Tuồng đời
Tôi có cái tật mê coi hát từ hồi còn tí nị. Cuối tuần mà chưa tìm được tiền mua cái vé vào coi hát bội (thực ra phải gọi là hát bộ mới đúng) hay cải lương là chưn tay cứ rũ ra.
Hồi còn chút xíu xìu xiu thì tôi ưa mon men ra rạp Moderne ở đường Espagne bên hông chợ Bến Thành coi mấy tờ quảng cáo của gánh Đức Huy với cái tên Charlot Miều đỏ chói. Bữa nào mua vé đàng hoàng vô coi thì hí hửng hả hê. Dạo đó cũng thấy ông Phạm Duy ôm cây đàn ghi ta thùng ra ò ử ca bài Buồn Tàn Thu với cặp mắt luôn hấp háy. Còn bữa nào xoay hoài không ra cắc bạc thì tôi cứ đi tới đi lui trước rạp, chờ xin đi theo ké người lớn vô coi. Gặp chú soát vé hắc xì dầu không cho theo thì quẩn quanh ở đó chờ khi rạp sắp vãng, xả giàn, vô coi đỡ khúc chót cũng đủ thấy đã điếu vô cùng.
Sau này khi rạp Moderne bị phá bỏ để xây lên nhà thuốc Ông Tiên thì các gánh kéo nhau về diễn tại rạp Thành Xương đường Boresse. Thôi thì hết Phụng Hảo đến Năm Châu, lại thêm đoàn Hậu Tấn thay nhau trụ tại đó, mau là 1 tuần còn có khi lâu hơn nữa.
Tuồng tích thì kéo đi kéo lại diễn hoài, cứ ráp vòng là gánh nhổ neo, lan man đâu đó dăm tuần lại quay về diễn tiếp. Phụng Hảo thì có tuồng ruột là Phụng Nghi Đình hay Mạnh Lệ Quân thoát hài. Gánh Năm Châu thì diễn Khi người điên biết yêu hay Người Mặt Sắt, hay Nửa đời hương phấn, Đời cô Lựu... Tôi thuộc nằm lòng các tên cô Phùng Há, cô Bảy Nam, cô Năm Phỉ, cô Thanh Loan, ông Năm Châu, ông Ba Vân, cô Kim Lan, cô Kim Cúc. Sau này thì thêm nhiều thế hệ tham dự vào nghề khiến cho sân khấu cải lương nở bung như pháo bông : Bảy Cao, Kim Luông, Văn Chung, Việt Hùng, Ngọc Nuôi, Kim Chưởng, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Năm Nghĩa, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Thành Được, Dũng Thanh Lâm, Thanh Tòng, Kim Cương, Thanh Nga... ôi thôi nhiều, nhiều vô vàn, nhớ hông nổi.
Sau 1954, các gánh ở Bắc mới chen chân vào, nổi đình đám nhứt có gánh Kim Chung của ông bầu Long, diễn thường trực ở rạp Aristo tại đường Phạm Hồng Thái. Đào có các cô Kim Chung, Bích Hợp; kép có Tư Vững, Phúc Lai, Đào Mộng Long... Mãi sau này mới có thêm rạp Quốc Thanh, Cao Đồng Hưng, Thủ Đô, Nguyễn Văn Hảo, Đại Đồng, v.v... ở khắp Saigon - Cholon - Gia Định. Dạo đó, khán giả cứ mong cứ chờ cô Ái Liên, cô Kim Xuân, nhưng không thấy các cô cùng vào.
Đời đào kép có nhiều vinh quang lẫn tủi nhục. Lúc đang lên thì kẻ đón người đưa, tặng hoa, đăng báo. Song đến lúc về già nhiều khi thui thủi một mình, gửi tấm thân nằm nhờ ở hội quán Hội Nghệ Sĩ đường Cô Giang hay rút về ăn nhờ tại đình Tân Kiển. Rồi âm thầm lãnh cái chết êm ru, chẳng thấy ai là người chia buồn cáo phó. Danh tiếng như cô Năm Phỉ, Thanh Loan vốn có nhà có cửa, con cháu đông mà khi ngôi sao về già cũng chẳng có một người ái mộ nào thăm hỏi như lúc còn son.
