Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Người đàn ông mù cưới 11 vợ và có 24 con
(Tin tuc) - Ông sinh ra ở nông thôn, người “sặc mùi” đồng ruộng. Tạo hoá trêu ngươi lấy đi của ông đôi mắt, nhưng ông vẫn lập nên một “chiến tích” hết sức... kinh hoàng là lấy “tằng tằng” 11 bà vợ và có đến 24 người con.
Khiếm thị nhưng đạp xe đi khắp nơi Ông là người nổi tiếng nhất xã Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Hỏi bất cứ ai, từ già tới trẻ, ai cũng có thể chỉ đường tới nhà ông vách vách. Và bất cứ ai sau khi nhiệt tình chỉ dẫn đều tủm tỉm hỏi lại: “Nhà báo à? Đến gặp ông ấy để làm... chuyện lạ Việt Nam à?”. Nhà ông tuềnh toàng ở tận cùng con ngõ nhỏ cuối thôn. Bởi không hẹn trước nên sáng ấy, công tôi hoá dã tràng. Ông đi vắng. Người nhà ông bảo ông đã ra khỏi nhà thì đừng nói chuyện tìm, bởi tìm ông như thể tìm chim, hành tung của ông ngẫu hứng và bí ẩn. Chẳng ai có thể biết ông đi đâu, tạt ngang, tạt ngửa ở “cơ sở” nào! Nước tốt nhất là về và để lại lời hẹn.
Chân dung người đàn ông mù đặc biệt Nguyễn Văn Sơn: Lần sau, đúng hẹn, tôi sang. Để chắc ăn, trước khi đi, tôi điện, dặn ông ở nhà đợi khách. Thế nhưng nghe máy, người nhà ông bảo chẳng biết việc làng hay bà lẽ nào có chuyện nên ông đã đi từ sáng sớm. Tuy thế trước khi ra khỏi nhà ông đã dặn: “Khách đến, cứ chờ. Gần trưa ông sẽ về!”. Tôi đành ngồi đợi. Nhà ông như ong vỡ tổ. Chẳng là làng đang có hội, các cháu ông khắp nơi túa về chơi, nô đùa. Đợt rét vừa qua quá khắc nghiệt, ruộng mạ gia đình ông cấy hỏng cả. Nắng ấm lên đành phải gieo lại. Việc ấy, bà cả đang cùng với mấy cô con dâu lúi húi làm ngoài sân. Đông người làm nên chỉ loáng cái là khoảng sân gạch trước nhà đã được phủ một lớp bùn đen kịt. Mất chỗ chạy nhảy, bọn trẻ con láo nháo đành dồn cả vào nhà, chí choé nô đùa. Ba gian nhà ngói bỗng trở nên chật chội. Nhức óc đinh tai! Đúng hẹn, gần trưa ông về. Xe đạp phanh két trước cửa. Sự xuất hiện của ông trên chiếc xe đạp khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Mắt ông thế thì đi bộ còn khó huống chi vi vu xe đạp?! Thấy sự ngạc nhiên của tôi, mọi người trong nhà ùa vào lý giải: “Từ xưa tới giờ, 50 năm có lẻ, đi đâu ông vẫn dùng xe đạp!”. Nghe mọi người nói thế, ông cũng vội khoe luôn cái biệt tài của mình. Ông bảo, ông có trực giác và trí nhớ rất tuyệt vời. Đường trong huyện, thậm chí đường lên tỉnh, ông chỉ cần đi một lần là nhớ từng ổ gà, khúc cua ngoắt nghéo. Nhớ chi tiết rồi thì cứ xe đạp, chầm chậm ông đi, không lạc bao giờ. Ra đường, bởi mắt không còn trông thấy gì nên ông phải “tham gia giao thông” bằng đôi tai rất thính của mình (như thể tai ông được gắn camera và chíp điện tử để phân tích thông tin). Ông bảo, nghe tiếng máy nổ là ông nhận biết được mình sắp gặp ô tô hay xe máy. Căn cứ vào những gì nghe được ông sẽ đưa ra cách tránh né an toàn. Đến bây giờ, sau nhiều năm dùng tai thay cho đôi mắt, ông còn có thể nhận biết, chiếc xe máy đang chạy trước mặt mình là xe của... Tàu hay Nhật! Thậm chí trong làng có mấy chiếc công nông, cứ nghe tiếng nổ, cứ ngửi mùi khói đậm hay nhạt là ông có thể biết chiếc xe ấy là của ai. Nghe tiếng xe, ông chào hỏi oang oang. Nhìn cảnh ấy chẳng ai nghĩ là ông hỏng mắt. Ông tên đầy đủ là Nguyễn Văn Sơn. Năm này, kể cả tuổi đẻ, ông đúng 57 tuổi. Năm lên hai tuổi, ông kể, phải vía trời, mắt ông cứ mờ dần đi, đến khi trai tráng thì tối hẳn. Ông tin vào thuyết nhân quả, bởi ông nghĩ giời công bằng, đã lấy đi cái gì của ai thì sẽ bù đắp cho họ cái khác tương đương như thế. Giời lấy đi của ông đôi mắt thì cho lại ông nhiều thứ khác. Ông hỏng mắt, dù muốn lắm nhưng chẳng thể theo ra chiến trường. Bởi trai tráng lên đường hết, sản xuất neo người, nên dù không còn đôi mắt ông vẫn xin được thoát ly, làm ở ngành đường sắt.
