Quyển sách tôi đang đọc trên Nook chỉ dầy có 135 trang thôi, trong đó phần chính gồm có hơn 100 trang, còn lại là những trang phụ tùng. Đọc được 40 trang thì tôi có ý định dịch lại để đăng vào PNV, nhưng xem lại phần tác quyền thì tác giả có ghi rõ tác quyền hoàn toàn thuộc về tác giả, nên không dám ở tù hay phải mượn tiền đền. Thôi thì đọc đến đâu tôi tóm lược rồi đem vào đây bàn đến đó.
Hay thì không hẳn là hay, vì đây không phải là một tác phẩm văn chương, cũng không phải sách khảo cứu dày công. Nhưng tôi muốn chia xẻ cùng các bạn vì lẽ quyển sách viết về tâm tình của một người phụ nữ rất đặc biệt, thuật lại do một người cháu nội của bà. Câu chuyện của bà mang lại nhiều lý thú vì kể về một thời xưa thì không xưa, nay thì không nay, có lẽ không gian đã thay đổi nhiều với thời gian rồi, nhưng lý thú vì có những điều rất xa lạ mà lại cũng có những điều rất gần gũi với quê hương đất nước của chúng ta. Câu chuyện của bà còn đặc biệt lôi cuốn vì xoay quanh Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị Phật của tôi.
Tôi sẽ bắt đầu kể về quyển sách Dalai Lama, My Son (A Mother's Story), viết do hai tác giả Diki Tsering và Khedroob Thondup. Sách đã được in lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, do nhà xuất bản Viking Arkana, thuộc nhóm Penguin Putnam, năm 2000. Sau đó Penguin Putnam cũng cho xuất bản thêm tại Anh, Úc, Tân Tây Lan và Canada. Đến năm 2002 thì quyển sách được xuất bản lần đầu tiên qua dạng ebook.
Chuyện là...
Người con trai trưởng của gia đình Đức Đạt Lai Lạt Ma, Gyalo Thondup, khi mới 16 tuổi đã qua Đài Loan du học. Ở trường đại học, cậu sinh viên quen với một tiểu thơ con gái của một viên tướng dưới quyền tổng thống Tưởng Giới Thạch. Thay vì tiếp tục học lên và sang du học ở Hoa Kỳ, cô tiểu thơ ở lại và lập gia đình với cậu sinh viên Tây Tạng. Người con gái đầu lòng của đôi vợ chồng này, Yangzom Doma, lớn lên từ xứ lưu vong Ấn Độ, sau sang Anh du học, rồi trở về Ấn giúp cho chính phủ lưu vong Tây Tạng và làm chủ bút của tờ Nhật Báo Tây Tạng (Tibet Journal). Năm 1979, hai mươi chín tuổi, cô Yangzom Doma bắt chước chị Phượng Các, thuyết phục được bà nội, là thân mẫu của Đức Đạt Lai Lạt Ma, để bà bắt đầu tự thuật những trang sử của đời mình. Mới đầu bà nội hết hồn, không chịu. Mèn, hồi nào giờ có ai hỏi chi đến chuyện bà nghĩ thế nào về biến cố nọ, biến cố kia. Nhưng dần dần cô cháu gái năn năn nỉ nỉ, bà xiêu lòng, rồi từ từ càng kể bà càng nhập vai. Từ đó bà nội kể cứ kể, cháu nội chép cứ chép...Cũng may.
Mùa đông năm 1980, bà nội cô qua đời ở xứ lưu vong Ấn Độ.
Năm 1982, không may Yangzom Doma tử nạn vì xe đụng ở Tunisia. Bốn năm sau đó, bà mẹ cô cũng qua đời vì bệnh ung thư. Bao nhiêu giấy tờ lưu lại của cô chị Yangzom Doma trở thành di sản do cậu em trai của cô là Khedroob Thondup nắm giữ, trong đó có tập ký ghi chép lời kể của bà nội bằng tiếng Tây Tạng, đã được cô cháu gái dịch ra tiếng Anh khá nhiều, tuy chưa hoàn tất nhưng cũng dã thành hình. Cậu em Khedroob Thondup gom hết các bản thảo, nhuận đính lại và đem ra nhà xuất bản.
Mình không thèm đi Ấn Độ, mình qua Tây Tạng mình chơi. Đón coi.