Rank: Advanced Member
Groups: Moderator
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 2,472 Points: 333 Location: Thành Phố Hoa Hồng Portland, OR
Thanks: 6 times Was thanked: 9 time(s) in 8 post(s)
|
Trà Thiền Chào quý bạn,
Portland mấy hôm nay mưa nhiều. Khí trời đã bắt đầu lạnh sau ngày lễ Thanksgiving. Trong cái lạnh của mưa, của những ngày đầu lập Đông, bạn và tôi ngồi trong ngôi nhà ấm, uống ly trà cúc nóng, đắp mền xem phim Đại Hàn, còn gì sung sướng và thú vị cho bằng. Bạn nhỉ?
Tôi vẫn nghĩ thú uống trà là một thú vui tao nhã của những bậc thi nhân ẩn sĩ. Nhiều tài liệu đã nói về cái thú tao nhã này. Xin hãy đọc những dòng chữ giới thiệu về thú uống trà của Nguyễn Duy Chính qua Lời Mở Đầu trong bài viết “Trà Tàu và Ấm Nghi Hưng” của ông dưới đây:
“Uống trà tàu vốn dĩ phổ thông thời trước, đến nay đã trở thành hiếm hoi trong xã hội Việt Nam. Thanh niên ngày nay chỉ mường tượng được cái hình ảnh đó qua truyện ngắn của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời, Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm). Sách vở viết về trà lại càng ít ỏi. Tại Việt Nam thời trước, ngoài cuốn Vang bóng một thời chỉ lác đác một vài ba cuốn khác. Trà đạo kiểu Nhật thì có bản dịch cuốn Trà Thư (The Book of Tea) của Okakaura Kakuzo của Bảo Sơn Một tiểu thuyết cũng viết nhiều về thú uống trà là cuốn Trà Thất của Minh Đức Hoài Trinh. Ở hải ngoại, cuốn Trà Kinh của Vũ Thế Ngọc là một biên khảo tương đối công phu. Ngoài ra, thỉnh thoảng có một đoản thiên nghiên cứu về trà Tầu hay ấm trà đăng rải rác trong tạp chí. Mới đây tôi được đọc bài của Phan Quốc Sơn về ấm Nghi Hưng rất thú vị. Trong tác phẩm Sống Đẹp, Lâm Ngữ Đường cho rằng uống trà là một phát minh quan trọng nhất trong đời sống. Trà là một phần và cũng là một biểu tượng của sự nhàn nhã, Ông để hẵn một mục để bàn về Trà và Tình Bạn. Viết về cách uống trà, thưởng thức trà thì Tây Phương có hằng trăm cuốn nhưng phần lớn viết theo cách nghiên cứu một loại thực phẩm. Người Trung Hoa cũng có nhiều sách viết về trà, nghệ thuật uống trà, còn người Nhật thì đưa hẳn lên thành một đạo sống (Trà Đạo). Riêng Việt nam mặc dầu uống trà rất thịnh hành nhưng lại ít ai để tâm nghiên cứu. Vũ Thế Ngọc, tác giả cuốn Trà Kinh đã ngậm ngùi mà than rằng: “viết về trà thì gần như chưa có ai viết” hoặc “viết vô cùng sơ lược”. Nhận xét đó có lẻ không sai. Và vì thế ông tự cho rằng cuốn sách ông soạn “là quyển sách đầu tiên về nghệ thuật uống trà bằng Việt ngữ tương đối đầy đủ hơn cả” thì cũng không ngoa”.
(Nguồn: Trà Tầu Và ấm Nghi Hưng của Nguyễn Duy Chính)
Tản mạn dông dài về thú uống trà, người viết lại nhớ đến tách trà Triệu Châu dưới đây:
Trà Triệu Châu
Tăng đến tham bái, Triệu Châu hỏi: - Ông đã từng đến đây chưa ? - Tăng đáp : - Dạ đến rối. - Vào trong uống trà đi. Lại hỏi một Tăng khác: - Ông đã từng đến đây chưa? - Thưa con mới đến. - Vào trong uống trà đi. Viện chủ thấy vậy thắc mắc: Quái! Đến rồi cũng uống trà đi, chưa đến rồi cũng uống trà đi. Tại sao vậy cà? Triệu Châu gọi: - Viện chủ. - Thưa vâng. - Vào trong uống trà đi.
