Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 3,437 Points: 1,167 Thanks: 85 times Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
|
Ngọt Ngào
Ngọt như mía lau, ngọt như đường cát, ngọt như cây kẹo kéo thuở còn thơ ấu. Cây kẹo kéo có màu hồng, màu xanh, hay chỉ đơn sơ màu trắng. Ngọt mật chết ruồi, ngọt kẹo kéo chẳng chết ai chỉ làm đôi mắt trẻ thơ lung linh ánh nắng. Từ bao lâu rồi tôi không còn thấy xe bán kẹo kéo, từ bao lâu rồi chiếc xe đạp có chở theo chiếc thùng đóng bằng gỗ đã đi vào quên lãng, và từ bao lâu rồi tuổi thơ tôi đóng băng, cho đến sáng nay, ngụm cà phê pha vội đánh thức đầu lưỡi lười biếng choàng tỉnh, nhớ vị ngọt thanh tao của đường và lạc rang trong chiếc kẹo kéo nhỏ bằng ngón tay, dài bằng gang tay. Tuổi thơ là hành trang cho tôi bước tung tăng vào đời, có thể nhiều người không thích mớ hành trang ngây dại ấy, tôi thì thích ôm đồm, khuân vác, nên tôi giữ tất cả vào một góc tâm tư riêng rẽ, lâu lâu chui vào tìm kiếm hình ảnh ngày thơ. Tôi cất dấu đâu đó mớ hành trang cồng kềnh, linh tinh lang tang thơ dại, chỉ chờ có người nhắc đến là tự khắc nó nở bung ra, như trái nổ thả vào trong nước, như đóa hoa ny lông một lần tôi được cho, cái thời đồ chơi là một gia tài quí giá, quý hơn viên kim cương to nhất thế giới, quý hơn món quà người yêu đầu đem tặng đêm ba mươi Tết, quý hơn chiếc nhẫn cưới thề hứa nhẫn nhịn. Sáng nay trong mớ hành trang ấy, chiếc xe bán kẹo kéo lừng lững đi ra từ góc hồn tôi, tiếng leng keng của chiếc chuông đồng đục, không giống tiếng chuông thanh lạnh của chiếc xe bán cà rem. Ông hàng bán kẹo kéo có cái mũ nồi, hình ảnh chiếc mũ ấy có lẽ tôi không tả sao cho đúng, nếu của người giàu có sang trọng, người ta phải dùng si trắng chải cho cái mũ trắng thêm lên, còn của ông hàng kẹo kéo thì chiếc mũ có màu vàng của tấm ảnh đen trắng cũ, đã phai màu. Ông luôn mặc chiếc áo sơ mi màu sáng, không bỏ áo vào quần như các ông công chức sáng cắp ô đi chiều cắp về. Buổi sáng, ông đến dựng chiếc xe dưới gốc cây to, gần cổng trường tôi đi học thêm, lúc ấy còn mùa hè, tôi phải đến ở với bà nội vì mẹ tôi có thêm em bé. Ngôi trường ấy bên trong nhà thờ Tân Sa Châu, cái cây ấy hình như là cây đa, nó có trái vàng nho nhỏ. Ký ức của tôi bây giờ, có màn sương mù che phủ huyễn hoặc, mơ mơ hồ hồ, chỉ hình ảnh của ông bán kẹo kéo là nổi rõ hẳn lên, từ cách ông dựng chiếc xe đạp, đến cách ông kéo kẹo. Mọi thứ đồ lề ông mang theo làm kẹo, được cất trong cái thùng gỗ, đóng khéo léo đặt trên cái yên xe đằng sau lưng ông. Nên chiếc xe của ông phải có cái chống to bảng để chịu được sức nặng ấy . Sau lễ sớm, tôi đi thẳng sang trường học và đến ngồi xổm, chống hai tay vào má nhìn ông làm việc. Dưới gốc cây đa to, ông có một cái khoen để treo cái móc sắt to và dài khoảng hai gang tay. Ông nhẹ nhàng mở cánh cửa bên hông của cái thùng, lấy cái bếp lò ra quạt than ngay, sau đó ông mới mở cái nắp trên mặt thùng và trải miếng vải màu ngà vuông vắn lên nó. Ông sẽ sàng đặt chiếc chảo nhôm bóng loáng