Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

4 Pages«<234
Góc VĂN Đỗ Thành
Do Thanh
#61 Posted : Wednesday, March 29, 2006 1:24:01 PM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Cám ơn Phượng Các và Tonka đã giúp cho nhiều ý kiến để thử xem có thể thoát được trở ngại đã nêu chăng. Nhược bằng vẫn chưa đạt được ý muốn, có lẽ tôi sẽ áp dụng cách gửi qua email đến các bạn. Thế nhưng với trường hợp này thì phải gửi đến địa chỉ nào, có thể đề gửi PC hay Tonka@phunuviet.org được chăng?
linhvang
#62 Posted : Wednesday, March 29, 2006 2:19:23 PM(UTC)
linhvang

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 4,933
Points: 1,248
Woman
Location: University Place, Washington State, USA

Thanks: 23 times
Was thanked: 45 time(s) in 43 post(s)
Anh gửi cho Phụ Nữ Việt theo địa chỉ: phunuviet2006@yahoo.com
Do Thanh
#63 Posted : Friday, April 28, 2006 2:04:44 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Sáng nay tình cờ đã vào lại được mạng. Hi vọng sẽ trở lại đóng góp phần bài vở tiếp tục rất gần đây.

Bài đầu tiên sẽ viết tiếp " Đoạn đường bất tận " còn dở dang.
Do Thanh
#64 Posted : Wednesday, May 3, 2006 5:55:05 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Đoạn đường bất tận 3

Chị Nhụ ngưng ngang và tôi cũng ngưng theo. Mỗi người đang để tâm tư, tình cảm mình phiêu dạt về một nơi chân trời nào đó. Những ngón tay gầy guộc của Nhụ di di xê dịch trên mặt chiếu. Lưng Nhụ còng xuống như đang gánh vác một bị nặng oằn vai.

Tôi mở lời định nói, nhưng chị Nhụ ngăn lại và cất tiếng trước : dạo ấy Nhụ hận Bảo ghê lắm. Mấy ngày liền cứ thầm trách Bảo nuốt lời. Nhưng sau nghĩ lại lỗi này chính Nhụ cũng có dự vào một phần trách nhiệm. Giá như hồi ấy Nhụ nhiệt tình và hăm hở vun vào quyết định với Bảo, có khi Bảo đã không dám bỏ rơi Nhụ, dù có nguy nan, cấp bách tới đâu. Thế nhưng, thú thực là Nhụ đã lừng khừng, cái lừng khừng vốn khả dĩ do đắn đo thái quá. Thời thế đã khiến cho con người hoang mang không sáng suốt tính toán gì được. Ai cũng lấn cấn vì một chút mồ mả ông cha, một chút xẻo nhà, một chút quê hương nào đó, đầm ra chần chừ, không dám chọn lựa. Vả lại, người cạnh bên ăn nói khéo quá làm cho bước chân mình càng tăng nỗi ngại ngùng. Gẫm lại chung qui cũng vì cả tin mà trở thành lầm lỗi.

Chị Nhụ sụt sịt mấy tiếng, quay vội dấu mặt đi. Tôi thấy chị không kịp ngăn giọt lệ rơi nhanh từ khoé mắt. Không khí nặng đặc lại, tôi cũng thấy nhói ở bên tim và mắt lờ đi vì giọt lệ cũng vừa ứa ra. Tôi đưa bàn tay đấm mấy lượt xuống mặt chiếu. Chị Nhụ hốt hoảng quay lại phía tôi, dơ tay ngăn lại và nói : Bảo đừng tự hành hạ mình như thế, Nhụ không oán trách gì Bảo đâu.

Tôi nói như thuộc lòng sẵn, lời tuôn ra một cách tự phát : không ngờ mọi chuyện xảy đến quá chóng vánh và dồn dập như vậy. Đến lúc, mọi ngả đường đã bít lại, Bảo lồng lộn như con thú bị bẫy, vùng vằng mấy cũng chẳng thoát được ra. Đến lúc xuống tàu rồi mà lòng vẫn còn loay hoay đâu đó trên vòm trời đất Bắc. Bảo cố tìm ra dáng Nhụ nhưng núi rừng, cỏ cây che khuất hết. Đành bỏ đi một mình với hình bóng Nhụ trong lòng.

Chị Nhụ thở dài sướt mướt, hai vai càng trĩu xuống, chịu đựng, đau thương. Tôi ngả vào người Nhụ, chị để yên không nhúc nhích. Nhưng có tích tắc Nhụ lại muốn xê người ra tránh khỏi tôi, song nghĩ sao lại thôi. Tôi nghe rõ nhịp tim đang đập loạn xạ trong lồng ngực Nhụ.

Trời chiều rồi. Vạt nắng cuối yếu ớt hắt lên những tia xám làm hoen nhọ mặt người. Gió lăn tăn đưa cái lạnh từ đâu tới. Chị Nhụ đứng lên bảo tôi : ta vào nhà thôi, sương xuống rồi đấy. Cả hai bàng hoàng như vừa ra khỏi giấc mơ.
Do Thanh
#65 Posted : Thursday, May 4, 2006 12:21:45 PM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Đoạn đường bất tận 4

Đoạn đường cả Nhụ lẫn tôi đã trải qua dài đến vô tận. Nó tước đoạt và bứt lìa khỏi chúng tôi những gì xôn xao nhất của một thời tươi trẻ. Chẳng ai nhận ra đâu là đầu vào, đâu là ngõ ra. Nó luôn âm u và khét lẹt mùi chết chóc. Nó bóp nghiến những trái tim đập dồn dập để rồi chỉ còn những nhịp hụt hẫng và rướm máu. Nó được nhân lên bằng những cái chết nối theo nhau, bàng hoàng và đầy chua xót.

Số người cùng ra đi với Nhụ thưa dần một cách ngỡ ngàng và đáng sợ. Có khi đang ăn dở bát cơm độn thì ùng ùng hò nhau vất đó mà bỏ chạy. Chưa kịp nhào vào một cái hố tránh thì bom đã trút xuống triền miên. Hạt gạo lổn nhổn còn vương nơi cổ họng bỗng dưng nghe đắng nghét, chúng cộn cạo như chực mửa trở ra, tanh tanh có mùi máu và nỗi chết chóc.

Rừng bị vạt đi nhanh chóng, cây cối đổ hàng loạt. Chỗ này chỗ kia chỉ thoáng nghe một tiếng thất thanh gọi mẹ, gọi ạnh, gọi người yêu, rồi tắt ngấm. Không nói ra, ai cũng hiểu lại đã có thêm một người nào đó vừa từ giã cõi đời.

Tai nạn qua rồi, kiểm điểm lại quân số lại vơi đi một số. Nỗi ngơ ngác đậm rõ trên đuôi mắt con người. Ngày qua ngày, cơn sốt rừng lẫn mùi tử khí chiến tranh vây bọc khắp nơi. Những khuôn mặt quắt đi vì lo âu và thiếu ngủ. Thuốc men thật hiếm quí, bệnh hoạn chỉ bảo nhau chữa trị bằng lá rừng, rễ thuốc.

Cũng may mà cô còn sống được đến ngày nay. Xác thân vẫn còn đó, nhưng tinh thần và sự hăm hở nơi người cô thì kiệt quệ và lẩn trốn cả rồi. Thụ đem về lại quê nhà một mảnh tâm hồn rách nát, kèm theo những cơn đau đầu vất vưởng cứ chiều đến lại dìm cô xuống giữa những trận sốt vàng da.

Hà Nội của Nhụ cũng nhạt nhợt nét ồn ào của dạo nào. Người Hà Nội ngày trước tản mác và chia tay về những nơi nào khác. Người bây giờ lạ hoắc và nói năng ào ạt chứ không ôn nhu, dịu dàng của thuở nào. Nhụ không còn được về căn nhà với cây sấu mà dạo xưa mỗi trưa vẫn ngồi với Bảo.

Cô muốn một lần được vào thăm để nhặt một chút kỷ niệm đánh rơi, nhưng rồi lại không thực hiện ý định. Chẳng thà đừng vào để chút tâm tình dấu kín trong tim vẫn bừng bừng khởi sắc như xưa. Nỗi chờ mong nào cũng trùng trùng như thế, phương chi hòa bình rồi tin Bảo vẫn bằn bặt chưa có gì.

Đó là những gì Nhụ đã kể với tôi khi trở vào trong nhà. Những sợi mì gói mất hẳn vẻ ngon và đôi đũa cầm nơi tay trở nên nặng vô vàn, dại dột. Không ai bảo ai, cả hai cùng ngưng ngang việc nhấm nháp kế tiếp. Nhụ nhìn tôi, tôi nhìn Nhụ, có một màn mỏng nào đó đang long lanh trong đôi mắt hai người.

Nhụ bảo : thường sau mỗi đợt bom cắt là Nhụ nhớ đến Bảo nhất. Nhụ tự hỏi hiện lúc đó Bảo thế nào rồi, có gian nan và đe dọa như Nhụ đang phải chịu đựng chăng ? Rồi Nhụ lại sợ, chỉ e một lần nào bỗng dưng hai đứa gặp nhau ở hai đầu giới tuyến, liệu điều gì sẽ xảy ra ?
Do Thanh
#66 Posted : Sunday, May 7, 2006 5:34:31 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Đoạn đường bất tận 5

Trời chưa tối bao lâu mà gió trở se se lạnh. Miền quê của Nhụ vẫn thế. Ngày thì nóng nung đổ lửa, hun sạm mặt người, mà hễ ánh sáng vừa nhập nhem bôi nhọ cảnh vật là y như cái rét ở đâu đã ùn ùn tràn tới. Rét không hẳn ngọt và thâm tím như mùa đông, vậy mà vẫn khiến lòng con người băn khoăn, khó chịu.

Nhụ bảo với tôi : thời tiết dạo này vẫn ngang trái thế. Chẳng riêng gì ở đất quê, ngay Hà Nội cũng thế. Hôm rồi Nhụ có tạt về thăm lại phố phường, sự ngột ngạt khiến Nhụ thấy không còn thỏa thuê như dạo trước. Người ta cứ bảo tại Nhụ xót xa mà cảm thấy vậy, chứ Hà Nội vẫn thế thôi, còn Nhụ thì Nhụ chẳng tin.

Tôi bùi ngùi theo nhận xét của cô. Tôi cũng vừa từ nơi ấy ra, phố Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh giờ như heo hút lạ. Còn nói gì Tràng Thi, Hàng Trống, Lò Sũ, Mã Mây, dường như sau đận người Hà Nội bị đẩy ra khỏi cố đô thì họ cũng đem về bóng dáng Hà Nội đi, đi mất.

