Việt Nam Quê Hương Tôi! #3 Qui Nhơn: Đáp xuống phi trường Tân Sơn nhất sau chuyến bay muộn màng từ Nội Bài là 11g30 đêm. Cái nóng hừng hực làm tôi choáng váng trong khi những người chung quanh vẫn những chiếc áo lạnh dầy cộm. Khí hậu ở ngoài bắc dễ chịu bao nhiêu thì khí hậu ở đây làm tôi ngột ngạt bấy nhiêu.
Sáng hôm sau đến nhà cậu em, ngồi nói chuyện một lúc, ý nghĩ đi Qui Nhơn quay quắt trong đầu, vâng, đã nói rồi, bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải về lại Qui Nhon, nơi đã một thời ôm ấp tuổi thơ tôi, tuổi con gái của tôi mà hình như không bao giờ tôi có thể quên được, bởi có quá nhiều kỷ niệm. Một trong những kỷ niệm như không bao giờ quên được.
Em tôi đưa đề nghị:
- Anh chị đi xe lửa chiều nay thì sáng mai sẽ đến Qui Nhơn, em sẽ gọi thằng bạn em kiếm khách sạn và lấy phòng trước. Nó sẽ đón anh chị và lo cho anh chị thời gian ở Qui Nhơn.
Tôi e ngại phải làm phiền người khác, nhưng em tôi nhất định, thế là chúng tôi vội vàng chở nhau tìm đường đến ga xe lửa Sài gòn.
5g chiều, chúng tôi phải có mặt tại ga xe lửa, mọi người dặn dò là phải coi chừng xách tay, cẩn thận tiền bạc làm tôi cũng run. Nhưng không, điều phải nói là tại các ga xe lửa, hay bến xe rất an toàn, không thấy những người bán hàng rong, không thấy những em bé bán vé số hay đeo những khay bán kẹo... điều này tôi cảm thấy an toàn, tôi cảm thấy phục chính phủ hiện tại, họ đã có thể dẹp được những tệ đoan ấy một cách dễ dàng đối với họ, vâng, với họ chuyện gì mà chẳng dễ dàng???
Bước vào xe lửa, ghế ngồi trên xe lửa không giống như những chuyến xe lửa ngày tôi còn bé theo ba mẹ từ Huế vào Đà Nẵng, những chuyến xe lửa đi qua đường hầm tối đen, khói than bay vào mắt. Ghế ngồi trên xe lửa như ngồi trên xe, ngả người ra, thỉnh thoảng họ đẩy những chiếc xe bán hàng như trên máy bay... bán vịt lộn, bán cháo, bán bắp luộc, bán xôi...v..v. Nhưng họ không phải là người miền nam, miền trung, họ là những người từ miền bắc vào đây buôn bán làm ăn, thế còn những người buôn bán địa phương đâu? Chẳng lẽ họ không còn muốn rao hàng ở các trạm xe đò, ở các ga xe lửa? Hay cái quyền buôn bán của họ đã bắt buộc phải lui lại và nhường cho người khác???
Xe lửa đến nơi khoảng 6g sáng, không nhớ là tại Bà Gi hay Phù Cát, vì tất đã thay đổi, thay đổi hoàn toàn. Qui Nhơn của mấy chục năm trước đã hoàn toàn biến mất để nhường lại cho một Qui Nhơn mới mẻ, đẹp đẽ hơn, khang trang hơn và tôi không còn nhận diện được một tý gì của Qui Nhơn ngày xưa nữa. Bạn em tôi gọi điện thoại liên lạc thường xuyên để biết lúc nào tôi đến... tôi gọi cho chị Thanh Ba, chị mừng rỡ reo lên vì tôi đã có mặt ở Qui Nhơn, chị sợ tôi không về như đã hứa.
ông xã tôi từ khi đặt chân trở về nơi đã bỏ đi hơn 28 năm nay, buồn vui lẫn lộn nên tim lại dở chứng đập loạn cả lên trên tuyến đường xe lửa từ SG về Qui Nhơn làm tôi lo lắng, gọi điện thoại cho bạn em tôi, hắn trấn an và nói khi chúng tôi đến khách sạn, hắn sẽ chở nhà tôi đến gặp bác sĩ về tim ngay...