bên trong, phần bên ngoài phủ lớp lọ đen dầy lên bếp, cùng lúc ông mở hộp đường cát trắng đổ vào chảo, với chút xíu nước, đôi đũa ông dùng khuấy đường cũng lạ mắt, nó được vót bằng tre cật, lên nước bóng màu nâu, ông chậm rãi khuấy cho đến khi bọt xủi tăm trong chảo đường, khi này mùi đường thơm ngọt ngào cả khoảnh sân rộng, bên cạnh tôi từ lúc nào có thêm vài đứa ngồi xổm mê man nhìn và ngửi mùi đường, chờ kẹo kéo. Ngồi nhìn ông làm kẹo là cái lệ mỗi sáng của tôi, thay vì chạy đi chơi nhảy dây hay đuổi bắt, tôi quen với ông vì thế, nên ông chỉ cho tôi xem giọt đường lắng nằm tròn xinh dưới đáy bát nước, như hạt ngọc không bị tan đi, ông bảo: “Đường tới thì rồi này cháu.” Khi này là lúc ông gắp than ra ngoài, hạ nhiệt độ và để hết tâm hồn của ông vào việc làm kẹo, sau khi ông nhanh nhẹn vắt vài giọt chanh vào chảo. Hai chiếc đũa đùa trong chảo đường đã thành chất dẻo, càng lúc càng nặng trên hai cánh tay ông, cho đến khi ông dùng đũa nhấc được hết cả khối đường dẻo ấy lên, ông đeo chiếc bao tay cũng may bằng vải, và bằng động tác nhanh như kéo lưới, ông vắt tảng đường lên móc, kéo dài nó ra, lại vắt lên móc, lại kéo dài ra, cứ thế cho đến khi đường cứng lại, ông dùng kéo cắt từng đọan dài hơn một tấc, xếp lên vuông vải ông đã trải ra từ trước. Tôi không nhớ một khúc kẹo ấy là bao nhiêu tiền, có thể vài xu là cùng. Kẹo có lạc rang bên trong, cũng làm như thế, nhưng ông khuấy thêm bột vào, đường sẽ thành một khối kẹo dẻo, ông đổ kẹo này lên mặt vải có rắc bột, rồi ông cho lạc (đậy phọng) vào giừa, cuộn tròn gói kín lại, chỉ mở vừa đủ cho ông kéo dài kẹo ra, cắt thành tiếng “cụp” gói vào miếng giấy mỏng đưa cho người mua thường là các cô các cậu học trò, khi cười khoe ra mấy cái răng cửa bị sâu siết dễ thương. Tôi ăn sáng bằng kẹo kéo, hôm thì kẹo hồng, hôm thì kẹo có lạc rang, khi thì kẹo trắng, học mùa hè chơi nhiều hơn học, nhiều hôm mải xem ông làm kẹo, tôi không nghe tiếng kẻng vào học, ông phải nhắc. Khi tôi tan học, ông không còn nơi gốc cây đa nữa, có lẽ khi ấy ông đạp xe đi bán dạo, cùng tiếng chuông đục leng kenh của ông. Có đôi lần ông đi ngang nhà tôi, thế nào tôi cũng chạy ùa ra cửa kêu to: “ Ông kẹo kéo, ông kẹo kéo ơi” thế là ông ghé vào ngay cửa, bà nội tôi lại = bảo: “Ông xem cháu nó ăn kẹo của ông đến sún hết cả răng!” Nói thế rồi bà cũng kéo chiếc áo cánh lên, lấy tiền trong ‘áo túi’ ra mua cho tôi cây kẹo. Trí óc non nớt của tôi khi ấy, chẳng tính toán ông bán kẹo như thế có đủ nuôi gia đình không, nhưng sự hiểu biết của tôi bây giờ thì biết ông phải có kinh nghiệm nhiều lắm mới có thể, tính toán làm sao cho đường nóng chảy vừa đủ, để kéo thành kẹo, phải pha bột như thế nào cho đường không đóng cứng, phải chờ đến khi ông kéo dài ra cả tấc, đường mới cứng lại thành kẹo. Một điều ông không thể biết là tôi, con bé tóc bum-bê ngồi xem ông làm kẹo thời ấy vẫn nhớ như in đến bây giờ hình ảnh kéo kẹo của ông. Tuổi thơ may mắn của tôi đẫm ngọt ngào kẹo kéo, đẫm yêu thương gia đình, nên đường đời đôi