Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

47 Pages«<1718192021>»
Ngô Đồng Diệp Lạc
ngodong
#361 Posted : Friday, February 22, 2008 4:03:36 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Mắm và Rau

Chị Hai ơi, tết qua rồi, bánh chưng chiên, bánh tét chiên hết ráo, chị nghĩ coi nấu món chi ăn đi chị, ngày mơi bạn tui ghé thăm, hổng lẽ tui mang bạn tui ra hàng bún mắm Kiên-Giang?
Nấu ăn tui hổng rành, nói ra mắc cỡ, mà hông nói ra ai ghé nhà cũng nghĩ tui nấu ăn ngon, mèn ơi chị nhớ hồi tui nấu mâm cơm ra mắt bà già chồng tui hông chị, bả ăn mà mắt bả muốn trợn ngược, rau tui luộc còn dai nhách, màu xanh đâu hông thấy, thấy nó vàng như bẹ cải vồng bông, con cá tui kho cặp mắt tụi nó trợn trừng, mắm muối tiêu hành còn nguyên trân hổng thấm. Nhờ có bà mai dẻo miệng, ca cẩm tui với ổng hạp tuổi, thêm tướng tá tui vượng phu ích tử, tiểu yêu trường túc, nối dõi tông đường, mang phước tới nhà, trăm đàng hoàn hảo mà má chồng tui quên chuyện tui hông biết nấu ăn, cưới tui về làm dâu lấy kiểng.
Huệ
#362 Posted : Sunday, February 24, 2008 11:17:58 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0

Mèn, đang đọc ngon trớn tới hồi hấp dẫn cái ngắt ngang. Má chồng với con dâu đi khui hụi dìa chưa? A lô...a lô...a lô...
ngodong
#363 Posted : Wednesday, February 27, 2008 11:22:51 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
hi hi chị Huệ ơi

Mắm và Rau (tiếp theo)

Má tui kêu tui phụ bả chuẩn bị cho mâm mắm và rau, tui nhớ tới giờ nghen chị, nội cái rổ rau không thôi tui rị mọ đâu hết nửa ngày, rau đắng rau thơm, rau lụa, lá chua, hẹ hành, cần nước, đọt xoài, bông điên điển, thân chuối, bắp chuối, cái nào cái nấy má tui bắt tui mần thiệt kỹ, không để lại một chiếc lá dập nào. Có đủ đám rau này đâu phải dễ, bả phải dặn mấy bà bán rau quen mang từ vườn lên mới có, sống trên thành muốn ăn đúng kiểu miệt vườn cũng là chuyện chần thân. Dòm rổ rau
ngodong
#364 Posted : Tuesday, April 22, 2008 1:32:34 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Mùi Gỗ Thông

Em của chị, buổi sáng đầu ngày con sóc nhỏ ngồi vắt vẻo nhìn vào trong nhà, nó đứng ngay trên bệ cửa sổ hôm qua chị vừa rửa kính. Đôi mắt trong veo tròn xoe của sóc không gợn chút thắc mắc nào của đời sống. Hai tay của sóc dường như chắp lại, nó muốn xin chị viên đường chăng? Ly cà phê tỏa khói, mùi cà phê thơm thơm.

Thế mà chị nhìn thấy trong mắt của sóc, hình ảnh căn nhà nằm vắt vẻo dựa trên dốc đá, ngõ hẻm nhỏ đi bộ một chút thôi sẽ ra đường cái, căn bếp có cái cửa cũng thông ra đá, tảng đá to lắm chắn ngay trước cửa, thiên nhiên đã có từ trước khi con người đến làm nhà tạo thành khu phố sau khách sạn Ngọc Lan. Từ chiếc cửa ấy ra đến vách đá, chỉ đủ chỗ để hai cái bếp lò, vài thứ lỉnh kỉnh để làm bếp, cánh cửa chỉ là cánh cửa sổ mở ra cho khí lạnh, khí mát từ bên ngòai luồn vào nhà, nếu không sẽ ngộp ngụa ghê lắm, và khung cửa sổ may mắn ấy đã thành cái bếp lộ thiên, được che mưa bằng miếng tôn đóng vào vách gác lên đá. Căn nhà giống như một góc nhà chòi tuổi thơ để chơi bán đồ hàng, buổi sáng co ro nấu ấm nước sôi, trong cái ấm nhôm bóng loáng phía trên, viền đen phía dưới vì khói bám lâu ngày, thêm đám mây trắng lững lờ trôi hay khung trời xám xịt dọa nạt bão mưa biến khung cửa sổ ấy thành bức tranh treo lửng lơ trên vách nhà gỗ thông Đà Lạt. Bức tranh thay đổi theo mùa, hai cái bếp lò khi lao xao lửa, khi lặng im nằm, màu đỏ đất xét nung sau một thời gian trở thành màu gan gà, miếng thiếc bọc bên ngoài giữ cho ông lò không bị bể vẫn còn lóng lánh dù vết rỉ đã hoen chung với dấu dầu mỡ tích lũy nấu nướng lâu ngày.

Diện tích của căn nhà từ cửa cái đến tận cùng được khoảng bảy thước, chị nhớ vừa bước vào nhà, là cái giường đơn thước hai của quân đội, đến cái màn vải có chấm hoa đỏ ngăn nhà ra làm hai, bên trong cũng là cái giường đôi lớn hơn một chút, rồi bước ngay ra cửa sau có hàng kẽm gai, nhìn trời mông mông mênh mênh, ngó xuống chân là đá và những nóc nhà tôn đốm rỉ của ấp Ánh Sáng. Vài cái chậu nhôm móp méo dùng đựng than hồng để hơ tay đêm Đà Lạt lạnh - mùi gỗ thông - mùi dâu chín thơm, mùi mận chua chua trộn lẫn trong nhà, đám dâu, đám mận được mang ra từ Trại Hầm, từ Đa Thiện, từ Thái Phiên để mai đem ra chợ, trộn mùi mứt đậu trắng thơm ngọt mùi lan va ni.
Giọng người nhỏ nhẹ, sợ làm vỡ không gian hay sợ làm không gian đặc quánh, có lẽ cả hai, vì nhà lúc nào cũng đông người .
Chị Hồng - chị Hòa - Phượng - Giao - Tuyết - Tuấn bấy nhiêu người cùng mẹ chen chúc trong căn nhà ấy, dài bảy thước ngang có lẽ gần ba thước, đi qua đi lại đụng nhau, dưới gầm giường là sách, hàng họ buôn bán nằm trên giường, đến tối hạ thúng mủng, hộp xuống đất rồi chen nhau nằm ngủ cho ấm, cái gác xép khơi thêm, để có chỗ ngủ, chỗ để quần áo đồ đạc, khi leo lên cái cầu thang bé bé phải bò, đêm trở mình tiếng kêu cót két. Tuấn là con trai út độc nhất, được ngủ riêng trên chiếc giường thước hai, nếu không bị “quản lý” chặt chẽ hộ khẩu của tổ trưởng chắc chắn Tuấn đã sang nhà bạn ở cho thoải mái, Tuấn hay than thở thế, còn hơn ngủ chung với dâu mận đậu, đến mùa hồng bơ thì ngủ với bơ hồng, Tuấn nhỏ nhẹ đùa: “Mẹ với các chị thơm mùi dâu không sao, Tuấn thơm mùi dâu dị gì đâu.” Tuấn đang học đánh đàn thùng, cậu chàng gẩy mãi bài “Bao Giờ Biết Tương Tư” rũ rượi, chị Hồng hay nói: “Có mỗi một bài gẩy mãi không chán sao ông”, Tuấn trả lời: “Em chưa tương tư nên vẫn thèm cắn táo.”
Đã vậy một tháng vài lần còn cưu mang thêm chị, cô bạn từ Sài Gòn lên Đà Lạt đi buôn hàng chuyến len vào. Tiếng cười khúc khích khi xột xọat gói hàng, tiếng bác gái chỉ phải gói sao cho dâu không dập, cho mận không nẫu, những trái mận nho nhỏ màu vàng xanh lục, có cái khấc như móng tay ai bấm vào nó, vị chua đắng mà vẫn có người mua, làm mứt thì ngon lắm, bác hay lấy dao cau cắt theo vòng tròn thật mỏng, ngâm muối vắt khô, sên đường, thẩu mứt mận đỏ màu hổ phách, chưng bán cạnh hàng bông tuyệt đẹp . Thời bình hoa mứt bán được, thời nghèo khó những món ngon này chỉ các ông bà quyền thế, ông bà “đầy tớ của nhân dân” mới dám đụng đến để biếu xén nhau.
Những quả hồng tiên mọng màu cam, những quả hồng bát no tròn tám múi, mua từ khu Đa Thiện, bác dùng nỉ lau cho bóng, những quả hồng phải đợi cho đến khi chín bóng mới được ăn, thường làm người ta thèm muốn, nên khi hồng chín, bóc được vỏ lụa cắn ngập răng là một hạnh phúc không cùng.