Lưới tình khó thoát và những cuộc hôn nhân chớp nhoáng: Cái sướng nữa là trời cho ông cái miệng có duyên. Cái miệng như có ma lực, nói câu nào như mật rót vào tai, lời đã cất thì cua trong lỗ cũng phải bò ra. Như bao gia đình thôn quê khác, năm ông vừa tròn 20 tuổi, bố mẹ đã... ép duyên, cưới cho ông một cô gái ngoan hiền ở trong xã. Khi ấy, đang làm ở ngành đường sắt, về phép, thấy bố mẹ đã... tự ý lấy vợ cho mình, ông giận, chẳng nói chẳng rằng đùng đùng bỏ đi. Lên xí nghiệp ở lì tại đó, gần một năm sau ông mới chính thức tự lấy vợ cho mình. Người khiến trái tim ông loạn nhịp là bà Nguyễn Thị Lan, khi gặp ông, tuổi mới 15 tuổi tròn. Đến giờ ông cũng chẳng thể lý giải tại sao bà Lan chịu lấy ông làm chồng. Đúng là tình yêu khiến con người ta như dính lú, dính mê, vướng vào rồi thì chẳng cách nào gỡ ra được. Khi ấy, ông là một người tật nguyền còn bà Lan là một nữ sinh duyên dáng. Thêm nữa, bà lại là người Hà Nội, chỉ bởi nhà có người làm cùng xí nghiệp ông mà một vài lần lên thăm đã mắc lưới tình. Khuyên can chẳng được, thôi thì đũa lệch so vừa, gia đình bà Lan đành cho đôi trẻ nên duyên nên lứa.
Hơn một năm sau bởi cảnh nhà neo người, ông xin thôi không làm ngành đường sắt nữa, đưa vợ con về quê sinh sống. Về đến nhà, bữa cơm đầu tiên, phát hiện ra mình chỉ là vợ bé, bà Lan giận, tu tu khóc bỏ về Hà Nội. Cũng thời gian ấy, sống chung một mái nhà, tìm hiểu, thấy hoàn cảnh cô vợ mà bố mẹ cưới cho éo le, ông đã động lòng trắc ẩn. Thôi thì duyên trời đã định, ông đành chấp thuận nghe theo. Nhưng với bà Lan, tuy là vợ bé nhưng lại là tình đầu, ông vẫn thường xuyên qua lại. Về nhà, ông bôn ba với đủ mọi thứ nghề, miễn sao là ra tiền, ra thóc để nuôi vợ, nuôi con. Trong một chuyến tàu buôn từ Phú Thọ về, bà thứ ba đã xuất hiện. Bà tên là Hoàng Thị Chuyền, quê ở xã Thanh Lâm, cùng huyện Mê Linh, kém ông 1 tuổi. Bà Chuyền là người lận đận về đường tình duyên. Gặp nhau trên chuyến tàu chợ chật chội ấy, chẳng biết khám phá ở ông điều gì hấp dẫn mà bà đã xiêu lòng. Quái lạ thay, tình yêu này vẫn nhận được sự đồng ý của hai bên gia đình. Tuy thế, với ông, đó là hôn nhân ngắn nhất trong đời. Ông quen bà hồi tháng 10 thì đến tháng giêng năm sau, bởi thấy hai bên phát sinh những tính nết không hợp nhau, nên ông đã quyết định đôi đường đôi ngả. Tuy nhiên, chỉ với 3 tháng sống với nhau, mối tình ngắn ngủi ấy cũng đã kịp đơm hoa kết trái. Ông đã có với bà một mụn con.
