Con Hư Tại . . .Ngày còn bé tôi hay nghe câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” khi các bà mẹ ẵm con, hay bà ngoại bà nội ẵm cháu chạy đi chỗ khác, lúc ông bố đang giận dữ la mắng con, hay đang hùng hổ nhịp nhịp cây roi mây định quất.
Hình ảnh trong thôn xóm nghèo, cha mẹ đánh con từ trên đầu bổ xuống vai, bằng sống lá dừa, bằng cây củi đang chẻ, bằng bất cứ thứ gì chụp được chung quanh, là điều thường bắt gặp, đứa trẻ có thể vì nghịch ngợm, làm biếng không chịu làm việc nhà phụ cha mẹ, có thể ham chơi không trông coi em đến nơi đến chốn, để em bị té ngã v.v mà bị đánh, bị đòn.
Các nhà trung lưu, cha mẹ răn dạy con bằng cách bắt con nằm xấp xuống sập gụ, hay giường đi-văng rồi dùng roi mây đánh vào mông khi con cãi không nghe lời. Cả hai cách đều là hình thức răn dạy con trẻ. Thông thường cha là người ra oai, còn mẹ và bà là hai người vuốt ve trẻ sau cơn thịnh nộ. Mẹ và Bà thường dùng lời nói nhẹ nhàng giải thích cho con trẻ nghe lý do tại sao con bị đánh, và dạy con phải vòng tay xin lỗi: “Con xin lỗi cha, từ rày về sau con không dám tái phạm nữa.” Có thể vài hôm sau khi con lươn từ chiếc roi mây hằn dấu trên mông phai đi, là khi con trẻ sẽ lập lại cái lỗi đã xin hôm trước, lại bị đòn và rồi sau đó không dám làm nữa.
Những bài ca dao:
- Bà ơi cháu rất yêu bà
Đi đâu bà cũng mang quà về cho
Hôm qua có cái bánh bò
Bà chia cho cháu phần to nhất nhà
Mỗi lần cháu chạy chơi xa
Mẹ cháu có đánh thì bà lại can
Cháu không nói bậy nói càn
Bà xoa đầu cháu khen ngoan: “cháu bà!”
Đã thành quá khứ, khi sinh sống trên nước “người ta” bà ngoại bà nội còn ở lại Việt Nam, hay ngay cả có bà ở gần, bà chưa đến tuổi về hưu cũng phải đi làm để đóng tiền nhà hàng tháng. Cha mẹ bôn ba xứ người, chồng “tếch” vợ “ly”, người làm ca sáng, kẻ làm ca chiều để chăm sóc đưa đón con đi học, đời sống mới ảnh hưởng vào nền tảng gia đình của người Việt Nam, chuyện con cái được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, trở thành hư hỏng là chuyện đau lòng không sao kể xiết.
Tôi ngồi im nghe bạn kể về con, nước mắt bạn đong đầy trong mắt, giọng nghẹn ngào thổn thức: “. . . ngay cả phải bán nhà cũng phải cứu con, làm sao sống được khi con lạc hẳn vào cần sa ma túy . . . . thân con thành món đồ chơi vì nó là con gái . . . . phải kể để các bậc phụ huynh khác biết mà giúp con . . . ”
Hai người bạn hiền lành của tôi, tình gia đình là trên hết, đi làm chăm chỉ mong vun đắp cho con nên người, mong con đi học cho xong có bằng cấp, mong con lập gia đình, có cháu để ẵm bồng, bốn đứa ba đã gần xong, bỗng dưng cô út bất thần trở thành con cừu đen vào lứa tuổi 13.
Tuổi 13 của tôi ngày xưa đi thưa về trình, tuổi 13 của tôi ngây ngô như thỏ, vú chũm cau còn nhảy dây đánh chuyền, tuổi 13 của Nguyên Sa:
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé đừng ngờ
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường .
