Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

47 Pages«<2728293031>»
Ngô Đồng Diệp Lạc
ngodong
#561 Posted : Friday, July 31, 2009 7:16:12 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Michelle đã thật sự ra đi, dù biết ngày sẽ đến, khi không một giọt tủy nào trùng với tủy của Michelle. Chị Hoàng Mộng Thu, một người phụ nữ Việt nam thật dễ thương hoạt bát, tôi gặp chị vào năm 1998, khi ấy chị là một người điều khiển chương trình duyên dáng, trong các dịp họp mặt của cộng đồng Việt Nam miền Bắc California. Tập thơ dễ thương chị tặng, những vần thơ tha thiết, tự tình, nhiều nốt lặng như tất cả các vần thơ khác, nhưng đặc biệt hơn là mang mang nỗi lòng hoài vọng một tương lai tốt đẹp cho nhân quần chung quanh.

Chị làm việc thiện nguyện, những buổi cơm cho kẻ không nhà, những buổi văn nghệ gây quỹ cho các chùa trong vùng, tôi luôn nghe nhắc đến tên chị. Rồi một hôm, nghe chị khóc trên đài phát thanh, giọng nói quen thuộc của người xướng ngôn viên, người MC duyên dáng nức nở, xin bạn bè thân thuộc, xin cộng đồng Việt Nam ghi danh hiến tủy, vì chỉ có tủy mới có thể cứu được căn bệnh ung thư máu (Acute Myeloid Leukemia) mà Michelle, người con gái đầu lòng xinh đẹp của chị lãnh chịu, khi bước chân vào tuổi 26.

Tôi đã khóc và ngay sau đó, dịp Trung Thu năm 2007 tôi đã ghi danh hiến tủy. Thủ tục ghi danh thông thường chỉ mất 10 phút và rất là đơn giản, chỉ với một miếng bông gòn dùng để gạt vào bên trong má, họ đã có đủ tế bào để tìm xem người hiến tủy có trùng hợp cùng bệnh nhân hay không. Dĩ nhiên, nếu trùng hợp thì công việc hiến tủy mới bắt đầu, người hiến tặng chịu một phẫu thuật nhỏ, sau khi được bác sĩ và các phòng thí nghiệm thử tất cả các mẫu máu – tủy phải hoàn toàn trùng lập với người bệnh cần nhận lãnh. Những hệ quả sau cuộc hiến tủy không nhiều, nhưng cứu được một mạng người . Tôi đã xem trên vô tuyến truyền hình, đã có hơn ba trường hợp cha mẹ của các cháu bé được cứu sống, ôm choàng lấy người đã cho các cháu lại sự sống tưởng như đã tuyệt vọng, tôi đã ươm niềm hy vọng ấy cho Michelle. Hôm nay thứ hai, ngày 27 tháng 7, 2009, sau hai năm cháu chiến đấu với căn bệnh tôi nghe chị Phương Thư đọc cáo phó, tên của Michelle được xướng lên, cháu ra đi vào ngày thứ bảy 25 tháng 7, hưởng dương 28 tuổi, tuổi đẹp nhất của đời người, xong việc học hành, bắt đầu góp tay xây dựng xã hội, xây dựng gia đình.

Đọc lại dòng tâm tình của Michelle được ghi trên trang web http://projectmichelle.com

Michelle cảm thấy thật là có phước và rất cảm động bởi những sự hổ trợ và tình thương đã dành cho Michelle. Nhóm dự án của Michelle luôn luôn cập nhật với thiện chí của quý vị. Michelle không biết dùng lời lẽ nào để nói lên hết sự cảm kích đối với sự nổ lực nhằm kêu gọi mọi người ghi danh. Kinh ngạc thay, nếu chúng ta hợp sức lại, chúng ta có thể tạo nên một sự thay đổi lớn lao, không chỉ riêng cho Michelle mà còn cho tất cả những bịnh nhân đang tìm một cơ hội sống sót cho họ. Michelle xin chân thành cảm tạ tất cả từ tận đáy lòng của Michelle.

Michelle.


Michelle là ai? Vài nét về Michelle

Được sinh ra ở Texas và lớn lên ở vùng Vịnh Cựu Kim Sơn, Michelle là một người bạn gái lý tưởng, một người con đáng yêu trong gia đình, một người chị gương mẫu, và là một người bạn tốt của rất nhiều người. Khi còn là một thiếu nữ, Michelle đã sống cuộc ở vùng Đông Vịnh, tốt nghiệp trường Trung Học College Park, nơi Michelle đã giữ chức vị Hội Trưởng (ASB President). Rồi sau đó, trong khuôn viên trường Đại Học Berkeley, cuộc đời đã mang đến cho Michelle một người bạn trai lý tưởng. Đó là Văn, người cùng học với hai lãnh vực Quản Lý Thương mãi và Kinh Tế Chính Trị Học (Business Administration and Political Economy) tại trường đó.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 2004, Michelle đã làm việc cho KPMG trong những công tác dịch vụ Tư vấn (Advisory Services). Ngoài công việc ra, cô ấy chưa bao giờ bỏ qua một cơ hội để thám hiểm hay thử cái gì mới lạ. Michelle có một sức lôi cuốn và có khí thế thuyết phục người xung quanh cùng hoạt động và khám phá - từ việc đạp xe đạp ngang qua cầu Golden Gate, cho đến leo tường đá hay trên sàn nhảy
Là chị cả trong gia đình, Michelle có một khả năng tự nhiên để dẫn dắt các em. Cô đã dành thời giờ làm việc thiện nguyện cho những tổ chức khác nhau như Trung Tâm Giam Giữ Vị Thành Niên ở thành phố San Jose (Juvenile Detention Center in San Jose), OASES ở Cal và Tzu Chi ở San Francisco. Mới đây, cô bắt đầu thực tập làm mẹ bằng việc nuôi một con chó nhỏ Yorkshire Terrier rất xinh đẹp có tên Marshawn (lấy tên từ một cầu thủ banh bầu dục danh tiếng). Niềm ước mơ đơn sơ của Michelle là sẽ trở thành một người mẹ của hai đứa trẻ và gầy dựng gia đình trong vùng Vịnh Cựu Kim Sơn.
Niềm mong ước của Michelle đã không thực hiện được, cô đã phấn đấu không ngừng nghỉ, nhưng số mệnh - tôi đành phải tin vào số mệnh - đã an bày. Chỉ mới 26 tuổi, vào ngày 27 tháng Hai năm 2007, Michelle Maykin được chẩn đoán với căn bệnh Ung Thư máu (Acute Myeloid Leukemia). Sau khi trải qua 5 chu kỳ của phương pháp hóa trị(chemotherapy), Michelle đã đạt đến một tình trạng ổn định và bắt đầu dần dần trở lại cuộc sống bình thường. Ngay sau đó, Michelle đã xả thân vào việc giúp đỡ những người khác bằng việc tạo ra Dự án Michelle, là cuộc vận động nhắm vào việc kêu gọi mọi người tham gia việc hiến tủy.
Tháng Tư năm 2008, sau hai tháng trở lại công việc, Michelle bắt đầu cảm thấy những triệu chứng tương tự như trước trở lại. Ngày 7 tháng Năm, 2008, những nỗi lo sợ của cô đã trở thành sự thật khi bác sĩ chuyên khoa Ung Thư của cô xác nhận rằng căn bệnh đã tái phát. Hơn nữa, giờ đây Michelle lại phải đối phó với vấn nạn của thị giác do khối u trên não tạo ra.
Để thoát khỏi bịnh Ung Thư máu, lần này Michelle sẽ phải trải qua phương pháp hóa trị (chemotherapy) ở một liều lượng cao hơn cộng với phương pháp bức xạ (radiation) và đồng thời sẽ phải thay tủy. Thật là rủi ro cho Michelle là hiện chưa tìm ra được một người nào có tủy trùng hợp với cô, như vậy việc thay tủy không thể xảy ra được cho đến khi tìm ra đươc tủy trùng hợp. Michelle nhứt quyết phải thắng được trận chiến này. Nhưng để thành công, cô cần tấm lòng nhân đạo của quý vị.
Xin quý vị hãy giúp Michelle trong trận chiến này! Cô rất cần đến sự cứu giúp của quý vị! Xin quý vị hãy tìm hiểu thêm về tiến trình hiến tủy và hãy ghi danh để thử. Sự chọn lựa của quý vị có thể cứu được mạng sống của Michelle.
Michelle khẩn cầu sự cứu giúp của quí vị để có một cơ hội sống. Xin quý vị hãy giúp chúng tôi tìm người có tủy trùng hợp với Michelle.


Lời tâm tình của chị Hoàng Mộng Thu


Michelle, con gái thật dịu dàng và can đảm của chúng tôi tựa như một chất keo đặc biệt đã gắn chặt gia đình chúng tôi lại. Michelle là một ngưòi chị thật gương mẫu, luôn luôn đảm đang trong vai trò của mình. Chúng tôi không thể nào hình dung được cuộc đời mà thiếu khuôn mặt tươi cười của Michelle. Khi Michelle được chẩn đoán với bệnh Ung Thư máu (Acute Myeloid Leukemia), chúng tôi thoạt tiên cảm thấy lo sợ và bất lực cho đến khi chúng tôi biết rằng Michelle có thể được chửa lành qua sự cấy mô tủy xương.
Chúng tôi tha thiết xin quý vị hãy dành cho Michelle một vài phút trong những ngày bận rộn của quý vị để ghi danh hiến tủy. Biết đâu rằng, quý vị là niềm hy vọng duy nhất của Michelle để được sống sót.


Bao nhiêu người Việt Nam đã ghi danh hiến tủy, sau khi chị Hoàng Mộng Thu đã nói đến căn bệnh trầm kha này, làm sao có thể tưởng tượng ra được nó có mặt trên cõi đời này, ngày chị hạ sanh cô bé Michelle bé bỏng dễ thương, để khi cô bé Michelle hớn hở bước chân vào đời một cách đầy tự tin với nụ cười hạnh phúc tươi nở trên môi, thì định mệnh khép lại cánh cửa tương lai trước mặt.

