VHP,
Cảm ơn nha. Được khen như thế này, còn "rào" lại để khỏi mất nữa chứ, thì chắc chắn là LV sẽ viết lan man cho đến khi...tắt thở mới thôi!
"Văn của LV rất đặc biệt LV!!", nghe thích ghê. Như thấy Một góc trời Tây Bắc là biết ngay một góc trời của LV.
Gửi thêm một đoạn nhật ký mới viết, cho ngày mới, tháng mới.
Thứ bảy, ngày một, tháng bảy, năm 2006
Buổi tối đã nghe xẹt xẹt, đì đùng tiếng pháo bông bắn lên trời, dù rằng cũng còn mấy ngày nữa mới là lễ Độc Lập của nước Mỹ. Đi đường từ vài hôm trước đã thấy nhiều cái lều lớn dựng lên để chuẩn bị bán pháo bông. Lễ Độc Lập cũng là thời điểm trái cherries chín rộ. Hôm qua, ghé chợ Fred Meyer thấy Rainier cherries vàng ửng cam (cô bé Hoa Gạo mê loại này), chợt nhớ ngày lễ Độc Lập đầu tiên khi vừa qua Mỹ, đi học hè ở một trường đại học bên mặt đông của tiểu bang Washington, Central Washington College-bây giờ đã được đổi là CWU-được một cặp vợ chồng sinh viên trẻ người Mỹ, chưa có con, (cuốn American Heritage Dictionary của cô vợ tặng tôi cho đến giờ này tôi vẫn còn giữ, với hàng chữ viết: To an important friend. Hope this will help you – Stephanie, July 16, 75) ở chung dorm chở đi chơi, qua thung lũng Yakima vào vườn cherry mua cherries, tự bắc thang hái mang về dorm ăn, cũng được họ đưa đi coi rodeo, nơi đó những chàng cao bồi cưỡi ngựa quăng dây bắt bò. Bao năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ cái khung cảnh của ngày hôm ấy, trời nóng thật nóng, sau này mới biết vùng bên đó bao giờ cũng nóng hơn mặt Seattle, thiên hạ mặc áo tay ngắn quần ngắn màu sặc sỡ, nhạc trỗi lên lớn và dồn dập, người xem vỗ tay, hồi hộp. Sau rodeo thì chương trình có đốt pháo bông, nằm trên cỏ mà coi pháo bông bắn lên trời. Đó là cũng là lần duy nhất trong đời tôi đi coi rodeo.
Thủa đó tôi thấy cái gì cũng lạ. Từ trường đi ra phố thấy những cây mơ (apricot) trái đầy chín vàng mà chẳng ai hái, rụng đầy lối đi mà cũng chẳng ai lượm! Giống như bôm táo phía bên này của Washington, tháng tám, tháng chín, rụng đầy, khổ công đi lượm bỏ thùng rác. Lê nhật cũng vậy. Mới đầu ham lắm, ba tôi trồng bốn năm cây chi đó, chừng ra trái (có cây cho ra trái mọng nước, ngọt), còn hái đem cho người quen, sau có cho cũng không ai thèm vì nhà họ cũng bắt đầu trồng rồi, thành ra cứ để trái rụng đầy xuống đất, dọn cực luôn, giờ phải chặt hết. Nên vườn nhà tôi, không trồng cây táo, lê, mận vì vậy, có ăn uống bao nhiêu đâu mà trồng. Mà mặt Seattle này cũng không thấy người ta trồng cây mơ, cây đào (peach).
Tôi nhớ hồi đó tôi đi bộ ra chợ Abertson’s mua mớ mì gói top ramen về đổ nước sôi ăn. Bà cụ em của American grandma tôi gửi cho 5 đô bỏ trong bao thư gửi qua bưu điện và dặn ra chợ tìm mì top ramen mà mua ăn cho đỡ ngán thức ăn Mỹ -khi nghe tôi than thở trong phôn khi gọi về thăm hai bà. Bà Ruth mất năm ngoái. Grandma Connie thì còn sống, còn khỏe, còn lái xe đi chợ được, ở một mình dù là cũng gần ...100 tuổi rồi!
Mấy hôm rày cứ thấy một con thỏ con lẩn quẩn trong vườn. Một con thôi. Cụt đuôi, ngay cái vị trí đó lại có một mảng lông màu trắng, tôi nhìn thấy ngộ quá, tưởng như một miếng vá –làm nhớ cái hồi học may cái chăn bông (quilt). Mà xem chừng nó dạn dĩ lắm, mình dòm nó, nó dòm lại mình, rồi sau đó nó mới lững thững băng qua đường vào vườn nhà hàng xóm. Không biết là thỏ hoang hay là thỏ ai nuôi? Bữa nọ, bà Kareen vào sở khoe ầm lên là bà vừa khám phá ra sau vườn nhà bà có một mớ thỏ con vừa đẻ, very cute, bà bắt mang vào nhà, nhưng sau đó, đứa con gái bà lên nét tìm hiểu về giống thỏ rồi bảo bà, phải mau mau trả chúng về vị trí cũ, chứ bắt nuôi thì chúng không sống được đâu. Bả kể lại là có nói với cô con, nhưng mà má thích chúng quá, cho má nuôi một con được không? Thì bị cô con la, má sẽ giết nó, không được đâu!