Năm 1973, bà thứ tư lại xuất hiện. Bà tên Vương Thị Xuân, quê gốc ở Bình Định, theo cha là cán bộ kháng chiến tập kết ra Bắc. Hai người gặp nhau ở ga Gia Cẩm (Phú Thọ). Cảm thấy sống “không thể thiếu nhau” nên ông đã về thuyết phục gia đình đem lễ đến hỏi. Và cái gia đình lạ lùng này lại đồng ý. Có với nhau một cô con gái thì bà Xuân theo bố mẹ vào Nam. Từ dạo đó, bởi đường xá xa xôi, hai người đã không còn qua lại nữa. Tuy nhiên, mấy năm trước, biết tin cô con gái lấy chồng, ông cũng lặn lội vào tận nơi để dự đám cưới. Cưới bà Xuân được đúng 3 năm thì “trái tim tội lỗi” của ông lại run lên bần bật khi thấy một người phụ nữ khác. Bà thứ năm, tên là Nguyễn Thị Xâm cũng là người cùng huyện. Bà Xâm trẻ lắm, ngày gặp ông mới hơn 14 tuổi đầu. Nhà quê lam lũ lại ốm đau, quặt quẹo luôn nên bà trông già trước tuổi. Ngày ấy, đi buôn trâu, thấy bà, ông đã đem lòng... dan díu. Đến với nhau từ năm 1976 và có với nhau 2 mặt con nhưng phải mãi đến năm 1990 ông mới “hợp lý hoá” được mối quan hệ ấy.
Thường thì mỗi bà khi muốn “sống là người nhà ông, chết làm con ma nhà ông” thì đều được ông làm lễ cưới, hỏi. Tất nhiên, tuỳ hoàn cảnh, nên cỗ bàn chỉ gọi là báo cáo với họ hàng nhưng phần “nghi lễ” thì ông vẫn làm đầy đủ. Suốt những năm ấy, bởi bù đầu với việc kiếm ăn, ông đành để bà Xâm sống cảnh thiệt thòi. Đầu năm 1990, khi công việc đã tạm ngơi tay, ông đã bảo bà cả sắm lễ đến, chính thức hỏi bà Xâm làm vợ. Hôm ấy, nhà ông làm hẳn 10 mâm cơm, xóm làng, họ mạc đến, liên hoan vui đáo để. Ông kể, khi lấy mấy bà vợ đầu thì còn có người phản đối, điều ong tiếng ve này nọ. Cưới đến bà thứ 5 thì chẳng ai còn có ý kiến gì nữa. Có lẽ, tất thảy mọi người trong làng, đều nghĩ rằng ông đã mù lòa nên có làm việc gì thì cũng không chấp. Bà thứ sáu, ông đón về vào năm 1978. Bà ở thôn Đường Lệ, xã Đại Thịnh, cũng huyện Mê Linh. Ông quen bà cũng từ một lần đi chợ. Bà đi bán rau về, gặp ông nên mời vào nhà chơi. Vào mới biết hoàn cảnh nhà bà túng quẫn, khó khăn trăm bề. Qua lại một vài lần, bà này mạnh dạn: “Anh có thương thì trở đi trở về qua lại. Đời em cơ cực đã nhiều, chỉ mong một chỗ dựa về sau!”. Được lời như cởi tấm lòng, cái “tính quen thuộc” của ông trỗi dậy. Tuy thế, mối tình này cũng đi đến kết cục chẳng ra làm sao. Có với nhau một mặt con, năm 1984, ông bà đã đường ai nấy đi bởi tính nết mỗi người một khác. Chia tay bà thứ sáu được đúng 3 ngày thì ông gặp bà thứ bảy. Theo cái lý lạ lùng của ông, “đó là người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh, ông không thể không thương”. Bà Ngải, tên bà thứ bảy, ở thôn Tráng Việt, xã Tráng Việt (Mê Linh) bị bom đánh mất một cánh tay từ tấm bé. Cũng như những bà trước, ông đem lễ đến xin. Lần này, khó khăn bởi gia đình nhà gái nằng nặc từ chối. Lý do, không phải vì ông đã có nhiều vợ mà bởi họ bảo: “Chồng mù, vợ què lấy nhau sao được!”