Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

47 Pages«<1516171819>»
Ngô Đồng Diệp Lạc
ngodong
#321 Posted : Saturday, July 7, 2007 10:53:43 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)

Đêm qua không thấy con chim mẹ ấp con, sáng nay cô đã trở về , những đoá quỳnh hương đã rũ, hai đêm trước hoa đã nở âm thầm, có lẽ cô chim bồ câu đất thích thú với mùi hương, say sưa cùng nét đẹp mà thanh thản ấp con hơn chăng.




Mỗi ngày tôi ngắm tổ chim bồ câu đất ngay cửa ra vào, năm nào vào mùa xuân - hè chim cũng trở về tổ cũ ấp con. Tôi nói hoài với chúng, tại sao dại dột thế hở chim?
Tổ làm không chắc chắn, đã bao lần trứng vỡ, đã bao lần mất con!
Tôi lại phải giúp cô nàng bằng cách dùng băng keo trong dán ngay phía dưới tổ để trứng không rớt vỡ, ngay cả để chậu hoa quỳnh ngay bên dưới hứng đỡ nếu chẳng may... thế mà hôm thứ sáu một cái trứng rớt xuống vỡ nát.
Lạ ghê không lẽ cô nàng ấp con đã mọc đủ lông cánh mà vẫn còn trứng khác đang ấp? hay là trái trứng ấy không nở????



Cô chim này quen thuộc với tôi đến nỗi, tôi chụp hình dùng đèn flash lóa sáng cô thản nhiên làm điệu cho tôi chụp hình cùng các con, dĩ nhiên tôi chụp hình mỗi ngày.



Nhìn cô duyên dáng thế này, có lẽ cô có lứa đầu, như người "gái một con trông mòn con mắt" chăng?




chim con to thế này vẫn được mẹ ấp ủ, hình như cô em còn rúc dưới bụng.



Mệt mỏi mẹ bay đi tìm thức ăn,





thân thiện đến nỗi mở cửa ra vào hoài cô nàng chẳng giật mình chi hết, nghĩ đến các loại chim khôn ngoan làm tổ ở những nơi hiểm hóc mà thương loài chim bồ câu đất này, chúng hiền lành khờ khạo dễ thương làm sao, ngay cả cái "bừa bãi" cũng tội nghiệp làm sao.

Con người cũng thế nhỉ, người lành thường không thèm "thủ" có nhận chút thiệt thòi cũng chẳng sao, người không ngoan thường lo lắng bị thua thiệt mà "thủ" mà "cung" mà thích "lấn lướt" thích "tiên hạ thủ vi cường" nên.... khổ sở mãi vì lo lắng.

Tôi thích sống như cô chim bồ câu đất này, chẳng lo lắng chi nhiều cho mệt, vì đời sống luôn có mọi nỗi lo lắng muộn phiền, nhất là cô chim này làm tổ ngay cửa nhà tôi luôn có thức ăn có nước uống, ngay cả nếu tôi không cho cô thức ăn nước uống cô cũng có thể tìm chung quanh cơ mà.

"Như chim ngoài đồng, như muôn loài ta đã tạo dựng, ta có để thiếu thốn chi!"
linhvang
#322 Posted : Monday, July 9, 2007 1:52:13 AM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Năm nay, chị N Đ được đi chơi nhiều nơi. floating
ngodong
#323 Posted : Thursday, July 12, 2007 11:08:50 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
LV ơi, năm nay tử vi của N Đ có Mã Khốc Khách vào ngay vượng địa á, bị đi, được đi giống như chị PC vậy đó.

Người cứ lả cả ra, đầu óc bềnh bồng bềnh bồng.... như lên đồng vậy đó.
Đúng với câu đi mây về gió hi hi hi, đừng nghĩ N Đ "phi" nha, chỉ tại máy bay đó thôi. Đố Bình Bông biết "phi" là gì, nói trước nha không có trong tự điển đâu đó.
ngodong
#324 Posted : Saturday, July 14, 2007 12:26:19 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Linh Hồn Dân Tộc - Hoài Cổ

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác ven sông chợ (rợ) mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.

Bỗng dưng cả bài thơ Qua Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan hiện ra trong óc tôi một cách nhẹ nhàng thông suốt, trên đường về nhà, sau khi tham dự ngày Đại Hội Champa 2007 được tổ chức vào hai ngày 7 và 8 tháng 7 năm 2007 tại Le Petit Trianon Theatre, trên đường số 5 thành phố San Jose .
Tôi biết có đại hội này không qua báo chí, mà qua diễn đàn của các anh Trần Lục. Lâu nay việc gia đình giữ chân tôi ở nhà nhiều hơn ra phố để dự hội.
Tôi tò mò khi đọc “Đại Hội Champa 2007 – Vấn đề văn hóa xã hội Champa 175 năm sau khi vương quốc này bị xóa bỏ trên bản đồ (1832-2007).” (Conference on Champa 2007 – Socio-cultural Issues of Champa 175 years arter its disappearance 1832-2007) Nhất là qua những câu chuyện trà dư tửu hậu, người ta hay kháo với nhau về chế độ mẫu hệ của dân tộc Chàm.
Cả hội trường đông đúc, trên lầu là phòng ăn, bên dưới là phòng hội thảo, các diễn giả là các chuyên gia của các trường đại học, các nhà nghiên cứu về Champa cùng các đại diện của cộng đồng Chàm ở Việt Nam, Cam Bốt, Mã Lai, Châu Âu và Hoa Kỳ. Tôi ngồi kề bên ông Cao Văn Đệ tên này được đặt vì ông cao, văn là chữ lót cho con trai và Đệ là phiên âm của David, ông tự giới thiệu như thế, ngoài ra vì nghiên cứu về dân tộc Chàm sống trên đất Việt Nam, ông có thêm tên Che Sah Binu. Ông David Griffiths Sox là một diễn giả trong ngày hội này.
Dĩ nhiên tôi hỏi lung tung về “mẫu hệ” là thế nào? Quyền lợi “mẫu hệ” ra sao? Được gì mất gì, tốt hay xấu giữa mẫu hệ và phụ hệ. Bốn câu trả lời tôi nhận được là bốn câu hoàn toàn khác nhau. Tôi hỏi một phụ nữ trung niên, câu trả lời: “Mẫu hệ là có con theo họ mẹ.” Hỏi một ông già lão: “Mẫu hệ là tôn sùng Mẹ, người sanh sản ra dân tộc.” Hỏi một cô tre trẻ: “Mẫu hệ là đàn bà có quyền nhiều hơn đàn ông.” Hỏi một anh trung niên: “Mẫu hệ là con gái đi cưới con trai.”
Tôi gặp anh Từ Công Phụng, anh còn mệt mỏi sau cuộc giải phẫu hơn một tháng trước, anh nói cho tôi nghe, mẫu hệ là con gái đến nhà con trai để hỏi cưới chồng, nhưng con cái vẫn phải theo họ của cha. Muốn biết về phong tục tập quán của dân tộc Chàm có lẽ tôi phải bỏ rất nhiều thời gian để tìm đọc sách, tìm đọc các nghiên cứu trong thư viện, chứ không thể nào tìm được trong các cuộc lễ hội thế này, vì chủ đề của đại hội chỉ nói đến văn hóa sau khi quốc gia đã bị xóa tên sau 175 năm.

Nói đến dân tộc Chàm (Champa) là nghĩ ngay đến Châu Ô – Châu Lý, nghĩ đến nàng công chúa Huyền Trân, nghĩ đến chuyện tình huyền thoại Huyền Trân-Trần Khắc Chung. Lịch sử muốn được nhớ, được nghĩ đến người ta thường hay dựng nên huyền thoại, người đương thời đôi khi viết truyện dã sử, dùng tên nhân vật có thật rồi thêm thắt theo ý mình, dựng thêm những tình tiết éo le lãng mạn, người đọc đôi khi không để ý cứ thế kể lại cho con cháu nghe theo ý của người đọc, lâu ngày chày tháng câu chuyện lịch sử bỗng trở thành câu chuyện tình diễm lệ có thể đóng thành phim.
175 năm sau ngày quốc gia Champa bị xóa tên trên bản đồ lịch sử, con cháu giòng tộc Champa đang cùng giòng Việt tộc phiêu du trên đất Mỹ tổ chức đại hội, tìm về văn hóa xã hội bản sắc riêng của dân tộc mình là điều thật đáng kính phục. Hơn một thế kỷ xương cốt tiền nhân đã thành bụi, những tháp Chàm u uẩn đứng chơ vơ trên những đoạn đường quốc lộ ngang qua Phan Thiết, Nha Trang. Có vào Tháp Bà Nha Trang xin xâm một lần hẳn không thể nào quên không khí lành lạnh buồn buồn từ trong tháp phả ra, mùi khói hương trầm uất, như than vãn “Hận Đồ Bàn” day dứt. Tôi đứng giữa những phụ nữ mặc lễ phục Chàm, chiếc áo dài kín tà, thay vì xẻ tà cao lên đến eo thành chiếc áo dài Việt Nam, người có đội khăn, người không, những chiếc khăn quàng phủ hết mái tóc, duyên dáng quàng quanh cổ. Phần các ông mặc chiếc áo bà ba vạt khách, tôi hỏi thăm một ông trong ban tổ chức, ông mặc áo có kết nút vải như áo người Trung Quốc: “Có phải đúng là áo của người Chàm mặc ngày xưa không?” Ông cười trả lời: “Không phải đâu, thêm nút tàu này, chỉ cho đẹp thôi.”
Champa là nói chung các chủng tộc: Chăm (Chàm) và những sắc dân Tây Nguyên như: Jarai, Edhé, Chru, Raglai, Bahnar, Sédang, Ma, Kaho, Stieng. Tôn giáo của Chàm pha trộn giữa Ấn Độ giáo và Hồi giáo từ thế kỷ thứ XI. Bây giờ thì tôn giáo chính là Hồi Giáo. Trôi nổi sau bao nhiêu thế kỷ, nỗi lòng của dân Chàm vẫn đau đáu mong chờ một ngày toàn tộc Chàm họp lại cùng nhau.
Tôi không hiểu ngôn ngữ người Champa pha trộn thế nào, nhưng trong ngày hội, khi anh Ramh Dock lên sân khấu trình diễn hai nhạc cụ, được anh tự chế tạo bằng tre tại tiểu bang North Carolina, Hoa Kỳ anh đã phải dùng Anh Ngữ. Tiếng Việt cũng được dùng loáng thoáng, khi tôi không hiểu rõ điều mình được trả lời.