Bạn em tôi đã có mặt ở khách sạn từ sáng thật sớm, gặp hắn tôi nhận ra ngay...Khách sạn quay mặt về biển, để từ đó tôi có thể nhìn thấy những đợt sóng dồn vào nhau rồi lại cuốn ra xa. Sau khi nhận phòng, hắn đưa nhà tôi đi BS... Một lần nữa tôi phải công nhận là thuốc tim ở VN rất hay hơn bên Mỹ nhiều. Bạn đừng bảo tôi nói dóc nhé, thật đấy, ông xã tôi uống một lúc là nhịp tim trở lại bình thường ngay, không như ở bên này, mỗi lần bị như thế phải chờ rất lâu nhịp tim mới trở lại bình thường. Chẳng thế mà khi trở lại Mỹ chúng tôi đã không quên mua nhiều để phòng khi cần đến.
Trong khi chàng nằm nghĩ, chị Thanh Ba đến đưa tôi đi vòng quanh Qui Nhơn, trước tiên là về nhà chị. Về căn nhà trong chân núi, căn nhà của cái bánh chưng cuối năm. Căn nhà với những cây vú sữa, những cây ổi, những cây tầm ruột và cụm hoa lài ở góc vườn... con đường về nhà chị, về căn nhà trong chân núi ngày nay không còn là những con đê gập ghềnh, không còn là những thửa ruộng 2 bên đê để mỗi lần lái xe đạp vào nhà nhiều lúc ngả nghiêng muốn ngã... Con đường rộng, những thửa ruộng đã được lấp và những căn nhà to, cổng rào được xây cất lên. Nhà chị vẫn là căn nhà cũ ngày tôi chưa bỏ đi, ngày tôi vẫn vào thăm, nhưng bên trong mai vàng đầy sân, khuôn viên vườn tược thu nhỏ lại, những chậu kiểng to với những loại cây uốn nắn trong đó. Trên hiên nhà những chậu lan treo lủng lẳng đong đưa theo gió. Nhìn khoảng vườn chung quanh, tôi không còn thấy đâu những cây vú sữa, những cây nhãn xum xuê cành lá cho chim làm tổ... chị bảo:
- Chị đã bán một phần để sống, một phần bị họ lấy, chị làm đơn đòi lại cả mấy năm nay mà không thấy họ nói gì...
Bàn thờ có ảnh của ông cụ, của anh, tôi thắp nén nhang để tưởng nhớ đến người đã khuất. Hai khuôn mặt quen thuộc đã dự một phần trong tuổi đời bé bỏng ngây thơ của tôi làm tôi rưng rưng... Chị Nhị đang ở trong Saigon trông cháu trong thời gian Vy, con gái của anh chị du học ở Á Nhĩ Lan cả 1 năm rưỡi. Con bé Vy bé nhỏ ngày nay cũng đã trưởng thành, giáo sư của một trường đại học SG, và ngoài ra còn làm việc cho một ngân hàng ngoại quốc. Anh nhé, anh yên tâm lắm phải không? em mừng cho anh chị...
Chị Thanh Ba chở tôi đến những nơi chị nghĩ tôi muốn đến... đến ngôi trường tôi học ngày xưa, nhìn ngôi trường khác lạ ngôi trường ngày nay được gọi là trường Đại Học Quang Trung, tôi không thấy những tà áo trắng, tôi không thấy những bà sơ mặc áo đen đi lại trên hành lang... tôi ngậm ngùi xin phép vào trong để chụp vài tấm hình lưu niệm. Trường tôi ngày xưa đâu có cần trạm gác, cổng trường tôi ngày xưa chỉ có một bà già hung dữ canh chừng chúng tôi không cho đám con gái chúng tôi lén ra ngoài trong giờ học... trước cổng trường tôi cũng không còn thấy ai đẩy xe bán chè đậu đỏ, bán gỏi khô bò và cũng chẳng còn thấy ai bán hàng rong trước cổng trường, tất cả đã theo tôi bỏ đi mắt tăm từ cái thuở nào xa xưa lắm.