Là một người mẹ, tôi đau khổ cùng nỗi đau xé lòng của chị bây giờ, xin chia buồn cùng chị và gia đình. Từ nỗi đau đớn này, tôi tin chị Hoàng Mộng Thu, một phụ nữ có trái tim nhân hậu sẽ tiếp tục con đường xoa dịu niềm đau của các bà mẹ khác, các bà mẹ có con đi lầm đường sai lối.

Tin đường đời có phận, có số, có nghiệp có duyên có nợ, tôi nghĩ cháu Michelle đã dứt nợ trần ai, thanh thản sang vùng Tây Phương cực lạc. Nhìn thành quả gần 20.000 người đã ghi danh hiến tủy, chưa kể số người tự đến các văn phòng chuyên dụng, hay yêu cầu gởi thư đến tận nhà, con số này là một tiềm năng trong tương lai, có thể cứu chữa được cho các bệnh nhân Việt Nam khác, mắc vào chứng bệnh trầm kha này .

Vĩnh biệt Michelle.

Thứ 7 này, ngày 1 tháng 8, tang lễ sẽ cử hành tại Oak Hill lúc 1 giờ trưa.

http://projectmichelle.com/blog/
Tonka
#562 Posted : Friday, July 31, 2009 10:14:23 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Black Eye
Sương Lam
#563 Posted : Friday, July 31, 2009 1:31:21 PM(UTC)
Sương Lam

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,472
Points: 333
Location: Thành Phố Hoa Hồng Portland, OR

Thanks: 6 times
Was thanked: 9 time(s) in 8 post(s)
NĐ ơi,
Dù không biết chị Hoàng Mộng Thu và cô Michelle, nhưng qua bài viết của NĐ và xem video của Michelle, SL cảm động và tội nghiệp cho Michelle quá! Tuổi trẻ và có tấm lòng như Michelle lại ra đi quá sớm!Black Eye
Xin NĐ chuyển lời chia buồn của SL đến gia đình chị HMT và cầu nguyện cho Michelle sớm siêu sinh miền Tịnh độ.

Tonka
#564 Posted : Wednesday, August 5, 2009 9:51:49 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Được xem hình bồ nhí của chị ND, em xinh ơi là xinh. Em có bàn tay và bàn chân mũm mĩm của chị Hai.
ngodong
#565 Posted : Sunday, August 9, 2009 8:05:25 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Tonka ơi! mê gọi là mê man luôn, bác sĩ nói cu cậu lớn nhanh bằng con ngừoi ta 4 tháng - ui chao có nghĩa là bà ngoại có sao Dưỡng thủ mệnh rồi đó.

Sương Lam
#566 Posted : Sunday, August 9, 2009 12:38:27 PM(UTC)
Sương Lam

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,472
Points: 333
Location: Thành Phố Hoa Hồng Portland, OR

Thanks: 6 times
Was thanked: 9 time(s) in 8 post(s)
Chua choa ơi! Cu tí mau lớn quá!Blush Thấy muốn hun ghê! Bà ngoại NĐ bây giờ chă'c mê "bồ nhí" lắm nhỉ? Wink Xa thì nhớ, gặp nhau thì..cười!Big Smile
ngodong
#567 Posted : Sunday, August 16, 2009 12:04:54 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Chị ơi mê man nhung nhớ cả đêm luôn á. Lạ ghê, không hiểu được chính mình luôn.

Massage – tẩm quất có từ thời cổ đại, xưa lắc tít mù, ngày còn vua. Các ông vua này được đối đãi như con Trời - Thiên Tử, ông có tam cung lục viện, tì thiếp ê hề. Sáng sớm đến chiều tối, việc nước chiếm của ông bao nhiêu thời gian không biết, theo kiểu bây giờ, chiều chuộng đám tam cung lục viện ấy, hai mươi bốn giờ của ông vua có lẽ không sao đủ được.
Đây là vua thật sự như thế, phần các ông vua trong từng gia đình còn độc đáo hơn nữa, các ngài không có hẳn tam cung lục viện, nhưng thử nới lỏng sợi dây ràng buộc xem, các ngài e dè gì mà không năm thê bảy thiếp cơ chứ!

À! Đang bắt đầu ngẫm về đề tài tẩm quất, tại sao lại ngả sang chuyện vua chúa tì thiếp nhỉ, có lẽ vì nó có liên quan chi đó chăng?
Đọc sử Tàu, sách Tàu họ có những chữ rất tượng hình miêu tả con người từ lúc mới sanh, đến khi trăm tuổi như sau:
Cưỡng Bảo = Em bé còn bọc tã, khoảng sơ sinh đến vài tháng.
Hài Đề = Em bé còn cần ẵm bồng, khi bé tập đi đến vài tuổi.
Thủy Sấn = Trẻ em khoảng thay răng sữa, từ sáu tuổi trở đi,
Tổng Giác = Tóc cột thành sừng, con nít đã biết chạy chơi, nhóm bạn khoảng lên năm lên sáu
Thùy Kế = Búi tóc, trẻ khoảng bảy tám tuổi tóc đủ dài để búi .
Hoàng Khẩu = Trẻ dưới mười tuổi, hỏi gì nói thật điều ấy, “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”
Ấu Học = Trẻ vừa được đến trường (ngày xưa đi học trễ!)
Vũ Chước = Múa muỗng , trẻ khoảng tuổi mười ba đến mười lăm, tay chân không ngưng, khi ăn hay nghịch múa đũa, muỗng.
Chí Học = Khoảng tuổi mười lăm trở lên, đã biết cố gắng học hành xây đắp cho tương lai.
Vũ Tượng = Múa Voi, thiếu niên khoảng dưới hai mươi, đã biết tập tành võ nghệ, sẵn sàng vào đời.
Nhược Quan = Bắt đầu có thể nhạn quan tước, đã thành người lớn 20.
Nhi Lập = Chỉ con người tuổi 30 có thể tự lập thân, tự chăm lo cho gia đình riêng “tam thập nhi lập”
Bất Hoặc = Không còn nghi ngờ chi nữa hết, có lòng tự tin vào chính mình – 40.
Tri Thiên Mệnh, Tri Phi = Biết số phận con người, biết phải biết quấy, ở độ tuổi 50.
Nhĩ Thuận = Nói chuyện nghe thuận tai, vì đã có đủ kinh nghiệm sống còn gọi thêm tên Hoa Giáp là đầy con giáp nghĩa là vào tuổi 60 .
Cổ Hy = Người trên bảy mươi.
Trượng Triều = Chống gậy vào chầu vua trong triều, chỉ tuổi 70 .
Mạo Điết = tuổi 90
Kỳ Di = Thời kỳ sách vở từ chương, tuổi 100.

Từ 1 tuổi đến 100 tuổi, sau Bất Hoặc đến Tri Thiên Mệnh là lúc cơ thể bắt đầu biết lên tiếng ọ ẹ, không bắp tay cũng đầu gối, không cần cổ cũng gót chân, chẳng lẽ vua quan không được phục vụ đến nơi đến chốn? Thuốc nam thuốc bắc, hải cẩu hoàn, chưa kể sâm nhung, cao hổ cốt, lợi hay hại không biết mà các ngài Vua cao quyền trọng, cả công hầu vương tướng ngã quay ra chết sớm ơi là sớm, không thế sao có thơ:
Một trà một rượu một đàn bà
Ba thứ lăng nhăng nó hại tai
Chừa được cái nào hay cái ấy

Thở dài nhà thơ Tú Xương kết như sau:

Có chăng chừa rượu với chừa trà!

Nguồn gốc tẩm quất có tự đâu? Từ luật âm dương tự nhiên mà ra?

Theo những hình ảnh khắc trên đá, trong các hầm mộ của các vì vua chúa Ai Cập được khai quật, các nhà khảo cổ đã thấy những bức tranh miêu tả các động tác tẩm quất đơn giản. Ai Cập thời các đoàn du mục, dùng lạc đà du hành vượt qua sa mạc cát gió, khi tìm ra khoảnh ốc đảo nhỏ, có nguồn nước ngọt rỉ ra từ hốc đá, có vài cây cọ tạo thành bóng mát, người cùng lạc đà dừng lại nghỉ ngơi. Còn phương pháp nào tuyệt vời hơn là xoa bóp các bắp chân thớ thịt, còn thần tiên nào hơn là được nằm xấp có bàn tay vuốt ve trên lưng, nhấn nhá trên từng đốt xương cột sống!

Có bài bản hẳn hoi, là các quyển sách thuộc vào hàng cấm trẻ em dưới mười sáu tuổi của Ấn Độ, những quyển sách này không viết chữ, chỉ là những hình ảnh vẽ rất sinh động đầy màu sắc, đây là một bài học cao độ về cho và nhận giữa hai người khác phái, đời sống tự nhiên tự nó hình thành những sắc thái, những phong cách mà sau này, con người cho phép họ quyền đặt để biến hóa nó thành tốt xấu, thành nên hay không nên, thành đủ mọi tên gọi tốt có xấu có cho nó.

Phổ thông nhất là từ các quyển sách ghi chú rành rẽ huyệt đạo cần khai mở từ đỉnh đầu đến gót chân của các ông lương y người Trung Hoa. Với diện tích đất đai chiếm hẳn một góc trên đỉnh quả địa cầu, ngang ngửa với Nga Sô, cùng với dân số áp đảo thế giới, người Hoa truyền bá đủ mọi thứ trên đời, từ thuyết âm dương yin yang, động tĩnh, đêm ngày, đen trắng, trong ngoài, có anh Yang phải có em Yin, âm dương hòa hợp, theo thuyết này, nếu âm dương không hòa hợp thì cơ thể sẽ bệnh hoạn triền miên. Các môn võ công dùng khí biến thành cuồng phong chưởng lực. Không biết các môn võ này lợi hại thế nào, chứ khi đọc kiếm hiệp, xem phim Tàu, qua các thủ thuật phi thân, độn thổ vèo vèo, hẳn ai cũng ao ước có đủ mười thần công lực một lần, để xuất chưởng làm đổ vách tường, hay điểm huyệt nói của đối phương thích càu nhàu cửi nhưởi, để cô nàng im tiếng, câm tạm thời, khi nào nhớ tiếng lại giải huyện cho nàng cằn nhằn tiếp.

