Huệ không có sự hiểu biết sâu xa về Phật học và cuộc đời Đức Phật để nhận định nhân vật Tất Đạt có phải được xây dựng mượn từ cuộc đời Đức Phật hay không. Nhưng đọc kỹ tác phẩm và suy nghĩ về nhân vật, tư tưởng, chủ đích, Huệ có cảm tưởng Hermann Hesse mượn nhân vật Tất Đạt để tự do sáng tạo những suy tưởng của Tất Đạt mà giả thuyết rằng Cổ Đàm đã tìm được sự giải thoát như thế nào. Cổ Đàm đã là đấng Giác Ngộ có thật, nên một nhà văn, một nhà tư tưởng hậu thế như Hermann Hesse khi muốn viết về Cổ Đàm không thể nào sáng tạo, sáng tác để gán sự sáng tạo của mình thành nội tâm của Cổ Đàm được. Vì Phật học đã được giảng dạy bao thế kỷ, Hermann Hesse cũng không thể nào mượn ánh đạo vàng để làm khải ngộ mới của Tất Đạt. Tác giả mượn dòng sông, dòng sông đang miên man chảy, dòng sông hằng hữu, hiện hữu, không quá khứ, chẳng tương lai, một biểu tượng nhiều ý nghĩa nhất để làm hình ảnh của cuộc đời. Có lẽ vì vậy mà nhân vật Tất Đạt có nhiều điểm tương tự như Cổ Đàm. Dưới ngòi bút của Hermann Hesse, những điểm tương tự này khi ẩn khi hiện, để rồi cuối cùng ông mượn Thiện Hữu để khẳng định rằng Tất Đạt đã tìm được giải thoát. Hermann Hesse không nói thẳng Tất Đạt chính là Cổ Đàm (nghĩa là không nói thẳng rằng ông mượn nhân vật Tất Đạt để kể nội tâm và thiền quán của Cổ Đàm) hay không nói thẳng Tất Đạt là một vị Phật khác đã thành. Hermann Hesse dành sự suy nghĩ đó cho độc giả. Ông chỉ viết thế này:
“Mặc dù ngạc nhiên, chàng do một tình thương lớn thúc đẩy, phải vâng lời Tất Đạt. Chàng cúi sát gần Tất Đạt và kề môi vào vừng trán. Một cái gì thần diệu xảy đến với chàng. Khi chàng đang còn vương vấn vì những nỗi kỳ dị của Tất Đạt, khi chàng nhọc công khổ trí một cách vô hiệu để đuổi xa ý niệm thời gian, để tưởng tượng Niết Bàn và Khổ Đế là một, khi cả đến một ý niệm khinh bỉ đối với lời lẽ của bạn đang mâu thuẫn với một niềm yêu thương kính phục vô bờ, thì điều kỳ diệu ấy xảy đến với chàng. Chàng không còn thấy mặt của bạn chàng là Tất Đạt nữa.Thay vào đấy, chàng thấy những nét mặt khác, nhiều nét mặt, cả một loạt, một dòng liên tiếp những nét mặt, trăm ngàn nét mặt, chợt hiện rồi chợt biến, nhưng đồng thời cũng dường như đều ở đấy, thay đổi không ngừng và mới lạ luôn luôn, tuy thế tất cả đều là Tất Đạt.
********************
Và Thiện Hữu thấy rằng nụ cười phớt trên bao nhiêu hình hài ẩn nấp kia, nụ cười của sự Nhất Thể phảng phất trên bao hình hài tuôn chảy, nụ cười của sự Đồng Thời ở trong muôn ngàn cái Sinh và Tử -- trong sinh có tử và ngược lại – nụ cười của Tất Đạt, chính thực là nụ cười trầm tĩnh, sâu xa, khôn dò, nụ cười vừa có vẻ ban ân vừa có vẻ chế diễu, nụ cười Trí Tuệ, nụ cười muôn mặt của Thế Tôn, Đức Phật, mà chàng đã bao lần nhìn thấy, lòng tràn đầy uy phục. Thiện Hữu biết rõ nụ cười kia chính là nụ cười của đấng Toàn Giác. Không còn biết nữa thời gian có hiện hữu hay không, cảnh trước mắt đã hiện ra trong một giây hay tròn thế kỷ, không còn biết nữa đấy là Tất Đạt hay đức Thế Tôn, một Tiểu Ngã hay cái gì khác, Thiện Hữu như vừa nhận mũi tên thần diệu đâm sâu vào trong chàng đem lại cho chàng niềm hân hoan. Vô cùng mừng rỡ, Thiện Hữu vẫn đứng một lúc, nghiêng mình trên nét mặt bình an của Tất Đạt mà chàng vừa hôn lên, nét mặt đã là sân khấu cho tất cả những hình hài hiện tại, vị lai. Vẻ mặt chàng không đổi sau khi làn gương của muôn ngàn hình sắc đã biến mất. Tất Đạt mỉm cười bình an, hiền từ, nụ cười có vẻ đầy ân huệ, cũng có vẻ đầy châm biếm, hệt như đấng Giác Ngộ đã cười."
Một khi độc giả (Huệ) đã đọc được những ẩn ý này của Hermann Hesse, thì độc giả (Huệ) cũng sẽ trở lại đoạn Tất Đạt "chất vấn" Cổ Đàm và cho rằng những lời thuyết giảng của Cổ Đàm vẫn có một "khe hở nhỏ" để bừng tỉnh và nghiệm ra rằng "khe hở nhỏ" này là sự cố ý của Hermann Hesse, để ai muốn đi tìm giải thoát thì hãy tự mình trám lấy nó để được trọn vẹn, nghĩa là ông chừa chỗ cho người ấy hãy tự thiền quán mà ngộ đạo. Điều này cũng chính là một trong vô vàn tinh hoa của Phật học, nếu Huệ hiểu không lầm. Và như thế thì những sóng gió độc giả nói trước đây cũng chỉ là những thử thách giành cho những người có duyên phước trước khi tìm thấy được nhiệm mầu.
Một lần nữa, những cảm nhận của Huệ khi đọc Câu Chuyện Dòng Sông vẫn là những cảm nhận chủ quan và rất cá nhân, có thể phiến diện nữa. Hy vọng càng đọc, Huệ sẽ còn tìm thấy được những điều đối với Huệ đang còn tàng ẩn.
Chỉ muốn chia xẻ mà thôi.