Thời tiết ở Qui Nhơn đẹp làm sao, trời không nắng, chỉ có cái lạnh nhè nhẹ đủ cho tôi khoác poncho bên ngoài cái áo mỏng manh của mình, cho tôi có cơ hội trang điểm khuôn mặt mình chứ không phải như ở SG, cái nóng đã làm tôi điêu đứng khi bước ra ngoài. Thấy tôi tươi vui ngồi sau không kêu ca cái lạnh, không xuýt xoa, chị nhìn tôi cười:
- Con nhỏ này khoẻ ghê, bộ em không lạnh hả, đi xe lửa cả đêm không mệt sao?
- Tôi tươi cười áp mặt sau lưng chị:
- Cái lạnh ở đây dễ thương quá, bộ chị lạnh lắm sao?
- Ừ, năm nay thời tiết thay đổi kỳ quá, lạnh gì đâu không à...
Vậy là cái may của tôi khi đến Qui Nhơn giữa thời tiết êm dịu này để tôi được nhìn lại những gì tôi muốn thấy, cái khí hậu với gió biển đã làm tôi quên đi mất giấc ngủ không đầy trên xe lửa đêm qua.
Về đến khách sạn, chúng tôi rủ nhau đi ăn, sau đó bạn của em tôi đề nghị đưa chúng tôi đi Ghềnh Ráng, đi thăm mộ Hàn Mặc Tử, đi thăm trại cùi Quy Hòa....
Bạn em tôi chở chị Thanh Ba, còn nhà tôi chở tôi, hai chiếc xe honda theo nhau chạy qua những con đường mà tôi không thể nào nhận diện được:
Bạn em tôi quay sang:
- Chị có biết đây là đâu không? Đây là eo nín thở ngày xưa đó.
Tôi bật cười, à thì ra đây là khu 2, nơi eo biển có những đống rác cao mà mỗi lần đi ngang chúng tôi phải ráng đạp xe cho nhanh, không dám cả thở...
- Chị có nhớ đây là đâu không?
Tôi lắc đầu, hắn nói tiếp:
- Đây là nơi ba chị đóng binh ngày xưa, Liên đoàn 6 Công Binh, đại đội 605 đó chị nhớ không?
Không, làm sao mà nhớ vì bây giờ đã thay tên đổi chủ, bây giờ đã thay thế bằng Liên Đoàn Địa Chất 5... tất cả đã thay đổi, cuộc đời của chúng tôi đã thay đổi, đại đội của ba tôi không còn nữa, Liên Đoàn 6 Công Binh không còn nữa và... ba tôi cũng không còn nữa...
Ghềnh Ráng: Con đường lên Ghềnh Ráng, đẹp lắm, nhưng cái đẹp nhân tạo đó đã lấy đi những cảnh thiên nhiên của những tảng đá, hòn đá nằm ngả nghiêng nằm chồng lên nhau trên bãi biển, nước đã bị đẩy xa ra khơi, họ làm khu du lịch ra đến tận Hòn Chồng. Hòn Chồng mà mỗi lần chúng tôi đã phải cheo leo khó khăn khi ra đến... bây giờ không còn như xưa... chỗ nào cũng thấy làm khu du lịch... Nhà thờ Ghềnh Ráng nhỏ bé làm thật đẹp, nhưng nghe nói đất chung quanh khuôn viên nhà thờ cũng bị cắt xén, họ đã cắt xén 1 phần và bán cho người Mã Lai xây nhà hàng thật to nằm sát bên nhà thờ, nhưng nhà hàng hình như không có khách...
Mộ Hàn Mặc Tử: Mộ Hàn Mặc Tử cũng không còn có vẻ một ngôi mộ cũ kỹ mang tính cách lịch sử của giòng thời gian với một thi sĩ nổi tiếng mang theo huyền thoại của những mối tình trong thời gian trước và sau khị bị bịnh. Họ đã làm lại, họ đã lấy đi một ngôi mộ đơn sơ xây bằng xi măng cũ kỹ nằm lưng chừng trên triền núi...