Tôi bỗng nhớ lại những ngày cuối cùng sắp bỏ Hà Nội xuống Phòng chờ ra đi. Lênh đênh vì không rõ liệu Nhụ có chịu đi theo chăng, tôi đã bỏ ra nhiều ngày liền và nhiều giờ liền, nghiền ngẫm cuộc đời và thế sự ở Cổ Ngư. Tôi đã ngồi lên chỗ dựa của chiếc ghế đá nghe chiều rơi nhẹ trên bóng nắng dịu vàng, tay đặt lên đùi, đưa mắt xa về chỗ khuất của cuối góc hồ Tây, ý nghĩ miên man nét bâng quơ của một thời sắp mất.

Tôi dõi theo con gió rung nhè nhẹ trên tấm lưới phơi và dập dềnh vài bóng thuyền trôi lan man trên Trúc Bạch hay hồ Tây mà nghe sự mất lớn lên dần. Tôi tự hỏi đi chuyến này thì bao giờ sẽ trở lại và câu trả lời không ai xác định được cho tôi.

Có những tối chờ mong khắc khoải, tôi muốn bò đến Nhụ để toan tính chuyện đi. Nỗi thao thức cứ trào lên chặn ngang lồng ngực như tức tối. Bước chân lủi thủi men theo hè phố khuya, đến lúc thấy nhà Nhụ không một ánh đèn lại ngỡ ngàng quay về, vẫn một mình và một chút trách móc về sự vô tâm, vô tính của Nhụ.

Tôi đem điều này kể lại hôm nay khi gặp lại nhau. Nhụ dơm dớm nước mắt một lúc, không nói năng gì, nhưng sau đó lại thở dài nói với tôi : làm sao ai hiểu được chính xác lòng con người nghĩ suy gì dạo đó nhỉ ?
Do Thanh
#67 Posted : Tuesday, June 27, 2006 11:08:01 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Đoạn đường bất tận

Những ngày bỏ đất Bắc ra đi, nỗi vui thì lềnh bềnh theo tiếng sình sịch máy tàu đều đều đến buồn ngủ, còn nỗi buồn thì cứ mênh mang như những đợt sóng đang bị mũi tàu xé nát ngoài kia. Cơm ăn không thấy ngon, nuốt vào như có những mũi kim đâm nhoi nhói.

Hình bóng Nhụ chập chờn cả khi tỉnh hay trong giấc ngủ. Nỗi băn khoăn luôn trộn trạo trong lòng, sự ân hận lan ra to như những cánh diều đe dọa bầy gà con ngơ ngác. Tôi vào đến Saigon giữa buổi trưa nắng cháy da người. Nỗi xa lạ vỡ òa thành những ngôi sao lóe chói giữa tia sáng của mặt trời bỏng rát miền Nam.

Tôi vào trung tâm tạm trú vốn là một nhà nguyện nhỏ. Những buổi trưa trốn vào lầu chuông nhìn những quả đồng đen sừng sững trên cao, chỉ mong cái then gỗ mục vỡ ra cho cả sức nặng của kim loại rơi đè cho mình chết đi một lần cho rồi.

Những buổi tối, người bỏ quê cam đành vùi nhớ thương vào giấc ngủ miền Nam ấp ủ, quên dần đi thương nhớ quê xưa, còn tôi vẫn lấy cái gác chuông làm bạn, âm thầm giãi bày cảnh biệt ly não nuột của mình.

Tôi nhớ từng chặp những nét chị Nhụ loáng thoáng đâu đây. Chợt bóng một cành sung đung đưa bên ao vắng, chợt một cái nhìn len lén vào bầu ngực chị Nhụ còn sót lại đâu đây. Tôi chắc Nhụ cũng chẳng hơn gì tôi ở những ngày xa cách đó.

Sau này tôi có dịp đi lại nhiều vùng. Một sáng sương mù Dalat với con đường loang bóng nữ sinh bước nhẹ đến trường. Một chiều Ban Mê với từng đàn thiếu nữ cao nguyên ngực trần dủng dỉnh gùi thổ sản về buôn. Một tối nơi Ma Lâm tàu tắc nghẽn vì bị đắp mô chờ giải tỏa. Tôi cứ hỏi thầm bây giờ Nhụ làm gì, Nhụ ở đâu, chồng con gì chưa, để rồi hoàn toàn mù tịt không tìm được ra một lời giải đáp.

Hai mươi mốt năm ngăn cách những dòng sông, ngọn núi. Hai mươi mốt năm ùng ục giữa sắt máu trùng trùng. Ngày hòa bình, ai cũng ngỡ ngàng vì sự chóng vánh dường như không thuyết phục.

Vấn nạn đặt ra là bỗng dưng giữa Nhụ và tôi đã hằn một vết cắt ngang. Có khi một trong hai người đã nghĩ tưởng người bạn ngày xưa chắc gì còn sống sót. Ngày xuống tàu ngồi cùm chân bó rọ dưới hầm, mang thân phận những con phụng hoàng gãy cánh cùng nhau lủi thủi về trại tù ngoài Bắc, tôi điếng đi cứ nghĩ là giấc mơ.

Tôi bật cười khi bỗng nghĩ biết đâu một lần lù lù gặp Nhụ là cán bộ trông coi chính nhà tù mình sẽ đến. Rồi thảm buồn ra sẽ diến đến cho cả hai. Tôi chắp tay cầu xin cho điều ngang trái đó đừng xảy ra như thế, để bóng hình nhau còn mãi mãi lung linh sáng đẹp như ngày nào.

Cũng may rồi nghịch lý không bày ra trò lố lăng như thế, để bây giờ trở về trông thấy nhau Nhụ chẳng may mắn hơn gì tôi. Chiến tuyến đã dành cho tôi sự nghiệt ngã đã đành, nhưng còn Nhụ đã hi sinh cả tuổi xuân, hạnh phúc và thân xác cho công cuộc lớn dậy ngày nay, tại sao Nhụ vẫn phải nhận một hẩm hiu, thiệt thòi, cay đắng thế.

Tôi tự hỏi lòng mà không tìm ra được một câu cắt nghĩa rõ rệt. Tôi ngồi nhìn Nhụ gẩy gẩy những sợi mì đã nổi sình trong cái bát phía bàn bên kia. Tôi đâm nghẹn theo chùng chình đôi đũa. Nhụ đẩy đưa giục tôi ăn, tôi cũng đẩy đưa chờ Nhụ động đũa.

Nhụ trào nước mắt buông đũa, nói lí nhí : Nhụ xin lỗi Bảo, Nhụ không nuốt nổi. Mỗi miếng ăn đút vào miệng làm Nhụ nhớ những người âm thầm nằm lại ở Quảng Bình. Nỗi chua xót khuấy nhão vị ngon của miếng ăn.

Tôi vùng vùng cái đầu muốn vẩy sạch đi những lấn cấn của thời cơ và đau đớn, những phiền toái thít chặt từng con người. Tôi nghẹn ngào nói với Nhụ : dù gì cũng hòa bình, Nhụ không ăn thì làm sao sống trụ được.

Nhụ cúi gập người xuống như con sâu róm. Đoạn đường trải ra bất tận triền miên...
Do Thanh
#68 Posted : Saturday, July 15, 2006 11:50:30 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Rau răm ở lại...

Bước sang lằn ranh là tách biệt hẳn hòi bên này với bên kia. Đó là lần tôi đi thăm thành phố nước láng giềng. Biên giới vỏn vẹn chỉ có một cái đồn biên phòng nhỏ xíu, loe hoe có vài anh lãnh nhiệm vụ kiểm soát người lại qua.

Khi thấy tôi có vẻ lớ ngớ, anh lính mặc quân phục với cấp hàm màu ve lục đậm (tôi mù tịt về lon lá của anh), xăm xoi nhìn tôi một hồi rồi hỏi : qua bển làm gì ?

Tôi thực tình cũng không biết lý do nào để đáp lại anh. Thấy tôi im im, anh ta quát lên : hỏi sao không nói, câm hả ?

Tôi đỏ mặt vì giận, chưa có nơi nào nhân viên nhà nước hỏi lếu láo đến vậy, nhứt là với đồng chủng của mình. Nhưng tôi đã thường bị cụng đầu với nghịch lý theo kiểu này, nên nhũn nhặn chìa cái hộ chiếu cho anh mà không nói gì hết.

Anh lính cầm lên lật qua lật lại, thấy in khằn hình con ó xoè cánh ở bìa, anh ta đổi giọng ngay : thì ra người ở xa về. Anh nói chỏn lỏn bâng quơ : xin lỗi. Tôi không hiểu anh ta nói với tôi hay nói với ai.

Điều đó thiệt chẳng cần thiết, tôi muốn mau mau được đi qua cửa ải. Anh tự nhiên đâm ra khôi hài lãng xẹt : cha nội nhắm đi kiếm chút hơi con gái lạ hả. Rồi anh ta cười rích rích như con dế. Tôi hoàn toàn thất vọng định hỏi : vậy chớ ai mò sang biên giới là đi tìm gái ráo nạo sao.

Anh lính ngần ngừ cầm cái ảnh trong hộ chiếu, so xem có giống thiệt của tôi chăng và kéo dài sự xét soi để hiểu tôi có dán đại hình tôi vào tên của ai khác. Tôi muốn mau được việc, nên giúi cho anh tờ 5 đồng xanh xanh, anh đùa nhanh vào ngăn kéo, rồi nói gọn " cám ơn " và chúc tôi đi chơi vui vẻ.

Tôi bước qua cái mức vô hình, tự nhủ lòng bây giờ đã ra khỏi nước và đang đi vào đất bên cạnh. Thấy tôi, đám xe ôm và tuk tuk kêu mời rối rít, rặt tiếng Việt ồn ào. Tôi hoang mang không biết chọn ai.

Còn đang bâng khuâng thì nghe tiếng nhạc oang oang từ một sòng bài gần đó mở hết cỡ. Anh xe ôm giới thiệu : ông vào thử thời vận xem sao. Tôi lắc đầu từ chối vì thiếu máu đỏ đen. Anh xe ôm chưa chịu thua lại liến thoắng : trong đó gái Việt phục vụ và xoay bàn ru lét, mời rượu đủ hết, chủ là Việt Kiều ở đâu về, lên đây mở sòng.

Tôi vẫn lắc đầu. Anh ta gạ : hay ông muốn đi coi Angkor Vat, tui có thể chở ông đi. Bảo đảm không ai làm khó dễ hay bắt nạt ông.

Đến nước này, tôi phải nói cho anh ta biết : có thể mai hay mốt tôi mới đi thăm chỗ đó, còn bữa nay tôi cần nghỉ cái đã. Anh xe ôm ồ lên một tiếng, rồi gạn hỏi tôi cần khách sạn hay nhà trọ, thứ nào cũng có, sang hèn đầy đủ.