Ngắm các hình ảnh treo trên tường, trong các tiệm tẩm quất mọc như nấm tại các thành phố vùng vịnh Cựu Kim Sơn, rộng hơn là toàn tiểu bang California, những nơi có cộng đồng Á Châu trong thời gian gần đây. Hình cơ thể con người ta, có gân chạy chằng chịt, cùng các chấm đỏ có ghi chú tên bằng chữ Tàu , liên kết thành chuỗi đại diện cho một bộ phận trong cơ thể con người, nôm na gọi là lục phủ, ngũ tạng. Tạng là các bộ phận chứa đựng như tim, gan, bao tử, ruột, thận, trong khi phủ có tác dụng chuyển hóa như nước bọt, đờm, các tuyến dịch, chất nhờn. Có lẽ chủ các trung tâm này, muốn gây cho khách hàng tâm trạng an tâm, sau khi được các người hùng cao to vạm vỡ không biết nói tiếng Anh, chỉ nị ngộ, hầy lớ tẩm quất đôi bàn chân, toàn cơ thể sẽ vận hành đúng luật yin-yang.

Bảng quảng cáo ghi rõ Foot Massage, nhưng sau một tiếng từ đầu xuống gót đều được đôi tay chàng tiếp cận, với giá 19.99 $ cùng 5 cho đến 10$ tiền típ tiền boa , con số quả là khiêm nhượng nếu so sánh với phòng tẩm quất đặt tại các khách sạn hạng sang, do các chuyên viên có bằng hành nghề do tiểu bang California cấp, trung bình 200$ một tiếng.

Sự khác biệt giữa 200 và 20 đồng có lẽ là khung cảnh và cách phục vụ. Với giá gấp 10 lần, khách được dẫn vào một phòng riêng có tiếng nhạc thanh thoát, thay xiêm y thường nhật ra, khoác xiêm y đặc biệt dệt bằng bông vải 100% nhẹ, thơm mùi hoa tươi. Tư trang như nhẫn hoa tai, vòng tay, đồng hồ được cô hay anh phục vụ mình tự chọn, đặt vào một vỏ sò thật đẹp, để lên kệ đầu bàn, sau đó một ly nước trái cây cầu kỳ đầy màu sắc được mang đến, khách thong thả uống nghe nhạc thiền lặng, muốn đọc sách không ai cấm, cho đến khi chán, trút bỏ tất cả, nằm lên bàn massage dưới lớp khăn phủ, cầm chiếc chuông bạc lắc nhẹ, nhân viên phục vụ bước vào ngay, họ ngồi chờ ngay ngoài cửa. Công việc đầu tiên là họ đắp lên mình khách từ cổ đến chân, một chiếc chăn dầy ấm lấy ra từ máy sấy, thơm dịu mùi hoa, sau đó tùy theo giá tiền khách đã chọn trước để họ bắt tay vào việc sau khi bấm nút chiếc đồng hồ tính giờ. Phong cách phục vụ lịch sự nâng như nâng trứng, chạm như chạm hoa.



Khung cảnh 20 đồng là các dẫy ghế, khách được phục vụ tập thể, tiếng hì hục, chan chát tay phát vào thịt nghe rõ mồn một, có khi là tiếng ngáy o o của ông khách quen sau khi được tẩm quất muốn ở lại ngủ một chút, trước khi yêu cầu tẩm quất thêm lần nữa. Khách dù là đàn ông hay đàn bà, đều được yêu cầu xắn quần cao lên đầu gối, sau đó ngâm hai chân vào một bao nylong nước nóng, nghe nói nước được nấu chung với các loại dược thảo có công dụng tẩy độc toàn thân (!) được uống một ly trà táo tàu. Anh hay cô gái nói tiếng Trung Hoa, bắt đầu ra tay, khách đau quá thì phải giơ tay ra hiệu để anh hay cô giảm cường độ, các chuyên viên người hoa này có lẽ chỉ phục vụ tạm thời theo hạn visa được chấp nhận, sau đó qui cố hương. Nhìn khuôn mặt của các anh các chị hiền lành nhẫn nhịn, trong khi bà chủ ngồi ở quầy thu tiền thường rất sắc sảo lanh lợi, nói tiếng Anh có âm hưởng dấu huyền Trung Quốc “hao á dù, mem bờ shịp tén tai ghét oăn phì”. 20 đồng một tiếng, trừ tiền mướn phòng ốc, lương của anh chuyên viên có lẽ chỉ còn khoảng một phần hai là may, tiền khách dúi vào tay để anh cất vào túi áo mới là lương chính.
Có hơn ba trường dậy tẩm quất đang quảng cáo trên các đài phát thanh tiếng Việt, học phí lên xuống giữa 1.500 đến 900 đô la một khóa học ba tháng, trong các trường này, họ nhận khách với giá 17 đồng một tiếng cho học sinh thực tập, trong tình cảnh thất nghiệp hằng hà, tỷ số học viên hẳn phải tăng cao, vì bây giờ các phòng massage chân đã có thêm đội ngũ chuyên viên người Việt, người Mễ, người Cuba.

Giảm căng thẳng bằng một tiếng tẩm quất, hẳn là một phương pháp nhất cử lưỡng tiện, ngày xưa phụ nữ Việt Nam có bao giờ được hưởng điều này, ngoại trừ các ông? Nếu có, ắt hẳn chỉ các ái nương được nhận lãnh foot massage trước khi vào hầu hạ vua chúa, điều này đã được đưa vào phim Lồng Đèn Đỏ - Raise The Red Lantern.

Đọc hết bài này, ắt hẳn người đọc đang nhìn tẩm quất có liên đới chút đỉnh chi đó với chuyện âm dương yin – yang. Tẩm quất vừa âm vừa dương, vừa nóng vừa lạnh, vừa đen vừa trắng, vừa thinh lặng vừa rền rĩ thế thì còn ngần ngại chi mà không ghé vào thử một giờ cho biết với người ta chứ nhỉ ?
ngodong
#568 Posted : Friday, August 21, 2009 1:11:52 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Bánh Xèo

“Thôi đi má non, giờ này đòi ăn bánh xèo, bột đâu đổ liền cho mà ăn, chờ đó đi, mơi tới có ăn, nhớ rọc mớ lá chuối heng!”

Giọng nói của chị Ba thiệt dễ thương, chỉ ở kế bên vườn nhà, cách đám trầu xanh mởn. Hồi bỏ thành phố Sài Gòn về sống trong Tám Thôn Vườn Trầu – Hóc Môn – Bà Điểm là thời tui học khéo học khôn, học làm con gái miệt vườn, học kéo nước giếng, học trồng bông vạn thọ, học leo cau, hái dừa. Học cho biết chớ có dùng nhiêu đâu, lọng cọng ngứa mắt bà con chòm xóm, họ khích qua một bên, dành làm tuốc luốc. Chữ tuốc luốc này kiếm mòn mắt trong tự điển hổng có ra đâu nghen, người miền Nam tui không phân biệt chữ tờ chữ cờ cuối chữ, hễ nói chi khỏi bẻ lưỡi bẻ môi là nói. Tụi tui nói giọng hò, giọng ru trong trỏng, nói một chữ ngắn ngủn có gì vui, cho thêm chữ nữa đi theo cho có bạn. Nội chữ tuốc luốc tui nói hằng bữa này, tui nghi nghi nó dính líu chi tới chữ “tước” có nghĩa tước đoạt, tước lá, tước da quá hà, ai mà chưa nghe nó chớ, trong thơ cũng có đó nghen:

Chớm đông phong Em hổng chịu lấy chồng
Em chờ mai nở cho chết lòng xuân Tui
Người chúc năm mới thành đôi
Đầu Tui gật thí, môi Tui đọc tuồng
Thất tình đời cứ rập khuôn
Hể xuân Tui, bóng đếm buồn chia nhau
Thời gian kéo riết cái đau
Năm nào cũng tuổi, mùa nào cũng xui
Tình như mũi chó đen thui
Làm trời xuân cũng ui ui, rầu rầu

Than thì than vậy, hổng trách Em đâu
Tui bỏ trầu cau sau người một kiếp
Em qua cầu thì Tui than Tui tiếc
Em hông qua Tui hổng biết làm sao
Chẳng lẽ bất nhơn ép buộc nụ đào
héo chờ nhộng, biết chừng nào hóa bướm
Tui trách Em thì thành ra Tui chướng
Thôi tha Em, Em khỏi ... vướng lời thề
... Ráng làm từ mẫu, hiền thê
Nấu cơm vừa lửa, cá trê canh bầu
Giặt đồ phơi ở vườn sau
Hông thôi nắng lớn, lợt màu, chồng nhăn
Lụi hụi con lớn nhớ răn
Đám cưới chớ chọn mùa xuân, tội người (thơ CC)
Lóng rày Em có hay cười
Tình phai tuốc luốc, em đừng nhớ Tui.

Tui nói rồi, người miền Nam tui ngọt ngào dễ thương dị đó, ảnh mần bài thơ cho tui hồi biết tui lấy chồng mất tiêu mất tiều, con gái con trai tui nó lớn phổng phao, ảnh còn lui cui chiếc bóng. Nói có ông Trời làm chứng, tui mà biết ảnh có để ý tới tui, tui leo lên cành khế té xuống dập bụi hành chết ngắt cho coi. Hồi đó ngộ ghê, trai gái để ý nhau dấu kín trong lòng, tới hồi lỡ cơm lỡ gạo mới la làng “có để ý” nhau.

