Tạm biệt những người bạn PNV của Huệ. Để chuẩn bị cho một chuyến đi xa, Huệ sẽ bắt đầu vắng mặt ngày mai, hơn một tuần mới trở về và lên net được. Ở nhà ngoan nha, Huệ để sẵn đây một niềm vui cũ kỹ, mời đọc nha.
Ngày Mới
Tiếng gõ cửa đánh thức Mai dậy lúc ba giờ sáng. Cô Mai ơi, mẹ em sai em qua hỏi cô có muốn ra chợ bán hàng hôm nay không. Bán hàng gì hở em? Mẹ em nói hôm trước cô hỏi mẹ em mua heo ở đâu để bán ngoài chợ Trương Minh Giảng, bữa nay người ta giao cho mẹ em nguyên một con heo, nếu cô muốn bán bữa nay thì mẹ em để lại cho cô nửa con, nhưng mà cô phải trả lời liền. Cái gì đó em? Mới sáng sớm mà tính đi đâu vậy, mà mua bán cái gì đó? Anh à, con bác Năm qua cho hay có thịt heo cho em ra chợ bữa nay rồi, thôi anh để em đi sớm còn dọn hàng. Trời đất! Em nói giỡn hay em nói chơi? Em biết buôn, biết bán hồi nào? Nhỏ lớn tới giờ em chỉ biết ôm cái cặp đi học, ra trường đi làm cũng ôm cái cặp, bây giờ đòi đi bán thịt heo thì bán làm sao? Để cho em đi kẻo trễ. Em đã nói viêc gì em cũng làm được. Người ta làm được, em làm được. Em muốn cho anh thấy em không chê việc gì cả. Em không muốn anh bây giờ sa cơ thất thế, phải ra đường lam lũ để mưu sinh. Nhưng nhà mình chỉ có hai miệng ăn, mình cũng còn chút vốn liếng, để thủng thẳng mình kiếm chỗ nào buôn bán lâu dài, anh sẽ phụ với em. Không dươc đâu anh, bây giờ anh “về hưu” rồi, em không cho anh cực khổ. Anh phải để em lo, nhà mình chỉ có hai người, nhưng gia đình chị Mười chạy từ Nha Trang vô đây mười mấy người, gia đình chi Tám có bốn người, đám cháu, bà Lực...tất cả hơn hai chục người...chỉ bán ba cái trà đá với khoai lang luộc, làm sao đủ ăn, chẳng mấy chốc mà ăn vào vốn. Thôi thì anh đi bán với em, chớ em vừa ra trường, anh mới cưới em về chưa được một năm, sao đành để cho em gánh nặng...Không được, em đã nói không được là không được mà. Anh suốt tuổi thanh niên gian khổ, hy sinh đã nhiều, bây giờ “nghỉ hưu” thì về nhà làm thơ, đọc sách cho em, để em “quay tơ” em trả ơn anh. Thôi, em đi nha anh.
Thế là trong vòng mười lăm phút Mai đã ra khỏi nhà, đạp xe từ Thị Nghè qua xóm cầu Trương Minh Giảng. Mai tới nhà bà Năm, ở kế bên nhà chị Tám của chồng. Đường phố Sài Gòn đầu tháng năm 1975 chỗ nào cũng rợp bóng cờ sao. Những người từ miền Trung chạy vô đây một số đã quay về miền Trung, một số khác không hiểu sao vẫn còn do dự ở Sài Gòn.
Cô Mai à, tui hỏi thiệt cô nha, cô có dám bán thịt heo không? Dạ dám. Mà cô bán ở đâu? Ủa, chẳng phải bà Năm biểu cháu bán ở chợ Trương Minh Giảng sao? Chỗ đâu mà bán. Bán trong chợ Trương Minh Giảng cô phải có sạp như tui. Hay là cô qua phía chùa Miên bên kia đường trước nhà, bển có cái chợ chồm hổm, cô trải tấm ny lông ngồi dưới đất bán dược không, tui cho cô mượn một tấm ny lông nè. Dạ, cám ơn bà Năm, cháu sẽ qua bán bên chùa Miên. Mà làm sao cháu lấy được thịt heo? Được rồi, cô cứ qua bên chùa Miên đi, tui sẽ biểu người ta giao nửa con heo qua bển cho cô.