Chương trình văn nghệ thật phong phú, qua các vũ điệu nhịp nhàng, trong trang phục đầy màu sắc, tôi biết các em đã bỏ rất nhiều công sức để tập dượt. Các bài hát tôi được nghe, thanh âm buồn rầu, âm điệu vời vợi giống như những bài hát thời chinh chiến của Việt Nam, bất ngờ bài “Nỗi buồn Châu Pha” ngọt lịm cất lên chứng minh cho điều tôi suy nghĩ:
Ngờ đâu tâm tư nàng đã trót ôm một nỗi buồn.
Chiều mưa rơi rơi, nàng hay đứng âm thầm nhớ ai...
Nhưng rồi một hôm nao, chim rừng lại ríu rít
Đón anh chiến sĩ về thăm buông làng, núi đồi.
Rượu cần lại mang thêm ra, rừng vàng rộn vui câu ca.
Đêm liên hoan, Châu Pha như hoa xinh đẹp nụ cười sáng ngời
À thì ra Châu Pha đã để ý thương anh lính trận.
Chiều nao qua buông, cùng sơn nữ duyên nồng thắm trao.
Bà con thường trêu Châu Pha, niềm riêng thường hay dấu kín.
Nhưng nay ai ai cũng hiểu nỗi buồn Châu Pha . (Lê Dinh)
Như đã nhắc ở trên, trong chương trình văn nghệ này, đàn t’rưng tôi đã nghe đã thấy, âm thanh tạo ra từ các ống tre dài ngắn khác nhau, còn đàn g’ong là lần đầu tôi thấy, nó giông giống như cây đàn cò, nhưng có nhiều dây hơn, các đọan dây dài ngắn và nhất là hai trái bầu khô, được dùng như thùng đàn tạo nên âm thanh trầm đục. Ban tổ chức chỉ cho anh Dock đúng năm phút quá ít ỏi để giới thiệu về loại nhạc cụ Tây nguyên này thật là đáng tiếc, anh đã được phần thưởng tại tiểu bang North Carolina, từ các nhạc cụ này.


Tôi không dám viết về một văn hóa, một đặc tính dân tộc, tôi chỉ dám nhìn ngắm nét đẹp “hoài cổ” sau 175 năm, tìm đến họp lại cùng nhau, nhắc nhở đến tiền nhân, ôn lại lịch sử. Tôi ngắm sự tương kính của thế hệ trẻ đến các bậc trưởng lão, tôi nghe tiếng kêu: “Ông – Cậu” những vái chào những nụ cười rạng rỡ, có lẽ còn vướng vất đâu đó nỗi hờn trách Đại Việt đã cố tình xóa đi chủng tộc Champ từ thời vua Minh Mạng trong câu: “ The year 1832 brought great tragedy to Champa. After wiping the country off the map, Emperor Minh Menh pursuued a policy of ethnic cleansing toward the defeated peoples.”
Trong sự suy nghĩ rất “đàn bà" của tôi, “dân tộc có nhiều anh hùng là dân tộc đau khổ” tôi không nhớ câu nói của ai, nhưng nó đúng qúa, dân tộc giàu có sung sướng như dân tộc Mỹ, anh hùng của họ là anh chàng đá banh, anh chàng ném bóng. Người chiến thắng tiếp tục lăn cỗ xe lịch sử, kẻ chiến bại tìm đến với nhau để nuối tiếc thời vàng son và ngậm ngùi nhắc nhở quá khứ “hồn về trên tháp ma.”
Chỉ sau 32 năm lìa quê cha đất tổ, văn hóa xã hội trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã có những thay đổi, thì sau 175 năm mất nước, sự tìm về bản sắc dân tộc đặc thù, còn gập ghềnh gian khó đến đâu.
Họp lại cùng nhau để cùng thảo luận một vấn đề, đã là triện son đóng dấu cho ngày lễ hội Champa 2007.
ngodong
#325 Posted : Friday, July 27, 2007 10:40:55 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
BÁO

Sáng thứ sáu được nghỉ làm ở nhà, không cần phải lầu bầu “ti gi ai ép” (TGIF) trong văn phòng, tôi khoác áo nghỉ làm đi mua thức ăn sáng. Phải giải thích về cụm từ “khoác áo nghỉ làm” có nghĩa là mặc bất cứ áo nào gần tầm tay, không cần phải tìm đúng màu, hợp sắc cùng quần, cùng dép, cùng ví cùng mấy thứ lỉnh kỉng vòng tay, kẹp tóc và nhất là không trang điểm gì hết, như khi đi làm. Có những lúc chẳng cần “điểm phấn tô son lại” cũng dám “ngạo với nhân gian nửa nụ cười.”

Đi mua thức ăn sáng cũng là đi tìm báo để đọc, đôi khi được nhiều chuyện cùng cô bán hàng, xin đừng nhếch môi cười khểnh: “Còn phải bảo, các bà không nhiều chuyện thì ai vào đây!”
Câu chuyện từ một tờ tuần báo đang gây sóng gió, khiến tôi tò mò vài điều. Tôi đánh bạo hỏi các anh đang ngồi quanh một chiếc bàn, trước hàng hiên tiệm bánh mì Đa Kao, có thể gọi tạm là cà phê vỉa hè, các anh ngồi gần các xấp báo biếu: nhật báo có Thời Báo - Việt Nam; tuần báo có V-Times và Việt Weekly.

Tôi xin phép hỏi một câu: “Các anh nghĩ gì về tờ Việt Weekly?” Dĩ nhiên các anh cũng hỏi lại tôi tại sao tôi hỏi, và câu chuyện cứ thế miên man, không ngừng chỉ một câu hỏi.

Các câu trả lời: “Đọc vui vui vì Việt Weekly viết về mặt trái nhiều,” “Viết những điều các báo khác không viết,” “Viết và dùng chữ y như lúc tụi tui ngồi nói chuyện quanh ly cà phê nên gần gũi,” “Việt Weekly không có tin tức.” “Truyện ngắn một trăm chữ, của độc giả gởi đến đọc thích lắm, rất thật. Toàn những chuyện không được các báo khác đăng, như con cái ghét cha mẹ, vợ không ưa thích chồng, chồng ghét vợ mà phải sống với nhau. Nói chung là nói về những điều xấu, nói về những mặt trái không ai dám nói đến.”

Cũng trong câu chuyện râm ran ngắn ngủi, tôi nghe khẳng định rằng: “Báo chí Việt Ngữ sẽ sống hoài không thể nào chết được, vì các con các cháu đang tập đọc báo, cha mẹ đưa con đi học Việt Ngữ tại các trường dậy tiếng Việt, tại các nhà thờ, các nhà chùa,” sau khi tôi nói: “Mai này khi chúng ta già và mất đi, không biết có ai còn đọc và viết báo nữa không?”

Tôi biết thêm rằng, như một thói quen người ta đi nhặt báo, nhưng có đọc hết hay không thì còn phải hỏi lại. Có người chất đống báo biếu trong nhà, đợi khi nào thong thả sẽ đọc, nhưng đợi đến khi thong thả, thì bao giờ có thong thả, thế nên một ngày đẹp trời, đống báo ấy buồn bã rơi vào thùng tái sinh (recycle) một cách ngậm ngùi đau đớn.

Có một đề nghị rất hay, nhưng tôi không thể thực hiện được, là đi hỏi nhiều người, làm một cuộc trưng cầu ý kiến, rồi lấy tỉ lệ ai thích ai ghét ai chống v.v.

Tôi chỉ tò mò chút chút, xem báo chí Việt ngữ giữ tầm quan trọng trong đời sống của chúng ta, người Việt tha hương trên đất San Jose thế nào thôi mà. Qua buổi nói chuyện khoảng mười phút, từ câu hỏi đầu tiên của tôi, câu chuyện ngã sang các con các cháu học tiếng Việt, nói tiếng Việt, viết tiếng Việt, chuyện tờ tuần báo Việt Weekly theo cộng sản, ủng hộ khủng bố chuyên viết về mặt trái, đạo văn trên net không cần phải nói đến nữa.

Có anh khoe các cháu khoảng độ tuổi lên chín lên mười khoái đọc báo Việt Nam, đánh vần vang nhà, dĩ nhiên trong nhà có ông bà ngoại/nội (?).

Có anh kể trong gia đình anh có bà chị, sợ các con không biết nói tiếng Mỹ, nên uốn nắn dậy dỗ các con y như Mỹ, từ khi vừa chào đời, đến khi các con lớn, quay lại trách mẹ đã không cho con học tiếng Việt. Tôi nhìn các con tôi, con của bạn tôi, khi các cháu còn học tiểu học – trung học, có thể bị các bạn bản xứ học cùng lớp châm chọc, hay nói những câu làm các cháu xấu hổ nên muốn che dấu nguồn gốc của mình, nhưng khi lên đại học các cháu biết, không thể nào đồng hóa cùng dân khác màu da, khác phong tục tập quán, nhất là đâu đó trong huyết quản vẫn là Việt Nam, chỉ một Việt Nam, nên các cháu tìm về nguồn cội.

Tôi khoe ngay về tấm thiệp con gái viết cho mẹ bằng tiếng Việt, dĩ nhiên cháu viết cho tôi bằng những câu ngắn, văn phong cụt ngủn không thể mượt mà như suối, dấu ngã dấu hỏi khi đúng khi sai, giống hệt như tôi viết cho cháu bằng anh ngữ. Hai mẹ con trao đổi như thế, để tôi có dịp dậy cháu viết tiếng Việt, đổi lại cháu dạy tôi viết cho đúng ngữ pháp anh văn, và cũng để hai mẹ con cười giòn tan trên điện thoại. Cháu bắt đầu đi học tiếng Việt năm lên lớp 6, có năm học ngày thứ bảy, có năm học ngày chủ nhật. Đưa con đến trường học Việt Ngữ, thời gian con học đánh vần là thời gian cha mẹ lang thang đi chợ, hay đi bộ vòng vòng đợi đến giờ đón con, cộng đồng Việt Nam thật tuyệt vời trong việc giữ gìn tiếng Việt, tôi kính phục các anh chị đã bỏ công sức nuôi dưỡng tiếng Việt. Ngay bây giờ tôi vẫn đang học viết tiếng Việt, viết sao cho đúng cách, viết sao cho dễ hiểu và quan trọng nhất là viết sao cho đủ cái tình của tôi yêu tiếng Việt.

Tôi nhớ khi còn bé khoảng tám tuổi, trong khu xóm Vườn Chuối quận Ba, buổi sáng tôi đứng tựa cửa ngóng anh đưa báo. Anh kẹp bên nách một bìa cứng rộng gần nửa thước, dài gần một thước, bên trong là báo, xấp báo còn nguyên chưa gấp. Đến trước cửa nhà tôi, anh quỳ xuống, nhẹ nhàng đặt tấm bìa trên thềm đá hoa, cẩn thận mở nó ra, lựa đúng một tờ trong xấp báo gồm có Con Ong – Chính Luận – Tia Sáng – Độc Lập đưa cho tôi. Tôi không nhớ rõ tên báo anh giao cho nhà tôi lúc ấy là gì, nhưng mùi mực in mùi báo mới, thì tôi còn nhớ, nhớ rõ lắm. Nhớ cả lời anh bảo: “Em đưa báo cho bác giúp anh.” Anh quen thuộc với tôi đến hơn bốn năm.