Đường lên trại cùi Qui Hòa, con đường lên dốc cao có cảm tưởng như đang lên vùng cao nguyên Đà Lạt, đẹp lắm, khang trang lắm nên mới có thể lấy tiền du khách. Nhưng sao đành lòng lấy cái đau, cái bất hạnh của người khác làm nơi du lịch cho người đời thưởng ngoạn? Con đường ngày xưa vào khu người bịnh trông rất nên thơ với những hàng thông, hàng liễu chạy dài, con đường như được lót bằng thảm nhung êm chân bởi những lá thông rụng xuống đầy đường đi, đến nỗi ngày ấy tuy còn bé, tôi đã phải thốt lên với mẹ:
- Con ước con được ở nơi này...
Chưa kịp nói xong đã bị mẹ cắt ngang bảo tôi điên, nói vớ vẩn...
Những con đường bây giờ trông sỏi đá, bụi cát tứ tung, đi ngang cả căn phòng của Hàn Mặc Tử ở ngày xưa... một điều mà ngày xưa không thể nào cho phép... Ngày nay sự tôn trọng những người bất hạnh cũng không còn nữa... Những thửa đất dành cho người bị bịnh nhẹ hay chưa phát bịnh cũng đã được lấy đi để nhường đó là những ngôi biệt thư sang trọng.
Những chương trình từ thiện giúp người bịnh phung cùi ngày xưa do các bà sơ giòng Phao Lồ nay đã phải qua sự giám sát của cơ quan chính phủ...
Nhà tôi: Chúng tôi quay xe trở lại Khách sạn, Hà, em gái của bạn tôi cũng vừa về từ Phan Thiết cho kịp để chị em gặp nhau. Sau khi chúng tôi dùng bữa ở một nhà hàng hải sản, chúng tôi lại lái xe vòng vòng... đến trước một ngôi nhà thật cũ kỹ, hai bên là hai ngôi nhà cất thật cao, thật khang trang...
Hà hỏi tôi:
- Chị có biết đây là đâu không?
Nhìn ngôi nhà có số 13 lu mờ một bên cổng, tôi nhìn mọi người ngờ ngợ:
- Chẳng lẽ nhà chị ngày xưa? Chẳng lẽ đây là 13 Đoàn Thế Khuyến ngày xưa?
Mọi người gật đầu, tôi băng qua đường... nhà của tôi thê lương đến thế này sao? Hai cây dừa đi đâu rồi, cổng nhà của tôi cũng không thấy, cây leo lá thật to cuốn ở cột một góc sân cũng không còn nữa... tôi đi vào hẻm nhà...họ đi ra, họ cứ tưởng tôi từ một cơ quan nào đến... sau khi cắt nghĩa tôi là chủ ngôi nhà này ngày xưa, nay có dịp đi ngang muốn vào thăm lại... họ ân cần mời tôi vào... Nhà tôi không phải chỉ một gia đình mà có đến 5 gia đình chia nhau ở, vì những 5 gia đình mà lại không có giấy tờ nên căn nhà không thể nào đập phá làm lại. Và gia đình tôi càng không thể lấy lại ngôi nhà khi phải nghĩ đến chuyện đóng thuế, đến chuyện phải bồi thường cho những gia đình đang cư ngụ...
Phía sau vườn cũng không còn những cây ổi như xưa, cây ổi mà tôi vẫn thường leo lên ngồi học bài vào những buổi chiều buổi trưa cuối tuần. Căn gác sau vườn cũng không còn, nơi mà tôi vẫn thường ngồi đọc sách hằng đêm, nơi tôi ngồi cắn bút tập làm thơ, và nơi tôi có thể đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài để được thấy hỏa châu sáng ở một góc trời.
Cái hầm trú ẩn bom đạn mà ba mẹ chúng tôi làm kiên cố cũng không còn nữa... tất cả không còn nữa... Vâng!... tất cả chỉ còn là một đám rong rêu đã bị phủ kín bụi...
(còn tiếp)
Nguyenthitehat