Tôi đọc không nhiều, nhưng định mệnh đã cho tôi có dịp đọc được những truyện ngắn từ bốn phương, nhiều truyện ngắn đọc xong không chịu rời, mà lại vương vấn suốt đời, tiêu và tan trong cách suy nghĩ và chọn lựa của tôi. Mấy năm trước, lần đầu tiên đọc những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, tôi không hề biết tiểu sử tác giả. Nhưng tôi mê say tìm đọc thêm. Đọc xong khoảng 80 truyện ngắn đăng trên Văn Nghệ Sông Cửu Long, tôi nghĩ Nguyễn Ngọc Tư là người viết truyện ngắn hay nhất mà tôi từng được đọc, trong hơn năm mươi năm biết chữ của tôi. Từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác, tôi mải miết tìm đọc cái văn phong mới lạ, hồn nhiên, tìm đọc những tấm tình đơn sơ bình dị, đầy ắp tình người, tìm đọc những vẻ đẹp có thật mà lại ẩn lấp đâu đây trong cuộc sống. Đến khi biết ra rằng Nguyễn Ngọc Tư là một tác giả tuổi hãy còn rất trẻ, một cây viết rất mới, tôi lật đật đọc lại những câu kết luận gọn ơ của tác giả trong mỗi truyện ngắn. Tôi bắt đầu thầm hỏi không biết Nguyễn Ngọc Tư đã viết từ đâu, từ vốn sống hay từ trái tim nhân hậu của riêng mình. Dòng Nhớ là một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, tôi đọc năm 2004.
Câu chuyện xoay quanh một gia đình sống êm ấm hạnh phúc, nhưng không vui (hai thứ này sao lại không thể đi chung). Ba tôi là người cha lý tưởng, rất mực thương yêu, chăm sóc má tôi, làm tròn bổn phận, ba đã sống tốt với cả nhà tôi lắm rồi. Hơn ba mươi tám năm về nhà chồng, má tôi sống kề cận ba tôi, ban ngày ngoài ruộng, ban đêm chung giường, ngó mặt nhau ăn cơm, ngủ cũng đâu mặt lại ngủ. Những ngày gia đình còn ở trước mé sông, ngày nào ba tôi cũng chống cây gậy khật khừng lang thang xuống bến. Đêm đêm cả nhà đi ngủ, ba tôi ngồi hút thuốc trên bộ vạc kê trước nhà, chống rèm lên, ngó ra sông. Những đêm trước bến có chiếc ghe hàng bông cắm sào chong ngọn đèn nhỏ, ba tôi hút thuốc dữ, cứ nhìn chong chong ra ngọn đèn đỏ ối, nhỏ nhoi, buồn hiu ngoài kia. Ba tôi thở dài. Má tôi thở dài, chạy qua buồng bên khóc với bà nội tôi. Sau khi nội mất, má tôi tìm cách gặp mặt người đàn bà chở ghe hàng bông, người vợ cũ, người vợ bạc phước của ba tôi, để biểu người ta buông tha ba tôi ra. Nhưng gặp xong, má tôi lại thương, không nói được điều gì, để rồi sau đó lại tự ý dọn gia đình khỏi bến sông, về chợ. Thế là hai bên mất dấu. Được một thời gian dài, sau cơn tai biến mạch máu não lần thứ hai, quên quên nhớ nhớ, ba tôi lại thơ thẩn chống gậy đi tìm bến sông. Thương ba, má tôi lại dọn nhà từ chợ về sông và thường mướn đò chèo dài dài theo chợ nổi để tìm dì tôi, để coi ba có đỡ hơn không. Nhưng rồi ba tôi mất, mà má tôi cũng chưa tìm ra được tăm dạng dì. Tới giờ này, xấp xỉ lục tuần, má tôi vẫn mướn đò chèo dài dài chợ nổi, tìm bóng chim tăm cá. Má vẫn tìm, để nói cho dì hay và nói với dì, nếu sống mà không gần được, chừng nào chết, mời dì lên nằm trên đất vườn tôi.
Đó là câu chuyện của Dòng Nhớ. Tôi đọc xong vẫn bàng hoàng, băn khoăn. Đây là câu chuyện có thật, câu chuyện hằng hà sa số giữa đời mà Nguyễn Ngọc Tư đã thi vị hóa để kể lại cho chúng ta nghe, hay nhà văn trẻ đã lấy cảm hứng từ một hình ảnh nào trên sông nước? Một người viết trẻ, sống chưa nhiều, sao lại có con tim yêu của một ông già nằm bên vợ mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy? Một người vợ trẻ như Nguyễn ngọc Tư làm sao hiểu nổi cũng vì ba tôi quên không được mà má tôi mới thương ông nhiều? Những chuyện tình tay ba như vầy, trên thực tế hay trong văn chương hư cấu thế nào cũng có điều gay cấn, ghét ghen, làm cho ra lẽ. Vậy mà trong Dòng Nhớ, tình yêu thương mới đằm thắm làm sao.
