Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 3,437 Points: 1,167 Thanks: 85 times Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
|
Riêu – Ốc
Sau khi cưới, nghe câu anh nói: “Anh về mẹ ăn cơm!” khiến nhiều cô vợ trẻ thắc mắc, không lẽ mình làm cơm không ngon, không vừa miệng chồng? Theo về nhà mẹ chồng, bữa cơm cũng bình thường như mình nấu, tô canh – đĩa kho – đĩa xào có khác gì lắm đâu, khác chăng là đơn giản hơn, không màu mè hoa lá như của mình. Còn trẻ, háo thắng nên cô dâu mới luôn nghĩ mình làm gì cũng đúng, bữa cơm bày biện như bữa cỗ, chăm chú tỉa hoa, bày lá, thịt phải nằm song đôi, gà phải ngậm hoa ớt, vịt phải ngậm hoa hành, tô canh phải đủ màu sắc xanh đỏ tía, chăm chút phần hình thức quá, mà thành hương thiếu vị thừa, khiến chồng nhớ món ăn của mẹ. Vào phụ bếp với mẹ chồng, biết ra chàng về nhà tìm hương mắm tôm, vị riêu cua - ốc. Đọc các ông nhà văn viết về nỗi nhớ bát canh riêu ngày mưa, nỗi thèm thuồng cắn lại trái cà muối xổi, luôn viết chung với “mẹ tôi” . Món ăn không cầu kỳ này có mãnh lực gì mà làm các ông “mê tít thò lò” như thế? Tìm chưa ra câu trả lời thì bây giờ, hỏi con gái, con trai, đi xa trở về nhà: “muốn ăn gì để mẹ nấu” cô cậu trả lời: “Bún riêu!” Món ăn của bao nhiêu dân tộc khác nhau trên đất Mỹ, các con đều đã ăn thử, nào là Ý – Pháp – Mễ – Ấn – Tàu – Đại Hàn Trung Đông, về đến nhà chỉ mong có tô bún riêu sang hơn nữa thì đòi thêm ốc. Bún riêu tha hương không thể nào là bún riêu ngày cũ, cũng cà chua cũng riêu nổi, cũng mắm tôm nhưng không một con cáy nào bị hóa kiếp. Buổi sáng tinh sương đi chợ, cách nay hơn một phần ba thế kỷ để mua mọi thứ nấu nồi bún riêu, cho buổi ăn trưa là câu chuyện kể bây giờ cho con nghe. Người bán mang từ quê lên hai bao tải cáy, (loại cua nhỏ bằng hai ngón tay, sống dưới ruộng còn gọi là cua đồng) rồi đong lon để bán, người mua phải mang theo rổ hay thau hay cái gì đó để đựng, vì người bán không có bao bịch gì để đựng cả , nên mua xong gởi rổ nhờ lại đó, chạy vội đi mua cà chua, mua bún rối, mua rau. Rau là nói chung cho vài nhánh hành hoa, bó rau muống, rau kinh giới tía tô, rau diếp. Hàng bán bún chỉ có tuyền bún, hàng rau muống chỉ bán một loại rau muống, rau thơm thì bán cùng với cà chua, me khế, hành lá chanh ớt, gừng giềng nghệ. Đám cua đồng màu đen tím than còn sống ngo ngoeo, không biết cách lột mai chúng kẹp vào ngón tay đau lắm. Cua luôn bò ngang, nên muốn leo lên khỏi rổ cũng khó, chưa kể chú chàng nào mạnh đang cố sức leo lên lại bị các chú còn dưới đáy kéo xuống. Bóc hết rổ cua đồng xong, xốc muối rửa sạch chờ cho ráo nươc. Lúc này là lúc dùng đầu tăm, lể gạch từ mai cua vào bát, những ổ gạch bé tí, to lắm bằng được đầu ngón tay út. Vắt vài giọt chanh vào chén gạch khử tanhquay sang giã cua là vừa. Những con cua bé tí đã bị bóc mất mai, ráo hết nước, thế mà cho vào cối giã, mấy cái càng đôi khi còn mấp máy quơ quào. Giã thật nát xong, cho nước vào khuấy kỹ lọc qua vải mùng để chắt lấy thịt cua, bỏ vỏ. Lúc này nước cua trở thành màu nâu tím, bắc lên bếp lửa nhỏ mặc kệ nó đấy, đi rửa rau cắt cà, quay lại riêu nổi thành bánh trên mặt nồi thật đẹp, cùng lúc mùi riêu thơm bay đầy trong khung bếp. Khẽ khàng đẩy gạch sang một góc, thả cà chua, nêm mắm muối, chén gạch hồi nãy cho vào chảo hành phi vàng, đổ lên mặt nồi riêu. Rau muống chẻ, rau thơm ăn ghém, tô bún riêu đơn giản ngọt ngào, cũng nấu riêu như thế, cho rau mồng tơi rau đay vào thành tô canh không gì ngon hơn, nhất là có chén cà ghém bên cạnh. Bây giờ tại quê nhà, muốn ăn cua đồng, ra chợ người ta làm sẵn, xay sẵn chỉ mua về lọc và nấu, thời buổi công nghệ ai còn phí thì giờ cho món ăn tẩn mẩn ấy nữa?
