tranh thủ đọc loáng thoáng mà thôi. Vả lại nếu cái gì cũng ngưng lại đọc thì thời gian thăm viếng lâu đài sẽ khá lâu, sợ sẽ trễ nãi khi phải trở lại London. Đó là thiếu sót mà tôi cứ ấm ức. Như cái phòng chưng bàn billard, đó là sự thu nhỏ lại của một trò chơi ở ngoài trời (trò gì ?). Môn chơi này đương thời bị các vị lãnh đạo tinh thần phê bình nên nguời ta chế ra cái bàn này để chơi trong nhà cho đỡ ghiền . Vì lẽ đó mà bàn billard có màu xanh, tuợng trưng cho cỏ . Rồi để giữ cho mặt bàn khỏi hư khi không chơi, bàn đuợc trùm lại bằng tấm vải màu đỏ. Khi Nữ hoàng Elizabeth đệ I ra lệnh xử trảm bà Mary, Queen of Scots thì xác bà hoàng này được quấn trong một tấm khăn phủ màu đỏ của bàn billard của bà.
Phòng đại sảnh là căn phòng rộng và lớn nhất lâu đài (nơi dành cho các buổi tiếp đón chính thức và khiêu vũ mà ta hay thấy trong các phim vua chúa Âu châu) có hai bộ da con sư tử nằm nhe răng chình ình ra đó. Săn bắn là một thú vui thuờng ngày của các ông hoàng bà chúa và dĩ nhiên để khoe khoang thành tích, họ treo la liệt các đầu hươu nai còn nguyên sừng gắn trên tường. Rồi bàn, ghế, tủ, bình phong, đồng hồ, tuợng, đăng đăng đê đê bày ra đó. Khách ngắm nghía để tưởng tượng ra cảnh sống phong lưu của một phẩm trật cao nhất trong triều đình.
Trên vách tôi thấy có mấy bức họa chụp các vị trong phẩm phục Giáo Hoàng La Mã. Nghĩa là dòng họ này từng gắn bó mật thiết với Giáo hội Công giáo, trong khi Anh quốc đã chọn Tin Lành làm quốc giáo. Do vậy mà tôi còn thấy cả một tủ đựng các vật tùy thân của bà hoàng theo Công giáo Mary, Queen of Scots: vòng đeo cổ, xâu chuỗi rosary .... Nhìn vòng đeo cổ hạt trai của bà, tôi bùi ngùi nghĩ tới cái kinh khủng của một kẻ phải nhận án tử hình và đi ra pháp trường đưa cổ cho đao thủ phụp lưỡi đao xuống như trong phim Elizabeth, The Golden Age .
Cung điện, lâu đài nào của các nơi tôi xem qua thuờng hay có nhà thờ trong nội thất, lớn nhỏ tùy gia chủ, chứng tỏ tôn giáo chiếm một phần rất quan trọng trong đời sống tâm linh con người ở Âu châu.
Lâu đài có một vị linh mục thuờng trú, và với nguyên tắc sống đơn giản và khổ hạnh, thời khoá biểu của linh mục rất tẻ nhạt dưới con mắt trần thế. Ngài phải thức giấc lúc 2 giờ sáng, cầu nguyện, rồi trong ngày đi đến nguyện đường để làm lễ cho toàn gia chủ. Căn cứ vào bề thế của nguyện đuờng, tôi đoán là chắc mọi nguời đều đuợc tham gia lễ chăng ? Tuy là tôi không quả quyết điều này.
Ở Hoa kỳ, luật lệ tách rời giáo quyền ra khỏi chính quyền quả nhiên là một buớc quan trọng cho công cuộc xây dựng một đất nuớc mới mẻ.
