Rực Rỡ Mặt Trời (
A Thousand Splendid Suns)
A Thousand Splendid Suns là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn (bác sĩ) Khaled Hosseini, viết về hai người phụ nữ có hoàn cảnh gia đình khác nhau, tuổi tác chênh lệch nhau qua hai thế hệ, mà vì chiến tranh, sự mất mát và số mệnh trớ trêu đã khiến họ đến với nhau, ở tình huống mà mới đầu có thể là hai tình địch nhưng sau đó lại là như chị với em hay mẹ với con. Trong khổ đau, thử thách, chiến tranh, thân phận đàn bà, hai người phụ nữ yếu đuối đã vượt qua tất cả.
Mariam
Mariam là con rơi của một chị người làm (Nana) với một ông chủ nhà giàu (Jalil), người đã có ba người vợ chính thức và chín đứa con. Mariam sống thiếu thốn, hẩm hiu với mẹ trong một túp lều ở một nơi hoang vắng, mà ông bố và hai người con trai của ông đã cất cho mẹ cô khi cô sắp sửa chào đời. Từ lúc năm tuổi, Mariam luôn luôn bị mẹ cay đắng nhắc nhở rằng cô là một đứa con hoang và có một định mệnh là phải chịu đựng những khổ đau cho hết đời cô, cũng như mẹ cô đã chịu đựng vậy. Dù mẹ cô nói như thế nào thì cha cô vẫn là thần tượng của cô. Hằng tuần, mỗi ngày thứ Năm thì người cha đến thăm cô. Cô được một ông cố đạo tên là Mullah Faizullah tử tế dạy cô học đọc và viết Koran. Cô biết cha cô và đại gia đình của ông sống trong một toà nhà sang trọng mà vì cô là đứa con rơi nên chưa bao giờ cô được phép đặt chân vào đó. Cô ao ước được sống chung với cha cô và với chín anh chị em cùng cha khác mẹ của cô, nhưng cô không dám mở lời vì cô biết mẹ cô cay đắng thù oán cha cô.
Vào ngày sinh nhật thứ 15 của cô, Mariam xin cha cô đưa đi coi hát ở rạp hát mà cha cô làm chủ. Cô cũng muốn gặp những anh chị em của cô. Mẹ cô phản đối chuyện này và năn nỉ cô đừng đi. Cha cô hứa là sẽ đến rước cô đi, nhưng sau đó ông đã thất hứa. Cô bèn tìm đường đến nơi ông ở dù mẹ cô khóc lóc nói rằng bà sẽ chết nếu cô cứ đi. Đến nơi, cô thấy bóng cha cô bên trong cửa sổ, nhưng cha cô không cho cô vào. Cô ngủ trước cửa nhà, hy vọng rằng cha cô sẽ đổi ý mà mở cửa cho cô. Sáng hôm sau, người tài xế của cha cô đưa cô về lại túp lều, để rồi cô hay được là mẹ cô đã thắt cổ tự tử chết. Cô trở lại sống với đại gia đình của cha cô.
Các bà vợ lớn của cha cô, chắc chắn là có sự đồng ý của cha cô, đã sắp xếp gả cô lấy chồng, ở nơi xa, để cô đi khuất mắt họ. Người đàn ông trên 40 tuổi, góa vợ, có một con trai đã chết đuối, ông tên là Rasheed, làm nghề đóng giày. Mặc dầu Mariam phản đối dữ dội, cô vẫn phải lấy người đàn ông này và trước khi theo chồng đi tới Kabul, cô bảo cha cô là cô không thừa nhận ông là cha cô và kêu ông đừng bao giờ đến thăm cô nữa.
Mariam bị hư thai nhiều lần, không đẻ được cho Rasheed một đứa con nào. Mariam tiếp tục chịu đựng sống trong một hôn nhân không có tình yêu, bị mắng chưởi và đánh đập tàn nhẫn.
