Truyện ngắn Mối Tình Của Vị Cao Tăng Chùa Shiga, của nhà văn Nhật Mishima Yukio, theo Huệ là một tác phẩm văn chương có giá trị. Trước hết, truyện ngắn này là một sáng tạo với những suy nghĩ mới, ngoài thói lề (unconventional), bối cảnh thuộc hàng ngoại lệ (cảnh chùa và hoàng cung), và nhân vật là những người quá hiếm hoi ở cuộc đời phàm. Thứ hai, truyện ngắn này không chỉ giải trí độc giả mà còn cho phép họ tùy duyên mà lãnh nhận phần của mình, ai muốn nhìn từ góc cạnh nào cũng phải thấy mình cần suy nghĩ, nhìn một vật mà thấy nhiều hình ảnh khác nhau, thấy rồi lại càng không chắc. Độc giả có khuynh hướng suy xét mặt giá trị đạo đức của câu chuyện và nhân vật sẽ thấy nhiều chi tiết cho mình phán xử. Độc giả có khuynh hướng phân tích tâm lý để diễn dịch câu chuyện theo quan niệm của mình sẽ tìm thấy những lý lẽ cho kết luận của mình. Độc giả có khuynh hướng đọc giữa hai hàng chữ sẽ tìm thấy đôi điều bí ẩn đang chơi cút bắt với mình. Độc giả theo trường phái vô vi đọc xong gấp sách, câu chuyện muốn ở lại hay bay đi là tùy thời gian. Có những truyện ngắn không được như vậy, cứ hồn nhiên tuần tự kể từ đầu cho tới cuối, chẳng hạn như chuyện...Vikings, thì đâu còn gì để mà chia xẻ với nhau lý thú như thế này.
Về mặt giá trị đạo đức của câu chuyện, mỗi người lại phán xử một cách khác nhau. Mình là độc giả, thường chỉ muốn câu chuyện xảy ra theo ước vọng của mình. Nhưng nghiệt một cái là ông tác giả lại cắc cớ, ông đưa ra tất cả những điều có thể xảy ra cho mình tùy theo mình mà hiểu ý của ổng. Có nhiều độc giả đọc xong thấy vị lão tăng thật là kỳ quái, làm gương xấu cho giới chân tu. Có độc giả khác đọc thì lại hiểu khác, rằng vị lão tăng có can đảm dám đối đầu với ngiệp chướng của mình nên mới đáng gọi là "đắc đạo". Mà cũng có lý lắm chớ. Không phải đắc đạo là tự thắng lấy chính mình sao? Vị lão tăng không chối cãi là nhan sắc của hoàng phi đã xáo trộn hết đời sống của mình, cụ chống gậy lê tấm thân già cằn cỗi nhăn nheo đến gặp hoàng phi, đứng cả ngày cả đêm ngoài trời, trước mắt mọi người, kể cả ông vua có cái kiếm dài và sắc, không giấu giếm ai. Điều này dẫu rằng cổ quái, càng thêm lửa vào những lời dị nghị, nhưng cụ chịu trả giá bằng sự phán xét của thế gian - dám mất hết cái gia tài đạo đức và tiếng thơm mà cả đời khổ hạnh cụ mới tích lũy được. Vị lão tăng có lẩn lút, có thả lá đề thơ, có giả vờ làm tiên tri...coi bói, giả vờ làm lương y bắt mạch, hay dùng một...cái nick để tỏ tình đâu.
"Em luôn quan niệm là người tu hành phải giữ hạnh là đúng nhưng không có nghĩa là những cám dỗ nó thấy người tu thì nó nể mà tránh ra. Chính cái cách người tu đối phó với những cám dỗ mới cho thấy người đó tu uyên thâm tới đâu. Và càng bị nhiều cám dỗ, càng đau khổ vì xung đột nội tâm và thắng thì sự giải thoát đạt được càng quý giá và đáng ca ngợi."
Cuối cùng, vị lão tăng cũng đối diện thẳng với cái thử thách lớn nhất của đời mình. Vị lão tăng thắng được trận chiến của mình. Cụ mãn phần ngay hôm sau, khi buông bỏ những trần gian đã nắm được trong tay. Nếu đắc đạo phải là một điều cao quý hơn điều tự thắng được chính mình để không rơi xuống vực thẳm, nhất là vực thẳm do chính mình chọn để bước đến - khó hơn vực thẳm mà người khác hay cuộc đời dẫn mình đến nhiều chớ - thì ít nhất truyện ngắn này cũng đã kết thúc với một điều đẹp đẽ. Điều kỳ diệu nào đã khiến hoàng phi trở thành người chép kinh đây?
"Ông văn sĩ Nhật này cuối đời tự vận mà chết. Với người kết thúc cuộc đời như vậy thì rất nên thận trọng về cung cách họ diễn tả sự đời. Ta nên xét kỹ coi cái người đang truyền bá một phương cách sống chính cuộc đời họ ra sao. Nếu họ có những dằn xé mâu thuẫn nội tâm đến cái độ sau cùng chịu không nổi phải tự giết mình thì phải coi chừng về tư tưởng của họ."
Hiểu được cuộc đời của tác giả để hiểu tác phẩm là một điều hay, quý hơn là đọc tác phẩm của một tác giả ẩn danh. Nhưng có lẽ cũng khó mà liên hệ cuộc đời của tác giả với các tác phẩm một cách rõ ràng như những định lý. Có ai ngờ nhà văn Ernest Hemingway viết biết bao tác phẩm khác nhau, từ The Old Man and The Sea (Ngư Ông và Biển Cả), tác phẩm đoạt giải Pulitzer năm 1953, cho tới The Snows of The Kilimanjaro (Tuyết Trên Đỉnh Kilimanjaro), The Sun Also Rises (Mặt Trời Vẫn Mọc), tự tử chết năm 1961? Ernest Hemingway nhận giải Nobel Văn Chương nhờ sự nghiệp một đời viết văn năm 1954. Ai dám nghĩ rằng nhà đại văn hào sống mạnh mẽ, được giả thưởng văn chương cao quý nhất, sẽ tự kết liễu đời mình chỉ bảy năm sau? Đó là chưa kể gia đình ông đã có sẵn một lịch sử tự tử, cha ông tự tử, hai người em gái tự tử chết (Ursula Hemingway và Leicester Hemingway), và sau này nữa cháu nội gái của ông cũng tự tử chết (Margaux Hemingway). Đừng nói đâu xa, làm sao chúng ta có thể liên hệ cái chết thương tâm của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên của chúng ta với những bài thơ tuyệt đẹp như Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Em Hiền Như Ma Sơ...