Tôi dấu cái dáng từ nước ngoài về. Tôi ăn mặc rất lùi xùi vì không thích ai dòm ngó vào tôi. Tuy nhiên cũng khó tránh được sự lôi kéo lằng nhằng từ anh, tôi đành phải hỏi anh về một nhà trọ tương đối, để tôi có thể trú tạm vì tôi không có tiền nhiều.

Anh lầm bầm rồi cũng dẫn tôi đi. Anh nói xí xa xí xồ gì đó với nhà chủ trọ gần sát ranh giới bằng tiếng khmer và tôi thấy anh được giúi cho mấy tờ " rịn ". Nhà chủ giao cho tôi một chìa khóa và chỉ lên cái gác khuất ở góc.

Tôi lững thững xách cái túi đi lên. Một hai cô gái nhỏn nhoẻn cười chào : tâu na bòn và lắp thêm cái chữ " ơi " giả cầy vào cho có vẻ Việt Miên đề huề. Tôi ngúc ngắc đầu tỏ vẻ không hiểu. Các cô dùng ngón tay ra dấu mà dù tôi có cù lần đến mấy cũng sẽ hiểu ngay nó diễn tả cái gì.

Thấy tôi xà lơ, hai cô nguýt tôi bén ngót và trao đổi với nhau rào rào như mưa đổ, còn tôi đi lần về phía cầu thang bước lên. Tôi chợt nhận ra hầu như ở các tỉnh biên giới đều na ná giống nhau về phong cách gái gủng như vậy.

Tôi mệt nhoài nên bò vào căn buồng một người trọ, chẳng buồn tắm rửa, lăn ra ngủ một mạch. Khi bàng hoàng tỉnh dậy không nhớ đang ở đâu, nhưng cái bụng thì đói da diết. Tôi ra rửa mặt qua loa rồi tìm cái gì ăn lót dạ.

Trời tối, bên sòng bài đèn thắp sáng trưng nhấp nháy, nhạc mở lớn tiếng hơn. Một bài ca tiếng Việt chộn rộn oang oang từ cái loa ở đó khuếch đại. Những con thiêu thân vẫn đủng đỉnh ra vào, thấp thoáng có mấy cô mặc vô cùng tươi mát xàng xê ra vờn khách.

Tôi lại chạm trán anh chàng xe ôm. Anh đon đả thăm dò tôi muốn đi cà phê, nghe nhạc, khiêu vũ thì để anh hướng dẫn. Toàn là những thứ cấm kỵ đối với tôi, nên tôi nói gọn cho rồi : tôi cần một chỗ ăn.

Anh ta à lên một tiếng, hỏi tôi thích ăn món Tây, Tàu, Việt, Miên hay Ý, Mễ v.v.... Tôi nói : lâu quá chưa được ăn suông nên ở đây có không. Anh gật đầu như máy, anh khoe : ồ tưởng gì chớ thứ đó hà rầm. Đồng bào mình lên đây mở quán ăn đủ thứ, bún bò, mì quảng, cơm bì, bánh canh, giò heo, phở.

Tôi nghe ong ong như tiếng côn trùng bu. Tôi ngạc nhiên khi nghe tay xe ôm ba hoa " đồng bào mình " mà dòm kỹ thì hắn đen như người Miên.

Hắn hối tôi lên xe và vù dọt đi. Hắn lạng lách qua mấy con phố, u u có, sáng đèn có. Rồi dừng cái rẹt ở một quán đông chật người. Hắn bô bô cái miệng : khách nè bà Hai. Lại một cái giúi kẹp mấy tờ " rịn " và hắn lỉnh mất.

Tôi ngẫm nghĩ lạ : xứ gì mà chút chút đều có tiền cò. Tôi ngồi vào cái ghế đẩu lệt xệt dưới đất. Cái ghết hẹp ní nên tôi phải độn cao đầu gối lên. Tôi xin một tô suông, bà hàng làm mau như máy. Tôi xì xụp húp sột soạt những sợi bánh trắng ngần và khà khà vì cái vị cay của ớt, của nước màu, gia vị, tiêu. Vừa ăn vừa bị nước mũi đổ ra, cái lưỡi tê điếng, phải nhắp chút nước trà cho đỡ bớt.

Cửa hàng tuy nhỏ mà người ăn khá đông. Bà hàng múc luôn tay, miệng đon đả tiếp chuyện với mọi người. Ai bà cũng kêu bằng " con " và xưng " dì " với họ. Riêng thấy tôi có vẻ lớn lớn, bà một hai hỏi " chú " cần chi thêm nữa hôn.

Tôi lắc đầu cám ơn, xin cái tăm xỉa qua xỉa lại và ngậm trong miệng. Tôi trả tiền bằng đồng " rịn " như mọi người.
Do Thanh
#69 Posted : Sunday, July 16, 2006 4:22:32 PM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Rau răm ở lại...

Hôm sau tôi trở lại quán bà Hai cũng chập tối. Cả ngày tôi lang thang khắp mấy cái phố trên đất láng giềng. Thoạt đầu ngó cách thiết kế mấy con đường, tôi ngỡ mình còn ở Saigon, nói đúng hơn là miệt Phú Nhuận hay Trương Minh Giảng.

Nhà nhà cũng một tầng trệt, liền sát dãy với nhau, họ buôn bán hoặc mở cửa hàng tạp nhạp. Ai khá một chút thì có cửa sắt kéo, ai làng xàng thì giữ nguyên cửa gỗ, y hệt bên ta. Họ bán đủ thứ, có khi nửa bên là đồ sắt, còn nửa bên là cái sạp bán thức ăn.

Dọc dài theo phố rải rác đầy mấy anh xe ôm chờ đón khách. Mấy trự cãi lộn nhau hầm bà lằng. Khi có cô gái hay nhóm nữ nào đi ngang thì mấy trự chê khen to tiếng hoặc chọc ghẹo sỗ sàng, khiến mấy cô nhanh chưn đi mất biến.

Thấy tôi lang thang, nước da cũng ngăm đen, ăn mặc sập sệ, mấy trự tưởng cũng dân Miên nên bòn ơi, bòn hỡi inh thiên địa. Chừng thấy tôi ngố, họ pha tiếng Việt, đưa câu " bắt cái nước " ra nhử.

Tôi cứ lẳng lặng lắc đầu, họ lại tưởng là tôi chê người lớn, có các cha gạ tôi " yum yum ". Đây là tiếng chỉ cái trò thổi kèn mà gần đây các nhà chứa tuyển đâu ra một nhúm con nít miền đồng bằng sông Hậu sang bắt làm trò ấu dâm với khách lạ.

Một anh xe ôm tía lia kể với tôi về những đứa nhỏ vô phước đó. Anh nói lứa tuổi lên 5, lên 7 mà miệng tỉnh queo, như vừa lấy điếu thuốc ra hút. Anh còn chỉ cho tôi những căn nhà cửa sắt kéo kín mít, dù đang giữa ban ngày, và nằm trong khu thương mãi, anh nói : ổ đó.

Tôi rùng mình vễ con số tuổi của các đứa đáng con, cháu mình mà muốn ứa nước mắt. Bữa nay tôi ớn ợn mấy cha xe ôm, nên lỉnh cái tay cứ đon đả săn đón tôi trước nhà trọ. Tôi lén vòng ra phía sau như tên ăn trộm thập thò chờ có cái xe tuk tuk chạy qua là ra dấu ngừng rồi phóng lên luôn.

Dù mới chỉ là khách một bữa, nhưng bà Hai vẫn nhớ tôi. Bà hỏi chú ăn suông chớ, bữa nay ngon lắm. Tôi lắc đầu xin một tô bì bún thử coi có ngon giống Saigon hôn. Bà Hai nghe tiếng Saigon nên khoe là bả cũng dân Saigon, lên Nam Vang làm ăn lâu nên bây giờ quên hết đất nước.

Tôi hỏi bả trước ở đâu, bả nói ở hẻm Đội Có trên Phú Nhuận. Tôi hỏi phải khúc Võ Di Nguy hôn, bà nói ừ ừ đúng chỗ đó. Rồi tay thì làm món ăn, miệng thì nhắc tôi : chú kể lại cho tôi hồi này xóm mình ra sao rồi.

Tôi bắt cười trong lòng : chèn ơi, bả chưa hỏi coi tôi ở đâu mà chưa chi đã nhận xóm mình với xóm họ. Tuy vậy tôi cũng trả lời : con hông ở miệt đó đâu dì, con thuộc vùng Cầu Ba Cẳng. Bả nói trại đi : ờ thì Võ Di Nguy với Cầu Ba Cẳng cũng gần xịt, chớ có đâu xa lắc xa lơ như bi giờ.

Rồi bà Hai thở cái phào và ca cẩm : chú em lên đây lâu chưa, chắc đi mua hàng chợ trời biên giới dìa dưới bán hả. Bả hỏi rồi tròn xoe mắt chờ tôi xác nhận, nhưng tôi nói lảng đi. Bỗng bả hỏi tôi một câu chát chúa : chớ ở bển mấy ổng mần ăn chiện gì mà đem con nít bán qua đây làm đĩ hà rầm.

Tôi nghe mà ớn xương sống, tôi đâu dè mấy bà miệt vườn nói gì là nói thẳng rẹt. Tôi biểu tôi mù tịt chiện này, bả phải hỏi thẳng mấy ổng họa may mới biết thiệt hư. Bả nghêu ngao mấy câu : bắc thang lên hỏi ông trời, chớ có hỏi mấy ổng cũng bù trất.

Tự dưng tôi thấy ứa nước mắt. Bà Hai nhìn tôi phê bình : coi bộ chú mày cũng tình cảm dữ đa. Tôi muốn nói với dì là chỉ có hạng vô lương tâm mới không thấy đau khi con em mình đi làm cái trò bất nhơn đó. Bà Hai gật đầu rồi đang khi định đưa tô bún bì cho tôi, bả kéo giựt lại và phán : để tao thêm cho chú ít bún, ít bì, ăn cho no tới mai luôn.

Tôi hết lời cám ơn dì. Tôi thủng thẳng thưa : con hổng buôn bán chợ trời gì đâu dì Hai. Con nghe đồn người mình đua nhau bò lên đây đi buôn chuyến, hoặc mở sòng ngay sát biên giới để thu hút người máu mê từ bên nhà, còn phụ nữ ta cũng sính chọn đất Miên làm nơi mua hương bán phấn nên muốn làm một chuyến đi coi cho biết.

Bà Hai thở cái phào như trút đổ cái bực dọc đang sưng tấy trong tâm. Tôi nghe như tiếng sủi tăm của một nồi nước lèo lổn nhổn xương lẫn thịt và ngũ vị hương bát nháo, bát nhào ùng ục sôi tới.
Do Thanh
#70 Posted : Wednesday, July 19, 2006 9:59:39 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Rau răm ở lại...