Ba tôi đọc xong báo, rời nhà đi làm, là tôi ngấu nghiến đọc báo. Tôi đọc từ trang đầu đến trang cuối, đọc từ cái tựa đến tin buồn, chia vui, ngay đến mục xe cán chó – chó cán xe chữ nhỏ xíu tôi cũng đọc. Tiếu Ngạo Giang Hồ – Cô Gái Đồ Long tôi ngóng mỗi ngày dù chẳng hiểu truyện viết về cái gì, trang của bà Tùng Long tôi cũng đọc nốt, dù bà chuyên viết những lời khuyên về tình yêu đôi lứa, khi ấy vắt mũi chưa sạch, tôi cũng đọc ê a. Lúc ấy ba tôi không biết tôi đọc báo, vì ông mua tuần báo Tuổi Hoa cho tôi mỗi thứ bảy, những quyển truyện ngắn thiếu nhi tôi cũng có, truyện bằng tranh được phóng tác chất đầy trên kệ. Cho đến khi tôi vui mừng đưa ông xem bài tôi viết, được đăng trong trang Búp Bê. Ông tròn mắt nhìn tôi không tin tôi có đọc báo, nhưng ông phải tin vì nếu không đọc báo, làm sao biết mà gởi bài đăng báo? Ba tôi quí anh giao báo lắm, thuở ấy người đi giao báo thường là sinh viên, họ bán và giao báo đến tận nhà. Anh ấy sau này là ông bác sĩ, tôi không biết anh đã sang Mỹ hay còn ở Việt Nam.

Bây giờ tôi đọc báo ít hơn ngày tôi còn bé, nói ra thật xấu hổ, nhưng ngày còn bé chỉ có đúng một tờ báo, ba tôi chọn để mua đọc, cũng như những quyển sách, những tuần báo ông lựa mua cho tôi, ít nên quí chăng? Bây giờ báo vứt đầy mọi nơi, ngay cả báo được bỏ vào thùng cũng bị vương vãi ra ngoài, tôi thấy báo để dưới đất, muốn tìm chỗ đặt nó lên, nhưng biết đặt vào đâu? Tôi đọc hết mọi thứ từ bề phải đến bề trái, tôi biết rõ thế nào là trái thế nào là phải để đọc, vì tôi đã sống hơn nửa phần đời, chỉ lo lắng cho các con các cháu, còn non nớt trái phải chưa phân minh. Tôi chợt nghĩ, nếu ngày xưa ba tôi mua cho tôi đọc những truyện Thiên Linh Cái, những câu chuyện vô nghĩa thất nghì, những câu chuyện đả phá xã hội, những câu chuyện mang danh đổi mới thì bây giờ tôi thành con người thế nào nhỉ. Sách báo mở mang kiến thức, sách báo nâng cao dân trí, sách báo cung cấp thông tin, hay sách báo đi theo thị hiếu là do người sáng lập tờ báo. Lựa chọn báo để đọc là phần của độc giả thích báo bổ hay báo đời.

Cám ơn các anh ngồi uống cà phê trước tiệm bánh mì Đa Kao sáng thứ sáu, thế là các anh biết tôi là người “lắm chuyện” rồi phải không. Xin hỏi một câu mà thành những năm sáu câu, cuối cùng không nhớ mình đã hỏi gì.
Gác Trọ
#326 Posted : Friday, August 24, 2007 8:50:50 PM(UTC)
Gác Trọ

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 66
Points: 48

Vừa ra khỏi nhà thì ông trời xáng cho một cơn mưa rõ to. Không đành quay trở lại, bèn ráng chạy một lát nữa rồi cũng phải ghé cái quán bên đường mua cái áo mưa 3 ngàn đồng, trùm vào cho khỏi ướt. Nước thì không ngại, chỉ ngại cây đổ, dây điện đứt xuống thì đi đoong cuộc đời. Nhận món hàng từ tay em của bạn. Thân thuộc của bạn thì ai cũng biết nếu chịu khó đi theo các bài viết của bạn. Giọng nói của em bạn có nhiều âm sắc giống bạn lắm. Người ta vẫn hay nhận lầm âm thanh của các người thân trong gia đình của nhau. Vậy là họ có chung cái gene tạo nên dây thanh âm, thật kỳ diệu cho cấu tạo của sinh vật! T cũng hao hao giống bạn, hao hao thôi, không nhiều lắm đâu. Và giọng nói cũng là một thứ tiếng Bắc lai của người sống lâu năm ở miền Nam, như của bạn vậy. Nhận món hàng xong, lại đi về trong cơn mưa tầm tã. Hôm nay dậy ách xì mấy cái. Thôi, đừng bệnh chớ!

Cám ơn sự tận tình và chu đáo của bạn, suốt từ bao năm nay, cái chi bạn có thể làm được là bạn làm liền, với hầu hết mọi người, không phải riêng tôi. Có lẽ đó là một phương châm sống của bạn chăng?

ngodong
#327 Posted : Friday, August 31, 2007 11:56:11 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Mẹ Già!

Nhắc đến Mẹ Việt Nam trong thơ nhạc, luôn là hình ảnh người phụ nữ nghèo và già, ý của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, khi ông giới thiệu chương trình đại nhạc hội mùa Vu Lan tuần vừa qua.
“Mẹ Việt Nam không son không phấn, Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn, Mẹ Việt Nam không mang nhung gấm, Mẹ Việt Nam mang tấm nâu sòng.” Trường Ca Mẹ Việt Nam nhạc sĩ Phạm Duy đã bắt đầu như thế,

Phần tôi, khi nói đến Mẹ, tôi nghĩ đến người phụ nữ qua hết xuân thì, tàn ngày thiếu phụ, chập chờn tháng bất lụn, leo lét năm cạn đời. Những người phụ nữ đã qua một thời xuân sắc, một thời ngùn ngụt lửa thương yêu và rồi cũng đến lúc da nhăn tình cạn, thân xác rã rượi trên chăn gối nhà thương, bên còn bên mất, đụng bên phải dây truyền nước biển, đụng bên trái dây đo mạch, đo tim, nửa tiếng đo nhiệt độ, vài giờ lấy máu thử, gương lược chẳng màng, phấn son chẳng đụng. Những tiếng ồn ào, không rõ rệt âm thanh, tiếng chân bước khe khẽ, tiếng kim khí đụng nhè nhẹ, cắt - dán - lê, tiếng người cố gắng hạ giọng nói, tiếng máy móc ì è, bíp bíp. Khối âm thanh trầm thiếu bổng, như giàn nhạc giao hưởng bị niểng về một bên, giàn nhạc có âm sắc màu đen và lưỡi hái.
Không cần biết người phụ nữ nằm trên giường bệnh da màu gì, nỗi thống khổ của họ giống y như nhau là sự đợi chờ. Đợi chờ giờ chấm hết, đợi chờ người thân thuộc bên giường, đợi chờ lời xin lỗi, đợi chờ lời thương yêu, đợi chờ điều mong ước được thực hiện, và đợi chờ phép lạ cho mình trở lại thuở tóc biếc da thơm.
Nếu so sánh giữa hai phái tính, nam và nữ ai phải vào nằm nhà thương nhiều hơn thì chắc chẳng ai thèm dành “tôi nhiều hơn” vì không ai muốn nằm nhà thương cả. Trong tương lai có thể khác vì một gia đình chỉ có một hay hai con, nhưng với các cụ khoảng tuổi 70 trở lên, phần đông phụ nữ phải vào nhà thương nhiều hơn nam giới. Nhà thương đây cũng có nghĩa là quân y viện, trạm ý tế v.v, nơi nào có y tá có cái giường cao cao, và có cả bà mụ đỡ đẻ. Nếu ở nhà quê, thì sanh nở tại gia, có khi bà mụ đến tận nhà, hay chính ông chồng sẽ là bà mụ, tôi đã nghe ông chú rể kể: “Đỡ đẻ cho người cũng như khi đỡ đẻ cho heo.” Bà cô của tôi sinh 15 lần, nuôi được 13 người con.
Nói thế có nghĩa là đàn bà nằm nhà thương nhiều lần vì sanh nở nhiều, chẳng có gì phải thắc mắc, nên khi cuối đời cổng nhà thương là sự sợ hãi kinh khủng của phụ nữ. Phần các ông khi được vào nhà thương đã biết chắc, người phụ nữ bên cạnh sẽ lại cung cúc cháo cơm, bới xách mang vào, cho dù nhà thương đã nấu đủ cả ba bữa cho ăn.
Nhớ lại chuyện kể về bà hoàng ngày xưa khi đau bệnh, không cho vua vào thăm, vì bà muốn ông chỉ lưu giữ hình ảnh đẹp của bà trong tâm trí, tôi nghĩ bà ấy hoàn toàn đúng, khi đàn bà đau bệnh nhìn buồn lắm, giữ gìn cách mấy vẫn thấy thương tâm, nụ cười thật tươi cũng không thể cứu vãn chi được cả. Dưới tấm khăn trải giường trắng, dưới tấm mền xanh không là nhễu nhão thịt da cũng khô khốc bộ xương cách trí. Áo nhà thương bắt phải mặc là bộ áo thật tiện lợi cho y tá, bác sĩ khám bệnh, nhưng lại phá bỏ tính cách e ấp dịu dàng của phụ nữ. Đau bệnh mà còn đòi e ấp được nữa sao?
Suy nghĩ của người bệnh thế nào, có lẽ hai mươi bốn tiếng trong nhà thương bằng “thiên thu tại ngoại” chập chờn trong cơn say thuốc, ngồi kề bên giường bệnh nghe mẹ già kể chuyện, những chuyện từ lúc bắt đầu thời con gái, những chuyện cãi bà ngoại đi lấy chồng, đến chuyện ăn năn đã bất hiếu yêu chồng hơn yêu mẹ, để cuối đời đang nằm “đây” đớn đau thân xác chờ ngày tận tiệt. Câu chuyện giống như triệu triệu câu chuyện của những người phụ nữ khác trên toàn thế giới, khi nằm trên giường bệnh viện đoạn gần cuối cuộc đời. Trong cơn mê mê tỉnh tỉnh có thể là những lời thật nhất, cũng có thể là những lời hoang tưởng về yêu thương ghét hận, buộc cởi trong phút giây, câu đầu vừa trì chiết, câu sau đã yêu chiều, trên hết là về người bạn đường người phối ngẫu, sau đó mới đến con.
Nỗi cô đơn thuở: “đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình” lập lại với phụ nữ Việt Nam lần nữa khi nằm nhà thương xứ lạ, tiếng xì xào lạ tai, ngôn ngữ dị biệt, có bao nhiêu phần trăm phụ nữ cao niên Việt Nam thông thạo ngôn ngữ Mỹ Pháp?
Người đàn bà da trắng nằm bên cạnh lâu lâu lại nạt nộ cô y tá: “Tại sao cô không gọi con tôi vào đây với tôi? Đẻ nó ra tôi đã đau bụng hơn hai ngày.”
Nếu tôi là con bà, có lẽ tôi sẽ khổ tâm ghê lắm khi nghe kể lể như thế, nhưng người con da trắng có thể trả lời: “Con có muốn thế đâu? Mẹ sanh ra con chi để lại tiếp nối chuyện theo chồng, bất hiếu cùng mẹ, cuối đời nằm trên giường bệnh lại tiếp tục kể lể, trách móc chịu đựng khóc than!”
Người phụ nữ Việt Nam không thể nạt nộ y tá, không biết chuyển biến chung quanh, chỉ biết sợ hãi đợi chờ, câu chuyện về các bà mẹ già Việt Nam đau khổ trong nhà thương sẽ là chuyện dài được nhắc nhở mãi trong các bài viết, có lẽ cũng đánh dấu được một đoạn lịch sử sau chiến tranh 1975.
Và trên hết: “Hãy làm tất cả điều gì có thể được, để trấn át cơn sợ hãi của Mẹ Việt Nam trong nhà thương xứ người, cho dù bác sĩ y tá rất giỏi, họ chăm sóc rất hay, nhưng họ không biết nói câu – ‘Mẹ đừng lo mẹ nhé, có con đây’ bằng tiếng Việt”


PC
#328 Posted : Thursday, September 6, 2007 5:13:46 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
quote:
Gởi bởi ngodong
Bước tới đèo ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa
Loanh quanh dưới núi tiều vài chú
Lác đác ven sông chợ mấy nhà


Nhớ đúng ra là:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác ven sông chợ mấy nhà

Riêng câu thứ tư thì có người viết là:

Lác đác bên sông rợ mấy nhà.




ngodong
#329 Posted : Thursday, September 6, 2007 11:06:06 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Dạ chị.

ngodong
#330 Posted : Wednesday, September 12, 2007 10:49:43 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Mùa Khai Trường

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.”

