http://www.vandanthoidai.../ThoVan1706030454.shtml
Houston, Một Lần Trở Lại
Hình ảnh che dù đi dưới mưa, hẳn nhiều người vào tuổi đôi mươi đã thích. Thơ mộng, dễ thương! Chắc chắn nó đã đi vào thơ văn, nhất là nếu thêm màn chàng cầm dù che mưa cho nàng, romantic. Đã lâu lắm rồi, tôi không còn ao ước được đi dưới mưa, mà thấy mưa là ngán lắm, vì nơi tôi ở có tới 9 tháng mưa. Đã lê thê mưa thì chớ, bầu trời lại còn xám xịt làm cảnh vật trông buồn thảm não nuột, người ở đây dễ mắc bệnh buồn buồn, chán đời là vì vậy. Có cả một cái tên dài dòng cho căn bệnh này, Seasonal Affective Disorder hay viết tắt là SAD, thường thấy ở Seattle - mà người từ nơi khác mới tới ở chỉ ngắn gọn gọi là "the Seattle thing".
Mùa đông Tây Bắc năm nay lại dài. Tôi nói với người anh, chỉ mong mùa xuân tới thật mau. Được nghe trả lời, thời tiết mùa xuân có khác chi đâu mà mong nó tới mau...thì mình lại...mau già thêm.
Thôi thì không chờ mùa xuân mà chờ cơ hội đi ra khỏi Seattle vào lúc này. Sẵn dịp Văn Bút Nam Hoa Kỳ ở Houston có hội ngộ mừng mùa xuân là tôi chụp lấy ngay. Bởi đang từ nơi mưa gió với cái lạnh 45 độ mà tới nơi nắng ấm 80- 85 độ, sao không chụp ngay cho được chứ. Dù chỉ là một cuối tuần kéo dài thêm vài ngày.
Thảnh thơi đi chơi, được nhìn cảnh nhộn nhịp kẻ đến người đi, thật là vui. Tôi nhớ một bài báo đã đọc lâu lắm rồi, có nói nếu bạn buồn thì cứ đến phi trường nhìn cảnh, nhìn người là sẽ hết buồn ngay.
Đi chuyến đêm, vì vào ngày đó chuyến ban ngày không còn chỗ, dĩ nhiên là vẫn cứ cố chọn hãng máy bay có HQ, văn phòng chính ở Seattle của mình: Alaska Airlines. Vì vé chuyến đêm rẻ cả trăm bạc nên Ng và tôi thêm tiền đổi ngồi ghế premium, rộng chỗ, duỗi chân cho khỏe. Nghĩ đi chuyến đêm thì sẽ ngủ trên máy bay. Nhưng có ngủ gì được đâu: ở hàng ghế trước có một thằng bé chừng 2 tuổi cứ khóc nhè nhè với mẹ nó, còn vùng vằng làm đổ sữa qua phía tôi ngồi. Thấy người đàn ông ngồi cạnh chẳng giúp gì, chẳng hạn ẵm dỗ thằng bé. Bố gì vô tích sự vậy. Sau này mình mới biết hóa ra là ông ta chẳng liên hệ gì với mẹ con bà mẹ trẻ này.
Bốn tiếng đồng hồ bay liên tục, êm ái, không gặp turbulence, làm tôi nghĩ là nhiều lúc máy bay như đứng yên một chỗ.
Đến nơi, 5 giờ sáng mà trời Houston ấm 73 độ, thấy người đi đón chỉ phong phanh trong áo T-shirt và quần short ngắn, làm mình ganh tị quá đi. Đường sá vắng vẻ, yên tĩnh. Tôi khen trời ấm áp thích quá. Mới hay là chỉ mới nắng ấm ngày hôm nay thôi, ngày hôm trước mưa gió đó. Thời tiết Houston cũng đôi lúc thất thường chứ không phải nắng ấm hoài như tôi tưởng.
Quả là mình hên vì ở phi trường Seattle, nhìn thông cáo nơi quầy của hãng Alaska cho biết là Houston có thunderstorm, sấm chớp mưa bão, cũng có ngạc nhiên, thunderstorm ở đâu?