Tôi với cây tăm xỉa vào răng. Đầu tăm nhọn đâm vào lợi đau điếng. Tôi hít hà vì cơn đau và cả vì chất cay của nước mắm ớt còn sót nơi đó.

Quán ăn của dì Hai đã vãn khách. Tôi định bước ra, dĩ Hai nói : chú em có bận chi hôn, ngồi xuống kể chiện Saigon nghe chút cho đỡ nhớ. Hồi qua đi " đèn Saigon ngọn xanh, ngọn đỏ, (còn) đèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu ", hổng biết bây giờ ra sao.

Tôi thở dài cái rột, bởi vì tôi biết rõ cái hình ảnh đó đã mất bay, mất biến rồi. Tôi nói để dĩ Hai an lòng : lâu rồi dì, có gì còn giữ lại đươc nữa. Dì Hai cũng nhận ra như thế, nên không gặn hỏi xa thêm mà chỉ nhắc lại một kỷ niệm về đất quê hương.

- Chèn ơi, chú em biết hôn, trời Saigon nóng như thiêu như đốt, vậy mà giữa trưa chợt nghe tiếng rao " ai bột khoai, đậu xanh, nước dừa, đường ca...át... hôn " sao nghe ngọt, mềm và khoẻ re hổng biết.

Tôi suýt bật cười. Vì không một người Saigon nào đi xa mà quên hổng nhớ tiếng rao chè lanh lảnh đó. Tôi hỏi dì Hai : dì nhớ Saigon dị mà sao hổng dìa, đây đó gần xịt, dì nghỉ một bữa đi thăm cho đỡ nhớ.

Dì Hai thở dài thậm thượt : ở đó mà dìa, người ta kiếm đường đi không dứt mà chú em xúi tui dìa là sao. Tôi chống chế : dì ơi, ở đâu cũng cực khổ hết, dì ở đây sợ cáp duồn, còn bên nhà thì kiếm lối ra đi.

Dĩ Hai buông nhận xét : chú em nói nghe dui nha. Nhưng mà cái tướng chú em cũng có trụ lại Saigon đâu mà khích bác tui. Tôi trố mắt hơi lạ lẫm, dì Hai vói lấy chéo khăn rằn lau lên miệng rồi chú thích thêm : người Saigon mấy ai trắng bóc như chú em. Tôi giật mình, phục lăn tài nhận xét của dì Hai.

Tôi quay sang một đề tài khác : dì bán ở đây có đông khách người mình hôn. Dì Hai gật đầu khoe : có mấy con nhỏ làm sòng bài, phia dìa ưa ghé làm bậy tô mì, tô cháo rồi ngủ.

Rồi như phân bua về một điều dấu kín trong đầu, dì tỉ tê : con nhỏ nói có mấy bà bên bển đem tiền lên thử thời vận. Thua sạch rồi hổng về bển nữa, giạt vô mấy cái động hà rầm.
Do Thanh
#71 Posted : Friday, July 21, 2006 6:42:43 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Rau răm ở lai...

Lần ra về sau cùng khuya, quá khuya. Dì Hai đã bắt đầu ngáp. Nồi nước lèo còn dính chút cạn đáy, dì múc cho cô gái mới tới nghe quèn quẹt, y như tiếng dao cạo vô thành nồi.

Tôi bươc ra một mình. Dì Hai nói nhóng theo : mai lại ăn bánh canh, nghe con. Tôi ứa nước mắt vì dì vừa nhắc tới mẹ. Hay dì là mẹ, hèn chi dì lo lắng cho tôi. Sực nhớ sắp tới Vu Lan. Mắt tôi lại mờ nhoè lệ.

Đường ở đâu thì cũng thế, dù là ở quê nhà, dù là ở đất người. Huống chi đây chỉ là nước làng giềng, luôn luôn có những người nặng tình nhớ nước. Tôi hiểu vô cùng lòng của dì Hai. Tôi lẩm nhẩm thưa : đèn Saigon giờ rất nhiều ngọn xanh, ngọn đỏ, thưa má. Song người Saigon thì nhẹ tựa ráng pha.

Tôi thất thểu bước đi giữa con phố đêm dài. Cũng loáng thoáng những khoảng đèn loang lổ. Hệt Saigon, hệt vài nơi tôi có lần biết đến. Những cái tên vu vơ, chẳng nói rõ ràng chi, song quặn thắt lòng mỗi khi nhớ tới. Đêm vô cùng, sâu hun hút, nghe rõ tiếng con chuột vừa chạy đâm xiên, loạn xạ đâu đây. Tôi thấy hai vai dường ướt đẫm. Đêm nay tôi chỉ có một mình.

Qua một công viên. Lờ mờ trên ghế đá một dáng người đang ngủ. Co quắp như con tôm. Sương rơi giăng kín trời. Tôi hỏi lòng mình : đây có giống vườn Tao Đàn chăng ? Những lao xao vươn dài như bàn tay thiên lôi nhiều móng vuốt.

Xứ sở này đã có hàng triệu người bị giết chết, chỉ vì họ là nhà giáo, thầy thợ, những người đem mũi kim sợi chỉ làm đepj cuộc đời. Nhân danh đủ thứ, người ta phá sạch, đốt sạch, chém sạch để nụ mới mọc lên. Toàn chỉ có quái thai, nhỏ nhít, vô cùng nhỏ nhít mà có tời hàng chục cánh tay cầm búa, cầm cày.

Tôi chợt hiểu tại sao đất vùng này đỏ quạch. Vì đất trộn máu người đến nhão nhách vữa tan. Tôi chợt thấy khát nước, dù đêm đang xuống. Đôi chân bỗng như muốn khuỵu giữa chừng.

Tôi ráng bẻ cái giò cho có thể co chưn. Tôi ngã phệt xuống lề đường cạnh đó. Mùi hăng hắc xộc lên, như nhựa đường, như chất ói, như tội lỗi vẩy vung. Chỗ nào có đổi thay triệt để đều như nhau hết. Hàng triệu người chết tình cờ, chết như mơ, người nhạc sĩ của thành phố tôi bỏ đi đã một lần hát thế.

Tôi ngồi sải chân dưới lòng đường, cấn khúc xương cùng vào lề xi măng. Có cảm tưởng như mình sắp vào một cơn mộng du dịu dàng mà nguy hiểm. Người vã mồ hôi, miệng đắng nghét, tô bún bì chao chao cứ chực thổ ra. Bụng quặn lên, nhoi nhói kim đâm.
Do Thanh
#72 Posted : Monday, July 24, 2006 11:06:43 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Rau răm ở lại...

Một chiếc tuk-tuk đêm chạy qua. Tôi mừng hết lớn đưa tay vẫy. Anh tài trả số bớt và dừng lại. Thấy tôi ngồi xệp dưới lòng đường, anh hỏi tiếng khmer, líu ríu như chim, tôi lắc đầu không hiểu. Anh đổi sang thứ tiếng Tây lơ lớ, may sao hồi nhỏ có học qua chút đỉnh nên hiểu. Anh hỏi tôi : bịnh hả, tôi nói không. Rồi anh nói bâng quơ : chắc lại say, uống cho dữ rồi bò lê bò càng hổng đi nổi.

Thấy cái vẻ á đông chay của tôi, mấy bà đi trên xe bàn tán với nhau bằng tiếng Việt : thằng củ sâm này mò vô động, giờ về coi bèo nhèo gớm. Đàn ông cha nào qua đất khách cũng y hệt nhau, hổng biết mấy cổ có bùa ngải gì mà cha nào cũng mết.

Tôi bắt tức cười, nhưng lỡ làm gồ nên cũng lảng lảng coi như mình vô tổ quốc. Tôi nói với anh chạy xe cũng bằng thứ tiếng tây ba rọi. Tôi nhờ anh đưa về con phố phía dưới, anh hối tôi : montez, montez. Tôi leo lên cái rột.

Chiếc xe chạy cà ạch cà đụi, mấy bà đều gật gù buồn ngủ. Tuy vậy tôi cũng nghe các vị bàn tán về chuyện hàng họ thứ nào mua sẽ có lời, thứ nào bị lỗ vốn.

Trời đột nhiên trở mưa. Những giọt mưa bay xéo hắt vào xe, cái bạt không ngăn hết các cơn gió. Mấy bà cằn nhằn vì phải lấn vào nhau tránh mưa. Tôi bị ép như con khô mực, cô gái ngồi sát bên khép nép mà vẫn va chạm vào tôi.

Cô bé lúng túng vì muốn ngỏ lời xin lỗi mà không biết phải nói sao cho tôi hiểu. Tôi buột miệng nói với cô : tại trời mưa nên cô chớ ngại, nếu không khó tránh khỏi bị mưa ướt.

Mấy bà nghe tôi nói tiếng đồng hương nên khúc khích cười và bấm huých nhau. Có bà thẹn thò cất lời xin lỗi, tôi nói để quí vị an lòng : hồi nhỏ, má tôi cũng giỡn kêu tôi là Đại Hàn. Chả hồi đó gia đình tôi ở thành phố biển, sáng sáng kéo nhau đi tắm, có tay củ sâm giúi cho cái " sơ gôm ", nên má tôi cứ trêu chọc là ổng muốn nhận mày làm con đó. Từ ngày ấy, cả nhà không còn kêu tôi bằng tên cha mẹ đặt cho nữa mà gọi trại tôi là Kim.

Sau này, lính Triều Tiên rút đi hết, rồi người Mỹ cũng đi luôn, thành phố chỉ còn rặt người mình, gia đình đi tắm sáng không còn gặp cái ông đó nữa, vậy mà ai cũng thấy mang máng nhớ. Có bữa, má tôi chỉ ra cái khúc biển mà nói : chỗ đó ổng ưa nằm thả ngửa trên tấm phao phơi nắng. Và ai cũng bâng khuâng, trân trố nhìn.

Thời gian các thành phố lêu nghêu đầy mấy tay lính, to kềnh càng như cây tre miễu, vậy mà họ rút đi cũng mau hổng thua gì khi họ hùng hục tới. Lịch sử thì cứ nhùng nhằng diễn mà dâu bể thì vẫn dập dình theo sóng biển.

Mưa vẫn bay, không lớn mà cũng không nhỏ, cứ liu riu hắt những giọt lạnh căm vào khoang xe. Mấy bà nghe tôi nói như cũng vừa đánh thức chờn vờn một bóng hình nào vừa tắt, thoáng một chút đăm chiêu, thoáng một chút vấn vương. Chỉ có anh tài xế là chẳng hiểu gì hết nên cứ cắm đầu cắm cổ rồ tay ga cho xe lướt đi.

