Rank: Advanced Member
Groups: Registered, Editors Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 5,044 Points: 3,390 Location: Lục điạ hình trái táo Thanks: 340 times Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)
|
(Xin giới thiệu với quý vị một truyện ngắn hay của nhà văn Mishima Yukio, Nhật Bản)
Mối Tình Của Vị Cao Tăng Chùa Shiga Tác giả: Mishima Yukio Biên dịch và chú thích: Nguyễn Nam Trân
Lời người dịch Năm 1946, Jean Cocteau (1889-1963) dựng phim Giai Nhân và Ác Thú (La Belle et La Bête). Năm 1954, Mishima Yukio cho đăng lần đầu tiên Mối Tình Của Vị Cao Tăng Chùa Shiga (Shigadera Shônin no Koi). Cả hai đều khai triển đề tài tình yêu tuyệt đối qua sự hòa điệu giữa những đối tượng mà bản chất vốn không thể hòa điệu nếu không nói là tương phản. Dựa trên một chi tiết nhỏ từ pho sách cũ, Mishima đã khéo dàn dựng rồi miêu tả biến chuyển bên trong tâm lý hai nhân vật chính, đúng ra hai tượng trưng. Điều đó làm cho bối cảnh của đoản thiên này giống như thế giới quan niệm có tính phổ quát thấy trong lớp lang một vở tuồng Nô hiện đại mà ông thường viết.
Trong cuộc đời, có những mối tình ngắn ngủi thoáng đến thoáng đi, hoặc kéo dài "trong một tháng trong một năm" như cách nói của nhà văn nữ F. Sagan. Cũng có những mối tình lâu dài " tưởng trong giây phút mà thành thiên thu" hay "đem xuống tuyền đài chưa tan". Nhưng tất cả không biết đáng kể hay không nếu đem đặt bên cạnh mối tình lạ lùng của vị cao tăng chùa Shiga.
-1-
Chưa chịu bỏ công khảo chứng gì cả mà đã bắt đầu vào chuyện, tôi xin chịu mang tiếng là người không chuẩn bị kỹ càng. Căn cứ duy nhất tôi có hiện nay chỉ là truyền thuyết chép lại trong Thái Bình Ký [1] quyển 37. Và như quí vị đều biết, nếu đem so sánh với câu truyện đời xưa liên quan đến ông tiên Nhất Giác [2] bên Thiên Trúc thì chi tiết về mối tình của vị cao tăng chùa Shiga [3] trong quyển sách vừa nhắc đến chỉ có thể xem như là quá sơ sài. Trong thâm tâm, tôi thực tình không định tìm hiểu sự thể mối tình lạ lùng đó mà chỉ đơn thuần muốn biết biến chuyển tâm lý của các nhân vật thế nào thôi. Trong lòng họ, lúc ấy chắc có sự rối ren do xung khắc giữa tình yêu và tín ngưỡng. Bên trời Tây, không thiếu gì trường hợp như vậy nhưng ở Nhật Bản, chuyện đó kể ra rất hiếm. Trong yếu tố tình yêu của kiếp này rõ ràng đã thấy chen vào vấn đề những kiếp về sau. Cuộc sống hiện tại và những kiếp tương lai tranh giành chỗ đứng không những trong tâm trí của vị lão tăng mà của cả người đàn bà được ông yêu. Phóng đại một chút thì câu chuyện tình của họ được thành hình đúng vào thời điểm cấu trúc của cái thế giới hai người tưởng tượng đang ở trong một trạng thái chênh vênh, chưa biết sẽ sụp đổ hay không. Nếu nói cho chính xác thì vào thời của hai người nghĩa là khoảng giữa triều Heian [4] về sau, tư tưởng Tịnh Độ [5] rất phổ biến trong dân chúng nhưng chưa hẳn là một tín ngưỡng mà chỉ là sự khám phá một thế giới vô cùng rộng lớn bằng tâm trí.
Theo sách Vãng Sinh Yếu Tập [6] của đức tăng thống Huệ Tâm [7] thì cho dù có nói đến thập lạc tức mười điều vui thỏa để ca ngợi cõi Tịnh Độ thì chỉ mới làm cái việc kể sơ sơ về một sợi lông trên chín bộ lông bò {8} . Mười điều vui thỏa ấy là cái vui "thánh chúng lai nghênh", cái vui "liên hoa sơ khai", cái vui "thân tướng thần thông", cái vui "ngũ diệu cảnh giới", cái vui "khoái lạc vô thoái", cái vui "dẫn tiếp kết duyên", cái vui "thánh chúng câu hội", cái vui "kiến Phật văn pháp", cái vui "tùy tâm cúng Phật" và cái vui "tăng tiến Phật đạo". Đất trên cõi Tịnh Độ là lưu ly, đường trên Tịnh Độ do những sợi dây vàng dệt lại mà thành. Mặt đất tiếp liền nhau, không thấy bến bờ. Mỗi một khu vực trên đó đều có năm trăm ức cung điện lâu đài làm bằng bảy thứ quí giá : kim, ngân, lưu ly, pha lê, xa cừ, san hô, mã não [9] và mỗi giường nằm cẩn đầy châu báu đều có những lớp vải vóc tuyệt đẹp trải lên. Trong điện trên lầu có không biết cơ man nào các vị thần tiên đang cùng nhau tấu nhạc, cất tiếng ca hát tán tụng công đức của Như Lai.