Ai đọc Dòng Nhớ mà không xót xa cho người vợ cũ. Vì đã có một đời chồng trước, Hai Giang không được bà mẹ chồng sau này công nhận, không được bước vào ngưỡng cửa đại gia đình, vợ chồng phải dắt díu tha phương, làm thuê, gặt mướn, bán ghe hàng bông, đến nỗi đứa con gái nhỏ mới biết bò rớt xuống sông, trôi mất xác. Biết đâu cái thảm kịch mất con đã làm cả hai cùng mặc cảm, một trong những lý do dắt dây đưa tới sự tan vỡ, chia lìa. Người chồng trở về quê cũ với mẹ, cưới vợ mới, thêm hai đứa con. Nhưng ròng rã mười mấy năm, Hai Giang thỉnh thoảng vẫn cắm sào trước bến đêm, rạng sáng lặng lẽ ra đi. Có câu "vợ chồng cũ không rủ cũng tới", nhưng không thấy hai người vợ chồng cũ này gặp nhau, hay tìm cách gặp nhau. Người vợ cũ ghé về, chỉ để ngồi thêu tới thêu lui cho hết đêm, rồi vội vã ra đi trước khi người ta thức. Người chồng cũng biết vậy, nhưng cũng chỉ ngồi trong bóng đêm trên tấm vạc, ngó mong và thở dài. Một người thương nhớ thì đem áo quần chồng con ra giặt, giữ ba cái chén ăn cơm như những ngày còn có nhau trong cuộc đời đạm bạc. Người kia thương nhớ thì ban ngày ra đầu bến vắng mân mê cỏ cây còn ở lại. Thương vẫn còn thương, nhưng cả hai không ai muốn trói buộc, phiền lụy người kia. Bà mẹ chồng chừng như cũng trăn trở, bứt rứt vì chuyện đã rồi. Nguyễn Ngọc Tư không lên án chuyện một vợ hai lòng, đã vậy còn cho rằng tình nghĩa vợ chồng cũ như thế mới là tử tế. Quan niệm sống như vậy mới là đẹp này đã làm Nguyễn Ngọc Tư tạo nên nhân vật người vợ mới với một tình yêu cao thượng, dịu dàng. Người đọc chỉ thấy bà khi ghen thì khóc với mẹ chồng, oán trách mẹ chồng suốt đời sao lại chọn mình mà cưới cho con. Không thấy bà dằn vặt, hờn giận, đặt điều kiện, làm trận làm thượng với chồng. Có cay đắng nhất bà cũng chỉ nói với con "hồi nào giờ ổng có phải của tao đâu mà giữ". Suốt mười mấy năm lặng lẽ nhìn chồng ngó mong ra dòng sông tối, suốt cả bốn mươi năm sống hạnh phúc bên chồng mà vẫn thấy mơ hồ dường như mình mắc nợ ai đó, không thấy ai đòi, nhưng nợ vẫn cứ là nợ. Không nghi ngờ, không rình rập, nhưng vẫn cứ muốn biết cái tình gì mà còn đeo đẳng bao năm. Tất nhiên người vợ cũng muốn biết người đàn bà kia khác mình ra sao mà bao năm mình vẫn không hoàn toàn thay thế được. Cuộc gặp gỡ đối thủ cũng phải chờ khi có dịp, từ tò mò chuyển sang thương cảm, rớt nước mắt xót xa, người vợ ngồi bình tâm nghĩ lại, vậy thì mình nhỏ nhen gì mà dành với người ta chút này nữa. Bà đã định yên lặng ra về, không nói, không đòi ai phải buông tha chồng mình ra nữa. Nhưng cái câu nói "Nếu ảnh có quay về, chị đừng giận ảnh nghen. Người ta có đi đâu, làm gì thì cũng thương mình chị thôi" đã làm bà bứt chồng phải xa sông.
Đọc Dòng Nhớ nhiều lần, tôi vẫn còn băn khoăn không biết cái đạo mà Nguyễn Ngọc Tư muốn tải là tình xưa nghĩa cũ, là tình vợ yêu chồng, là thân phận đàn bà thương lẫn nhau, là tình người với người, hay là tất cả. Nhưng chắc chắn một điều tôi càng đọc càng thấy Dòng Nhớ là một truyện ngắn chuyên chở rất nhiều. Tôi không khỏi mỉm cười khi người vợ vừa mới gặp mặt người cũ của chồng thì so sánh liền, xấu hơn mình nhiều, tới mười sáu năm sau, khi chèo xuồng đi tìm, vẫn còn tả bà già nay đã sáu mươi không đẹp không xấu. Vậy thì cái bí mật của người đàn bà không đẹp không xấu này là sao? Là trong cái yên lặng, nín chịu, chỉ cắm sào lại để nhớ thôi. Là chỉ hẹn người trong chiếc đèn con chong lên cây đước thôi. Là trong tấm lòng đơn sơ vần tin yêu qua những câu nói "Uống trà, chị, hoàn cảnh của chị cũng buồn thiệt. Nhưng thế nào rồi ảnh cũng quay về. Thiệt đó chị, đa số đàn ông đều tốt", "Mà đàn ông chịu cực khổ nhiều lắm rồi, lấy nước mắt trói buộc họ nữa, tội họ lắm chị à".
