Warwick30 bảng một vé khứ hồi từ London Maryleborne tới Warwick. Hãng Chiltern Railways đảm trách đường tàu nàỵ Vậy thì các phương tiện chuyên chở công cộng đã được chính phủ cho tư nhân hóa. Không phải là toàn bộ hệ thống xe lửa nằm vô tay một công ty đâu, mà là một (hoặc nhiều?) tuyến đường trong mạng lưới xe lửa do một công ty phụ trách. Cho nên có khi chỉ có một tuyến đình công thì các tuyến khác vẫn tiếp tục hoạt động. Như khi tuyến Victoria ở hệ thống underground của London làm "reo" thì chỉ ảnh hưởng tới 6 trăm ngàn hành khách vẫn dùng nó hàng ngày. Còn hành khách các tuyến khác vẫn đi lại bình thường. Victoria chỉ là một trong 13 tuyến đường hầm chạy rầm rập dưới mặt đất của London hàng ngày cộng thêm tuyến DLR chạy trên mặt đất. Nếu không có hệ thống này thì đường phố của London chắc hẳn sẽ đông khủng khiếp như Saigon ngày nay! (hoặc là còn khủng khiếp hơn nữa!). Đi ra ngòai London thì lại có các hãng khác phụ trách, như hãng này.
Trên giấy ghi là 1 giờ 45 thì tới nơi, nhưng cũng dôi ra mất hơn chừng 10 phút, tôi cũng không hiểu sao chớ thường thì xe lửa đi đúng giờ lắm mà. Ngồi xe lửa ở Anh tôi chợt nhớ lại một ký sự đi thăm thành phố bên Ấn độ của một Phật tử đi viếng nơi cư trú tạm thời của chính phủ lưu vong Tây Tạng. Đọc ông kể chuyến đi thiếu tiện nghi mà khiếp. Nhưng mà thôi, tiền nào của nấy mà. Đời sống của các miền đất trên thế giới cách biệt nhau xa quá là xa.
Từ trạm xe lửa Warwick đi bộ tới lâu đài liền, và thực ra thì phố xá của cái thị trấn này cũng bình thường. Vé vô cửa của lâu đài là 17.95 bảng cho người lớn, con nít thì 10 bảng, trên 60 tuổi thì 11.95. Còn có 5 pennies nữa thì tròn số, phải chăng để lừa cái cảm giác là dù sao nó cũng có 17 something mà thôi!
Ngay bên ngòai nơi bán vé đã có các nhân viên mặc áo kiểu xưa vào thời đại các ông chủ của lâu đài hùng cứ một phương đi tới đi lui chào mừng du khách tương tự như ở Disneyland người ta thấy các nhân viên giả trang công chúa, hoàng tử, chuột Mickey, v..v...Nhưng ở đây người ta mặc quần áo vào thời đại xưa đúng như trong sử sách còn để lại. Đi chơi mà cũng là học hỏi được ít nhiều. Cho nên trẻ con đi theo cha mẹ khá nhiều trong cuộc du hí tại lâu đài này.
Cuộc vui trong khuôn viên lâu đài có vài tiết mục đặc biệt có yết trên bảng với giờ ghi chú để ai muốn xem thì theo đó mà tới nơi (cũng tương tự như ở các theme park khác ở Hoa kỳ, dĩ nhiên với quy mô nhỏ hơn, nhưng gắn liền với các sinh họat trong lịch sử của lâu đài). Thí dụ như bắn cung, chọi đá bằng máy (trebuchet), giở cổng (raising of the portcullis), cho đại bàng bay liệng, đấu thương trên lưng ngựa (joust)....