lúc gặp đắng cay, vị đường thơ ấu đủ pha vào cho tôi uống mà không bị nhăn mặt.Ngọt như mía lau, ngọt như đường cát, ngọt như cây kẹo kéo thuở còn thơ ấu. Cây kẹo kéo có màu hồng, màu xanh, hay chỉ đơn sơ màu trắng. Ngọt mật chết ruồi, ngọt kẹo kéo chẳng chết ai chỉ làm đôi mắt trẻ thơ lung linh ánh nắng. Từ bao lâu rồi tôi không còn thấy xe bán kẹo kéo, từ bao lâu rồi chiếc xe đạp có chở theo chiếc thùng đóng bằng gỗ đã đi vào quên lãng, và từ bao lâu rồi tuổi thơ tôi đóng băng, cho đến sáng nay, ngụm cà phê pha vội đánh thức đầu lưỡi lười biếng choàng tỉnh, nhớ vị ngọt thanh tao của đường và lạc rang trong chiếc kẹo kéo nhỏ bằng ngón tay, dài bằng gang tay. Tuổi thơ là hành trang cho tôi bước tung tăng vào đời, có thể nhiều người không thích mớ hành trang ngây dại ấy, tôi thì thích ôm đồm, khuân vác, nên tôi giữ tất cả vào một góc tâm tư riêng rẽ, lâu lâu chui vào tìm kiếm hình ảnh ngày thơ. Tôi cất dấu đâu đó mớ hành trang cồng kềnh, linh tinh lang tang thơ dại, chỉ chờ có người nhắc đến là tự khắc nó nở bung ra, như trái nổ thả vào trong nước, như đóa hoa ny lông một lần tôi được cho, cái thời đồ chơi là một gia tài quí giá, quý hơn viên kim cương to nhất thế giới, quý hơn món quà người yêu đầu đem tặng đêm ba mươi Tết, quý hơn chiếc nhẫn cưới thề hứa nhẫn nhịn. Sáng nay trong mớ hành trang ấy, chiếc xe bán kẹo kéo lừng lững đi ra từ góc hồn tôi, tiếng leng keng của chiếc chuông đồng đục, không giống tiếng chuông thanh lạnh của chiếc xe bán cà rem. Ông hàng bán kẹo kéo có cái mũ nồi, hình ảnh chiếc mũ ấy có lẽ tôi không tả sao cho đúng, nếu của người giàu có sang trọng, người ta phải dùng si trắng chải cho cái mũ trắng thêm lên, còn của ông hàng kẹo kéo thì chiếc mũ có màu vàng của tấm ảnh đen trắng cũ, đã phai màu. Ông luôn mặc chiếc áo sơ mi màu sáng, không bỏ áo vào quần như các ông công chức sáng cắp ô đi chiều cắp về. Buổi sáng, ông đến dựng chiếc xe dưới gốc cây to, gần cổng trường tôi đi học thêm, lúc ấy còn mùa hè, tôi phải đến ở với bà nội vì mẹ tôi có thêm em bé. Ngôi trường ấy bên trong nhà thờ Tân Sa Châu, cái cây ấy hình như là cây đa, nó có trái vàng nho nhỏ. Ký ức của tôi bây giờ, có màn sương mù che phủ huyễn hoặc, mơ mơ hồ hồ, chỉ hình ảnh của ông bán kẹo kéo là nổi rõ hẳn lên, từ cách ông dựng chiếc xe đạp, đến cách ông kéo kẹo. Mọi thứ đồ lề ông mang theo làm kẹo, được cất trong cái thùng gỗ, đóng khéo léo đặt trên cái yên xe đằng sau lưng ông. Nên chiếc xe của ông phải có cái chống to bảng để chịu được sức nặng ấy . Sau lễ sớm, tôi đi thẳng sang trường học và đến ngồi xổm, chống hai tay vào má nhìn ông làm việc. Dưới gốc cây đa to, ông có một cái khoen để treo cái móc sắt to và dài khoảng hai gang tay. Ông nhẹ nhàng mở cánh cửa bên hông của cái thùng, lấy cái bếp lò ra quạt than ngay, sau đó ông mới mở cái nắp trên mặt thùng và trải miếng vải màu ngà vuông vắn lên nó. Ông sẽ sàng đặt chiếc chảo nhôm bóng loáng bên trong, phần bên ngoài phủ lớp lọ đen dầy lên bếp, cùng lúc ông mở hộp đường