Tại sao nhà của dòng họ Duke of Norfolk mà lại có dính dấp với bà hoàng Victoria ở đây ? Nguyên do là bà Victoria có lần tới viếng thăm cơ ngơi này trong vài ngày. Trứớc khi nữ hoàng tới thăm, chủ nhân lâu đài đã được báo cho biết trước .... hai năm để chuẩn bị. Trời đất ơi, cái vinh quang của một bà hoàng Anh quốc! Phòng ngủ dành đón nữ hoàng Victoria có lẽ được thiết trí chỉ dành cho bà mà thôi, vì thấy nguyên phòng vẫn được giữ yên. Có ai dám phạm tội khi quân mà trèo lên giường bà từng nằm mà lăn lộn trên đó! Nguời ta còn kính trọng nữ hoàng lắm chớ, tuy không khắt khe thành luật như ở Thái Lan, nhưng khi thực tập cho binh sĩ thao tác ở lâu đài Windsor, nguời đóng vai nữ hoàng cũng phải đuợc chọn lựa trong những gia nhân thâm niên, đàng hoàng, chớ không phải bá vơ bá viếc mà đuợc chọn . Và khi đeo cái bảng "Queen" vào ngực thì phong thái phải chỉnh tề, chớ có ẹo tới ẹo lui mà bị ....bị cái gì thì tôi chưa biết!
Phòng dùng làm thư viện, nghiên cứu làm tôi chú ý nhất (tôi vốn thích không khí của thư viện từ bao đời nay!). Phòng khá lớn, ấm cúng, hai bên vách và gác lửng chứa rất nhiều sách trong tủ. May không có cuộc cách mạng đổ máu nào, để có cái màn "phần thư" tan tành bao công của sưu tập của dòng họ.
Ai không muốn lên lầu xem phòng ngủ của lâu đài thì chỉ phải trả có 13 anh kim. Các phòng ngủ cũng cỡ như các phòng ngủ của các căn nhà lớn ở Mỹ, và các giường ngủ với khăn trải giường, khăn phủ giường, mền gối thì cũng sang trọng cỡ trong Nordsrom, Macy chưng bày mà thôi (các tấm khăn có thêu chỉ vàng hay không thì tôi không biết). Tính ra, họ khác với chúng ta ở áo quần lộng lẫy, chớ còn giường ngủ, phòng tắm, nhà tiêu thì cũng đại loại như cái mà nguời đương đại đang dùng, nếu không muốn nói là nhiều người trong chúng ta còn chưng dọn sang trọng hơn họ, nhất là bathroom!
Vườn cảnh của các lâu đài cũng là một hạng mục nên xem. Hỏi tôi phân biệt vườn có đặc tính nuớc nào thì tôi chịu thua. Chỉ biết đại khái các vuờn theo Nhật thì ở San Francisco trong Goden Gate Park có dành một phần, cũng hấp dẫn nguời xem (ở San Jose cũng có một cái). Còn vườn theo Ý hay chưng tuợng và các hũ, lọ dựa vách tường, với các bồn nuớc phun ào ào lên. Vườn theo Pháp thì như ở Versailles với những khuôn như bàn cờ đuợc cắt tỉa gọn gàng. Còn vườn Anh ? Hay có hoa trồng trong bồn hình tròn rải rác trong vườn chăng ? Vậy thì không chừng nó giống với vườn cảnh ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn hay Tao Đàn! Các vườn Anh hay có một lối đi trên là vòng kẽm để cây leo làm bóng mát trên lối đi. Nhà kiếng trong khu vườn này cũng không có gì đặc biệt, nhưng có hai nhà nho nhỏ khá cầu kỳ với các chưng bày trang trí trong đó. Rồi các kỳ hoa dị thảo, vuờn hồng một khoảnh - mà tôi ngần ngừ không tính bước vào vì tháng này đâu phải mùa hồng nở!
Thấy trời đã ngả về chiều, đến lúc từ giã rồi, trước khi trở lại London, nhóm du khách tôi đã bước vào một quán ăn trong thị trấn, và nhận ra rằng khác với London, các nơi xa xa ít thấy các sắc dân thiểu số. Dân chúng sống ở đây tuyệt đại đa số là da trắng, thì gọi họ là dân Anh hết đi! Dù bạn là Ấn độ, Việt Nam có quốc tịch Anh thì khi trò chuyện mình cũng cứ gọi dân da trắng là dân Anh. Kỳ vậy đó!