Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 4,933 Points: 1,248 Location: University Place, Washington State, USA Thanks: 23 times Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
|
Gởi: Mon Jun 28, 2004 10:13 pm Thứ hai, ngày 21, tháng sáu, năm 2004 Lên phi trường đón các anh chị Kỷ Nguyên Mới Mới 5 giờ rưỡi sáng phôn reng. Mắt nhắm mắt mở, tôi bắc phôn. Chị Nhị gọi cho biết vừa xuống phi trường Detroit. Mọi người đã khởi hành từ phi trường Washington, DC-Dulles. Chị dặn tôi ghi số phôn của một độc giả ở San Jose: chị Hoàng đang có mặt ở Seattle và muốn đi gặp nhóm Kỷ Nguyên Mới, chị nhờ tôi gọi lại để message chỉ đường. Chị H. đọc MGTTB thấy đề cập về chuyến đi thăm Tây Bắc và chị hỏi có những ai. Chị Nhị thòng thêm một câu, độc giả của KNM mà cũng là độc giả của LV đấy, làm tôi vui quá. Chị Nhị lại nói có chị Ý, anh Tuấn đây, có ai muốn nói gì với LV không. Nhưng rồi chẳng ai muốn nói gì. Tôi đi ngủ lại. Bên Detroit bấy giờ là 7 giờ rưỡi hơn. Sau này, chị Nhị nói, chị quên mất giờ giấc, quên là bên LV, LV còn ngủ. Các anh chị phải đợi gần hai tiếng ở phi trường này. Sau đó, tôi gọi cho chị H., để lại message. Rồi không bao lâu thì chị H gọi lại. Tôi chỉ đường cho chị để khi nào các anh chị KNM đến thì chị sẽ đến chơi. Nhưng buổi chiều thì chị gọi lại cho biết chị mắc bận, không đến được. Cũng nghe chị nói chị đang ở trên Redmond, đi xuống rất xa. Rồi tôi cũng chẳng nghe rõ, vì bận hay vì xa mà chị không đến được. Vào chỗ chờ hành lý của hãng Northwest, tôi nhìn cái bản lịch trình những chuyến bay đến thì thấy chuyến bay 211 từ Detroit đã đến rồi, nhưng khách chưa thấy xuống. Đã nhìn thấy hình của các anh chị trên báo Kỷ Nguyên Mới nên tôi nghĩ tôi sẽ nhận được ngay khách xa của tôi. Vậy mà lúc chị Ý xuống trước một mình, tôi lại không nhìn ra chị ngay. Chị Lê thị Ý, tác giả của hai câu thơ nổi tiếng: Ngày mai đi nhận xác chồng Say đi để thấy mình không là mình Chị nhìn tôi, tôi nhìn chị. Cho đến khi các anh chị xuống đủ, thấy được chị Nhị, tôi mới chắc chắn đây là nhóm khách của tôi và tôi mới đến chào đón. Nhà biên khảo Phạm văn Tuấn, nhà thơ Quỳnh Anh, nhà thơ Lê thị Ý, nhà văn Lê thị Nhị. Chị Nhị bé nhỏ. So với chị thì tôi đô con hơn, có da có thịt nhiều hơn. Sáng nay, chị Quỳnh Anh ngủ quên. Chị Nhị đến trước nhà chị thấy đèn đuốc tối thui lại tưởng chị đã lên phi trường, may mà gọi thử phôn tay, mới hay chị Quỳnh Anh còn đang ...khò khò! Đêm trước, chị đi dự sinh hoạt ở nhà Trương Anh Thụy có nhà thơ Trần Mộng Tú đến từ Seattle, để giới thiệu tờ báo do bà và bà Bùi Bích Hà trông coi. Chị Quỳnh Anh hấp tấp chạy cho kịp chuyến bay, làm chị mệt xanh xao, anh Tuấn nói nếu mệt thì chị không nên đi. Chị Nhị kể lại, mình có thể chờ chuyến sau mà. Các anh chị là người cuối cùng lên máy bay. Có phải vì vậy mà hành lý của các chị cũng “chạy” ra sau, cứ đứng trông hoài mà vẫn chưa thấy. Chị Nhị có nguyên một cái vali chỉ bỏ báo KNM cho tôi. Chị nói sẵn đi mang theo luôn cho đỡ tiền cước phí. Anh Tuấn chỉ có xách tay thôi, khỏe re. Dĩ nhiên là anh không quên mang theo đồ nghề của anh, là máy quay phim, máy chụp hình. Chị Nhị đã nói kỳ này anh Tuấn tha hồ mà chụp hình. Sau này tôi mới biết thân phụ của anh là nhiếp ảnh gia nổi tiếng Phạm văn Mùi. Trên xe, chị Quỳnh Anh coi chỉ tay của tôi, nói sau này LV sẽ giàu và nổi tiếng. Tôi cười trả lời, em làm công chức, lại tính chuyện về hưu sớm, thì làm sao em giàu được? Còn nổi tiếng, thì có thể em sẽ nổi tiếng đó! (Hì hì! Chắc là sẽ cho ra