Tuổi 13 bây giờ, ăn uống đầy đủ, dáng dấp nhìn như 16 – 17, tóc dài tha thướt nhưng cách ăn mặc ngông nghênh, áo trễ sâu, quần xệ thấp hơn rốn, nét đẹp mơn mởn hình hài bao bọc khối óc con nít trân, thành ra bao nhiêu sức hút lôi kéo con ra khỏi tầm tay mẹ. Đi học về con ngồi vào máy vi tính, mẹ hỏi: “đang làm gì?” Trả lời: “Đang học” Thật ra đang dùng yahoo messenger nói chuyện câm, với một đàn bạn mã ngưu hẹn hò làm các chuyện tày trời, đến khi mẹ cha biết được la mắng, tuổi 13 xách thân đi luôn. Cặp vứt ở nhà, quần áo cũng chẳng cần cắp theo.
Vào trường tìm ra được con năn nỉ xin con về, hứa không dám la mắng, chỉ cần con về nhà, con về nhưng bỗng thành xa lạ, thích đi đâu là đi, thâu đêm suốt sáng, bố nổi giận mắng, không dám cầm cây roi quất vào đít nó, chỉ mắng thế thôi, mà nó hầm hầm ra đi thật, đi lần này con bỏ nhà vào ngay một động ma cô. Có ở vào hoàn cảnh con hư mới biết luật lệ của Mỹ giăng ngang giăng dọc, không phải đi thưa cảnh sát là xong, không thể nhờ cảnh sát răn đe con, không thể nhờ cảnh sát bắt con về, mà phải tìm đúng nơi đúng chỗ mới có người can thiệp giúp con mình được.
Cha mẹ nào không nát tan lòng dạ khi con bướng bỉnh, tiếp xúc cùng những thành phần xấu, đành phải tìm tòi cho ra các trường “Boot camps” để gởi con vào.
http://www.bootcampsforteens.comNhìn giá tiền cha mẹ phải trả, để họ huấn luyện con thành người thuần thục, có ý thức xa lánh ma túy xa lánh điều xấu mà chóng mặt, đắt hơn tiền đóng học phí cho con đi học đại học bốn năm.
Thương bạn tôi quá, mắt trũng sâu, lời bạn nói: “ Mình thương con không để đâu cho hết, từ tiểu học lên đến lớp 6, con đẹp con thông minh, điểm 4 chấm, thầy cô bạn bè yêu quí, lên lớp 7 bắt đầu đi chơi mà mình không biết, đi làm về đến nhà đã thấy con ngồi trước máy computor để học, chỉ đến khi con đi chơi luôn cả buổi tối, mắng con, con bỏ đi luôn. Trong phòng bừa bộn dơ dáy, không cho mẹ đụng vào, nói đến là nó khóa cửa không thèm ra ngoài, la hét mắng trả lại mẹ, dĩ nhiên bằng tiếng Mỹ, đến nỗi có lúc nghĩ là thà đừng có con, ngay cả khi gọi cảnh sát báo về việc con bỏ nhà đi hoang, cảnh sát giảng giải họ không thể nào vô cớ vào nhà dân, để bắt một đứa bé ra khỏi nhà đó nếu không có trát tòa.” Ôi chao ơi lòng tôi thắt cả lại, bao nhiêu bà mẹ đau khổ giống bạn tôi?
Bạn tôi chỉ mong nuôi nấng con nên người, quên cả thân mình còm cõi, bạn kể nhiều lắm, chỉ một điều bạn lập đi lập lại, vì yêu con mà bạn kiên nhẫn chịu đựng, tiêu hết của cải đóng tiền học cho con, mong ngày con trở lại đời thường.
Là cha mẹ, ai trong chúng ta không mong con nên người hữu dụng, vác gánh nặng con hư trên vai không phải là dễ, mà xác định tại sao và ai làm cho con hư cũng không dễ để có câu trả lời xác đáng.