Laila
Cuối xóm của vợ chồng Rasheed và Mariam, có gia đình của Laila. Laila lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ cô bé đều là người có học. Người cha thương yêu cô hết mực và khuyến khích cô chuyên học hành và khuyên khi lớn lên hãy làm điều gì có ích lợi cho đất nước. Còn người mẹ thì lơ là không để ý gì tới cô, chỉ quan tâm tới hai người con trai (Ahmad và Noor) đang đi lính - lúc họ ra đi, Laila chỉ mới hai tuổi, đánh lại quân Nga đang chiếm đóng xứ sở A Phú Hãn. Nhưng rồi nhiều chuyện ngoài mong muốn đã xảy ra cho gia đình này.
Tuổi thơ Laila làm bạn với Tariq, một cậu bé cùng sống trong xóm; cậu mất một chân vì chiến tranh, và vì vậy thường bị con trai lối xóm châm chọc. Nhưng cậu can đảm che chở được Laila khỏi bị đám con trai ăn hiếp.
Một ngày tin buồn đưa đến: hai người anh trai của Laila đã chết. Người mẹ đau buồn quá, không nguôi được niềm thương nhớ hai người con này, bà quên hẳn sự có mặt của Laila. Trong thời gian này, Tariq và Laila gần gũi nhau hơn và họ đem lòng yêu thương nhau.
Sau chiến thắng của quân Mujahideen, A Phú Hãn lại bị nội chiến. Kabul bị hỏa tiễn tấn công. Bạn học của Laila bị giết, nhiều nhà cửa bị phá tan hoang. Laila phải ở nhà, được cha cô dạy học. Cuộc sống nơi đây hằng ngày càng nguy hiểm, mạng sống con người mỏng manh, nên cha mẹ Tariq quyết định rời Kabul qua sinh sống ở nước bên cạnh là Pakistan. Anh muốn hỏi cưới cô, rồi cùng nhau họ đi xa nơi chốn đổ máu này. Laila từ chối, viện lý do là cô không muốn để cha cô ở lại một mình – mẹ cô lâu nay đã không thiết tha gì chuyện nhà. Đêm chia tay, hai người đã ngủ với nhau.
Sau khi Tariq đã đi rồi, vì một viên đạn suýt nữa là trúng vào người Laila nên cha cô khuyên vợ là đã đến lúc họ phải rời Kabul. Vui sướng với ý nghĩ là cô có thể gặp lại Tariq, Laila chuẩn bị sắp xếp hành trang; tuy nhiên, một quả đạn pháo kích đã phá hủy căn nhà của họ, và trong khi Laila bị thương thì bất hạnh thay, cả cha mẹ cô đều trúng đạn chết.
Khi bình phục thì Laila nhận ra cô đang ở nhà của Rashee và Mariam. Chính Rasheed là người đã cứu cô ra khỏi đống gạch đổ nát.
Một hôm có một người đàn ông lạ mặt đến tìm Laila, tự xưng là Abdul, cho Laila biết là lão đã gặp Tariq trong một bệnh viện, Tariq bị thương nặng, cũng đã mất chiếc chân kia. Rồi bệnh tình của Tariq trở nên trầm trọng và trước khi mất, anh đã nhờ lão đi gặp cô để cho cô biết là anh thương yêu cô nhất trên đời. Laila nhận ra bây giờ cô mất hết mọi người thân.
Rasheed đối xử tử tế với Laila, và rồi ông ra lệnh Mariam bắt Laila phải làm vợ ông, cho rằng ông đã cứu cô và cô cũng không có chỗ nào để nương tựa, mà thân gái một mình, cũng không dễ đi đứng ngoài đường hay được ai chứa chấp. Chính Laila cũng biết cô cần một nơi nương tựa, hơn lúc nào hết, cho cô và cho đứa con mà cô vừa hay cô đang mang trong bụng, con của cô và Tariq, nên cô bằng lòng làm vợ bé của Rasheed, năm đó ông hẳn đã ngoài 60 tuổi mà cô thì mới được 15 tuổi.
Dù là Mariam phản đối dữ dội việc ông lấy Laila, Rasheed vẫn tiến hành ý định. Còn Laila thì cũng muốn lấy ông ngay, để có thể lừa ông rằng đứa con mà cô đang mang là của ông. Sau này khi biết cô có thai, ông vui mừng ra mặt, hy vọng nó sẽ là đứa con trai, nối dõi tông đường, và ông ra lệnh từ nay Mariam phải phục vụ theo yêu cầu của Laila. Nhưng khi thấy là một bé gái ra đời, được đặt tên là Aziza, Rasheed thất vọng và bắt đầu đối xử vũ phu với Laila. Ông ra mặt ghét đứa bé, đuổi mẹ con cô ra khỏi phòng của ông.
