Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 3,437 Points: 1,167 Thanks: 85 times Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
|
Độc Lập
Tháng bảy, những cơn nóng hừng hực làm người ta thèm đi nghỉ, nghỉ ở bất cứ nơi đâu không phải là nhà của mình. Tháng bảy người ta chào đón ngày lễ Độc Lập với thịt nướng, bia lạnh, pháo bông, cắm trại. Người vui vì được nghỉ lễ, người buồn vì nhớ lại hình ảnh đau thương máu đổ xương phơi, để giành được độc lập. Ngày lễ nào không có ngậm ngùi! Tháng bảy hẹn hò nhau đi đây đi đó, đi cho biết, đi cho thấy, đi để học cả sàng khôn, đi để tiêu dùng cho hết món tiền chính phủ trả lại từ khoản thuế đã đóng, với mong muốn kích thích nền kinh tế đang trì trệ thảm hại. Giá xăng có nơi đã niêm yết con số năm tròn trịa. Và ngày bốn tháng bảy, cũng là ngày đầu tiên tôi đặt chân xuống phi trường San Francisco làm kiếp người viễn xứ. Đúng mười bảy năm đã trôi qua, nhớ ngày đầu từ phi cơ nhìn xuống, đèn giăng như sao, pháo bông bắn lên trời khiến người tị nạn rùng mình, tưởng đạn pháo kích. Năm nay, các con tôi đã sắp xếp chương trình đi chơi cho cả gia đình, tôi rời nhà một tuần trước ngày lễ Độc Lập, đi lang thang khắp chốn, không cần biết đến đâu, thênh thênh thang thang như mây trôi vô định. Giá xăng đắt đỏ, xa lộ hình như vắng hẳn đi. Nhưng bất ngờ biết bao khi tôi đến dự đại hội 59 năm, ngày thành lập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, tại miền Nam California, số cựu quân nhân tề tựu về dự hội, đông ngoài sự dự đoán của ban tổ chức. Cùng lúc ấy tại thành phố miền bắc California, nơi tôi cư ngụ tổ chức đại hội cựu sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt. Phương tiện thông tin internet đã cho tôi đọc và thấy hình ảnh rõ ràng ngay trong ngày đại hội, nếu không phải đi chơi cùng các con cháu, tôi đã có mặt trong ngày hội này cùng anh của tôi. Nhìn cổng trường Võ Bị Đà Lạt được dựng lại công phu, kích thước bằng cổng trường ngày cũ, ai đã từng bước qua hẳn lòng phải chùng như nốt nhạc trầm. Có chồng đã phục vụ trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, đã từng là sinh viên trường Võ Bị Đà Lạt, tôi được phép tham dự nhiều buổi lễ kỷ niệm, được nghe bao câu chuyện cảm động và được nhìn những giọt nước mắt rưng rưng. Năm nay, dự hội của binh chủng, tôi đã chứng kiến lần nữa những ngậm ngùi của người chiến binh gặp lại bạn xưa, người bạn anh ngỡ đã hy sinh sau khi bị pháo kích, tại trận địa. Anh ngồi ngắm bạn không nói nên lời, ánh mắt trìu mến. Người bạn cùng ở chung phòng bệnh viện năm nào, chuyện kể dường như không dứt, nhắc lại vài bóng hồng đã từng hiện diện trong ngày tháng đó, cười khà. Mỗi lần anh tôi gặp lại bạn cũ, là một lần kỷ niệm buồn vui trở lại, những tên gọi, những ngôn ngữ của một thuở xa xôi cùng tìm về. Ngồi nghe những câu chửi thề lạ tai, nếu không có nó không phải là ngôn ngữ của người lính. Sống chết trong phút giây, không chỉ đàn ông, mà còn có bao mái tóc dài trong bộ quân phục bạc mầu, các chị giữ chức vụ cao, đến nay oai phong vẫn còn vang vang nhắc nhở. Người lãnh trách vụ tổng hội trưởng, hội ái hữu Thủy Quân Lục Chiến lần này là một người rất trẻ, cấp bậc chẳng là gì nếu so sánh với ‘sao’ với ‘mai’ ngày xưa, tình huynh đệ chi binh là đây, các cấp chỉ huy ngày xưa, nay lui gót để anh chiến sĩ trẻ điều động lèo lái con tàu ái hữu, con tàu chuyên chở tình cảm trân trọng quá khứ hào hùng, một thời vang bóng. Tôi ngồi nghe, tôi cảm nhận những trái tim, những rung động, tất cả chỉ nhắc nhở tưởng nhớ một thời đã qua, không trách móc yếm thế, chỉ biết hân hoan nhìn con cháu đang theo học tại các trường đào tạo cấp chỉ huy trong quân đội, nhìn các cháu đang trong hàng ngũ chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến trẻ - Young Marine. Những khuôn mặt cứng rắn trong bộ quân phục oai phong, các cháu muốn nối tiếp cha anh để phục vụ cho đất nước các cháu đang sinh sống, đang nhận làm quê hương, quê hương thứ hai. Bài nhắn nhủ từ phu nhân cố Trung Tướng Lê Nguyên Khang, là một tâm tình lắng đọng, là một sự trân trọng đặc biệt của hội Thủy Quân Lục Chiến, giành cho cấp chỉ huy xứng đáng của mình. Lòng tôn vinh người bạn đồng hành dịu dàng khả ái của ông, người bạn đảm đang chăm lo việc nhà, dạy dỗ con cái để chồng thảnh thơi lo toan việc nước. Người bạn đời không biết gì đến quyền thế bổng lộc có thể đến từ chức vụ của