Bữa nay rảnh, Huệ sẽ kể các bạn nghe sự nghiệp làm bếp của Huệ.
Nói nào ngay, tổ tiên Huệ cũng hào hùng, hiển hách lắm. Mẹ kể bà ngoại ngày xưa giã mực làm chả mực, giã thịt ức gà ra làm chả gà, bà không phải tay vừa, những món ngon mà con gái của bà bây giờ hơn tám mươi vẫn còn nhắc. Bà nội thì món gì cũng biết làm, từ những món mắm tép đỏ au, món mắm trứng cá thu thơm lừng, từ quả cà pháo muối dòn trắng nõn, chum tương ngọt lịm, cho đến chả quế, nem dê.
Nhưng giặc Pháp gây tai họa bạc triệu. Tới đời mẹ của Huệ thì bao nhiêu bí kíp của hai bà nội ngoại đành phải thất truyền. Mẹ viện cớ đi học nên không có giờ vào bếp. Khi cha xin bà nội cưới mẹ cho cha, bà nội kinh hoàng. Cha phải mua mấy cuộn dây thừng về dọa thắt cổ, bà nội kinh hoàng hơn, bèn cưới cái cô nói tiếng tây lốp rốp cho cha. Cô dâu tây (strawberry) được tha tào, không phải làm bếp vì nhà nội nhiều người giúp việc lắm. Khi cô sinh đứa con đầu lòng, nội thương, chăm sóc và dặn kiêng khem đủ thứ. Thế mà mới sinh được nửa tháng, cô lén bà, nhảy tòm xuống hồ bơi xây gạch để bơi cho mát, bơi luôn vào nhà thương. Nói tóm lại, mẹ không theo đường lối cổ truyền, không có biết làm bếp, không chịu học làm bếp cho đến khi phải tập tành nấu cơm cho cha, bắt đầu từ lúc bà nội cho cha mẹ ra riêng. Tới khi Huệ lên trung học, mẹ cũng chỉ biết sơ sơ vài món tủ mà mẹ thường nấu cỗ cúng ông bà, vài món mứt, vài món bánh nướng lò, món chả giò, bánh chưng, bánh dầy đậu, đậu hũ nước đường. May cái là những món tủ của mẹ lại rất ngon, phải nói là ngon tuyệt cú mèo. May cái nữa là nhà lúc nào cũng có người giúp việc. Khi bé út còn nhỏ, nhà có hai người giúp việc, một chị bế em, một chị đi chợ, giặt giũ, nấu ăn. Khi bé út đi học, nhà còn một người giúp việc. Khi nhà chỉ còn một mình mẹ, vẫn còn người giúp việc và mẹ luôn luôn o bế người giúp việc. Mẹ đi xe velo solex từ những năm 1955. Đến đời xe Honda, mẹ mua một chiếc pc, tặng chiếc velo solex cho người đi chợ. Khi chạy giặc từ Nha Trang vào Sài Gòn, mẹ dẫn theo người giúp việc. Khi xuống tàu hải quân để di tản sang Mỹ, mẹ vẫn dẫn theo người giúp việc.
Mẹ tài ba chỉ có nhiêu đó thì hỏi con ra răng. Huệ học đại học, ở nhà bà nội, lại cũng có người bếp nấu ăn mỗi ngày. Bữa nào người giúp việc về quê, cô Út chia phiên cho Huệ nấu ăn, Huệ nội ơi nội hỡi, tiêu để chỗ nào, nước mắm để ở đâu, bà nội lại phải nấu giùm, cô Út sùng Huệ lắm. Có bữa cô trụng gà xong, giao cho Huệ nhổ lông gà để chiều đi làm về cô nấu cơm, cô hăm he Huệ không được hành bà nội. Huệ cặm cụi nhổ lông gà từ hai giờ trưa cho tới năm giờ chiều thì tới khúc đầu gà. Cái nhíp nhổ lông gà bướng bỉnh, không chịu làm việc, đầu gà vẫn một đống lông con, thấy mà ghét. Huệ đâu có hành bà nội. Huệ chỉ phổ nhạc bài lục bát. Và Huệ hát.
Bà ơi cháu rất yêu bà,
Đi đâu bà cũng mua quà về cho.
Hôm nay có cái con gà,
Cô chia cho cháu thật thà nhổ lông,
Cháu mà nhổ mãi không xong,
Cô về cô sẽ đánh cong đích giò.