Bình: Trà Triệu Châu bình đẳng, đối với kẻ cũ người mới đều thể hiện tâm bình thường. Viện chủ không bình thường mới thắc mắc nên cũng cần uống trà đi. (Nguồn: Thiền là gì? Gíác Nguyên)
Chúng ta là người tầm thường, chắc chắn sẽ cùng một ý nghĩ như vị viện chủ nói trên vì chúng ta còn cái tâm phân biệt kẻ trước người sau, kẻ lớn người nhỏ. Nhưng với Triệu Châu, một bậc thiền sư chân chính, Ngài đã dùng với cái tâm bình đẳng đối đãi mọi người như nhau, nên với ai Ngài cũng mời ai uống trà là thế đó!
Cũng nhân việc uống trà, người viết xin mời Bạn đọc tiếp một chuyện uống trà khác nữa nhé.
Chén trà Thiền lý
Có một học giả đến hỏi thiền nơi Thiền sư Nam Ẩn. Sư mang trà ra rót vào chén để đãi khách. Trà tràn đầy ra ngoài mà sư vẫn cứ rót. Học giả bèn thưa: - Sư phụ, trà đầy rồi xin ngừng tay lại. Nam Ẩn đáp: - Ông có khác chi chén trà này, trong lòng đầy ấp những tri giải, định kiến. Nếu ông không cạn chén trà tri giải nơi mình trước. Ta biết làm sao nói Thiền cho ông nghe.
Bình: Hãy cạn chén trà tri giải của bạn đi. Nếu không, bạn chỉ trông mặt mà bắt hình dong, nhận giặc làm cha. Dầu gặp Phật ra đời khai thị cũng không tỏ ngộ được, đừng nói gì là Nam Ấn. (Nguồn : Thiền Là gì?)
Hôm nay người viết sẽ đưa quý bạn vào thế giới của Trà qua các bài viết rất hay mà người viết sưu tầm được trên net để quý bạn tìm thấy được một chút gì thiền vị khi uống trà và không chừng bạn và tôi sẽ học được một chút gì về Thiền Trà. Mong lắm thay!
Mời quý bạn đọc thêm một bài viết liên quan đến Thiền Trà dưới đây. Bài viết này rất dài, nguời viết chỉ xin trích dẫn những đoạn văn giản dị, không dùng nhiều từ ngữ Phật pháp cao siêu khó hiểu có thể làm cho người đọc khó có thể lĩnh hội hết được nét đẹp thi vị của Trà trong Thiền, bạn đồng ý chứ ?
TRÀ, THIỀN, NHÂN GIAN CÕI TỊNH
Trà thường có vị đắng, chát, rồi sau đó lẫn vào một chút ngọt ngào, cũng như cuộc đời ai cũng phải trãi qua bao đắng cay chua chát, nhưng nếu vẫn bền gan vững chí, thì cuối cùng rồi cũng gặt hái được những thành quả ngọt ngào của câu chữ “Khổ tận cam lai” còn nếu như không có một chút gì hồi đáp, thì âu cũng là “duyên số” mà thôi. Hương vị của Trà hàm chứa đầy đủ các chất liệu hương vị của cuộc đời, cho nên thường thì khi còn niên thiếu rất ít có ai thích uống trà, vì vị của Trà không ngọt ngào như tương lai và mơ ước của những người trẻ tuổi, nhưng khi trãi qua hết thảy mọi xúc cảm thăng trầm vinh nhục, được mất có không của cuộc đời, đến tuổi xế chiều, ngồi thưởng thức một chén trà lại là cơ hội để bạn già ôn lại chuyện xưa, để người đi xa nhắc về những kỷ niệm, để bao cuộc đời bể dâu, thăng trầm trôi nổi nối lại duyên xưa. Khách phong trần nhìn lại cuộc đời của mình, để rồi ăn năn hay tỉnh thức, hoặc giả tự mình vui với chính sự thành công của mình, hay tự an ủi mình trong những gì không được may mắn hay thất bại, người trong nhân gian thấm sâu vị đắng chát hay ngọt ngào của trà là như vậy đó, thưởng thức trà, hương trà trong được mất của thế nhân. Trà pha với nước như người với cuộc đời, khi thả trà vào nước lá trà lúc nào cũng trôi nổi bềnh bồng, chẳng khác gì ta khi bước vào đường đời nổi trôi chưa có nơi cố định, hoặc giả công việc thời thế chưa đến lúc hanh thông. Rồi màu của trà vị của trà, dần dần đậm lại, như màu sắc cuộc đời trãi qua những thăng trầm thêm kinh nghiệm sống trong ta, vị trà đắng rồi lại