Hương ơi, dậy đi. Mai muốn nhờ Hương qua bên chợ chùa Miên với Mai, đợi người ta giao thịt heo thì nhận giùm Mai. Có tấm ny lông đây nè. Nhớ lấy hai cái đòn ngồi đem theo, với giấy theo để gói thịt heo. Mai qua bển với Hương để kiếm chỗ ngồi rồi Mai phải đi mượn dao, mượn cân nữa.
Mai băng qua đường Công Lý.
Bà ơi, bà thức dậy sớm quá vậy. Cháu có việc này muốn nhờ bà. Bà có thể cho cháu mượn vài con dao với một cái cân được không ạ? Cháu phải ra chợ bán thịt heo hôm nay mà cháu không có đồ nghề. Khổ thân cháu tôi, hồi xưa bà bỏ tài sản, sự nghiệp, cửa nhà để vô đây đi cắt rau muống thuê, bắt đầu lại. Bây giờ tới cháu tôi bỏ nghề nghiệp để đi bán thịt heo! Mà cháu có biết buôn bán là gì không, hở cháu? Có ai phụ với cháu không? Dạ, cháu sẽ ráng. Có Hương là cháu chồng, mà cũng là bạn học của cháu, đi bán phụ với cháu, bà đừng lo. Cháu đi bán thịt heo để kiếm đồng tiền lương thiện, giống như những người đang bán thịt heo khác thôi. Thịt heo chỉ cần bán từ sáng đến chiều là thu lại vốn, có chút lời mua gạo, củi, than. Nếu cháu bán ế thì cả nhà có thịt ăn, cũng đỡ hơn đi mua. Nhà bà không có loại cân bằng sắt để cân thịt đâu cháu à, chỉ có cái cân nhựa này, mấy cô của cháu thường cân bột làm bánh ga tô, cháu có lấy không? Dạ tốt quá, bà ạ Còn mấy con dao này cũng không được sắc lắm, dao cắt trái cây ấy mà, có được không cháu? Dạ được, cháu cám ơn bà. Thưa bà, cháu đi.
Nửa con heo! Trời ơi, nửa con heo nó bự chần dần và nó nằm một đống! Cái tấm ny lông dỏm này nó nhỏ chút teo, lấy chỗ đâu tui để cái cân mượn của tui, hỡi trời. Hương ơi, Hương ơi, mới đây mà Hương đã đâu mất rồi! Tui sẽ bán thịt heo cho ai và tui phải bắt đầu từ ngõ nào đây? May mà con heo này nó không có cái đầu. Không biết tui nên chặt hai cái chân, ủa quên, hai cái giò heo của nó trước hay là tui nên lạng da nó ra cái đã? Tại sao hồi ở trung học hay ở trường luật thầy cô tui chẳng ai chịu dạy tui cách xẻ thịt (nguyên một con) heo? Bà Năm nói là “ra thịt” chứ không phải xẻ thịt. Rắc rối quá. Trời đã sáng bửng lên rồi và đã có người bắt đầu mua bán. Mấy con dao này lụt nhách, tui cứa qua cứa lại hoài mà chăng thấy cái gì đứt hết, con heo này nó lì hay là tại mình ngu! Ăn thì biết, mà làm thì dở ẹc. Hồi nãy lại còn nói bảnh, người ta làm được, em làm đươc, xí, chỉ nói dóc là giỏi.
Nè, cô ơi, bác cho cô mượn mấy con dao này, với cái thớt nữa, chừng chiều bán xong cô trả dao thớt lại cho bác nhé. Mai ngước lên, vừa ngượng, vừa cảm động, lí nhí cảm ơn bà cụ tốt bụng. Chắc bà cụ âm thầm ngắm Mai nãy giờ.
