Bá Nha – Tương Như – Lily Bee
Âm Nhạc! Music! Musik! Musica! Música! La Musique! My3blka! Định nghĩa của những chữ trên tựu chung về đôi tai, sau đó lan lên não, truyền xuống tim và rồi con người thay đổi nó cho hợp với tâm trạng ý thích, chắc chắn không ai có thể khuyên nhủ hay ép uổng ai, phải thích nghe âm thanh này, thay cho âm thanh khác, bỏ nhạc cải lương nghe nhạc cải cách, bỏ nhạc mùi nghe nhạc sang, bỏ nhạc Tây nghe nhạc Tàu, bỏ nhạc chuyên nghiệp, nghe nhạc tự biên tự diễn vân vân và vân vân . . .
Chưa hết, lại còn các công cụ tấu lên âm thanh nữa, các âm thanh ấy do sự điều khiển hỉ nộ ái ố từ các ngón tay mân mê nó, gây nên xúc tác gieo đổ mọi thứ tình vào người được nghe, khiến họ si mê đắm đuối, mơ màng tương tư, có khi gây nên tử vong không thuốc thang nào chữa được.
Bàn luận theo kiểu bác học phải nhắc đến hai ông Bá Nha Tử Kỳ, tên tuổi của hai ông được nhắc mãi cho đến bây giờ xuyên qua sách vở cổ thi, qua các cuộc đối ẩm “chén chú chén anh”, lanh chanh góp chuyện cùng “tách em tách chị” kể lể, truyền cho nhau tìm đọc, trên các trang báo sưu tầm bay bay trên mạng!
Bá Nha nghĩ đến núi để đánh đàn, thì Tử Kỳ tấm tắc tiếng đàn nâng cao vút như Thái Sơn mờ mờ trong sương - Bá Nha nghĩ đến sông để đánh đàn, y như rằng Tử Kỳ khen tiếng đàn ngân dồn dập như sóng cuộn gió xô! Lắm khi tên của hai ông bây giờ bị “mang tiếng!” Lý do vì các bà dùng để “mắng xéo” chồng kiểu thế này: “Đừng theo cái tên Bá Nha ấy mà vào cà phê Quyên cà phê Lú nhé!” dĩ nhiên Bá Nha này, có tên thật khác hẳn, bà chỉ mượn tích xưa người cũ răn đe chồng thế thôi, đừng tưởng bà không hiểu ý tứ trong câu xướng rủ rê cà phê cà pháo mà lầm! Nguy nguy hồ như Thái Sơn, dương dương hồ như lưu thủy. (Lã thị Xuân Thu: Bá Nha cổ cầm. Chung Tử Kỳ tại ngoại thiết thính chi)
Kinh điển hơn nữa là trong truyện Kiều, âm thanh được tạo ra từ những ngón tay ngà ngọc Vương Thúy Kiều đã khiến anh Kim Trọng thương nhớ muôn đời không thể nguôi ngoai:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.
Ngọn đ èn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.
Khi tựa gối, khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.
Đụng đến chữ Âm đã thấy ồn ào, kèm thêm chữ Nhạc phải mở toang bao nhiêu cửa, nào ý nào tình, nào lời nào chữ, giống như tò mò soi mói từng góc cạnh thân thể cùng tâm linh, để đưa ra ý kiến riêng tư của một cá nhân. Đưa ra ý kiến có khi bị chê là “ấm a ấm ớ hội tề”, chưa kể bị mắng là “đàn gẩy tai trâu” người ta biết thăng giáng đồ rê mi phá phần mình nhìn đen trắng chửa thông, đứa nằm dòng một, đứa thượng dòng năm, đứa chơi vơi lơ lửng, đôi khi rớt tỏm đâu mất.
Người biết diễn tả tâm hồn qua âm thanh, đụng vào bất cứ nhạc cụ nào cũng tạo ra nhã nhạc, chẳng cần biết đen trắng thấp cao, cuốn lá chuối lá dừa thổi hơi vào đã tạo nên thanh âm dìu dặt, gõ ống tre ống nứa cũng đã thả được tình ý bay xa. Lang dùng chiếc tù và gởi tín hiệu tình yêu sâu lắng, Biang bỏ làng bỏ cha bỏ tộc mà theo, để cùng chàng chịu chết, biến thành ngọn núi LangBiang mơ màng sương phủ, cô con gái út về Việt Nam thăm quê Đà Lạt, chụp hình về hỏi chuyện tình của họ thế nào?