Một lần bác trai lẻn về kêu Tuấn đi ngay với bác, bác không ở nhà, bôn ba mọi nơi tìm cách vượt biên vì cái án tư bản. Bác và Tuấn đi mãi không có tin tức gì, chỉ biết tàu đã ra khơi và hết.
Bác gái sau khi mất chồng và con trai cưng, như tảng băng gặp nóng xụp xuống vì bệnh trầm cảm. Chị Hồng thay bác đi buôn đường dài, xe lật xuống đèo Ba Cô ngày bão, chị lên trời hay xuống đất, để trong nhà mất đi giọng nói êm như nhung nhắc về người yêu Võ Bị, không biết sống chết thế nào.
Chị Hòa lấy chồng Chính Trị Kinh Doanh, chồng bị đi học tập, hai con còn bé gởi bên nội sau khi bị đuổi ra khỏi nhà trong doanh trại. Chị sau này làm lẽ ông Tàu chủ xe vận tải, chiếc xe chở hàng của chị buôn từ Đà Lạt về Sài Gòn, ra Nha Trang, những chuyến buôn dài ngày. Tiền lời những chuyến buôn hàng này, chị nuôi chồng trong tù ngục, nuôi con dại, nuôi gia đình chồng. Sau này chồng đi học tập về mang hai con sang Mỹ theo chương trình HO. Chị mất con mất chồng, đời chị thế nào bây giờ không biết, hai con có trở về tìm mẹ hay không?
Phượng tóc dài bỗng trở thành Phượng nữ chúa, điều khiển nhóm mua bán vé chợ đen bến xe đò Đà-Lạt.
Giao bỏ nhà về Sài Gòn ở với dì - Tuyết chán đời vì chị Phượng cầm bán nhà sau khi giựt hụi của người Đà Lạt, cắt tay tự tử.
Em ơi cái gia đình nhỏ đầm ấm, sau khi bị tịch biên tài sản, sau khi căn biệt thự gần ga Đà Lạt thành ủy ban phường nó đã tan hoang như thế đó, trong mắt con sóc nhỏ hôm nay, xa thật xa Đà Lạt chị nhìn thấy qúa khứ chị ngửi được mùi thông. Căn gác chị co mình ngủ thiếp, rồi giật mình thức dậy buổi sáng sương còn dầy, để ra xe mang hàng về thành phố, bỗng hiện ra rõ từng vân gỗ. Mùi thơm buổi sáng có khói. Chuyến xe đò bò lên đèo Đà Lạt lắc lư, có lần đứt thắng tuột dốc, anh lơ xe quăng khúc gỗ chặn bánh, để hành khách từ từ ra khỏi xe.
Sống được đã là điều kỳ diệu, quên đi những bất hạnh là điều kỳ diệu thứ hai, Em ơi có thể em cũng nghe tiếng đập nhè nhẹ đâu đó chung quanh mình, tự điển bảo đó là tiếng thổn thức, chị bảo đó là tiếng của tàn phai, nhưng cái tên quen thuộc một thời, cái dốc cái đồi, cái màu nước dâu nước mận ứa, những cái chết vì nước biển cùng cái thời của 80 thì chỉ có một, làm sao quên hở em.

Má hồng môi mọng, tình yêu lãng đãng, những cô con gái đã lớn trở thành thiếu phụ bỗng nhớ về dĩ vãng hụt hơi.
Huệ
#365 Posted : Tuesday, April 22, 2008 10:37:37 PM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0

quote:
Gởi bởi ngodong
Sống được đã là điều kỳ diệu, quên đi những bất hạnh là điều kỳ diệu thứ hai.


Sống được đã là điều kỳ diệu, quên đi những bất hạnh là điều kỳ diệu thứ hai. Blush
ngodong
#366 Posted : Tuesday, April 22, 2008 11:00:46 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Em cứ thích kể lể rỉ rả.
ngodong
#367 Posted : Tuesday, April 22, 2008 11:02:34 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Mất Nhau Sớt Chia Chẳng Được

Không hiểu tại sao những hình ảnh của quá khứ hay hiện về, vào những mốc thời gian chính xác. Người tây phương nhớ những ngày vui vẻ, sinh nhật, lễ cưới, họ tạo thêm nhiều nữa cho ngày lễ tình nhân, ngày ông ngày bà, ngày cha ngày mẹ, ngày chồng ngày vợ, ngày thư ký, ngày chủ nhân, ngày bạn hữu. Phần người đông phương đặc biệt là người Việt Nam lại là ngày giỗ chạp, Tết nhất, bây giờ theo thị hiếu, cũng sinh nhật, cũng tình nhân nhưng còn thật nhiều gượng gạo, ngay cả vợ chồng nhắc nhở nhau về chút kỷ niệm xưa cũng có vẻ xấu hổ, chừng như không phải là mình đã làm thế.

Có phải vì đã lưu lạc, có phải vì đã sống giữa hai thế kỷ, sống ngay khi đổi dời, sống ngay điểm thay đổi, ngay cột mốc thời gian lịch sử mà con số bốn, mà tên gọi tháng Tư cứ lảng vảng ám ảnh bao người, trong đó có tôi chăng? Hơn vài lần tự vỗ về “quên đi”, nghe mãi câu “tháng tư đen” cũng giống như một năm bị thiên hạ ép uổng tổ chức sinh nhật vài lần, để có cớ mà hội họp gặp gỡ ăn uống, nhắc chuyện xưa! Thế mà vẫn nghĩ đến, vẫn bồi hồi, vẫn nhức nhối và chảy nước mắt.

Một tháng có bốn tuần, tuần đầu của tháng tư là tuần Sài Gòn bắt đầu chao đảo dinh Độc Lập bị thả bom, tin tức chiến sự triệt thoái - thất thủ, tòa đại sứ Mỹ, công sở ngoại quốc, nhân viên chính phủ xôn xao, đi đi ở ở. Tuần thứ hai dân chúng hoang mang, khi người thân từ miền Trung chạy vào, từ cao nguyên đổ xuống. Tuần thứ ba tổng thống từ chức, chính phủ thay đổi nhân sự. Tuần thứ tư hấp hối đến ngày cuối 30-4.

Ba mươi ba năm cái mốc mơ hồ, không có trụ cột nào ghi khắc mà trong lòng riêng, nỗi khắc khoải nghĩ về vẫn trở lại. Quên đi để tiến về hướng trước mặt, bỏ hết những câu hỏi không có câu trả lời, chấp nhận sẽ vùi thây trên đất mới, chẳng cần quay về nơi chôn nhau cắt rốn, chẳng màng ghi thêm vào tờ di chúc, có chữ ký công chứng hẳn hoi: “Mang tro về biển Đông mà thả.” Vậy mà cứ đến tháng Tư lại rưng rưng lại nhớ. Nếu chỉ có thế về một tháng Tư thì có gì phải ngậm ngùi, có gì phải nhớ nhỉ? Có lẽ vì những đốm linh hồn vất vưởng, vì những cuộc đời còn lận đận long đong từ khoảng mốc thời gian ấy đến bây giờ. Những cơn ngủ không an, những ân hận không làm lại được, những tìm kiếm không thấy tuổi tên và những nén nhang, những ngày giỗ, những hạt lệ tủi nuốt vào trong, những nhục hình trở mùa đau nhức, những mùi tanh rữa mưa dầm và sau ba mươi ba năm, trên đất Triều Tiên phụ nữ Việt tự tử, trên đất Trung Quốc phụ nữ Việt bị đánh chết, bị sai khiến như nô lệ từ thể xác đến tinh thần, nơi nào cần nô lệ, nơi ấy có người Việt Nam được gởi đi từ cố quốc.
“Nàng nằm đớn đau, tháng năm dài buồn thiu
Nàng cầu-cứu tôi giữa cơn bệnh đầy vơi
Ðã lắm lúc thao-thức vì nàng
“Yêu nhau đâu đành dở-dang”
Nghĩ đến mắt kia lúc lìa trần
Vỡ nát trái tim muôn phần
Giờ còn có nhau, giúp nhau cho thật nhiều
Ngày nào mất nhau, sớt chia chẳng được đâu”
(Người Yêu Tôi Bệnh - Nguyễn Đức Quang)