Đoạn văn đẹp Tôi Đi Học của nhà văn Thanh Tịnh, không ai là không nhớ, nhớ thuở mẹ nắm tay đưa đi học, nhớ thuở sợ hãi cổng trường lần đầu tiên bước vào, nhớ nỗi lo lắng khi nhìn thầy cô lần đầu tiên biết mặt và nỗi kinh khủng khi nhìn mẹ quay lưng đi khuất, còn lại một mình giữa không gian lạ, và bao đôi con mắt không quen. Nỗi “hoang mang” kết tụ từ bao điều ấy.
Trường học bắt đầu là mùa thu lại mơn man về, những chiếc lá đã bắt đầu rơi. Ngày lễ Lao Động cửa hàng đông khách, hàng đoàn xe đi vào khu mua sắm Valley Fair – Westfield làm nghẽn cả xa lộ 880, các cháu theo mẹ đi mua quần áo mới, thay vì cặp sách, nay là túi đeo sau lưng như ba-lô của các ông lính, tôi ngắm tất cả chung quanh đời sống tôi bằng ánh nhìn thản nhiên, nhưng từng hình ảnh vụn vặt luôn cho đôi điều để suy nghĩ và viết xuống.
Sáng mùa hè, đường phố quanh khu dân cư có trường học, vắng vẻ hẳn đi, bây giờ đã tấp nập giờ đưa con, cháu đến trường. Không biết các bậc cha mẹ ở Mỹ có phải chạy tiền để lo cho con có đủ mọi thứ để nhập học không? Chứ tôi biết trên quê hương tôi, có nhiều lắm các cháu phải bỏ học vì không đủ tiền đóng cho nhà trường, chưa kể tiền mua sách vở, bút mực. Dân ở các thành phố lớn không nói làm gì, nhưng các vùng quê hẻo lánh, chuyện lo cho con đi học là một sự việc to tát, nhất là gia đình có nhiều con cùng đi học. Có gia đình chỉ có thể lo cho một đứa con đi học mà thôi, các anh chị em khác phải hy sinh ở nhà đi làm thuê kiếm tiền phụ cha giúp mẹ.
Trên nhiều website tôi thấy các bạn làm việc từ thiện, mỗi năm đóng một khoảng tiền nhất định để đỡ đầu cho một cháu bé nhà nghèo còn đi học. Các website của các hội cựu sinh viên – học sinh các trường trung học ngày xưa cũng làm như thế, nhưng là giúp cho con, cho cháu các bạn cũ của mình còn ở lại trong nước. Website của phụ nữ Việt http://www.phunuviet.org là website tôi cộng tác, các chị rất năng nổ trong công việc từ thiện. Công tác xã hội tự phát thế này, là do lòng nhân tiềm ẩn trong từng con người, không cần phải thật giàu có mới làm được việc từ thiện, chỉ cần dè xẻn chút ít trong chi tiêu đã có thể làm được điều gì đó. Tôi không chủ trương kêu gọi quyên góp làm từ thiện, việc làm này tùy từng con người, tùy từng hoàn cảnh, tôi có thấy nhiều trường hợp mải mê lo việc từ thiện, mà quên đi chính người thân trong gia đình của mình, cần được sự giúp đỡ hơn hết, dĩ nhiên giúp đỡ người trong gia đình thì không được ghi tên trong sổ vàng, không được xướng danh trong các chương trình phát thanh v.v .
Đất nước nghèo đói lạc hậu đưa đến tình trạng thất học, ngu dốt, cái vòng tròn lẩn quẩn cứ xoắn vào nhau như thế, điển hình là cuộc đánh giá về năng xuất làm việc của công nhân Mỹ được xếp hàng đầu trên thế giới, trong khi công nhân các nước thuộc vùng Đông Nam Á, được xếp hàng đầu về sự cần cù chịu khó, làm nhiều giờ nhất trên thế giới mà năng xuất thì ngược hẳn lại.
Đất nước Việt Nam nói riêng, sự từ thiện tự phát, sự tiếp tế tự phát chỉ là các giọt nước đổ lá khoai, muốn tìm lại được bài viết đẹp về ngày tựu trường đẹp như của nhà văn Thanh Tịnh đã viết cách đây vài chục năm, chắc hẳn là rất khó.
Ngay từ trường mẫu giáo mầm non đã cần phải quen biết, cần có chút tiền biếu xén, quà cáp. Bây giờ lại có thêm trường “điểm,” không biết tự thuở nào chữ “điểm” được dùng, có thể là “thí điểm” chăng?
Những đôi mắt xoe tròn như chim bồ câu, vừa bắt đầu vào ngưỡng cửa trường đời, đã được cha mẹ thực hành đúng với câu “muốn con hay chữ phải thương mến thầy!” thương mến đây là quà, là cáp, giống như thuở thầy đồ ngồi trên xập gụ, học trò nằm la liệt dưới đất mà tập viết nét sổ nét khuyên, mẹ cha cấy thuê làm mướn, có được con gà thúng nếp đã vội mang đến biếu thầy, có lẽ vì thế mà ngàn năm đô hộ Tàu, trăm năm đô hộ Tây. Cái khó dứt khóat nó phải bó cái khôn, ở nơi đây không khó nên đến mùa khai trường học trò hân hoan đến lớp, cha mẹ sung sướng dẫn con đi mua sắm đủ mọi lệ bộ, các tiệm buôn bày hẳn một khu riêng cho mùa nhập học.
Đi bộ loanh quanh khu mình ở, cứ vài khu dân cư là phải có một ngôi trường tiểu học, con trẻ đi học, người lớn đi làm, bộ máy xã hội hoàn chỉnh, tính tự giác cao khiến cho đời sống nhẹ nhàng - thanh thỏa. Nhưng nhẹ nhàng thanh thỏa hay không, cũng lại phải tùy vào cái chấp nhận hay không chấp nhận của người thụ hưởng, có lâu quá quên mất đi mình đã có, nên muốn thêm, thêm nữa, có lẽ khổ hay không là ngay tại điểm này chăng?
Mùa khai trường đến, bỗng dưng lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại ngậm ngùi khi nghĩ đến các con các cháu còn đang ở Việt Nam.






xv05
#331 Posted : Thursday, September 13, 2007 10:02:20 AM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
quote:
Gởi bởi ngodong

(.....) có lẽ vì thế mà ngàn năm đô hộ Tàu, trăm năm đô hộ Tây.



Black Eye
ngodong
#332 Posted : Friday, September 14, 2007 11:36:57 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Cám ơn các em tiếp tục tâm tình cùng chị, trong cuộc đời này cái vòng đời thật tròn phải không? Đưa con vào đại học, đưa con đi lấy chồng v.v vừa xong thì sẽ đến đưa cha đưa mẹ vào nhà thương, khi nao không còn ai để đưa thì đến phiên mình cần có người đưa.

AT đang . . . đưa ra đưa vào, chạy từ nhà đến sở, đến nhà "ghét" vòng vòng thế, nên . . . được nghe tâm tình vui lắm, hát hò cho vui, viết lách cho không bị căng thẳng mà tìm thì giờ để hát hò và viết lách thì hơi khó, nhưng khi hoa nở vẫn ngơ ngẩn ngắm hoa .