Trong sân những giảng đường, tinh xá, cung điện, lầu gác đều có hồ tắm mát. Hồ bằng hoàng kim thì dưới đáy trải một lớp cát bằng bạch ngân còn hồ lưu ly thì có cát thủy tinh. Mặt trước hồ bao phủ bằng một vùng sen lấp lánh ánh sáng, khi gặp làn gió nhẹ lại lay động và sinh ra muôn màu muôn vẻ. Thêm vào đó, những loài chim như vịt trời, ngỗng, uyên ương, hạc, khổng tước, anh vũ, già-lăng-tần-gia [10] ( loài chim có khuôn mặt mỹ nhân và giọng ca thánh thót) cũng như những giống chim có trăm sắc quí, ngày đêm không ngừng cất tiếng lảnh lót để ngợi ca Đức Phật. Thế nhưng cho dù tiếng hát có ngọt ngào đến đâu, nếu trên đó tập họp đông đảo chim chóc như thế này thì quả là có hơi ồn ào.
Những khoảnh rừng bên hồ hay cạnh bờ sông toàn loại cây quí giá. Lùm cây bằng vàng tía, cành bạch ngân, hoa san hô, tất cả soi bóng trên mặt nước trong như gương. Trên tầng trời rộng, không có gì ngoài những sợi dây báu đong đưa không biết bao nhiêu là quả chuông cũng là báu vật, vang vọng thanh âm của Phật pháp nhiệm mầu. Ngoài ra còn biết bao nhiêu nhạc khí lạ lùng, không cần người đánh cũng phát ra tiếng và lan mãi về xa trên bầu trời trong vắt, hư không.
Nếu khi bụng đói muốn ăn gì tự nhiên sẽ thấy hiện ra trước mắt mình không biết bao nhiêu thứ kỳ trân mỹ vị trên mặt bàn thất bảo và trong những mâm bát cũng bằng thất bảo. Nhìn màu sắc, ngửi thấy mùi hương thôi bỗng cảm thấy trở nên thanh khiết, no lòng và thân thể như được nuôi dưỡng đầy đủ. Sau khi không cần phải ăn gì mà đã xong bữa cơm thì cả mâm bát lẫn bàn ăn thoắt cái đã biến mất.
Quần áo cứ thế phủ lên người mình một cách tự nhiên, chẳng cần may khâu, giặt giũ, nhuộm màu hay tu sửa gì cả. Chẳng có đèn đuốc mà lúc nào ánh sáng cũng theo đến bên người. Không cần chi phòng ấm phòng lạnh, nhiệt độ trong năm luôn luôn thích ứng với thân thể. Trên cõi cực lạc đó lúc nào cũng tràn ngập trăm ngàn loại hương thơm dịu dàng và có những cánh sen không ngừng bay lả tả.
Vẫn theo chương nhan đề Quan Sát Môn trong Vãng Sinh Yếu Tập, những kẻ đến chiêm bái lần đầu sẽ không được phép vào sâu tận bên trong, họ chỉ được phép đứng ở bên ngoài và phải tập trung tất cả tinh thần cũng như trí tưởng tượng để hình dung ra cái bao la vô hạn của cõi Tịnh Độ. Dựa vào sự tưởng tượng để thoát ra khỏi giới hạn của tục giới là con đường ngắn nhất để lên đến nơi đó. Nếu ta có trí tưởng tượng phong phú, trước hết chỉ cần tập trung tinh thần vào một cọng sen. Từ đó, cọng sen sẽ mở cho ta những chân trời bát ngát.
Đóa sen, nếu nhìn dưới kính hiển vi và suy luận theo thiên văn học, là nền tảng của vũ trụ và cũng là một phương tiện giúp ta khám phá vũ trụ. Đầu tiên, trên mỗi một cánh hoa đã có sẵn tám vạn bốn nghìn đường gân, mỗi đường gân lại tỏa ra tám vạn bốn nghìn tia sáng. Hơn thế nữa, cho dầu đóa sen kia nhỏ bé thế nào, đường kính của nó không thể dưới hai trăm năm mươi du-tuần [11] . Nếu ta đồng ý với thuyết xem mỗi du-tuần là ba mươi dặm thì một đóa sen với đường kính bảy nghìn năm trăm dặm chỉ là một cái hoa thuộc loại nhỏ mà thôi.
