Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 3,437 Points: 1,167 Thanks: 85 times Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
|
Joeh - James
Thế là cây bơ biến mất khỏi khung cửa sổ, bao lâu nay nó đứng làm lộng che cho các cô lan trốn nắng bên trong. Cứ nghĩ phải tốn vài trăm để đốn bỏ nó đi, mà Joeh, người làm vườn của Larry chỉ lấy 170 đồng. Đốn một cái cây cao gần mười thước đâu phải dễ, Joeh cao lớn vạm vỡ, đầu tiên anh cắt từng cành to, để lại nhánh vừa đủ làm thành bậc thang cho anh leo lên chót vót gần ngọn cây.
Anh có hai sợi thừng chắc chắn, một cột cái cưa máy, một cột vào cành nào anh muốn cắt. Cắt đến đâu anh hạ dây từ từ xuống, cho cậu con trai đón lấy, xếp thành đống gọn ghẽ. Sau khi ngọn cây đã hạ xuống an toàn, không rớt vào mái nhà, không va vào cửa kính, anh leo xuống từ từ, xuống đến đâu anh cắt thân cây đến đấy, một tay đỡ, một tay cắt, anh làm gọn gàng nhẹ nhàng. Tôi thử nhấc một khúc nhỏ nhất, nhẹ nhất bằng hai tay mà không sao nhấc lên nổi, thế mới biết Joeh khỏe thật, chỉ mất chưa đến một tiếng mà cái cây đã hơn hai năm, tôi muốn nó biến mất đi nó vẫn nằm đó. Lý do chính không phải tại tôi, mà tại ông chủ của nó James, người hàng xóm của tôi, nay James đã là ex – hàng xóm, tôi mới có thể nhờ Joeh giúp một tay.
Quyết định đốn đi một cái cây to cao, đầy bóng mát không phải dễ, nhất là cái cây ấy là kỷ niệm của tôi và Pat, mẹ của James. Khi tôi dọn vào ở sát cạnh nhà, Pat e dè biết bao, khi thấy mái tóc màu đen huyền của tôi, mất vài tháng bà mới bắt đầu thoải mái nói chuyện khi thấy tôi loay hoay cùng sân trước, sân sau đầy cỏ dại, trong khi bà nhẹ nhàng cắt hoa úa lá vàng. Khi ấy cây bơ bà trồng ốm tong teo, cao chưa bằng cái hàng rào ngăn đôi giữa hai nhà, bà than thở không hiểu sao đã hơn ba tuổi, mà cây không chịu lớn. Sau bốn năm tôi làm láng giềng gần, Pat vui lắm vì sân trước nhà tôi đầy hoa, tương xứng với sân trước nhà bà gọn gàng cỏ xanh mơn mởn, cùng lúc cây bơ phởn phơ vụt cao gần bằng mái nhà, rồi đơm bông rồi cho trái. Pat nói có lẽ tại tôi trồng hoa bón phân, tưới nước ngay bên kia hàng rào mà cây bơ được hưởng nhờ ơn mưa móc. Vui chưa được bao lâu, tôi thấy vắng Pat vài ngày, rồi cậu con trai đến ở chung với Pat, trước đó bà sống một mình cùng con chó thật to làm bạn. Tôi ít thấy Pat ra làm vườn, hỏi thăm mới biết Pat bị ung thư phổi, chỉ hai tháng sau đó Pat mất.
James trở thành hàng xóm của tôi, cây bơ ngày một lớn, trái ngày một nhiều, nó là niềm vui cho các buổi họp bạn bên nhà tôi, con cháu của bạn tôi tha hồ leo lên nóc nhà hái trái. Pat đã trồng cây này sai vị thế, có lẽ bà không nghĩ đến khi trưởng thành cái cây sẽ to đến thế nào, nên trồng cách tường nhà bà chưa đến một thước, cách hàng rào chỉ có hai gang tay. Bao nhiêu nhánh lớn tha hồ vươn sang sân trước nhà tôi, sau mười năm nó thoải mái vươn hẳn sang mái, lá đổ hoa rụng, trái ngày một cao không sao hái tới, James lười biếng không cắt ngọn cắt cành, rễ làm bung cả một mảng sân xi-măng, hàng rào bị di chuyển, cột cũng bị bứng lên. Khi tôi nhắc, James lại cắt vài nhánh, cứ thế bao nhiêu năm, cây ngày càng cao, đụng cả lên dây điện. Nay James bỏ nhà vì không có tiền trả cho nhà băng! Tôi mới hạ nó xuống được, trước đây tôi cũng muốn mướn người, mà James không muốn tốn tiền nên lần lữa. Tôi đề nghị trả hết phí tổn, James lại mắc cở không muốn, dĩ nhiên anh ta cũng có tự ái, không lẽ mắc nợ bà hàng xóm Á-châu.