Tác giả ghi chú cho bài hát: “Đi làm công tác xã hội là đã chọn một người yêu: Nguyễn Thị Quê Hương” thập niên 70, đến bây giờ đã ở trong thế kỷ 21 người yêu Quê Hương vẫn bệnh, cơn bệnh ngày càng trầm kha, để đến tháng Tư bao người bật khóc vì bất lực, nhất là những người đã từng chiến đấu, từng vất vả từng đổ máu mình ra.
Trên quê hương Việt Nam, có các viện bảo tàng bị kẻ thế lực cầm cố, bị người nghèo túng ăn cắp cổ vật bán buôn, nay trên xứ người một viện bảo tàng được thành lập, nơi này không lưu giữ châu báu ngọc ngà, mà là nơi giữ từng chiếc lược chiếc thìa làm từ miếng sắt, làm từ lon sữa guizgo, ghi lại hình ảnh chiếc thuyền nan mong manh chở không biết bao người, hình ảnh từ năm 1975 di tản đến những biến cố tiếp theo, dường như vừa xảy ra mà đã hơn ba mươi ba năm.
Cuối tuần qua, hát lại bài “Người Yêu Tôi Bệnh” cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trên sân khấu của Center For The Performing Arts, ai cấm khán giả hát theo nhạc sĩ nhỉ, hơn ba mươi lăm năm sau, thời được hát với lòng nhiệt huyết tuổi trẻ trong phong trào du ca, nay cũng với chút leo lét nhiệt huyết còn lại để nghêu ngao “ngày còn có nhau giúp nhau cho thật nhiều” nhìn lại mình phận đàn bà mỏng mảnh, giúp gì được cho một quê hương loang lổ nỗi oan cừu, khởi đi từ ngày lập quốc.

Chương trình văn nghệ không chuyên nghiệp, thính giả là phụ huynh học sinh, là cựu sinh viên, là thầy cô là học trò, là những khuôn mặt thân quen luôn tìm đến nhau trong tinh thần người Việt Nam xa tổ quốc. “Lịch sử ngàn người viết” tên gọi cho một buổi chiều gặp lại nhau, để thu giữ hình ảnh lưu lại trong viện bảo tàng Việt Nam, tại San Jose. Những bài hát được trình bày làm thính giả khóc thầm, khóc nức, vì thuộc vào thời đại mình sống, được hát Quốc Ca Việt Nam cùng nhau, được nhắc lại thuở thanh bình tạm bợ tại thành phố Sài Gòn, trong khi chiến tranh xẩy ra đâu đó trên giải đất cong cong hình chữ S.
Đến bài hát của thuyền nhân Nam Lộc, bài hát mà năm 1977- 78 phải lén lút nghe trên đài VOA “Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời . . .” có lẽ không ai hát bài này hay bằng bài hát tôi được nghe trên làn sóng truyền thanh, một đêm trời oi bức, làn sóng bị nhiễu có tiếng rè sột soạt, nhiều khi âm thanh không trọn vẹn ấy, lại là ký ức quí giá cho một bài hát tồn tại trong lòng, thùng quà từ Mỹ gởi về, người ta gởi tiền quấn vào cây viết bic, bạn tôi tháo băng nhựa casset dấu vào lõi bút gởi cho nghe nhạc Nam Lộc, nhạc Nguyệt Ánh, “Mưa bên này buồn lắm em ơi! . . . Nắng bên đây vẫn là nắng ấm, nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương . . .” Nắng vẫn thế, nhưng qua thời gian, quen với nắng không ấm, nay về lại được rồi thì nắng quê xưa nóng quá, nghe đến câu: “Cho tôi xin một mộ phần bên ngàn chiến hữu của tôi.” Lòng tôi buồn não nuột, dù tôi không là chiến sĩ, dù tôi chưa từng chiến đấu, nhưng điều mong mỏi ấy, nhiều người sẽ không bao giờ đạt được nữa.
Ghi lại cho hậu thế trong tương lai là điều phải có, “Future Home of The Viet Museum” là một câu trả lời cho các cháu được sinh ra trên đất Mỹ, các cháu theo cha mẹ đến định cư tại các quốc gia trên thế giới.
Có phải đúng là quê hương Việt Nam tôi loang lổ nỗi oan cừu, khởi đi từ ngày lập quốc. Đọc từ truyền thuyết Cổ Loa thành, đến bước chân cô gái bé bỏng Huyền Trân xuyên rừng tối để cõi bờ rộng thêm hai châu Ô – Lý, tôi khóc òa uất ức nghe lại bài hát Hội Nghị Diên Hồng kết thúc chương trình văn nghệ đặc biệt cuối tuần.





ngodong
#368 Posted : Wednesday, April 30, 2008 6:13:58 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Và đôi chim câu đã trở lại làm tổ
Huệ
#369 Posted : Wednesday, April 30, 2008 6:52:16 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0

Ô! Dễ thương quá đi. Cảm ơn Ngô Đồng. Cooling
ngodong
#370 Posted : Friday, May 9, 2008 11:50:31 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Một năm có 365 ngày, một ngày có 24 giờ, một giờ có 60 phút, một phút có 60 giây đều là của Mẹ, từ khi bắt đầu làm mẹ cho đến khi mất đi, Mẹ sẽ mãi là Mẹ. Người tạo mầm sống mới, người chăn dắt vỗ về, người lo lắng đỡ nâng.
Mẹ Việt Nam từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau không có ngày lễ nào cả, cho đến khi lưu vong cùng chồng – con bỏ quê nhà mà đi. Từ cái gánh để gánh con trên hai cái thúng đong đưa hai đầu, hay cái địu để địu con trên lưng, từ năm 1954, lên tàu há mồm vào Nam sau hiệp định Genève, đến khi theo con lên máy bay di tản, hay trốn theo con lên tàu vượt biên, người Mẹ Việt Nam vẫn chân lấm tay bùn, không son không phấn, tấm áo nâu, chiếc quần thâm, chiếc nón lá, không trang phục nào khác thay thế được.
Những người Mẹ miền Trung, áo tơi ruộng nương mưa lạnh, xứ người ngồi quấn khăn dày tìm hơi ấm ngày đông, các con bôn ba đời sống quay cuồng. Con trai có vợ, con gái có chồng, Mẹ buồn bã cô đơn, có đâu mâm cơm xưa trên vuông chiếu hoa, Mẹ con xúm xít vui vầy.

Mẹ miền Nam, búi tó củ hành, bao lâu vườn rau vườn bưởi, xứ người cũng trồng bưởi trồng rau, tay run run nhặt nhạnh lá úa nhàu. Con cháu để bà ở nhà một mình thui thủi. Đôi khi bà thèm nghe tiếng lá dừa cọ nhau trong gió, thèm nghe tiếng bụi chuối sau hè.
Vào ngày lễ Mẹ tại Mỹ, con cháu theo thuở theo thì, mua hoa tặng mẹ, mời mẹ đi ăn, Mẹ nhẹ nhàng: “Mẹ có thiếu gì đâu, hoa hồng đầy ngõ, đi ăn nhà hàng đâu bằng Mẹ nấu ở nhà.”
Mẹ Việt Nam là thế, không muốn làm phiền con cái, cả đời từ ngày đi lấy chồng, đến khi bụng mang dạ chửa, đi biển một mình, năm một, ba năm hai (mỗi năm một đứa, ba năm hai đứa.) Chồng thương thì nhờ, chồng phụ đành chịu, nuốt nước mắt nuôi con cho nên người hữu dụng. Chợ sớm mưa chiều, ky cóp nuôi con.
Phố San Jose, bên góc chợ Mẹ ngồi bán vài món trái cây, “kiếm thêm gởi về cho hai đứa bên nhà.” Mắt mẹ long lanh giọng nói chùng.
Mẹ áo nâu, mẹ thắt đáy lưng ong một thời con gái, bây giờ mẹ yếu, mẹ buồn mọi việc phải trông cậy vào con. Sức khỏe mẹ không còn, trong viện dưỡng lão huyên náo tiếng chim liú lo, với mẹ ngôn ngữ không cùng, mẹ bảo người ta đang hót, mẹ có hiểu gì đâu. Trong nhà thương mẹ ngóng từng giây, con lo xong việc riêng, sẽ ghé vào thăm.
Ở nhà Mẹ lệ thuộc vào chiếc xe lăn không còn đi đứng được, ngọn nến lung linh. Vào ra nghĩ đến một thời, thèm được kể cho con nghe, một lần trong lòng bà đã mang một bóng hình riêng tư chỉ mình bà biết, rồi vì chữ hiếu phải nghe lời “đặt đâu ngồi đó,” sáu, bảy mươi năm trước chưa có bài hát: “đời người con gái đến khi lấy chồng chỉ còn mối tình đem theo.”
Cần gì theo lễ của người Hy Lạp cổ đại thờ phượng Mẹ Rhea, của các vị thần trong các lễ hội mùa Xuân .
Cần gì theo người Anh để có ngày “chủ nhật của Mẹ” vào tuần thứ tư mùa chay để nghĩ nhớ đến Mẹ.
Cần gì theo bà Julia Ward Howe (người đã viết lời cho bài ca chiến đấu của Đảng Cộng Hòa), năm 1872 thay đổi ngày hòa bình thành ngày lễ cho những người Mẹ ở Boston.
Cần gì theo bà Ana Jarvis, người Philadelphia, vào năm 1907, bắt đầu vận động nhằm đưa ngày hòa bình, thành ngày lễ các bà mẹ trên toàn nước Mỹ.
Cần gì phải theo đúng ngày chủ nhật thứ hai vào tháng năm để nhớ nghĩ đến Mẹ, theo sự công nhận chính thức từ tổng thống Woodrow Wilson, vào năm 1914.
Người Việt Nam không có thói quen biểu lộ tình cảm bằng lời nói, từ thuở nào không biết họ dấu kín tâm tình mình, đôi khi tự cho phép mình: ‘làm không cần nói’ Đến một lúc nào đó Mẹ già trở thành trẻ nít, thích được khen, thích nghe lời vỗ về, ngay cả cách hành xử cũng thay đổi.