Bé Aziza là lý do mà Laila chịu lấy Rasheed. Aziza cũng là sợi dây kết chặt Mariam và Laila lại với nhau, khi tiếng khóc của Aziza khuấy lên tình mẫu tử trong Mariam và cũng làm Mariam quý mến, coi trọng Laila.
Vì cùng bị chồng đối xử vũ phu nên bây giờ Mariam và Laila trở nên thông cảm nhau, gần nhau hơn. Laila từ chối ngủ với Rasheed thì ông lại nghĩ là vì Laila nghe lời Mariam nên ông đánh Mariam. Khi Rasheed rút dây lưng quần, định đánh Mariam thì Laila vô can và chịu ngủ với ông. Ngày hôm sau, Mariam cảm ơn Laila và nói rằng chưa ai đã từng đứng ra bênh bà như vậy. Họ uống trà với nhau, và bắt đầu một mối tình cảm đặc biệt. Nhờ Laila mà Mariam thể hiện được tình mẹ - trong vai trò người mẹ với Laila, với con của Laila. Nhờ Mariam mà Laila có được sự quan tâm, che chở của người mẹ, mà hồi còn nhỏ cô đã bị thiếu thốn.
Mỗi ngày mỗi lớn, bé Aziza cứ bám lấy Mariam như là bà ngoại, và Mariam đối xử với Laila như là con gái. Laila thắt bính, vui chơi với mái tóc của Mariam và Mariam kể cho Laila nghe về gia đình và quãng đời ấu thơ của bà.
Laila thú thật với Mariam ai là cha của Azizq, và cũng giải thích tại sao cô chịu lấy Rasheed. Cô nói cô đang tính bỏ trốn, đã ăn cắp tiền từ túi của Rasheed, mỗi ngày một ít và cô năn nỉ Mariam cùng bỏ trốn với cô. Cả hai rời Kabul đi Pakistan, nhưng ở bến xe buýt khi nhờ một người đàn ông lạ nhận giúp họ là người thân để qua được trạm kiểm soát thì họ bị phản, bị bắt lại và bị trả về cho Rasheed. Rasheed tức giận, đánh đập tàn nhẫn cả hai người đàn bà, bỏ đói, nhốt riêng trong những phòng khác nhau, làm Aziza suýt nữa là chết đói.
Vài năm sau, Laila mang bầu lần nữa. Mới đầu cô tính phá thai vì cô không chắc là cô sẽ yêu thương con của Rasheed, nhưng sau đó vì tình mẫu tử mà cô giữ đứa bé.
Khoảng thời gian này, nhóm Taliban đã nắm quyền hành A Phú Hãn. Họ khắt khe cấm đoán mọi thứ, không TV, không movies, không sách vở, và phụ nữ không được phép làm việc gì ở ngoài xã hội, khi đi ra đường thì phải che kín mặt, chỉ để lộ đôi mắt. Mariam đưa Laila đi sanh, lo lắng như một người mẹ lo cho con gái của mình. Phần lớn bệnh viện không nhận bệnh nhân đàn bà! Mariam đưa Laila đến nhiều nơi, tìm một chỗ chịu nhận Laila. Đứa bé nằm ngược đầu nên bác sĩ phải mổ để lấy bé ra, lại không có thuốc mê, vậy mà Laila gồng mình chịu đựng sự đau đớn, cuối cùng mới ré lên. Mariam nhìn cảnh đó mà thấy phục tình mẹ thương con của Laila.
Giấc mơ có một đứa con trai của Rasheed bây giờ đã thành sự thật. Thằng bé được đặt tên là Zalmai. Dĩ nhiên là Rasheed cưng thằng bé con. Vài năm sau có một trận hạn hán, đưa đến cảnh thực phẩm khan hiếm, dân chúng đói khát. Rasheed bắt Laila phải đưa Aziza vào cô nhi viện để đỡ tốn kém một miệng ăn. Laila cố gắng đi thăm con đều đặn nhưng gặp khó khăn vì chính quyền Taliban không cho phép đàn bà ra đường nếu mà không có một người đàn ông trong nhà đi cùng.