Tôi là người xuống xe trước nhứt. Anh tài bỏ tôi ở góc phố vắng, mưa còn loáng thoáng, nhưng se se lạnh. Tôi trả tiền xe và chạy vội vào mái hiên. Bò theo cái thang gác lên dãy phòng tầng trên và chui vào nơi tôi thuê trọ.

Đêm khuya lắm, nhưng tiếng lào xào thì vẫn chưa ngưng. Lẫn lộn là tiếng nói chuyện rì rầm hay tiếng những quân mà chược xoa xoa trên tấm nỉ. Tôi ngả lật xuống giường, quên, quên hết...
Do Thanh
#73 Posted : Wednesday, July 26, 2006 2:20:55 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Rau răm ở lại...

Mục đích tôi qua đây xem ra không đạt tới. Tôi buồn cũng chẳng muốn nói đi nói lại với ai làm gì. Lúc bước sang biên giới, tôi đã nghĩ nếu may ra tôi tìm được người quen tôi cần thì tiện thể tôi sẽ kết hợp làm một chuyến đi xem Đế Thiên Đế Thích cho biết. Tôi nghe nói nhiều về công trình kiến trúc vượt thời gian đó và nhứt là sẽ được xem điệu múa Apsara ra sao.

Giờ đây gần như ở đâu người ta cũng nhằm khai thác du lịch để moi tiền du khách. Người ta tổ chức xập xình lộn xộn, dặm một tí múa may gọi là văn hóa dân tộc, dặm một tí bày biện nọ kia để đánh động vào cái ước muốn nhỏ nhoi của người có tiền, muốn được làm đấng quân vương, ngồi xệ lên cái ngai vàng cũ kỹ. Tôi không hiểu liệu điệu múa ở chốn di tích chạm trổ đầy mặt người trên đá có dẵm chưn vào cái vết xe đổ này chăng ?

Thế nhưng, chim bay biển bắc tôi tìm biển đông, nên lúc nào cũng là cảnh người đuổi bóng. Bây giờ sự thất vọng đã hiển hiện rõ ràng, tôi chán ngán chẳng thiết đi đâu thêm nữa. Tôi nán lại ở thành phố giáp ranh thêm một đêm, định bụng gặp lại bà Hai trước khi trở về quê quán.

Không hiểu sao từ lúc nghe dì Hai nhắc lại về đèn Saigon ngọn xanh ngọn đỏ là tôi rất có cảm tình với dì. Chẳng phải vì dì thiết tha với mảnh đất quê hương mà vì tấm lòng một người bỏ xứ ra đi đã lâu mà vẫn còn giữ hoài nơi đã cưu mang mình đến lớn.

Ngoài ra tôi còn tâm phục khẩu phục dì hơn là vì cái tình dì đã xót xa tôi như người má thân yêu. Tôi muốn trước khi chia tay được nói với dì một lời từ giã.

Buổi tối, tôi chọn đi bộ từ chỗ trọ đến quán của dì. Vẻ ngùi ngùi của tôi làm cho dì thắc mắc. Tôi xin dì một tô bánh canh, dì múc vẫn đầy đặn hơn so với khách.

Dì đoán ra ngay nên hỏi : chắc mai dìa lại bển hả ? Tôi gật đầu, dì thở hắt ra và nói mung lung : đời gặp rồi xa như mây gió, hợp tan như bong bóng chập chờn.

Tôi hối hả ăn, cố nuốt những dằn vặt và thổn thức vào lòng. Chờ khi vãn khách, tôi thưa lời chia tay. Dì rơm rớm nước mắt ngó tôi. Tôi rút phong bao đưa biếu dì, dì đẩy tay không nhận.

Không hiểu sao, tôi lại nghẹn ngào thưa : xin má cầm chút quà của con cho con vui. Dì nhìn tôi sửng sốt và nước mắt đoanh tròng. Tôi thở dài não nuột.




Lại một lần lò dò đi qua đồn kiểm soát biên phòng. Vẫn gặp đúng anh hôm nào, anh vẫn còn nhớ tôi. Lần này thì anh không còn hoạnh hoẹ tôi nữa mà chỉ hỏi lửng lơ theo kiểu con cá vàng : sao qua bển, dui chớ. Tôi không trả lời ngay câu hỏi của anh mà cũng tửng tửng nói cho xong : dân mình đem tiền qua bển nướng vô sòng nhiều quá.

Anh phê phán một câu như chuyện xảy ra đâu đâu : thì ai cũng nghĩ con đường đó dễ thành triệu phú nhứt, nhưng ngược lại chỉ thêm nhiều ăn mày. Tôi định kể với anh về những bà thua hết tiền sống câu bơ cầu bất ở đất người ta, nhưng nghĩ sao tôi lại thôi.

Anh chọc tôi : còn ông có trả thù dân tộc chút gì chớ. Tôi bật cười, không nín được. Tôi cười mà nước mắt nước mũi đổ ra. Giả như không là người ân qua ân lại thì chắc anh đã nạt nộ tôi rồi, song anh cũng cười theo, khen vuốt đuôi tôi : ông vui quá.

Tôi móc ở túi ra, gom hết mớ tiền rịn còn sót gửi lại anh nhờ tiêu dùm vì tiền này không còn cần khi tôi bước hẳn vào lằn ranh của phần đầt bên ni. Tôi cũng không quên kèm cho anh một ông Lincoln nho nhỏ.

Anh cười hề hề vui vẻ nhận. Tôi bước những bước chậm vào khoảnh đất đầu tiên của quê hương. Nắng chấp chới trên cao, cái nóng vồ lấy tôi nhanh chóng.

Tôi quay lại nhìn. Bên kia vẫn là tiếng loa từ sòng bài đang vang vọng lại. Thêm một ngày bắt đầu. Tôi lại nhớ về lời dì Hai : con đi mạnh giỏi. Khi nào dìa lại qua đây thăm má.

Từ lúc này thì dì Hai đã ở vào một không gian khác, vậy mà tôi cứ chập chờn còn nghe lời tôi thưa : vâng, chào má, con đi...
Do Thanh
#74 Posted : Thursday, August 17, 2006 10:44:57 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Vài dòng lãng đãng

Đã lâu anh không đụng đến con chuột, nên lúc này ngồi vào máy anh thấy rất khó khăn. Bao nhiêu ý tưởng dường như bỏ anh chạy trốn mất. Anh cố nặn óc để viết ra được một vài dòng nào đó nhưng bất lực.

Sự ê chề lớn dần lên trong tâm tư anh, kéo lệt sệt mớ thời gian như cái bị nặng trên vai. Những ký ức chợt đến lại chợt tan đi vội vã. Mùa thu chỉ leo heo bằng những buổi sáng lạnh thật lạnh, song lại chóng tan nhanh chỉ một giờ sau đó, thì ra mùa hè vẫn chưa tàn.

Hôm qua, đứa cháu gọi cho anh mà nói : chừng nào ngoại định về. Anh sững đi, không trả lời nổi. Cái khó chẳng phải vì thiếu một cơ hội mà vì những nguyên cớ rất mơ hồ. Tính ra đã có đến gần 10 năm rồi anh cứ xây một chuyến đi để rồi lại vỡ nhanh hơn những chiếc bong bóng xà phòng trẻ con vẫn phùng môi thi nhau thổi.

Đầu năm anh hẹn hè sẽ về. Dạo ấy bọn nhỏ đã nghỉ học, ông cháu sẽ dẫn nhau đi chỗ này chỗ kia. Hè đến, ước hẹn chưa thực hiện được, lại ngấm ngầm dời tới cuối năm. Cứ thế, năm này sang năm khác, những hứa nhăng hứa cuội cứ mòn mỏi dần.

Bây giờ thì anh không dám hứa gì hết. Để khỏi tẽn tò vì không giữ lời được. Anh thả nỗi ước mong như gió bay, lá rụng để thấy mỗi ngày tuổi lại một thêm già. Đám trẻ bên nhà mỗi năm một lớn tướng, có đứa đã đứng cao vượt anh.

Sáng sáng khi anh lững thững bước ra đi bộ thì chúng " hi, hi " ồn ào và tự ai nấy đi. Sự lịch sự vỏn vẹn chỉ có thế, nhưng nếu chúng thiếu hay quên không làm vậy thì bố mẹ chúng sẽ mắng là bất lịch sự.

Phong cách và tâm tính phải được rèn luyện từ khi con người còn là mụt măng non. Những người Việt bỏ xứ ra đi ai cũng muốn giữ chút lề thân thương đó, cho dù những tờ giấy đời đã rách nát tả tơi.

Có lần, nhân hàn huyên chuyện trên trời dưới đất, anh đã tỏ bày với bạn bè : con nít bây giờ khôn dàng trời. Hồi xưa bằng tuổi chúng, mình còn ở truồng tắm mưa khi trời nhỏ nước, còn bây giờ mới 3, 4 tuổi tụi nó đã nhắc mẹ bận underwear.

Phải chăng văn minh làm cho con người mau khôn mà cũng mau dại. Hôm rồi, chị Sáu bên nhà chửi rát rạt đứa con gái mang bầu khơi khơi khi chưa ai cưới hỏi gì hết. Chị nhiếc con nhỏ : mày chết đi, cho tao khỏi nhục. Tao biết mày rượng như vầy thì tao đã bóp mũi cho mày chết hồi mới đẻ cho xong.

Anh biết chị Sáu giận nên nói vậy, chớ mẹ nào lại nỡ giết con. Sự ồn ào rân rân vậy rồi cũng êm hết. Chập choạng tối đã nghe con nhỏ hát ồm ồm : má ơi đừng giận con lâu, để mai đi chợ mua bầu nấu canh.

Anh không thấy tận mắt cảnh mẹ con chị rủ rỉ rù rì thế nào, nhưng sáng kế anh gặp lại chị Sáu thì nghe chị than thở : con nhỏ ngu quá ông anh. Nhưng lỡ rồi, bắt nó phá không đành. Anh lẳng lặng cười khi bắt đầu chuyến đi bộ mỗi bữa.

Đó là những eo xèo mà anh thường thấy ở cái xóm mobile home của anh. Nơi có những bà, những chị hễ ra đường là thủ trên đầu cái nón lá của quê hương xa lắc. Dường như đó là chút dấu yêu mà họ còn mang theo được khi bước chân lên chiếc phi cơ bay khỏi đất nước mình.

Quê hương, hai chữ hết sức ngắn ngủi mà sao gói tròn bao quyến luyến. Bao nhiêu người cứ mong mỏi một ngày về, nhưng vẫn ơn ớn vì những giấc mơ quái dị. Mọi người đang chờ gì, đợi gì mà vẫn cứ phân vân ?