Riêu tha hương vì cua đồng không có, nên dùng con ghẹ xanh, thịt ghẹ cũng ngon, nhưng vỏ ghẹ cứng quá, đôi khi cắn phải ê cả răng. Không dùng ghẹ thì cho tôm khô thế vào, ngâm tôm mềm cho vào máy xay sinh tố trộn cùng trứng và gạch cua đóng hộp của Thái Lan, cũng thành nồi riêu sóng sánh, vị chua của cà góp phần ngon cho tô bún không ít, vào nhà hàng người ta cho thêm đậu rán, huyết luộc, ngay cả giò heo cũng có trong tô bún nếu muốn, các con ăn bún riêu tha hương kiểu này cũng cùng một tâm trạng với các ông thòm thèm món ăn của mẹ kể trên, dù mẹ không nấu ngon nhưng hương vị món ăn trong bữa cơm gia đình là cốt lõi để thèm thuồng nhung nhớ.
Nghe quảng cáo, đọc trong thực đơn có món riêu ốc, chẳng nhớ ngày ở nhà mình có nấu hay ăn riêu ốc bao giờ chưa? Hình như chưa, chỉ có hàng bún ốc riêng, hàng bún riêu riêng, hai bà bán hai gánh khác nhau, dù nước dùng cũng cùng màu đỏ của cà, dù rau ăn ghém cũng na ná như thế, nhưng vị cay chua của bún ốc, bún riêu không thể nào bì được. Bên cạnh tô bún riêu là chén mắm tôm, bên cạnh tô bún ốc là chén nhỏ ớt hầm. Trong chợ Vườn Chuối trước 1972 có hàng bún ốc ngon lắm, bà bán đeo chuỗi ngọc sang ơi là sang. Ông ngoại tôi từ Gia Định ghé thăm, vừa ngồi xuống ghế ông đã sai tôi đi mua bún ốc về cho ông dùng. Nồi nước bún ốc vị ngọt từ xương heo, vị chua từ dấm bổng, màu cho đẹp từ cà chua, phần ốc chẳng có gì để nói ngoài cái sừn sựt của thịt ốc đã được ngâm trong sữa cho nhả hết nhớt bợn. Bà bán hàng xếp bún vào tô, lể ốc đã luộc với lá chanh lá sả lá bưởi ra khỏi vỏ bằng cái dụng cụ bằng sắt hình chữ tê, giống như dụng cụ mở rượu, những con ốc bưu, ốc nhồi vàng ửng có sọc đen, ông ngoại tôi hay bảo mùa thu ăn ốc ngon nhất, vì chúng nó mập đẫy đà, mùa hè nóng, ốc ốm nhom nheo. Ông còn gọi ốc là con “thanh tịnh” vì chúng nhởn nhơ ăn rêu dưới lá sen, ăn rạ lúa, vùi thân trong bùn mát thu mình trong vỏ chẳng màng chuyện thế gian. Từ tô bún ốc rất riêng như thế, bây giờ ốc ăn nhờ ở đậu trong tô riêu, có lẽ vì không còn ốc tươi luộc vừa chín tới như xưa, mà chỉ là ốc luộc có khi cả năm về trước cất trong tủ đá, “thanh tịnh” đông lạnh thì còn gì là thanh là tịnh ốc ơi.
Niềm vui bún riêu ốc, là hoài niệm con cáy con bưu, bên tô bún tân thời lộng lẫy, rôm rả hai ngôn ngữ Việt – Mỹ pha trộn vào nhau, vị mắm tôm chiến thắng vị bơ sữa béo, nếu không các con đã không vòi mẹ cho ăn bún riêu ốc phải không nào?
Đến bây giờ, vẫn chưa tìm ra câu trả lời “tại sao các ông mê mắm tôm riêu ốc.”
|