. Thế nhưng, lần lữa mãi thì trời cũng đành phải chịu đất bởi “gạo đã nấu thành cơm”, “ván đã đóng thành thuyền”, mầm sống đã sinh sôi. Có con, ông cứ đón bà về và sau cùng, khó tính mấy thì “nhà gái” cũng phải gật đầu ưng thuận. Và những lần qua lại thôn ấy, ông lại thêm vướng lưới tình. Bà thứ tám đến và sống với ông vừa đủ 20 năm rồi âm dương cách biệt. Bà tên Lê Thị Thân, kém ông 9 tuổi, là người nổi tiếng dịu dàng, phúc hậu. Thế nhưng, như ông đã bảo, trời chẳng cho ai tất cả mọi thứ, đẹp người, đẹp nết nhưng bà lại mắc chứng bệnh hen, khiến trai làng không ai muốn đón về để chung xây tổ ấm. Lỡ thì, bà gặp ông vậy là lại cùng xây mộng ấm. Giống như nhiều cuộc hôn nhân trước, khi hai người đến với nhau, bên nhà bà Thân, nhiều người cũng phản đối rầm rầm. Tuy thế có một người đã rất ủng hộ ông, đó là bố đẻ ra bà. Có “chỗ dựa”, ông đã tới tấp tấn công và chỉ ít lâu sau, tất cả mọi người trong gia đình bà Thân đều gật đầu. Sau này, tìm hiểu, ông mới biết, sở dĩ bố vợ ông ủng hộ ông là bởi ông cụ tin vào khả năng chèo chống con thuyền gia đình của ông. Người ta một vợ một chồng mà nhiều lúc cãi vã, chửi mắng nhức óc đinh tai, rồi chia tay ai đi đường nấy. Còn ông, nhà mấy bà vợ mà vẫn thuận hoà thì chứng tỏ ông là người có… uy tín lớn. Người như thế mà không gả con gái thì… gả cho ai! “Mối tình” với bà Thân vẫn còn hôi hổi thì ông có thêm bà thứ chín. Bà có cái tên mộc mạc: Nguyễn Thị Tỵ, người ở làng Táo, xã Tiến Thắng, Mê Linh. Bà Tỵ kém ông đến hơn 20 tuổi, chỉ ngặt nỗi người không được hoạt bát do ít nhiều nhiễm độc da cam từ người bố đi bộ đội. Hoàn cảnh bà Tỵ khó khăn bởi bố mất sớm, mình bà tần tảo sớm hôm chăm sóc mẹ già và đứa em ốm đau, què quặt. Cảnh ấy khiến ông... thương, muốn chung tay, chung sức cùng bà đẩy lùi cam khó. Vậy là được sự đồng thuận của hai nhà, ông và bà Tỵ lại thành phu phụ. “Đã thương thì thương... cho trót” - cái lý của ông Sơn là vậy. Theo lẽ thông thường, người đáng thương phải là ông, nhưng ông luôn cho rằng các bà mà ông muốn lấy làm vợ mới là đáng thương và cần một nơi nương tựa vững chãi. Vì thế, ở thôn Đường Lệ, xã Đại Thịnh, nơi bà vợ thứ 6 của ông ở có bà Vũ, cũng hoàn cảnh éo le như bà Tỵ, đã được ông… thương nốt. Bố bà Vũ đi kháng chiến, nhiễm độc và để di họa lại cho con. Bà Vũ tuy học hết lớp 6 nhưng cũng chẳng được nhanh nhẹn như người. Ông gặp, “cảm thương số phận hẩm hiu” của bà nên quyết định nên vợ nên chồng. Ông bảo, ông đến với bà thứ 10 là bởi ông thấy mình cần phải có trách nhiệm với người đàn bà tạo hóa không thương ấy. Trò chuyện cởi mở, ông tiết lộ một bí mật mà ở làng ít người được biết. Đó là việc ông có bà thứ 11 hiện đang sống ở Bình Lục, Hà Nam. Bà này đã có với ông một mặt con và hai người quen nhau từ năm 1967. Khi ấy, ông đi nộp thóc thuế, gặp bà làm ở kho lương thực Phúc Yên. “Tiếng sét ái tình” kỳ quái nổ ra ngay từ lần gặp đầu tiên và người phụ nữ ấy dành cho ông nhiều ưu ái. Ông kể về sự ưu ái đầy tiêu cực ấy rằng, hồi đó gánh thóc đến kho lương thực nộp, nếu gặp bà thì thóc rối bà cũng gật đầu cho là thóc sạch. “Sướng lắm!” - ông Sơn kể. Sau này, bà về quê Hà Nam sinh sống, bởi xa cách nên ông không thể đem lễ đến hỏi được. Cũng bởi phần lễ nghi này chưa được thực hiện nên dù đã có con với nhau từ lâu nhưng ông vẫn phải xếp bà ở vị trí thứ... 11.