Ở bãi cỏ trước khi bước vào khuôn viên của lâu đài là các lều bạt với các người mặc y phục thời xưa và giới thiệu cách sinh sống, làm ăn của con người thời đại đó. Người ta tái hiện lại nguyên mẫu cuộc sinh họat của thời đại như nấu nướng, chẻ củi, làm đồ mộc, dùng hương liệu, làm đồ gốm, cách rèn gươm dáo, kéo chỉ, đan móc, may mặc, thuộc da v...v....Ai tò mò hỏi thăm thì họ sốt sắng trả lời và giảng giải. Vậy nghĩa là họ cũng phải có học tập nghiên cứu trước đó, chớ không phải là chỉ có mặc áo đóng trò cho xong rồi cuối ngày sè tay ra lãnh tiền. Có một bà tìm cách mồi lửa vô đèn cầy từ một cái lò đốt củi, nhưng làm mải vẫn không xong. Sau cùng ai nấy bỏ đi vì không muốn chờ hoài, làm bà cũng hơi quê vì "bể dĩa".
Khu đất rộng bên ngòai có góc dành để làm vườn bông, nhà kiếng mà cơ ngơi nào ở Anh cũng có. Nhà ở nhỏ xíu mà ai nấy cũng cố gắng trồng kiểng, huống gì lâu đài với dinh thự. Tôi nhớ lại trong phim tài liệu" Around the world in 80 gardens", ông kia khi ca ngợi vườn tược ở Anh có thòng một câu chê là nhiều nhà ở Mỹ cứ để trông trống cái vườn cỏ, sao không có hoa lá gì trên đó. Họ không hiểu tại sao dân Mỹ ít chú ý tới vườn cảnh không như dân Âu châu.
Vườn cảnh có nuôi một số công, thả rong, chúng đi lại nhởn nhơ, cũng tránh người, và chắc cũng không ai nghĩ tới chuyện bắt chúng để làm nem. Chỉ có tôi thoáng nghĩ là tại sao trong cái câu thành ngữ (hay tục ngữ?) "nem công chả phượng" lại chỉ có một con có thực, còn con kia sao chỉ là truyền thuyết?
Tôi cũng xem được các màn bắn đá. Để tránh nguy hiểm cho khán giả, mọi người không được vào địa phận nơi đặt dàn bắn nằm ở bên kia con rạch. Nếu ai coi các phim đánh nhau thời Trung cổ Âu châu thì hẳn sẽ biết cách người xưa bắn đá quân địch tấn công vào lâu đài như thế nào rồi.
Sau đó là tới màn coi cho chim đại bàng biểu diễn. Những con đại bàng này được cho bay lên trời mà không bỏ đi luôn là vì chúng được cho ăn sau mỗi lần quay trở lại đậu trên bắp tay của người huấn luyện. Tôi khâm phục tài năng và sự kiên nhẫn của lòai người. Họ đã huấn luyện bao nhiêu là thú vật kể cả cá, cả chim để phục vụ con người, hay có khi chỉ để chơi mà thôi.
Tới màn đấu thương trên lưng ngựa thì tôi không chen nổi với đám đông, nên chỉ ngó qua rồi đi lang thang trong vườn ngắm nghía cỏ cây và cái lâu đài ở mặt sau của nó. Cỏ xanh mát rượi và mọc đầy khắp nơi. Cạnh bờ kênh có một nhà gỗ để chứa ghe thuyền của lâu đài. Nhà lợp lá cọ, rất dầy. Đây là nơi người trong lâu đài muốn lên xuống ghe thì vào trong nhà gỗ. Ghe sẽ cập sát bệ gỗ cho sự lên xuống, chớ không phải ở trên bờ mà bước xuống lội ra ghe.
Tôi tra tự điển thấy joust là đấu thương trên lưng ngựa, nhưng nếu ai để ý thì cây thương chúng ta hay nói là lọai cầm tay, còn đấu joust là chỉ có thể ngồi trên lưng ngựa mới cầm nó nổi thôi, chớ đi dưới đất thì nó dài và nặng, làm sao di chuyển.