Chỉ cần:
Buổi sáng mùa Xuân đẹp lắm Mẹ ạ! Quanh tầm mắt con là màu xanh lá non chìm ngập trong lòng ánh sáng của giấc mơ rất thật. Màu sắc của tuổi ấu thơ, hồng hoa nở rực, đậu rợp lên trên khu vườn thấp thoáng bóng cổ thụ, những ngày thế này không kéo dài bao lâu nữa, nên con vội vàng nhắc chuyện cho Me nghe, mong nghe Me kể chuyện Me thời còn con gái.
Nhớ lần đầu tiên vào Sài Gòn năm đó con còn bé, dì Hạnh và me dẫn con đi chơi trong Thương Xá Tax (Bến Thành), dưới lầu dì mua cho con búp bê rất xinh bằng nhựa mềm da hồng như em bé, mắt xanh tóc vàng óng và cử động tay chân được, dì bảo vì nó giống con – ngọt ngào quá những ngày xưa – rồi sau đó đi lên lầu, chiếc cầu thang cuốn màu sắc lạnh lùng cao vọi đưa nhanh, khiến con sợ quá không dám bước, Me bảo: “Đừng sợ Me sẽ nắm tay con thật chặt mình cùng bước, khi Me đếm tới ba nhé,” cuối cùng thì cũng lên được tầng trên. Tin me, sợ hãi rồi cũng qua, và từ đó con cứ tiếp tục đứng trên những chiếc cầu thang máy một mình.
Ngày tháng trôi nhanh, con vừa dẫn Me đi, đứng trước cầu thang máy, me hơi rúm người nói: “Trời ơi! me sợ quá!” Tay con tìm bàn tay me, nắm chặt. Con lập lại câu Mẹ nói cách đây hơn ba mươi năm: “Đừng sợ con sẽ nắm tay Me thật chặt mình cùng bước khi con đếm tới ba nhé!”
Lên tới tầng trên con ôm siết vai Me, cảm giác bồi hồi lâng lâng tiếc nuối và ngỡ ngàng với thời gian rất lạ.
"trích từ Bống"

Hãy nói:
“Mẹ ơi! Con đang bên Mẹ, nghe tiếng tim Mẹ đập, Mẹ đừng sợ hãi, Con yêu mẹ, Mẹ ơi!”
ngodong
#371 Posted : Sunday, May 11, 2008 10:34:43 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)


Chú chim sâu dễ thương, khi bay phát ra tiếng vi vu, vì hai cánh xoay như chong chóng . Mỗi sáng khi tôi ra vườn, chưa làm chi hết, chú đã ghé đến gần bên tai. Có hôm nằm xoãi trên hòn đá, mỏ hứng nước từ vòi phun nước, như đứa bé biết đang bị nhìn ngắm làm trò thêm ra vẻ ta đây. Hôm nay chú ta làm nhiều trò hơn, tìm hoa hút mật, tôi ngắm nghía chụp hình, chú đứng yên cho chụp - dễ thương vậy đó . À chú có cô bạn yếm đỏ, không biết cô ấy đi đâu, còn một cô yếm xanh nữa, không biết hai cô có đánh nhau vì chú chàng không ?












ngodong
#372 Posted : Friday, May 16, 2008 1:10:02 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Lấy Chồng nha Má

Má à!

Hồi khuya má ho hung đó nha má, tui nằm phòng bên mà lo cho má hết sức. Mùa này bông nở lung tung, chưa tính cỏ cũng đơm bông, làm cho con người bị dị ứng.
Trời chuyển Xuân mà gió còn lạnh cóng. Người ta lo hà rầm chuyện trái đất tả tơi vì con người phá tới lủng trời, rách đất, phần tui lo cho má một mình ên, chiếc bóng bên đèn.

Tui đọc thơ bà Hồ Xuân Hương, giọng đàn bà miền Bắc chì chiết trả treo, nói về phận đàn bà con gái mà tui buồn khan. Đó má coi