Hôm qua chậu hoa quỳnh hương của tôi bung nở, hoa đã bắt đầu nở từ mùa Xuân, nhưng chỉ lác đác vài đóa, tối qua mới gọi là nở, tôi không đếm có bao nhiêu hoa, nhưng những cánh hoa trắng toát xoắn xuýt vào nhau, nhụy đối nhụy, cánh đan cánh. Nhất là sau khi tôi ép cho nhánh lá quỳnh trở thành một thân cây vững trãi, cưu mang khóm lá tròn trịa bên trên, như một lẵng hoa.
Tôi yêu quỳnh hoa không vì tại sao , không vì lý do nào cả chỉ vì Quỳnh đã là tên của Mẹ tôi.
Mẹ tôi mất sớm chưa đầy tuổi bốn mươi. Nụ cười hiền dịu của Mẹ luôn nhẹ nhàng an ủi tôi mãi đến bây giờ.
Bác tôi, anh lớn nhất của mẹ, cho tôi nhánh Quỳnh trồng để nhớ Mẹ năm 1972, tôi biết hoa Quỳnh từ dạo ấy. Dạo hoa Quỳnh là loài hoa quí ở Việt Nam, hiếm người có và ít người biết đến, biết chăng chỉ qua những câu chuyện kể, hoa quỳnh là nàng tiên bị mắc đọa sau khi làm vỡ chén vàng trên thượng giới, hay là câu chuyện huyễn hoặc khóm lá quỳnh là nơi để những hồn ma bóng quế ghé vào cư ngụ.
Nhánh quỳnh đầu tiên ra hoa sau bốn năm tôi vun bón, trong chiếc chậu nho nhỏ trên lan can nhà ở Sài Gòn là niềm tự hào của tôi. Sài Gòn nắng, Sài Gòn nóng mà hoa Quỳnh của tôi run run nở trong đêm. Đóa hoa Dạ Quỳnh đầu bung nở trùng ngày giỗ lần thứ tư của Mẹ, đau đớn sao, sau đó ba ngày, Ba tôi mất trong trại cải tạo. Sau này tôi mới được biết, nên hoa Quỳnh từ ấy luôn là nỗi ám ảnh dật dờ của tôi. Nhìn hoa nhớ từng phân từng ly kỷ niệm, nhìn hoa nhớ từng ánh mắt nụ cười của mẹ của cha.
Tôi yêu hoa Quỳnh nhưng từ khi biết tin chính xác cha tôi đã chết trong trại tù cải tạo, tôi mang nỗi lo lắng và sợ hãi trong lòng mỗi khi quỳnh ra nụ, vì nghĩ đến đóa quỳnh hương đầu đã nở báo tin dữ. Nhân một dịp viếng chùa Vĩnh Nghiêm cùng cô bạn thân, tôi hỏi vị sư trụ trì về điều này, ông cho tôi một nhánh giao bảo hãy trồng giao và quỳnh gần nhau, cho lá quỳnh tựa nhánh giao để nét phá dọc ngang của Giao hài hòa với nét vươn ngạo nghễ của Quỳnh. Cách quấn quyện níu kéo của Giao giữ gìn không để Quỳnh dồn phát hết tinh túy, hồn phách của Quỳnh ra ngoài trong khoảnh khắc mong manh, và nhất là đừng tin những điều đồn đãi không đúng như thế về hoa Quỳnh, trong đời sống có bao điều trùng hợp ngẫu nhiên, bao duyên bao nợ trong lẽ trời lồng lộng, tại sao lại trách móc qui tội vào đóa hoa bé bỏng xinh xắn ấy. Tại sao không nghĩ mình đã có duyên được ngắm hoa nở, có duyên được hoa báo tin buồn, có duyên được hoa chia nỗi khổ đau.
Tôi không lo sợ nữa và càng yêu hoa hơn.
Hai mươi năm sau, cũng là bác anh của Mẹ tôi đã cho tôi nhánh Quỳnh Hương trên đất Mỹ, ngày tôi đến thăm bác tại Los Angeles. Tôi lại mang nhánh về nhà cắm vào đất chăm sóc để được ngắm hoa nở.
Những nụ hoa giúp tôi thêm nghị lực, ý chí để sống còn. Dạ Quỳnh là nỗi nhớ niềm thương, là hương tưởng tiếc tiếng cười giòn tan rộn rã ngày còn cha còn mẹ, là một nhắc nhở của ngắn ngủi mong manh phận người nhẹ hẫng. Buổi sáng hương hoa còn đọng, sắc hoa đã tàn.
Bây giờ ở Mỹ, đi đâu cũng thấy cây Quỳnh, chỉ cần một nhánh nhỏ chừng một hai gang tay là đã có thể trồng được, người ta có cả một hội trồng hoa Quỳnh, mỗi năm mỗi có thêm màu mới, nên tôi có nhiều hoa Quỳnh lắm không chỉ Dạ Quỳnh mà còn có Nhật Quỳnh.
Dạ Quỳnh vẫn nở mỗi năm trùng ngày giỗ của Ba và Mẹ tôi, cuối tháng 9 đầu tháng 10, những đóa hoa thật đẹp không như ngày còn ở Sài Gòn chỉ mong manh một lớp cánh mỏng manh , Dạ Quỳnh của tôi bây giờ có đôi , đầy đặn hai lớp cánh , khi bung nở hương ngào ngạt len qua cửa sổ vào nhà thăm tôi, ngắm nhìn hạnh phúc tôi đang có.
Tôi chiêm nghiệm về hoa quỳnh đã từ lâu, tôi ngắm nghía sự sung mãn của nhựa hoa khi nở, những nhánh quỳnh không cần nhiều chăm sóc, khi trồng chỉ cần đất có nhiều cát, không cần tưới nhiều, chỉ cần lâu lâu cho nước thật đẫm vào gốc, như những cơn mưa rào bất chợt rồi xững lại, mà vẫn mang đến cho đời bao màu sắc mặn mà.
Đời sống của hoa Quỳnh Hương ngắn ngủi mong manh, có màu trắng tinh khiết, tỏa hương ngạt ngào, tối nở sáng tàn tôi gọi là Dạ Quỳnh. Nhìn những chiếc lá ẻo lả mềm mại không có thân, người xem phong thủy thường ghép chúng vào nhóm có “âm” khí, nhưng khi hoa nở, quỳnh mạnh bạo phô hết duyên dáng thanh xuân, mở toang hết tinh túy tâm hồn cho thiên nhiên vạn vật nhìn vào, làm sao có thế là “âm khí” được nhỉ. Buổi tối, ngắm những đóa hoa hàm tiếu bên cạnh những đóa đã rũ tàn, thương Quỳnh làm sao! Dưng không ghép tính con người vào Quỳnh rồi thấy thương thấy tội đấy thôi, chứ hoa Quỳnh héo vẫn kiêu hãnh như khi phô sắc, cô nàng không như bà hoàng xưa, trốn vua trong phòng vắng khi nhan sắc héo tàn, mà vẫn bên cạnh cô em đang độ để nâng đỡ , để tôn thêm nét quyến rũ xuân thì.
Một điều tôi vẫn chưa làm là nấu canh hoa Quỳnh, nấu chè hoa Quỳnh, phơi hoa khô để uống như uống trà, dù tôi đọc nhiều bài viết về công dụng chữa bệnh của hoa Quỳnh Hương, với tôi hoa mãi là hoa.
Ngắm hoa tôi quên đi ngày 11 tháng 9, ngắm hoa tôi quên đi một người bất cẩn đốt rác gây nên đám cháy lan rộng gần năm mươi ngàn mẫu anh (acres) tiêu phí bao nhiêu cây cỏ cùng sức lực của con người để dập tắt đi ngọn lửa.
xv05
#333 Posted : Wednesday, September 19, 2007 3:49:09 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
quote:
Gởi bởi ngodong





Nhìn chậu hoa quỳnh của chị làm em nhớ hồi xưa ở Saigon, ba em cũng có trồng hai chậu quỳnh như thế. Mỗi lần ra hoa là mấy chục bông trắng muốt, sáng rực cả căn phố nhỏ... quý hiếm vô cùng!
Tùy Anh
#334 Posted : Sunday, September 23, 2007 1:34:39 PM(UTC)
Tùy Anh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 95
Points: 0

Cám ơn ND cho thưởng thức vẻ đẹp của Quỳnh

TA
ngodong
#335 Posted : Monday, October 8, 2007 11:25:09 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Lâu ghê không thấy chị Quỳnh Giao viết về nhạc, đọc những bài viết về nhạc cổ điển, các nhạc cụ, cách thưởng lãm giàn nhạc giao hưởng v.v đều có một điểm chung chung nhạc phản ảnh cách sống của từng thời kỳ . Cách đây vài thập niên các bài hát Thương Hoài Ngàn Năm của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương hay Tình Chàng Ý Thiếp của Y Vân viết theo ý Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn bà Đoàn Thị Điểm diễn Nôm được phổ biến, và các bà các cô yêu thích vô cùng, vì thời ấy đàn bà con gái yêu chỉ một người, lấy chỉ một người, người ấy có ra ma hay vào mả cũng chỉ một và một, theo đúng với tôn chỉ ở nhà hầu bố, đi lấy chồng hầu chồng chẳng may chồng có chết thì hầu con, rồi hàng xóm láng giềng, nhà bên vách phải nhìn ngó xem “cô ấy” “bà ấy” thế nào, nhà bên vách trái ngóng giờ đi về với ai, ai đón ai đưa mà thành có kỷ cương, có ranh giới rõ rệt, các cô be bé nghe nhạc theo chị, theo mẹ cũng bị ám vào lòng, nên khi lớn lên cũng giữ trong đầu:
- Ngàn năm thương hoài một bóng người thôi
Tình đã trao rồi mộng khó nhạt phai
Trăng khuyết còn có khi đầy
Ngăn cách rồi cũng sum vầy
Yêu ai yêu hoài ngàn năm . . .”
Rồi
- Thiếp bên song cửa nhìn trăng úa
Chàng ngoài chân mây gội mưa bay
Trời đày chia ly làm tê tái
Biết bao giờ nguôi
Ngày ngày ra đứng trước thềm nhìn theo lối xưa
Thấy xanh ngàn dâu mà bóng câu nay tìm đâu ....
Từ chàng xa vắng má hồng điểm trang với ai
Thẫn thờ trâm lệch hờn duyên lỡ
Lỏng vòng lưng eo sầu tương tư . . . .
Cả một đoạn dài chinh chiến sau 1954 đến 1975 nhạc là nỗi niềm nhớ nhung, tình yêu tha thiết nồng nàn, có bị phụ rẫy cũng trách cứ chút chút gọi là có hương có hoa,
- Anh hãy về đi với vợ hiền và đàn con nhỏ còn ngây thơ, mình em một bóng đơn côi . . . .
Thê thảm hơn nữa
- Lá xa cành, héo sầu cả tuổi xanh
Anh bỏ đi rồi, buồn lắm anh ơi!
Đời người con gái một lần mất người yêu dang dở cả cuộc đời.
Những ân tình vẫn còn nằm ở đây, sao nỡ quên rồi, để đó cho ai . . .(Đổi Thay – Lê Mộng Bảo)
- Thôi anh đi về đi, xa xôi rồi thăm nhau mà chi
duyên không tròn lưu luyến càng thêm đau buồn.
Thôi anh đi về đi Ðau thương nầy em xin dành mang
Anh đi về đi cho vui lòng “người ta”
(Nghẹn Ngào – Lam Phương) trên tờ nhạc ghi là Chậm – Rất Buồn .
Chàng thì trách cứ như vầy:
- Anh về gom lại thơ xưa, hàng ngàn trang giấy mỏng xanh màu, gom cả áo lạnh ngày xưa anh đem ra đốt thành tro tàn . . . (Cho Vừa Lòng Em – Nhật Ngân)

bằng giọng hát của anh Chế Linh thì ôi thôi con bé lên chín tuổi đầu, cũng phải rơm rớm nước mắt tự hứa với lòng không bao giờ để chuyện ấy phải xẩy ra, phải thêm vào cho rõ, thuở xưa ấy nhạc phát đi bằng cái máy radio văng vẳng trong xóm, không nghe không được, vả lại con gái lớn nhanh “nữ thập tam” nên tám chín tuổi nghe nhạc kiểu ấy đã hiểu đâu vào đâu rồi.
Nói chung các bài nhạc tôi nhớ lõm bõm nêu trên được quần chúng yêu thích đến nỗi các nhạc sĩ thường nghèo ngày ấy, có khi mua được cả xe hơi vì theo đúng thị hiếu, đúng tình trạng yêu thương của các đôi nam thanh nữ tú, dù lời hát có hơi “mặn” vì thêm thắt nhiều quá; của ở đâu, chữ ở đâu ra mà có cả ngàn trang giấy mỏng xanh mầu hở trời.

Nhưng đến bây giờ thì tôi nghe nhạc từ “trong” chuyển ra thế này:
-Một người đi với một người
Một người đi với nụ cười hắt hiu
Hai người vui biết bao nhiêu
Một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn
Dù sao cũng mối duyên đầu
Dù sao em cũng qua cầu là xong
Bây giờ chẳng biết làm sao
Lẽ nào gặp lại lẽ nào làm ngơ

Nhà em một bức tường thưa
Chiều nay nhớ quá thẫn thờ bước qua
Để nghe được tiếng em cười
Để nghe tôi rót một hơi thở buồn .
(Chuyện Ba Người – Quốc Dũng)

Tác giả có nói trên một băng video nào đó là nghe chuyện của anh bạn, nên viết thành ca khúc, nghĩa là nàng có hai người một lúc, không chỉ một người như cách đây vài thập kỷ nữa, thôi rồi ông Khổng đã theo bụi bay, thôi rồi còn đâu kín cổng cao tường, còn đâu lá trúc che nghiêng, còn đâu: thương hoài một bóng người thôi! Bài hát chuyện ba người được đón tiếp long trọng vì ôi thôi cô em tóc thả đuôi gà nào cũng có một chính – một phụ, không biết thì thôi, có biết thì cũng lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn chứ không lẽ chết à.
Và một bài hát vừa được xếp hạng đáng kể có câu đầu rất ư “ấn tượng”
- Vậy là tôi đã trách, tôi đã trách lầm em, tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người, nào ngờ đâu em còn ba người nữa, tôi xin lỗi em hay em phải xin lỗi tôi?
Thật lòng tôi cũng biết em đã dối lừa tôi . . . Em không như tôi nghĩ – em yêu một lúc bốn người sao! Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao? Nước mắt chan hòa cùng nỗi đau”
Yêu hai người một lúc có thể vì còn suy nghĩ thiệt hơn, yêu ba người cũng hơi khó nghĩ, đến bốn người một lúc thì thật không hiểu nổi tình yêu là gì.