Vòng lại chuyện bánh xèo của chị Ba hàng xóm nghen, chỉ nổi tiếng đổ bánh xèo ngon, ai nói sao nói, hễ thèm là tui qua khều chỉ. Cuộc đời nó vậy đó, hễ giỏi cái chi là khổ cái đó, nghe người ta khen miết phải giữ tiếng khen, mang nợ đời sợ mất tiếng. Tui khen bánh chỉ đổ mỏng te giòn rụm, cái màu nghệ vàng vừa phải, đặng cái màu chảo rám nổi vân nâu, chưa tính tới ba cái hột đậu xanh – mấy con tép hường, khoanh hành củ tím, miếng ba rọi trong trong. Ai nói mấy ông họa sĩ nào hay tui không biết, chớ cái tràng bánh xèo đối với tui là một tấm tranh đẹp, không ai pha màu giống nó đặng. Tui nói dzậy đó mà bị gán cho cái tên vị thực, ham ăn.

Muốn ăn bánh xèo phải nhớ ơn cái cối đá nhà chị Ba, cối đá nhà chỉ đúng là đá xanh thửa ở miệt Bửu Long Châu Thới. Ông thợ đẽo nó thiệt đẹp, tròn dình thớt trên khít thớt dưới, liền mạch, mạch là mấy cái khe được khắc vào đá, sâu từ tâm nông dần ra tới mép tai. Người ta gọi tai cối đá, là phần hứng nước bột xay, nó có gờ hứng có chỗ đổ bột xuống thau, xuống chậu. Gạo ngâm qua đêm, thêm chén cơm nguội, cho vô cái lỗ to cỡ cái tộ ăn cháo lòng, ngay tâm của thớt trên, chị Ba sọt một khúc cây vô chỗ ông thợ đẽo sẵn cái lỗ, rồi chị xoay vòng thiệt đều tay, chỉ vừa xay gạo vừa giảng: “Hễ xay không đều tay, cối bị mòn không đều, mơi mốt xay hết nhuyễn!”

Cái cối nằm chóc ngóc trong bếp là vật chị Ba cưng nhứt, nó nặng sư, ai muốn nhờ xay chi, mang qua chỉ xay giùm, chớ nài mượn khiêng đi chỉ trả lời không cái rụp. Xay gạo đổ bánh xèo là chuyện dễ ẹc, xay tới đậu nành nấu tàu hũ mới nặng tay, có hồi chỉ xay gạo làm bún, xay gạo đổ bánh tráng, Tết tới xay gạo bòng bột gói bánh ích, bánh ích trần. Ôi thôi! có cái cối đặng làm khéo với người ta đâu không thấy, thấy hai bắp tay chị Ba to đùng.

Chị vẽ duyên, xay bột hồi sớm mơi, đợi tới mặt trời xiên bóng cau, mới chắc bớt nước trong ra, thay nước cốt dừa vô trộn đều, pha thêm chút bột nghệ lấy màu, rồi sắt mớ hành lá thiệt nhuyễn thả vô, dằn thêm chút muối. Tới hồi đổ bánh, cái chảo gang đen thui bóng lưỡng, nằm chễm trệ trên ông lò than đỏ hường mà không có ngọn, chung quanh chị Ba là rổ giá trắng tinh, dĩa thịt ba rọi, tép tươi trong, hành củ sắt mỏng, tô đậu xanh nấu chín, nhịp nhàng chị Ba tráng chảo bằng muỗng mỡ, ném mấy miếng hành, tới ba miếng thịt, mấy con tép, đảo thiệt lanh tay, tới hồi thịt se cạnh hành thơm lừng, là lúc chỉ khuấy thau bột cho đều, múc một giá đổ vô chảo, tiếng xèo nghe đã tai thì thôi, một tay chỉ nắm cái quai lắc chảo cho bột tráng đều chung quanh, mỏng te như giấy quyến, thêm chút mỡ rưới quanh bánh lần nữa, trước khi cho đậu xanh giá, đập nắp lại quay chảo nghiêng qua bên này một chút, bên kia một chút, mở nắp ra, xoay chút chút cho bốc bớt hơi nước, khúc này là khúc quyết định độ giòn rụm của bánh xèo.

Kể thấy lâu lắc, chớ đổ một cái bánh xèo không tới năm phút là có ăn. Tộ nước mắm sóng sánh tỏi ớt bầm. Chừng bánh chín, chị Ba lấy cái sạng xúc bánh ra tràng lót lá chuối xanh, hàng xóm nghe mùi chạy qua ngồi xệp, thoải mái lặt rau sống rau thơm, bẻ bánh gói lại, múc chén nước mắm chấm, mèn ơi cái vị ngọt mặn, béo, cay chua, mùi thơm hành mỡ cháy, trưa hè gió mơn mơn, tía má ơi đời còn gì sướng hơn đặng kể chớ!

Tỉnh hồn, mới nhớ dĩa bánh xèo trước mặt không phải bánh xèo của chị Ba, mà là bánh xèo lai.
Sống ở Mỹ, sống ở Tây phương cái bánh xèo nó cũng biết buồn mơn vầy nè, nằm trên cái dĩa kiểu, nó nhớ cái tràng mây lót lá chuối xanh khóc ròng.
ngodong
#569 Posted : Wednesday, September 9, 2009 11:50:22 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
“Hi, Mom, I have babies” – “Mẹ ơi! Con có em bé.”

Câu nói đầu tiên của Jaycee khi gặp lại mẹ sau mười tám năm xa cách, đã làm tôi khóc.

Câu nói ấy có lẽ cô ấp ủ từ ngày đầu có mang, đến ngày đau đớn rách thịt sinh con, hai lần ấp ủ như thế, cho đến khi cô được gặp mẹ ruột của mình để thốt nên lời. Khoảng thời gian mười lăm năm ấy dài biết bao nhiêu.

Hai mươi chín tuổi đầu, con gái đã mười lăm, cách đây nửa thế kỷ có thể là chuyện bình thường. Nay ở thế kỷ 21, đời sống con người dài hơn, thời gian chuẩn bị để thành nhân dài hơn, nên vào độ tuổi 13 – 14 vẫn được xem là con nít.

Tại sao câu chuyện Jacee Lee Dugrad lại làm tôi khóc, không phải chỉ vì truyền thông đang ẫm ĩ loan tin, không phải vì ai cũng đang nhắc đến nói đến, không phải vì tôi là đàn bà thích thương vay khóc mướn mà vì tôi là mẹ.

Chữ “MẸ” giải thích bao điều huyền nhiệm, khởi đi từ tình yêu chấm dứt cũng bằng tình yêu. Thảm kịch xảy ra mỗi ngày không ít, nhưng chứng kiến theo dõi câu chuyện đau lòng này của Jaycee không dễ chút nào. Năm 1991, gia đình tôi định cư đến Mỹ, hai cô con gái con gái của tôi 14 và 4 tuổi, nay hai cháu đã thành nhân, cháu lớn có gia đình sự nghiệp vững vàng, cháu út vừa bắt đầu chương trình hậu đại học, thì cuộc đời Jaycee bây giờ sẽ ra sao, sau mười tám năm bị nhốt kín trong chiếc lều mong manh và các vật dụng cũ kỹ, nhất là cô có thêm hai cô con gái bé bỏng 15 và 11 tuổi, khoảng tuổi cô bị bắt cóc, với chính kẻ nhẫn tâm giam giữ cô.

Từ ngày 11tháng 6 năm 1991 bị bắt cóc trước mặt bố dượng, ngay trạm xe buýt góc đường gần nhà, mọi nỗ lực tìm kiếm đều không cho ra manh mối nào, sang tháng bảy tháng tám cùng năm, hình ảnh của cô được truyền đi toàn quốc, mẹ của cô luôn tin rằng con mình còn sống dù rằng người ta lấy ngày 10 tháng 6 để đọc kinh cầu nguyện cho cô, một hình thức tưởng nhớ người đã khuất. Hình chiếc lều dành cho 4 người được mang lên mạng lưới thông tin, hẳn là cái lều cuối cùng, trong thời gian mười tám năm dài, tôi tự hỏi cô đã phải sống với bao nhiêu cái lều như thế?

Câu tục ngữ: “Gái mười ba, trai mười bảy” là cái mốc bắt đầu cho việc di truyền sự sống, hiện nay các trường trung học tại Mỹ có chương trình bắt các học sinh không kể nam hay nữ, tham gia vào việc nuôi con thử, để các cháu hiểu trách nhiệm làm mẹ làm cha khó khăn thế nào, trước khi tìm hiểu vấn đề sinh lý. Các câu hỏi được đặt ra qua sự kiện Jaycee, có câu tại sao cô không bỏ trốn hay tháo chạy? Tôi không là chuyên gia tâm lý, chỉ bằng suy luận từ chính mình đã thấy đủ nỗi sợ hãi lo toan của cô bé 11 tuổi đầu, bị áp lực từ hai kẻ lạ mặt. Hình ảnh của cô bé Jaycee trên các tờ giấy thông báo trẻ em mất tích, tôi thấy nhiều lần, vì các vụ trẻ em bị bắt cóc này mà cả gia đình tôi thay nhau đưa đón cô út đi học, cho đến khi cô vào lớp 9 mới để cô dùng xe bus đi về nhà. Thuở thanh bình học trò rủ nhau đi học đã qua, dù trường học cách nhà ở chỉ vài con đường (hẻm) nhỏ.

Một xã hội có trật tự, có đầy đủ luật lệ bảo vệ người dân sống trong tự do, hạnh phúc cũng có những kẽ hở cho tội đồ Phillip Garrido nương náu, không hiểu người cảnh sát đến soát nhà ông ta vào năm 2006 có ăn năn khi sự việc ra ánh sáng không? Không cần biết luật pháp sẽ xét xử vụ án Jaycee thế nào, trước mắt là làm sao cho gia đình nhỏ của Jaycee hòa nhập trở lại với đời sống bình thường.

Trông người không khỏi nghĩ đến ta, những cô gái bé bỏng bị lừa gạt bán sang Thái Lan, sang Tàu để phục vụ trong các hộp đêm, các động điếm. Gia đình nghèo nàn ít học đông con, sống trong các vùng quê hẻo lánh sát biên giới, nghe lời dụ dỗ ngon ngọt nhận tiền cho con theo kẻ lạ mặt lên thành thị, nghe nói được đi làm, đi học, có quần áo đẹp vừa bớt gánh nặng, vừa hy vọng con có đời sống tốt hơn! Tin tức về các cô gái hớn hở tìm đến điểm hẹn, cho một anh Đài Loan ngắm nghía trả giá, khi được anh chọn và cưới đem về nước, gia đình cha mẹ dưới quê nhận được khoảng 300 đô la trị giá 5.400.000 đồng Việt Nam.