Đọc báo, biết chuyện nhiều gia đình bỏ nhà vì không đủ tiền trả tiền nhà hàng tháng, sau khi chồng hay vợ bị thất nghiệp, tôi không để ý gì cả, nay chính căn nhà bên cạnh bị bỏ hoang, cỏ mọc cao hơn đầu gối, nhìn buồn thật buồn. Vì hoàn cảnh túng bấn phải mất nhà đã buồn, đằng này căn nhà thừa hưởng di sản bị mất còn buồn hơn biết bao! Tôi biết Pat đã trả hết nợ nhà, bà mua nhà khi giá nhà chỉ có 30.000 đồng, trị giá bây giờ hơn gấp mười lần, mà con số nợ nhà băng của James lên gần 400.000 Mỹ-kim.
Cái cây bị trồng sai chỗ, làm tôi suy nghĩ mãi. Lợi ích của cái cây bơ phải hơn mười năm mới thấy, nào là trái nào là bóng mát, chỉ vì người trồng đặt cây vào vị trí sai mà thành vô dụng phải đốn đi, trái ngon không sao bù lại được cái hại phá sân nhà, tường nhà.
Nếu Pat là người Việt Nam, James là người Việt Nam, căn nhà chắc hẳn vẫn còn, khu vườn ắt hẳn vẫn còn gọn gàng đẹp đẽ như ngày Pat còn sống, còn chăm sóc cho nó. Từ ngày căn nhà vào tay James, nó tiều tụy dần đi, thảm cỏ vàng vọt, hoa chết dần mòn.
Mười năm cho một đời cây, một đời người khởi tính từ đâu? Tôi nhớ thập niên sáu mươi, chương trình công dân giáo dục, rèn luyện nhân cách, tâm hồn cao thượng, lý tưởng thanh niên, tất cả nung đúc cho con người một nhân cách trong sáng, một tinh thần lành mạnh, hành trang tuổi trẻ có bao ước mơ không cho cá nhân mình, mà là ước mơ cho mọi người chung quanh, cho xã hội chung quanh. James hơn ba mươi tuổi, độ tuổi xung mãn nhất để xây dựng tương lai, không hiểu tại sao anh lại để cảnh mất nhà xảy ra, tôi biết anh ghé nhà lấy thơ vào lúc khuya lắm, không muốn gặp hàng xóm, để tránh cái nhìn dò hỏi. Trước khi bỏ đi, James có hỏi nếu tôi biết ai muốn mua nhà, anh sẽ bán. Giá anh đưa ra có lẽ chỉ bằng số nợ anh mang với nhà băng. Nhưng tình hình nhà cửa không còn như cách đây hai năm, nở phồng hơn bánh tiêu trong chảo dầu nóng, nhờ khoảng thời gian “giá nhà bong bóng” ấy, mà James tha hồ lấy tiền thế chấp căn nhà ra tiêu xài thỏa thích, từ chiếc tàu đồ sộ để anh đi câu cuối tuần, đến sáu năm dài thoải mái nằm nhà, không cần tìm việc làm, sau đợt thải người của Intel.
Không thể nào nói anh gặp khó khăn vì ngôn ngữ vì màu da, như những người Việt Nam tị nạn, mà chỉ có thể nói đến sự e ngại làm việc là nguyên nhân. Đang đi làm lương cao, tìm việc mới lương thấp hơn cũng là lý do để từ chối, xã hội thừa mứa, con người quen với đời sống thoải mái dễ dãi từ bé, làm sao có đủ bản lãnh để chịu khó cần cù!
Bây giờ không phải quét lá mỗi sáng, mỗi trưa, mỗi chiều, vạt sân đầy nắng, mấy chậu lan không còn bóng râm lá trổ vàng, tôi thấy nhớ. Từ cây bơ tôi so sánh Joeh với James, hai chữ có hai mẫu tự đầu giống nhau, phần còn lại là oeh cố gắng làm việc để sống, dù công việc có nặng nhọc, phần ames được bao ưu đãi, có nhà, có học, thế mà như cái cây bị trồng sai chỗ, đáng tiếc biết bao.
|