Tôi thấy buồn cho tình đời và chia xẻ nỗi thương tâm với các vị đã góp công góp sức đem tiếng cười, tiếng khóc cho đời. Thực ra đi xem tuồng tôi cũng không hiểu hết tuồng tích, chỉ thấy các vai diễn xuất thiệt hay mà nhớ da nhớ diết về các hành động của các vị ấy. Ấy vậy mà đến đoạn nào các kép các đào diễn mùi cảm động là y như tôi ướt mắt nhoẹt nhoè giống như chính đào kép trên sân khấu vậy. Mà cũng chẳng chỉ riêng tôi, hầu như các bà, các ông đều khóc, màn buông xuống và đèn bật sáng lên rồi mà chỗ này chỗ kia còn sụt sịt và lấy khăn ra lau. Tất cả đều thản nhiên, không e dè hay mắc cỡ gì cả.
Đào kép khi ra tuồng đĩnh đạc nghiêm trang đã thường, nhưng có thấy sự cẩn thận của họ khi tô mày, vẽ mặt, lúc mặc áo, đi hia mới thấy hết tâm huyết họ đặt vào vai tuồng họ đóng. Tôi thường rút vô hậu trường xem họ điểm trang. Mỗi người ngồi một góc, tấm gương con con trước mặt, hộp phấn son, phẩm màu chia từng ngăn : đỏ, vàng, xanh, trắng, lam, hồng... Tùy theo vai sắm họ trau tria khuôn mặt, hoặc dữ hoặc hiền.
Bữa nay là đứa con, mai có thể là ông lão. Bữa nay là nô tì mai có thể là mỹ nương, đẹp thì đẹp quá cỡ, ác thì ác cũng hung, hiền thì hiền chảy nước, mà xấu thì xầu thả giàn. Tuồng tích xoay mòng mòng như chong chóng, lời văn đặt trau chuốt hay ho, câu ca nghe có vần có điệu. Xàng xê, vọng cổ, hồ quảng, kim tiền, phách nhịp, nhị kéo, sáo thổi, đàn bầu, xênh xang, lớp lang, đầy tiết tấu.
Đào kép sắm tuồng xong là có người giúp mặc áo. Rồi săm soi sửa lại dải áo, cái đai, chỉnh cái mão, đôi hia hay xem lại chòm râu, mái tóc. Khi thấy đã chỉnh chu rồi mới lần lượt từng người ra thắp nhang khấn bàn thờ tổ, sau đó mới nhập vai.
Đi coi hát, ngồi dưới ghế nhìn lên, thấy tuồng ăn khớp quá. Vai nào cũng vẹn toàn như cỗ máy mắc vào nhau bởi những bánh xe răng. Một cái chạy lôi theo những cái khác không bao giờ sai trệch. Tôi thường chọn coi diễn xuất từ bên cánh gà, thấy diễn tiến hối thúc nhau, từ thầy tuồng, người nhắc đến anh kéo màn, chạy phông, nhất nhất đều có người dõi theo để giữ việc được trơn tru, không vấp.
Tuy vậy tôi lại nghiêng về hát bộ hơn. Say vì người diễn phải làm sao cho đúng như người trong tích, còn người xem phải cố vận dụng trí óc để thấy hòa điệu với vai diễn trên sàn. Cái đá chưn của vị lão quan phải hiểu đó là vai trung hay vai nịnh. Khuôn mặt đen thui phải nhận ra đó là thảo khấu hay anh hùng. Còn cây phất trần vung lên rung tít là con ngựa ô hay con xích thố đang ruổi dong hay đang xung trận. Điệu lăng ba là bước của thục nữ thuyền quyên hay của nàng tiểu thư giăng bẫy. Ôi chao, lần đầu vô ngồi coi sao thấy khó vô biên. Sau này lần lần được nghe giảng giải mới sáng ra chút chút.
