Chào chị Sương Lam, Thiên Thư, Ngô Đồng và các bạn. Cảm ơn Ngô Đồng rất nhiều về việc TSA và kim đan, biết chắc chắn như vậy là hay nhất.
Chuyến đi Huệ ngồi bên cạnh một cô sinh viên gốc Do Thái, đang học lấy master về giáo dục. Cô tự khai cô là người "Jew", 25 tuổi, theo đuổi ngành special education và còn mơ ước một ngày kia sẽ mở một cái bakery, cô thích và làm bánh rất khá. Ngồi bên cô, hai tiếng đồng hồ trôi qua thật nhanh. Cô vui vẻ, tự nhiên, thật thà, từ trong câu chuyện thân tình cho đến cách nói năng, ánh mắt, nét cười, làm cho cái cảm tình vốn có của Huệ về người Do Thái đã nhiều càng nhiều hơn. Cô kể chuyện về ngày đầu tiên cha mẹ gặp nhau ra sao, hai người kết hôn ra sao, mẹ không biết nấu nướng, mỗi lần mẹ làm bánh là một viên gạch cứng chui ra khỏi lò ra sao, cha cô yêu mẹ nên lãnh hết phần bếp núc mỗi ngày trong nhà. Cô kể về những ngày lễ Sabbath và những món kiêng không nấu, không dọn trong ngày lễ Sabbath. Ngồi bên cô, hai tiếng đồng hồ trôi qua thật nhanh.
Chuyến về, cầm chắc là không ngồi bên cô, nên Huệ mua hai quyển sách lúc ghé tiệm sách Borders. Một quyển có tựa là Princess, tác giả Jean Sason, kể về những nỗi bất hạnh của phụ nữ Ả Rập và những người phụ nữ khác sống ở Ả Rập. Thiệt là một quyển sách rẻ tiền, mặc dầu kể lại theo cảm quan của một công chúa Ả Rập, dưới ngòi bút của một phụ nữ Tây phương. Tác phẩm chỉ kể lể những điều chưa từng thấy ở phương Tây, số phận thiệt thòi của phụ nữ, đặc quyền, đặc lợi của nam giới, kể cả quyền sinh sát, hết chương này qua chương khác, như một bản tạp ghi, chỉ đủ thỏa mãn sự tò mò của những độc giả quen với tự do và dân chủ, ngoài ra, Huệ cho toàn bộ quyển sách là điểm F. Điều này không làm thất vọng Huệ vì khi mua, Huệ cũng chỉ định đọc để giết thì giờ chờ đợi ở phi trường.
Quyển thứ hai Huệ chưa đọc, có tựa là Oskar Schindler, viết bởi David M. Crowe. Sách dầy 628 trang, cộng thêm 138 trang phụ chú và reference, đích thị là loại biên khảo. David M. Crowe là President Emeritus của Asociation for the Study of Nationalities của trường Đại Học Columbia và cũng là hội viên của Hội Đồng Giáo Dục tại Viện Bảo Tàng Holocaust Memorial Museum, Washington DC. David M. Crowe là một học giả. Ông cũng là thành viên của Trung Tâm Slavic, Eurasian and East European Studies của trường Đại Học North Carolina. Ông hiện đang giảng dạy tại trường Đại Học Elon. Các bạn thích đọc biên khảo có thể tìm đọc A History of the Gypsies of Eastern Europe and Russia (thế nào cũng có Bohemia trong này) và một quyển nữa là The Baltic States and the Great Powers: Foreign Relations, 1938-1940, cả hai đều được giải thưởng.
Nhưng Huệ mua quyển sách này, quyển Oskar Schindler, hoàn toàn không phải vì tác giả David M. Crowe một chút nào hết, chỉ vì cái tựa Oskar Schindler đập vào mắt thì ngoảnh đi không đành mà thôi. Lật qua một số trang đầu thì thấy quyển sách viết về cuộc đời của Oskar Schindler, từ thời thơ ấu cho đến lúc quá vãng, một người Đức, gia đình gốc Áo, mệnh danh là đã âm thầm cứu được gần 1,200 người Do Thái trong thời Holocaust. Thấy sách có giới thiệu những điều bên trong của Schindler's List (với 1,098 người) và cuộc đời nhiều thắc mắc của Oskar Schindler, nhất là cuộc sống của Oskar Schindler sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt. Ông tác giả dọa muốn biết thật hư Oskar Schindler là ai mà nhiều người nghi vấn khác nhau đến thế thì chỉ có một cách là đọc cho hết quyển sách mà tác giả đã viết với biết bao công trình tham khảo, tìm tòi, thăm viếng và phỏng vấn trong gần bảy năm trời. Dạ, thưa ông, tui sẽ đọc kỹ, hồi hộp quá, không biết thần tượng của mình có lung lay.
Kỳ nghỉ hè của gia đình năm nay thật hoàn toàn hạnh phúc, không phí một giây phút nào bên nhau. Cha mẹ bên các con, chuyện trò, lắng nghe nhau, những cái nắm tay, những cái ôm, những cái hôn, ăn ngon, ngủ kỹ, không phải làm giường, không phải bếp núc, không phải rửa chén, không phải dọn dẹp, suốt ngày rong chơi, đi xem phim, xem show, đi bách bộ, về đến khách sạn thường là nửa đêm, khò cho kỹ sáng mai đi chơi tiếp...đi chơi về phòng đã dọn sạch như mới, thiệt là những đặc ân (một năm tỳ nữ chỉ cần nghỉ vài ngày). Thanksgiving lại gặp nhau và lễ Giáng Sinh lại gặp nhau...Tình thương yêu trìu mến của gia đình là quý nhất và là vốn sống quý nhất của Huệ.
Tonka ơi, chị Huệ nghĩ đến Tonka và bà chị của Tonka luôn luôn.
P.S. Ai ơi, chạy đâu thì chạy, không cần phải chạy dô đây trả lời nhé.