Vợ không biết ghen nhau. Con không biết... mặt nhau: Ông thống kê, tới thời điểm này, ông đã có cả thảy 24 người con. Là con trưởng nên nhà ông nhiều giỗ chạp. Mỗi lần có việc, các bà vợ cùng các con, cháu kéo về chật ních cả nhà. Cỗ bàn bày ra cả chục mâm, ngồi kín trong nhà, nhiều khi còn tràn cả ra sân. Các cụ bảo “ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà lại chẳng hay ghen chồng” nhưng trường hợp các bà vợ của ông thì khác. Rất lạ từ trước đến nay giữa các bà chưa từng một lần xảy ra cãi vã, ghen tuông. Điều này đã được mọi người... kiểm chứng. Cách đây hơn chục năm, bà thứ bảy - Nguyễn Thị Ngải - đã về ở hẳn trên mảnh đất nhà ông. Tuy gọi là ở riêng nhưng chẳng khác nào ở chung bởi hai nhà chung ngõ, chỉ cách nhau bức tường chưa vượt quá đầu người. Mấy lần tôi đến vẫn thấy bà chạy qua chạy lại chuyện trò. Đặc biệt để ý thấy bà Ngải với bà cả trò chuyện tíu tít với nhau. Sự thân thiện ấy không chỉ khiến một người lạ là tôi khó hiểu mà nó còn khiến nhiều người dân ở Chi Đông, nơi ông ở, cũng phải mắt tròn mắt dẹt kinh ngạc. Mọi người đã rất băn khoăn bởi không biết ông có phép màu gì hiệu nghiệm khiến hai bà thân nhau đến thế, lúc nào cũng sát cánh kề vai, có nhau trong mọi việc! Ông bảo ông có bí quyết riêng để biến “ớt cay” thành “ớt ngọt”. Khôn ngoan chẳng lọ thật thà, trước khi đồng thuận đến với nhau, ông cứ “lột trần” hết những khó khăn, thuận lợi khi về nhà ông cho các bà nghe. Nếu các bà thực sự hiểu và thông cảm thì mới bàn đến chuyện se duyên kết tóc, không thì “sét đánh” có dữ dội mấy ông cũng “vẫy tay chào”. “Chiêu” ấy hoá hiệu nghiệm bởi nó như một mũi tên, trúng liền hai đích. Ông Sơn bảo, các con ông ai cũng ngoan hiền bởi có sự chăm chút, dạy dỗ tới nơi tới chốn của ông. Ông giờ đang ở với người con út, con của bà cả trong ngôi nhà ngói tồi tàn. Anh con út ấy cũng như bao anh em khác của mình, không được học hành tới nơi tới chốn. Tí tuổi đầu anh đã phải tìm về thành phố tần tảo làm thuê để kiếm sống qua ngày. Lớn lên lấy vợ, cũng vẫn nghiệp làm thuê, tối mắt tối mũi. Bởi quá bận rộn nên đến giờ, có một sự thật phũ phàng là anh vẫn chưa biết hết mặt... anh em mình. Anh bảo, quanh năm tất tả với công với việc, chẳng lúc nào được nghỉ ngơi nên cũng chẳng có điều kiện để đi thăm nom anh em ở các nơi. Buồn lắm! Ngày giỗ, ngày Tết, nhà bố đẻ ở đây, ai có lòng thì đến, uống được với nhau chén rượu rồi lại về. Thế nhưng, đâu phải ai cũng nhiệt tâm, người thế này, người thế nọ, xum họp đầy đủ khó lắm! Họ cũng như anh, cũng phải tất bật với những lo toan của riêng mình, vì ai cũng giống ai, bố chẳng lo cho được gì, nhà thì neo đơn. Thêm nữa, nếu muốn đi thăm để tận thấy tất cả anh em mình, với điều kiện kinh tế của các anh bây giờ thì có lẽ là điều không tưởng. Kẻ nam người bắc, người ở phố kẻ ở quê, đi hết thì có mà cả tháng.