Bốn ngày Ng và tôi ở chơi, thời tiết quá đẹp. Tôi cứ phơi cái mặt trần ra nắng - và đùa là để hấp thụ vitamin D. Tôi được gặp bạn văn. Ng được gặp bạn Không Quân. Được đưa đi xem thắng cảnh và tới những tiệm quán có món ăn ngon. Ai ai cũng đến với những săn sóc chân tình, ấm áp. Cảm ơn nhà thơ Yên Sơn và phu nhân của anh - chị Ngọc Bích, người chị rất dễ thương của em, đối xử rất tốt với bạn bè. Cảm ơn gia đình nhà biên khảo Bích Hoài: anh BH, Thủy, Thanh, Trâm. Cứ đưa đi ăn hoài. Còn có nguyên một ngày để chở đi chơi biển: Galveston Island. Vừa thấy tấm bảng Galveston chào đón khách, tôi mở phôn, viết ngay trong Fb của tôi: Hello Galveston. Bạn Fb, là dân địa phương, dặn ngay, đừng tắm biển nha chị, nước không được sạch. Và có bạn Fb lại bảo, bãi biển không đẹp bằng bãi biển Washington, Oregon của chị đâu. Tôi ở tiểu bang Washington, nhưng cô em của tôi lại có nhà nghỉ mát ở bãi biển thuộc tiểu bang Oregon, nên gia đình thường đi nghỉ mát ở dưới đó. Ng để ý thấy nhà cửa ở gần bãi, cất kiểu nhà sàn (hóa ra là ở Mỹ cũng có nhà sàn!), nghĩa là tầng giáp mặt đất chỉ có những cột trụ, không vách. Có mấy khách sạn cũng cất như vậy, và tầng đó làm chỗ đậu xe. Chắc là sợ nước ngập nhà. Tiếc là đã không chụp những cái nhà này để làm kỷ niệm. Nghe nói cả một khu giải trí nhộn nhịp nằm trên bãi biển bị trận bão Katrina năm nào tàn phá, giờ vẫn chưa gầy dựng lại.
Ghé thăm Moody Gardens - được thấy những bông hoa của miền nhiệt đới, nhất là bông dâm bụp, hoa tượng trưng cho tiểu bang Hawaii. Cảm ơn Thanh đã sốt sắng làm tài xế.
Thế nào rồi cũng trở lại Galveston, nếu mà tính đi cruise Nam Mỹ từ hải cảng này.
Chị Nhị với tôi đã hứa hẹn với nhau là lần sau sẽ sắp xếp để cùng qua Houston chơi (vì gia đình anh BH là người thân của chị).
Cảm ơn nhà văn Điệp Mỹ Linh với bữa ăn ngon và nhà thơ Song Thy tặng quà cáp mang về lại Seattle. Cả hai lần khách xa đến Houston- mà những chủ nhà chưa cạn bể quý mến, yêu thương.
Chị ĐML nói, mình ngạc nhiên khi thấy báo ở một nơi và chủ bút ở một nơi.
Báo Kỷ Nguyên Mới phát hành ở tiểu bang Virginia, còn tôi là chủ bút lại ở tiểu bang Washington.
Tôi cười. Ở mặt bên kia và ở mặt bên này nước Mỹ phải không chị? Thời buổi Internet mà, tất cả qua e-mail, ở đâu chẳng được.
Những chỗ đông dân Việt thì có nhiều đầu bếp nấu ăn ngon, mới mở nhà hàng được, nấu dở thì cạnh tranh sao nổi. Kỳ này ăn những món khác kỳ trước, không hủ tiếu Mỹ Tho, phở, bún bò, cơm tấm bì, mà là hủ tiếu Nam Vang, Japanese Buffet, bánh cuốn, hoành thánh mì, cơm phần canh chua cá kho tộ, cá rô chiên. Cái thực đơn ở bữa tiệc Văn Bút năm nay cũng khác năm ngoái.
Đi chơi về, không lên pound mới là điều lạ. Tôi nhủ thầm, chắc sẽ phải ăn salad một tuần, rồi mới dám leo lên cái cân.
Tôi thấy khu phố VN ở Houston không đông đúc, ồn ào, xô bồ như ở Nam Cali. Cứ nhìn những bãi đậu xe, thấy đậu xe dễ thì đoán như vậy. Ở phố Little Saigon, Cali, kiếm một chỗ đậu xe, rất khó.
Vui mừng khi gặp lại những bạn văn của Văn Bút Nam Hoa Kỳ: nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh, nhà thơ Túy Hà, nhà thơ Phạm Tương Như, nhà thơ Vĩnh Tuấn, nhà văn Lê Thị Hoài Niệm, nhà văn Huỳnh Q Thế,...