một cuốn tiểu thuyết bán chạy như tôm tươi, và được trả cả triệu bạc tiền đô!) Chị Quỳnh Anh cứ nhất quyết cho là tôi sẽ giàu. Tôi có nói với chị, em sẽ ghi vô nhật ký, để sau này xem chị nói có đúng không. Năm 1998, Cỏ Thơm (tam cá nguyệt san văn học) đã xuất bản tập thơ Tình Trong Cõi Mộng của chị Quỳnh Anh. Tình trong cõi mộng như mơ Chợt khi tỉnh giấc bơ-vơ cõi sầu Thơ của chị tình thì thôi! Đưa tất cả về nhà ba má tôi. Má đãi bún riêu, bánh bột lọc và bánh nậm. Sau đó, lấy xe van xong với bảy chỗ ngồi, mới toanh chỉ lái mới có bảy ngàn dặm. Ng và tôi đưa các anh chị đi một vòng xem thủ phủ Olympia, rồi xa chừng vài dặm về hướng nam qua Tumwater, tôi chỉ cái cao ốc bốn từng lầu nơi tôi đi làm mỗi ngày. Trời nắng ráo. Chỗ nào cũng toàn thông là thông. Các anh chị nhận ra sự đặc biệt của Evergreen state ngay. Quay về nhà ba má ăn cơm tối. Gọi bác Trung để hẹn giờ giấc để đi Oregon ngày hôm sau. Trước đó thì chị Song Thi cũng có gọi hỏi khi nào xuống, nhưng chúng tôi không có ở nhà, nên má tôi nghe. Tôi gọi lại chị để xác nhận. Chắc thế nào cũng xuống khoảng 12 giờ trưa. Chị dặn ăn chi nhẹ khi đi đường để xuống đó ăn cơm trưa. Tôi nói với chị trời mùa nắng nên chắc sẽ đi sớm 6 giờ cho khỏe. Đến lúc nói chuyện với bác Trung thì bác kêu đi gì sớm vậy. Bác nói cũng phải: bác vừa xuống phi trường và các ông cháu của bác đang trên đường đến gặp bác. Thế nào cũng trò chuyện rôm rả, gần bốn năm rồi, bác chưa qua đây, từ ngày bác gái đau. Bác nói sáu năm, nhưng tôi chắc chắn là chừng bốn năm, vì kỳ đó lên thăm hai bác khi hai bác ở nhà D. và UT ở Kirkland, vừa gặp tôi là bác hỏi, “bài đâu?”, KNM khi đó mới ra được một số, và mùa Trung Thu cũng vừa qua. Bây giờ KNM sắp ra số thứ 46.
Thứ ba, ngày 22, tháng sáu, năm 2004 Đi thăm chị Song Thi Mọi người đang chờ bác Trung từ Seattle xuống, để rồi cùng đi thăm chị Song Thi ở Rockaway, một thị xã nhỏ ven biển miền bắc tiểu bang Oregon. Chị Song Thi trước 1975 là một nữ ký giả xông xáo nhiều mặt trận từ Bến Hải tới mũi Cà Mau. Chị cũng là phóng viên của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Ba mươi năm sau thấy chị vẫn còn lanh lẹ, mau mắn quá, biết chắc chắn là hồi xưa chị đã nhanh nhẹn cỡ nào rồi. Chị vẫn còn đẹp. Tôi đoán ngày xưa chắc chị có nhiều người theo đuổi lắm. Chị là bạn thân của chị Quỳnh Anh. Hai người bây giờ vẫn còn thân thiết kêu nhau mày tao. Trời mát mẻ, hơi âm u. Tách khỏi I-5, đi ngã qua thành phố Longview của tiểu bang Washington, về hướng Tây. Đường nhỏ nên không đi nhanh được. Có những khúc quanh co, bên phải là núi, bên trái là dòng sông Columbia rộng bao la. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao không thể sáng đi tối về khuya được. Đi khuya trên lộ trình này nguy hiểm quá, lúc về lại đi phía có con sông bên dưới, lạng quạng bay cả xe lẫn người xuống sông! Mà sông Columbia lại mang tiếng chảy xiết, rất nguy hiểm. Lần này có lẽ vì cái xe van còn mới, nhỏ gọn, giúp mình tự tin hay sao đó mà tôi có cảm tưởng cái cầu cũng không đến nỗi dài lắm. Đến nơi thì đã hai giờ chiều. Chị Song Thi và phu quân của chị là anh Mạnh đãi chúng tôi thổ sản: oysters nướng trên lò, clam chowder, cá salmon. Tôi ăn chỉ được hai con oysters. Con nào con nấy thật lớn. Tôi thích nhất món clam chowder. Chỉ có Ng với anh Tuấn uống bia. Mặt hai người đỏ gay. Ng nói những người có máu O thì mặt đỏ khi nhậu bia, rượu. Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng được bao nhiêu, vì người có máu O chỉ nhận máu O, trong khi có thể cho máu O cho bất cứ người có những loại máu nào. Ăn xong ngồi nói chuyện một chút nơi phòng khách. Con mèo Princess của anh chị phóng một cái vù từ dưới bếp vô phòng ngủ, nhảy lên giường. Thật giống như con nít, làm như để gợi sự chú ý của mọi người, thật tức cười. Thấy chúng tôi cười nói thì cô ta chạy vù một cái nữa. Anh chị kêu Princess là cháu ngoại, vì là mèo của con anh chị. Cái đầu nhỏ mà cái thân mập ú! Sau đó, khách được mời đi nghỉ trưa. Tôi cảm tưởng là lâu lắm rồi tôi mới có một giấc ngủ trưa ngon như thế. Đi đường hẹp, quanh co, dù không lái nhưng vẫn dòm chừng bản đồ để chỉ đường cho Ng, tôi mệt nhoài. Gió hiu hiu qua song cửa sổ, cứ thế là mình phê thôi. Buổi tối, chị Song Thi và anh Mạnh đãi một bữa cơm thuần tuý Việt Nam: cá canh chua (tôi chẳng biết cá gì) nhưng có đủ thơm, bạc hà, giá, rau om...Chị Nhị thích món cua rang muối. Một mình chị “đá” hết hai phần ba của cái dĩa, bàn có chị, chị Quỳnh Anh và tôi ngồi! Tôi đụng một chút trứng cá kho. Không đụng tới món cá chiên, vì no quá rồi. Sau đó, chị Song Thi mời tráng miệng với món chè sâm bổ lượng. Chị nhanh nhẹn, trong chốc lát việc gì cũng xong. Rồi mấy ông đi ngủ sớm, các chị và tôi vẫn còn ngồi nói chuyện. 12 giờ khuya, chị Song Thi cầm đèn pin đưa tôi qua nhà bên kia.
Thứ tư, ngày 23, tháng sáu, năm 2004 Phái đoàn xuống đông, bảy người, nên anh chị mượn thêm cái nhà bên cạnh đang để bảng bán nhà. Nhà này chỉ có hai phòng ngủ. Buổi sáng, Ng hỏi tôi có nghe tiếng nước suối chảy không? Tôi nói có nghe tiếng nước chảy nhưng không biết nó ở đâu. Thì Ng chỉ cho tôi thấy cái con suối nhỏ bên kia hông của căn nhà. Bác Trung với anh Tuấn nằm phòng gần con suối nhỏ mà lại nói không nghe gì cả. Tôi cười nói với mọi người là chắc Ng và tôi sẽ mua căn nhà này để anh chị em Kỷ Nguyên Mới hằng năm vào mùa hè có chỗ về nghỉ mát. Anh Mạnh với chị Song Thi nói LV nên mua đi, họ để giá 109 ngàn nhưng chắc trả 1 trăm ngàn thì họ bán liền. Anh Mạnh cho biết con suối này chảy vào một cái hồ gần đấy, nhưng không phải là cái hồ mà tôi đã thấy khi từ lộ 101 rẽ vào. Chị Song Thi dậy từ sáng sớm làm paté chaud, bánh croissants có cheese, ham. Bánh croissant của bác Trung không kẹp thêm gì cả. Bác dặn như vậy. Chị Song Thi và anh Mạnh tiếp đãi rất chu đáo! Các chị có mặt đều cười nói nhà anh Mạnh chị Song Thi là khách sạn 5 sao tốt quá, năm tới mình sẽ tới ở nữa! Ăn sáng xong, chị lái xe hướng dẫn khách ra công viên Cape Mearer. Đường dốc, nhỏ, quanh co. Cây cối, lá cành đan nhau dày đặc. Bất ngờ bác Trung nói, tình nhân đưa nhau vào đây, đố mà Trời tìm được. A! Bác Trung nói ghê quá, nghe bác nói thì ai cũng cười. Những núi đá nhô lên ngoài biển, cảnh vật giống như vịnh Hạ Long. Lại chụp hình. Chị Quỳnh Anh và chị Ý ngồi nghỉ chân, chứ không dám đi xuống dốc. Mọi người còn lại thì ai cũng đi. Bác Trung hay thật, không nghe bác than thở gì cả. Bác cũng xuống dốc rồi lên dốc. Rồi chị Song Thi hướng dẫn chúng tôi ra đường số 6. Số 6 sẽ nối vào số 26, đường đi Portland. Đường lại nhỏ, núi đồi quanh co, làm Ng phải chú tâm mà lái. Lái đường nhỏ mệt quá. Đi cũng khoảng một tiếng rưỡi nữa. Chúng tôi tới chơi nhà nữ sĩ Tuệ Nga. Chị Tuệ Nga ngày trước thuộc nhóm thơ Quỳnh Dao, có bà Trùng Quang, bà Vân Nương, bà Hỷ Khương... Nhóm này hay làm thơ xướng, hoạ. Chị Tuệ Nga nói chị không thích thơ xướng, hoạ. Chị Ý ở gần nhà chị Tuệ Nga. Mỗi lần nhóm Quỳnh Dao họp ở nhà anh Phương Hồ & chị Tuệ Nga, chị Ý hay qua chơi, nhưng chị không là thành viên của nhóm này.
|