Cả nể cho nên hóa dở dang,
Nỗi niềm có thấy hỡi chăng chàng?
Duyên Thiên chưa thấy nhô đầu dọc,
Phận liễu sao đành nẩy nét ngang
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa?
Mảnh tình một khối thiếp xin mang.
Quản bao miệng thế lời chênh lệch,
Không có, nhưng mà có, mới ngoan.
Mới đầu tui đâu có hiểu hết, sau này tui hiểu từng câu, hiểu rồi tui thương má biết bao nhiêu mà kể. Má à! Năm nay tui đã hơn ba con trăng, nói trắng ra tui ngón nghém ba chục tuổi, hồi đó má tuổi này, đã có tui đi kế bên làm bạn phải không má.
Má im thinh không thèm nói gì cho tui nghe, má tưởng má dấu nổi tui sao? Bà ngoại với Dì Tư kể cho tui nghe ráo rồi má à. Hồi đó má “cả nể” ai, hồi đó má yêu ai, thương ai tui biết hết á, một nửa người đờn ông không thể nào tính là một được, cho nên má dở dang, cho nên má phải trốn hàng xóm bạn bè, lên Đà Lạt , ở tạm nhà dì Tư, cho tới ngày cái “nét ngang” má mang mất đi, để bụng má nhỏ lại, thành “phận liễu” buồn thiu một mình nuôi tui khôn lớn.
Ba cái chữ Hán này người ta viết ngoằn ngoèo thêm nét trên, bù nét dưới mà từ chữ Thiên là ông Trời cho thêm cái mũ nhô lên thành chữ Phu, cũng như chữ Liễu âm đọc lên thành cây liễu chỉ về phụ nữ, bù thêm nét ngang biến ra chữ Tử là con. Má thấy hông, từ thế kỷ xa xưa ‘tít tè lệ thủy’ đã có chuyện không chồng mà chửa, hà cớ gì Má mang trong lòng chuyện riêng của Má, rồi để son thắm phai màu chớ.
Dì Tư kể: “Má mày khờ như con đuông dị đó, con gái Long An mười tám tuổi đẹp như lá dừa non, đẹp như buồng cau mới, bị đờn ông Sài Gòn dụ dỗ. Ổng là ông chủ nhà, Má mày mướn một góc mần tiệm may chớ ai, thằng chả có khuôn mặt tài tử Alain Delon, bảnh bao thơm nức mùi thuốc xức tóc ‘bi ờ ăng tin’ – khiến Má mày thả lời bà ngoại trôi sông, ngàn vàng chìm lỉm, mất con heo làm đám, mất đám rước dâu xá lạy trước bàn thờ, mất đôi đèn khay rượu, mất luôn cái đám cưới rềnh rang. Giả trốn con vợ bà chằn, tò tí dí má mày, đờn ông mà con, ăn vụng xong chùi mép, đờn bà con gái thì chang bang cái bụng, một giờ dại trả giá suốt một đời.”
Thiệt nghen Má, tui nghe mà sùng trong bụng, thời này đờn bà có quyền tự do chọn lựa lấy chồng rồi có chửa, hay chửa rồi mới có chồng à nha, tui thấy Má mua báo People đọc hoài, người ta li dị bỏ nhau cái một, không chút luyến lưu. Má biểu với tui là tại Má mang tấm tình người phụ nữ Á Châu, chuyện đó cũng xưa lắm rồi Má ơi. Phụ nữ Nhật Bổn thời nay đã nấu chảy xích xiềng, không còn vô ra khép nép, mặt cúi gầm dòm đôi guốc dấu dưới tà áo kimono nữa rồi, cái câu “lấy vợ Nhật - ở nhà Tây – ăn đồ Tàu” đã lạc hậu hơn thế kỷ, thời này mà lấy vợ Nhật là chấp nhận chuyện cắm sừng, ở nhà Tây là chấp nhận chuyện bị nhà băng kéo, ăn đồ Tàu là chấp nhận truyền mỡ vào máu, thì Má chụp chi cái chuyện là phụ nữ Á Đông để mà vô ra vò võ, chiếc bóng mình ên.
Tưởng tiếc người Má yêu tui đâu có cản, mà người ta có nghĩ gì tới Má không chớ, nghĩa trăm năm đã chẳng, tình một khối Má mang vậy chưa đủ sao? Má đừng la tui con gái nhiều chuyện, môi mỏng thày lay ăn hớt chuyện người, nha Má, tui thương yêu Má tui mới nói phải trái cho Má nghe mà.
Đó má đọc đi, bài thơ kiêu ngạo của bà Hồ Xuân Hương thành câu hát vè “Không chồng mà chửa mới ngoan, có chồng mà chửa thế gian sự thường!” Hay từ câu hát vè này mà bả viết xuống thành thơ tui không biết, chuyện tui biết là tui không có ba, còn Má không có chồng. Cái dở dang của Má không có gì là lầm lỗi, để Má khóc thầm tới giờ còn khóc, khóc tiếc cho cái ngàn vàng mất vì “cả nể” hay Má khóc vì Má ho không có ai cạo gió, xức dầu.
Má à! Má hết là lá dừa non, nhưng còn mềm mại y như lá cây palm cây sago chứ đâu có cứng ngắt cây phong cây gõ, thiệt thòi ba mươi năm đủ rồi Má à. Má nghe tui đi, ngày mơi hai Má con mình đi ra quầy mỹ phẩm, không Lancôme Max-factor cũng Shiseido, người ta điểm phấn tô son lại cho Má, để Má ngạo với nhơn gian nửa nụ cười nha Má. Tui để ý thấy nhiều người bạn cũ của Má, người ta cũng lẻ bạn thiếu bày, xứ lạ ngộ cố tri sao Má không làm thân mà kiếm đường xa lánh họ vậy chớ.
Má coi đó, bây giờ tuổi thọ của con người dài ra tới cả trăm tuổi. Nhìn cảnh Má thui thủi vào ra, tui nghĩ tới chuyện yêu đương, ngặt nỗi người tui yêu cũng một con một mẹ, hai đứa tui thiệt không biết tính sao, hễ tui theo chồng bỏ Má tui không nỡ, mà ảnh theo tui bỏ má ảnh, cũng không đành. Nỗi niềm của người đàn bà soi đèn bóng lẻ kể ra buồn biết mấy Má ơi! Rồi Má thấy thiên tai rầm rập tới hông? Má không mau kiếm bạn, đến hồi tận thế biết nắm lấy tay ai đặng đi vào miền vĩnh cửu hả Má?
Má ơi! Nghe lời tui đi lấy chồng nghen Má, lấy cho có bạn hủ hỉ sớm hôm, lấy cho có người chung đèn chiều tà bóng xế, còn chuyện “nhô đầu dọc” – “nẩy nét ngang” giờ thành chuyện cổ tích cho rồi, ai còn đọc được chữ Hán nữa mà nói.
linhvang
#373 Posted : Friday, May 16, 2008 7:14:46 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
quote:
Gởi bởi ngodong


Má coi đó, bây giờ tuổi thọ của con người dài ra tới cả trăm tuổi. Nhìn cảnh Má thui thủi vào ra, tui nghĩ tới chuyện yêu đương, ngặt nỗi người tui yêu cũng một con một mẹ, hai đứa tui thiệt không biết tính sao, hễ tui theo chồng bỏ Má tui không nỡ, mà ảnh theo tui bỏ má ảnh, cũng không đành.


Té ra là nàng xúi má nàng đi lấy chồng để nàng an tâm mà cũng đi lấy chồng. Big Smile
ngodong
#374 Posted : Thursday, May 22, 2008 10:52:57 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Ngon nên Độc

Tự dưng hôm nay nhớ đến vị món thịt ba rọi khìa, mà lâu lắm rồi không sao tìm ra được, cũng một cách nấu cũng một cách nêm mếm mà tại sao vị giác không tìm lại được hương xưa.

Có nhiều món ăn trở thành kỷ niệm, luồn lách nằm đâu đó trong lòng. Chợ ngày nay bày thịt thứ tự trong tủ kính, chợ ngày xưa thớt thịt heo, cả một tảng thịt heo treo trên móc sắt.
Cho đến nay tôi vẫn không hiểu tại sao người ta gọi quầy bán thịt là thớt thịt, có lẽ tại người ta có cái thớt thật to để trên sạp bán chăng? Thớt thường được dùng bằng thân cây me già, đường kính đến nửa thước, dầy đến hơn ba tấc, nó bị khuyết hẳn một góc nơi ông hàng thịt dùng chặt nhiều năm. Nói đến ông hàng thịt, lại nghĩ đến cái bụng phệ và tấm tạp dề màu cháo lòng, hình ảnh nối tiếp hình ảnh. Nói đến tấm thớt nhớ hàng me đường Trần Quí Cáp, khoảng năm 1978 hàng cây bị đốn và người ta bán thớt me ngay bên lề đường. Rồi nhớ đến buổi sáng mờ sương, chiếc xe tải chở thịt heo từ lò mổ heo Chánh Hưng đến chợ, từ chiếc xe này, người ta vác từng nửa con heo một, vào chợ giao cho bạn hàng.
Tôi nhớ hình ảnh người thanh niên cởi trần, một miếng ny lông to phủ từ đầu, qua vai xuống hết tấm lưng, là nơi nửa con heo nằm trên đó cho anh mang vào chợ, anh ta đi nhanh như chạy, miệng kêu: “nước sôi, nước sôi” nhịp bước làm hai cái giò heo đong đưa. Tôi thích đi chợ sáng sớm, nhịp sống tỉnh thức, hàng hoa thơm, hàng rau quả tươi, hàng thịt còn nóng, cá lóc cá rô quẫy nước văng tung tóe, tiếng nói tiếng cười, ngay cả tiếng cãi vã. Hình ảnh chị gánh nước mướn, đong đưa đôi thùng, giao nước cho từng sạp hàng, chỉ xẩy ra vào sáng sớm, sau đó chợ đông không còn nơi cho chị di chuyển nữa.
Hình ảnh sinh động, không khí thanh lành trong chợ như bức tranh. Ông hàng thịt có ba con dao, một to bản, một trung, một lá lúa, tôi ngắm ông mài dao trong khi tôi đòi mua nửa kí ba rọi, bằng một động tác nhanh và dứt khoát, ông cắt vào thân nửa con heo, treo trên móc sắt đong đưa sau lưng ông, rồi ném miếng thịt lên đĩa của bàn cân, bên đầu đĩa kia là cục cân bằng chì, hình bát giác có ghi dấu ½ kg. Ông cắt thịt chính xác đến nỗi ít khi phải thêm vào hay bớt đi. Thông thường nếu thịt hơi giác, ông vẫn tính tiền nửa kí, nếu bị hơi yếu ông tự động bớt tiền để người mua là tôi được hài lòng. Con dao bản to ông dùng chặt xương, dao bản vừa ông dùng để xả thịt, bầy trên quầy hàng, dao lá lúa ông dùng để lóc da, . Khoảng đến trưa là sập hàng của ông không còn gì để bán, vì phần thịt vụn các hàng cơm mua mão hết.
Bên Việt-Nam, nhà nào có mặt tiền trong chợ, sẽ thành tiệm bán hàng, nếu không cũng cho người mướn để buôn bán. Hàng thịt tôi kể ở trên là căn nhà hai tầng, tầng trệt bán hàng, tầng trên để ở, không biết sống ngay trong chợ như thế có vui không, may mà ngày xưa chợ họp chỉ nửa ngày là hết.
Miếng thịt ba rọi khi xưa được gói trong lá chuối, hay cột bằng dây lác, lớp mỡ dầy, lớp da mỏng có in dấu kiểm dịch bằng mộc tím, mang về thái mỏng khìa với nước mắm, hành hương và đường, đường cháy vàng làm miếng da trở thành màu hổ phách, ăn thịt kiểu này cùng cơm nguội sao ngon lạ lùng, có lẽ tại vì mỡ béo chăng.
Cầu kỳ hơn thì có dưa chua kho chung, chua chua ngọt ngọt béo béo, thêm chút lành lạnh trời mưa thì chỉ cần có thế cũng ăn hết vài bát cơm không chán. Còn món tép bạc rang, thêm thịt ba rọi, con tép bỗng mượt mà hơn, duyên dáng hơn. Thịt ba rọi là cách của người miền nam gọi, người miền bắc gọi là thịt ba chỉ, món ăn miền nào cũng cần thịt ba rọi, chưng mắm không có thịt ba rọi, không cách chi mắm ngon. Miền trung chỉ cần miếng rọi bằm cho vào chén mắm thêm chút gừng, chưng vừa chín thịt, mang ra thời đủ hết nồi cơm. Mì quảng cũng phải có ba rọi, nấu thịt đùi, mì quảng không thơm. Món măng xào thịt ba rọi, cũng không kém phần mặn mòi, măng tự nó chẳng có chất gì bổ dưỡng, ăn là ăn vị nhẫn nhẫn hăng hăng, mùi bụt măng vừa hái có lẫn mùi đất, mùi mưa đầu mùa. Tôi mua thử bụt măng tươi trồng bên Florida, nó không có mùi tôi nhung nhớ.
Nghĩ đến thịt ba rọi, nhớ món thịt ba rọi chắc vì bây giờ tôi không dám ăn mỡ, bỗng dưng sợ mỡ, nhất là sau khi thấy chén thịt kho cất vào tủ lạnh qua đêm, sáng dậy một lớp mỡ dầy đóng cứng, tưởng tượng cũng chất mỡ ấy đóng trong mạch máu ghê ghê cả mình, mà lại thèm khan, nhớ khan rồi viết xuống thế này.
Tôi có lần nhìn tận mắt người ta mổ heo làm đám cưới, tôi biết cảm giác âm ấm của thịt vừa mổ xong, loại thịt này giã giò là hạng nhất, nói đến ăn thịt là sát sanh quả có đúng thật, có thời tôi ăn chay, không đụng đến thịt vì hứa hẹn van vái, hơn là vì thương các con vật bị đưa vào thực đơn của con người, càng ngày khoa học càng tìm ra nhiều điều về cơ thể con vật có cùng cách vận hành như của con người, lý do người ta hay dùng động vật để thử nghiệm đủ mọi thứ hóa chất.

