Nguyễn Xuân Thiệp làm bài thơ này trong thời gian bị giam giữ trong trại tù cải tạo ở Thanh Nghệ Tĩnh. Tại sao ông lấy tựa là "Thảo nguyên" thì Huệ không biết, chỉ có thể đoán. Có thể nhà thơ đã có giải thích ở đâu đó mà Huệ chưa được đọc. Trên thảo nguyên này thấy có "bầy dê con trên đồi vắng", "bạch dương", "bạch đàn" thường thấy trên những cánh đồng Nga (mặc dù bạch đàn cũng là cây khuynh diệp thì phải, ở Việt Nam cũng có). Huệ đoán là tác giả muốn nói cánh đồng đi hoài không hết, ngụ ý chưa biết ngày nào về. Vì còn ở trong trại tù với nhiều kỷ luật khắc nghiệt, Nguyễn Xuân Thiệp trang trải tấc lòng một cách thông minh, cũng nói đến
cha đã đi qua vùng thảo nguyên
gió mùa xưa chuyển cơn giông lớn
vang thiên thu chớp bể mưa nguồn
nước vượt bờ. trùng khơi nước rộng
hồn cựu kinh. thấp thoáng ngọn rừng
đám lưu dân qua vùng châu thổ
chẳng tìm đâu thấy một xóm làng
thảo nguyên. tàn khuya không ánh lửa
trời mịt mùng. muông thú kêu hoang
cha đã đi qua vùng thảo nguyên
những năm ấy trời làm đói khổ
kẻ sống. người chết. đều trơ xương
lại thêm khắp bốn bề giặc giã
muôn oan hồn không chốn nương thân
phất phơ nơi đầu sông cuối bến
ngày gầy xơ. lất phất mưa phùn
đường bạch dương. chiều. không quán trọ
hành nhân. hành nhân. đêm thu phân
cha trở về trong căn nhà gỗ
trao cho ta chiếc gậy tìm đường
đêm uống trà khan. đọc thơ cổ
xót đời. qua một tiếng độc huyền
nhưng khó ai có thể bắt tội người tù này đã làm bài thơ phản động.
Hơn thế nữa, bài thơ nói lên cái tự do và tài sản to lớn của tác giả, cũng như của mỗi người trong chúng ta, cái tự do và tài sản không ai đem đến cho mình được mà cũng không ai lấy đi của mình được. Mỗi người đều có thể trở về lục lọi trong kho tìm lại vốn liếng của mình, bốn mùa có đủ. Bài thơ của người đã đi trên thảo nguyên năm năm và còn đi trên thảo nguyên chưa biết đến bao giờ, nhưng không trách oán, không tự thấy mình là nạn nhân, phong cách vẫn thanh cao qua những ngày "khổ hạnh" . Không thấy ai đến thăm người, nhưng người đã đi thăm từng thân nhân một, nào cha, nào mẹ, nào chị, nào em, nào người xưa lỗi hẹn, nào vợ, nào con, nào láng giềng, nào những đứa bạn chăn bò thời thơ ấu, thăm cả mảnh vườn xưa và tìm lại bản thân mình.
Nguyễn Xuân Thiệp thu cả đất trời làm của riêng, tìm thấy những điều khó thấy:
nhà ai. đèn lồng soi trước hiên
nhủ thầm. nhà ta sau hàng phượng
và một tiếng gió mơ hồ cũng đủ mua cho người thơ một vé tàu trở về quê cũ:
đời trôi đi. tưởng đời lặng câm
bỗng tiếng đàn ai trong gió thoảng
Bởi vậy tôi cũng muốn làm người tự do, hiểu theo cái vốn liếng tự do của mình và xin mời tất cả các bạn yêu thơ.