Nếu quả thật âm nhạc phản ảnh vấn đề xã hội, thì bây giờ phụ nữ quả có lấn lướt thật, quả có quyền hạn nhiều thật, mà đôi khi nhiều quyền hạn quá, lấn lướt quá cũng hơi hơi sợ, không biết rồi sẽ đi đến đâu. À nhạc này là nhạc “trong nước” ngày xưa thì bị cấm nhạc vàng “Yêu ai yêu cả một đời” bây giờ không hiểu phải gọi là nhạc màu gì cho “ Em yêu một lúc bốn người sao?”
ngodong
#336 Posted : Monday, October 15, 2007 11:13:48 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Trái Ớt

“Nếu được phép chọn là một loại thực phẩm, anh chọn làm loại thực phẩm gì ?”
Trả lời: “ Trái ớt, thực phẩm này rất khó ăn, nhưng khi đã ăn được rồi thì không thể thiếu được.”

Cay và đắng là hai vị rất khó chịu đầu lưỡi lần đầu tập nếm, nhưng khi đã nếm được, đã quen với nó thì không sao quên được, không sao tìm được vị thay thế. Lạ! bản chất tiềm ẩn trong con người, có một điểm thật nhỏ bé nhậy cảm thích tìm cay đắng để thử xem nó thế nào, khi thử xong rồi có khi thành nghiện ngập đắm chìm trong cay và đắng. Cay như ớt, đắng như khổ qua, rau đắng, thế mà thiếu hai vị này trong vài món ăn là điều không chấp nhận được.
Hài hòa các hương vị trong món ăn, cũng như người nhạc trưởng biết pha trộn thanh âm trầm bổng, đặt linh hồn của chính mình vào trong nó.
Ngày còn bé, buổi sáng đầu ngày có tiếng gà xao xác, có tiếng chổi xể quét xoèn xoẹt ngoài sân, cùng lúc có mùi xôi đậu, xôi gấc, tiếng nói cười xôn xao là lúc trong nhà có giỗ, có đám. Lớn lên tí nữa, đám hỏi đám cưới có mổ bò, giết lợn được thức gần hết đêm trong bếp, từ những tủn mủn vụn vặt gọt trái dưa leo, ngâm củ cà rốt, tỉa đầu hành, cắt hoa củ xu-hào đến cắt cổ gà vịt, làm lòng gà-vịt, pha (cắt) thịt, ướp gia vị đều được sai bảo góp tay vào, nhưng điều kỳ lạ là người đứng nấu chính luôn là ông – bác – chú, các bà chỉ là phụ bếp.
Tôi có ông anh trưởng tộc, đang sống ở thành phố Puyallup, WA rất gần Tacoma, “Một Góc Trời Tây Bắc” của nhà văn Linh Vang, ngày còn bé anh và tôi chỉ phá đám trong bếp khi nhà có tiệc, nhưng bây giờ khi giỗ chạp, cưới xin anh là bếp trưởng, điều động tất cả mọi người gọn gàng ngăn nắp. Từ gói giò đến ướp thịt, làm bánh bao, bánh rán, bánh gai, bánh dẻo, bánh nướng, ông chẳng học ai, mầy mò “làm hư thì làm lại” đến khi thành công thì thôi. Anh tôi chắc chắn đã học từ bác dâu của tôi.
Bác dâu của tôi, sang Mỹ năm 1975 chỉ biết đi hái dâu, hái đào để sống, gom được chút vốn, bác bắt đầu làm chả giò bán trong các hội chợ chính của thành phố, mỗi năm số người mê ăn chả giò của bác làm càng tăng, tưởng tượng trong các hội chợ ở Mỹ đi đâu cũng chỉ có hot-dog, ice-cream, hamburger mà nay có thêm món lạ mùi vị thơm ngon, lại dễ cầm đi lang thang trong hội chợ làm sao người ăn không nhớ, để năm sau trở lại tìm. Chỉ từ vài trăm cuốn chả giò năm đầu, đến cả mấy ngàn cuốn những năm sau, kèm thêm thịt nướng, bác tôi đã nuôi các con nên người, chưa kể bác gởi tiền về Việt Nam cho các con, các cháu còn kẹt ở lại đóng vàng vượt biên. Nay bác đã mất, nhưng mỗi khi nhắc đến bác, kể đến bà, cả nhà nhớ ngay đến những ngày đầu bác nghĩ đến việc làm chả giò bán hội chợ Mỹ, dù một chữ tiếng Anh bác không hề biết, nhờ điều này mà cả nhà thóat được nghề hái dâu, lom khom cả ngày dưới nắng hè thật cực khổ. Hội chợ chỉ có vài ba ngày đến một tuần, mà tiền lời có thể nuôi sống cả nhà một năm.
Với tôi linh hồn dân tộc luôn đậm đà trong hương vị món ăn, trở thành vị đặc thù không thế nào bôi xóa được. Nó đã thẩm thấu vào máu, vào từng tế bào chi ly tim óc, để vị giác trên lưỡi tìm cho ra đâu là món Chà Và, đâu là món Thái Lan, và đâu là món riêng của dân tộc Việt Nam. Mắm tôm, mắm Huế, mắm lóc, mắm ruốc, nước mắm, mùi không thơm, nhưng thiếu nó làm sao có tô canh bún, làm sao có tô bún bò Huế, tìm sao ra mắm và rau, mắm chưng thuần túy. Những cô cậu be bé, sinh sống ở nước ngoài, thức ăn nhanh có lôi cuốn, có ngon ngọt đến đâu, khi xa nhà vắng mẹ lại thèm tô canh có dằn tị mắm, lại nhớ dĩa thịt kho tiêu “mùi nó kỳ kỳ sao ngon quá mẹ ơi!”
Và, Huỳnh Quốc Hưng đã thắng trong cuộc thi người đầu bếp thượng thặng trên đài truyền hình Bravo lần này, thủ pháp của anh gia vị đặc biệt của anh là nước mắm. Khi được phỏng vấn, ai là người đặc biệt nhất (còn sống hay đã chết cũng được) anh muốn được nấu mời họ ăn? Anh trả lời: “Bà Ngoại.” – và món anh muốn nấu cho bà ăn là cơm trong thố với lạp xưởng, thịt gà cùng nấm đông cô và hành củ. Những câu trả lời của anh thật cảm động, cho dù đối với khán giả Mỹ anh có vẻ kiêu kỳ, khi anh tuyên bố những món ăn anh nấu không để mời các anh “cao bồi,” với tôi anh không kiêu kỳ tị nào cả, anh nói đúng với trái tim đam mê nấu nướng của anh, khi đã chăm chút vào một điều gì, người ta mong mỏi người nhận lãnh nhận ra cái tình đã đặt trong ấy. Những món anh nấu trong ngày chung kết, khai vị với gỏi cá, tôm hấp đọt dừa, món chính là vịt hấp sả rồi đột nhiên ban giám khảo đòi món tráng miệng dù chỉ còn ba mươi phút cuối, anh cũng đã làm kịp món bánh chocolate ngọt ngào – Hỏi anh ai là người đầu bếp anh kính phục, mẹ anh là người đầu tiên được anh nhắc đến. 100.000 ngàn đô la tiền thưởng, chỉ là một món quà đầu tiên, món quà tượng trưng cho một tương lai rộng mở trước mặt người con trai 29 tuổi say mê nấu nướng. Không xa nữa đâu những món ăn đặc thù của quê hương Việt Nam sẽ được góp vào sách ẩm thực thế giới. Tuổi trẻ Việt Nam đã có mặt trong mọi lãnh vực trên quê hương thứ hai, một cách thật đáng quí phục.
xv05
#337 Posted : Thursday, October 18, 2007 3:22:50 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)

Nói đến Ớt mới biết ở Thái-lan có một món ăn rất ngộ.

Là người bán gánh bên lề đường, hai gánh hàng chất đủ thứ mỗi thứ một ít, bà hàng ngồi với cái cối và cái chày bằng gỗ để làm món ăn theo ý khách. Món ăn là 6-7 trái ớt bằng ngón tay (tươi hoặc khô), 3-4 tép tỏi, 2-3 nhúm xả bào, nửa trái chanh, 1 muỗng canh nước me, 2 muỗng canh cá mắm hoặc mắm nêm, 1 nhúm xoài chua, chút xíu nước mắm, 1 con ba khía, chút xíu đường thốt nốt, (có khi thêm vào 1 cọng đậu đũa bẻ nhỏ, vài cọng bún, tùy ý khách mua) .

Tất cả bỏ vô cối gỗ, giã sơ cho giập và trộn đều, xong cho vô bao ny-lon trao cho khách và lấy tiền, khoảng 25-30 baht.

Như vậy, món này phải rất cay, nồng và chua. Không biết họ ăn làm sao, với cái gì? Bà hàng làm luôn tay, lúc nào cũng có khách chờ. Mình đứng xem thấy rất tò mò thú vị, xem hoài không chán (chỉ sợ đứng lâu... bị chửi).
Lâu lâu bà hàng lấy cái muổng thò vô cối, vích lên chút xíu đưa lên liếm thử (nếm), eo ôi!

ngodong
#338 Posted : Saturday, October 20, 2007 8:43:36 AM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
xv05 ơi món đó gọi là món "tùm-xụm" N Đ nghe gọi vậy đó - eo ơi.