Sống ở Mỹ, người ta quen với thịt cá phải làm sạch sẵn, không được thấy máu, không được thấy khi con người giết con vật, nên nếu thấy cảnh mổ heo chắc họ khóc rưng rức, khóc thét vì kinh hãi.

Cái thủ lợn, cái đầu heo là phần trịnh trọng, là phần quí nhất của con heo, sống ở Mỹ nếu không ở gần khu Á đông hẳn là khó kiếm, tôi nhớ có lệ, sau ngày cưới nếu cô dâu không còn trinh trắng, thì ngày nhị hỉ, sẽ bị bên chồng gởi cho mang về nhà cha mẹ ruột cái đầu heo bị thẻo mất một bên tai. Bên này không có bán đầu heo, nên các cô chẳng có gì phải lo lắng sau ngày cưới.

Miếng ngon thường độc địa, và dĩ nhiên chẳng phải chỉ có miếng ăn mới thế.

PC
#375 Posted : Friday, May 23, 2008 5:19:37 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Chị ngodong nhận xét tinh tế quá. Mà thật không ngờ là những hình ảnh quen thuộc như trên nay đã trở thành ký ức xa xôi nào rồi. Ôi, ta đã già rồi mà ta không hay ....

Mà rồi khi không chị thòng vô cái câu kết làm mất đi cái vẻ hồn nhiên chất phác của người đang mỏi cổ trông về quá khứ. Có cần thiết đưa cái câu đó vô không vậy?

Huệ
#376 Posted : Friday, May 23, 2008 9:49:43 AM(UTC)
Huệ

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2,105
Points: 0


Người mỏi cổ trông về quá khứ quả là tinh tế, dẫn người đọc lùi vào kỷ niệm với những hình ảnh và âm thanh nào dễ dầu quên, nhưng chẳng phải ai cũng nhớ. Từ chỗ khuyết trên cái thớt thịt, đến hai cái giò heo đong đưa theo nhịp đi nhanh như chạy của người thanh niên, từ chị gánh nước mướn chỉ có trong buổi sáng sớm tinh mơ, đến những quả cân hình bát giác, cùng với cách sử dụng ngôn ngữ và văn phong, tác giả dẫn tôi đi từ thú vị này đến thú vị khác. Chỉ có một miếng thịt ba chỉ thôi mà dưới ngòi bút của Ngô Đồng bao nhiêu vẻ đẹp được phô ra, mọi điều được trân trọng, cuộc sống như giàu thêm lên. Xin cảm ơn Ngô Đồng..

ngodong
#377 Posted : Friday, May 23, 2008 1:15:11 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
quote:
Gởi bởi PC


Mà rồi khi không chị thòng vô cái câu kết làm mất đi cái vẻ hồn nhiên chất phác của người đang mỏi cổ trông về quá khứ. Có cần thiết đưa cái câu đó vô không vậy?





Cái câu cuối là bằng chứng cho cái câu

Mà thật không ngờ là những hình ảnh quen thuộc như trên nay đã trở thành ký ức xa xôi nào rồi. Ôi, ta đã già rồi mà ta không hay ....

Khi người ta già ký ức xa xôi hay trộn vào cay đắng đời thường, không còn hồn nhiên chất phác hoàn toàn nữa, em nhớ ông gò thùng thiết, hàn máng xối, cái sập hàng thấp, cái "đòn" cho mình ngồi xệp ăn đĩa bánh cuốn, nhớ lang thang sang hàng guốc, mua đôi guốc xong chọn quai, cô hàng cầm cây búa đầu nhỏ đóng đinh vào . Chị nhớ miếng da cô ấy cắt vừa xinh với chiều dầy của guốc không ?

Chị Huệ ơi khi em nhớ, cả một khung cảnh rõ rệt như bức tranh. Em có duyên sao đó mà các bà hàng ai cũng rủ rê: "Mai cô ra mở hàng nữa ha." Em không trả giá nhưng luôn được cho thêm.



PC
#378 Posted : Sunday, May 25, 2008 3:03:24 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Hồi nhỏ mình lại ít mang guốc, tại nó kêu lộp cộp gây tiếng động nhiều quá. Nhưng thấy các chị mang guốc Đa Kao. Có thời mang guốc vông, chiếc guốc không có eo iếc gì hết. Đi guốc nửa đường bị sút quai thì phải xách, thiệt là bất tiện. Thiệt ra mình đi chân không nhiều hồi còn bé, để chạy chơi cho dễ đó mà.

ngodong
#379 Posted : Friday, May 30, 2008 4:40:12 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)

Ngọt Ngào

Ngọt như mía lau, ngọt như đường cát, ngọt như cây kẹo kéo thuở còn thơ ấu. Cây kẹo kéo có màu hồng, màu xanh, hay chỉ đơn sơ màu trắng.
Ngọt mật chết ruồi, ngọt kẹo kéo chẳng chết ai chỉ làm đôi mắt trẻ thơ lung linh ánh nắng.

Từ bao lâu rồi tôi không còn thấy xe bán kẹo kéo, từ bao lâu rồi chiếc xe đạp có chở theo chiếc thùng đóng bằng gỗ đã đi vào quên lãng, và từ bao lâu rồi tuổi thơ tôi đóng băng, cho đến sáng nay, ngụm cà phê pha vội đánh thức đầu lưỡi lười biếng choàng tỉnh, nhớ vị ngọt thanh tao của đường và lạc rang trong chiếc kẹo kéo nhỏ bằng ngón tay, dài bằng gang tay.