Thấy coi các trò ngòai vườn như vậy cũng đủ, tôi đi về phía lâu đài. Mọi người cũng đi ra khỏi đây để vài tiếng đồng hồ nữa các khán giả lại sẽ tụ tập để coi diễn một xuất nữa là xuất chót trong ngày. Khi chen chúc nhau trên cây cầu gỗ bắc ngang con kênh để sang bên kia có lâu đài, mọi người đứng lại hơi lâu làm tôi nghĩ tới trường hợp cầu bị sập vì người ta quá tải. Nhưng nhìn xuống con kênh không lấy gì làm sâu, tôi cũng an lòng nghĩ đến khả năng bơi lội của mình may ra cũng bơi được vào bờ.
Đi dọc theo con kênh nhìn lại bên kia đấu trường, cây cỏ mùa xuân xanh mát. Lối đi sát mé mặt sau của lâu đài nhìn lên cao ngất. Vách lâu đài sừng sững. Công trình xây dựng của người xưa bao giờ cũng làm tôi ngưỡng mộ. Tính ra thì Việt Nam mình không có lâu đài. Cung điện thành trì ở Huế chỉ là các palace, không là castle. Có lẽ tại nếp văn hóa của người Á Châu lấy sự khiêm cung với thiên nhiên làm chủ đạo chăng? Họ không kiêu ngạo để mà xây những kiến trúc chọc thủng lên trời.
Tôi bước vào bên trong khu thủy lực cho lâu đài. Người thiết kế lầu đài dùng sức nước từ con đập trên kênh để chạy guồng máy hầu cung cấp năng lượng cho lâu đài. Các bảng cắt nghĩa cách vận hành các guồng máy được các người đàn ông chăm chú đọc. Đàn ông thường quan tâm tới kỹ thuật hơn đám phụ nữ.
Tiếp tục đi tiếp vòng sang mé bên kia của lâu đài, tôi bỏ qua khu trồng hồng không có gì đặc biệt vì chắc là hồng chưa kịp nở vào tháng này.
Lọt vào khuôn viên lâu đài, thấy lâu đài xây theo hình vòng cung khép kín, giữa là bãi cỏ rộng có màn trình diễn đánh nhau bằng gươm dành cho con nít xem cho thêm hào hứng.
Trước khi bước vào trong các phòng để tham quan, khách tôi bước lên một tường thành cao để nhìn xuống khung cảnh phía dưới. Từ đây chụp được quang cảnh nơi diễn ra trò đấu thương trên lưng ngựa và bắn đá ở dưới. Thật là vị trí thuận lợi để canh gác lâu đài vì có thể nhìn thấy từ xa các ngựa người di động tiến tới tấn công lâu đài.
Vào bên trong lâu đài để xem cơ ngơi của cuộc sống nơi đây vào thời xưa. Lâu đài này từng đón tiếp thái tử sau trở thành vua Edward VII. Bảng gắn bên ngoài để khoe thành tích này của lâu đài. Ở Anh là vậy, nơi nào có chút gì dính dấp tới các người có tiếng tăm là đều được gắn bảng khoe ra.
Lâu đài Warwick đặc biệt cho phép người coi được chụp ảnh thả giàn các phòng ốc chưng bày, không cấm đoán với lý do sợ ánh đèn làm hư hao phẩm vật mà các nơi khác thường viện ra. Thế sao ở đây người ta không sợ hư hao? Hỏi vậy chớ cũng đã có câu trả lời rồi đấy.
Một bức hình bằng ngàn lời nói, xin mời quý bạn xem vài tấm sau đây:
các nhân viên trong trang phục xưa, bọn trẻ con thấy thích liền
Một góc vườn có thể gọi là "công" viên, nơi có thả mấy con công.
các tòa nhà chính của lâu đài
phòng trưng bày vũ khí của lâu đài, trên vách rất nhiều gươm dáo, súng
phòng ăn
từ một tường thành nhìn xuống, thấy khu đấu thương và bắn đá
từ điểm cao nhất chụp xuống phía dưới
phòng ngủ