Rồi một ngày, Tariq khập khễnh xuất hiện trước cửa nhà. Laila không ngờ đó chính là Tariq.
Hóa ra là Rasheed đã mướn Abdul đến nói dối với Laila là Tariq chết rồi để Laila nghe vậy mà chịu lấy ông ta.
Khi Rasheed đi làm về, nghe con trai vô tư nhắc về người khách lạ với một chân khập khễnh, ông biết ngay là ai, và tức giận ông dùng cái dây thắt lưng quần để quất tới tấp vào người Laila, nói là ông đã biết ngay từ đầu là Aziza không phải là con của ông. Laila cũng nói là cô biết ông đã nói dối cô. Mariam sợ là Laila sẽ bị đánh chết, nên bà đi lấy cái xẻng, dùng nó mà đánh mạnh vào người Rasheed. Bà chợt nhận ra rằng đây là lần đầu tiên bà đã tự quyết định đời bà, mà không ai quyết định cho bà. Rasheed chết tức khắc.
Khi Laila tỉnh dậy, cô thấy xác chết của Rasheed và Mariam thì đang ngồi bất động gần đó. Mariam năn nỉ Laila dẫn hai con cùng với Tariq rời khỏi chỗ này lập tức. Laila nói cô sẽ đi nếu mà Mariam cũng đi. Họ sẽ đến một nơi thật xa, không ai biết, sẽ cùng nhau sống thanh bình, hạnh phúc với các con. Nhưng Mariam nói bà không thể đi vì như thế thì cả đám sẽ chết hết, họ sẽ bị Taliban lùng bắt, nếu mà xác của Rasheed được tìm thấy –cùng lúc hai người vợ của ông ta lại biến mất.
Sau khi Laila cùng với Tariq dẫn hai con qua Pakistan sinh sống thì Mariam ra đầu thú. Bà bị xử bắn trước công chúng. Lòng bà khi đó bình an. Bà đã yêu thương Laila như mẹ yêu con gái, yêu thương các con của Laila như bà với cháu. Và bà cũng được yêu thương lại. Bà chọn cái chết để họ sống. Bà chỉ tiếc là bà không sống lâu để nhìn thấy Aziza trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, lấy chồng, sinh con, đẻ cái. Mariam chào đời vô thừa nhận nhưng lìa đời được thừa nhận bởi những người thân, bà hy sinh để những người bà yêu thương sống hạnh phúc.
Năm 2003, Laila và Tariq quyết định trở lại A Phú Hãn. Laila ghé thăm ngôi làng nơi Mariam đã lớn lên và biết rằng cha của Mariam đã để lại cho Mariam một cuộn băng phim Pinocchio (mà ngày sinh nhật thứ 15 bà đã muốn cùng đi coi với cha), phần của cải mà cha bà đã chia cho bà và một lá thư nói là ông rất hối tiếc về việc gả chồng cho bà – để giữ thể diện cho gia đình. Ông xin Mariam hãy tha thứ cho ông.
Laila dùng tiền của Mariam mà sửa sang lại cô nhi viện. Laila đang có bầu. Nếu là con gái, sẽ được đặt tên là Mariam. Mariam tuy mất đi nhưng bà vẫn hiện diện khắp nơi, ở vách tường đã được sơn quét lại, trong cái chăn tụi nhỏ đắp, trong tiếng cười của đám trẻ thơ. Zalmai đã coi Tariq như là cha. Sự hy sinh của Mariam đã không bị lãng phí hay lãng quên.
Tựa đề “A thousand splendid suns” được trích ra từ một bài thơ của Saib-e-Tabrizi, được nhắc tới hai lần – khi gia đình Laila chuẩn bị rời Kabul, và khi cô quyết định rời Pakistan để trở lại Kabul. Nó cũng vang dội lên ở những hàng cuối trong cuốn tiểu thuyết: “Miram nằm trong trái tim Laila, nơi bà sáng chói bằng ngàn cái mặt trời.”