Tuổi thơ là hành trang cho tôi bước tung tăng vào đời, có thể nhiều người không thích mớ hành trang ngây dại ấy, tôi thì thích ôm đồm, khuân vác, nên tôi giữ tất cả vào một góc tâm tư riêng rẽ, lâu lâu chui vào tìm kiếm hình ảnh ngày thơ.

Tôi cất dấu đâu đó mớ hành trang cồng kềnh, linh tinh lang tang thơ dại, chỉ chờ có người nhắc đến là tự khắc nó nở bung ra, như trái nổ thả vào trong nước, như đóa hoa ny lông một lần tôi được cho, cái thời đồ chơi là một gia tài quí giá, quý hơn viên kim cương to nhất thế giới, quý hơn món quà người yêu đầu đem tặng đêm ba mươi Tết, quý hơn chiếc nhẫn cưới thề hứa nhẫn nhịn. Sáng nay trong mớ hành trang ấy, chiếc xe bán kẹo kéo lừng lững đi ra từ góc hồn tôi, tiếng leng keng của chiếc chuông đồng đục, không giống tiếng chuông thanh lạnh của chiếc xe bán cà rem.

Ông hàng bán kẹo kéo có cái mũ nồi, hình ảnh chiếc mũ ấy có lẽ tôi không tả sao cho đúng, nếu của người giàu có sang trọng, người ta phải dùng si trắng chải cho cái mũ trắng thêm lên, còn của ông hàng kẹo kéo thì chiếc mũ có màu vàng của tấm ảnh đen trắng cũ, đã phai màu. Ông luôn mặc chiếc áo sơ mi màu sáng, không bỏ áo vào quần như các ông công chức sáng cắp ô đi chiều cắp về. Buổi sáng, ông đến dựng chiếc xe dưới gốc cây to, gần cổng trường tôi đi học thêm, lúc ấy còn mùa hè, tôi phải đến ở với bà nội vì mẹ tôi có thêm em bé. Ngôi trường ấy bên trong nhà thờ Tân Sa Châu, cái cây ấy hình như là cây đa, nó có trái vàng nho nhỏ. Ký ức của tôi bây giờ, có màn sương mù che phủ huyễn hoặc, mơ mơ hồ hồ, chỉ hình ảnh của ông bán kẹo kéo là nổi rõ hẳn lên, từ cách ông dựng chiếc xe đạp, đến cách ông kéo kẹo. Mọi thứ đồ lề ông mang theo làm kẹo, được cất trong cái thùng gỗ, đóng khéo léo đặt trên cái yên xe đằng sau lưng ông. Nên chiếc xe của ông phải có cái chống to bảng để chịu được sức nặng ấy .
Sau lễ sớm, tôi đi thẳng sang trường học và đến ngồi xổm, chống hai tay vào má nhìn ông làm việc. Dưới gốc cây đa to, ông có một cái khoen để treo cái móc sắt to và dài khoảng hai gang tay. Ông nhẹ nhàng mở cánh cửa bên hông của cái thùng, lấy cái bếp lò ra quạt than ngay, sau đó ông mới mở cái nắp trên mặt thùng và trải miếng vải màu ngà vuông vắn lên nó. Ông sẽ sàng đặt chiếc chảo nhôm bóng loáng bên trong, phần bên ngoài phủ lớp lọ đen dầy lên bếp, cùng lúc ông mở hộp đường cát trắng đổ vào chảo, với chút xíu nước, đôi đũa ông dùng khuấy đường cũng lạ mắt, nó được vót bằng tre cật, lên nước bóng màu nâu, ông chậm rãi khuấy cho đến khi bọt xủi tăm trong chảo đường, khi này mùi đường thơm ngọt ngào cả khoảnh sân rộng, bên cạnh tôi từ lúc nào có thêm vài đứa ngồi xổm mê man nhìn và ngửi mùi đường, chờ kẹo kéo.

Ngồi nhìn ông làm kẹo là cái lệ mỗi sáng của tôi, thay vì chạy đi chơi nhảy dây hay đuổi bắt, tôi quen với ông vì thế, nên ông chỉ cho tôi xem giọt đường lắng nằm tròn xinh dưới đáy bát nước, như hạt ngọc không bị tan đi, ông bảo: “Đường tới thì rồi này cháu.” Khi này là lúc ông gắp than ra ngoài, hạ nhiệt độ và để hết tâm hồn của ông vào việc làm kẹo, sau khi ông nhanh nhẹn vắt vài giọt chanh vào chảo. Hai chiếc đũa đùa trong chảo đường đã thành chất dẻo, càng lúc càng nặng trên hai cánh tay ông, cho đến khi ông dùng đũa nhấc được hết cả khối đường dẻo ấy lên, ông đeo chiếc bao tay cũng may bằng vải, và bằng động tác nhanh như kéo lưới, ông vắt tảng đường lên móc, kéo dài nó ra, lại vắt lên móc, lại kéo dài ra, cứ thế cho đến khi đường cứng lại, ông dùng kéo cắt từng đọan dài hơn một tấc, xếp lên vuông vải ông đã trải ra từ trước. Tôi không nhớ một khúc kẹo ấy là bao nhiêu tiền, có thể vài xu là cùng. Kẹo có lạc rang bên trong, cũng làm như thế, nhưng ông khuấy thêm bột vào, đường sẽ thành một khối kẹo dẻo, ông đổ kẹo này lên mặt vải có rắc bột, rồi ông cho lạc (đậy phọng) vào giừa, cuộn tròn gói kín lại, chỉ mở vừa đủ cho ông kéo dài kẹo ra, cắt thành tiếng “cụp” gói vào miếng giấy mỏng đưa cho người mua thường là các cô các cậu học trò, khi cười khoe ra mấy cái răng cửa bị sâu siết dễ thương.
Tôi ăn sáng bằng kẹo kéo, hôm thì kẹo hồng, hôm thì kẹo có lạc rang, khi thì kẹo trắng, học mùa hè chơi nhiều hơn học, nhiều hôm mải xem ông làm kẹo, tôi không nghe tiếng kẻng vào học, ông phải nhắc.
Khi tôi tan học, ông không còn nơi gốc cây đa nữa, có lẽ khi ấy ông đạp xe đi bán dạo, cùng tiếng chuông đục leng kenh của ông. Có đôi lần ông đi ngang nhà tôi, thế nào tôi cũng chạy ùa ra cửa kêu to: “ Ông kẹo kéo, ông kẹo kéo ơi” thế là ông ghé vào ngay cửa, bà nội tôi lại = bảo: “Ông xem cháu nó ăn kẹo của ông đến sún hết cả răng!” Nói thế rồi bà cũng kéo chiếc áo cánh lên, lấy tiền trong ‘áo túi’ ra mua cho tôi cây kẹo.

Trí óc non nớt của tôi khi ấy, chẳng tính toán ông bán kẹo như thế có đủ nuôi gia đình không, nhưng sự hiểu biết của tôi bây giờ thì biết ông phải có kinh nghiệm nhiều lắm mới có thể, tính toán làm sao cho đường nóng chảy vừa đủ, để kéo thành kẹo, phải pha bột như thế nào cho đường không đóng cứng, phải chờ đến khi ông kéo dài ra cả tấc, đường mới cứng lại thành kẹo. Một điều ông không thể biết là tôi, con bé tóc bum-bê ngồi xem ông làm kẹo thời ấy vẫn nhớ như in đến bây giờ hình ảnh kéo kẹo của ông.

Tuổi thơ may mắn của tôi đẫm ngọt ngào kẹo kéo, đẫm yêu thương gia đình, nên đường đời đôi lúc gặp đắng cay, vị đường thơ ấu đủ pha vào cho tôi uống mà không bị nhăn mặt.Ngọt như mía lau, ngọt như đường cát, ngọt như cây kẹo kéo thuở còn thơ ấu. Cây kẹo kéo có màu hồng, màu xanh, hay chỉ đơn sơ màu trắng.
Ngọt mật chết ruồi, ngọt kẹo kéo chẳng chết ai chỉ làm đôi mắt trẻ thơ lung linh ánh nắng.

