Cám ơn LT trả lời = một đoạn chiện phiếm vui đó !! Nhưng chị VHP học thêm bài thuốc dân gian Hành+mật ong chữa ho hen - cảm bịnh.
VHP tặng LT và những người thích Bưởi bài dưới nầy của chị 100N mới post bên nhà T's .
(nếu VHP lại không post bài đúng chỗ .. thì BN nhớ gõ đầu VHP giùm nhé .. cám ơn !!)
VHP
Công dụng của bưởiSưu tầm
Vào dịp Tết, nhà nào cũng dùng rất nhiều thực phẩm và phần lớn là đồ ăn chứa nhiều chất béo. Vì vậy, ngoài bổ sung thêm rau xanh thì trái cây tươi là thứ không thể thiếu, nhất là bưởi và những quả thuộc họ hàng cam, quýt
Bưởi là trái cây ngon, bổ, mát nhưng khả năng chữa bệnh của cây bưởi, từ lá đến hoa, từ múi bưởi tới vỏ ngoài của trái bưởi thì ít người biết.
Lá bưởi có tác dụng giải cảm, trừ đàm, tiêu thực, hoạt huyết... Vỏ quả bưởi trừ phong, tiêu phù thủng, giảm đau. Nước ép múi bưởi kích thích tiêu hoá, bổ khí huyết, giảm mỡ, an thai, sổ lãi kim.
Bưởi (tên khoa học: Citrus grandis Osbek hay Citrus decumana Mur) là một loại cây ăn trái quen thuộc với người Việt Nam. Trái bưởi là món ăn tráng miệng giàu vitamin. Hương hoa bưởi thơm ngát khó quên.
Nhưng khả năng chữa bệnh của cây bưởi, từ lá đến hoa, từ múi bưởi tới vỏ ngoài của trái bưởi thì không phải ai cũng biết.
Bưởi, loài cây ăn trái quen thuộc. Bưởi, thuộc họ cam quýt (Rutaceae), là cây to cao từ 8 - 13 m. Vỏ thân màu vàng nhạt. Cành có gai dài, nhọn ở kẽ lá. Lá có hình trứng hoặc trái xoan, mọc so le. Hoa đều, to, mọc thành chùm 6 - 10 hoa, rất thơm. Quả hình cầu, cùi dày, màu thay đổi theo giống.
Bên trong quả có nhiều múi chứa tẹp mọng nước. Hạt dẹp có cạnh và chất nhầy bao quanh. Lá và vỏ quả có tinh dầu thơm.
Bưởi được trồng khắp nơi trên đất nước. Có nhiều giống bưởi với màu sắc, vị chua ngọt khác nhau. Cây bưởi được trồng chủ yếu để lấy quả ăn, lấy hoa ướp thơm thức ăn, hoặc cất nước hoa bưởi. Ngoài ra, người ta còn dùng lá làm thuốc, chủ yếu là lá tương. Vỏ bưởi và hạt bưởi cũng được sử dụng.
Cây bưởi ưa sáng, ưa vùng khí hậu nhiệt đới, không thích hợp nơi núi cao, khí hậu lạnh 13 - 18oC. Nếu có, chỉ là bưởi hoang hóa, cằn cỗi, quả chua và vị đắng đến mức không thể ăn được.
Bưởi, vị thuốc cổ truyềnKhông chỉ là loại cây ăn trái bổ, rẻ tiền trong cuộc sống thường nhật, bưởi có nhiều ứng dụng trong y học cổ truyền của dân tộc. Trong lá, hoa, vỏ quả bưởi đếu chứa tinh dầu. Ngoài ra, vỏ quả bưởi còn có pectin, naringin (một loại glucozid), men tiêu hoá peroxydaza và amylaza, đường ramoza, vitamin A và C.
Múi bưởi có 4 lượng chính - 10% đường, 9% acid citric, 50% vitamin C, và một ít vitamin A và B1, cùng nhiều loại men tiêu hóa amylaza, peroxydaza... Còn hạt bưởi cũng chứa nhiều dầu béo.
Lá bưởi Lá bưởi có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm. Nó có tác dụng trừ hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng.
Lá bưởi tươi cùng với nhiều loại lá thơm khác dùng để nấu nước xông chữa cảm cúm, nhức đầu.
Lá bưởi già chữa cảm, sốt, ho hắt hơi, kém ăn, sưng đau chân do hàn thấp chướng khí, giảm đau do trúng phong, tê bại. Ngày dùng 10 - 20g lá tươi, sắc uống.
Lá bưởi non được nướng chín để nắn, xoa bóp chỗ đau cho tan máu ứ, sai khớp, sưng, bong gân, gãy xương do chấn thương. Sau đó, lấy lá khác giã nát bó vào chỗ bị tổn thương.
Với lá bưởi, người dân Việt Nam cũng rất quen dùng để xông giúp giải cảm, hay luộc hoặc nướng lá bưởi non rồi đem đắp lên rốn để trị chứng đau bụng….
