Rank: Newbie
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 2,105 Points: 0
|
Chị cũng thấy cảnh mùa thu đẹp quá, càng về phía Bắc mùa thu càng đẹp, đẹp rực rỡ, đẹp quyến rũ. Không biết bên Bình thì sao, bên chị mỗi năm du khách đến đông nhất là hai mùa xuân, thu. Mùa xuân du khách lũ lượt kéo về xem hội hoa anh đào ở thủ đô Wahington DC. Mùa thu ai nấy rủ nhau về Virginia để xem mùa thu lá đổi màu, thường là vào giữa tháng 9. Trên suốt 100 dặm đường đèo dọc theo rặng núi Blue Ridge, gọi là Skyline Drive, một bên là núi, một bên là thung lũng, nghìn muôn lá thay màu, rực rỡ hơn cả trời xuân, nhất là đoạn Shenandoah Valley, cách nhà chị chừng 25 dặm về phía Tây (gần hơn đường chị đi làm ở Washington DC - 40 dặm về phía Đông, đi từ nhà chị). Thung lũng này, Shenandoah Valley, đã được nhà văn Doãn Quốc Sĩ tả lại trong tác phẩm Sầu Mây, xuất bản năm 1970. Nhà văn Doãn Quốc Sĩ cho rằng Shenandoah Valley là thắng cảnh đẹp nhất nước Mỹ. Dĩ nhiên đây chỉ là sự đánh giá chủ quan của một người, dầu là sự đánh giá của một nhà văn. Nhưng chị hiểu là, cũng như mội người, khi đứng trên triền núi nhìn xuống thung lũng muôn màu, trăm hồng, nghìn tía, màu gì cũng có trong kia, hồn ai mà chẳng choáng ngợp, nhất là trước muôn màu lá lấp lánh dưới nắng trong của một chớm thu. Ngẩn ngở trước khung cảnh thiên nhiên của Shenandoah Valley, chị mới thấy chưa biết muôn hồng nghìn tía của mùa thu và muôn hồng nghìn tía của mùa xuân, mùa nào hồng hơn, tía hơn đó nha Bình. Đây là mình nhìn tận mắt muôn hồng nghìn tía của mùa thu, còn muôn hồng nghìn tía của mùa xuân thì chị chỉ nghe qua trong sách vở thôi. Chị trích lại đây chia xẻ với Bình và các bạn: "Thế kỷ XV-XVI, Ngô Chi Lan (quê Kim Anh) nổi tiếng với chùm thơ Tứ thời khúc, trong đó có bài Mùa xuân (Xuân tứ), lại đến khoa Mậu Thìn - 1508, Nguyễn Giản Thanh (làng Ông Mạc, Từ Sơn) có bài phú Phụng thành xuân sắc. Phụng thành là Phượng thành, tức Thăng Long thành. Bài phú ca ngợi mùa xuân ở kinh đô tươi đẹp, cửa vàng điện ngọc, muôn tía nghìn hồng, nhưng ông cũng có ý sâu sắc: cậy hiểm không bằng cậy đức, không thành trì nào bền bằng nhân nghĩa... Tương truyền, chính nhờ bài phú chữ Nôm xuất sắc này mà ông được Trạng nguyên.
Thế kỷ XIX, Bắc Ninh có Cao Bá Quát (làng Phú Thị, nay thuộc Gia Lâm) tài năng lỗi lạc, vua Nguyễn khen văn chương của ông và Nguyễn Văn Siêu, đến thời Tiền Hán (T.Q) nhiều tác giả lừng lẫy nhưng cũng chẳng có ai được như thế: Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán... Cao Bá Quát lều chõng lận đận, mãi cũng chỉ đỗ đến cử nhân, làm ở Hàn Lâm viện, thơ chữ Hán của ông, người ta sưu tập được đến 1,353 bài, trong đó có nhiều bài thơ xuân, Đêm xuân đọc sách (Xuân dạ độc thư), Nắng mới sau hôm lập xuân một ngày (Lập xuân hậu nhất nhật tân tình), Trồng mai (Tài mai)... Chỉ cầm mấy hạt mai ném ra đầu núi, thi sĩ họ Cao cũng được một tứ thơ hay, vượt ra khỏi loại thơ thù tạc xướng họa xu thời nịnh thế: Đầu non nắm hạt mai gieo/ Giống thanh gửi chốn núi đèo xanh tươi/ Nữa mai xuân điểm bầu trời/ Bức tranh tuyệt tác cho đời ngắm chung (4). Đến bài Nắng mới... sau lập xuân, ý thơ càng vượt phóng, đằm thắm nhân tình, xuân tới “phá cựu hàn” - phá cái rét năm cũ, bộc lộ nguyện ước khát khao không phải cho riêng ông mà cho cả trăm họ:
Hôm qua xuân đến rét tan Sáng nay hồng tía muôn ngàn khoe tươi Việc hoa ước giống việc người Qua mưa gió lại sáng ngời núi sông.
