Bởi vậy mà chị mới nói là lý thú đó Thiên Thư.
Gia đình nội tổ của bà Sonam Tsomo gọi là khá giả. Những gia nhân và thợ cày cấy làm đồng thường là những người Hoa, người Hồi giáo nghèo qua Tây Tạng tha phương cầu thực và cũng gồm một số người bản xứ Tây Tạng không có đất đai, nhà cửa nữa. Khá giả là có tài sản thôi, chứ về học vấn thì ông nội của bà cũng chỉ học tương đương tới lớp bốn, biết đọc và biết viết. Đầu thế kỷ 20, bên Tây Tạng cũng không coi việc cho trẻ con đến trường là cần thiết, con trai thì chỉ có con nhà giàu có mới được gởi đến trường để học chữ, học tiếng Tây Tạng, tiếng Hoa, tiếng thổ ngữ Tsongkha, còn con gái thì thôi, khỏi. Trường học chỉ có ở những chỗ đông dân, gần đó nhất là Tsongkha, nhưng Tsongkha lại khá xa cho trẻ con đi bộ đến trường, nên những anh trai của bà cũng khỏi đi học, chứ nói chi đến mấy chị em gái. Vậy thì việc dạy trẻ trong nhà chỉ gồm dạy kinh kệ khi gia đình nhóm lại tụng niệm. Trẻ con được dạy dỗ để biết đặc biệt kính trọng các bậc tu hành, khi thấy các vị tăng là mọi người đều ngưng tất cả mọi việc và quỳ lạy các vị ba lần.
Các con trai thường kế nghiệp cha nên hay theo ông và cha ra đồng để biết công biết việc. Các bé gái thì lo học từ bà và mẹ để lớn lên trở thành những người vợ, người mẹ. Từ khi cha mẹ dọn ra riêng, cô bé Sonam cũng bắt đầu từ giả tuổi thơ ngon ngọt. Bắt đầu lên sáu, lên bảy là cô bé con nhà giàu này đã phải học làm mì sợi, học pha trà và học làm bánh mì cho cả gia đình. Mới có tí tuổi, nên Sonam phải đứng lên trên một cái ghế mới với tới cái bàn nhồi bột. Mỗi ngày, trước khi ra đồng làm việc, cha mẹ chốt cửa lại từ bên ngoài, mấy chị em gái ở trong nhà chia nhau quét tước và lo bữa ăn trưa. Khi hết việc bếp núc, lại học may vá và thêu thùa. May và nhất là thêu là điều bắt buộc của vai trò phụ nữ, không biết tự thêu quần áo và giày vải là điều hết sức xấu hổ. Tới 12 tuổi là Sonam biết tự may quần áo cho mình và cho các anh chị em trong nhà rồi. Nếu có được tất cả những điều đó, người phụ nữ được coi là có giáo dục.
Chơi đùa thì Sonam có các cô bạn hàng xóm. Đồ chơi thuở ấy không có thì các cô bé lấy vải vụn may thành hoa, thành hình nhà, chán rồi thì vọc cát, chơi cất nhà, xây lâu đài.
Đời sống thời đầu thế kỷ 20 vẫn còn thiếu nhiều tiện nghi lắm. Không nhà nào có đồng hồ, ai muốn coi giờ thì coi mặt trời ngả bóng dưới đất, đêm thì ngắm các vì sao. Mùa hè trời nóng và khô, trung bình giữa 80 hay 90 độ. Bắt đầu từ tháng 10 là vào mùa đông, trời lạnh hẳn, rồi càng ngày càng lạnh. Mùa đông lạnh đến nỗi có hôm chén trà để đêm trước sáng hôm sau đã đóng đá, nứt luôn cả chén. Có những mùa đông lạnh đến nỗi có người lội tuyết về bị giá tuyết (frostbite) làm liệt và đứt luôn cả ống chân. Có những mùa đông tuyết rơi dầy tới 10 bộ Anh, ngập lên đến tầng lầu hai, khi tuyết ngừng rơi, người ta phải dọn hai ngày mới thông được lối đi.
Vì mùa đông khắc nghiệt như vậy nên việc trồng trọt là miễn bàn, Người Tây Tạng trữ khoai, củ cải và các thứ rau củ khác dưới mặt đất. Họ đào những cái hầm sâu 10 bộ, rộng mỗi bề 20 bộ, đặt thang leo xuống. Trên nắp, họ niêm kín để không khí không lọt vào, mỗi lần mở ra là mỗi lần niêm lại.
Mùa màng trồng trọt được cũng là nhờ mướn người. Thợ có toán làm tháng, có toán làm năm. Từ tháng hai thợ bắt đầu làm việc ngoài đồng. Người Tây tạng trồng đậu, bắp, bo bo, lúa mì, lúa mạch, cải mù tạt và rau trái. Đất đai mầu mỡ được là nhờ bón phân bò, phân dê. Phân bò và phân dê phơi khô còn được dùng để đốt lò. Nhà nào cũng có cái kang xây cao lên, sưởi ấm bằng phân bò, phân dê khô. Kang xây bằng đất sét nung chín như gạch, trũng ở bên trong, để chứa phân gia súc khô, cỏ khô hay cát và củi vụn mà đốt lấy lửa. Kang dùng làm chỗ ngủ cho cả nhà (có nhà còn dùng làm chỗ ăn), trên mặt họ lót một tấm thảm, trên thảm là nệm mỏng. Mùa đông người Tây Tạng phải đốt cho kang ấm từ ban ngày. Vậy mà đêm đến lạnh quá, ngủ trên cái kang ấm mà người ta vẫn phải đắp thêm da thú lên mình mới khỏi chết cóng.