Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
tin tức cập nhật / yahoo fr
11/03/2020 - 06H00 GMT
Trên toàn thế giới (109 quốc gia) : 119,476 ca, 4.290 chết, số ca chữa khỏi : 65.900
- Hoa Lục : 80,967 ca / 3.158 chết - Ý : 10,149 ca / 631 chết - Iran : 8,042 Iran / 291 chết - Hàn quốc : 7,755 ca / 54 chết - Pháp : 1,784 ca / 33 chết - Tây Ban Nha : 1,695 ca / 36 chết - Đức : 1,574 ca / 2 chết - Mỹ : 1,039 ca / 30 chết - du thuyền Princess Diamond : 696 ca / 6 chết - Nhật : 581 ca / 12 chết - Thuỵ Sĩ : 491 ca / 3 chết - Na Uy : 401 ca - Hoà Lan : 382 ca / 4 chết - Anh : 382 ca / 6 chết - Thuỵ Điển : 355 ca - Bỉ : 267 ca - Đan Mạch : 262 ca - Áo : 206 ca - Bahrain : 189 ca - Singapore : 160 ca - Malaysia : 129 ca - Úc : 107 ca - Canada 93 ca - Hy Lạp : 89 ca ... ...
Đông Nam Á : Giải mã quy mô “khiêm tốn” của dịch Covid-19
Mai Vân - RFI - 10/03/2020 Điều được ghi nhận đầu tiên về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Đông Nam Á, là những con số rất khiếm tốn về ca nhiễm, nhìn chung chỉ từ vài người cho đến vài chục người.
Đây quả là một điều rất khác thường đối với một vùng là láng giềng sát cạnh Trung Quốc, nơi xuất phát của dịch Covid-19 vốn đã lan rộng ra toàn thế giới, với nhiều nơi có số ca nhiễm đã vượt mức 1000. Càng khác thường hơn nữa là một số nước có biên giới chung với Trung Quốc, cho đến cuối tháng Giêng, vẫn tiếp đón những chuyến bay thẳng thường nhật từ tâm dịch là thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc.
Giới quan sát đã bước đầu tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới những con số nhỏ bé đó để cho rằng chính quyền một số nước, vì những động cơ chính trị, đã cố tình giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của tình hình.
Theo những con số được chính thức thông báo cho đến hết ngày hôm qua, 09/03/2020, Singapore là nước Đông Nam Á ghi nhận số ca bị nhiễm virus corona cao nhất, với 150 trường hợp, theo sau là Malaysia với 99 ca, kế đến là Thái Lan với 50 ca lây nhiễm, Việt Nam 31 ca.
Và ở tận cuối bảng, người ta ghi nhận 7 trường hợp ở Philippines, 4 trường hợp ở Indonesia, 2 trường hợp ở Cam Bốt. Còn ở Lào, Miến Điện và Brunei, hoàn toàn không có một trường hợp lây nhiễm nào.
Những lời giải thích “trời ơi” từ một số nước
Theo Carole Isoux, thông tín viên đài RFI và nhật báo Libération tại Bangkok, không thiếu cách diễn giải của một số chính quyền tại chỗ về tình trạng miễn dịch, hay ít bị lây lan của nước họ.
Tiêu biểu nhất là lời giải thích của bộ trưởng Y Tế Indonesia. Nhân vật này đã không ngần ngại giải thích công khai rằng: “Chính những lời cầu nguyện đã bảo vệ chúng tôi khỏi virus”.
Còn tại Thái Lan, lời giải thích không đến nỗi siêu hình, nhưng rất vô tư: Đó là do thói quen sạch sẽ của người Thái, thường tắm nhiều lần trong ngày. Mặt khác, đó cũng là do cách chào của người Thái, chỉ chắp tay vái chứ không bắt tay, hay ôm hôn.
Tại Việt Nam, cụ thể là ở miền Nam, lập luận cho rằng con virus corona, cũng như một số virus khác, rất sợ trời nóng, vì thế đã tránh Việt Nam!