Hỏi ra mà câu trả lời lúc nào vẫn tắc tị. Nghẹn ngào, sầu tủi, nhớ, tiếc, khổ tâm. Ôi, sao cuộc đời rắc rối quá vậy chớ ?
Do Thanh
#75 Posted : Monday, August 21, 2006 10:07:28 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Nghiệp

Sau khi tốt nghiệp bằng " cải tạo " sau mấy năm ròng rã, được thả cho về để vợ con " giáo dục " và khóm phường " quản lý " tiếp, thú thực tôi ê càng quá trời. Cho nên suốt ngày tôi chẳng dám ló mặt đi đến đâu, cứ ru rú trong nhà, không treo " miễn chiến bài " mà trong lòng chẳng muốn tiếp xúc với ai cả.

Lúc nào cũng nơm nớp lo, giữ mình từng chút, chỉ e sơ hở lại khăn gói lên đường " đi học " tiếp thì thà chết sướng hơn. Tôi cứ mang mang nhớ câu người đứng làm thủ tục cho tôi về đã nhỏ to căn dặn tôi mà khiếp.

Chẳng biết ông ta nói thực hay nói đùa, mà xem nhẹ hều hơn gió thoảng, vậy nhưng tôi thấy nặng quá ngàn cân. Ông ta nói như giỡn chơi, chẳng đe chẳng dọa, chẳng lớn tiếng gầm gừ, thế mà âm vọng cứ ầm ầm như sấm động.

Ông ấy dặn dò tôi : anh không được kể lể với ai về những ngày anh đã sống ở đây. Chỉ nên xem đó như là một kỷ niệm. Có thể ngay khi anh bước ra khỏi cổng trại, mọi việc sẽ không còn đúng những gì chúng tôi đã nói cho anh từ hôm qua, hôm kia. Anh đừng cho là chúng tôi nói láo, vì với thời gian còn học tập, các anh chỉ cần biết đến thế. Mai kia về địa phương, anh sẽ như cái bát đặt trên một cái mâm quay tít, anh hãy thận trọng để đừng va vào nhau mà vỡ. Anh có tịt rồi, chớ nên hùng hổ đối đầu với mọi người. Hãy cố nuốt ẩn ức và đau thương vào trong bụng để mà sống còn. Anh có nói, có phàn nàn, có than vãn, cũng chẳng ai thèm nghe, có khi lại còn mang nợ. Cẫn đạo đạt ý kiến gì, anh nên lựa một người nào đó hiểu anh để nhờ họ nói giúp cho, cần thiết nhất là anh đừng nên ra mặt. Thiên hạ rất ngại khi nghe ai đó nhỏ to là anh đã nói thế này, anh đã kể thế nọ. Tiễn chân anh ra về, chúng tôi mong anh sẽ không bao giờ quay lại vì anh thấy chốn này vốn chẳng vui vẻ gì. Anh đã khổ mà đến chúng tôi cũng không sướng, ngày dắt các anh đi lại dẫn các anh về, chán như cơm nếp nát.

Bây giờ tôi về nhà đã đươc non một tháng. Đã làm đầy đủ mọi thủ tục, trình diện khóm phường và nộp bản phóng thích đã đươc trao. Cái ông trưởng công an phường một hai đòi tôi giao bản chính lệnh phóng thích, cũng may hôm lên trình diện khóm, ông trưởng đã mau mắn sao cho một loạt và đóng con dấu đỏ chói, lại bỏ nhỏ tôi chỉ nộp bản sao, ai có hỏi cứ nói bản chính đã đưa nộp ông. Ai hỏi han nghi ngờ gì thì ông ta sẽ đưa lưng ra chịu thay cho tôi.

Ông trưởng công an phường thấy tôi bày tỏ cứ nhìn chăm chăm vào tôi không chớp mắt. Ý ông ta muốn bấm huyệt xem tôi nói độ đúng sai đến cỡ nào. Cũng may đã được bảo đảm trước nên tôi cứ nhất mực coi như vô cùng thành khẩn. Vặn vẹo mãi thấy tôi không có vẻ hoảng hay ấp úng nên rồi cũng xong.

Thực ra, tôi cũng không có một ý muốn giữ bản chính tờ lệnh phóng thích để làm gì vì mọi ngả đường coi như đã phong tỏa hết. Mặc dù khi ông trưởng công an xí xóa vẫn còn cố châm chọc tôi : các anh vẫn còn nuôi mơ mộng hão huyền, hẹn hò nhau giữ giấy tờ để tơ tưởng một ngày kia được Mỹ rước.

Thế nhưng cái nghiệp của mình đã rành rành ra đó, từ bây giờ trở đi mình lúc nào cũng là đối tượng của cuộc đời, nên cố luồn lách giữ được cái giấy gì chính thức một tí để khi bị xoay như cái chong chóng còn có cơ gỡ nổi.

Giấy tờ với các ông ấy chẳng là cái gì hết. Ông này có nhận thì cũng đến xem qua loa rồi xếp vào đâu đó thế thôi. Nhưng chính quyền đâu phải ngày một ngày hai, hết trào lưu này đi đến trào lưu khác tới, ông bà nào mới về cũng hay tọc mạch tìm tòi xem người ngợm dưới tay gồm thành phần có những ai. Nhỡ gặp phải ông bà nào hắc búa cứ đòi riệt phải chứng minh bằng bản cái chứ không chịu bản con thì bỏ bu.

Tôi đã từng nghe một vài trường hợp lận đận lao đao vì chuyện vặt như thế. Người này cố thuyết minh đã làm đúng bổn phận, song người kia bảo không tìm ra, không thấy. Các ông bà có quyền lực trong tay sá gì xót thương đến bọn đi tù về để mà nương tay. Ông này nhận xếp đâu đó, bà kia lấy ra xem rồi lơ đãng quên đi, lâu ngày mò chẳng ra, tìm chẳng thấy, trăm tội đổ lên đầu tằm.

Tôi xót xa cho thân phận mình vô cùng. Đến vợ chồng đôi khi cũng quặc nhau vì dĩ vãng tối òm mà người cha phải gánh chịu. Một đứa con nào đó không đươc nhận vào học vì không thuộc thành phần đáng được đào tạo là y như bố mẹ hục hặc nhau. Bà nói mát ông : đấy hồi nao ông quan cách, đến lúc này con cái oong bị ách ở nhà.

Ông bố chỉ còn nước ứa nước mắt ra mà buồn sầu đau khổ. Va chạm này càng ngày càng lớn dần, trước còn âm ỉ né tránh giữ cho nhau một vừa hai phải, sau vỡ toang ra như mụn nhọt bọc phá mủ tùm lum. Thậm chí đến anh chị em bên phía bà phải nhắc để giữ cho hòa khí gia đình đừng sứt mẻ.

Non một tháng trời cố dưỡng tâm bồi bổ. Đêm nằm vẫn giật mình thon thót khi chợt nhớ như mình còn đang ở trong trại. Tí tiếng động lớn nhỏ gì cũng hốt hoảng ngay, sáng lơ mơ nghe tiếng loa đã nghĩ kẻng báo thức, nhoang nhoáng dậy tìm cái gô đi lấy nước để sửa soạn đi làm.

Bà vợ thấy thương phải bảo : ông đã đươc về nhà rồi, không phải hoảng lên thế. Tiếng thở dài vằng vặc như đoàn tàu chạy mài chưa hết dãy toa. Lâu lâu, chợt nghe cậu con gióng lên : bố ơi, có ai kiếm bố " đã run như lên cơn sốt rét. Nghĩ dại lại có giấy mời đi lần nữa vì " học " chưa thông.

Mặt mày lúc nào cùng ngơ ngơ, ngác ngác, thất vía, thất hồn. Ngày lêu vêu như cây tre đực đầy mắc sần nổi rõ, đêm thấp thỏm khi nghe tiếng phanh thắng kít bên ngoài. Nay tin đồn khóm A, khóm B lại nửa đêm đến gọi vơ vội áo quần đi liền, mai ngơ ngác khi biết anh này, chị kia lại nhập trường thêm ít lâu nữa.

Thản hoặc bữa nào bỗng dưng thấy cái áo vàng lừng lững vào nhà là tim đã như ngưng đập. Ông công an khu vực dù chỉ là vào thăm hỏi qua loa mà hồn vía đã bay lạc đi đâu. Ngồi tiếp chuyện mà như hồn ma bóng quế, bụng chỉ mong ông ta mau mau đi hộ cho để thở sượt ăn mừng.

Ôi, cuộc sống chi mà cơ cực. Chẳng bắt nết bắt nê mà sao thấy nặng tim. Trời vẫn xanh, gió vẫn cao mà bức bách như ngày hè nóng dữ. Đến mưa ào ào vẫn thấy tù túng không yên. Đã mất đi thời tuổi nhỏ tắm mưa đùa nghịch, đã xa đi thuở hồn nhiên vừa lớn vào đời.
Do Thanh
#76 Posted : Sunday, October 1, 2006 11:19:12 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Nghiệp

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa...

Dạo đó, phong trào kêu gọi đi kinh tế mới nổi lên rào rào. Đi đến đâu cũng nghe bàn tán về chuyện đi hay ở. Những gia đình còn có người đi học chưa được " tốt nghiệp " thì yêu cầu này xem ra bức thiết hơn. Các bà vợ, người mẹ luôn được khuyến khích hãy tự nguyện ghi tên đi giãn dân để thân nhân họ sớm được cứu xét cho về.

Nhiều người đến hỏi ý kiến tôi, tôi chỉ ừ hử không dám nói ra suy nghĩ. Tôi chỉ sợ ai đó sẽ kể với người cầm quyền địa phương là vì tôi, tại tôi mà gia đình họ đã chọn thế này thế khác. Thời buổi u mê, duyên may và nghiệp số khiến mỗi con người bá vơ chọn được cho mình một thái độ. Chẳng ai khoe tài khoe giỏi, chả ai dám tự hào mình thấu suốt hay giỏi giang.

Tất cả chỉ là ngẫu nhiên, vơ quàng vớ đại. May và rủi chỉ là hai mặt của con thò lò. Điều thấu triệt là mình chỉ nên biết riêng mình, và hãy tìm mọi cách lách tránh để đừng bị tai ương ngấp nghé chiếu dòm vào.

Những tin tức nẩy lửa dồn dập đến với tôi. Một tin đồn anh A ham nhậu nhẹt đã bị hỏi dồn dập tiền ai cho mà say khướt cò lự thế. Hẳn nhiên là anh ta khăn gói lục tục để lên đường đi vào " trại " lại. Danh xưng thế lực ngoại bang rót tiền về để nuôi dưỡng âm mưu này nọ làm lao đao, lận đận lũ
" tốt nghiệp " vẫn chưa thấu đáo, thông suốt như bọn tôi.