Và nhất là bạn FB Bạch Hạc, một người đa tài. Chị ca hát, ngâm thơ rất hay. Ngay kể chuyện tiếu lâm cũng rất hay, rất bạo.
Gái Huế gộc mà nói giọng Bắc mới hay chứ!
Cảnh đẹp, món ăn ngon,...tôi hay chụp hình đưa lên FB để bạn bè coi. Bởi vậy, một buổi chiều, không tìm ra cái phôn đâu, sau khi đổ tung đồ trong cái xách tay ra, tôi cứ thẫn thờ khi được gia đình anh Bích Hoài đưa đi ăn tối có cả món tôm hùm hấp dẫn. Tôi nhớ tôi còn cầm nó khi từ trong chợ đi ra. Hy vọng là đã bỏ quên trong xe - chứ đừng làm rớt đâu đó. May mắn sao, năm tiếng sau, nhận cú phôn của chị Ngọc Bích cho biết là đã tìm thấy cái phôn thật đã rớt trong xe. Người nhẹ nhõm gì đâu! Sợ làm phiền anh chị YS, tôi dặn, bữa đưa lên phi trường, nhớ mang cho em cũng được. Anh YS chen vào cười nói, sáng mai sẽ đem tới cho LV ngay, với một người lúc nào cũng "làm việc" trên cái phôn, không có nó thì bó tay chịu sao nổi? Anh biết tôi sử dụng Facebook, Instagram, Twitter mà.
Không biết mỗi tuần tôi mất bao nhiêu giờ cho mấy cái thứ này, khác nào có một cái giốp part-time chứ. Một cô em văn nghệ của tôi đã từng "la" tôi, chị dẹp mấy cái FB, Twitter đi, để thì giờ mà viết lách, báo tháng ba, hết tháng rồi mà báo (KNM) còn nằm ở nhà in. Tôi cười hì hì, chứ không hứa gì cả.
Tôi có thấy một bài báo có tựa đề sốt dẻo như thế này: Mạng xã hội là một thứ ma túy!
Nhưng vì tôi không muốn chữa cơn nghiện này nên không có đọc phần nội dung viết cái gì.
Thống kê cho biết bây giờ thiên hạ mất trung bình 20 giờ mỗi tuần để dạo net, đọc e-mail. Trong thống kê này, không thấy nhắc tới mấy cái thứ mạng mà tôi đang sử dụng. Vậy là tôi...có lẽ có một cái giốp full-time nữa đó chứ! Chưa kể hai cái giốp thật sự được trả lương.
Ngay lúc tôi không có cái phôn thì cái phôn của Ng cũng trở chứng. Khi có ai gọi tới, hay mình gọi đi, nó phát tiếng rè rè, không nói chuyện được. Dự định sáng hôm sau sẽ đem phôn tới một tiệm T-Mobile nào đó nhờ họ sửa.
Bây giờ mà không có cái phôn thì cứ như người mất hồn.
Cũng may nhờ kể lể với anh YS mà tìm ra bệnh của nó và tự sửa được.
Lại chợt nhớ. Nghe bạn đi du lịch nhiều có kinh nghiệm cho biết khi qua những nước khác, mình phải giữ sổ thông hành, vé máy bay, ít tiền bạc, thẻ tín dụng, phôn, của ai thì người nấy giữ, đừng đưa cho ai, vì lỡ lạc nhau thì phiền. "Hồn ai nấy giữ", cho dù là người thân, là honey, darling, dear, cũng không đưa cầm giùm.
Ngày vui qua mau. Buồn cười là trên chuyến bay trở về, Ng và tôi lại gặp hai mẹ con mà đã gặp bữa đi. May là lần này đã không ngồi gần nhau.
Nhưng tôi với bà mẹ trẻ có chào nhau, cười thân thiện. Nụ cười của cô như là xin lỗi, còn của tôi thì là thông cảm.
Chuyến đi chơi, chạy trốn,...giúp quên đi thời tiết lạnh lẽo, nơi Seattle luôn luôn thiếu ánh sáng mặt trời; làm nhớ mãi những người bạn Houston đã quen được nhờ cùng yêu quý chữ nghĩa, viết lách. Những tình cảm ấm áp, chân tình, thân thương, mỗi năm mỗi sâu đậm thêm.
Cho một chuyến đi ân tình...Cảm ơn người Houston!
"Bao giờ lại gặp nhau nữa đây?"
Linh Vang