Hệ thống y tế yếu kém
Nhưng đối với giới chuyên môn, những con số lây nhiễm cực thấp tại nhiều nước phản ánh một hệ thống y tế yếu kém.
Một báo cáo gần đây của một nhóm bác sĩ và nhà toán học thuộc đại học Mỹ Harvard cho rằng căn cứ vào các dữ liệu thống kê về những dịch bệnh khác, đối với các quốc gia Đông Nam Á, nhất là Indonesia, Thái Lan và Cam Bốt, số các ca nhiễm Covid-19 trong thực tế không thể thấp như vậy.
Marc Lipsitch, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Động Lực Các Loại Bệnh Truyền Nhiễm, đại học Mỹ Harvard khẳng định: “Có nhiều ca nhiễm bị bỏ qua không bị phát hiện trong vùng”.
Dẫu sao thì tại các nước phát triển, các giới chức y tế đã hiểu rất rõ tình trạng đó. Mặc dù có số liệu chính thức về các ca nhiễm Covid-19 rất thấp, Thái Lan và Cam Bốt chẳng hạn, đều bị đưa vào danh sách các quốc gia nguy hiểm và những người trở về từ hai quốc gia đó đã được khuyến cáo là nên chịu một thời gian cách ly.
Tại các quốc gia mà phần đông người dân sống mấp mé ngưỡng nghèo khó, do thiếu bảo hiểm y tế, nhiều người không đi khám bệnh khi chỉ có những triệu chứng giống như bệnh cúm. Ngay cả khi có đi khám, thì họ gặp phải tình trạng thiếu phương tiện xét nghiệm, chỉ được dành cho những ca rất nặng hay những người vừa đến từ những nước có nguy cơ cao. Những người bị ho và sốt thì được cho về với thuốc kháng sinh.
Lãnh đạo y tế thành phố Phuket ở Thái Lan chẳng hạn, mới đây đã công nhận trước các phóng viên là ông không được phép cung cấp cho nhà báo thông tin về chuyển biến của dịch Covid-19!
Ngân sách y tế hạn hẹp
Trong khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore được đánh giá cao và được giới chuyên gia khen ngợi về cách xử lý khủng hoảng, các nước ASEAN còn lại chỉ dành ngân sách tối thiểu cho hệ thống y tế của mình.
Một ví dụ điển hình là Miến Điện, nước chia sẻ đường biên giới dài 1.400 cây số với Trung Quốc, với người và hàng hóa tự do qua lại dọc theo biên giới này. Cho đến ngày 20/02 vừa qua, đất nước này không có thiết bị thử nghiệm của mình mà các mẫu xét nghiệm phải gởi sang Thái Lan phân tích. Hàng năm ngân sách Miến Điện dành cho y tế chỉ là 600 triệu euro. Để so sánh, ngân sách y tế của Pháp lên đến 20 tỷ.
Ngoài ra còn có vấn đề ưu tiên khiến cho dịch Covid-19 không được coi trọng. Theo Carole Isoux, vào lúc Đông Nam Á đang phải vật lộn với một đợt dịch sốt xuất huyết tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của khu vực, một số nước còn phải đối phó với bệnh lao đang trỗi dậy trở lại. Vấn đề tử vong trẻ sơ sinh, nạn suy dinh dưỡng vẫn luôn là yếu tố bình thường trong cuộc sống thường ngày ở nhiều vùng. Trong tình hình đó, theo như phân tích của bác sĩ Somnak Kongchathai, ở Surat Thani, miền nam Thái Lan thì “việc hoảng hốt trước virus corona, thẳng thắn mà nói, chỉ là vấn đề của nước giàu mà thôi”.
Giấu bệnh để thu hút du khách
Tầm quan trọng của ngành du lịch cũng giải thích phần nào những báo cáo về số liệu ít ỏi người nhiễm virus corona.