Cả thế giới lên án những phần tử bệnh hoạn, nhưng làm sao cấm cản được các tên bợm rượu say sưa, lý trí chẳng còn. Đạo đức suy đồi ngay cả các cô gái chỉ vừa vào độ chớm xuân, đã biết bán sắc lấy tiền. Lời chạy tội: “Gia đình túng bấn, cha mẹ yếu đau nên đành hy sinh thân mình v.v.!” đã thành câu đầu môi chót lưỡi, không biết câu chuyện Thanh Tâm Tài Nhân từ bên Tàu, nhập sang Việt Nam thành hơn 3000 câu Kim Vân Kiều có ảnh hưởng gì đến xã hội Việt Nam bây giờ hay không, mà các cô gái Việt Nam hy sinh bán mình cứu sống gia đình nhiều đến thế.

Trẻ em mười ba mười bốn tuổi ở Việt Nam, nếu không có sự chăm sóc kỹ lưỡng từ gia đình cha mẹ, nhiều thảm cảnh xảy ra không tưởng tượng ra nổi, các cháu biết tìm đến những nơi phá thai giấu gia đình, đến khi cha mẹ biết ra chỉ nhận được xác con. Dại dột, dễ bị hư hỏng lôi kéo là khoảng tuổi 13 trở lên . Sống tại thành thị xôn xao, đời sống càng cao càng nhiều đòi hỏi, cha mẹ mải miết tìm cách sống theo thời thượng, để mặc con cái lớn khôn như cỏ dại, đàn đúm học đòi. Nghe chuyện đứa cháu họ đang sống ở Việt Nam, 15 tuổi đã biết lấy cắp tiền theo bạn, mẹ chở đến trường thả xuống, giờ về cha đến đón cháu cũng đã đứng sẵn ngay cổng, cô giáo đến nhà mách cháu bỏ học thường xuyên. Câu chuyện trong chính gia đình, chỉ là một trong nhiều vấn nạn đang xảy ra mỗi ngày tại thành phố Sài Gòn thân yêu ngày xưa, thành phố biến thành sông hồ vào những trận mưa lớn. Công ty xây dựng phải nâng đường ngày càng cao lên cho xe cộ lưu thông, công trình nâng cao mặt đường cần tiêu ba tỉ trên giấy tờ thì hơn một tỉ đã vào túi ông giám đốc công trình. Họ tha hồ đệ trình những nơi cần nâng mặt đường lên cao, quên mất nhà dân ngày một thấp hơn mặt đường, nước tha hồ tràn vào cho trẻ nít tập bơi.

Đời sống nhiều nỗi buồn lo, mỗi ngày thế giới càng thêm bất ổn, phải làm gì bây giờ ngoài việc tự mình nhìn ngắm chung quanh, tìm cho riêng mình một nụ cười thanh thản.

Khóc với Jaycee ở Mỹ, cay đắng với bao nỗi đắng cay của các bậc cha mẹ, có con cái ngay bên cạnh mình mà như mất tích từ lâu vì không sao dậy dỗ nổi tại Việt Nam, chẳng biết phải đổ lỗi cho ai, dù các khẩu hiệu ra rả không ngưng, bích chương treo đầy đường phố “Vì lợi ích năm năm trồng cây – mười năm trồng người” các cánh rừng bị khai thác không thương tiếc, sau 30 năm người sống vẫn cảm thấy khó thở trong bầu khí dầy đặc nặng nề của cửa quyền, bưng bít.

Sau ngày 27 tháng 8, hình ảnh của Jaycee không còn trên các tờ bố cáo mất tích, biết bao giờ các cô gái nhỏ Việt Nam có lại thật sự đời sống trẻ thơ của mình.
ngodong
#570 Posted : Friday, September 11, 2009 12:09:16 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Mua vé máy bay online đã gần ba tháng, trước giờ khởi hành hai mươi bốn tiếng, vào internet in thẻ lên máy bay (boarding pass)! Xong.
Phi trường San Jose vẫn đang xây dựng, kiến trúc mới nhìn rất vững chắc, hy vọng trong tương lai không lâu phi trường này sẽ là nơi dập dìu hành khách đến từ khắp nơi trên thế giới.
Đã định thênh thang tay túi - rượu bầu, thảnh thơi qua trạm kiểm soát an ninh, nhưng lại phải gởi một cái vali hơi to một tí, vì "bên ấy" không có bánh mì thịt ngon như "bên này". Món quà quá đơn giản của San Jose là một món quà quí đối với người bên ấy, bên ấy là một thành phố nhỏ nằm trên hướng Bắc của tiểu bang cao bồi Texas, thành phố Amarillo.

Với diện tích gần 234 kilomet vuông, dân số chưa đến 180.000 dân, mật độ dân 746 người trên một cây số vuông so sánh với thành phố San Jose California 2.234 người, quả là quá ít ỏi.
Không có chuyến bay nào trực tiếp đến đấy, nghỉ lại hơn một tiếng tại phi trường Dallas, phi trường này có hệ thống skylink đưa hành khách thay đổi chuyến bay, từ cổng đến sang cổng đi thật nhanh chóng, dù kinh tế suy thoái, du khách giảm nhiều, phi trường vẫn đầy người.
Đến Amarillo, cơn mưa hôm trước khiến khí hậu thật trong lành, những ngọn cỏ may bay phất phới, chuyến xe lửa thật dài chở than đá chạy song song, con đường vắng hoe không có chiếc xe thứ hai nào bên cạnh vào lúc bốn giờ ba mươi chiều thứ sáu, tôi nhớ đến con đường đi Thủ Đức ngày xưa.
Mười năm trước tôi đã ghé thăm, lần này trở lại nhiều cảnh trí đẹp hơn, nói như thế với người ở Amarillo đang đóng vai tài xế đón về nhà, cháu mỉm cười nói: “Sau mười năm có thêm mười tiệm neo mới!” câu vừa dứt chiếc xe đã ngừng trước cửa tiệm nail do cháu làm chủ, nhìn tay của thím, móng ngắn trụi lủi, chẳng sơn phết gì dù là sang để dự đám cưới cậu em của cháu. Lý do cháu ghé vào tiệm. Không đầy ba mươi phút sau, bàn tay tôi đã được dán móng giả dài, sau đó cháu dùng chất acrylic bột đắp lên, thành bộ móng cứng cáp, cháu vẽ hoa trên mỗi móng tay thật đẹp, vừa làm cháu vừa pha trò rất vui. Giá thành trang điểm cho đôi tay như thế này gần 40 đồng, vẽ thêm một cái hoa trên móng giá là 3 đồng, tiền tê (tip) được nhận 5 đồng là thấp nhất, cháu khoe qua hai năm mở tiệm, cháu đã trả xong tiền sang tiệm, tiền trang trí và tất cả các vật dụng rất sang trọng.
Tiệm của cháu nằm trong một khu vắng vẻ, vắng vẻ như con đường không có chiếc xe thứ hai bầu bạn, trên đường cháu đón tôi từ phi trường về nhà.
Người Việt có mặt khắp nơi trên toàn đất Mỹ, xây dựng đời sống mọi nơi, bất kể thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Thành phố này cũng thế, dân làng Xuân Ninh quây quần cùng nhau, giáo dân chiếm một phần tư trong tổng số 2000 cư dân Việt Nam tị nạn, con số của lần kiểm kê dân chúng năm 2008.
Theo tài liệu đọc được, tình hình giá nhà đất tại thành phố này khởi đi từ dưới 40 đồng một square foot đến 400 đồng. Một căn nhà ở bình thường chỉ cần 40.000 đồng là mua được. Nghề nghiệp chính của thành phố là các hãng giết mổ bò, trước đây có nhà máy may quần Jean Levi’s, người Việt tị nạn cũng được mướn rất đông vì khéo tay, chuyên cần, sau khi hãng Levi’s đóng cửa, bắt buộc họ phải gia nhập vào công việc nặng nhọc hơn tại các xưởng làm thịt bò. Nghe kể các ông cắt thịt lâu ngày, tay chân đau đớn kinh khủng vì phải làm việc trong phòng lạnh, động tác lóc thịt không phải dễ nhất là làm ròng rã 8 tiếng đồng hồ. Phụ nữ có các công đọan dễ dàng hơn nhưng không kém phần khó khăn vì phải làm ban đêm, rửa cho sạch sàn nhà, thớt thịt, lau rửa sau khi đã hoàn tất việc xẻ thịt, với thể chất yếu đuối, nhất là thiếu dinh dưỡng sau thời gian học tập cải tạo, nghèo đói sau 1975, công việc nặng nhọc như thế không thể nào chịu đựng lâu dài, chưa tính đến khí hậu khắt nghiệt. Mùa nóng có lúc hơn 100 độ F, mùa đông dưới độ đông đá là thường chưa kể đôi khi có giông có lốc.
Những tiệm trang điểm móng tay, móng chân hoàn toàn do người Việt làm chủ, tiền công rất cao, nhưng khách ghé đến rất đông, dù thu nhập trung bình của người dân là 34 ngàn đồng Mỹ kim một năm.
Đám cưới được tổ chức ròng rã trong hai ngày, thứ bảy buổi sáng làm đám hỏi, chiều lễ cưới tại nhà thờ, phải đợi tới chiều chủ nhật mới đãi tại nhà hàng, lý do rất đơn giản, đám cưới phải theo giờ đóng mở cửa tiệm làm nail. Chị em của cô dâu chú rể đều có tiệm nail, chú rể và cô dâu cũng có tiệm làm nail, đóng cửa nghỉ không được, giao cho thợ trông giúp. Trước lễ Độc Lập khách ghé đến đông hơn ngày thường.
Nhìn các anh – các cô thợ duyên dáng hiền lành, ngay cả đã học xong trung học, có hai năm đại học, nghề làm móng tay là công việc hợp với sức khỏe và nhất là trùng với tính kiên nhẫn tỉ mỉ của dân tộc Việt. Cha mẹ chấp nhận làm việc đêm ngày để lo cho các con có tương lai khá hơn mình, tiền bạc từ các giọt mồi hôi mệt mỏi, đến những nỗi đau đớn khớp xương tay, sống lưng, nhất là hít vào phổi đám bụi acrylic khi đắp móng giả cho khách không biết trong tương lai các con có biết.
Tôi nghe nhiều về sự cạnh tranh, làm mất giá tiền công trang điểm cho một bộ móng tay chân, khiến không ít các cô các bà ngay cả các anh là nhân viên trang điểm móng tay – móng chân tại thành phố San Jose phải chấp nhận đi làm xa, lương tháng có bao ăn ở hơn 3000 đồng một tháng. Quả là một công việc “làm chơi ăn thật” như nhiều người nói. Cô cháu tôi rất vui với nghề nghiệp mình có, dù đang đi học về kế toán trong trường đại học cộng đồng, cô vẫn không có ý muốn chuyển nghề, chỉ muốn có thêm một công việc làm khác, bên cạnh tiệm trang điểm móng tay móng chân cuả cô. Tiệm có tổng cộng sáu người thợ, chia theo tỉ lệ 6/4 . Người chủ lấy bốn phần để trả tiền nhà và mua các dụng cụ cần thiết.
Nhìn chung toàn cảnh của một thành phố, mảng màu sơn móng tay, trang điểm cho dân bản xứ, đã đóng dấu mộc cầu chứng nghề nghiệp chính của cộng đồng Việt Nam vào nó. Người bản xứ dù đôi khi khó chịu cô thợ nhỏ nhắn, không chịu nói chuyện với mình, lại quay sang nói chuyện với cô thợ bên cạnh, bằng tiếng mẹ đẻ líu lo như chim mà rồi khi xong việc, ngắm những ngón tay, ngón chân xinh xắn lại làm hẹn trở lại, lâu ngày chày tháng hiểu nhau hơn, thương cô thợ như bè bạn trong gia đình.

