Trời lạnh nói chuyện len (3)Cừu có lẽ là loài thú hoang thứ hai được đem từ rừng về thuần hóa, sau chó. Người ta đem cừu về vì cừu hiền lành, cho thịt, cho sữa, cho da làm quần áo che thân, mà khỏi phải mỗi lúc cần là lại phải vào rừng săn bắn. Có lẽ loài người nghĩ ra cách se sợi len để dệt khi mà họ nhận ra rằng len ấm nhưng không cứ phải giết cừu mới có được len. Họ bắt đầu xén lông cừu và tìm cách biến lông cừu thành sợi. Cừu nhờ vậy mà tuổi thọ cũng kéo dài được đôi chút và thế là từ từ nghề nuôi cừu lấy len và nghề buôn bán len cũng bắt đầu.
Kinh Cựu Ước có nhắc đến việc chăn cừu và thành Babylon giàu có trong Kinh Thánh đã một thời thịnh vượng nhờ ngành buôn bán len cừu. Nuôi cừu cần đồng cỏ, cần dẫn cừu đi tìm đồng cỏ mới, nên việc nuôi cừu cũng đã đóng một vai trò trong việc trao đổi và gây ảnh hưởng của các nền văn minh xưa cổ. Khoảng giữa những năm 3,000 và 1,000 trước Công Nguyên, cừu và len cừu đã theo các nhà buôn Ba Tư, Hy Lạp, La Mã đi đến khắp các góc trời châu Âu. Những giống cừu mới cũng được gầy nên vì sự di chuyển và vì sự tiến hóa theo khí hậu mới. Khi đế quốc La Mã bành trướng sau Công Nguyên, người La Mã đem cừu đi khắp nơi, đến chỗ nay là Tây Ban Nha, các đảo của Anh và ngay cả qua phía bắc của châu Phi. Người La Mã đã thiết lập một trang trại nuôi cừu và sản xuất len ở vùng nay là Winchester, Anh Quốc, từ những năm 50 sau tây lịch. Những người dân du mục của sa mạc Syria - Ả Rập, sau khi chinh phục Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ 8, cũng dựng nên một ngành xuất cảng len đẻ bán ra cho các nước bắc Phi, Hy Lạp, Ai Cập và vùng Constantinople.
Ngành dệt len lan qua vùng Florence, Genoa và Venice của Ý lại là do khoảng hơn một trăm người Hy Lạp thất trận trong chiến tranh với người phương bắc, bị bắt làm nô lệ và đưa qua Ý, vào thế kỷ thứ 12. Tay nghề tinh xảo của những người Hy Lạp liền lập tức được người Ý học ngay. Từ Anh qua, từ Ý lên, cừu và len tiếp tục chu du bốn phương tám hướng. Ngành dệt len đóng góp rất nhiều vào sự hưng thịnh về kinh tế của nước Anh, Pháp, Bỉ, Đức. Khỏi phải nói, Tây Ban Nha vẫn nổi tiếng nhất với len cừu của mình, nhất là len Merino. Cuối thế kỷ 15, chính nữ hoàng Tây Ban Nha Isabella đã tài trợ chuyến đi tìm ra châu Mỹ của Christopher Columbus bằng tiền xuất cảng len mà hoàng gia thu được.
Rồi cừu và len theo tàu biển qua châu Mỹ và châu Úc. Hiện nay, những xứ sản xuất nhiều len nhất thế giới là Úc, Tân Tây Lan, Nam Phi và Á Căn Đình.
Nguồn: Brishtish Wool Marketing Board