Ngày 02/03, bộ trưởng Y Tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đã công bố trên mạng xã hội một tài liệu theo đó những người đến từ Pháp và Đức cam kết sẽ tuân thủ một thời gian tự cách ly trong phòng khách sạn của họ. Trước làn sóng phản ứng, ông đã phải lùi bước ; đất nước Thái Lan không thể làm phật lòng số ít du khách còn lại với những biện pháp cứng rắn hay số liệu quá thật.
Theo bộ trưởng Du Lịch Thái Lan, du khách Trung Quốc giảm đến 86%, ngành thua thiệt đến 7,5 tỷ euro. Ở những nơi trong vùng Đông Nam Á, các bãi biển hầu như hoang vắng, những địa điểm du lịch như đền Angkor ở Cam Bốt hay vịnh Hạ Long ở Việt Nam cũng trống vắng. Du khách Trung Quốc mang lại ít ra một phần tư thu nhập cho ngành du lịch trong khu vực.
Không muốn làm Trung Quốc mếch lòng
Ngoài ra, theo giới quan sát, cũng có tính toán chính trị. Nhiều nước trong vùng không muốn cho thấy là họ quá sốt sắng trong việc thông báo quá sát về số lượng người nhiễm virus để khỏi làm mếch lòng người láng giềng Trung Quốc hùng mạnh mà kinh tế cả vùng đều lệ thuộc vào, nhưng lại là nơi phát tán con virus độc hại.
Một ví dụ điển hình. Ngay đầu tháng Hai, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã đến Trung Quốc và đã tuyên bố trong một tin nhắn Twitter rằng: “Người ta không thể bỏ bê một người bạn trong cơn khó khăn”.
Virus corona - Mỹ: Đã có hơn 1.000 ca nhiễm, New York huy động Vệ Binh Quốc Gia chống dịch
Trọng Nghĩa - RFI - 11/03/2020 Tính đến hôm qua, 10/03/2020, tổng số ca nhiễm trên đất Mỹ đã vượt ngưỡng 1.000 người. Trong bối cảnh bang New York đã trở thành một ổ dịch quan trọng, với 173 ca nhiễm, thống đốc bang này hôm qua đã áp dụng một biện pháp chống dịch chưa từng thấy: huy động lực lượng Vệ Binh Quốc Gia để áp đặt lệnh cách ly đối với một vùng ngoại ô thành phố New York.
Đó là vùng New Rochelle, thuộc hạt Westchester nằm ở phía bắc New York. Tại vùng ngoại ô khá giả này, sau khi xét nghiệm được 108 ca nhiễm virus corona, chính quyền đã lập tức ban hành lệnh cách ly trên một khu vực có bán kính khoảng 1,6 km quanh New Rochelle. Ba trường học và nhiều cơ sở tôn giáo đã bị đóng cửa, và thống đốc bang New York đã cho triển khai lực lượng Vệ Binh Quốc Gia đến nơi để tham gia chống dịch.
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten phân tích:
Tình huống đặc biệt đòi hỏi cách đối phó quyết liệt. Đây chính là thông điệp mà ông Cuomo, thống đốc bang New York muốn đưa ra vào hôm qua cho thấy thái độ quan ngại trước sự kiện New Rochelle, một thị trấn chỉ 80.000 cư dân, lại có số ca nhiễm virus corona cao hơn gấp đôi so với thành phố New York cực kỳ đông dân.
Ông đã cho triển khai Lực lượng Vệ Binh Quốc Gia đến nơi để phân phát thực phẩm cho những người bị bệnh, cũng như khử trùng các trường học. Việc điều động Vệ Binh Quốc Gia đã gây ấn tượng mạnh trong trí tưởng tượng của mọi người, nhưng theo anh Tanguy Hubert, đang sống cùng vợ và ba đứa con ở New Rochelle, thì trong thực tế, người ta vẫn có thể tự do di chuyển và các biện pháp giới hạn đi lại rất kín đáo.
Đối với anh Hubert, khi gắn liền hai khái niệm Vệ Binh Quốc Gia với Vùng cách ly, người ta thường có cảm tưởng rằng ngày tận thế đã đến nơi, với xe tăng, trực thăng, với việc cấm rời khỏi nhà. Thế nhưng lúc này, mọi người vẫn có thể ra ngoài, cho dù đôi khi cũng gặp vài người đeo khẩu trang. Người ta vẫn vào các cửa hàng, và không nhất thiết là ai cũng có xe đẩy đầy gạo.