Mưa Từ Bão

Cơn bão không tên đổ vào vùng vịnh, mưa trút xuống một trận thật to, to như cơn mưa gây “thành dòng sông uốn quanh” trên phố, to như cơn mưa nhiệt đới ào ào rồi tạnh, như một thoáng nhớ rồi quên, một chút giận hờn rồi sẽ hết và như một ngậm ngùi khi nghĩ đến cơn bão xảy ra nơi khác, nơi rất xa.
Đoàn xe ướt đẫm xếp hàng bò chậm chạp rồng rắn trên xa lộ, hai cây quạt nước tới tấp, vẫn không làm rõ hơn tầm nhìn của người lái, chẳng biết nghĩ ngợi gì mà mắt nhòa đi, rồi cũng không biết mắt nhòa vì lệ, hay nhòa vì mưa.
Người ta đang lo sợ hạn hán sẽ xẩy ra, vì mực nước tại các hồ chứa quá thấp, cơn mưa được mong chờ, cơn bão được chào đón, trong chiếc xe hơi kín đáo, mưa có to đến mấy cũng chẳng đến nỗi khó chịu, khó chịu chăng chỉ có đôi gấu quần phải càu nhàu vì nhớp nháp, đôi giầy cũng nhăn nhó vì bước phải vào vũng nước vệ đường, người ta đang sung sướng quá nên quên mất lời tạ ơn Thượng Đế, chỉ mải nhăn nhó càu nhàu: “mưa nhớp quá.”
Báo chí, từ tuần báo đến nhật báo, nguyệt san đều có tử vi, tướng số, ngay cả trên tờ lịch ngày, mỗi trang đều ghi rõ năm xung tháng hạn, ngày xấu tốt, giờ hoàng đạo hay giờ âm binh, chẳng hiểu thần thánh nào độ trì mà nơi tôi sinh sống bây giờ, có nhiều điều hay hơn điều xấu.
Cũng bão cũng mưa, nước đi lòn lách trong các cánh rừng thông, tìm suối khe để thong thả đổ vào hồ chứa, đôi khi có ngập lụt gì đã có các hãng bảo hiểm hay chính phủ lo lắng, từ chai nước đến cái chăn, chưa kể đời sống người dân thừa nhiều hơn thiếu, sau cơn bão Katrina cách đây hai năm, có thông báo xin đừng gởi quần áo chăn mền đến nữa, nhiều quá rồi.
Cũng cơn bão, cơn bão có tên Lekima thổi vào, quét ngang vào xứ tôi những vùng Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình, những vùng quanh năm dân gầy vì đất cầy lên sỏi đá, vì trời hành cơn lụt mỗi năm, vì cái eo đất thắt lại, vì mọi sự không kể ra hết được, người ta tìm được một lý do là tại “Trời.”
Trời nào tàn phá những cánh rừng, Trời nào đào xới không nương tay, trời nào bắt người hiếp đáp người, trời nào cho riêng ai một quyền hạn thu vén mọi thứ cho riêng mình, để con dân ngắc ngoải đói no. Chỉ một rẻo đất, chỉ một khu làng bé nhỏ con số người mất tích, người chết vì ngộp, vì đói đã đến con số gần một trăm, phương pháp cứu nạn không có, chuyện dài trên đất nước tôi, những nỗi đau lòng không tìm ra đầu mối để gỡ, nó thành nắm chỉ rối bòng bong, nghẹn ngào tình người xa xứ. Kiếp người là một chu kỳ thịnh suy, đầy xúc cảm, nghĩ đến eo đất miền Trung, nghĩ đến “thắt đáy lưng ong” dáng hình gian nan vất vả “mắn con – nuông chồng” của phụ nữ Việt, vị đắng lại dâng lên cổ, câu nói “tìm dâu thắt đáy lưng ong vừa giỏi chiều chồng lại được mắn con” không là khen ngợi, mà là cay đắng cho dáng vẻ người phụ nữ tảo tần, một nắng hai sương, mà là một não nề cho dân số tám mươi triệu người, chen chúc nhau sống trên mảnh đất chẳng bề thế gì, chỉ có khỏang hơn 331.000 kilomet vuông. Những cái chết bất ngờ, những cái chết bỗng trở thành bình thường quá đỗi. Khối bê tông đổ xuống, người bị chôn sống, người bị mất máu đến chết, vài ngày sau thân nhân nhận tiền cứu trợ, điều đầu tiên họ làm, là đi mua ngay chiếc điện thoại cầm tay, hay đôi bông tòng teeng, những món xa xỉ phẩm họ đã từng thèm khát.
Sinh mạng người Việt Nam rẻ hơn bèo giạt, nhẹ hơn mây trôi có lẽ vì đông dân quá, có lẽ vì phụ nữ Việt Nam thắt đáy lưng ong nhiều quá, và cũng có lẽ vì dải đất Việt Nam có dáng thắt ngay chính giữa nên cũng mang vận long đong?
“Khóc trong xe hơi đỡ khổ hơn khóc trên xe đạp!” câu nói nghịch ngợm tôi hay chòng ghẹo các cô bạn cũ, khi nghe lời than thở “khổ quá,” thế mà đúng thật. Tôi ngồi trong xe ấm khô, muốn khóc khi nghĩ đến hình ảnh, được chụp từ ống kính tài tử, của du khách ghé thăm Việt Nam, tôi thấy được trên mạng vi tính, không biết tại sao những đôi mắt hoang mang buồn tênh, của các cụ già đến các cô thiếu nữ, cùng hình ảnh đường phố trong cơn mưa, làm tôi nghĩ ngợi nhiều đến thế. Chiếc xe ba bánh chồng chất những quầy dừa nước màu nâu, loại dừa dân thành phố ít khi nào nhìn thấy, chúng mọc chung quanh sông lạch, quầy dừa tròn xoay như quả cầu, được kết bằng hằng trăm trái, có dạng thoi to khoảng bàn tay người đàn ông lực lưỡng. Chẻ đôi trái ra, bên trong chỉ có miếng cùi dừa nhỏ xíu bằng chiếc thìa (muỗng) canh trắng mỏng, chút nước thơm thơm khi dừa còn non, gặp quầy dừa già cỗi, cơm dừa cứng ngắt chẳng còn vị gì. Bức hình chiếm trọn nhớ nhung tôi cả ngày, tôi mang nó ra lục lọi thêm bao kỷ niệm trên quãng đường về nhà, xa lộ bị kẹt cứng vì mưa.
Hình ảnh người đàn bà gò lưng đẩy xe dừa bán dạo, những túi ny-lông cơm dừa treo toòng teeng theo nhịp đẩy, cơn mưa bất chợt, chưa đủ tiền lo bữa cơm chiều, chưa đủ tiền cho con mua bút, chưa đủ tiền trả chủ vựa dừa nước đã giao hàng buổi sáng, chưa đủ tiền thuê xe ba gác, chưa đủ mọi điều từ sự chưa đủ quyền làm người, chưa đủ quyền sống cho ra sống trong chính thể đã rục rã, được bơm đủ loại hóa chất giữ hình hài tồn tại hơn mấy chục năm, đầy đọa hơn tám mươi triệu sinh linh còn đang hít thở.

May mắn cho tôi, người đàn bà đã có một lần đẩy xe đi bán dạo thoát khỏi nơi ấy, để được hít thở không khí bây giờ, không khí người ta có thể chọn mùi hương, hương cam hay chanh, hương biển hay hương thông cho chiếc xe của mình. Tôi khóc vì không thể chia cho người ở lại nỗi sung sướng đơn giản của mình: “Không bị ướt lạnh khi trời đổ mưa.”




ngodong
#339 Posted : Tuesday, October 30, 2007 9:17:02 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Con Hư Tại . . .


Ngày còn bé tôi hay nghe câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” khi các bà mẹ ẵm con, hay bà ngoại bà nội ẵm cháu chạy đi chỗ khác, lúc ông bố đang giận dữ la mắng con, hay đang hùng hổ nhịp nhịp cây roi mây định quất.

Hình ảnh trong thôn xóm nghèo, cha mẹ đánh con từ trên đầu bổ xuống vai, bằng sống lá dừa, bằng cây củi đang chẻ, bằng bất cứ thứ gì chụp được chung quanh, là điều thường bắt gặp, đứa trẻ có thể vì nghịch ngợm, làm biếng không chịu làm việc nhà phụ cha mẹ, có thể ham chơi không trông coi em đến nơi đến chốn, để em bị té ngã v.v mà bị đánh, bị đòn.
Các nhà trung lưu, cha mẹ răn dạy con bằng cách bắt con nằm xấp xuống sập gụ, hay giường đi-văng rồi dùng roi mây đánh vào mông khi con cãi không nghe lời. Cả hai cách đều là hình thức răn dạy con trẻ. Thông thường cha là người ra oai, còn mẹ và bà là hai người vuốt ve trẻ sau cơn thịnh nộ. Mẹ và Bà thường dùng lời nói nhẹ nhàng giải thích cho con trẻ nghe lý do tại sao con bị đánh, và dạy con phải vòng tay xin lỗi: “Con xin lỗi cha, từ rày về sau con không dám tái phạm nữa.” Có thể vài hôm sau khi con lươn từ chiếc roi mây hằn dấu trên mông phai đi, là khi con trẻ sẽ lập lại cái lỗi đã xin hôm trước, lại bị đòn và rồi sau đó không dám làm nữa.
Những bài ca dao:

- Bà ơi cháu rất yêu bà
Đi đâu bà cũng mang quà về cho
Hôm qua có cái bánh bò
Bà chia cho cháu phần to nhất nhà
Mỗi lần cháu chạy chơi xa
Mẹ cháu có đánh thì bà lại can

Cháu không nói bậy nói càn
Bà xoa đầu cháu khen ngoan: “cháu bà!”

Đã thành quá khứ, khi sinh sống trên nước “người ta” bà ngoại bà nội còn ở lại Việt Nam, hay ngay cả có bà ở gần, bà chưa đến tuổi về hưu cũng phải đi làm để đóng tiền nhà hàng tháng. Cha mẹ bôn ba xứ người, chồng “tếch” vợ “ly”, người làm ca sáng, kẻ làm ca chiều để chăm sóc đưa đón con đi học, đời sống mới ảnh hưởng vào nền tảng gia đình của người Việt Nam, chuyện con cái được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, trở thành hư hỏng là chuyện đau lòng không sao kể xiết.
Tôi ngồi im nghe bạn kể về con, nước mắt bạn đong đầy trong mắt, giọng nghẹn ngào thổn thức: “. . . ngay cả phải bán nhà cũng phải cứu con, làm sao sống được khi con lạc hẳn vào cần sa ma túy . . . . thân con thành món đồ chơi vì nó là con gái . . . . phải kể để các bậc phụ huynh khác biết mà giúp con . . . ”
Hai người bạn hiền lành của tôi, tình gia đình là trên hết, đi làm chăm chỉ mong vun đắp cho con nên người, mong con đi học cho xong có bằng cấp, mong con lập gia đình, có cháu để ẵm bồng, bốn đứa ba đã gần xong, bỗng dưng cô út bất thần trở thành con cừu đen vào lứa tuổi 13.
Tuổi 13 của tôi ngày xưa đi thưa về trình, tuổi 13 của tôi ngây ngô như thỏ, vú chũm cau còn nhảy dây đánh chuyền, tuổi 13 của Nguyên Sa:
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé đừng ngờ
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường .
Tuổi 13 bây giờ, ăn uống đầy đủ, dáng dấp nhìn như 16 – 17, tóc dài tha thướt nhưng cách ăn mặc ngông nghênh, áo trễ sâu, quần xệ thấp hơn rốn, nét đẹp mơn mởn hình hài bao bọc khối óc con nít trân, thành ra bao nhiêu sức hút lôi kéo con ra khỏi tầm tay mẹ. Đi học về con ngồi vào máy vi tính, mẹ hỏi: “đang làm gì?” Trả lời: “Đang học” Thật ra đang dùng yahoo messenger nói chuyện câm, với một đàn bạn mã ngưu hẹn hò làm các chuyện tày trời, đến khi mẹ cha biết được la mắng, tuổi 13 xách thân đi luôn. Cặp vứt ở nhà, quần áo cũng chẳng cần cắp theo.
Vào trường tìm ra được con năn nỉ xin con về, hứa không dám la mắng, chỉ cần con về nhà, con về nhưng bỗng thành xa lạ, thích đi đâu là đi, thâu đêm suốt sáng, bố nổi giận mắng, không dám cầm cây roi quất vào đít nó, chỉ mắng thế thôi, mà nó hầm hầm ra đi thật, đi lần này con bỏ nhà vào ngay một động ma cô. Có ở vào hoàn cảnh con hư mới biết luật lệ của Mỹ giăng ngang giăng dọc, không phải đi thưa cảnh sát là xong, không thể nhờ cảnh sát răn đe con, không thể nhờ cảnh sát bắt con về, mà phải tìm đúng nơi đúng chỗ mới có người can thiệp giúp con mình được.
Cha mẹ nào không nát tan lòng dạ khi con bướng bỉnh, tiếp xúc cùng những thành phần xấu, đành phải tìm tòi cho ra các trường “Boot camps” để gởi con vào. http://www.bootcampsforteens.com