Cho nên chẳng ai muốn ra đường, chẳng ai muốn đi đến đâu. Tự bản thân các bạn muốn thế, mà địa phương, mọi người cũng muốn thế. Để khỏi bị rắc rối, để khỏi bị mè nheo, để thời gian ở nhà sẽ lâu thêm, dù không biết chắc sẽ lâu được tới bao giờ.

Có miệng mà không dám nói, ngu ngu ngơ ngơ là vậy. Ai hỏi, đều lắc đầu thưa không rõ. Ai nhắc, quầy quậy bỏ đi. Không biết, không nghe, không thấy, không, không... kể cả " không, không tôi không còn yêu ai nữa ".

Có người ngoa nguýt gọi đó là cái thời chết tiệt, cái thời thổ tả, xí lắc léo, xiên xẹo tứ tung. Người mụ đi, tay chân lỏng khỏng, chẳng uống say mà chưn nam vẫn đá chưn chiêu, dáng bập bềnh như con thuyền bị nhồi sóng.

Chợt nhớ một câu ca mà chẳng dám hát. Quá khứ là con ngoáo ộp hù dọa những người thất thế, sút gọng, gãy càng. Nhạc vàng, nhạc xanh đều ủy mị, cần dứt khoát chặt bỏ đi như chặt bỏ mụt ung thư vừa nhen nhúm nổi lộ.
Do Thanh
#77 Posted : Thursday, October 5, 2006 4:16:58 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Nghiệp

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Thì đừng trách lẫn trờii gần, trời xa

Có điều lạ là trong khi bọn có bằng " tốt nghiệp " như tụi tôi về, tay nào tay nấy sợ, run như cầy sấy, chẳng dán tơ tưởng, nghĩ suy gì hết, thì mấy tay chiến thắng lại cứ thích hỏi thăm dò về cái quá khứ chẳng ra chi hồi trước.

Tôi nhớ có lần tôi được hỏi : tiểu thuyết của mấy bố nghe rất khoái tỉ, nhưng sao các vị hôn nhau lắm thế. Cứ một đoạn ngắn lại đã thấy hai người ôm cứng nhau hút môi chụt chụt. Tôi nghe muốn bật cười mà không dám cười. Tôi chỉ nghĩ thầm trong bụng : những thứ đó tan vỡ hết rồi.

Hẳn nhiên là tôi phải giả ngây giả dại, lội nước qua sông. Những năm cuối 70 thập thò bước sang 80, trời đất ù ù như sắp vỡ, bụng thì vẫn đói meo mà óc bán buôn đã lấp ló hiện ra. Một vài tay cán bộ hưu đã nhi nhoe mở phòng trà cà phê, ỷ mình có bề dày thành tích nên các vị coi trời dưới mắt.

Các vị mở cửa đón khách quá nửa đêm, nhạc mở xập xình, đủ vàng, xanh, lả lướt. Hàng xóm láng giềng vốn xuất thân là dân " ngụy ", hoặc tôn thờ cách sống " đèn nhà ai nấy rạng " nên chẳng ý kiến, ý càng gì. Nhưng với khóm, phường thì dường như có cái que chọc nhức mắt ngày đêm.

Họ bàn nhau : thế này thì còn ra thể thống gì nữa. Các ngài từ chiến khu về thì còn một vừa hai phải, lơ đễnh bỏ qua, nhưng các tay " ba mươi " thì cực kỳ tích cực. Trời chẳng chịu đất, đất chẳng nhường trời. Nay một câu, mai một ý, thế là có một bữa đẹp trời, ùn ùn " sai nha tay thước, tay cào " kéo vào " dẹp, dẹp hết ". Máy thu, đĩa lấy, chủ nhân phải ký các giấy kiểm kê.

Của nả vun bao năm một phút tan tành, lại còn bị kiểm điểm, phán phê túi bụi. Cái quán bị dẹp quách và thần dân chỉ dám lấy mắt nhìn. Thế mà chỉ vài năm sau đó thì nhiều quán mới còn loạn hơn biết bao, chẳng thấy ai động tới cái lông chân. Thì ra ở thời đại sàn sàn nhau, ai muốn ngoi lên làm đầu tàu, đi nước trước là chẳng thể được yên.

Tôi chứng kiến mà chỉ biết đơn giản để bụng. Mặc cho thiên hạ đua tranh, riêng mình nghiền ngẫm tự mình cho yên. Khóm, phường nào thời đó cùng mỏi mong được là lá cờ đầu thí nghiệm để trở thành điển hình cho nơi khác làm theo. Thế nên, chỗ này chỗ kia đều hầm hè nhìn nhau để đạt bằng danh dự cuối năm.

Tôi như con mòng mòng bị dìm trong vũng nước. Nhọc nhằn để thoát được ra mà vũng quá rộng, nước quá xiết, khả năng sức lực đã rụi tàn. Tôi mụ mị, ngẩn ngơ, rã rời, chán nản. Ai đó thậm thụt nói với tôi : cậu phải tìm việc gì làm, càng vất vả gian nan càng tốt để mọi người thấy cậu thích lao động. Đừng ở không mà phải chịu lao đao.

Thời đó, người làm việc tay chân rất có giá. Bạn bè tôi lo đi đạp ba gác, xích lô hoặc nhận làm thợ xây, thợ mộc. Tay cứng còng, lưng thẳng đuột mà cũng cứ ò ử cầm bay, cầm bào, giũa cưa, mài xẻng.

Khắp các công trường đều có thấp thoáng bóng người vác xi măng, trộn hồ hay bào cây, xẻ gỗ. Có người được gọi là " thợ vịn " mà vẫn thấy vui tai. Các hợp tác xã mọc lên như nấm, thành phần chúng tôi khoan dung được nhận làm chân gác dang hay thu nhặt rác rến. Lương ba cọc ba đồng, gạo từ 9 đến 12 kí tháng tùy theo công việc, thịt mỗi quý chỉ vài lạng qua loa, thiếu quen biết nên chỉ có bầy nhầy và mỡ nhiều hơn chất nạc.

Chỉ rượu là uống vô chừng. Dù dưới chế độ mới chẳng nhận thần quyền, chẳng kể tín ngưỡng, nhưng các nhà thầu vẫn là phe ta, nên muốn o bế đám dưới tay làm lâu dài cho họ, các " quan " lâu lâu vẫn hào phóng ban cho bọn chúng tôi dăm sợi để quên đời. Họ nại cớ giỗ thần, cúng đất hay cầu cho công trình sớm hoàn tất êm xuôi nên xả láng cho anh em chút chút.

Điều đó cũng phải thôi, vì bao nhiêu u buồn, anh em tôi đều lãnh hết. Lễ lạc, vui chơi đều bị bỏ quên, chúng tôi thui thủi xa nhà khi mùa này mùa khác thay nhau qua. Ông chủ thầu lâu lâu lái xe đưa hết bà nhỏ này đến bà nhỏ khác đến thăm, xón cho vái chục đãi anh em nồi chè đậu đen bâu xấu với nhau. Trong khi anh em hú hí húp xì xà xì xụp thì hai ông bà đã vội lên xe vù đi du hí nơi khác.

Có thời kỳ, anh em tôi xa nhà dài cả tháng trời, bằn bặt tin vợ con. Có công trình kéo dài từ năm này sang năm khác. Lớp chờ vật liệu, lớp đợi chấp thuận, lớp nhà thầu dằng dai điều thơ chỗ này qua chỗ kia, cốt làm eo để thúc đẩy bên A sớm thỏa thuận yêu cầu của họ.
Do Thanh
#78 Posted : Monday, October 9, 2006 5:17:02 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Nghiệp

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Thì đừng trách lẫn trời gần, trời xa...

Thời gian đi làm tại các công trường xây dựng, tôi trải qua nhiều tình huống ngại ngùng. Có nơi bên A cho anh em vào nằm ở một xó nào đó, một cái kho bỏ trống, một hành lang bẩn thỉu... còn có nơi thì chẳng đoái hoài gì đến số phận con người.

Tôi đã có lần ngủ trên những chồng gạch thẻ chồng chất lên cao, trải sơ tấm chiếu cũ như cuộc đời bị quên lãng. Tấm lưng bị cấn cái vì những cạnh xù xì, dập dềnh của các viên gạch thủ công không đều, như con tàu gối sóng, nhìn lên trời tối đen hay lấm tấm sao để nghĩ về một thời gian nào đã mất. Xót thương cho anh em, xót thương cho chính mình, những mảnh đời bị vứt đi bên lề xã hội.

Có lần công trường nằm sát bên một con đường thiết lộ. Hằng ngày nhìn những chuyến tàu qua, tôi lan man ước giá gì mình là một người khách đi trên đó. Nhưng mà khó khăn vô cùng. Những con tàu giờ cũng đã đươc phân loại, thứ dành riêng chỉ những ai có chiến công, thứ dành riêng cho bách nhân thiên hạ.

Mua được một cái vé khó giàng trời. Ưu tiên khắp, từ cán bộ, công tác, công vụ lệnh rồi mới tới dân đen. Còn nói chi thứ hạng được " tốt nghiệp " thả về, chả có một ưu tiên nào dành cho họ. Chỉ đi một đoạn đường chừng 40km đã phải xếp hàng chờ giờ từng chuyến xe vô ra. Chờ như mẹ về chợ, chờ như người đói đợi cơm, nhưng các ông bà trật tự, bán vé thì cứ nhẩn nha, không biết xót thương là gì.

Thái độ dửng dưng, bất xao xuyến làm cho con người thành tượng đá với nhau. Người bênh, ông già, bà cả, có mang đều đươc đánh đồng hết ráo. Thua một hòn gạch bâng quơ sắp xí chỗ, thua những người có sức khoẻ trèo lên đầu lên cổ để mua vé " phe ". Ai muốn " mua " lại phải trả cho cái hòn gạch kia một khoản tiền nào đó. Thời ấy có người sống rặt nhờ vào những hòn gạch xí chỗ của mình hay nhờ cái miệng dẻo nịnh mà thành kẻ thức thời hơn người khác.

Chính những vật vô tri vô giác đó giờ cũng trở thành đối tượng nhìn dè bĩu nhau do quan niệm của con người quàng vào chúng. Ngày " xưa " ai có tiền mua vé đều được xem như nhau, giờ đây dẫu bạn có tiền, bạn vẫn bị đòi hỏi phải là thành phần đáng được thì may ra họ mới cho bạn quyền hưởng thứ bạn muốn.

Những chuyến tàu vẫn chạy qua trên đường ray rộng 9 tấc, những con tàu nghèo nàn với những toa ám khói kín bưng. Những cửa sổ không dám mở rộng, sở hỏa xa sợ cảnh bị ném đá, chất dơ ở dọc đường nên phải bọc lưới hay chắn bằng song sắt phòng thủ. Cho nên gẫm tức cười khi tàu chạy lồng lộng mà cứ ví như toa giam hãm tù nhân.