cát trắng đổ vào chảo, với chút xíu nước, đôi đũa ông dùng khuấy đường cũng lạ mắt, nó được vót bằng tre cật, lên nước bóng màu nâu, ông chậm rãi khuấy cho đến khi bọt xủi tăm trong chảo đường, khi này mùi đường thơm ngọt ngào cả khoảnh sân rộng, bên cạnh tôi từ lúc nào có thêm vài đứa ngồi xổm mê man nhìn và ngửi mùi đường, chờ kẹo kéo. Ngồi nhìn ông làm kẹo là cái lệ mỗi sáng của tôi, thay vì chạy đi chơi nhảy dây hay đuổi bắt, tôi quen với ông vì thế, nên ông chỉ cho tôi xem giọt đường lắng nằm tròn xinh dưới đáy bát nước, như hạt ngọc không bị tan đi, ông bảo: “Đường tới thì rồi này cháu.” Khi này là lúc ông gắp than ra ngoài, hạ nhiệt độ và để hết tâm hồn của ông vào việc làm kẹo, sau khi ông nhanh nhẹn vắt vài giọt chanh vào chảo. Hai chiếc đũa đùa trong chảo đường đã thành chất dẻo, càng lúc càng nặng trên hai cánh tay ông, cho đến khi ông dùng đũa nhấc được hết cả khối đường dẻo ấy lên, ông đeo chiếc bao tay cũng may bằng vải, và bằng động tác nhanh như kéo lưới, ông vắt tảng đường lên móc, kéo dài nó ra, lại vắt lên móc, lại kéo dài ra, cứ thế cho đến khi đường cứng lại, ông dùng kéo cắt từng đọan dài hơn một tấc, xếp lên vuông vải ông đã trải ra từ trước. Tôi không nhớ một khúc kẹo ấy là bao nhiêu tiền, có thể vài xu là cùng. Kẹo có lạc rang bên trong, cũng làm như thế, nhưng ông khuấy thêm bột vào, đường sẽ thành một khối kẹo dẻo, ông đổ kẹo này lên mặt vải có rắc bột, rồi ông cho lạc (đậy phọng) vào giừa, cuộn tròn gói kín lại, chỉ mở vừa đủ cho ông kéo dài kẹo ra, cắt thành tiếng “cụp” gói vào miếng giấy mỏng đưa cho người mua thường là các cô các cậu học trò, khi cười khoe ra mấy cái răng cửa bị sâu siết dễ thương. Tôi ăn sáng bằng kẹo kéo, hôm thì kẹo hồng, hôm thì kẹo có lạc rang, khi thì kẹo trắng, học mùa hè chơi nhiều hơn học, nhiều hôm mải xem ông làm kẹo, tôi không nghe tiếng kẻng vào học, ông phải nhắc. Khi tôi tan học, ông không còn nơi gốc cây đa nữa, có lẽ khi ấy ông đạp xe đi bán dạo, cùng tiếng chuông đục leng kenh của ông. Có đôi lần ông đi ngang nhà tôi, thế nào tôi cũng chạy ùa ra cửa kêu to: “ Ông kẹo kéo, ông kẹo kéo ơi” thế là ông ghé vào ngay cửa, bà nội tôi lại = bảo: “Ông xem cháu nó ăn kẹo của ông đến sún hết cả răng!” Nói thế rồi bà cũng kéo chiếc áo cánh lên, lấy tiền trong ‘áo túi’ ra mua cho tôi cây kẹo. Trí óc non nớt của tôi khi ấy, chẳng tính toán ông bán kẹo như thế có đủ nuôi gia đình không, nhưng sự hiểu biết của tôi bây giờ thì biết ông phải có kinh nghiệm nhiều lắm mới có thể, tính toán làm sao cho đường nóng chảy vừa đủ, để kéo thành kẹo, phải pha bột như thế nào cho đường không đóng cứng, phải chờ đến khi ông kéo dài ra cả tấc, đường mới cứng lại thành kẹo. Một điều ông không thể biết là tôi, con bé tóc bum-bê ngồi xem ông làm kẹo thời ấy vẫn nhớ như in đến bây giờ hình ảnh kéo kẹo của ông. Tuổi thơ may mắn của tôi đẫm ngọt ngào kẹo kéo, đẫm yêu thương gia đình, nên đường đời đôi lúc gặp đắng cay, vị đường thơ ấu đủ pha vào cho tôi uống mà không bị nhăn mặt.
|