Nhìn giá tiền cha mẹ phải trả, để họ huấn luyện con thành người thuần thục, có ý thức xa lánh ma túy xa lánh điều xấu mà chóng mặt, đắt hơn tiền đóng học phí cho con đi học đại học bốn năm.
Thương bạn tôi quá, mắt trũng sâu, lời bạn nói: “ Mình thương con không để đâu cho hết, từ tiểu học lên đến lớp 6, con đẹp con thông minh, điểm 4 chấm, thầy cô bạn bè yêu quí, lên lớp 7 bắt đầu đi chơi mà mình không biết, đi làm về đến nhà đã thấy con ngồi trước máy computor để học, chỉ đến khi con đi chơi luôn cả buổi tối, mắng con, con bỏ đi luôn. Trong phòng bừa bộn dơ dáy, không cho mẹ đụng vào, nói đến là nó khóa cửa không thèm ra ngoài, la hét mắng trả lại mẹ, dĩ nhiên bằng tiếng Mỹ, đến nỗi có lúc nghĩ là thà đừng có con, ngay cả khi gọi cảnh sát báo về việc con bỏ nhà đi hoang, cảnh sát giảng giải họ không thể nào vô cớ vào nhà dân, để bắt một đứa bé ra khỏi nhà đó nếu không có trát tòa.” Ôi chao ơi lòng tôi thắt cả lại, bao nhiêu bà mẹ đau khổ giống bạn tôi?
Bạn tôi chỉ mong nuôi nấng con nên người, quên cả thân mình còm cõi, bạn kể nhiều lắm, chỉ một điều bạn lập đi lập lại, vì yêu con mà bạn kiên nhẫn chịu đựng, tiêu hết của cải đóng tiền học cho con, mong ngày con trở lại đời thường.

Là cha mẹ, ai trong chúng ta không mong con nên người hữu dụng, vác gánh nặng con hư trên vai không phải là dễ, mà xác định tại sao và ai làm cho con hư cũng không dễ để có câu trả lời xác đáng.
ngodong
#340 Posted : Saturday, November 24, 2007 10:49:44 PM(UTC)
ngodong

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 3,437
Points: 1,167
Woman

Thanks: 85 times
Was thanked: 35 time(s) in 34 post(s)
Gà Tây


“Tháng mười chưa cười đã tối” trên con đường về nhà đã không còn ánh nắng nhạt cuối ngày, ánh nắng thoi thóp cũng không. Tháng mười đã qua, cuối năm đang đến. Lá cũng gần cạn trên cây, vòm lá vàng thưa dần, dưới gốc xác lá nhiều hơn, những khoảng tròn chung quang tán cây, những con đường ngập lá.
Mùa lễ Đông đang đến, cái lạnh se sắt khô da thường làm lòng người ta chùng xuống. Ở tuổi đôi tám chưa ai nghĩ đến những nốt chùng, chỉ là những âm thanh bay bổng, bốc hơi.
Mấy hôm nay tin tức nói đến dầu thô lên giá, chứng khoán nổi trôi, địa ốc chao đảo, thiên tai bão lụt, động đất vỡ trời. Họ nói đến những chính trị gia, những nhân vật phục vụ cộng đồng, những linh tinh lang tang trong đời sống. Ngay cả đám chim cả ngàn con bị ngộp chết tức tưởi, vì tàu to đụng chân cầu lớn, khiến dầu đổ loang trên mặt biển. Không có những linh tinh lang tang ấy, thì làm sao có xã hội.
Nhìn cuộc đời ở khía cạnh khác, truyền thống Tạ Ơn tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tổng thống đã thả con gà Tây đẹp nhất để nó được sống đến già trong nông trại quốc gia, cùng với hơn năm mươi hay sáu mươi con gà đã được thả từ trước – tôi đếm có mười một ông tổng thống từ thời tổng thống Harry Truman, nhiệm kỳ bốn năm một ông, có ông làm việc hai nhiệm kỳ thì số gà được thả mỗi năm gom lại, chắc khoảng con số đó, không tính con cái cháu chắt của nó nếu có. Đàn bà tính toán đơn giản thế đó, sai đúng chuyện vài trăm con gà chắc chắn chẳng chết ai cả, nhưng chắc chắn một điều, sau con gà được tổng thống thả làm phúc là cả triệu con gà bị làm thịt, để được các bà nội trợ bày biện bàn ăn bữa tối ngày lễ Tạ Ơn.
Cách đây hơn mười lăm năm, ngày lễ Tạ Ơn tôi có một lúc hai con gà tây đông lạnh. Tủ lạnh phải tháo bớt ngăn mới bỏ chúng nó vào được, để chờ tan đá. Lần đầu được nấu cả một con gà tây lành lặn tôi còn nhớ cảm giác sợ sợ khi phải thọc tay vào bụng nó để rửa cho sạch máu. Cảm giác sờ sợ ấy giống y như đúc, lần đầu tôi phải giết con lươn nấu cháo cho chồng tôi, nhậu cùng bạn. Điều mà thời con gái không thể nào tôi tưởng tượng ra mình có thể làm được. Ai đã biết làm thịt lươn, hẳn nhớ máu lươn, hẳn nhớ hình ảnh những con lươn ngo ngoe, nhô đầu trườn lên cái thùng sắt, người bán dùng đựng nó để bán ngoài chợ, nhìn thùng đựng cá lóc cá trê không sao, nhìn thùng đựng lươn tôi sợ đến chết ngất.
Hai con gà tây vào tay tôi lần đầu ấy, một con được tôi làm ruốc (thịt chà bông), con thứ hai tôi quay trong lò, cái lò sang trọng đốt bằng ga, cái lò tôi không thể tưởng tượng mình có, khi còn ở Việt Nam năm 1990.
Tôi nhớ món gà nướng muối hột. Con gà cổ lùn chân vàng, sau khi làm sạch lông, nó bé bỏng chỉ bằng một phần năm của con gà tây. Cho hành vào bụng nó xong, để vào nồi tôi đã đổ muối hột rang nóng vào, sau đó là than trên than dưới khoảng bốn mươi phút. Con gà mái tơ bé bỏng nằm giữa muối hột thấm tháp đậm đà chết cũng vui, vì trở thành món ăn ngon cho gia đình của tôi, gia đình thiếu thịt trong khoảng thời gian nghèo khó.
Từ con gà bé bỏng, tôi nấu con gà vĩ đại, từ cái lò than trên than dưới, tôi dùng cái lò nấu bằng ga, cái lò có cửa có đèn, thì chắc chắn kết quả phải có điều gì đó không hoàn hảo. Điều không hoàn hảo khi tôi nướng con gà tây lần đầu, chỉ có những người bạn đã hưởng lễ Tạ Ơn nhiều lần mới biết, còn phần gia đình tôi, chồng con tôi không ai biết cả, vì cũng như tôi lần đầu được nấu gà tây, chồng con tôi cũng lần đầu được ăn gà tây. Ăn gà tây lần đầu tôi khóc, khóc vì nhớ nhà, khóc vì đã thoát và khóc vì không sao gởi bớt gà tây về Việt Nam được, người ta cho nhiều gà quá, tôi chỉ còn hai con gà là vì không muốn nhận thêm. Lúc ấy biết gia đình tôi mới đến định cư, nên nơi chồng tôi làm việc người ta cho gà, nơi tôi đi học người ta cho gà, các con cũng được cho gà, nếu nhận hết gia đình tôi có những năm con gà, phải ăn mấy năm mới hết.
Mỗi năm mỗi nướng gà, tôi nướng ngon hơn, theo đúng bài bản hơn, biết mua cái bao nhựa bọc gà để thịt gà không bị khô, biết mua cái đồng hồ nhiệt độ cắm vào đùi gà để biết chắc thịt gà đã chín, mua cả cái dụng cụ giống như thứ dùng để nhỏ thuốc vào mắt to thật to, để rưới nuớc sốt lên thịt gà trong lò, nói chung là tôi biết đủ mọi cách thức để nướng con gà tây sao cho ngon, cho giống với người ta, thì là lúc tôi thôi không muốn làm nữa, chồng con tôi đã không còn muốn ăn gà tây nữa.
Không ăn gà tây nữa, không phải là thôi không Tạ Ơn nữa, hình thức con gà tây không ảnh hưởng gì đến tấm lòng của gia đình tôi luôn ghi nhớ Tạ Ơn những điều mình đã có, những ân tình của anh chị em bè bạn, của người xa kẻ lạ. Cái túi áo lạnh được cho tại phi trường, những tấm đệm được cho con nằm, những con gà được cho ngày lễ, những căn phòng được chia cho để ở. Những bắt đầu từ số không, như tô bột mì chưa là gì cả, phải thêm trứng thêm men, chút đường chút muối mới có thể trở thành ổ bánh mì nuôi sống con người.

Tôi nhớ ơn từ ông tài xế xe buýt đã chở tôi đi học, đoạn đường gần hai tiếng đồng hồ vòng vo trong phố, tôi nhớ ơn cô giáo Linda Vidal của tôi, người đã dậy tôi nghề chuyên môn tôi chọn, tôi nhớ ơn các nhân viên làm việc trong văn phòng nhà trường nơi tôi đến ghi danh lần đầu, câu chào tiếng Anh của tôi họ không thể hiểu, mà họ vẫn nhẫn nại hướng dẫn tôi cách thức để thi vào học, khi biết tôi vừa định cư trên đất nước của họ hai tháng, tôi nhớ ơn những ân nhân đã cho tôi học bổng để mua sách, mua đồng phục, mua xăng. Các con tôi đã được đi học đã nên người. Tôi nhớ ơn bạn bè tôi, anh chị Nghĩa, đã cho chúng tôi một nơi cư ngụ thân tình, anh chị Diên đã cho tôi bài học giúp đỡ các gia đình mới đến định cư tại Mỹ. Còn nhiều nhiều nữa tôi không biết phải kể đến bao giờ mới hết.
Đời sống luôn chứng minh thuyết tương đối trong mỗi phút giây ngắn ngủi, trong mỗi mùa đổi thay, trong từng con người có tư duy buồn vui sướng khổ, trên hết là sự biết ơn và trả ơn bằng cách lập lại những điều mình đã được nhận.
Cuối cùng tôi tạ ơn những con gà tây, không có chúng ngày lễ tạ ơn buồn lắm nhỉ. Và có lẽ chú gà tây tôi không hóa kiếp mùa lễ này cũng hiểu cho tôi: “con sông quay về nguồn, con người trở về cội” tôi đi tìm con gà cổ lùn chân vàng, đi tìm lại cái lò than trên than dưới, nướng gà trong những hạt muối vàng tìm quên những linh tinh lang tang đời sống.
Users browsing this topic
Guest (17)
47 Pages«<1516171819>»
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.