Vỏ quả bưởiVỏ quả bưởi có vị đắng, cay, mùi thơm, tính bình. Vỏ bưởi được sử dụng nhằm trừ phong, hóa đờm, tiêu báng (lách to), tiêu phù thũng, hoạt huyết, giảm đau.
Dùng để chữa ho, đờm tích đọng ở họng và phế quản, đau bụng, ăn uống không tiêu. Bỏ lớp cùi trắng, lấy lớp vỏ ngoài rồi sao. Ngày dùng 4 - 12g, sắc uống.
Nước ép múi bưởiNước ép múi bưởi có vị chua ngọt, mùi thơm, tính mát. Nước ép bưởi có thể kích thích tiêu hóa, bổ khí huyết, giảm mỡ trong máu. Bên cạnh đó, một số bài thuốc từ bưởi giúp giảm huyết áp, hạ cholesterol trong máu, lợi tiểu. Làm thuốc chữa tiêu khát (đái tháo), thiếu vitamin C, làm nguyên liệu chế acid acitric thiên nhiên.
Hoa bưởiLàm nước hoa, đồng thời kết hợp với các dược liệu khác (quế, hồi...) để tạo hương cho thức ăn.
Xin lưu ý: không nên ăn bưởi nếu bạn bị các chứng bệnh kị chua như đau dạ dày thừa toan, và một số bệnh về răng, miệng (vì bưởi gây xót, mòn men răng...), người suy nhược do can hoả nhiệt không nên dùng các bài thuốc từ bưởi.
Các bạn thân mến,
Trái bưởi là loại trái cây rất quen thuộc với tất cả chúng ta. Đây là loại trái được các chị em phụ nữ ưu ái và đưa lên đầu hàng trong danh mục thực phẩm của mình, kể cả ăn chơi lẫn ăn thật.
Trước nay, tôi chỉ sưu tầm những cách chế biến, sử dụng bưởi trong việc bếp núc chứ không để ý nhiều lắm đến công dụng khác của trái bưởi. Nay đọc được tài liệu về bưởi do ONX giới thiệu, tôi mới biết đến các công dụng khác của loại trái cây này. Lại thêm một “ưu điểm” nữa của vỏ trái bưởi do Tamle giới thiệu nữa chứ. Kiểu này sang năm cứ dùng bưởi thay cho bí đỏ vào ngày lễ Halloween lại hay đấy nhé!
Các bạn đã biết công dụng tuyệt vời của bưởi qua ONX rồi. Dưới đây tôi sẽ giới thiệu với các bạn các món ăn được làm từ trái bưởi để mọi người tham khảo thêm nhé.
Trước tiên là một món ăn mà có lẽ không ai trong chúng ta không biết. Đó là món Chè Bưởi đó các bạn.
Chè bưởiTrong món chè này, ta thấy có đậu xanh, đường cát, nước dừa và cùi bưởi (đương nhiên rồi). Chất kết dính là bột năng. Thực hiện món chè này cũng đơn giản thôi các bạn a. Chỉ có điều trước khi đem nấu chè, các bạn phải ngâm cùi bưởi với vôi ăn trầu và phèn chua rồi xả nước lạnh thật nhiều lần cho hết mùi hăng và vị đắng rồi sên đường cho ngọt. Nếu không, món chè của chúng ta sẽ không thể dùng được vì các bạn cũng biết đấy, cùi bưởi có vị đắng rất khó chịu.
Người ta còn dùng vỏ bưởi để làm nên món Mứt Vỏ Bưởi nữa đó các bạn. Ồ, tại sao lại không? Các bạn nhớ món Trần Bì chứ. Đấy, vỏ quýt hoặc vỏ cam cũng làm mứt được đấy thôi. Thế thì vỏ bưởi cũng làm mứt tốt đi ấy chứ.
Mứt BưởiCác bạn ơi, món mứt vỏ bưởi này nhâm nhi với tách trà nóng rồi ôn chuyện Sao Mai với bạn bè e rằng không còn gì thú vị bằng đâu. Cách làm cũng tương tự như mứt gừng thôi. Tuy nhiên ở công đoạn làm cho hết mùi hăng và vị đắng ở vỏ bưởi thì phải kỹ một chút thì mới thành công.
Gỏi BưởiMột món ăn khác từ bưởi rất hấp dẫn nữa là Gỏi Bưởi. Nhà có bạn đến chơi mà chủ nhà muốn lai rai một chút thì không gì nhanh gọn bằng món gỏi bưởi. Chỉ cần có một hai trái bưởi là bạn đã có món gỏi bưởi rồi mà. Bưởi lột vỏ, gỡ múi rồi tách từng miếng vừa ăn. Bạn có thể cho những tép bưởi mọng nước cộng hưởng với bất cứ thứ gì bạn tìm thấy trong tủ lạnh nhà bạn, thêm chút mắm đường là đã có một dĩa mồi hấp dẫn rồi. Này nhé, thịt heo luộc, tôm khô hoặc một con mực khô nướng chín xé sợi. Thế thôi các bạn ạ, cực kỳ đơn giản. Nếu có điều kiện, thêm chút mè rang vàng và chút hành phi cùng rau răm nữa thì thôi…!