Đến khi đồng hồ đánh đinh đoong năm giờ, bà nội vừa cảm động với tình yêu hối lộ của cô cháu nội đích tôm, người ngày xưa đã ban cho nội niềm vui làm bà lần đầu tiên, bà vừa run rẩy sợ cô con út, công chúa cưng của bà, bà bèn tịch thâu cái nhíp và trao cho Huệ một cái "đao" nhỏ, hạ lệnh lột da đầu (gà). Cô đi làm về, cổng mở, con gà trong bếp đã nõn nà chờ bàn tay thần thoại của cô.
Đời ta cứ thế mà làm biếng. May phúc tổ tiên, đoảng thế mà khi học ra trường thì cũng có người đến rước Huệ. Cha mẹ biết con gái cưng có chạy đằng trời thì cũng phải làm quen với ông Táo. Ngày đằng trai đến rước dâu, cha mẹ đọc một bài diễn văn, cáo lỗi sự thiếu sót của mình và xin các chị bên chồng cho em ghi danh học tập. Ngay hôm sau ngày cưới, các ông anh chồng tình nguyện dạy trước. Các anh chồng rủ nhau đem củi ướt vào bếp, sai cô em dâu mới ra lò vô lò nấu cơm chiều. Chu choa ơi, khói cứ gọi là như mây chiều trong bếp, còn Huệ thì ho sặc sụa trong tiếng cười của mấy ông anh chồng nghịch như con nít.
Sau tuần trăng mật ở ngoài mặt trận, Huệ trở về Sài Gòn bắt đầu cuộc sống của một người đã nên bề gia thất. Lúc đó vợ chồng Huệ đang xây căn nhà đầu tiên làm tổ ấm. Nhà đang xây gần xong nên Huệ về ở tạm với chị chồng hai tháng. Chị là một nàng Giáng Tiên, mỗi ngày chị hóa phép là trong tích tắc các bữa ăn ngon lành hiện ra trên mâm. Nhà có gà vịt trong chuồng, chợ gần, chị làm hết món này đến món khác, từ vịt quay chảo cho đến canh rau tập tàng. Huệ hỏi sao chị chiên trứng, trứng phồng thật ngon mắt, trứng chiên của em thì tẹt dí. Chị trả lời, ừ tại mợ hà tiện quá, bỏ thêm mỡ nhiều nhiều vào thì trứng chiên sẽ phồng ngay. Chị dạy cho Huệ đăm cối nước mắm ớt đầu tiên. Chị dạy Huệ kho cá ngừ ớt kiểu Quảng Ngãi, giảng cho Huệ hiểu đường và ớt thật nhiều sẽ giải độc cho cái phong trong cá ngừ. Chị dạy Huệ kho cá lóc khô. Chị dạy Huệ làm ram, làm chả. Chị dạy cho Huệ đổ bánh xèo, đúc bánh căn, nấu bánh canh, làm xôi gấc. Chị dạy Huệ soạn một rổ rau sống cho mỗi bữa ăn. Chị dạy về lửa lớn, lửa nhỏ, lửa dầu, lửa than, đậy nắp, mở vung. Chị dạy rim tôm thế nào cho tôm không chảy nước.
Thế là nghề làm bếp của Huệ bắt đầu có bài bản. Bà chị chồng giáng tiên của Huệ là một người thầy giỏi, nhưng Huệ lại không lãnh hội hết được bài bản của sư phụ. Huệ bắt đầu tập tành, nhưng những món ăn Huệ nấu vẫn còn ở lớp vỡ lòng và ở lớp vỡ lòng hơi lâu. Thế rồi ngày 30 tháng tư đến, hết nấu. Huệ chỉ bắt đầu thật sự nấu lại khi con đến tuổi biết ăn cơm, mỗi ngày có khá hơn được một tị, nhưng vẫn chậm rì, mà biển học thì mênh mông, các món ăn ở đâu ra mà nhiều thế.
Con bây giờ đã hơn ba mươi rồi, nhưng nghề nấu của Huệ vẫn chưa tốt nghiệp, vẫn còn hỏi những câu hỏi rất ngây ngô làm cho các bậc thầy những luống ngẩn ngơ.
Huệ vẫn còn học, học và học mãi...
Huệ đành lấy tương lai làm hy vọng.