Vụng trộm và lách luật: Trong tổng số 11 bà vợ trên thì chỉ có bà vợ cả do bố mẹ ông cưới cho là có thủ tục đăng ký kết hôn đàng hoàng. Số bà còn lại ông đều cưới “chui” hoặc cứ đến sinh sống với nhau như vợ chồng. Điều ấy, làng xóm láng giềng biết và đương nhiên chính quyền địa phương cũng biết. Thế nhưng, biện pháp ngăn chặn tưởng dễ mà đụng đến lại khó vô cùng.
Chính quyền xã Quang Minh làm việc với phóng viên xung quanh chuyện “lấy nhiều vợ” của ông Sơn: Theo ông Nguyễn Mạnh Sinh, Chủ tịch xã Quang Minh - nơi ông Sơn sinh sống: Vấn đề “ông Sơn nhiều vợ” trước đây Ban Tuyên giáo huyện Mê Linh đã về xã và có buổi làm việc nghiêm túc. Tại buổi làm việc đó, xã đã trình bày tất cả những khó khăn của mình mà theo ông Sinh là vì các bà vợ bé của ông Sơn đều là người xã khác nên xã không có quyền can thiệp. Thêm nữa, từ trước tới nay chính quyền xã cũng chưa phải đứng ra giải quyết tranh chấp, kiện tụng gì giữa các “bà vợ” của ông Sơn cũng như những người liên quan nên không có lý do gì để đưa biện pháp ngăn chặn. Thấy ông nhiều vợ đông con, người ngoài mở mồm là khen ông sướng. Người ta bảo: người thường một vợ hai con khi trái gió trở giời chỉ có mỗi một bà vợ chăm sóc, thuốc thang, hai con đến thăm bố thì được có mỗi 2 kg đường cùng 2 hộp sữa. Còn ông, nằm trên giường thì có đến hơn chục bà vợ phủ phục hầu hạ, 24 người con đến thăm, tính ra có đến… 24 kg đường cùng 24 hộp sữa. Ai sướng bằng! Thế nhưng, nào ai có biết ông đang ấp ôm trong mình một nỗi đau tê dại. Cô con gái thứ hai con của ông với bà cả bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc. Thương con, năm 1995, gom góp tiền, dù cảnh mù loà, ông vẫn lặn lội sang đó kiếm tìm. Đi hết Quảng Đông đến Quảng Tây, lang thang đến tất cả những nơi có thể nhưng con gái ông vẫn bặt vô âm tín. Giờ, điều mong ước lớn nhất của ông là tìm lại được cô con gái tội nghiệp ấy. Nhiều đêm, nhớ đến con mà nước mắt đầm đìa. Nhiều lúc ông cũng nghĩ: “Giá mà cảnh nhà khá giả, được học hành tới nơi tới chốn thì con gái mình đã không thành “miếng mồi ngon” cho bầy lang sói!”. Lấy 11 vợ, đẻ 24 đứa con, liệu ông chăm sóc và gặp gỡ vợ con được mấy ngày. Người xưa bảo, trời sinh voi trời sinh cỏ đúng chứ chẳng sai. Thế nhưng ông biết, các con ông chẳng mấy khi được ăn “cỏ ngọt”. Nhìn các con mình khổ cực, ông cũng đau lắm, nhưng hối hận thì cũng đã muộn rồi!
from : diễn đàn DHVKSG
|