Lan man kể chuyện tình âm nhạc, sẽ không thể nào chấm dứt được, từ tù và đến kèn ống đàn tà rưng, đàn đá, những nhạc cụ cổ truyền, những âm thanh não nuột Á đông, những chuyện tình liên quan đến âm thanh quyến rũ từ tiếng đàn giọng hát, đến nỗi người phụ nữ nghe xong đã bỏ nhà theo người cất tiếng hát theo đàn, cho dù bị gia đình từ bỏ, xã hội lên án chê cười vì tội theo trai.
Phượng đã về đây qui cố hương
Loan buồn vò võ chốn khuê phòng
Ước gì Phượng được kề Loan nhỉ?
Chắp cánh cùng bay dệt mộng vàng!
Cả bài Phượng Cầu Hoàng dài thậm thượt của Tràng Khanh - Tư Mã Tương Như, gom lại đúng bốn câu là đủ hiểu lý do khiến nàng Trác Văn Quân bỏ nhà bay theo chàng rồi. Theo khoa tâm lý phụ nữ học thời nay, chẳng có gì sai trong câu chuyện này, nàng trẻ đẹp đã góa chồng, lại bị đủ mọi thứ nhốt kín tù túng, có người gợi ý tháo cũi xổ lồng cho, dại gì lại không bay nhỉ?
Đang nghĩ đến thanh âm ngày xưa, thì nhận được thư của cô bạn học cùng trường thưở nọ, con gái của cô sẽ ghé San Jose trong chuyến lưu diễn từ Orange County đến Seattle vào tối thứ sáu ngày 18 tháng 11 tại quán cà phê Fracati số 315 South Frist Street – San Jose, CA 95113 – số phone của quán cà phê là 408 - 287 – 0400 . Tên của cháu là Lily Bee.
Chuyến lưu diễn Northwest Tour sẽ đi qua các vùng Yorba Linda – Redondo Beach – San Jose – San Francisco – Portland và Boston College.
Mở Face Book tìm tên Lily Bee, tìm trên Youtube nghe Lily Bee hát, xem các phim Lily Bee đạo diễn cùng các bạn, những âm thanh Lily Bee sáng tác, ý tưởng truyền đạt đến người nghe.
Âm thanh quen thuộc vương vấn từ thời Tư Mã Tương Như – đến tiếng đàn Thúy Kiều – xáng xê xừ cống – đổi mới được hơn chút “mi là đồ phá”! Ra ngoại quốc, học từ con từ cháu cách đọc C – D – E – F – G – A – B – C, nay trầm ngâm nhìn ngắm Lily Bee hát trong vườn đầy bí đỏ, bài hát có tên If I Ever Had A Dream, tiếng hát quyện thêm tiếng vọng từ các cháu bé đang chạy chơi, tiếng leng keng từ những vật dụng trang trí trong những ngày trước lễ Halloween. Bài hát này Lily Bee hát để tặng người ái mộ giọng hát – âm nhạc riêng của Lily Bee và thông báo về chuyến lưu diễn của cô cùng các bạn yêu nhạc đồng hành.
Bước vào thế giới âm nhạc của con cháu, thế nào cũng có chút ngập ngừng, khen hay không biết phải khen thế nào, đồng cảm không biết phải giải thích ra sao? Chỉ thấy một trời ước vọng của mình đã không đạt được ước nguyện, (ai lại không ôm ấp một trời mộng ước nhỉ ?) Lily Bee sinh ra tại Mỹ - bị mẹ bắt đi học đàn dương cầm thưở lên năm tuổi, Lily kể là cô đã hậm hực khó chịu ngay cả chống đối những buổi bị đi học nhạc kiểu này. Đến tuổi mộng mơ 13 – 14 cô lén vào phòng của mẹ, nghịch cây đàn guitar, và từ đó cô mày mò tự học đánh các hợp âm, tự sáng tác nhạc riêng cho tuổi mộng mơ của cô. Mười bốn tuổi, cô đã viết trong nhật ký – nếu có ngày đứng trên sân khấu trước khán giả cô sẽ dùng tên Lily Bee – Âm Bee tựa như âm Bùi, trên giấy khai sanh Lily Bui.