chồng. Nụ cười nhân ái trên môi, dáng vẻ khiêm nhu, giọng nói từ tốn, ngày hội nào cũng phải có bà, để tất cả chiến hữu binh chủng Thủy Quân Lục Chiến cảm nhận được linh hồn của người anh Lê Nguyên Khang còn hiện diện kề bên. Bà nhắc đến những người đã khuất, mỗi năm mỗi vắng dần đi con số hiện diện vì đau yếu bệnh hoạn. Tôi nhớ bà nói: - Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến có những điểm son mà chúng ta không thể nào không nhắc tới đó là tinh thần đòan kết và tình tương thân tương ái. Có lẽ vì các anh là những người đã trực diện với cuộc chiến, đã chứng kiến những cảnh tượng đau thương khi đồng đội gục ngã trên chiến trường, nên các anh đã gắn bó với nhau nhiều hơn, cũng dễ thông cảm với nhau hơn. Tuy nhiên đôi khi chúng ta cũng không tránh khỏi có những bất đồng, chúng ta có thể bất đồng ý kiến, nhưng không bất hòa trong tình nghĩa anh chị em. Chúng ta chỉ có thể phát triển khi biết đón nhận những ý kiến khác biệt nhau, tuy nhiên điều cốt yếu là đặt quyền lợi của binh chủng lên trên hết. Bà cũng nhắc đến những người vợ lính, những người không quản ngại khó khăn, không nghe lời đồn đại: “Chớ lấy chồng cọp biển, các ông ấy dữ dằn lắm.” Sự thật cần thời gian để chứng minh, sự thật về các ông chồng lính Thủy Quân Lục Chiến sau hơn nửa thế kỷ, phần đông là chung thủy, yêu vợ thương con. - Từ trước tới nay, người hùng cọp biển được nhắc đến quá nhiều, hôm nay tôi mạn phép được nói đôi chút về các chị, những người vợ của chiến sĩ mũ xanh, những người mà gần trọn cuộc đời cũng đã thăng trầm theo vận nước nổi trôi cùng chồng. Chúng ta, những người phụ nữ chỉ vì yêu thương cái hùng cái dũng, mà cuộc đời gắn bó keo sơn cùng cuộc chiến. Làm vợ quân nhân, nhất là binh chủng tác chiến, chúng ta phải phấn đấu cùng bất trắc, cô đơn triền miên. Chiến trận càng khốc liệt lo âu càng chồng chất, khi ấy, chị em chúng ta chỉ biết cầu nguyện cho chồng được bình an trở về với gia đình. Nói đến đây, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến các chị góa phụ, các cháu mồ côi, và nhất là các chị sau năm 1975, khi các anh bị giam hãm tù đầy. Đứng trước hoàn cảnh nghiệt ngã, không được chuẩn bị, nhưng các chị đã can đảm đứng lên thay chồng buôn bán tảo tần, nuôi nấng dậy dỗ con cái nên người hữu dụng. Lại còn chắt chiu dành giụm đi thăm nuôi tiếp tế cho các anh. Qua bao gian nan thử thách, cực nhọc, mà các chị vẫn một lòng son sắt để có ngày đoàn tụ, đây là nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, không bút mực nào có thể tả cho hết. Nét đẹp bà nhắc đến, đã được bà cựu thiếu tá trưởng phòng xã hội binh chủng, chứng minh bằng việc làm tiếp nối của bà, là chăm lo cho cô nhi quả phụ, những người thương phế binh còn sống tại quê nhà, gánh chịu sự thù hằn từ chính quyền cộng sản. Buổi lễ chào cờ tại tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ thật cảm động, hai hàng binh dọc lối vào, mái tóc điểm sương, nếp nhăn thời gian hằn trên đuôi mắt, dáng lưng khom, làm nổi bật nét trẻ trung của toán quân quốc kỳ. Bài quốc ca Việt-Nam được hát vang lồng lộng trong gió sớm, Này công dân ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng. Ðồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống! Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên, Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền. Dầu cho thây phơi trên gươm giáo, Thù nước lấy máu đào đem báo. Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy, Người công dân luôn vững bền tâm trí, Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời!
Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ! Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ Thoát cơn tàn phá, vẻ vang đời sống Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng. Những giòng nước mắt nghẹn ngào, không che dấu từ các cựu quân nhân lưu vong, tiếng kèn đồng cất lên điệu chiêu hồn, bầu trời không nắng thê lương trầm mặc. Vòng hoa tưởng niệm bạn bè, những nụ cúc trắng, chen lẫn đại đóa vàng ươm, vài nhánh hoa lay ơn đỏ rực, trong làn nước mắt tôi thấy đốm máu chưa khô, trên vết thương da vàng Việt Nam không biết đến bao giờ thành sẹo. Và tôi, sau mười bảy năm đã thuộc đường đi từ bắc xuống nam trên tiểu bang mình cư ngụ, sâu thẩm trong lòng là nỗi buồn chưa đi hết con đường cái quan hình chữ S xuyên suốt quê hương. Lý do tại sao tôi òa khóc khi cất tiếng: Này công dân ơi!
|