ngọt, mách bảo cho ta hương vị của cuộc đời không bao giờ đắng mãi và cũng không có ngọt bùi khi không có sự nổ lực của chính tự thân. Trà khi pha nổi rồi chìm, đắng chát ngọt ngào không khác cuộc đời được mất hơn thua, vinh nhục, cay đắng, trà vẫn thế không thay hương vị, đời vẫn vậy chưa từng đổi thay, trà vị có chát hay ngọt cũng chỉ có người thưởng thức mới biết được, đời vui hay buồn, vinh hay nhục cũng chỉ có người trãi qua rồi mới cảm nhận được thôi. Trà được xưng là Trà Đạo vì theo quan niệm của cổ nhân trong trà có ba điều đạo lý. Điều thứ nhất: trà có vị đắng cay như cuộc đời. Điều thứ hai: hương của trà thơm như ái tình của cuộc sống. Điều thứ ba: đắng rồi lại ngọt, như cuộc khổ lại cam qua, trong trà gói trọn bao nhiêu triết lý của cuộc đời, biểu hiện hết thảy ngọn ngành cảnh giới của nhân sanh. Cuộc đời chẳng khác gì trà khi trải qua ba giai đoạn, nếu được rèn dũa tôi luyện thì phần còn lại đó là trà sẽ là vị ngọt, còn cuộc đời sẽ là sự thành công hay trọn đầy bao ước nguyện. Trà được người kính trọng bởi vì trà có đầy đủ những gì người muốn có, theo kinh nghiệm của người xưa uống trà có thể huân tập được 10 đức tính như; tán u uất, dưỡng sinh, dưỡng khí, trừ bịnh, lễ giáo, biếu kính, thưởng vị, dưỡng thân, hành đạo, nhã chí. Vì vậy trà được đưa vào Thiền môn vì những tính chất đặc hữu của mình, trải qua sự vận dụng của Thiền định trong trà, đạo của trà thâm nhập vào thế giới của Thiền tư thành Thiền Trà. Thiền sư đem trà cúng dường Phật, với tâm trọn thành trong niệm cúng dường cảm ân, lấy trà để mời khách là nguyện niệm lân mẫn cúng dường, hai pháp cúng dường, nhưng chỉ trong một niệm hoan hỷ, Phật hay chúng sanh cũng chỉ trong tâm tâm bình đẳng. Lấy trà để cúng dường, ý diễn trà cũng là sắc thân, dùng trà để bổ trợ cho sắc thân đầy đủ thắng duyên tu hành thành Phật. Trong bài Ẩm Trà Ca của Thầy Hiểu Nhiên đời Đường có câu: “uống trà một ngụm điều dứt hôn trầm, tinh thần sảng khoái mãn trần gian, uống thêm ngụm nữa tâm thanh ý tịnh thần tự tại, bổng thấy lòng mình mát rượi như hạt mưa bay, đang sái gội trần gian”. Trà Thiền chỉ trong chén trà mà ta đang thưởng thức, đây là một câu ngạn ngữ trong cửa Thiền khi nói đến đạo của Trà và Thiền. Thiền sư uống trà, trà trở thành “Thiền”, thế nhân uống trà, trà trở thành “Lễ”, lễ trong ý kính, Thiền trong trong niệm tịnh, kính và tịnh hợp nhất thành tâm thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh rồi trần cảnh không hai, thế gian, cõi thiền là một, Thiền sư là khách, khách cũng là thiền, như trà chỉ một vị, khách thiền cảm nhận như nhau, không sai không khác, như vậy là “Trà Thiền một vị, Tăng Tục không hai”. * Thích Tâm Mãn (nguồn:chùa) Úi chào! Uống ngụm trà này là chúng ta tỉnh ngay thật vì trong phân tích hoá học, trà có chất caffeine làm chúng ta có thể tỉnh như sáo sậu, giống như khi ta uống cà phê để thức khuya học bài ôn cho các kỳ thi Tú Tài ngày xưa vậy đó. Bởi thế có nhiều người khuyên bạn và tôi không nên uống trà nhiều vào buổi tối, nếu không bạn và tôi sẽ trằn trọc suốt canh thâu, sẽ khong thẻ mơ nhiều mộng đẹp bây giờ.
Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam
( Nguồn: tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi-MCTN155-Ortb553-12512)
Mời quý bạn xem Youtube Trà THiền do SL thực hiện qua link dưới đây: http://www.youtube.com/w...YyB5xlc&feature=plcp
|