Đối với dân sống trong vùng bị cách ly, vấn đề nan giải nhất là làm sao giữ con cái khi trường học bị đóng cửa, và khi toàn bộ các gia đình trong thành phố đều lâm vào hoàn cảnh này.
Trên phạm vi toàn nước Mỹ, tính đến hết ngày hôm qua, 10/03, đã có 1001 người nhiễm bệnh Covid-19, một con số đã tăng gấp đôi so với 550 ca nhiễm một hôm trước. Những bang có số ca nhiễm cao nhất là Washington (271 trường hợp), kế đến là New York (173 ca), California (159 ca ) và Massachusetts (92 ca). Số trường hợp tử vong cũng tiếp tục gia tăng, đã lên đến 30 người chết.
Theo giới chuyên gia y tế, số ca nhiễm sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trước khi chính phủ Mỹ có thể khống chế được dịch bệnh. Nhiều chuyên gia đã phê phán chính quyền Liên bang là đã cố tình giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cũng như là đã chậm trễ trong việc hoàn thiện các xét nghiệm nhằm phát hiện dịch bệnh.
Chế độ bảo hiểm y tế và xã hội Mỹ có giúp kháng được virus corona không ?
Thu Hằng - RFI - 11/03/2020 Sau cuộc khủng hoảng máy bay Boeing 737 MAX, dịch virus corona có nguy cơ tác động đến thành tích nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Donald Trump. Hơn 1.000 người bị nhiễm virus corona và dịch tiếp tục lan rộng trên khắp nước Mỹ.
Cuộc khủng hoảng dịch tễ bắt đầu cho thấy một số bất cập trong hệ thống an sinh xã hội Mỹ, có thể khiến một bộ phận cử tri của tổng thống Trump lung lay, nếu các vấn đề này không được giải quyết hợp lý.
Mỹ có hệ thống y tế vững chắc, với mạng lưới trung tâm y tế rộng khắp, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân viên đông đảo, gần 15.000 người. Mạng lưới theo dõi nguy cơ dịch bệnh phối hợp chặt chẽ với nhau, cũng như với chính quyền liên bang. Khi có dịch bệnh, toàn bộ hệ thống sẵn sàng ứng chiến.
Tuy nhiên, một hệ thống hoàn hảo như vậy liệu có đủ để ngăn được đà lây lan của virus corona hay không, trong khi quyền lợi của bệnh nhân và người lao động tại Mỹ vẫn còn nhiều thiếu sót, theo phân tích của Sarah Rozenblum, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và khoa học chính trị tại đại học Michigan, được Le Monde trích đăng ngày 06/03/2020.
Chế độ nghỉ ốm không phổ biến
Chế độ nghỉ ốm không được quy định trong luật liên bang Mỹ. Tuy nhiên, tại một số bang (New York, Washington), người lao động vẫn có quyền nghỉ ốm hưởng lương trong vòng 9 ngày. Tuy nhiên, tỉ lệ rất chênh lệch giữa người lao động phổ thông (chỉ khoảng 63%) và viên chức quản lý – cán bộ (90%), theo Phòng Thống kê Lao động (Bureau of Labor Statistics).
Người lao động có thu nhập thấp tại Mỹ thường được trả lương theo giờ hoặc theo ngày, trong đó có vài triệu người không được hưởng bảo hiểm y tế. Trong trường hợp bị nhiễm virus corona và được yêu cầu cách ly 14 ngày, họ buộc phải nghỉ làm và như vậy sẽ không có thu nhập. Vì không có nguồn tài chính dồi dào để « cầm cự », và vẫn phải thanh toán các khoản chi cố định hàng tháng như tiền thuê nhà, điện, nước… nhiều người sẽ vi phạm quy định cách ly, giấu bệnh để tiếp tục đi làm. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, nghỉ việc dài ngày cũng có thể là một lý do để giới chủ sa thải.