Tôi khâm phục sức sống đa dạng của dân tôi, khởi nghiệp từ con số 0 đến sáu con số 0 nằm sau một con số khác, từ một tiệm thành hai tiệm, từ thợ lên làm chủ, mời gọi chỉ cách cho bạn bè, đi học lấy bằng để ra mở tiệm giống mình. Mở đài truyền hình Việt Nam, tôi nghe các luật sư nói rất nhiều về luật lệ, nhất là khuyến khích các bà các cô làm ngành trang điểm móng tay, nên gia nhập vào nghiệp đoàn để che chở lẫn cho nhau.
Lần đầu tiên trong đời, mười móng tay của tôi được đắp bột điểm trang, sau ba ngày rồi tôi vẫn còn lúng túng chưa quen với những móng tay điệu đàng này. Đúng với câu "Thợ rèn không có dao ăn trầu", móng tay của các cô thợ không được điểm trang, vì nếu sơn cho đẹp, dán móng cho dài thì bị vướng víu, làm sao phục vụ cho khách được!
Nghề trang điểm móng tay móng chân tại Việt Nam, chỉ cần khéo tay, sắm dụng cụ cắt móng là sẵn sàng làm thợ, ở nơi này làm thợ cũng phải đi học lấy bằng. Tôi ước mong sao, các tiệm chăm sóc móng tay, móng chân này, được trang cụ đầy đủ khẩu trang cho thợ, để họ không hít bụi acrylic vào phổi, có máy hút bụi acrylic đặt ở từng bàn, nhất là thoáng đủ để chất acetone tan loãng không gây ô nhiễm trong môi trường làm việc theo đúng yêu cầu và luật lệ được đặt ra, nhằm bảo vệ sức khoẻ cho nhân viên làm việc.
ngodong
#571 Posted : Friday, January 29, 2010 5:28:22 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)


Con Cọp Cái

Nếu là con cọp lớn thì đã hơn bảy mươi hai - sáu mươi, con cọp xồn xồn hơn bốn tám, con cọp thành niên đã hơn ba sáu, cọp út bước vào tuổi hai mươi tư, người Á châu tính tuổi khi còn trong bụng mẹ nên ai cũng có thêm một tuổi khi chào đời.
Năm nay các bà mẹ trẻ lo lắng không biết có nên sanh con gái hay không ?

Đàn bà tuổi con cọp bị xem là “cao số” không hai lần đò cũng chít khăn tang đưa người tình về chân trời tím, nhẹ lắm thì lận đận long đong cùng tình phai - tình cũ - tình thừa - tình dây dưa, không đoạn kết đưa dâu có pháo hồng áo đỏ. Các cụ xưa hay dùng ngay năm sanh mà đặt tên cho con, thí dụ như anh Hợi, cô Mão, em Thân, chú Ngọ, nhiều cụ lấy độc trị độc đặt con gái tên Dần, để may ra cái xấu được áng bớt đi.
Ngẫm nghĩ về bà bác tên Dần, một thời sắc nước hương trời, xưa không được đi học, bị giam hãm bên guồng xa canh cửi, lấy chồng tá điền vì người môn đăng hộ đối sợ “cọp” không dám rước. Bác khéo léo tay hòm chìa khóa cũng ruộng cả ao sâu, chỉ khổ nỗi chồng say sưa chè chén, giao mọi sự vào tay vợ. Khi di cư vào Nam hai bàn tay trắng, lại ky cóp bán buôn dựng nhà lá, xây dần nên nhà gạch rồi đến nhà đúc, các con cần trốn chạy sau 1975, cũng từ chiếc ruột tượng bác rút vàng ra đóng cho con đi vượt biên. Sum họp với con bà vẫn chưa ngưng mạng Cọp, ngồi trong nhà gói bánh, làm giò ngay cả bán thức ăn nấu sẵn trong các hội chợ địa phương, dù một tiếng “ăng lê” bà không hề biết. Bác thích khoe tuổi cọp của bác hay sao ấy mà ai khen bác khéo là bác nói ngay: “Tuổi cọp nó thế đấy chị, cực từ ngày còn trẻ mãi đến nay vẫn chẳng yên thân.” Nghe thì như than, nhưng nhìn ánh mắt bác long lanh, nụ cười tươi như hoa là hiểu bác rất tự hào về tên Dần của mình. Hỏi bác có lận đận tình duyên gì không, bác bảo muốn lận đận thì lận đận, muốn không thì không, hỏi thêm tí nữa bác vừa kể vừa không ngưng tay gói chả giò: “Chị xem, ông nhà tôi đoảng, chỉ rượu với chè, chứ như người ta là đã xe ô tô, nhà ngói ngày còn ngoài Bắc. Tôi biết thân mình mang tiếng đàn bà tuổi Dần, nếu vin vào nó mà phụ chồng theo người khác thì còn ra cái thể thống gì, nên ngậm bồ hòn làm ngọt, nai lưng làm lụng cho chồng say trốn việc, đến khi ông ấy mãn phần, tôi cứ thế sống mà nuôi con. Ông ấy tống rượu vào cháy gan nát mật mất đi, họ hàng lại dè bỉu tại lấy tôi con mụ tuổi Dần, thế có ức không cơ chứ! Gái góa còn son lại có của, cũng không ít người ngấm nghé, nhưng tôi chẳng dại gì tái giá thiên hạ lại bảo nữ mạng dần.
Các chị bây giờ sung sướng, được thì hầu hạ cơm bưng nước rót, chẳng thì ra luật sư xé cái xoẹt tờ giấy hôn thú, chúng tôi ngày xưa vừa là con sen cho gia đình chồng, vừa cắn răng chịu đựng “một trà một rượu một đàn bà – ba cái lăng nhăng” của chồng, mở miệng than là các ông lại vin vào “nam vô tửu như kỳ vô phong” – “trai năm thê bảy thiếp” . Đấy là các ông còn trở về với vợ, có ông còn bài bạc bán cả vợ đợ cả con ấy chứ, hư thế mà mở miệng ra lại tố tụng: “lấy phải vợ dại, vợ đần!”
Nhưng miệng tiếng thiên hạ hơi nào mà để ý, tôi cứ sống hẳn hoi xem con dần nó ám vào tôi thế nào. Dào ơi, sống đến bây giờ mới thấy chả cứ con gì, làm đàn bà là ai cũng khổ, càng đẹp càng giỏi, càng ngoan càng khổ, nhẽ nào cứ ai khổ đều tuổi Dần hết cả à!