Thêm vào danh sách các món ăn từ bưởi còn có Nem Bưởi nữa các bạn nhé. Món này có lẽ cũng chẳng xa lạ gì đâu phải không các bạn. Nếu đi về miền Tây Nam bộ bằng những chuyến xe đò thì thế nào bạn cũng bắt gặp món Nem chua chay này đấy. Xe qua phà, những người bán hàng rong sẽ đem đến tận nơi mời mọi người mua Nem Bưởi. Đây là món quà vặt dọc đường cho lữ khách quên đi những mệt nhọc vì chúng có thể mang lại cho người thưởng thức vị ngòn ngọt, chua chua, giòn giòn thật hấp dẫn.
Nem BưởiTôi chỉ mới thưởng thức chứ chưa bao giờ thử làm món ăn này nhưng có nghe nói là cũng khá công phu. Nguyên liệu làm nem vỏ bưởi, dĩ nhiên là… vỏ bưởi và đu đủ xanh bào nhuyễn phơi khô. Thành phần phụ là khế chua, ớt hiểm, tiêu hột, lá vông nem, đọt chùm ruột, lá chuối và gia vị. Miếng nem ngon là miếng nem hồng hào, có độ dai vừa phải, có vị mặn mặn, chua chua, ngọt ngọt, cay nồng của tiêu, cay xé của ớt… tất cả tạo nên một hương vị đặc biệt của nem chay vỏ bưởi không lẫn vào đâu được.
Chà, có Gỏi Bưởi có Nem Bưởi mà không có Rượu Bưởi thì chắc mất đi một phần ý vị đấy nhỉ? Thì đây này các bạn, người ta đã chế biến từ trái bưởi ra một loại thức uống có cồn gọi là Rượu Bưởi đấy.
Rượu BưởiỞ vùng đất Đồng Nai có một đặc sản được thiên nhiên ưu đãi dành tặng: trái bưởi. Đúng thế đấy. Bưởi Biên Hòa (hay còn gọi là bưởi Tân Triều) là một đặc sản nổi tiếng có xuất xứ từ ấp tân Triều thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Người dân ở đây rất tự hào về loại trái cây này và hình thành cả một khu du lịch sinh thái. Bưởi Tân Triều có nhiều loại như: bưởi đường, bưởi thanh, bưởi cam, bưởi ổi, bưởi long, bưởi xiêm... Do đất Tân Triều màu mỡ phù sa, nguồn nước dồi dào nên thích hợp với cây bưởi. Cây phát triển nhanh, sản lượng cao, chất lượng tuyệt hảo. Vào mùa thu hoạch, vườn bưởi cây trái xum xuê, sai oằn xuống sát cả mặt đất.
Vài năm gần đây, cùng với bưởi, đặc sản "rượu bưởi Biên Hòa" được nhiều người biết đến. Rượu được chưng cất từ bưởi, có độ cồn nhẹ, nguồn gốc là do bác Năm Huệ mày mò nghiên cứu. Rượu bưởi trong suốt mà thoang thoảng hương bưởi, khi uống vào, những "múi bưởi" tan trên đầu lưỡi, làm dịu những giọt rượu cay nồng, và hương bưởi tỏa khắp không gian. Rượu bưởi thơm thơm, ngòn ngọt và cay cay, thu hút khá nhiều người, nhất là các bạn gái (giúp tiêu hóa tốt và còn đẹp da nữa nhé!). Không những thế, bác Năm Huệ còn chế tạo ra bình đựng rượu bưởi bằng gốm có hình dạng và màu sắc giống hệt trái bưởi, uống hết rượu trong bình, bạn mang luôn cái vỏ "trái bưởi" về làm kỉ niệm thì thật là thú vị.
Tại làng bưởi Tân Triều, vườn bưởi của bác Năm Huệ rất nổi tiếng, đã trở thành một điểm tham quan và ăn uống cho các bạn trẻ và gia đình. Ngồi trong chòi lá, sàn gỗ xinh xinh, xung quanh là sông nước hữu tình, uống rượu bưởi, ăn gỏi bưởi, nem bưởi... và thưởng thức đờn ca tài tử (phục vụ miễn phí vào thứ bảy, chủ nhật) thì thật là tuyệt vời!
Trên đây là những góp nhặt về một loại trái cây rất thân quen. Giới thiệu với các bạn chỉ mong làm vui thêm bạn bè mình những lúc rảnh rỗi. Xin cảm ơn các bạn đã đọc hết bài này nhé.
Thân mến.
MH