Người nhập cư « ngại » đi xét nghiệm virus corona
Đối tượng thứ hai được nhà nghiên cứu Mỹ nêu lên là người nhập cư bất hợp pháp, thậm chí kể cả hợp pháp (thẻ xanh). Từ khi lên nắm quyền, tổng thống Trump đã siết chặt chính sách nhập cư. Từ tháng 02/2020, Tòa Án Tối Cao Mỹ đã ra lệnh cho chính phủ liên bang từ chối cấp thẻ di trú và đơn xin nhập quốc tịch cho người nước ngoài hưởng trợ cấp xã hội, vì cho rằng họ trở thành « gánh nặng » của cộng đồng. Trong trường hợp bị nhiễm virus corona, có rất nhiều người sẽ « ngại » đến các trung tâm y tế vì sợ ảnh hưởng tới hồ sơ di dân. Riêng đối với người nhập cư bất hợp pháp, họ sẽ không đi xét nghiệm, dù chắc chắn có triệu chứng nhiễm virus corona.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Sarah Rozenblum, việc xử lý khủng hoảng dịch virus corona bước đầu vẫn thiếu tình liên đới. Ví dụ, các công dân Mỹ được hồi hương từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã phải thanh toán toàn bộ viện phí lên đến 3.000 đô la, một số tiền rất lớn đối với người có thu nhập thấp.
Mỹ khẩn cấp tháo khoán 8,3 tỷ đô la để chống dịch
Để đối phó với dịch Covid-19 đang lan rộng trên khắp lãnh thổ, Quốc Hội Mỹ đã khẩn cấp thông qua khoản ngân sách 8,3 tỷ đô la để « phòng ngừa, chuẩn bị và đối phó với dịch bệnh ».
Người lao động không có thu nhập cao là một bộ phận cử tri được tổng thống Donald Trump luôn tìm cách thuyết phục và được nhắc đến trong các cuộc vận động tranh cử của ông. Ngày 09/03, phó tổng thống Mike Pence trấn an « những người lao động được trả theo giờ, những công nhân Mỹ làm việc nặng nhọc và những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ » rằng chính phủ « sẽ tìm ra được những nguồn tài chính để họ có thể nghỉ phép mà vẫn được hưởng lương, để không một ai bị bắt đi làm khi họ bị nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm virus corona ».
Hiện người dân Mỹ vẫn chờ những biện pháp được tổng thống Trump ca ngợi là « quan trọng » và có « quy mô lớn » để giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ gia đình. Một số hãng bảo hiểm đã chấp nhận hoàn trả chi phí xét nghiệm và điều trị virus corona.
Hãng tin AFP nhận định thời gian không còn nhiều để chính quyền liên bang tái lập niềm tin với người dân. Ngoài ra, hai đảng đối lập cũng nên gác bất đồng để thông qua những biện pháp của Nhà Trắng trong thời điểm khủng hoảng này.
Virus corona : Liên Hiệp Châu Âu phối hợp hành động
Thanh Phương - RFI - 11/03/2020 Hôm qua, 10/03/2020, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã họp bàn đối phó với dịch Covid-19, dịch viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra. Cuộc họp chỉ được thông báo vào tối thứ Hai, nên lần đầu tiên các lãnh đạo 27 nước châu Âu họp từ xa qua video.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet gởi về bài tường trình :
« Để đối phó với sự lây lan của virus corona, 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định sẽ phối hợp các biện pháp cách ly hoặc cấm tập hợp, mà hiện chỉ được mỗi nước đơn phương ban hành.
Bộ trưởng Y Tế của 27 nước châu Âu mỗi ngày sẽ trao đổi với Ủy Ban Châu Âu. Ủy ban này sẽ có sự hỗ trợ của các nhà virus học và dịch tễ học để quyết định các biện pháp y tế tốt nhất.