Đến bà cô tuổi Dần, học hành đến nơi đến chốn, tiếng tây nói như hát vì học trường dòng Domain de Marie, đã mặc áo tập ma soeur, khăn choàng đầu màu xanh dương, áo chùng dài màu trắng, về thăm nhà ở Sài-Gòn ai cũng khen cô đẹp như Đức Mẹ đồng trinh, vì đôi má đỏ làn da trắng ngần. Gần đến ngày khấn trọn đời, cô xin mẹ bề trên cho phép cởi áo về trần. Tên của cô không ngang nhiên dùng chữ Dần như bà bác, mà là Hoài bên cạnh chữ thị nhạt nhẽo. Cô Hoài về trần làm cả nhà luýnh quýnh, bao lâu yên trí trong nhà có một ma-soeur hiền dịu, đùng một cái phải tìm cách che dấu chuyện “ma quỷ cám dỗ con cọp cái bỏ tu”, đây là câu bà nội tôi hay gọi cô Hoài, nhất là khi cô tuyên bố đã gặp người có cùng một cách thờ phượng Chúa giống cô, mà không cần phải đi tu trong dòng kín. Người tu xuất thường ngơ ngác trường đời vì họ luôn thánh thiện, nhân ái nên dễ bị lợi dụng, cô Hoài sống tốt đẹp thế nào không ai nhớ, chỉ nhớ đến chuyện cô bỏ tu, nhất là cái năm Dần cô chào đời, cứ thế mà chép miệng thương hại cái tuổi dần phá đời cô chìm nổi. Chẳng ai hay, cô đã có lần dẫn tôi đi xem phim ngày hè, phim tên gì tôi quên mất, chỉ biết trong phim có mẹ bề trên, có tượng bà thánh Teressa, có một cô thật đẹp đang tập huấn để thành soeur thì một ngày đẹp trời đang hái nho táo thì phải, gặp một chàng thanh niên đi lạc trên chiếc xe jeep ghé lại hỏi thăm đường. Ma quỷ nào không biết mà hai ánh mắt nhìn nhau, mẹ bề trên cho phép cô chỉ đường chàng về thị trấn, sau đó là các màn lén đi chơi cùng chàng, tôi nhớ lúc cô để áo choàng lại trước tượng thánh trước khi lẻn đi, bà thánh hóa thành cô sinh hoạt trong tu viện, chẳng ai hay biết. Đến khi mẹ bề trên hay được, kết thúc hình như cô trả áo về trần. Phim này tôi xem cũng phải gần một phần hai thế kỷ, còn nhớ mang mang là rạp chiếu phim đen trắng, nằm trên đường Trương Minh Giảng, giữa nhà thờ Vườn Xoài và nhà thờ Ba Chuông ? Không biết chuyện phim này có là một nguyên nhân khiến lòng cô Hoài chao đảo tu hay không tu chăng?
Đến cô em họ năm nay bốn mươi tám, tên của cô là loài chim yến nhỏ xinh xinh, năm 75 lên mười ba tuổi, sau đó vài năm cô lấy chồng gấp vì muốn đi vượt biên, đi không được vì có bầu, người trên tàu sợ xúi quẩy đuổi lên bờ. Chồng đi mất làm mồi cho cá, cái tuổi dần lại bị lôi ra tố khổ. Mười bảy tuổi đầu góa chồng nuôi con, bà ngoại và mẹ cô kể chuyện với ai lúc ấy cũng chép miệng thở dài: “Cháu nó tuổi dần!” Bây giờ cô yên bề gia thất với một người quyền thế, giàu có, chồng cô không là người Việt Nam, chẳng cần biết cô tuổi con gì, chỉ biết cô thông minh xinh đẹp, làm việc đâu vào đấy, anh chưa hề có vợ đẹp trai như tài tử, chủ một hãng dầu khí, mang cả hai mẹ con của cô sang định cư trong ngôi lâu đài sang trọng, tôi ngóng nghe hoài xem có ai đổ thừa cho tuổi Dần của cô nữa không, chẳng thấy ai nói gì.

Đặc biệt nhất là con cọp cái trong gia đình tôi, con bé sinh ra vào năm Bính Dần, y như rằng có con gái tuổi dần thế nào cũng có lời ra tiếng vào, con bé còn đỏ hỏn đã bị các bà các cô tới thăm lắc đầu “con gái tuổi dần”. Ba với mẹ xót cả ruột, thời cuộc khó khăn, lại thêm chuyện đi đi ở ở, có thêm con là chuyện ra đi bế tắc trăm bề. Con vừa biết nói ba đã dậy con bập bẹ “con cọp cái” để trả lời thiên hạ cho đỡ tức, thế là khách đến nhà chưa kịp nói câu: Con gái tuổi dần, đã được cháu chỉ tay vào ngực giới thiệu: “Con là con cọp cái!”
“Con cọp cái” chưa nói sõi tiếng Việt đã được chính quyền tống sang Mỹ cho rảnh nợ, ai nói tuổi Dần khó khăn thì nói, rõ ràng “con cọp cái” mang đến điều may mắn cho cả nhà . Năm 1986 mọi sự chuyển mình dần không còn bị bóp nghẹt như những ngày đầu trù dập, ai có tiền tha hồ bung ra làm ăn riêng lẽ, quà từ Mỹ tuôn về, kẹo bánh thuốc men, quần áo.
Con bé cọp hiền lành ngoan ngoãn, thuở tiểu học im ru chẳng nói tiếng nào, lớn lên trung học cũng chẳng thiết chuyện trò với ai, hỏi tại sao cô trả lời: “Không quen với người lạ!” Học lực trung bình, không xuất sắc, chẳng màng hơn thua, lười chút đỉnh vì mê đọc sách, thích vẽ thích nhạc, thích chỉ để thích không đam mê. Thứ bảy vừa rồi từ miền đông nước Mỹ cô gởi hình về khoe tuyết đầy sân, nụ cười rạng rỡ trong buổi lễ white coat ceremony. Sợ con không nói viết được tiếng Việt, nay nói tiếng Việt nhẹ nhàng có âm hưởng đặc biệt sau khi về thăm quê hương ba tuần, vác ba lô cùng cô bạn ngoại quốc đi từ Nam ra Bắc, khoe má đã lên tận đỉnh Sapa, biết pha trò: “Chuyện má kể sai hết rồi, chỉ đúng thua một nửa!”

Vậy con gái tuổi Dần có sao không? Hẳn là không sao nhất là bây giờ tuổi gì thì tuổi, đàn bà đàn ông đều có nỗi khổ giống nhau, không ít hơn không nhiều hơn. Sung sướng cũng ngang nhau, đàn bà không bị gò bó ép uổng trong một khuôn khổ hạn hẹp “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” để bị xem thường khinh rẻ, đàn bà bây giờ không sinh vào năm cọp, cũng có thể giương móng rất bất ngờ nếu họ không được tôn trọng. Thời đại này chẳng bao lâu các ông có thể vin vào câu: “đàn ông tuổi dần” để kể lể cho nỗi đục trong đời mình, nếu chẳng may giữa đường tình gãy gánh.
Nói đến chữ tôn trọng, lại nhớ đến bao thiếu nữ son trẻ đang không tôn trọng chính họ, ngang nhiên leo lên lưng cọp, bán thanh xuân mua những phút cười vui. Tuổi dần lận đận là đây, chẳng phải Dần của Tí Sửu Dần Mẹo Thìn Tị Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi này đâu.
Tonka
#572 Posted : Saturday, January 30, 2010 9:20:07 AM(UTC)
Tonka

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,643
Points: 1,524

Thanks: 95 times
Was thanked: 201 time(s) in 189 post(s)
Tuổi dần không riêng cho nữ mới có vận số gian nan. Người Âu Mỹ không xem tuổi xem tiếc gì hết, cứ sanh đẻ cưới gả tự nhiên, nhưng nhìn vào cuộc đời của họ (tuổi Canh dần) thì thấy họ có rất nhiều trắc trở. Những cái khốn khó đó nghe nói là vì hai chữ "Canh" mà "Mậu" mà ra, chứ các tuổi dần khác thì chưa đến nỗi. Những người tuổi Mậu Tuất (49-50 tuổi) cũng lao đao lắm. Đúng hay sai, mình đâu có khả năng phán đoán, chỉ có thể nhìn vào những chuyện đã xảy ra mà đi đến một kết luận chung chung. Nhưng nếu biết cái possibility đó mà tránh đi được thì cứ tránh, tội gì đi kiếm con đường gập ghềnh mà đi, cũng chỉ phải chờ một hai năm chứ mấy, nào phải đây là cơ hội duy nhất để có con đâu. Sanh một đứa con ra thì cha mẹ nâng như nâng trứng, mong muốn cho nó được mọi điều sung sướng. Nếu như sau này nó có điều gì trắc trở thì nó cũng chắc đâu có biết mà trách cha mẹ sao sanh con vào năm đó, nhưng làm cha mẹ hẳn sẽ phải đau lòng khi thấy cuộc đời của con nổi trôi mà mình lại không thể làm gì được Wink

Năm tám mấy là năm con rồng. Thiên hạ đua nhau sanh con tuổi con rồng vì đó là một con đẹp đẽ cao sang trong 12 con giáp. Nhưng năm đó lại là Mậu Thìn. Mình cứ chờ xem cuộc đời của họ có "mậu" như những nhà tướng số nói hay không Eight Ball

Nếu nhìn theo khía cạnh luân hồi, thì có thể những sinh linh có nghiệp như vậy sẽ được sanh ra vào những năm đó để trả nợ. Cha mẹ có thể tránh không sanh con vào những năm đó nhưng những người có nghiệp như vậy sẽ được bánh xe luân hồi đẩy đưa để họ có thể trả nợ cách này hay cách khác.

ngodong
#573 Posted : Monday, February 15, 2010 10:43:21 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Tonka ơi, nhà chị có Canh Dần rồi - có Mậu Tuất - có Quý Mão - có nhâm Thìn - Bính Thân chị nhìn hết thì thấy cô Quý Mão khổ cô đơn, Nhâm Thìn đến giờ vẫn lận đận - chán quá dù ai cũng có của ăn để trong khi mấy tuổi bị xem là xấu canh mậu bính ấy thì lại.... vui ơi là vui.... nên chị tin vào Đức năng thắng số đó Tonka.

mậu là không có chi hết - canh thì cô độc - bính thì tù túng
Trong khi quí và nhâm là tốt


ngodong
#574 Posted : Friday, March 5, 2010 6:52:47 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Đổ Vỡ


Những đống gạch vụn, những khung kính vòm cửa, cả đoạn đường dúm dó nhưng tấm vải nhàu xe hơi dồn thành khối, cái chổng bốn bánh lên trời, cái nằm nghiêng đè lên cái khác, cơn địa chấn 8.8 xảy ra tại Chile tiếp theo Haiti. Con số người được trở về với Thượng Đế khác nhau thật rõ rệt, 200.000 đối với 600 (!) vì Chile đã xây dựng theo kiểu phòng chống động đất, cùng lúc người dân Chile biết cách ứng phó với nạn thiên tai này, ngồi xuống gầm bàn, tránh xa cửa kính v.v. . .
So sánh các tòa nhà sau cơn địa chấn, thì ở Chile sườn nhà cong oằn vì bằng thép, nên con người bị kẹt trong ấy dễ dàng được mang ra, không bị đè nghiến trong gạch như ở Haiti. Chưa kể cơn động đất Chile gánh chịu có sức tàn phá mạnh hơn 500 lần vì lòng đất rất cứng, không như bên Haiti lòng đất xốp nhẹ, lỏng như thau xương sa. Sống trong một quốc gia giàu có, sự an toàn cũng nhân lên bội phần.