Hát bộ trong Nam lâu nhứt là gánh Bầu Thắng diễn thường trực tại đình Cầu Quan, cạnh rạp Thành Xương. Cái hay của ban là bị cạnh tranh ráo riết mà vẫn trụ. Khán giả là các bà già trầu đi coi còn cắp theo rổ và ống ngoáy. Mắt thì xem mà tay ngoáy lia ngoáy lịa miếng trầu. Đào kép diễn trên sàn gỗ, các bà cứ tỉnh bơ nhóp nhép ngồi nhai, lâu lâu nhổ cái phẹt cốt trầu ra bên cạnh. Kép thì có Minh Tơ, Khánh Hồng; đào thì Bạch Lan, quanh quẩn cũng là anh chị em trong cùng một gia đình. Người ta kể gia đình Bầu Thắng đều mê đắm nghiệp đờn ca nên các thế hệ thay phiên nhau nối nghề tổ.
Đình Cầu Quan nhỏ chút tí, khán giả vốn không đông nên đủ xài. Vào xem rồi khi ra có đói bụng thì ghé mấy cái quán kế đó làm tô cháo khuya nhâm nhi và về ngủ thẳng giấc. Có ông trước khi vào làm chai bia, ly rượu, lai rai con khô, chờ sát giờ diễn mới vào, vậy mà khi trở ra cũng đã lại lỳ một lam tức làm một ly rồi mới phán xể. Thiệt là nhứt cử tam tứ tiện, hèn chi mấy ông thích đi đình Cầu Quan hoặc xun xoe nịnh đưa mấy bà đi coi hát bộ, trong khi các bà đắm đuối buồn vui với vở tuồng đời thì các ông cùng buồn vui với chất đắng, con khô.
Nay đà 30 mươi năm hơn, tôi không còn có dịp trở lại đình Cầu Quan nữa. Giã từ những Trình Giảo Kim với Địch Thanh hay Bao Công, Quách Hoè. Giã từ những ân những oán, những tang thương dâu bể, những nịnh trung xử phạt phân minh. Tất cả đi vào dáng mờ nhân ảnh. Đôi lần thèm muốn được xem lại một đoạn Mộc Quế Anh rung cây, hay Triệu Tử Long phò nhị tẩu, cứ thấy mênh mang như khói sóng dật dờ. Thoáng chỗ này một khuôn mặt cau cau, thoáng chỗ kia một u tình ẩn nhẫn.
Thời gian như mây giăng đầu núi, như sương giọt trên cành, không ra không, không ra có. Bao nhiêu kép, bao nhiêu đào, người lặng lẽ ra đi, người giã từ sàn gỗ. Cả cải lương lần hát bộ giờ như bãi chợ về chiều, lại thêm phế hưng càng nhuộm thêm vẻ bi ai. Nhớ gì đây, nghĩ gì đây, có cánh gà nào còn sót lại đêm nay để tấn tuồng đời mỗi đêm lăng xăng chạy hiệu. Cả người xem, cả người diễn đều như an nhiên nhìn lớp lớp tuồng qua. Ai nào biết đâu tuồng sẽ khó thành nếu không có màn phông, người nhắc vở, lời đe nẹt của thầy tuồng. Rồi đàn, rồi nhị, rồi chập chõa, rồi phách, rồi sáo, rồi phèng la, rồi đàn bầu, rồi ghi ta, thập lục, mỗi thứ một chút làm cho sống động hơn lên, đào kép như được thổi hun cho vai trò càng thật.
Hơn 30 năm rồi, giờ đây gánh hát nào còn, gánh nào mất. Kép đào ai đã ra đi, ai ở lại, buồn hay vui. Đôi khi nhớ đến nhau có thấy tuồng sân khấu và tuồng đời tuy là hai mà chỉ một. Cũng ninh, trung, thiện ác đáo đầu, cũng bày trò vu hại lẫn nhau, cũng vạch tội lập công hoặc oan gia lớp lớp.
Ước gì lại có một ngày được trùng phùng. Uống với nhau một chén trà suông kể cho nhau tuồng đời trôi nổi. Để được cùng nhau khóc với người vĩnh viễn xuôi tay và dìu dắt nhau những mảnh đời còn sót lại.
Mong lắm thay. Mong lắm thay.
Đỗ Thành