Các nước Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ phối hợp với nhau trong việc bào chế một vác-xin cũng như huy động thuốc men và các thiết bị bảo hộ y tế.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tuyên bố : Đối với các nhân viên y tế, để đẩy lùi dịch bệnh, họ cần phải biết rõ kho dự trữ hiện nay ra sao, khả năng có đến đâu, nhu cầu hiện nay và nhu cầu trong những tuần tới là như thế nào, cụ thể là nhu cầu về khẩu trang, về máy trợ thở, về các phương tiện để xét nghiệm và điều trị, nói chung là toàn bộ những thứ mà chúng ta sẽ cần trong những tuần tới.
Để đối phó với những hậu quả kinh tế của dịch bệnh, một quỹ đầu tư 25 tỉ euro sẽ được huy động để hỗ trợ cho ngành y tế, cho các công ty vừa và nhỏ, cho thị trường lao động. »
tin tức cập nhật / yahoo fr 11/03/2020 - 09H00 GMT
Trên thế giới (110 quốc gia và lãnh thổ), 119.711 ca nhiễm bệnh, làm chết 4.351 người, 66.239 người được chữa khỏi bệnh, theo số thống kê của AFP từ nguồn tin của các chính phủ lúc 09H00 GMT.
Hoa Lục : 80.778 ca, với 3.158 người bị chết và 61.475 người đã được chữa khỏi.
Các quốc gia bị nặng nhất, sau Trung cộng, gồm có : Ý (10.149 ca, 631 chết), Iran (9.000 ca, 354 chết), Hàn quốc (7.755 ca, 60 chết), Tây Ban Nha (2.174 ca, 49 chết, Pháp (1.784 ca, 33 chết), Đức (1.629 ca, 2 chết), Mỹ (1050 ca, 30 chết)
BFMTV•11 mars 2020
điểm tin Pháp, tính đến 19h30, 11/03/2020, số người nhiễm bênh 2281 (+497), trong đó 105 người tình trang nghiêm trọng. 48 người chết, trong đó 33 người trên 70 tuổi và đa số những người này đã có tiền bệnh về hô hấp, tim mạch, tiểu đường...
Bắt đầu thử trị liệu lâm sàng Coronavirus tại Âu châu và Pháp
L'Express.fr•11 mars 2020 Giáo sư Yazdan Yazdanpanah, trưởng khoa truyền nhiễm của bệnh viện Bichat, Paris, đã trình bày tại một cuộc họp báo của bộ nghiên cứu khoa học. Ông phát biểu "chúng ta chưa biết một trị liệu hữu hiệu" để chống lại loại coronavirus mới. Lỗi của vắc xanh và của thuốc chưa có, nên phải tìm cách điều trị về các dấu hiệu biểu hiện (triệu chứng bệnh?).
Một loạt các liệu pháp được tiến hành phối hợp, tuần tự, thứ nhất : "những việc quen thuộc : oxy, thông khí, v.v ...". Liệu pháp điều trị thứ hai sẽ dựa trên remdesivir, phương pháp điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (thuốc tiêm) của phòng thí nghiệm Gilead, lượt thứ ba sẽ là Kaletra, một loại thuốc chống HIV của phòng thí nghiệm AbbVie. Liều điều trị thứ tư sẽ kết hợp Kaletra và beta interferon của phòng thí nghiệm Merck, vì "chúng tôi biết rằng chỉ thuốc kháng vi-rút có thể không đủ", ông Yazdan Yazdanpanah nói rõ hơn.
3.200 bệnh nhân ở Âu châu sẽ được thử nghiệm.
Việc thử nghiệm sẽ bắt đầu "tuần này hoặc đầu tuần sau" và sẽ cho 3.200 bệnh nhân ở Âu châu (trong đó có 800 ở Pháp), tất cả đều bị viêm phổi cấp tính Covid-19 và phải nhập viện.
(VHP - dịch từ báo Pháp)
Genève (AFP) - 11/03/2020 : Tổ chức Y tế Thế giới vừa tuyên bố cuộc khủng hoảng virus corona toàn cầu hiện là một đại dịch.
|