Tôi không dùng một truyện ngắn như Dòng Nhớ để thuyết phục người đọc cái cảm quan của tôi về truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Tôi dùng truyện ngắn này để đọc nhẩn nha, đọc đi đọc lại, để bàn chuyện cho vui với anh, với chị, với em. Dòng Nhớ chỉ là một truyện ngắn, có chở được nhiều cũng chỉ chở được trong một truyện ngắn. Phải đọc thật nhiều những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư mới thấy sự thành công của nhà văn trẻ này vượt quá tính đặc thù địa phương, vượt quá sự đa dạng về đề tài, vượt quá lượng tác phẩm và sức sáng tác, vượt quá những khốc liệt và đột biến của tình tiết, vượt quá cái văn phong đầy sáng tạo, sử dụng ngôn ngữ nói trong ngôn ngữ viết. Những nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư nào có xa lạ với ai. Mặc dầu họ có mặt ít hơn trong văn chương, không nghiêng vành nón, không oai hùng, nhưng họ có mặt nhiều hơn trong cuộc đời thực tế. Những tâm tình trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư cũng không hẳn là mới lạ gì, đâu đó trong cuộc sống, ờ, làm như chuyện này giống chuyện thật. Nhưng qua những nhân vật thường ngày và giọng văn kể chuyện, Nguyễn Ngọc Tư đã khẽ khàng đánh thức những giá trị đồng thuận của một xã hội bình yên. Cái hay là sự đánh thức này không truy xét, không hạch hỏi, không thay đổi, không làm sụp móng hoặc tróc nóc những giá trị đã un đúc cái thiện của con người và nuôi dưỡng cái lành của xã hội. Sự đánh thức chỉ nhẹ nhàng đưa người đọc đến một chỗ nhiều hiểu biết hơn, nhiều bao dung hơn, nhiều thương xót hơn. Trở lại Dòng Nhớ, Nguyễn Ngọc Tư khen người đàn ông có vợ mà vẫn tử tế với người xưa của mình trong câu "Mà, cũng vì ba tôi quên không được má tôi mới thương ông nhiều, sau nầy, lớn lên, biết yêu thương rồi, tôi mới ngộ ra. Con người ta, nhất là đàn ông thương ai mà vì nỗi gì đó quay lưng lại quên mất tiêu thì đúng là không tử tế, không đáng tin chút nào". Nghe cho kỹ, không làm được điều này, theo Nguyễn Ngọc Tư, là chưa lớn lên, chưa biết yêu thương, chưa ngộ ra. Nguyễn Ngọc Tư không phá hủy lòng tin cậy giữa vợ chồng nên nhân vật chồng và nhân vật Hai Giang không thấy có chuyện tư tình hay gặp gỡ. Ra ngoài Dòng Nhớ, trong truyện ngắn Một Chuyện Hẹn Hò, Nguyễn Ngọc Tư dùng con cóc làm người nhân chứng, kể một chuyện ngoại tình, ngoài ông trời ra thì chỉ có một mình Cóc biết. Kể lể về người chồng vũ phu, thô lỗ, về người vợ héo hắt, lam lũ, lúc nào cũng khô quắt, cả lúc chồng không đánh, chị cũng gồng lên như gánh một gánh vô hình, nhưng tác giả vẫn vô hình chung đồng ý với người đàn bà rằng con chị nếu biết mẹ đi đâu, làm gì nó sẽ bị bão quăng quật, hành hạ suốt đời. Rõ ràng là một chuyện ngoại tình. Rõ ràng là một người đàn bà ngoại tình. Nhưng người đàn bà này dẫu có tội cũng thà trả cái tội của mình bằng giá mạng sống, chứ nhất định bảo vệ con, không thể chỉ vì cái mạng của mình mà để con xấu hổ hay đau khổ suốt đời. Mạng sống của chị đã mua được điều này, đứa con không bao giờ biết điều Cóc biết. Nó chỉ tin mẹ chết vì cơn bão lật xuồng. Gần đây, trong một truyện ngắn mới, Những Mùa Trăng Ướt, Nguyễn Ngọc Tư còn đi xa hơn một bậc, cái thử thách không chỉ dừng ở chỗ thiện, mà đã tới chỗ chân, nghĩa là qua khỏi lãnh vực luân lý và đến lãnh vực triết lý. Qua truyện ngắn này, người đọc sẽ thấy Nguyễn Ngọc Tư ngầm so sánh hai chú lục (còn gọi là chú điệu), mỗi chú vào chùa bằng một hoàn cảnh khác nhau, với hai hướng đi khác nhau, chú lục nào tu, chú lục nào phạm giới, vì đâu chú lục Nhêm nghe được lời khen mà nỗi buồn lại cào cấu nát lòng.
Thật đáng tiếc, vài ba truyện ngắn không đủ nói được đôi điều tiêu biểu về Nguyễn Ngọc Tư. Hơn chín mươi truyện ngắn cũng chưa thể nói hết được cái sắc bén của ngòi bút trẻ. Những suy nghĩ mới vẫn còn đang được tiếp tục giới thiệu. Mà cảm nhận của người đọc thì lại là rất đỗi riêng tư.