Một đóa sen có tám vạn bốn nghìn cánh, giữa mỗi cánh lại có một trăm ức hạt trân châu phát ra mỗi viên cả ngàn tia sáng. Trên mỗi cái đài trưng bày những đóa hoa mỹ lệ như thế đều có bốn cột báu được dựng lên cao vút, từng trụ một giống như một ngàn vạn ức núi Tu Di [12] . Bức màn che trên mỗi trụ có dát năm trăm ức hạt ngọc quí, mà mỗi hạt đó lại chiếu rọi tám vạn bốn nghìn tia sáng, mỗi tia lại sinh ra tám vạn bốn nghìn màu vàng khác nhau, và mỗi màu vàng lại còn biến ảo khôn lường.
Sự tập trung tâm trí để khám phá được hình ảnh đó gọi là Hoa Tọa Tưởng (Trầm tư về tòa sen nơi Phật ngự) và thế giới quan niệm, bối cảnh cho câu chuyện tình sau đây, cũng có qui mô ngang với thế giới tưởng tượng đó.
Chú thích:
[1] - Taiheiki, tiểu thuyết lịch sử Nhật Bản ghi lại giai đoạn biến loạn tranh giành vào thời trung cổ Nhật Bản. Gồm 40 quyển, tương truyền do một nhà sư, Kojima Hôshi viết. Sáng tác khoảng 1368-75 hay 1375-79.
[2] - Ikkaku Sennin (Nhất Giác Tiên Nhân), còn gọi là Ikkasen (Nhất Giác Tiên) hay Dokkakusen (Độc Giác Tiên), người được xem như là một tiền thân của Đức Phật. Người nước Bà La Nại bên Ấn Độ, vốn do nai sinh ra trong rừng, đầu có một sừng. Tu thiền định lâu năm nên có pháp thuật. Vì oán hận nhà vua nên vị này làm cho trời hạn hán. Sau bị một dâm nữ do nhà vua gữi đến quyến rũ làm mất phép thần thông. Từ đấy mưa lại chan hòa. Sự tích này đã thành đề tài của tuồng Nô của Konparu Zenchiku (1405- khoảng 1470).
[3] - Còn gọi là Suufukuji (Sùng Phúc Tự) một ngôi chùa cổ xây từ năm 668 bên cạnh kinh đô khi đó còn là Nara. Một trong mười ngôi chùa lớn đương thời nhưng nay không còn dấu tích.
[4] - Triều đại trung cổ Nhật Bản dài khoảng 400 năm.
[5] - Tư tưởng cho rằng có một thế giới thanh tĩnh cực lạc thiên biến vạn hóa ở Tây Phương, nơi có Phật A Di Đà và chư Phật. Con người nếu tu hành có thể thác sanh về đấy. Bắt đầu ở Trung Quốc, sau trở thành một phái tôn giáo ở Nhật với giáo tổ là tăng Hônen (Pháp Nhiên, 1133-1212).
[6] - Ôjô Yôshuu, sách nhà Phật, 3 quyển do tăng Genshin (Nguyên Tín, 942-1017) trứ tác, hoàn thành năm 986, khuyên người niệm Phật để được vãng sinh cực lạc.
[7] - Hay Eshin Sôzu, tên thường dùng để gọi tăng Genshin, cao tăng phái Tendai (Thiên Thai), từng du học bên Trung Quốc.
{8} - Cữu ngưu nhất mao, chữ của Tư Mã Thiên trong bức thư gữi cho bạn là Nhiệm Thiếu Khanh."Phản lệnh bộc phục pháp thụ hình, nhược cữu ngưu vong nhất mao". Ý nói là "một chuyện nhỏ không thấm vào đâu".
[9] - Thất bảo. Còn gọi là thất trân.
[10]- Theo âm Phạn ngữ Kalavinka, thú đầu người mình chim, có giọng hát ngọt ngào, ở trên đỉnh Tuyết Sơn hay cõi cực lạc.
[11] - Theo âm Phạn ngữ Yojana, đơn vị đo lường thời cổ Ấn Độ. Một Yojana rộng đến 7 đến 9 dặm Anh.
[12] - Tức Tu Di Sơn (Shumisen) do chữ Phạn Sumeru là đỉnh núi ở trung tâm thế giới của nhà Phật, có Đế Thích và Tứ Thiên Vương cai trị, vây xung quanh bởi bát sơn bát hải.Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao lại quay vòng bên ngoài.
(còn tiếp)
|