Hình ảnh đổ vỡ kiểu động đất dễ so sánh biết bao, kiểu “broken government” rất khó so sánh xem tại sao nên nông nỗi, chỉ biết hai đảng nhất định không thỏa hiệp, cộng hòa xướng dân chủ bảo không và ngược lại. Qua vài cuộc thăm dò ý kiến của các báo, các phương tiện truyền thông thì hơn 80% dân chúng sống tại Mỹ đồng ý quả là chính phủ đang bị “đổ vỡ” trầm trọng, kiểu đổ vỡ giống như trong một gia đình giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái, sự đổ vỡ không kiểm soát được không so sánh được vì đâu và tại sao.

Sau khoảng thời gian đói khổ thế chiến thứ hai, hay sau những cuộc khủng hoảng hầu như không lối thoát, con người sống vui vẻ và gia đình bền vững hơn, dưới mái ấm vợ chồng chung lưng đấu cật xây dựng tương lai cho con cái, nên tỉ lệ đổ vỡ li dị rất thấp. Đến năm 1950, mọi việc đâu vào đó thì trong 1000 gia đình có 2.1 gia đình tan vỡ bỏ nhau. Con số tăng vọt bắt đầu từ năm 1970 khi phong trào “phụ nữ vùng lên” đòi bình đẳng, tăng dần lên có lúc cao nhất là 5.3 phần trăm. Những con số này theo các cuộc thống kê dân số trên toàn quốc Hoa Kỳ, cùng lúc so sánh con số giấy hôn thú được cấp và giấy hủy bỏ hôn ước từ tòa án. Dĩ nhiên những con số này không thể chính xác hoàn toàn, nhưng cũng có thể vin vào nó để ngẫm nghĩ về sự đổ vỡ mơ hồ không có hình thù rõ rệt.

Huey một anh chàng cao lớn đẹp trai, với đôi kính râm to trên mặt, lần đầu tôi gặp anh còn có vợ, lần thứ hai gặp cách lần đầu ba tháng hỏi thăm vợ con, anh trả lời “Không còn gì nữa hết!” Ngạc nhiên tôi hỏi: “Tại sao?” anh chỉ nhún vai. Câu chuyện của anh đơn giản lắm, bắt đầu từ một cái răng sâu, đàn ông ít ai thích ghé thăm bác sĩ nha sĩ, chỉ khi đau đớn thật sự mới phải ép mình đi khám, nhất là các ông mạnh mẽ như Huey, thích cỡi mô tô phóng như bay trên xa lộ. Sự chần chừ của anh đã đưa đến việc mất hẳn con mắt trái, vì chiếc răng bị nhiễm trùng lan lên mắt chỉ qua một đêm, sáng thức dậy mắt đau, đầu nhức vào phòng cấp cứu bác sĩ bắt buộc phải lấy tòan bộ vùng bị nhiễm trùng ra khỏi cơ thể, để cứu mạng sống của anh. Chỉ một thời gian ngắn thế thôi vợ anh đã hoàn tất thủ tục li dị để khỏi vướng bận với người chồng chỉ còn một mắt, lúc nào cũng phải đeo kính đen, dù trong tương lai anh sẽ được gắn mắt thủy tinh.
Là người ngoài cuộc ai cũng cảm thấy tội nghiệp cho anh, dù không nói ra, nhưng có thể người đàn bà trong cuộc hiểu rõ lý do tại sao phải làm như vậy, kết quả mất một mắt làm tràn ly nước chịu đựng của người vợ khi người chồng không chịu theo lời khuyên của vợ chăm sóc sức khỏe của chính anh? Lý do để tôi nghĩ như thế vì Sue là người làm hẹn cho Huey đến khám bệnh, anh bỏ hẹn hai lần, sau đó Sue lại là người gọi điện thoại xin lỗi và làm hẹn khác cho Huey. Nếu anh giữ đúng hẹn, nếu chiếc răng sâu được chữa đúng lúc đã không có chuyện để viết về sự tan vỡ này, họ đã sống với nhau rất vui, con trai đã lớn gia đình mỗi người có một chiếc xe mô tô để đi chơi, đi cắm trại cùng nhau cuối tuần, tiếc làm sao?

Trong các buổi lễ thành hôn, những lời hôn ước được trân trọng thề hứa luôn bên nhau khi thịnh vượng lúc nguy nan, khi mạnh khỏe lúc đau ốm, giữ gìn được câu thề hứa này rất khó, vì sau một thời gian dài chung sống cá tính con người ngày một tỏ rõ ra, nếu tình yêu không đủ mạnh để thay đổi phần nào cá tính riêng biệt thì sự chung sống không còn ý nghĩa gì nữa hết.
Ngay lúc này, kinh tế khó khăn, nhiều mái ấm bị chấn động ngầm như đang sống trên một đường địa chấn, có thể bị động bất cứ lúc nào, sự tàn phá nhiều hay ít tùy thuộc vào sự chuẩn bị từ trước, nền móng căn bản từ sự tôn trọng tin tưởng hợp tác và nhất là chia sẻ tha thứ cùng nhau buồn vui. Nói hay viết rất dễ làm rất khó, người ta hay ví von những điều khó chịu giữa vợ và chồng nếu không được giải quyết ngay sau một đêm, chất chứa nhiều quá sẽ thành hỏa diệm sơn, khi nó bùng nổ thì chẳng còn gì có thể cứu vãn được.

Lý do tại sao trong gia đình có vẻ lủng củng, vợ chồng hay cãi nhau qua lại mà lại hay, khó chịu hiểu lầm là nói ngay tìm ra lý do ngay, hơn là “ghim trong bụng” đến một ngày xấu trời mưa gió tơi bời, cái bụng chịu hết nổi ký tên vào tờ đơn li dị, đồng thời dấm dẳng nói với người phối ngẫu: “Liên lạc với luật sư của tôi!”

Đừng nghĩ đã sống với nhau hơn nửa cuộc đời, thì cuộc hôn nhân đủ bền vững không sợ đổ vỡ chia lìa mà lầm, con số niêm yết tan vỡ tỉ lệ thuận với thời gian chung sống: năm đầu của hôn nhân hầu như chưa ai nghĩ đến việc bỏ nhau vì còn trong năm trăng mật. Sau năm năm tăng lên 10% - thêm 10% nữa cho năm năm kế tiếp nghĩa là sống với nhau mười năm rồi thì tỉ lệ li dị tăng lên 20% . Chưa ngưng lại ở đây con số tăng lên 30% khi đã sống với nhau mười tám năm, có lẽ các con lớn vào đại học rồi thấy đời mình bước vào tuổi rong rêu chăng?
Và 40% đôi vợ chồng đã chung đường chịu đựng nhau nửa thế kỷ, đòi lại quyền tự do cho mình, có lẽ họ thèm được hưởng thú cô đơn đau ốm một mình, chết một mình hơn là chết chung với người mình đã yêu thuở xuân xanh. Biết đâu hơn hai phần ba các bà đòi li dị vì không muốn chồng thấy mình xấu xí tóc bạc da mồi, như bà hoàng hậu ngày xưa cấm vua không được vào thăm khi bà bị đau.

Các con số tỉ lệ ở trên tính theo đơn vị 1000, nên cũng không có gì là lo lắng lắm, đôi khi viết xuống cũng là để cảnh cáo chính mình. Home Depot và Lows có bán mọi thiết bị phòng chống động đất, không biết tìm ở đâu tấm chắn che chở chuyện li dị nhiễu nhương thì này.
xv05
#575 Posted : Friday, March 5, 2010 3:27:18 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
quote:
Gởi bởi ngodong

nên chị tin vào Đức năng thắng số...

Em cũng nghĩ như chị N Đ vậy.
Tuổi gì thì cũng là do đầu tiên người bịa ra rồi áp đặt lên con người mà thôi. Nếu năm đó người ta khg đặt là năm con cọp mà là con trâu hay con rồng thì có gì khác đâu phải hôn nè.
PC
#576 Posted : Saturday, March 6, 2010 5:57:40 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Chị thấy xv đâu có đồng ý với chị ngodong đâu. Chị ngodong bảo là đức năng thắng số, nghĩa là chị ngodong tin là có cái gọi là số mạng. Còn xv bảo là cái gọi là số mạng là do người đầu tiên nào đó bịa ra rồi áp đặt lên. Nghĩa là xv đâu có tin vào cái gọi là số mạng. Tongue

ngodong
#577 Posted : Saturday, March 6, 2010 6:11:20 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Chị PC ơi à, XV nghĩ cũng giống em đó !
PC
#578 Posted : Saturday, March 6, 2010 6:22:49 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Như vậy thì chị đâu tin có số mạng. Nếu không tin thì sao lại còn bảo là đức năng thắng số? Chỉ khi nào tin có số mạng rồi thì mới đi tới giai đoạn kế tiếp là tuy có số mạng nhưng mà cái đức của mình có thể thắng được số mạng.
ngodong
#579 Posted : Saturday, March 6, 2010 7:02:19 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
quote:
Gởi bởi PC

Như vậy thì chị đâu tin có số mạng. Nếu không tin thì sao lại còn bảo là đức năng thắng số? Chỉ khi nào tin có số mạng rồi thì mới đi tới giai đoạn kế tiếp là tuy có số mạng nhưng mà cái đức của mình có thể thắng được số mạng.


Dạ tại em ham nói chữ đó mà - không nói câu đó mình nói câu gì chị há?
xv05
#580 Posted : Saturday, March 6, 2010 5:13:09 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
Số mạng thì em tin (tương đối), cái nghiệp là do mình tạo ra, tạo nghiệp thì phải trả.... nhưng không thể nào tin mấy con Tí Sửu Dần gì gì được. Em cũng không tin tuổi này hợp hay khắc với tuổi kia vì cái tuổi Tí Sửu Dần gì đó là người ta bịa ra và áp đặt lên con người mà thôi, hợp hay khắc là do nhiều yếu tố cộng lại...Wink
Users browsing this topic
Guest (86)
47 Pages«<2728293031>»
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.