Tôi nằm đem theo những lần toa tàu đêm xình xịch vào giấc ngủ, thỉnh thoảng vẫn còn nghe u u tiếng còi vọng từ xa. Choàng thức dậy, đêm đã sâu quá đỗi mà sương thì mù mịt giăng đầy. Tôi lồm cồm thu dọn chiếc chiếu, loạng choạng đi tìm một xó nào ngủ tiếp.

Tiềm thức không cho tôi một sự chọn lựa, mãi sáng ra mới thấy mình gục say bên đống bao xi măng đã trút hết sạch bay. Sao dạo ấy tôi chẳng biết lo, biết lắng, chẳng nghĩ rằng một đêm nằm ngủ vây, mình đã hít bao nhiêu bụi xi măng vào, và liệu có bao nhiêu con vi trùng Koch bám vào phổi của mình mà đục ruỗng.

Bạn bè tôi cũng vậy. Dăm ba lần tiu nghỉu ngồi tỉ tê với nhau sau một ngày vất vả, ai cũng thản nhiên nhắn nhủ lẫn nhau : thân này còn có ra chi, thì sao tiếc rẻ suy bì (để) cực thêm. Ôi chân lý rẻ hơn bèo, hơn cỏ dại là thân phận lũ chúng tôi vào thời gian đó.

Đêm Noel chẳng ai được về nhà. Chốn công trường heo hút bao la. Tiếng đàn ghi ta nghe xập xình thiểu não. Những bài hát " Tiếng chày trên sóc Bom bo " rầm rộ để gieo sự tin tưởng cho người kiểm soát dạo khuya. Đến khi mọi bề vắng ngắt thì anh em thủ thỉ với nhau vài bản nhạc vàng. Lại " ngày xưa đôi ta gần nhau...", câu ca chưa dứt, mắt thằng nào cùng ươn ướt nước.

Lại nghĩ, lại nhớ, lại băn khoăn, lại nghẹn ngào. Nhớ đêm Noel hôm nao lời ca nơi thánh đường vang vọng : Lạy mẹ là ngôi sao sáng, soi lối cho con lúc vượt biển thế gian..." Bây giờ nhà thờ vẫn vậy mà người cất tiếng hát ngày xưa giờ ở tận phương nào.

Sự âm thầm tủi nghẹn cộng với niềm vô minh vĩ đại xung quanh làm cho thằng nào cũng trở nên mụ mị. Dĩ vãng như con dao bén ngọt xẻo phăng những khối u kỷ niệm đậm đầy. Thả xuống sông cho hoa trôi ra cửa biển, để bềnh bồng đưa đẩy trái tim tan.

Nghiệp chúng tôi nặng quá, nên dẫu trả suốt đời vẫn không hết, bạn ơi. Nhiều khi thấy mình lơ lửng giữa trời, lo đến một lúc nào đó bỗng hóa dại. Có lần tôi thấy người tự lột truồng đi diễu khắp nơi. Trước còn lảng vảng quanh nơi nhà mình trú, sau lang thang khắp mọi nẻo đường.

Đàn ông hay đàn bà khi ở lỗ thì chẳng còn gì là mỹ thuật, phương chi lại còn nghễu nghện dạo phố phường. Cho nên không gì lạ khi nghe một hôm nào bỗng kẻ ấy biệt tăm. Loáng thoáng trong thành phố nghe loan đi tin người đó là gián điệp nên đã được cho về nơi yên nghỉ. Một người thêm, một người bớt, có hệ trọng chi, khi người càng đông của càng hiếm. Của đây chỉ đơn giản là miếng ăn nhét vào dạ dày mỗi ngày, chưa cần ngon chỉ cầu no mà vẫn thiếu.
Do Thanh
#79 Posted : Sunday, October 15, 2006 5:48:02 AM(UTC)
Do Thanh

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 205
Points: 0

Nghiệp

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Thì đừng trách lẫn trời gần, trời xa

Lâu thật lâu mới được một lần bò về thăm nhà. Nắm cái giấy công nhân cuốc bộ ra căn ga nhỏ, mua cái vé tàu đêm trở lại thành phố. Hẳn nhiên là chỉ được đi tàu chợ. Đoạn đường chỉ chừng 40km mà cà rịch cà tang phải gần 2 tiếng mới tới chỗ. Tàu dềnh dang dừng khắp từ ga to đến trạm nhỏ, lỉnh kỉnh trên toa, goong toàn những người đi buôn, chất đầy hành lý.

Mùi mắm ruốc, mùi cá khô, mùi thịt sống, hầm bà làng đủ thứ, luôn xồng xộc làm điếc mũi bà con. Dường như khắp cả nước đều đổ xô đi buôn kiếm chút tiền sinh sống. Các bà, các cô nói chuyện oang oang, toàn lời bạt mạng, chẳng kiêng chẳng sợ bất cứ gì. Vô phúc bữa nào tàu đông, có dăm ba anh bộ đội đi đoạn đường ngắn thì sự tiếp xúc giữa người vùng này vùng khác rất là băng ngang bổ ngửa.

Các bà, các cô tiếng là nói chuyện với nhau nhưng ngấm ngầm vẫn có ý móc moi, xỉa xói đến các anh lính trẻ ngồi bên. Tội nghiệp, các anh cứ lặng im, giả ngơ giả điếc, người được thể cứ châm chọc rồi hềnh hệch cười.

Bọn học trò " tốt nghiệp " tụi tôi ngồi nín khe nghe ngóng. Giữa đường dẫu thấy bất bằng cũng...giả lơ. Nghiệp mình đã quá đỗi đăng đăng đê đê, dầm dề dồn cục, chuyện đời quàng vào người chỉ tổ thiệt thân. Phương chi, hình ảnh những ngày " đi học " còn lù lù ra đó. Ngày xưa cắp sách đi học, có dịp về thăm trường, ai cũng cập rập ngóng mong. Còn bây giờ, ai đã thoát ra khỏi cổng trường thì chỉ mong mãi mãi chia tay.

Nhớ những buổi lao xao vác rựa, vác cuốc đi đào ao, chặt gỗ trên ngàn, người nào cũng còn ớn ợn. Tấm thân tàn ma dại, chưa vùi thây nơi xó núi góc rừng là may lắm rồi, đã về được chẳng một ai mong trở lại thăm.

Tiếc rằng trời muốn mọi người giả câm, giả điếc mà còn để chi cái miệng, cái tai. Nghe những lời như đâm như chọc, ngang phè phè, ức muốn bể tung lồng ngực, mà cứ phải cắn chặt làn môi. Nóng nảy, bồn chồn, bén nhạy, chỉ tổ làm cho người ta ghét.

Thành ra, khi nghe các chị, các dì nói thay mình, đốp chát đấu lý với các chú lính ngoài kia, tôi cũng thấy hởi lòng hởi dạ. Nghĩ rằng còn có người tưởng tiếc đến mình. Những hình ảnh lẫn lộn băm vằm vào đầu óc khiến tôi nghẹn ngào như nuốt phải miếng to.

Ngày xếp súng, chưa gì đã bị chửi vung chửi vít. Đến dăm anh xích lô cũng đã lớn tiếng mỉa mai. Thời đó tôi đau lòng như dao cắt. Cái đầu muốn vỡ tung khi nghe mấy anh nói xỏ xiên. Thế rồi thời với thế tan đi như bóng câu bên cửa sổ. Sự đời hiển hiện khắp nơi, những bồng bột vỡ nhanh hơn bong bóng nước. Ê chề, ngao ngán thì quá muộn rồi.

Cả thành phố ngơ ngác như bị thắt nghẽn trong tấm lưới bít bùng. Có không khí mà sao như ngộp thở, có trời xanh mà sao vẫn âm u. Những chiếc băng đỏ quấn vội vào cánh tay nhiệt tình hôm nao đã thẹn thùng bị gỡ bỏ và để quên ở đâu chẳng ai còn để ý nữa. Chỉ biết len lén nhìn nhau mà nước mắt đọng mi.

Trên bước đường làm ăn, tôi đã bao lần phải nhận lời trách móc tương tự. Lời nhẹ nhàng hơi gió thoảng mà khoét sâu, làm rỏ máu trái tim mình. Bao nhiêu chữ " tại sao " được hắt vào người tôi. Tôi gục đầu chịu tội. Thế rồi, tình người với nhau " giận thì rất giận, mà thương vẫn cứ thương ", tôi vẫn nhận được những đồng tiền trao đổi, lại còn được cho ăn bữa trưa khi đã quá giờ cơm trễ.

Miếng bột đưa vào miệng, chút củ cải kho mặn quyện với môi, sao nuốt khó trôi, nếu không nói là vô vàn cay đắng. Tôi cắm đầu và từng đũa bột vào mồm mà nấc lên vì nước mắt trào ra thấm đẫm. Những bữa ăn dọc đường bùi ngùi ngấn lệ, ngửa lên trời chẳng vói tới nơi. Đêm rưng rức vùi đầu khóc lặng, lệ nhoẹt nhòe ướt cả gối chăn.

Ôi những mảnh đời rách nát ám ảnh, dằn vặt mọi người. Những chiếc tàu lén lút bỏ đi, tin an toàn về tới, niềm vui không ngăn kịp. Đã bao lần, tôi chợt nghe được tiếng reo nức nở đó để rồi vui cho người mà cay đắng cho mình.

Những cái tên lạ hoắc vang lên đâu đó. Palawan là đâu, Changri-La là đâu. Người đi vui được đến, còn những ai trôi dạt dưới trời nào. Kẻ một lần trót lọt, người đi mãi không thành. Những chiếc ghe nhỏ nhoi bị kéo vào bờ bên đồn biên phòng lạnh lẽo. Tối nào chợt nghe tiếng thét rõ mồn một vọng ra.

Nhiều gia đình âm thầm lập bàn thờ cho một người thân mất tích. Nhiều nhà cứ ngong ngóng chờ đợi một điện tín đến nơi. Thành phố ngơ ngác và hồi hộp chờ đợi. Những người còn ở lại lấm lét nhìn nhau. Quả đất tròn nơi đâu mà sao lại vẹt đi ở nơi tôi đang sống. Bao giờ...bao giờ, con cú rũ lông trên đọt cây để đếm đi đếm lại vẫn bấy nhiêu ngày.

Mịt mù. Vô vọng. Bơ vơ. Chẳng dính vào đâu, chẳng một nơi nào để bám. Con dốc bỏng cứ vừa bước lên lại trụt xuống. Cát dưới chân nhuyễn nhão lôi đổ nhào. Vốc lên từng bụm hỏi : cát này có phải là quê hương. Nghe xao xuyến cõi lòng đang vụn vỡ.
Users browsing this topic
Guest (4)
4 Pages«<234
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.