Hú hồn, loay hoay một hồi rồi thì Mai cũng xẻ được thịt ra thành từng loại. Nào da, nào mỡ, nào thịt đùi, thịt vai, thịt ba rọi, thịt mông, hai cái chân giò, một thỏi thịt thăn, một tảng ba sườn và một mớ thịt vụn, từ nửa con heo không đầu, tất cả cân nặng hai mươi mốt ký. Bấy giờ nàng Hương mới yểu điệu trở lại. Té ra nãy giờ nàng chạy về nhà cô Tám, kiếm đồ nghề che mặt cho bớt mắc cỡ. Coi nàng sang thiệt là sang. Đi bán thịt heo thời buổi này, người ta giống y mẹ mốc, còn nàng thì đội trên đầu cái nón sombrero nhập cảng từ Mễ Tây Cơ. Chiêc nón rộng vành chỉ che được nửa khuôn mặt hoa khôi có đôi má màu hoa đào nổi tiếng đất Nha Thành của nàng. Nàng cũng dễ thương đem thêm cho thím Mai của nàng chiếc nón bài thơ. Còn cái gì nữa đây? Hương còn cầm theo tay một cuốn tập học trò và một cây viết chì, để làm việc cho nghiêm túc. Cô sinh viên chuyên giúp mẹ bán sách ở tiệm bữa nay đi bán thịt heo cũng có phong cách hơn người.
Giá cả thì Mai đi chợ hằng ngày rành lắm, nói một tiếng một, thịt nào bán giá nấy nhất định, không kỳ kèo gì cả nhé. Chỉ phải tội cái cân quá nghệ sĩ, nghỉ cân bột cân đường, giờ cân thịt cân xương, nó nhún nhẩy những vũ điệu ly kỳ, làm cái kim run rẩy, lắc lư, nghiêng qua, ngó lại, số nào cũng có vẻ đúng, thôi đành để người mua ngó cái cân mà quyết định miếng thịt nặng bao nhiêu. Và cứ thế mỗi lần Mai cân thịt xong, Hương lại lấy giấy bút ra làm toán nhân khẩn cấp, làm xong có làm phép thử đàng hoàng, trước khi tuyên bố món tiền khách mua phải trả. Rồi cầm tiền xong, Hương kéo cái nón sombrero trữ tình thấp xuống, che mặt tiếp.
Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, cái sạp hàng bằng ny lông xập xệ của Hương và Mai mới bán có chút xíu buổi sáng mà đã nổi tiếng. Các bà ơi, mua giùm mấy cô này đi, coi bộ mấy cổ không phải dân bạn hàng thứ thiệt, chắc dân học trò ngoài Trung mới chạy vô đây. Thôi mua giùm mấy cổ chớ tội nghiệp. Cháu ơi, bán cho bác nửa lạng thịt nạc dăm. Cắt, cân, nhân, gói. Dạ, cảm ơn bác. Con ơi, chặt cho dì một cái rẻo sườn non chừng độ hai trăm gà ram. Dạ, sườn non? Dạ, dì ơi, con thưa thiệt với dì, con không biết chặt sườn theo chiều ngang, dì cho con xẻ dọc theo cái bẹ sườn, con cân bao nhiêu dì mua giúp con bấy nhiêu dược không ạ? Dì cười chúm chím, được con. Mai xẻ sườn, còn Hương vẫn khúc khích. Cái hàng thịt heo này có giống ai đâu. Mà chợ cũng không phải chợ, nó chỉ là cái xóm lao động nhỏ, sáng ra ai có hàng thì kê một cái sạp gỗ tạm thời ở một góc nào kê được, bán tới trưa, tới chừng những bà nội trợ nấu xong bữa cơm trưa thì tất cả những người bán đem sạp vô nhà cất. Hôm nay tổ đãi, Hương và Mai mua may bán đắt, nhưng xóm nhỏ nghèo không tiêu thụ nổi hai mươi mốt ký thịt heo trong một buổi sáng. Ráng đến xế trưa thì Mai dọn dẹp ra về, cho giống người ta. Cả đại gia đình hôm nay có thêm thịt để ăn trong ngày. Số thịt còn lại buổi chiều Mai đem ra chợ Trương Minh Giảng, ngồi ké sạp guốc của dì Bảy, hàng xóm bà Năm, bán hoài rồi cũng phải hết.
Tổ ơi, sự nghiệp của Mai ngày đầu tiên đã trên đường đi lên như vậy, nhưng sáng nở tối tàn. Tối đó, Mai đang vui mừng tính sổ chi thu trong nhà chị Tám thì bà Năm qua. Cô Mai ơi, tui nói nhỏ cô nghe nhen. Thôi nhen, tui hổng dám nữa đâu, ông chồng của cô năn nỉ tui cả buổi, dặn tui đừng mua heo giùm cô, dừng để cô phải...qua chùa Miên nữa. Sáng ngày ổng qua bển hồi nào không biết, đứng dòm cô một hồi...
Hoài Hương