Huệ Chi dịch lại từ:
Khứ nhật xuân lai phá cựu hàn Kim chiêu hồng tử đấu thiên ban Hà đương thế sự như hoa sự? Phong vũ giang sơn tận cải quan."Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu chúng ta cũng có thấy chữ "muôn hồng nghìn tía" để chỉ những vẻ đẹp mỗi người một vẻ: "Muôn hồng nghìn tía đua tươi, Chúa xuân nhìn hái một hai bông gần."Mới đây nữa, nhà văn Trùng Dương cũng viết một bài dùng từ "muôn hồng nghìn tía" để chỉ sự giàu có và đa dạng của các ngòi bút miền Nam, so với nền văn học "cúc vạn thọ" của miền Bắc: "Gần đây tôi có dịp đọc một số tài liệu của người trong nước viết về văn học miền Nam 1954-1975. Rải rác đó đây không ít, nhưng gom vào một mối thì có thể kể ra hai nguồn. Thứ nhất là bài phỏng vấn khá thú vị của chị Thụy Khuê, đài RFI bên Pháp, với nhà phê bình Vương Trí Nhàn, hiện sống tại Hà Nội, xung quanh đề tài văn học miền Nam từ 1954-1975. Thứ hai là cuốn số 4 của bộ sách 4-tập khá đồ sộ tựa là Văn Học Miền Nam Nơi Miền Đất Mới ("đất mới" đây có nghĩa là miền nam Việt Nam, xưa quen gọi là "xứ đàng trong", chứ không phải "đất mới" của người Việt tị nạn, đặc biệt người tị nạn tại Mỹ) của Nguyễn Q. Thắng, riêng bàn về văn học miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, do nhà Văn Học xuất bản ở Hà Nội năm ngoái.
Thẳng thắn mà nhận xét thì phải nói đây là những nỗ lực đáng khích lệ. Nói về văn học Việt Nam thời cận đại mà chỉ được bàn về sách báo được sản xuất dưới chế độ Cộng sản toàn một loại "cúc vạn thọ", trừ loại văn chương gọi là phản kháng đã hẳn, là một thiếu xót lớn. Trong khi một điều không ai từ miền Bắc đặt chân vào miền Nam lần đầu sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 bây giờ còn có thể phủ nhận: đó là cả rừng sách báo, từ sáng tác tới dịch thuật, muôn hồng nghìn tía phơi bầy ra trước mắt họ trước khi có cái chiến dịch man ri mọi rợ "đốt sách" của nhà nước Cộng sản vào cuối năm 1975. Đã hẳn là có vàng có thau, nhưng giới thưởng ngoạn đủ thông minh để lọc ra những gì với họ là vàng để giữ lại, hoặc dấu nếu cần, không cần chính quyền làm hộ cái việc tuyển lựa."Tiện đây, chị ghi thêm tiểu sử nhà văn Trùng Dương, theo tài liệu của VOA: "Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, Bắc Việt. Bà nguyên là chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Sài Gòn, 1971-75), và tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978) ghi lại những ngày cuối cùng ở Sài Gòn vào mùa xuân 1975. Định cư tại Hoa Kỳ từ 1975, bà trở lại trường học và tốt nghiệp ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế tại Đại học Tiểu Bang California, Sacramento. Từ 1991-93, bà làm phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, California, sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, California, từ cuối năm 1993 tới khi về hưu vào giữa năm 2006. Bà hiện cư ngụ tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ."Tuyển Tập PNV năm nay chọn tên thật có ý nghĩa và làm bìa quá đẹp, nhờ sự đóng góp nhiệt tình của nhiều người. Không dè trang Phụ Nữ Việt có một nữ họa sĩ tài hoa như Ngọc Thể. Bao nhiêu tranh của Ngọc Thể chị đều cóp hết. Người đâu mà nhiều tài đến thế, nào họa, nào nhạc, nào thơ, nào óc khôi hài... Chị chờ để được cầm trên tay tuyển tập Muôn Hồng Nghìn Tía. Và mở ra để được thưởng thức nghìn tía, muôn hồng. Tài liệu: http://www.vietnamtouris...n-xua-voi-tho-xuan.html
http://www.voanews.com/v...de012bf1c60e134c1a75606
|