Từ bao lâu rồi tôi không còn thấy xe bán kẹo kéo, từ bao lâu rồi chiếc xe đạp có chở theo chiếc thùng đóng bằng gỗ đã đi vào quên lãng, và từ bao lâu rồi tuổi thơ tôi đóng băng, cho đến sáng nay, ngụm cà phê pha vội đánh thức đầu lưỡi lười biếng choàng tỉnh, nhớ vị ngọt thanh tao của đường và lạc rang trong chiếc kẹo kéo nhỏ bằng ngón tay, dài bằng gang tay.

Tuổi thơ là hành trang cho tôi bước tung tăng vào đời, có thể nhiều người không thích mớ hành trang ngây dại ấy, tôi thì thích ôm đồm, khuân vác, nên tôi giữ tất cả vào một góc tâm tư riêng rẽ, lâu lâu chui vào tìm kiếm hình ảnh ngày thơ.

Tôi cất dấu đâu đó mớ hành trang cồng kềnh, linh tinh lang tang thơ dại, chỉ chờ có người nhắc đến là tự khắc nó nở bung ra, như trái nổ thả vào trong nước, như đóa hoa ny lông một lần tôi được cho, cái thời đồ chơi là một gia tài quí giá, quý hơn viên kim cương to nhất thế giới, quý hơn món quà người yêu đầu đem tặng đêm ba mươi Tết, quý hơn chiếc nhẫn cưới thề hứa nhẫn nhịn. Sáng nay trong mớ hành trang ấy, chiếc xe bán kẹo kéo lừng lững đi ra từ góc hồn tôi, tiếng leng keng của chiếc chuông đồng đục, không giống tiếng chuông thanh lạnh của chiếc xe bán cà rem.

Ông hàng bán kẹo kéo có cái mũ nồi, hình ảnh chiếc mũ ấy có lẽ tôi không tả sao cho đúng, nếu của người giàu có sang trọng, người ta phải dùng si trắng chải cho cái mũ trắng thêm lên, còn của ông hàng kẹo kéo thì chiếc mũ có màu vàng của tấm ảnh đen trắng cũ, đã phai màu. Ông luôn mặc chiếc áo sơ mi màu sáng, không bỏ áo vào quần như các ông công chức sáng cắp ô đi chiều cắp về. Buổi sáng, ông đến dựng chiếc xe dưới gốc cây to, gần cổng trường tôi đi học thêm, lúc ấy còn mùa hè, tôi phải đến ở với bà nội vì mẹ tôi có thêm em bé. Ngôi trường ấy bên trong nhà thờ Tân Sa Châu, cái cây ấy hình như là cây đa, nó có trái vàng nho nhỏ. Ký ức của tôi bây giờ, có màn sương mù che phủ huyễn hoặc, mơ mơ hồ hồ, chỉ hình ảnh của ông bán kẹo kéo là nổi rõ hẳn lên, từ cách ông dựng chiếc xe đạp, đến cách ông kéo kẹo. Mọi thứ đồ lề ông mang theo làm kẹo, được cất trong cái thùng gỗ, đóng khéo léo đặt trên cái yên xe đằng sau lưng ông. Nên chiếc xe của ông phải có cái chống to bảng để chịu được sức nặng ấy .
Sau lễ sớm, tôi đi thẳng sang trường học và đến ngồi xổm, chống hai tay vào má nhìn ông làm việc. Dưới gốc cây đa to, ông có một cái khoen để treo cái móc sắt to và dài khoảng hai gang tay. Ông nhẹ nhàng mở cánh cửa bên hông của cái thùng, lấy cái bếp lò ra quạt than ngay, sau đó ông mới mở cái nắp trên mặt thùng và trải miếng vải màu ngà vuông vắn lên nó. Ông sẽ sàng đặt chiếc chảo nhôm bóng loáng bên trong, phần bên ngoài phủ lớp lọ đen dầy lên bếp, cùng lúc ông mở hộp đường cát trắng đổ vào chảo, với chút xíu nước, đôi đũa ông dùng khuấy đường cũng lạ mắt, nó được vót bằng tre cật, lên nước bóng màu nâu, ông chậm rãi khuấy cho đến khi bọt xủi tăm trong chảo đường, khi này mùi đường thơm ngọt ngào cả khoảnh sân rộng, bên cạnh tôi từ lúc nào có thêm vài đứa ngồi xổm mê man nhìn và ngửi mùi đường, chờ kẹo kéo.

Ngồi nhìn ông làm kẹo là cái lệ mỗi sáng của tôi, thay vì chạy đi chơi nhảy dây hay đuổi bắt, tôi quen với ông vì thế, nên ông chỉ cho tôi xem giọt đường lắng nằm tròn xinh dưới đáy bát nước, như hạt ngọc không bị tan đi, ông bảo: “Đường tới thì rồi này cháu.” Khi này là lúc ông gắp than ra ngoài, hạ nhiệt độ và để hết tâm hồn của ông vào việc làm kẹo, sau khi ông nhanh nhẹn vắt vài giọt chanh vào chảo. Hai chiếc đũa đùa trong chảo đường đã thành chất dẻo, càng lúc càng nặng trên hai cánh tay ông, cho đến khi ông dùng đũa nhấc được hết cả khối đường dẻo ấy lên, ông đeo chiếc bao tay cũng may bằng vải, và bằng động tác nhanh như kéo lưới, ông vắt tảng đường lên móc, kéo dài nó ra, lại vắt lên móc, lại kéo dài ra, cứ thế cho đến khi đường cứng lại, ông dùng kéo cắt từng đọan dài hơn một tấc, xếp lên vuông vải ông đã trải ra từ trước. Tôi không nhớ một khúc kẹo ấy là bao nhiêu tiền, có thể vài xu là cùng. Kẹo có lạc rang bên trong, cũng làm như thế, nhưng ông khuấy thêm bột vào, đường sẽ thành một khối kẹo dẻo, ông đổ kẹo này lên mặt vải có rắc bột, rồi ông cho lạc (đậy phọng) vào giừa, cuộn tròn gói kín lại, chỉ mở vừa đủ cho ông kéo dài kẹo ra, cắt thành tiếng “cụp” gói vào miếng giấy mỏng đưa cho người mua thường là các cô các cậu học trò, khi cười khoe ra mấy cái răng cửa bị sâu siết dễ thương.
Tôi ăn sáng bằng kẹo kéo, hôm thì kẹo hồng, hôm thì kẹo có lạc rang, khi thì kẹo trắng, học mùa hè chơi nhiều hơn học, nhiều hôm mải xem ông làm kẹo, tôi không nghe tiếng kẻng vào học, ông phải nhắc.
Khi tôi tan học, ông không còn nơi gốc cây đa nữa, có lẽ khi ấy ông đạp xe đi bán dạo, cùng tiếng chuông đục leng kenh của ông. Có đôi lần ông đi ngang nhà tôi, thế nào tôi cũng chạy ùa ra cửa kêu to: “ Ông kẹo kéo, ông kẹo kéo ơi” thế là ông ghé vào ngay cửa, bà nội tôi lại = bảo: “Ông xem cháu nó ăn kẹo của ông đến sún hết cả răng!” Nói thế rồi bà cũng kéo chiếc áo cánh lên, lấy tiền trong ‘áo túi’ ra mua cho tôi cây kẹo.

Trí óc non nớt của tôi khi ấy, chẳng tính toán ông bán kẹo như thế có đủ nuôi gia đình không, nhưng sự hiểu biết của tôi bây giờ thì biết ông phải có kinh nghiệm nhiều lắm mới có thể, tính toán làm sao cho đường nóng chảy vừa đủ, để kéo thành kẹo, phải pha bột như thế nào cho đường không đóng cứng, phải chờ đến khi ông kéo dài ra cả tấc, đường mới cứng lại thành kẹo. Một điều ông không thể biết là tôi, con bé tóc bum-bê ngồi xem ông làm kẹo thời ấy vẫn nhớ như in đến bây giờ hình ảnh kéo kẹo của ông.

Tuổi thơ may mắn của tôi đẫm ngọt ngào kẹo kéo, đẫm yêu thương gia đình, nên đường đời đôi lúc gặp đắng cay, vị đường thơ ấu đủ pha vào cho tôi uống mà không bị nhăn mặt.
LanHuynh
#380 Posted : Friday, May 30, 2008 6:34:59 AM(UTC)
LanHuynh

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 861
Points: 36

Chị viết về kẹo kéo, LH nhớ lại, hồi về VN cách nay cũng 4, 5 năm thấy vẫn còn có người bán kẹo kéo. Thưởng thức món kẹo nầy vẫn còn thấy ngon như xưa......Rose
Users browsing this topic
Guest (3)
47 Pages«<1718192021>»
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.