Lứa tuổi hai mươi đầy năng động, chỉ trong vòng một năm sau khi quyết định theo trái tim si mê nhạc jazz, hơn si mê ngành luật, cô đã đụng chạm vào âm nhạc, sở thích từ trái tim sau khi hoàn thành chương trình đại học, tên tuổi của Lily Bee đã được biết đến qua 2000 bài hát được gởi đi khắp nơi trên mạng Youtube – hơn nửa triệu lượt xem và nghe, cô đã tự mình cùng một nhóm bạn thu hình, thu nhạc, những ý tưởng lạ đơn giản đầy tính thuyết phục – phong thái tự tin, giọng hát chưa thật sự chín mùi kỹ thuật, nhưng giàn trải niềm đam mê tự trái tim. Hỏi dò cô bạn, cháu có biết đàn hát nhạc Việt Nam không ? cô bạn gởi thư trả lời, có một bài Trúc Đào – thơ của Nguyễn Tất Nhiên – nhạc của Duy Quang.
Đọc từ
http://www.lilybeemusic.com/#!biography, biết chính xác cô 24 tuổi, đã từng chạy xong chặng đường 42 ki lô mét marathon, đã làm việc trong Capitol Hill, phục vụ cho AmeriCrops, điều phối viên múa hip – hop, đang làm việc cho Ghostwriter. Đã viết kịch bản và đạo diễn một vở nhạc kịch – cd đầu của cô thực hiện là Daydream Midnight tại thủ đô của nước Mỹ, trong ngày bão tuyết lạnh, mang suy nghĩ tuổi mới lớn của cô đặt vào làn điệu nhạc jazz cổ điển để tặng cho thanh niên thiếu nữ cùng trang lứa.
Lily Bee hãnh diện trả lời ca sĩ Thanh Lan phỏng vấn trên chương trình truyền hình Việt Nam, niềm si mê âm nhạc này phát xuất từ mẹ cô, một phụ nữ Việt Nam dịu dàng đã từng dạy đàn dương cầm tại Việt Nam. Đọc đến đây tôi muốn thêm vài chi tiết về người mẹ dịu dàng của Lily Bee, Mẹ của Lily Bee đã mê âm nhạc say đắm, trời mưa vẫn địu chiếc đàn guitar đi học nhạc, những ngón tay của mẹ Lily Bee nay không còn bay trên phím gỗ như ba mươi năm về trước được nữa, nhưng trái tim si mê âm nhạc ắt hẳn không bao giờ thay đổi. Thay đổi chăng là thời đại, con người được sinh ra và sống trong nó.
Theo từng liên kết trên trang face book của Lily Bee, đọc những lời giới thiệu về cô ca sĩ dễ thương gốc Việt, nhìn cô dùng chiếc đàn ukelele một loại nhạc cụ phát xuất từ Hawaii, đang được giới trẻ khắp nơi trên thế giới yêu thích, vì hình dáng kích thước và âm trong thanh, vang vọng tùy theo bass - alto – tenor – soprano. Cần đàn vừa đủ dài, thùng đàn vừa đủ ôm gọn trong lòng, bốn dây thay vì sáu, các hợp âm dùng tương tự như đàn guitar, dễ điều khiển hơn chiếc guitar nguyên thủy phát xuất từ Tây Ban Nha vào thế kỷ 15 (!) Thứ sáu 18 tháng 11 tôi sẽ rủ thật đông bạn bè ghé quán cà phê Fracati nghe Lily Bee hát. Tôi biết trước tôi sẽ rất hứng thú khi được nghe hát trong quán cà phê, vì kỷ niệm thời con gái sẽ được tôi nhớ lại. Khung cảnh có khác, ngôn ngữ có lạ, nhưng tuổi hai mươi nào lại chẳng giống nhau, đam mê ngùn ngụt, mơ ước ngút trời.
Nhìn gót chân Lily Bee bước đến ước mơ dễ thương quá, âm nhạc khởi đi từ tâm hồn như thế này, tôi cần gì tìm xem ai Bá Nha ai Tử Kỳ - quên luôn cả việc tò mò dò xem Thúy Kiều dùng đàn gì để gẩy – tối thứ 6 ngày 18 tháng 11, tôi sẽ được chạm tay vào chiếc ukelele của Lily Bee.
Thân mến chúc Lily Bee hạnh phúc tràn đầy với những thành công do chính Lily tạo ra cho riêng mình. Và dĩ nhiên mong ước tuổi trẻ Việt Nam trên đất Mỹ luôn năng động trong tất cả mọi phương diện, tìm tòi hạnh phúc cho chính mình để chia sẻ niềm vui và tài năng cùng thế giới.